Recent Posts

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2009

Đoàn Minh Phượng

Có lẽ nên bắt đầu với Đoàn Minh Phượng bằng tản văn này: Tại sao tôi đọc tiểu thuyết. Có một đoạn rất hay, trích ra post lại ở đây:


Ngôn ngữ của chúng ta có một giới từ rất thông dụng là từ “để”. Học bài để thi đậu, đi làm để kiếm tiền, giao tiếp xã hội để có người quen mà nhờ vả, đi du lịch để mở mang kiến thức, nghe bài Cô Thắm về làng để thư giãn. Tôi nghĩ rằng gắn được vế sau của mỗi câu ở phía sau chữ “để” cho mỗi việc tôi làm là tôi có được mục đích lớn của cuộc đời: nó là tổng số của những mục đích nhỏ xíu và nhỏ vừa, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm.
Cho đến một hôm, một người bạn cho rằng tôi không biết sống trong hiện tại. Tôi sống, cùng lắm, chỉ được một nửa. Tôi nói: “Sống mới một nửa mà đã quá khó, sống trọn làm sao làm nổi?” Người bạn hỏi tôi: “Đứng một chân và đứng hai chân, cái nào khó hơn?”
Tôi về nghĩ lại.
Cuộc sống tôi là một chuỗi hoạt động đuổi theo những mục đích ở phía trước. Cuộc đời xảy ra vào ngày mai. Không bao giờ có hôm nay. Không bao giờ có sự ung dung trong hiện tại. Hình như lúc nào tôi cũng đang cố giữ thăng bằng, tôi như người đứng một chân thật.
.............
Để sống trọn vẹn hơn, theo người bạn học thiền của tôi, khi nói câu nào chỉ cần bỏ đi chữ “để” và cái vế đi sau đó. Đọc sách chứ không phải đọc sách để tích tụ kiến thức cho ngày mai. Nhìn trăng chứ không phải nhìn trăng để tâm hồn thư giãn. Để tâm hồn thư giãn không có gì sai, nhưng nó giới hạn sự nhìn trăng, cũng như đi tìm kiến thức trong một quyển sách loại bỏ những thứ khác trong quyển sách đó không được định nghĩa là kiến thức.

1 nhận xét:

Tit-Ti nói...

Em vẫn muốn hỏi, anh đăng bài viết này để làm gì? ;D