Recent Posts

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

... and so this is Christmas

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Oh My Love

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Hội hè miên man & Nhìn những mùa thu đi

* * 
Tôi ngồi một mình trong khu vườn đẹp. 
Gió xào xạc ngày một mạnh thêm, và lá vàng rơi vội vã không một chút tiếc nuối những ngày xanh trên cành. 
Trời sập tối rất nhanh, mới 5 rưỡi chiều mà đã phải lên đèn. Ánh sáng vàng hắt bóng rất đẹp và ấm áp.
Cà phê rất thơm, còn Susan Wong thì đang bắt đầu vào điệp khúc của bài "We' re All Alone":
Close the window, calm the light/And it will be alright/No need to bother now/Let it out, let it all begin/All's forgotten now/We're all alone.
Đó là lúc chuyển giao giữa ngày và đêm, giữa sáng và tối, của một ngày mà mùa thu bắt đầu chuyển sang mùa đông.
Đó là một thời khắc lạ lùng. Và tôi nhận ra, đấy là lần đầu tiên sau hơn 30 năm, tôi đã thực sự "nhìn" thấy một mùa thu đi. Tôi để cho đầu óc rỗng không và thi thoảng, lướt qua trong trí nhớ là giai điệu của những Wind of Change, Khúc Giao Mùa hay Nhìn Những Mùa Thu Đi.
Thật là tuyệt khi thả mình trong ranh giới mong manh và ngắn ngủi. Rồi tôi tự hỏi, không biết cảm giác sẽ như thế nào khi ở bên ranh giới giữa sự sống và cái chết? 
* * *
Tháng Mười Một bắt đầu bằng một chuỗi những hội hè đình đám. Tình cờ thế nào tôi lại có trên tay cuốn "Hội Hè Miên Man" của Ernest Hemingway. Tôi đã đọc nó vào đúng cái đêm mà trước đó mấy tiếng, tôi đã nhìn thấy một mùa thu đã đi qua. E.H đã bắt đầu câu chuyện như thế này:
Và thế rồi cũng đến lúc thời tiết trở nên tồi tệ. Nó tới trong đúng một ngày vào lúc mùa thu vừa tàn. Ban đêm chúng tôi đóng cửa sổ tránh mưa và ngoài kia, trên quảng trường Contrescarpe, từng cơn gió lạnh tuốt sạch lá trên cành.
Đó đúng là những gì đang diễn ra bên ngoài, khi tôi bắt đầu đọc những dòng đầu tiên của Hội Hè Miên Man. Nếu có khác, thì cũng chỉ là khác ở chỗ ngoài kia, thiếu mất cái quảng trường Contrescarpe. Bởi vì tôi đang ở Hà Nội chứ không phải Paris.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

A Quiz for November Nine


Hôm nay lò dò vào mấy trang chuyên về design, lằng nhằng một lúc thế nào lại ra life-style, rồi từ đó quẹo sang entertaining rồi đến chuyện cocktails linh tinh hầm bà lằng các loại.
Thế rồi nó có một cái Quiz: What Kind of Cocktail Are You?, cũng tò mò muốn biết thêm một loại cocktail có thể hợp với mình, liền bỏ thời gian trả lời 9 câu hỏi, rồi kết quả ra thế này.
"You are undoubtedly manhattan.
Like timeless manhattan, you exude urban sophistication. You are a perfect balance of sweet and strong and always stand out of the crowd."
Những cái khác thì không biết thế nào, chứ urban với lại cả stand out of the crowd thì cũng đúng đấy chứ? -:)
Manhattan thì rõ là một khu cực nổi tiếng ở NY rồi. Nhưng manhattan này thì không phải địa danh. Nó là cái này.

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

New World In the Morning


Everybody talks about a new world in the morning.
A new world in the morning so they say.
I, myself don't talk about a new world in the morning.
A new world in the morning, that's today.

And I can feel a new tomorrow comin' on.
And I don't know why I have to make a song.
Everybody talks a bout a new world in the morning.
New world in the morning takes so long.

I met a man who had a dream he had since he was twenty.
I met that man when he was eighty-one.
He said too many people just stand and wait up til the mornin', 
Don't they know tomorrow never comes.

And he would feel a new tomorrow coming on.
And when he'd smile his eyes would twinkle up in thought.
Everybody talks about a new world in the morning.
New world in the morning takes so long.

And I can feel a new tomorrow coming on.
And I don't know why I have to make a song.
Everybody talks about a new world in the morning.
New world in the morning takes so long.

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

November

1. "Into the Wild" của Jon Krakauer mà mình đã nhắc đến ở bài trước, đã được dịch ra tiếng Việt với nhan đề "Tìm trong hoang dã". Đọc bài giới thiệu mới biết Chris có gửi cho Ron Franz - ông bạn già 81 tuổi gặp trên hành trình của anh - một bức thư trong đó có đoạn như thế này:

"Có quá nhiều người sống nhàm chán nhưng họ vẫn không dám tiên phong đổi mới chỉ vì họ đã quen với một cuộc sống an toàn, tuân phục và bảo thủ; tất cả những điều đó có thể mang lại sự tĩnh tại trong trí óc, nhưng trên thực tế không có điều gì có khả năng gây hại cho tinh thần khám phá của con người hơn một tương lai yên ổn. Cốt lõi vô cùng cơ bản của tinh thần một con người là niềm đam mê phiêu lưu của anh ta, và do đó, sẽ không có niềm vui nào lớn hơn là những chân trời mới mở ra đến vô cùng, để mỗi ngày ta lại có thêm một vầng dương mới mẻ và khác lạ."

Dạo này mình nhàm quá mức, đến nỗi chính mình cũng thấy chán mình.

2. Lâu lắm mới lại gặp một bài viết của Hoàng Đạo Kính, một bài viết thú vị về "Chụp ảnh Kiến trúc". Có chê và có khen.

Chê, là chê cái sự vội vàng: 

"Tôi đồ rằng, ở thời xa xăm, khi máy ảnh còn là cỗ máy cồng kềnh đứng trên ba nhánh chân gỗ, khi chụp phải phủ chăn và miệng đếm lẩm bẩm hệt trò phù thủy, thì người ta mới cho ra những bức ảnh chụp kỹ lưỡng và chân phương, chụp không thể vội vàng.

Còn từ dạo chế ra cái máy ảnh đeo ngực, rồi máy ảnh kỹ thuật số, cung cách chụp như bắn súng liên thanh. Chụp ngay khi chỉ mới nhìn thấy. Chĩa ống kính ngay khi chưa nhận rõ. Đi nhanh, ăn nhanh, chụp nhanh.... Kiến trúc thì tĩnh tại. Hãy dừng lại, nhìn lâu, nhận ra, phát hiện rồi mới bấm máy, hỡi những ai chụp ảnh kiến trúc."

Lời kêu gọi của bác Kính phải áp dụng cho việc chụp ảnh nói chung, chứ không chỉ là kiến trúc đâu. Có ai đó đã nói, chụp ảnh chính là the art of seeing - nghệ thuật của sự thấy mà.

Còn khen, là khen anh Xuân Bình và anh Trọng Nhân: "Ngắm những bức ảnh của Xuân Bình và Trọng Nhân, hiện diện thường xuyên, nhận ra họ chẳng những đã chuyên nghiệp hoá trong việc chụp ảnh Nhà, họ đã thâm nhập vào và ngấm sâu cái sắc và cái vị của kiến trúc."

Ngấm, để biến những bức ảnh kiến trúc thành "bữa tiệc thứ hai, sau tác phẩm kiến trúc, cho con mắt người đời."

3. Mới chớm tháng Mười Một, và cũng đã chớm lạnh. Trời rất đẹp nhưng thời tiết thì rất khó chịu đối với cái mũi đã hỏng một nửa của mình. Buổi sáng, nhìn qua ô cửa, một khoảng trời xanh và cao, không một gợn mây, chợt muốn nghe lại November Sky của Yanni. Chẳng biết Yanni lấy cảm hứng từ bầu trời tháng Mười Một ở vùng đất nào, Hy Lạp hay là những nơi ông đã từng qua, nhưng nghe nhạc thấy rất hợp với trời Hà Nội. Tạm quên November Rain nhé.

   

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

Nhìn những mùa thu đi



Nhìn những mùa thu đi
Trịnh Công Sơn

Nhìn những mùa thu đi
em nghe sầu lên trong nắng
và lá rụng ngoài song
nghe tên mình vào quên lãng
nghe tháng ngày chết trong thu vàng

Nhìn những lần thu đi
tay trơn buồn ôm nuối tiếc
nghe gió lạnh về đêm
hai mươi sầu dâng mắt biếc
thương cho người rồi lạnh lùng riêng

Gió heo may đã về
chiều tím loang vỉa hè
và gió hôn tóc thề
rồi mùa thu bay đi
trong nắng vàng chiều nay
anh nghe buồn mình trên ấy
chiều cuối trời nhiều mây
đơn côi bàn tay quên lối
đưa em về nắng vương nhè nhẹ

Đã mấy lần thu sang
công viên chiều qua rất ngắn
chuyện chúng mình ngày xưa
anh ghi bằng nhiều thu vắng
đến thu này thì mộng nhạt phai

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Mojito

Cocktail chanh Mojito là thức uống không thể bỏ qua khi nhắc đến Cuba.

Sinh thời, đại văn hào Ernest Hemingway rất yêu thích Mojito, có lẽ chỉ sau mỗi món cocktail Daiquiri. Ông đã từng đến tận quán bar La Bodeguita del Medio ở Havana để được thưởng thức Mojito tại chính nơi nó đã sinh ra.

Nếu bạn được mời đến dự một bữa tiệc đêm ở đất nước Cuba, hãy chuẩn bị dạ dày để “chứa” Mojito bởi đây là một thứ đồ uống truyền thống và rất phổ biến của người dân nơi đây.

Một ly Mojito mát lạnh là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị chua của chanh tươi, vị ngọt của đường, mùi thơm hăng hắc của lá bạc hà và vị nồng nàn của Rhum. Đừng quên thêm đá đập vụn.

Có rất nhiều cách làm khác nhau cho đồ uống mang tên Mojito, tuy nhiên bạn cần nắm rõ công thức cơ bản như sau: 1 thìa đường hạt; 60ml nước chanh tươi; 4 lá bạc hà; 60ml Light Rhum; 60ml Soda.

Cách làm: Cho lá bạc hà vào ly, thêm nước chanh và đường hạt. Dùng mặt sau của thìa nghiền sơ, trộn cho hỗn hợp hoà tan và thơm mùi bạc hà. Thêm đá đập vụn và rượu rhum, khuấy đều. Đổ tràn nước soda lên trên. Trang trí với một nhánh ngọn bạc hà và những khoanh chanh tươi thái mỏng.

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Tuần lễ đọc

Tuần vừa rồi đọc được nhiều, một cách đột xuất.

*
Đã sở hữu Những ghi chép vụn của anh Quốc Bảo. Cái hay, và cũng đặc biệt là ở chỗ, cuốn này được mua ở một nhà sách tại trung tâm của Sài Gòn - thành phố là nơi sống của tác giả, cũng là nguồn cảm hứng cho cuốn sách sắp (hay đang) viết của anh: Thị dân.

Có nhiều bài đã đọc trên trang web cá nhân của anh Quốc Bảo, nhưng đọc bằng bản in vẫn có cái thú riêng. Báo điện tử thì chưa dám phát biểu gì, vì bây giờ toàn đọc báo mạng, nhưng sách điện tử còn lâu mới có thể soán ngôi của sách in. Tôi tin thế.

Đã đọc được một nửa Những ghi chép vụn, trong lúc chờ ông Vietnam Delay "cho" lên chuyến bay muộn nhất trong ngày, để về nhà. Một chuyến bay mệt mỏi, nhiều nỗi bực mình.

Bộ GTVT đang làm gì mà bỏ ngỏ cả một lĩnh vực dịch vụ lớn như thế?

* *
Đã tìm mua, và đọc lướt qua Đẹp & Buồn, của Kawabata. Lại không hợp. Văn viết rất nhẹ nhàng, nhưng cũng như vài cuốn khác của văn học Nhật Bản tôi đã đọc gần đây, nó chất chứa quá nhiều nhục cảm.

Tính dục là thứ không thể thiếu trong văn học, nếu không muốn nói là tràn ngập. Nhưng không hiểu sao, tôi không hợp với thứ tính dục trong văn học Nhật Bản. Nó dị dạng, đè nén cũng quá mức và phá cách, cũng quá mức không kém. 

Vẫn biết Kawabata là một tên tuổi lớn, nhưng có lẽ tôi cũng ngừng đọc Kawabata ở đây. Chỉ sau một cuốn Đẹp&Buồn. Giống như trường hợp của Murakami với Biên niên ký chim vặn dây cót vậy.

Đọc một lần. Rồi thôi.

Mặc cho ai khen gì thì khen.

* * *
Đang đọc dở tập tạp bút của Y Phương: Tháng Giêng Tháng Giêng, Một vòng dao quắm. Hay một cách bất ngờ. Chỉ bằng những tản văn nho nhỏ, với lời kể nhẹ nhàng, trong sáng nhưng đầy cuốn hút, anh Y Phương đã giới thiệu gần như toàn vẹn và sâu sắc về văn hoá dân tộc Tày & Nùng ở Cao Bằng quê anh. Hẳn là văn hoá Tày đã ngấm vào máu, hoặc, nó đã trở thành những nhiễm sắc thể trong người YPhương, thì mới có thể viết ra hay đến như vậy.

Viết và diễn giải về Văn hoá, tôi phục nhất ông Hữu Ngọc. Bây giờ thêm Y Phương.

Đọc chưa hết, nhưng tôi biết, tôi phải đi Cao Bằng một chuyến. 

Không thể khác được. 

Tôi đã từng muốn lên Cao Bằng vì nhà thơ Nguyễn Duy đã dẫn dụ bằng những món ăn như Nhộng ong xào măng, Lợn quay lá mác mật, nhưng chỉ là cái mong muốn có dịp tình cờ nào đó thì đi. Sau khi đọc YPhương, tôi biết tôi sẽ chủ động đi Cao Bằng mà không chờ đợi sự tình cờ. Nếu có nhờ chuyến đi của tôi mà thu nhập của Cao Bằng có tăng lên mấy đồng, thì đó chính là nhờ công lao của ông, YPhương.

Đọc một lần là nhớ mãi.

* * * *
Sáng nay dành nguyên nửa buổi sáng để đọc về FPT. Tự nhiên lại nhớ thằng bạn từ thuở mới đi làm. Làm chung một thời gian ngắn thì hắn chuyển sang FSoft. Liên hệ thì thưa dần, nhưng tình cảm dành cho nhau thì vẫn vẹn nguyên.

Bèn nhờ google tên thằng bạn. Thấy mừng cho nó vì giờ đã thành đạt ở đất FPT vốn là nơi mà nhân tài nhiều như lá rụng mùa thu. Lại cũng rất ngạc nhiên là hắn viết rất tốt. Đọc qua vài bài, thấy ông bạn đã thành đạt hơn, nhưng vẫn giữ được và trăn trở nhiều về chữ "Tình".

Một đồng nghiệp FPT của hắn đã comment sau một trong những bài viết của hắn thế này: "Nếu anh bỏ bớt chữ tình đi, thì chắc chắn đã giàu có và thành đạt hơn bây giờ. Như sếp của anh ấy."

Nhưng tôi tin, hắn sẽ không bao giờ làm theo lời khuyên ấy.

* * * * *
Cũng thật tình cờ, Nguyễn Ngọc Tư lại mới có tản văn mới: Bạn bè trăm ngả. Đọc mà thấy hay quá. Chắc ai cũng có cùng cảnh và nghĩ như chị Tư, nhưng không thể viết ra được như vậy. 

Thích nhất là mấy câu này: "Thời gian đã làm cho người này không còn giống như trong nỗi nhớ của người kia", "Ngồi chơi mà nhậu không dám say, nói không hết điều mình nghĩ. Thì buồn."

Nhưng quan trọng hơn là, có bao nhiêu người thực sự muốn nghe mình nói hết những điều mình nghĩ?

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Một buổi trưa, buồn ngủ

Lịch dự đám cưới dày đặc.

Đi ăn cưới buổi trưa là một cực hình. Mất giấc ngủ trưa thường lệ. Thêm một chút bia. Tiệc xong, ước mơ duy nhất chỉ là một chỗ có thể chợp mắt được, dù chỉ là 5 phút. Mà không thể, vì đã đến giờ làm. 

Đang là buổi trưa, nhưng chợt thèm đến nao lòng nghe một bài hát: Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ.

Chỉ vì trong đó có một câu: "Thành phố đã đi ngủ trưa"

Lại ước, mình được sống trong thành phố đó, một thành phố Lạ không biết là thành phố nào. Có lẽ, nó chỉ có, trong những giấc mơ trưa.

Một đêm bước chân về gác nhỏ

Chợt nhớ đóa hoa Tường Vi

Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ

Giờ đây đã quên vườn xưa

Một hôm bước qua thành phố lạ

Thành phố đã đi ngủ trưa

Đời ta có khi tựa lá cỏ

Ngồi hát ca rất tự do

Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà

Từ những phố xưa tôi về

Ngày xuân bước chân người rất nhẹ

Mùa xuân đã qua bao giờ

Nhiều đêm thấy ta là thác đổ

Tỉnh ra có khi còn nghe

 

Một hôm bước chân về giữa chợ

Chợt thấy vui như trẻ thơ

Đời ta có khi là đóm lửa

Một hôm nhóm trong vườn khuya

Vườn khuya đóa hoa nào mới nở

Đời tôi có ai vừa qua

Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ

Tôi nghĩ quanh đây hồ như

Đời ta hết mang điều mới lạ

Tôi đã sống rất ơ hờ

Lòng tôi có đôi lần khép cửa

Rồi bên vết thương tôi quì

Vì em đã mang lời khấn nhỏ

Bỏ tôi đứng bên đời kia.

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Viết ở Givral, bên cửa sổ (*)

Tôi không nhớ mình bắt đầu được biết cái tên Givral từ khi nào, nhưng chắc chắn là phải lâu lắm rồi, kể từ khi tôi được học những bài lịch sử đầu tiên về Sài Gòn và chiến tranh giải phóng miền Nam.

Những ấn tượng về Givral càng trở lên sâu đậm hơn khi tôi bắt đầu được đọc những dòng đầu tiên về Phạm Xuân Ẩn – vị tướng tình báo lừng danh mà tên tuổi của ông chỉ được nhiều người biết đến vào những năm cuối đời, khi ông đã sắp từ giã cõi đời sau những cơn bạo bệnh. Một người, như nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đã viết, là “tên người như cuộc đời”. Ông đã “Ẩn” mình suốt gần như cả cuộc đời, nhưng một trong những nơi chốn mà ông hiện diện thường xuyên nhất, gần như là trong suốt sự nghiệp lẫy lừng của ông, là tiệm cà phê Givral này. 

Say mê con người ông, tôi đâm ra say mê Givral, mặc dầu chưa từng đặt chân đến. Cộng với cái thú lang thang cà phê cà pháo, tôi đã đặt Givral đứng số 1 trong top ten các tiệm cà phê cần phải đến trong đời.

Và đây, trong một buổi sáng Sài Gòn không nắng không mưa, không nóng không lạnh, tôi đã hiện diện ở nơi này, và ngập chìm trong không khí của Givral – một trong những tiệm cà phê nổi tiếng và lâu đời nhất ở vùng đất phương Nam này.

Trước khi đến, tôi đã định bụng dành cả buổi sáng ngồi ở Givral để kết thúc nốt một vài việc còn dang dở. Tôi ngồi đó với chiếc máy tính quen thuộc, wi-fi đã sẵn sàng, nhưng tôi không thể tập trung mà làm việc được. Cà phê rất ngon (nhược điểm duy nhất là hơi nhiều đá), Lucky Strike thì rất thơm, và nhạc thì rất hay. Còn tôi thì bắt đầu bỏ ý định làm việc vào sáng nay.

Quán không lớn nên không có nhiều lựa chọn, tôi đành ngồi một chỗ ngay lối vào. Khung cửa sổ lớn như một bức tranh mở ra trung tâm thành phố. Ngoài kia là Nhà hát Lớn với hai hàng cây sao thẳng tắp, cao vút. Kế bên là Caravelle Hotel cũng nổi tiếng một thời. Và, một quảng trường tấp nập người xe. Nếu như không có cây cột điện nơi góc đường, kể như tôi đã có một bức tranh hoàn hảo qua khung cửa sổ.

Ngồi cà phê bên khung cửa sổ lớn mở ra một không gian đẹp luôn là một trải nghiệm tuyệt vời. Chỉ tiếc là không chia sẻ được trải nghiệm đó với một người cũng rất đam mê cà phê là vợ tôi, vì tôi chỉ đang ngồi đó, một mình.

Tôi đã gọi đến ly nâu đá thứ hai, một ngoại lệ chưa từng có trong cả đời uống cà phê của mình.

Và bắt đầu nghĩ, sẽ là một mất mát lớn cho đất Sài Gòn, nếu một ngày nào đó, vì một lý do nào đó, Givral không còn tồn tại nữa.

Bạn bè thường hỏi tại sao tôi lại hút Lucky Strike. Mỗi lần như vậy tôi thường chỉ cười và chống chế bằng câu trả lời quen thuộc: “Just because, I need some lucky”. -:). Nhưng sự thực không phải như vậy. Ngoài việc Lucky là loại tôi thấy hợp nhất, trong số rất nhiều loại thuốc lá đã từng thử qua, còn có một lý do quan trọng khác: đó chính là loại thuốc mà ông Ẩn đã hút suốt cả cuộc đời, với cách hút, cũng do người Mỹ dạy. Đối với một người làm nghề như ông, Lucky quả là cần thiết, xét theo cả hai nghĩa đen và bóng của từ này. (**) Do vậy, hẳn các bạn phải biết tôi đã thoả mãn thế nào khi được ngồi đây, với ly nâu đá thứ hai đã gần cạn, và đã là điếu Lucky Strike thứ ba. 

Để kết thúc một buổi sáng đáng nhớ ở Givral, tôi muốn các bạn biết thêm rằng, tôi thật là “ghen tị” với anh Quốc Bảo – một người mà tôi rất mến mộ - vì anh có thâm niên ngồi Givral tới mấy chục năm ròng. Cái chuỗi mấy chục năm đó đã được bắt đầu, như anh đã có lần hé lộ, từ lúc anh mới... sáu tuổi. Không biết ở đất Sài Gòn này, còn có người nào khác may mắn như anh không?

Và tôi ước, một ngày nào đó, bên cửa sổ Givral này, sẽ có hai người ngồi cà phê ngắm quảng trường Nhà hát. Ngồi đó, lặng yên, mà không cần nói câu nào./.

(*) Viết ở Givral, nhưng post ở Hi-End, vì wi-fi ở Givral hơi tệ. Một điểm trừ cho Givral,-:)

(**) Trong Lời nói đầu của cuốn "Điệp viên hoàn hảo" mà Larry Berman viết về ông Ẩn, có những dòng như thế này: "Ông Ẩn là một người cực kỳ mê tín. Từ năm 1955 ông đã bắt đầu hút loại thuốc lá Lucky Strike. Khi đó, một người bạn Mỹ của ông đã dạy ông cách nuốt khói, đồng thời đảm bảo với ông rằng Lucky Strike sẽ mang đến sẽ mang đến cho ông nhiều may mắn (***). Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi đã hút thuốc lá 52 năm rồi. Giờ đây tôi đang phải trả giá cho điều đó. Hút thuốc lá liên tục trong từng ấy năm mà tôi chỉ bị bệnh phổi trong có 3 năm là thắng lợi chứ". Phạm Xuân Ẩn ngồi Givral nhiều đến nỗi ông còn được gọi là Tướng Givral (General Givral).

(***) Lucky Strike đã từng được quảng cáo như thế này: Be Happy, Go Lucky!

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009

Nói nốt chuyện 20/10

Hôm qua là 20/10, một ngày không như mọi ngày, vì đó là ngày của Phụ nữ Việt Nam. Đương nhiên, đó cũng là ngày của vợ mình.

Nhưng mình vẫn về nhà muộn như mọi ngày.

Và cũng vẫn về người không như mọi ngày: Không một lời chúc, không một bó hoa, không một gói quà.

Trong một cuộc vui mà vì nó mình về nhà muộn, mình có nói với một đồng nghiệp thế này: Khi chưa lấy nhau, mỗi khi ngày này đến, có khi phải nghĩ trước cả tháng xem sẽ nói câu gì, sẽ mua hoa gì và sẽ tặng quà gì. Khi lấy nhau rồi thì lại lắm lý do thế: công việc bộn bề thế, bận rộn thế, chẳng hở lúc nào mà lời với lẽ, hoa với hoét, và quà với chả cáp.

Sao lại thế nhỉ?

Về nhà thấy vợ nhắc hôm nay nghe Woman hay quá. Ừ đúng. Woman & John Lennon thì hay quá rồi còn gì. Lennon mà lại.

Nhưng hôm nay đọc blog của vợ mới chợt giật mình. Ừ đúng. Những lời đó, lẽ ra, phải do mình thì thầm mới phải, trong khi những lời đó mình đã thuộc nằm lòng, bài “tủ”, nhạc sĩ “tủ”, vậy mà cũng không biết đường mà nói, lại phải để vợ “tự tặng”.

Đành tự an ủi vì dù sao cũng có “a little child inside a man”. Lennon đã nói vậy rồi, phải không?

Dẫu muộn còn hơn không, vợ đã mượn Lennon thì mình đành mượn tạm Nguyễn Duy mà nói vậy.

#1. Vợ ơi

Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy

Ta chạy rông như gì nhỉ - quên đời

Lúc xơ xác bờm xơm từng sợi tóc

Đói lả mò về

Cơm đâu

Vợ ơi…

 

Và tao tác bạn bè cơn hoạn nạn

Đòn du côn tóe máu tâm hồn

Và tung tóe cả bướm vàng bướm trắng

Móc họng mửa ra cầu vồng bảy sắc

Vợ dìu ta

Từng bậc

Thang mòn

 

Đêm huyền ảo một kinh kỳ se lạnh

Một mình ta cô quạnh giữa muôn người

Mặt sông lạ gợn nếp nhăn đuôi mắt

Bủn rủn buồn

Ta thầm kêu

Vợ ơi…

#2:

ứa nước mắt  mà yêu nhau trọn vẹn

khấp khểnh đường dài thập thễnh bon chen

lắm lúc chữ nghĩa vô nghĩa tuốt

bàn tay bé con phủi bụi ưu phiền  

trời cho sống ta cũng già em ạ

con thương cha không bằng bà thương ông

tình như rượu chôn lâu đằm lịm lại

cuối đời đem ra nhấm mới mềm lòng… 

*  *  *

Mới đó mà đã sắp hết tháng Mười. Hôm nay trong lúc ngồi chờ bay, chợt giật mình nhớ ra, đã quên mất một ngày – một ngày tháng Mười. Ngày hôm đó và cả vài ngày trước và sau đó, mình làm cái quái gì và nghĩ cái quái gì nhỉ?

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

Nobel Kinh tế 2009 (tiếp)

Một bài báo ngắn gọn, đầy đủ, chính xác nhất về Nobel Kinh tế 2009. Cũng là bài hay nhất về chủ đề này trên hầu hết các báo trong nước mà mình đã được đọc qua. Và thật lý thú rằng đó cũng lại là bài trên SGTT. -:)


Đây cũng là bài báo duy nhất không dịch "governance" thành quản trị hay quản lý, lại còn giải thích rõ ràng tại sao lại thế, và sử dụng nhất quán là "hướng định".

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009

Vụn vặt cho một tuần không blog

Chẳng có hứng thú gì, viết vài dòng rồi lại xoá. Viết lại, rồi lại xoá.

* * *

Báo chí VN đưa tin về Nobel Kinh tế 2009 cứ linh ta linh tinh. VNN thì vội chạy đua để có tin sớm hay sao đó mà dịch quá ẩu, vừa đọc vừa bực mình. Hầu hết các bài viết đều chẳng đưa đến cho người đọc biết là hai người đoạt giải đã có cống hiến gì cho kinh tế học, có lẽ do lĩnh vực nghiên cứu của họ quá xa lạ với VN: economic governance. Từ "governance" quả là khó xơi khi dịch sang tiếng Việt. Ngay trong phạm vi hẹp và thường gặp hơn là "corporate governance" đã không biết phải dịch thế nào cho hết nghĩa. Nếu dịch là "quản trị" thì chưa hẳn đúng (hầu hết các báo đang dùng), còn "lão làng" Nguyễn Ngọc Bích thì từ lâu đã tạm dùng là "lèo lái", nghe có vẻ ổn hơn cả. Vậy mà bài này trên VNN hồn nhiên dịch là "quản trị kinh tế". Hết biết.

Một điều lạ là các báo đều xúm vào khai thác thông tin Elinor Ostrom là người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel Kinh tế, và có lẽ vì thế mà quên không đề cập đến các cống hiến của bà. Đến mức một commentor trên blog của Paul Krugman đã phải viết dưới bài bình luận của ông này về giải thưởng năm nay như sau: "Paul - step right up to the microphone and declare that Elinor Ostrom's research, not her sex, is the singularly important consideration in winning the Nobel". -:)

* * *

Đã đọc xong "Ăn phở rất khó thấy ngon" của Trương Quý. Trước khi biết đến và đọc blog của Quý, cuốn này toàn bị mình bỏ qua mỗi khi lang thang ở Đinh Lễ. Nhưng sau vài tháng "follow" Trương Quý's blog trên blogspot, mình đã mua ngay cuốn này khi gặp lại. Quả là không nhầm.

Có lẽ, phải tìm mua nốt cuốn "Tự nhiên như người Hà Nội" đã được hắn xuất bản trước đó (năm 2004).

* * *

Đã có những sản phẩm đầu tiên của Pentax K-1000 SE. Bà xã xem xong buột miệng: Nhìn như những năm 80 ấy. Thì đúng quá. Những năm 80 là thời hoàng kim của Pentax K-1000 mà. -:)

* * *

Lại đã sắp hết mùa Thu. Đã có đợt không khí lạnh đầu tiên. Đã lại sắp hết một mùa vàng của lúa chín, của rơm rạ phơi trên đường làng, của hoa cúc và hoa mướp, của lá sấu rụng la đà trên đường Trần Hưng Đạo, và những thửa ruộng bậc thang vàng rực đất Sapa, Tú Lệ hay Na Pán Tẩn. Và nắng vàng như mật rải khắp phố phường.

Nhưng còn đó một sắc màu khác của mùa thu: Mùa thu trắng, của làn sương mờ giăng giăng ngập tràn sông Hồng ven đường Quốc lộ 2 nối Phú Thọ & Yên Bái mình mới đi hôm qua. Nhớ Trần Tiến và cô cháu gái Trần Thu Hà của ông, qua những câu hát thế này:

Đường im vắng mùa thu trắng
Gió heo may về bên lá khô
Mù sương trắng cà phê đắng
Ấm đôi tay người xa tháng ngày

Lá bay buồn như chiếc lá bay
Bóng cây đổ dài như bóng cây
Nhớ những mùa thu xa vời vợi
Những mối tình,
những bóng hình nghìn trùng khơi

Nhớ thương về đâu thương nhớ ơi
Tháng năm vội vàng năm tháng trôi
Áo xưa người trắng những mong chờ
Những bến bờ, quá xa mờ, quá hững hờ

Người ngồi đó thời thiếu nữ
Đã qua bao mùa thu lá bay
Người ngồi đó hàng hiên cũ
Phố xưa sương mù hiu hắt chờ./.

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2009

Công việc, sở thích & Nobel Vật lý 2009

Cách đây mấy hôm, khi đọc tin về việc trao giải Ig Nobel - một giải thưởng mà tôi rất thích, tôi nhận ra rằng, mùa giải Nobel 2009 đã bắt đầu.

Như mọi năm, thông thường tôi chỉ quan tâm đến giải Nobel cho các lĩnh vực, xếp theo thứ tự ưu tiên, là Kinh tế, Văn học & Hoà bình. Một lĩnh vực khác mà tôi cũng rất quan tâm là Toán học, thì lại không có giải Nobel, mà lý do như người ta giải thích, chỉ là do Nobel có tình địch là một nhà Toán học. -:). Nói vậy để thấy rằng, Nobel Vật lý chưa bao giờ là giải thưởng mà tôi quan tâm hoặc nhớ đến.

Nhưng Nobel Vật lý 2009 là một ngoại lệ. Viện Khoa học Hàn lâm Thụy Điển đã chọn 3 nhà vật lý ứng dụng (lần đầu tiên) để trao giải năm nay, cho những phát minh của họ về lĩnh vực "ánh sáng" - những phát minh có liên quan trực tiếp đến công việc & sở thích của tôi.

#1: Là Charles K. Kao, một ông già 75 tuổi gốc Thượng Hải nhưng nay mang hai quốc tịch Anh & Mỹ, nhờ công lao phát minh ra sợi quang. Năm 1966, ông kết luận rằng cần phải dùng sợi thuỷ tinh có độ tinh khiết rất cao mới có thể chuyên chở ánh sáng trên một quãng đường dài, và ông đề xuất chế tạo những sợi này từ hợp chất của ôxit xilic nóng chảy. Đó chính là cáp quang được dùng cực kỳ rộng rãi trong ngành viễn thông ngày nay, trong đó có mạng HFC - mạng lai cáp quang & cáp đồng trục vốn đang gắn liền với công việc kinh doanh của Công ty tôi. Tầm quan trọng của phát minh này được phát biểu một cách ngắn gọn như sau: "Chiếc bánh xe đã làm được những gì trong ngành giao thông thì sợi quang cũng làm được những điều tương tự với ngành viễn thông". Nhưng tôi tin là nó còn làm được nhiều hơn thế.

#2&3:  Là George E. Smith và Willard S. Boyle, hai người đã phát minh ra bộ cảm biến "tích điện kép" Charge-Couples Device CDD - trái tim của hầu hết các thiết bị chụp ảnh số hiện nay. CCD cho phép biến ánh sáng thành tín hiệu điện, bắt lấy các tín hiệu này rồi tạo ra các hình ảnh bằng các điểm màu nằm cạnh nhau. Công nghệ này được hai ông hợp tác và phát minh khi còn làm cho Bell Laboratories vào năm 1969. CCD đã tạo ra một cuộc cách mạng giống như những gì kính viễn vọng đã tạo ra cho ngành thiên văn học: một cuộc cách mạng cho các ngành Nhiếp ảnh, Truyền hình và Điện ảnh. Công nghệ hình ảnh đã không tiến xa đến vậy nếu không thiếu đi CCD. Tất nhiên, nếu không có nó, tôi cũng không thể xem lại "ngay tắp lự" sản phẩm của mình sau mỗi cú bấm cò máy ảnh.

Nếu như có một mối liên hệ, thì chính là ở chỗ CCD đã giúp chúng ta có thể số hoá được hình ảnh để rồi các hình ảnh đã được số hoá đó lại có thể dễ dàng được truyền đi bằng cáp quang một cách nhanh chóng.

Bình luận về giải thưởng năm nay, có người cho rằng Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển đã "quá thận trọng" khi dành thời gian quá dài để kiểm tra hiệu quả của các phát minh: Kao mất 43 năm, còn Smith & Boyle mất 40 năm.

Rất may là cả ba ông đều còn sống để có thể nhận các cú điện thoại báo tin vui "nặng cách phát âm Thụy Điển".

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

Tư duy Kinh tế Việt Nam 1975-1989

Tối nay đã đọc được 50 trang của cuốn sách. Quả là không phí tiền khi nghe lời quảng cáo của bác Osin, còn bác Đặng Phong thì đúng là "danh bất hư truyền". 

Đúc rút sơ bộ được 2 vấn đề:

#1: Không phải mọi quảng cáo đều đi quá xa so với sự thật. Quan trọng là người quảng cáo là người như thế nào.

#2: Lịch sử không phải là một cái gì quá khô khan. Quan trọng là người kể lại nó là người như thế nào.

Đọc Lịch sử kinh tế, lại chôm được một đoạn thơ của Marxim Gorki về CON NGƯỜI:

Đi một mình trong sương mờ của những sai lầm
Đạp lên trên tro tàn của những định kiến cũ kỹ
Sau lưng là bụi tàn của những đám mây nặng trĩu đã thuộc về quá khứ
Trước mặt là bao nhiêu điều nan giải đang chờ đón lạnh lùng
Những điều nan giải là hằng hà sa số
Như những vì sao trong đáy thẳm của bầu trời
Và đường đi của con người là vô tận

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Rẽ ngang

Một buổi tối mệt mỏi, muốn đi ngủ sớm nhưng đầu lại quá tỉnh táo. Làm gì nhỉ? Internet thôi. Này nhé: không cần phải bật đèn như đọc sách, dễ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Thông tin thì đầy ắp và là multimedia, lại có thể kết nối dễ dàng với cộng đồng bên ngoài mà không gây tiếng động như điện thoại.

Internet quả là một phương tiện phù hợp cho những buổi đêm như thế này. Và tốn thời gian, đương nhiên.

Cho nên, nếu giả sử nhà nghèo ngày xưa mà đã được trang bị đầy đủ cả laptop & kết nối internet thì cho dù ban ngày họ có ăn nhiều khoai đến đâu, có lẽ cũng không đến nỗi đông con như một chuyện cười nào đó kể lại.

Chợt nhận ra, internet có thể đã là một "big potential threat" đối với sex.

Như thường lệ, lò dò vào FB xem các đồng chí trong friend list đang làm gì, thì đây, một bạn đang nghe "Canon in D".

Ồ, bạn nghe Canon in D thì mình nghe Adagio in C minor vậy. Và thế là rẽ ngay sang với Yanni rồi đắm chìm vào thế giới âm thanh đầy quyến rũ của ông.

Lâu lắm rồi không nghe lại Yanni, nhưng cảm giác nghe vẫn như lần đầu: ấn tượng, đặc biệt phù hợp để xoa dịu những cơn đau, cả về thể chất và tinh thần.

Đĩa nào của Yanni cũng nghe được, nhưng thích nhất vẫn là các đĩa DVD trình diễn Live, tại những Di sản của thế giới: Taj Mahal, Tử Cấm Thành và Acropolis. Đó là những buổi hoà nhạc ĐẸP về mọi mặt: ý tưởng, âm nhạc và ánh sáng.

# 1: Nightingale, bản nhạc gắn chặt mình với Yanni, và cũng đáng nhớ nhất. Mình nghe bài này lần đầu trong bộ phim Đường về nhà của Trương Nghệ Mưu. Phim Đường về nhà thì hẳn là hay rồi, nhưng cái mình nhớ nhất sau khi xem không phải là nội dung bộ phim, mà chính là bản nhạc nền. Lúc đó mình cứ nghĩ Tàu mà làm nhạc phim hay thế, và rồi sau này rất hể hả khi phát hiện ra bác Trương đã lấy nhạc cuả Yanni làm soundtrack cho phim của mình. Ah, thì ra Tàu cũng thường thôi. Nhạc Tàu chưa bao giờ lọt cái lỗ tai trâu của mình. Cho đến giờ vẫn vậy. Nhưng mình nhầm lẫn cũng là phải, vì lúc đó (vào khoảng năm 2001) đã biết Yanni là gì đâu, chưa kể chất liệu nhạc lại rặt "Tàu" và mãi sau này khi xem DVD Tribute mới hiểu tại sao lại thế qua lời giới thiệu của Yanni ngay trước lúc trình diễn Nightingale tại Tử Cấm Thành. 



# 2: Adagio in C Minor, Taj Mahal



# 3: Within Attraction, Acropolis


 
Xem và nghe những buổi hoà nhạc như thế này, mới thấy thèm được hiện diện tại những sự kiện đó, như những gì mà Arnan Anassian - chỉ huy dàn nhạc của cả ba buổi biểu diễn đã nói: "It doesn't feel the same. It doesn't smell the same". "It's hard to put it in a nutshell. It was a life-changing experience".

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Vài dòng vụn

Bắt chiếc anh Quốc Bảo, mình cũng có vài dòng vụn:
- Bắt đầu tháng 10 & Quý IV bằng một chuỗi những hỷ nộ ái ố. Quá nhiều cung bậc tình cảm cho một ngày.
- Có quá nhiều việc đang chờ đợi ở phía trước. Cần nhất là sự tập trung. 
- Quên khuấy mất sinh nhật của một người em họ, trong khi quà thì đã có rồi.
- Bác Osin lăng xê GS Đặng Phong kinh quá, thành ra đã mua cuốn "Tư duy Kinh tế Việt Nam...", mặc dù trước khi đọc bài của bác Osin thì mình cũng đã nâng lên đặt xuống cuốn này vài lần, nhưng không hiểu sao lại thôi không mua. Vậy nhưng vẫn chưa đọc. Danh sách cần-phải-đọc ngày càng dài thêm.
- Chưa biết mua gì làm quà Trung thu cho hai ông con. Hàng có xuất xứ Trung Quốc chắc chắn đã bị loại, thành ra càng khó chọn. -:)
- Lại một weekend kín đặc, không được nghỉ.
- Thèm ngồi cà phê.
- Lướt qua các tin chính trên VNN, nhớ Huế. Miền Trung vất vả quá.
- Nhân ngày 1/10, hai bác Osin & Xuân Bình chơi "song kiếm hợp bích" về Trung Quốc, trong khi VNN có bàn tròn trực tuyến với Đại sứ TQ tại VN, ông Tôn Quốc Trường.
- Rất ghét các sản phẩm của Yahoo, từ mail, search, blog cho đến messenger, nhưng Flickr quả là một sản phẩm tuyệt vời. Đã quyết định gắn bó với Flickr.

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Thank you for the music

Khởi đầu là trang SGTT.

Đang trong lúc mọi nơi sôi sục lên vì vụ giải tán IDS thì trang này lại làm một bài dài phỏng vấn bác Phạm Duy Hiển về... lối sống. Đã thế lại còn ghi chú rất rõ ràng rằng ông là "cựu" thành viên IDS.

Nghĩ một lúc cũng thấy logic, vì sống thì phải cãi. Do đó, "lối tranh cãi" hay nôm na là cãi theo kiểu gì cũng là một phần của lối sống. Vì thế, mục Giá trị sống của SGTT cho chạy feature về một thành viên của một cái viện chuyên về cãi, cho dù cái viện đó giờ đã tự giải tán, thì cũng là hợp với lẽ tự nhiên.

Trong bài, bác Hiển có nói một câu tự trào làm mình ngạc nhiên: "Từ lúc nghỉ hưu mình thật sự được tự do. Tự do làm việc, nghỉ ngơi, giao tiếp, nhưng trên hết là tự do cô đơn trong cái không gian học thuật nhỏ bé của mình".

Có lẽ, sau hàng nghìn năm bắc thuộc, "tự do" đã trở thành ham muốn bậc nhất, đến mức ham muốn đó đã ngấm vào máu thịt của mọi người dân Việt. Đến mức hai chữ Tự do đã trở thành một phần trong Slogan của nước Việt bây giờ, thậm chí còn đứng trước cả Hạnh phúc, như một điều kiện cần phải có cho Hạnh phúc.

Vậy mà phải đến lúc nghỉ hưu mới có được tự do "thật sự". Như thế nghĩa là suốt mấy chục năm chưa nghỉ hưu, một nhà khoa học đáng kính như Giáo sư Hiển không được thực sự tự do, hiểu như lập luận ở trên là chưa có hạnh phúc thực sự? Trớ trêu là ở một đất nước tuy nghèo nhưng được đánh giá là một trong những nơi mà con người ở đó cảm thấy hạnh phúc nhất thế giới, cái tiền đề cho hạnh phúc lại chưa được "thật sự".

Nhưng thôi, đến như bác Hiển mà còn phải chấp nhận như vậy, thì cái sự thiếu tự do của mình âu cũng là lẽ thường tình, "có gì mà phải ngợi", đúng không?

Nhưng mình chỉ ngạc nhiên là bác Hiển dùng chữ hay quá: "tự do cô đơn". Từ trước đến giờ mình cứ nghĩ, cứ đánh đồng sự tự do và sự cô đơn, cho rằng tự do hay cô đơn thì cũng là một mà thôi, và cô đơn chính là một biểu hiện của sự tự do, nhưng là một biểu hiện đối lập. Nếu như hầu hết con người sợ hãi sự cô đơn, thì tự do lại chính là trạng thái mà người ta mong đạt được nhất.

Nói vậy thôi chứ nhiều lúc có những gã lại không muốn được tự do, lại muốn ràng buộc mình vào một mối quan hệ nào đấy: quan hệ yêu đương. Gì chứ đang yêu (ràng buộc) mà bị bỏ rơi (được tự do) thì chán ốm. Chán đến nỗi Freddie Mercury đã phải nêu một tuyên ngôn bất hủ về sự tự do trong câu mở đầu của bài It's a Hard Life: "I don't want my freedom" và rồi nối tiếp ngay sau đó: "There's no reasons for living with a broken heart". Có tự do dưng mà tim vỡ rồi thì sống làm qué gì nữa, nhỉ.

Sở dĩ đọc câu nói của bác Hiển, mình lại nhớ ngay đến Queen với It's a Hard Life với câu mở đầu như trên chính là vì, đã có một thời gian dài cách đây rất lâu, mình đã nghĩ như vậy: I don't want my freedom.

Chợt nhớ ra rằng mình lớn lên bằng mồ hôi nước mắt của bố mẹ, nhưng âm nhạc chính là cái đã cưu mang mình, một thứ "shelter from the storm", như Bob Dylan đã hát thế. Có lẽ hôm nào cũng phải làm một bài tổng kết lại xem âm nhạc đã cho mình những gì. Có nhiều thứ, nhưng chắc chắn là nặng nợ.

Vì vậy, chẳng có lý do gì để không nói "Thank you for the music", nhỉ? Thì đây:

Thank you for the music, the songs I'm singing
Thanks for all the joys they're bringing
Who can live without it, I ask with all honesty
What would life be?
Without a song or a dance what are we?

So I say: Thank you for the music, for giving it to me.



Ghi chú: Bấm vào các chữ có hyperlink để đọc, nghe và xem chi tiết.

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

What The Fuck Is Social Media

Thêm một slide show đáng để tham khảo:

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

Nếu có thể gọi tên một giấc mơ

Cách đây không lâu, giới mê xe Hà Nội được một phen “lác mắt” khi thấy một chiếc Vespa Ape chạy trên đường. Người cầm lái và cũng là chủ nhân của chiếc xe lạ mắt đó, không ai khác chính là anh Hiếu “Vespa” – một người “khét tiếng” trong giới chơi xe ở Việt Nam.

Chiếc xe làm dấy lên một cơn thèm khát mãnh liệt với tất cả những ai đam mê xe cổ. Nó là một cơn thèm mãnh liệt, một cơn khát không bao giờ được thoả mãn, vì đó là chiếc Ape duy nhất tại Việt Nam – được sản xuất từ năm 1956. Và hiện tại thì chính phủ Việt Nam không cho phép nhập khẩu xe cũ. Cho nên, về cơ bản, nếu có thích thì chúng ta cũng chỉ “kính nhi viễn chi” với dớt dãi lòng thòng mà thôi. 

Tuy nhiên gần đây Piaggio đã mở ra một hy vọng mới: Vespa APE Calessino.

Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, hình ảnh những chiếc xe ba bánh từng gắn liền với cuộc sống của những người dân lao động.  Giờ đây, Piaggio Vespa APE Calessino chính thức xuất hiện với một vị thế của một huyền thoại và vị trí của một chiếc xe ba bánh mui trần tuyệt đẹp và đậm chất lãng mạn.



Không còn tồn tại với "kiếp lao động" như bậc tiền bối của mình, Piaggio Vespa APE Calessino là phiên bản đặc biệt do Piaggio Italia sản xuất và được bán tại Vương quốc Anh thông qua Perodua, công ty chuyên cung cấp những chiếc xe máy ba bánh của Piaggio.

Chỉ với 999 chiếc được sản xuất, Piaggio Vespa APE Calessino sở hữu vẻ đẹp của một chiếc xe ba bánh mui trần lịch lãm và thanh thoát. "Chất chơi" toát ra từ những chi tiết của chiếc xe như bộ ba lốp mặt bên trắng muốt. Cụm mui và cửa xe bằng vải mềm căng trên khung Inox bóng loáng và chắc khỏe. Phía đuôi xe, đẳng cấp của Piaggio Vespa APE Calessino được thể hiện qua những gờ chìm được ốp gỗ. Đặc biệt phía cuối đuôi xe đính tem với dòng chữ Ape Calessino phiên bản đặc biệt kèm theo số series xe sản xuất.



Piaggio Vespa APE Calessino có khả năng chở tới 3 hành khách và một người lái nhờ cụm ghế sau có kích thước rộng. Tính an toàn được thể hiện nhờ có dây đai an toàn như trên ô tô. Phía trên cụm cabin cho người lái là một bảng táp lô rộng rãi với hai khay chứa đồ cá nhân có kích thước lớn. Điểm xuyết trên đó là những cụm đồng hồ hiển thị tình trạng xe khi vận hành được bố trí đơn giản và tiện dụng. Chiếc xe còn có hệ thống cần gạt nước cho kính lái. Ngoài ra hệ thống chiếu sáng của Piaggio Vespa APE Calessino còn được cải tiến với hai đèn pha có kích thước lớn được đặt theo vị trí như kiểu đèn pha trên ô tô.



Piaggio Vespa APE Calessino được bán ra thị trường với ba phiên bản động cơ: 50 phân khối, 218 phân khối chạy nhiên liệu xăng và đặc biệt là động cơ Diesel 422 phân khối. Cả 3 loại động cơ này đều dùng kiểu hộp số 5 cấp, côn tay. Với phiên bản máy dầu Diesel 422cc, Piaggio Vespa APE Calessino có tổng trọng lượng ở mức 615kg, bình chứa nhiên liệu có thể tích 10,5 lít và tốc độ tối đa có thể đạt được là 56km/h.



Tuy nhiên, dù cho mơ ước có trở nên hiện thực hơn, tất cả những gì mình có thể làm vẫn là “kính nhi viễn chi” vì giá xuất xưởng của Calessino vào khoảng... 28.000 USD.

Nếu có thể gọi tên một giấc mơ, thì với tôi, đó chính là Piaggio Vespa APE Calessino.

Còn gì đẹp bằng một buổi sáng thu vàng rực rỡ như sáng nay, cả nhà chở nhau trên chiếc APE đi ăn sáng rồi lang thang cà phê cà pháo, nhỉ?