Recent Posts

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2009

Tỵ nạn giáo dục

Đây là một trong những bài nói lên được đúng cái mà mình đang băn khoăn nên post lại ở đây. Câu hỏi đặt ra là:

(1) Chắc chắn là mình vẫn chưa thể làm ra nhiều tiền để cho 2 nhóc đi "tỵ nạn".

(2) Không tỵ nạn được thì làm thế nào để thoát ra khỏi cái vòng xoáy, cái dòng chảy "mainstream" khốn khổ khốn nạn này?

(3) Mình có thể có được cái dũng cảm để đứng ngoài cái dòng chảy đó, nhưng còn hai thằng nhóc, trái tim bé bỏng của chúng làm thế nào mà chống chọi nổi với những hệ lụy có thể có khi bố chúng cho chúng đứng ngoài dòng chảy. Có tới 99% khả năng chúng sẽ trở thành những kẻ đứng ngoài lề của cuộc chơi. Chẳng biết nói gì chỉ biết kêu .... Trời. Cũng chỉ còn chưa đầy một năm để trả lời cho câu hỏi khốn khổ này. 

Trích lại ở đây câu kết: "Chắc không nhiều những nơi trên trái đất này người ta tiễn người nhà của mình đi học bằng nỗi ngậm ngùi: tôi không vọng ngoại, tôi cũng không sính ngoại, tôi không chơi tiền, tôi chỉ muốn con mình được một chữ học đúng nghĩa." 

Mình thật sung sướng khi được sống ở một xứ sở hiếm hoi như thế này trên trái đất, phải không?  

(Dạ Ngân-TBKTSG) - Đứa trẻ mới 5 tuổi, đi mẫu giáo về, tối đã phải đi học thêm. Học để làm gì? Có trời mới biết nhưng mà cha mẹ em này nhìn vào cha mẹ em khác mà âm thầm đua nhau.

Học để khi vào lớp Một, con mình hiển nhiên nổi trội hơn con cái những người không có điều kiện học thêm. Và chuyện học thêm ở đâu mới thật nan giải. Nhưng đã tìm thì phải ra, bởi ở đời, khi người ta đã muốn thì người ta sẽ có cách. Các cô giáo dạy lớp Một có tiếng nhất định sẽ đắt hàng.

Ở Hà Nội mùa học trước thềm lớp Một đúng vào những ngày nóng bức nhất. Không ít cô lớp Một mua được đất riêng nhưng dù nhà lầu đi nữa thì hàng trăm em bé cũng phải chịu cảnh “xếp cá mòi” vào những giờ thông tầm giữa hai buổi học. Tuổi thơ của trẻ con Việt Nam nói chung bị thun lại một cách dị thường là vì ngay từ khi lớp Một, các em đã phải hy sinh cho thành tích của người lớn.

Bắt đầu một cuộc chạy trường mất ăn mất ngủ. Chém cha những gã nào đã nghĩ ra trường điểm trường chuyên, không ít phụ huynh đã nguyền rủa như vậy nhưng họ không trốn được cảnh chạy trường.

Ở Hà Nội, nhiều người giàu và cũng nhiều người quan niệm sống chết cho việc học của con nên họ đã phải chuẩn bị hàng xấp đô la để con mình được vào lớp Một sáng chói. Và cũng từ đó cả nhà cùng thức khuya dậy sớm với con em như thể đi cày. Phải trừ hao thời gian cho nạn tắc đường, phải ăn sáng hộc tốc, phải xếp hàng vào lớp sớm để còn rèn luyện thân thể. Và học, học cả hai buổi mà về nhà vẫn còn hàng đống bài phải học cho xong!

Một bài tập ở nhà trong học kỳ I cho học sinh lớp Một có nội dung sau: “Hãy viết 10 điều nên và 10 điều không nên về việc giữ gìn vệ sinh lớp học”. Một đứa trẻ 6 tuổi phải nghĩ ra 20 điều nên và không nên cho chuyện giữ gìn một phòng học chỉ có mấy bức tường, mấy cửa sổ, mấy dãy bàn ghế và một tấm bảng ư? Cả nhà xúm vào cùng làm bài với em đến khuya mà vẫn không đủ 10 điều cho mỗi cột.

Nên và không nên thì khác gì nhau, đã nên rồi thì đừng bắt không nên nữa mới đúng là giáo dục chứ! (Tương tự kiểu giáo khoa thư giáo điều như vậy còn có đề ngoại khóa cho học sinh lớp Bốn: “Hãy viết cảm nhận của em về trận Điện Biên Phủ trên không?”. Một học sinh lớp 12 còn không kham nổi loại đề như thế, nữa là).

Chuyện trồng người ở nước ta viết bao nhiêu cũng không hết sự ngô nghê, lạc hậu buồn cười, nhưng nói thì dễ thành “Biết rồi khổ lắm nói mãi!”. Nhưng đây là chuyện hệ trọng còn hơn cơm áo, bởi vì gia đình nào cũng có người liên quan đến việc học. Hơn nữa, người Việt Nam ta còn có câu “nhất con nhì của” và tinh thần hiếu học của người Việt thì đã được cả thế giới ghi nhận chứ không phải dân mình tự xưng. Chừng như các nhà vĩ mô, các vị chức sắc và cả các thầy các cô cũng biết rõ điều đó nên bộ máy ngành giáo dục đã tận dụng tối đa sự xả thân của phụ huynh cho việc học của con em họ. Ở vị thế bị trấn lột, bị tung hứng, các bậc phụ huynh biết rõ mình đang là miếng mồi nhưng không phải ai cũng có điều kiện để thoát ra.

Xin đừng tưởng những người có ăn có để ở thành phố đang thoát ra bằng cách cho con vào các trường quốc tế tại chỗ hay đi du học. Quả là với các loại trường quốc tế tại chỗ, học sinh đã được học ngoại ngữ tốt hơn, được thụ hưởng điều kiện học hành ưu thế hơn và được giảm tải với chương trình của Bộ Giáo dục. Nhưng để đổi lấy những điều đó, cha mẹ của các em đã phải dập mặt kiếm tiền, mà để có đồng tiền sạch ở xứ ta, nào dễ. Với những em phải du học sớm, cho dù các em được hít thở mọi thứ nhưng cái giá cho chính các em cũng không phải nhỏ. Đó là sự cắt rời cha mẹ ở tuổi vị thành niên, sự đứt gãy văn hóa truyền thống và tiếng Việt, những điều làm nên một người Việt Nam thực sự hương vị ở tương lai.

Lợi bất cấp hại nhưng càng ngày càng có nhiều người đã bấm bụng cho con mình có được môi trường học hành không vẩn đục. Ngẫm kỹ, dù vào trường quốc tế tại chỗ hay bằng mọi cách cho con cái đi ra nước ngoài, với người Việt của thời điểm này, nhất định đó không phải từ ý thức vọng ngoại mà thuần túy là một cách tỵ nạn mà thôi. Chắc không nhiều những nơi trên trái đất này người ta tiễn người nhà của mình đi học bằng nỗi ngậm ngùi: tôi không vọng ngoại, tôi cũng không sính ngoại, tôi không chơi tiền, tôi chỉ muốn con mình được một chữ học đúng nghĩa.

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2009

Tiếng gọi nơi hoang dã

1.

Không hiểu sao dạo gần đây có cái gì đó cứ thúc đẩy mình ra ngoài đường. Nếu không vướng bận mấy thứ họp hành thì chỉ quanh quẩn ở công ty được một lúc là lại muốn la cà cà phê cà pháo. Không định nghĩa được chính xác, nhưng rõ ràng là có một thứ động lực vô hình nào đó đã nhổ mình ra khỏi cái ghế da ở văn phòng, thổi bay mình ra lê la ngoài mấy quán trà đá vỉa hè. Mà không, không phải trà đá, cà phê mới chết chứ. Có lẽ là tại mấy ngày mát trời sau một chuỗi dài những nắng nóng đến điên cả người. 

2.

Nắng mưa là chuyện của giời, vì vậy đổ lỗi cho mấy ngày trời mát thì không được “phải” cho lắm. Động lực đó, suy cho cùng chính là cái bản tính thích tự do, khoáng đạt của tôi, mà, nói như kiểu Dr. Nikonian là “thích tự do và lang thang như gió”. Sau gần 5 năm trời cặm cụi, căng thẳng, hì hục và cày như trâu như chó, dồn hết cả sức lực, tuổi trẻ, đam mê và những nỗi bận tâm vào một việc duy nhất, cái bản năng đó đã bị kìm nén, đẩy vào cái ngăn kéo sâu nhất, dồn xuống đến đáy cái dạ dày. Vậy nên đến khi cái “việc” đó đã bắt đầu tạm ổn, đi vào quỹ đạo, tạm thời coi là một thời gian đệm để đến với một hành trình mới có vẻ “căng thẳng” hơn, cái bản tính đó đã trỗi dậy, đòi quyền được sống lại.

Nó sống lại để đẩy tôi ra ngoài đường, đẩy hồn tôi trôi nổi ra ngoài những giấy tờ, bảng tính, âu lo, để tôi thấy lại rằng “thế giới quả là rộng lớn” và qủa thực tôi còn có nhiều mối quan tâm khác ngoài công ty, những mối quan tâm mà tôi đã phải nén lòng lãng quên trong suốt mấy năm qua.

Tôi giờ đây giống như chú ếch đã luẩn quẩn quá lâu dưới đáy giếng, nay, bằng cách nào đó, đã bò lên đến miệng giếng và đang chuẩn bị nhảy ra ngoài.

3.

Sáng nay cà phê một mình, ngồi lơ đãng nhìn qua hàng rào thưa của quán, chợt thấy một cái taxi đỗ xịch bên cạnh một gốc cây bên đường. Chú tài bước ra khỏi xe, đến đứng đối mặt với gốc cây xà cừ cổ thụ mà tuổi của cây có lẽ còn cao hơn tuổi của người đã sinh ra chú, rồi thản nhiên vạch quần rồi tè vào cái gốc cây ấy. Tự tại và bình thản như thể chú đã làm việc đó rất nhiều lần ở chính cái chỗ đó, nhiều như chính trong toilet nhà chú mỗi buổi sáng vậy.

Bỏ qua những bức xúc về vệ sinh công cộng nơi cái thủ đô ngàn năm văn hiến này, tôi tự hỏi tại sao người ta hay thích tè bậy vào gốc cây. Ngoài việc nó là một chỗ che chắn, tôi đồ rằng khi đái vào gốc cây, người ta sẽ có cảm giác như đang tưới cây, cung cấp thêm một ít nước và muối cho cái sự sống của cây, và qua đó, nó giống như là đang chăm sóc cái cây chứ không phải là đái bậy. Vì vậy, khi đái vào cây, cái cảm giác tội lỗi sẽ được bớt đi chút ít, chứ không như khi người ta làm việc ấy vào tường hay vào cái cột đèn.

Nhưng quả thực là tè bậy cũng có cái thú riêng của nó. Trong những chuyến xe đêm đường dài của những đợt công tác xa, rất thường khi chiếc xe phải dừng ở một vệ đường hoang vắng nào đó. Cả đội hào hứng nhảy xuống xe, men xuống tận mép ruộng ngập tràn cỏ dại, dạng chân, ngẩng cao đầu, mắt xa xăm dõi theo những vì sao trên nền trời đêm, gió mát lành thổi tung những lọn tóc, những vạt áo, gấu quần, rồi bình thản làm cái việc ấy, mới thấy hết thế nào là "nhất quận công, nhì ... đồng". Những lúc đó, tôi thấy còn "phê" hơn cả đội hình những Eric Clapton, George Harrison và Mark Knopfler ôm đàn dạng chân đứng dàn hàng ngang trên sân khấu lộng gió của công viên Hyde Park để trình diễn Sultans of Swing. Cái hoang dã miễn phí ấy đã mang đến một cảm giác mà không một toilet ốp đá cẩm thạch với lavabo bằng vàng nào có thể đem đến được.

4.

Tối qua tình cờ lướt qua kênh HBO, thấy có chiếu một bộ phim mà qua những lần theo dõi đứt đoạn, không đầu không đuôi, chợt nhận ra đó chính là “Into the Wild” mà tôi đã được biết đến từ lâu. Từ những mảnh ghép rời rạc, tôi chưa kịp hiểu diễn biến toàn bộ câu chuyện, nhưng đã thấy toát lên là sự dấn thân của Chris, nhân vật chính của phim. Tôi không biết Chris dấn thân như vậy để tìm đến với thiên nhiên hoang dã, hay là để tìm lại chính bản thân mình, hay là cả hai. Cá nhân tôi nghĩ là cả hai mục đích đó đều đáng để dấn thân, nhưng khi chứng kiến cảnh Chris chết vì kiệt sức và ăn nhầm một thứ hạt cây có chứa chất độc, chết dần chết mòn trong xác của một cái xe buýt rách nát, dưới sự chứng kiến của bầu trời trong và xanh ngắt đến chói chang của vùng Alaska, tôi tự hỏi như thế có đáng hay không. Phía sau Chris còn có rất nhiều người như gia đình anh, người bạn già mà anh đã quen trên đường – người  trước khi chia tay anh đã đề nghị anh làm con nuôi của ông – đáng để Chris dấn thân hơn rất nhiều?

Chris để lại cho tôi nhiều mối liên hệ với Marco Fogg – nhân vật chính trong Moon Palace, một tiểu thuyết dài nhất mà tôi đã đọc trong năm nay. Giống như Chris, Marco cũng để dành hết những ngày tươi trẻ nhất của mình để dấn thân vào một quá trình tìm kiếm bản ngã của chính anh. Marco cũng đã từ bỏ hết mọi thứ, để ngày càng chìm dần vào một hành trình tự huỷ hoại bản thân, từ một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học để trở thành một người bới rác kiếm cái ăn trong công viên Central Park, rồi cuối cùng đã suýt chết trong kiệt sức và bệnh tật nếu không có hai người bạn tìm thấy.

Chẳng hiểu sao nước Mỹ lại sinh ra những con người như vậy? Hay đó chỉ là tiếng gọi của tự do, một loại tiếng gọi đến từ nơi hoang dã?

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2009

Reggae

Nhân bài trước có nhắc đến Bob Marley, nhặt ra ở đây những siêu phẩm của dòng Reggae. Tất nhiên Marley vẫn phải là nền tảng.

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2009

Giấu bài hát trong một câu chuyện

Có rất nhiều bài hát mà tự thân nó đã là một câu chuyện. Khi đó, hát có nghĩa là kể một câu chuyện nào đó. Có thể đó là một câu chuyện tình yêu, như Love Story, cũng có khi là một câu chuyện dài về cuộc đời, về cách nhìn nhận đối với một vấn đề bức bối của xã hội, đặc biệt là trong nhạc rock. Ví như toàn bộ album The Wall của Pink Floyd chẳng hạn. Cả album hơn một chục bài hát là một câu chuyện liền mạch, có cấu trúc rõ ràng về quá trình tự tìm kiếm bản thân của anh chàng Pink trong một xã hội bức bối và cái anh ta cần là một sự giải phóng tuyệt đối về tư tưởng. Hay như hầu hết các sáng tác của Bob Dylan, bao giờ cũng là những câu chuyện kể, những tự sự nhân tình thế thái dài dằng dặc mà không đoạn nào lặp lại. (*)

Cũng có rất nhiều bài hát hoặc đoạn nhạc mà mỗi lần nghe đều làm người nghe liên tưởng đến một câu chuyện, một kỷ niệm nào đó. Đó có thể là những bài hát được nghe nhiều, lặp đi lặp lại hoặc trong một bối cảnh đặc biệt trong một giai đoạn đặc biệt nào đấy của một người. Đối với những người nghe nhạc nhiều thì càng hay gặp. Đó là một sự liên tưởng mang tính tiềm thức. Và chính cái tiềm thức đó khiến người ta sử dụng bản nhạc đó, bài hát đó cho những thứ mà người ra nghĩ, nói hoặc viết ra. Cao hơn nữa, bản nhạc đó còn tạo ra cảm hứng, không những thế còn ngấm vào từng trang viết, mà điển hình là Haruki Murakami. Thậm chí, trước khi là một nhà văn, ông đã sống bằng cách mở một quán bar lấy tên là Peter Cat ở Tokyo. Âm nhạc tràn ngập trong các trang viết, trong sở thích cũng như trong khung cảnh mà các nhân vật của Murakami sống ở đó. Hầu hết các tác phẩm quen thuộc của Murakami có tên gọi lấy cảm hứng từ các bản nhạc. Có thể kể ra đây Rừng Nauy là tên bản Norwegian Woods của the Beatles, Biên niên ký chim vặn dây cót lấy cảm hứng từ một đoạn Opera của Rossini, Phía Tây biên giới, phía Nam mặt trời thì chính xác là South of the Border, West of the Sun - tên một bài “đỉnh” của Nat King Cole. Một tác phẩm nữa chưa thấy có ở Việt Nam là Dance, Dance, Dance chính là tên một bài hát của The Beach Boys. Chưa kể, Kafka bên bờ biển là tác phẩm ông sáng tác trong thời kỳ nghiền ngẫm nhạc của RadioHead.

Dài dòng như vậy để thấy (i) bài hát chính là câu chuyện và (ii) bài hát làm liên tưởng, hoặc tạo cảm hứng cho một câu chuyện thì có nhiều. Nhưng dùng một câu chuyện để dấu bài hát vào đó thì rất ít gặp. Vậy mà ngày hôm nay tôi gặp liền lúc hai câu chuyện với hai bài hát như thế, xin kể lại ở đây để biết tại sao tôi lại cất công viết lời dẫn nhập dài đến như vậy.

Câu chuyện thứ nhất là về “Hai cái giếng”, do nhà toán học Ngô Bảo Châu kể lại. Chuyện và chú giải như sau.

Chuyện kể rằng có một chàng trai người nước Vệ, đi học hoặc là đi làm xa nhà, chi tiết này không quan trọng cho nội dung của chuyện. Sau hai mươi năm bôn ba châu Âu, châu Phi, châu Mỹ la tinh, đến một ngày kia, anh kéo vali về cái làng nghèo nơi anh đã cất tiếng khóc chào cuộc đời. Hay tin ba mẹ anh đã mất cả. Công cuộc đổi mới đã làm bộ mặt của cái thôn nhà anh thay đổi nhiều quá. May có ông cụ già tốt bụng dẫn đường, anh mới tìm về được ngôi nhà cũ của ba mẹ anh. Cái nhà xưa bây giờ không còn nữa, thay vào đấy là căn nhà hai tầng màu xi-măng trông rõ trơ tráo. Chàng trai thấy hơi chạnh lòng. Cụ già tốt bụng chỉ cho anh cái giếng xưa nơi u anh rửa chân mỗi khi đi đồng về. Bao nỗi bâng khuâng thương nhớ của hai mươi năm xa nhà bây giờ được dịp dâng lên làm mắt anh cay cay.

Cụ già bảo: “Tôi với ông Nam bố anh là bạn vong niên đó”. Nghĩ là cụ nói ngọng, anh sửa: “Thưa cụ, bố con tên là Lam ạ”. Lúc đó mắt cụ già chợt sáng lên: “À, mày là thằng cu Tí, con ông Lam phải không. Lúc nãy bác nghe nhầm. Nhà anh ở đầu kia làng cơ.” Thế là anh bạn của chúng ta đi theo cụ già về đúng cái nhà của anh, cũng không còn nữa, thay vào đó là một cơ ngơi xi-măng trơ tráo khác. Cái giếng nước thì vẫn còn đó. Nhưng lần này, đứng trước cái giếng nước của mình thật, anh bạn của chúng ta không tài nào xúc động thêm lần nữa.

Câu hỏi sư cụ Hồng Minh đặt ra là: Ta có thể yêu ai hai lần không ? 

Bạn đã nghe câu hát này bao giờ chưa: “Could you be loved, and be loved …”. Nếu bạn không có cái may mắn nghe sư cụ Hồng Minh nghêu ngao câu hát này lại vừa xập xình ghi-ta điện đệm theo, bạn có thể xem anh Bob Marley hát ở dưới để thấm thía câu chuyện trên. Anh Bob Marley hát chưa được hay như sư cụ, nhưng cũng không đến nỗi nào.



Bonus thêm đoạn chú giải cho câu chuyện:

Thực ra ở đây có hai chuyện trong một. 

Một chuyện là những gì với mình tha thiết, thiêng liêng thì chỉ hiến dâng được một lần. Nếu người nhận không hiểu điều đó thì vô tình đánh mất một thời điểm tuyệt vời cuả người cho và của chính mình. Nếu người cho mà nhầm đối tác thì đó phải là điều cay đắng suốt đời. 

Một chuyện là sống thế nào để sau bao nhiêu bụi bặm trần gian, ta còn xứng đáng để được người yêu thêm lần nữa. Những kẻ lạm dụng xung quanh là những kẻ không bao giờ xứng đáng được ai yêu lại. 

Bạn Việt Lam là người lỡ hẹn với bản thân, và với mọi người.

Đấy, Could You Be Loved của Bob Marley đã được “giấu” một cách tài tình như vậy, cho dù người kể có thể không cố ý. Có lẽ, cũng vẫn là vấn đề tiềm thức.

Trường hợp thứ hai là một bài có tên là Vu lan, được kể bởi một bạn có tên là 5xu. Chuyện như sau:

Năm 1994 tôi thường xuyên phải ở một khách sạn tên là Hòa Bình ở Biên Hòa. Đấy là một khách sạn của nhà nước, lớn nhất ở Biên Hòa lúc bấy giờ. Còn tôi mới 21 tuổi. 

Buổi tối không biết làm gì, lại cũng không có nhiều tiền, tôi thường xuống reception chơi với đám lễ tân ở đó.

Gọi là đám lễ tân nhưng thực ra các anh chị ấy lớn tuổi hơn tôi nhiều. Và họ cũng rất cởi mở với một thằng nhóc bắc kỳ rặt bé nhỏ đang mắc kẹt ở cái khách sạn ấy.

Trong lễ tân có một anh người đậm, không đẹp trai, rất đàn ông, chưa vợ. Anh nói chuyện không nhiều. Khá kín kẽ.

Với khách nước ngoài, phần giao tiếp chủ yếu là anh.

Thi thoảng tôi cũng thấy có những người ở ngoài vào khách sạn gặp anh để nhờ ghi phong bì thư. Họ gửi thư cho người thân bên Mỹ mà không biết tiếng Anh. Trong số đó có cả những cô gái lai rất ngon mắt.

Mãi sau này khi thân nhau anh mới nói mình nguyên là nhân viên điều phối không lưu giỏi nhất ở Tân Sơn Nhất. Tiếng Anh của anh vì thế cũng giỏi như người Mỹ. Hay theo cách anh tả những ban nhạc SG chơi quán bar cho Mỹ đen: nhắm mắt lại mà nghe thì nghĩ bọn nó không phải người Việt.

Đám lễ tân ấy ngủ đêm ngay ở căn phòng reception. Phòng nhỏ nhưng sạch sẽ, sáng sủa và có máy lạnh. Bên phía ngòai quầy lễ tân là ghế xa lông cho khách.

Buổi tối tôi hay xuống ngồi chơi với họ. Họ cũng nghèo, đến khuya hết việc thì uống mấy ve.

Rồi anh mang đàn guitar ra hát. Hát rất hay mới chết. Một rocker thứ thiệt. Anh chỉ phàn nàn là không thể vừa chơi guitar vừa thổi harmonica như Mỹ.

Anh hát Heart of Gold. Anh hát The House of rising sun.

Cho đến bây giờ, tình yêu của tôi với ca khúc “The house of rising sun” là nhờ anh truyền qua trong những buổi tối như thế.

Rồi đến một hôm tôi phải về. Anh bảo tôi là sẽ hát tặng một bài mà tôi thích. Tôi bảo anh thích bài nào cũng được, tùy anh. Anh hơi say say, nói rằng anh đang nhớ mẹ. Tôi cũng thế.

Và anh hát Mother của John Lennon.

Lời bài hát có đọan:

Mother, you had me but I never had you,
I wanted you but you didn’t want me,

Mama don’t go,
Daddy come home.

Cho đến nhiều năm sau này tôi vẫn nghe thấy giọng gào thét da diết của anh và tiếng cửa kính căn phòng lễ tân ấy rung lên theo tiếng hát “Mother don’t go”

Người mẹ Việt Nam ở bên kia đại dương hẳn còn nhớ con trai mình nhiều hơn thế./.

Vâng, đúng là trong ngày Vulan, chẳng có việc gì bằng nằm một mình, vừa đọc “Bông hồng cài áo” của Thích Nhất Hạnh, vừa nghe John Lennon gào thét trên nền piano hai tiếng "Mẹ ơi". (**)


(*) Trong sác tác của Bob Dylan có rất ít những đoạn Chorus hoặc Ref. Nhạc có thể lặp lại nhưng ngôn từ thì luôn khác. Có lẽ chính do nó là một câu chuyện, mà câu chuyện thì không thể lặp lại chính mình.

(**) Viết đến đây mình mới nhớ ra là Lennon cũng mồ côi mẹ từ rất sớm. Bố ông đã bỏ hai mẹ con mà đi lúc ông mới lên 5. Sau đó Lennon phải đến ở cùng bà dì Mimi độc đoán (Nhưng chính bà cũng là người đã mua cho Lennon cây ghi ta đầu tiên trong đời). Do vậy không có gì khó hiểu khi sau này, Lennon đã hát Mother trong nước mắt, đặc biệt là đoạn "Mama, don't go. Daddy, come home".

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2009

Một entry cho ngày 10 tháng 7

1. Lò dò vào Blog của Trương Qúy, thấy treo câu hỏi: Bạn đang nghĩ gì? Chợt nhận ra mình đang nghĩ rất nhiều mà cũng chẳng nghĩ gì cả. Nghĩ về nhiều thứ mà chẳng cái gì rõ ràng, nên mệt. Triết lý nhà phật gọi cái trạng thái đó là Tâm bất an. Suy nghĩ lúc đó cứ như con khỉ, nhảy liên tục hết từ cành này sang cành khác. Chẳng nghĩ gì nghĩa là đã lâu lắm rồi mình không nghĩ về mình, chẳng có lúc nào để nhìn sâu vào chính bên trong mình để trả lời những câu hỏi mình đang làm gì? mình muốn gì và mình sẽ đi đến đâu? Có lẽ, phải dành ra một lúc nào đó để mà nghiền ngẫm, để mà "ta cần biết ta hơn nữa"(*). 

Bạn sẽ nghĩ gì khi mọi việc đang rối tung, thân thể bạn mỏi nhừ và cái đầu thì đau như búa bổ?

2.  Tự nhiên lại có nhu cầu viết lách. Muốn viết về nhiều thứ quá mà chưa thu xếp được. Một bài về chuyến đi Huế còn đang dở đang. Một bài về các nhạc sĩ, ca sĩ Canada mà mình thích, nào là những Paul Anka, Neil Young, những Anna Murray, Leonard Cohen, rồi trẻ hơn như Bryan Adams, Céline Dion, Analis Morissette, etc,. Và một bài dài về sự "trở về", một trào lưu quay trở lại với những điều xưa cũ nhưng bền vững trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, kiến trúc cho đến lối sống, lấy ý tứ từ "Sự trở lại của Kinh tế học suy thoái" của Paul Krugman. Rồi nữa, một bài ngắn ngắn về một người bạn cùng học cách đây 10 năm. Chưa kể, còn một dự định review DVD Buena Vista Social Club, đã viết trong đầu mà chưa typing ra được.

3. Vâng, và khi còn chưa trả lời được là mình đang nghĩ gì thì đã lại có một câu hỏi khác nảy sinh: có phải mình càng ngày càng "nhạt" đi không? Nghĩa là sống nhạt ấy?

(*) Tiêu đề một bài viết của GS. Trần Hữu Dũng.