Recent Posts

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Trước cơn bão

#1
DUNG6507

#2
DUNG6509

#3
DUNG6514

#4
DUNG6511

Đây là cái cửa sổ được nhắc đến trong bài này.

Một lời khuyên "lầm lạc"

Nghĩa vụ của một con người trước Trời Đất là sống chứ không phải là hy sinh nó, là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ... Không phải là ta khuyên con trọng mạng sống hơn cả nhưng mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy.

Trích NBCT.

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Trên đường

Tôi đọc nốt chương cuối cùng của cuốn Trên đường sau khi đã đánh một giấc ngủ trưa ngắn. Trước đó, tôi đã làm vài chai bia và đã ngà ngà. Và cơn buồn ngủ ập đến trong cái nắng ban trưa và những cơn gió mát lành.

Khi tôi buông cuốn sách và nhìn lên, trước mặt là cả một tấm màn dịu êm kết bằng những tán phi lao xanh sẫm. Trên cao nữa, là bầu trời xanh ngắt vời vợi. Mặt trời chếch đâu đó phía trên ngọn phi lao, nắng làm cho những chiếc lá kim thêm lấp lánh.

Ngoài kia, chỉ cách nơi tôi nằm khoảng 50 mét, là biển. Vịnh Bái Tử Long. Mặt nước êm như mặt hồ, sóng chỉ hơi gợn lăn tăn. Thoạt tiên nước hơi đục và có màu nâu đất, rồi đến một lớp nước màu xanh nhạt, rồi đậm dần về phía xa, nơi những hòn đảo nhỏ, những vảy rồng theo truyền thuyết đang ngự trị. Cả những hòn đảo cũng xanh. Và qua những  hòn đảo, lại là bầu trời.

Dư âm của những gì tôi đọc được trong Trên đường lẫn vào những tia nắng mặn mòi vùng biển, tiếng người lao xao, và tiếng gió thổi qua những rặng phi lao vi vút.

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Like Father, Like Son

1. Mặc dù đã là bố của hai nhóc con, thời gian làm bố đã sắp được tám năm, tôi vẫn có cái mặc cảm là tôi chưa phải là một ông bố tốt. Chưa tốt ở cái nghĩa tôi chưa phải là một người bạn đích thực của chúng.

Một trong những điều mà tôi không thích nhất ở công việc hiện tại của tôi, đấy là có ít thời gian dành cho gia đình, và cho con cái, tất nhiên. Trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại bên chúng, tôi lại mắc phải một cái tật rất xấu, ấy là không đủ kiên nhẫn để không la hét hay đe nẹt chúng mỗi khi chúng đi quá giới hạn, tất nhiên là giới hạn theo cách nhìn nhận của tôi. Tôi luôn muốn chúng được tự do, nhưng trên thực tế, tôi lại đang gò ép chúng theo những chuẩn mực do mình đặt ra, vết xe đổ mà rất nhiều bậc cha mẹ khác cũng đang mắc phải. Ở điểm này, mong muốn và hành động của tôi đã không được nhất quán. Tôi đã nhầm.

Mỗi khi chúng tranh giành nhau, tôi thường hay lôi câu chuyện làm anh khó lắm ra để giễu. Nhưng nghĩ lại, tôi mới thấy làm bố mới đúng là khó lắm. Làm anh hay làm em vẫn còn dễ chán, các ông tướng của tôi ạ.

2. Một trong những ám ảnh lớn nhất của tôi là sự hy sinh của người cha dành cho tôi, những hy sinh mà ngôn từ ít ỏi của tôi không thể viết thành lời. Nỗi ám ảnh ngày càng lớn khi ông ngày càng già đi và những đứa con của tôi lớn lên từng ngày. Phải ở trong cái hệ quy chiếu đó, tôi mới hiểu được sự hy sinh của ông lớn tới dường nào. Đức hy sinh đó dường như tôi chưa học được, từ cha tôi.

3. Ngày mai là ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng Sáu. Ở phương Tây, người ta gọi là Ngày của Cha.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

I feel the sorrow

Phòng làm việc của tôi nằm trên tầng bốn của một căn nhà hướng ra công viên. Toàn mảng tường phía trước của căn phòng được làm bằng kính. Mỗi khi mở hết những tấm lam gỗ, trước mặt tôi luôn là một bức tranh lớn. Bức tranh bốn mùa của cây cối và thời tiết. Vì là tầng bốn, nên độ cao ngang tầm những tán cây. 

Ngay lúc này đây, khi rời mắt khỏi máy tính, ngoài kia đang là cả một buổi chiều mùa hè nắng gay gắt. Tôi mở hết những lam gỗ và đứng sát cửa sổ. Tôi như đang lơ lửng trên một biển mây màu xanh của những tàng cây dầy đặc. Trên phía xa kia, mây đang sơn từng miếng lớn màu trắng lên bầu trời cũng xanh một cách lạ kỳ. Trời nắng nhưng có gió, tôi nhận ra điều đó qua những cành lá, những cụm hoa điệp vàng đang rung rinh trước mặt. Ẩn nấp đâu đó sau những vòm cây bên kia đường là những cành phượng còn sót lại sau mấy cơn mưa lớn. E lệ như những đốm lửa nhỏ gắng cháy nốt trước khi rơi xuống thành tấm thảm đỏ dưới đường.

Không phải "i như trong thánh kinh", nhưng quả thật nó giống i như những dòng này:

Oh my love for the first time in my life, 
My eyes are wide open, 
Oh my lover for the first time in my life, 
My eyes can see, 

I see the wind, 
Oh I see the trees, 
Everything is clear in my heart, 
I see the clouds, 
Oh I see the sky, 
Everything is clear in our world, 

Oh my love for the first time in my life, 
My mind is wide open, 
oh my lover for the first time in my life, 
My mind can feel, 

I feel the sorrow, 
Oh I feel dreams, 
Everything is clear in my heart, 
Everything is clear in our world, 
I feel the life, 
Oh I feel love. 

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

When I'm sixty four

Tôi tỉnh dậy lúc trời còn mờ sáng. Trước mặt là cả một cánh đồng còn im lìm trong sương sớm. Mùi lúa chín vảng vất, rất nhẹ và khẽ khàng, khiến cái mũi hỏng của tôi phải một lúc mới nhận ra. Chẳng có việc gì làm, tôi lại chui vào màn đánh thêm một giấc ngắn.

Tôi mở mắt trong ánh nắng rực rỡ của mùa hè. Thay vào tiếng côn trùng rả rích đêm qua là những lích chích của lũ chim sâu đang nhảy nhót trên mấy cây hoè dọc ngõ. Tôi nhìn ra phía cổng, nơi mấy ngọn hoa mướp vàng ươm dưới nắng mai đang rung rinh trước gió. Lớp sương rất mỏng của mùa hè Bắc Bộ đã tan hết, để lộ ra cả đồng lúa chín vàng rực. Nắng chan hoà khắp nơi. Và gió mát lành thổi qua mặt, mơn man trên cơ thể, như những giấc mơ đã rất lâu mới gặp lại.

***
Hôm qua, chuyến xe khách cuối cùng đổ bố con tôi xuống bến xe lúc trời đã tối. Cả thị trấn tối mò mò, chỉ vài ánh điện nhập nhoà hoà với ánh nến. Điện đã mất trước đó vài chục phút. Trên đường về nhà, tôi đi qua một đám ma. Im ắng, chỉ có tiếng người nói chuyện xì xào, không kèn không trống. Trong nhà, trên bàn thờ và trên cỗ quan tài, những cây nến đỏ phập phù leo lét, chiếu một thứ ánh sáng vàng ma quái, nhuộm thêm màu tang tóc cho chiếc quan tài màu đỏ. Ngoài cổng rạp, vài người đàn ông đang hồ hởi dong về một cái máy phát điện loại nhỏ. Một cứu tinh cho nhà có đám trước những ẩm ương của ngành điện.

***
Hai bố con bước vào khoảnh sân ngập ánh trăng trung tuần. Thứ ánh trăng không vằng vặc nhưng bàng bạc, lan ra mọi chỗ có thể, lấn át mọi thứ khi điện đã mất. Một thứ ánh sáng đẹp và thuần khiết, không bị xâm lấn bởi ánh đèn công nghiệp. Ông bà ra đón tận sân, thằng nhóc oà lên niềm vui lâu ngày mới gặp lại ông bà. Còn tôi vui, một phần vì tôi biết đêm nay sẽ có một đêm trăng đẹp. Niềm vui của tôi không còn như niềm vui con trẻ. Nó là một cái gì đó sâu thẳm bên trong, vẫn như mọi khi, chỉ ngồi lặng lẽ bên hiên nhà.

****
Cả nhà dọn bữa tối ngay ngoài hiên. Bữa cơm đạm bạc nhưng ngon miệng. Tôi cho rằng đây là một sự tiến bộ của hai ông bà. Không còn cảnh mổ gà rồi bày biện như mọi khi. Chỉ là tôm rang, trứng tráng, rau đay và mướp nấu cà da, ăn kèm với cà muối. Suốt bữa ăn, giữa những chuyện trò nho nhỏ là nỗi nhớ. Nỗi nhớ về người mẹ xấu số, người đã bỏ ba bố con tôi đi về thế giới bên kia đã hơn hai chục năm. Mâm cơm đạm bạc ngoài hiên có lẽ là một chất xúc tác tuyệt vời để tưởng nhớ bà. Nó giống như tôi đang ăn một phần ký ức của chính mình. Tôi ăn tuổi thơ tôi.

****
Sau bữa tối thì cũng đã muộn. Tôi bưng ra giành nước chè và bát điếu thuốc lào cho bố. Vẫn là cái bát điếu mà thời còn nhỏ tôi đã rửa cho ông không biết bao nhiêu lần ngoài bến sông. Cái bát sắt tráng men có vài chỗ đã vỡ, lộ ra những mảng đen như những vảy ốc. Cái bát điếu mà tôi nghĩ rằng, sau này khi sưu tập lại những kỷ vật của ông, nó phải là một phần không thể thiếu. Nó là một trong vài thứ lặt vặt khác mà tôi thực sự muốn thừa kế lại, từ ông.

****
Hai bố con ngồi trò chuyện rì rầm trong bóng tối, ngoài hiên, dưới tán cây nhãn. Thành ra bóng tối như tối thêm. Đèn trong nhà đã tắt hết. Trăng thì đã đi đâu mất. Thứ ánh sáng duy nhất là chấm đỏ của điếu thuốc lá tôi hút. Thỉnh thoảng ông rít thuốc lào. Ánh lửa hắt lên từ que đóm vạch những nét khắc khổ trên khuôn mặt ông. Trong thoáng chốc, tôi chợt thấy ông trong dáng ngồi và khuôn mặt, như một vị la hán gầy guộc nhưng thanh thản. Tôi thấy mừng. Ông kể ông đã lo xong những việc lớn. Gia phả dòng họ ông đã hoàn thành. Ông cũng đã lo xong mộ phần cho ông bà tổ tiên, và cả cho chính ông nữa. Bát họ ông "chơi" từ năm ngoái đã giúp ông lo xong cỗ quách cho bố ông, tức là ông nội tôi. Chỉ đợi đến cuối sang năm là sang cát, cũng là lúc ông hoàn thành nghĩa vụ làm con của mình. 

Ông năm nay đã bước sang tuổi sáu mươi tư. Ông tự hào vì mình vẫn còn uống được rượu, không nhiều, nhưng đều đặn. Và vẫn còn răng để gặm được xương, "chứ không như lão Giảng bên khu Hai, nhà giàu thế nhưng giờ phải uống rượu với cháo". Ông kể với một chút đắc ý. Ông cũng vui vì vẫn còn nhiều người gửi rượu cho vào các dịp lễ tết trong năm, "rượu gì cũng có". Tôi chợt nhớ giấc mơ thưở hai mươi của Paul McCartney trong bài "When I'm sixty four":

"When I get older losing my hair
Many years from now,
Will you still be sending me a valentine
Birthday greetings bottle of wine?"

Ông không biết bài hát này, cũng không biết Paul là ai. Tôi cũng không biết ông có điều ước nào tương tự thế hay không, nhưng ông bảo ông cảm thấy sướng vì giờ "chẳng phải làm gì", "suốt ngày ăn rồi ngồi nhìn cánh đồng". Ông tự trào cái cảnh ăn không ngồi rồi của mình như vậy. Cả hai bố con cùng cười.

Còn tôi, tôi muốn gì khi tôi sáu mươi tư tuổi nhỉ? Trong vô vàn những ước mơ thường nhật, vẫn phải có chỗ cho một ước mơ nhỏ nhoi: đến tuổi đó, tôi vẫn còn được trải chiếu, mắc màn ngủ ngoài hiên trong một đêm hè. Như đêm qua.


IMG_0680

IMG_0683

IMG_0685

IMG_0706

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Quảng cáo cho bác Phan Cẩm Thượng

Hoạ sỹ Paul Gauguin trong một tácphẩm vẽ ở Tahiti có lấy chủ đề: Chúng ta làai? Chúng ta từ đâu ra? Chúng ta đi về đâu?. Đó là những câu hỏi lớn mà bất cứdân tộc nào, cá nhân nào cũng phải tự hỏi và tự giải đáp cho mình. Viết vànghiên cứu lịch sử là cách lý giải những câu hỏi đó, tuy nhiên người ta đã quanniệm lịch sử rất hẹp hòi, như là lịch sử chính trị, lịch sử chiến trận hay lịchsử của các triều đại thống trị, mà quên mất con người đã từng tồn tại bằng rấtnhiều phương diện khác. Lịch sử nghệ thuật cũng là một con đường lớn, mà chínhmột thế chế, một thời đại qua đi, nó trở thành nhân chứng duy nhất (như Kim tựtháp Ai Cập). Đồ vật và sinh hoạt ngày thường cho mãi đến gần đây mới là đốitượng bổ xung cho nghiên cứu lịch sử. Ăn ở của con người như thế nào nói lênđược nhiều điều mà lịch sử to tát của các vương triều không lý giải thỏa đáng.Tôi bắt đầu hình thành cuốn Văn minh vậtchất của người Việt sau một thời gian dài nghiên cứu nghệ thuật thuần tuý,khi thấy bên cạnh những kiến trúc tranh tượng còn có những vật dụng thôngthường mà qua đó có thể hiểu được bước đi của dân tộc. Xem những bảo tàng dântộc học và lịch sử tự nhiên đem lại những gợi ý khác và nhất là những cuốn sáchmà trước đây ông Thái Bá Vân từng nhắc tôi nên đọc như: Đời sống hàng ngày của người Hy Lạp, La Mã. Cuốn Cấutrúc vật chất trong đời sống thường ngày (The Structures of EverydayLife) của ông Fernand Baudel (1902 - 1985) đã đem cho tôi những gợiý sâu sắc về phương pháp luận, để từ một mặt rất thông thường của đời sống, nhưngựa xe, lương thực mà hiểu lịch sử và con người đã như thế nào trong lịch sử.

Sự phát triển của cái bát là điềuđầu tiên và rất cụ thể mà tôi chú ý đến. Từ chỗ con người ăn bốc, chụm hai bàntay vào hụm nước, bổ đôi hoa quả, cái bát hình thành như một đồ đựng quan trọngvà biến thiên lúc thì như cái thuyền (bát thuyền) lúc thì như bông hoa sen, hoasúng (bát Lý Trần), rồi lại như thân hình thắt eo của người phụ nữ (bát chiếtyêu). Rồi từ đây tất cả đồ vật bỗng trở thành quan trọng để nhìn nhận đời sốngtrong quá khứ. Tôi băn khoăn cái rìu, cái cuốc, cái cầy và bánh xe đã ra đời vàthay đổi như thế nào, khi nào thì người Việt bước vào nền nông nghiệp, thay vìsăn bắn hái lượm trong kinh tế tự nhiên. Mọi thứ đã hiện lên sinh động. Tất cảcông cụ lao động và đồ vật, giống má không có sẵn, không có đồng thời cùng mộtlúc, chúng hình thành dần dần trong lịch sử và thay đổi theo thói quen canhtác, theo địa lý, và dẫn đến các tập tục văn hoá. Đê đến thế kỷ 11 mới đắp, nềnnông nghiệp quy mô mới chính thức bắt đầu. Vì kèo gỗ mới tìm thấy sớm nhất ởthế kỷ 13, chè Lam thế kỷ 15 mới có, thuốc lá năm 1660 mới chính thức được hút,xu hào, cà chua, bắp cải, súp lơ thế kỷ 17 mới được đưa vào Việt Nam theo nhữngthương thuyền châu Âu, phở thì đầu cuối thể kỷ 19 đầu thế kỷ 20 mới  có, chiếc áo dài tân thời mới được cải tiếnnăm 1930. Từng thứ từng thứ có nguồn gốc, có ngày sinh tháng đẻ, lịch sử khôngphải là truyền thuyết, không có sẵn từ đầu tất cả mọi thứ. Nhìn sang phương Tâycũng như vậy thôi, thế kỷ 18, ở thành Parishàng ngày có đến 20 ngàn người đổ thùng và xe nước cho các thị dân, những ngườinghèo thì ra đầu các cống thải tắm giặt. Do thuốc ho lao chưa có nên các côngnương xinh đẹp rất ít tắm vì sợ sưng phổi. Ở ta cũng vậy, có thời nhà nôngkhông ăn bữa tối, bữa cơm hàng ngày không biết đến thịt là gì. Lúa Chiêm chưađược biết đến ở thế kỷ 2 ở Bắc bộ và cây lúa nương đóng vai trò chính trong cấytrồng lúc đó.

Văn minh bắt đầu từ cái rìu mộtthứ vũ khí kiêm công cụ và cái này đẫy rẫy trong văn hoá Đông Sơn, tiếp sau làcái cuốc một công cụ có tính thế giới ở mọi dân tộc sơ khai, cuối cùng là cáicầy do gia súc kéo. Đến cái cầy chưa hẳn là nền nông nghiệp và nông dân đã hìnhthành, còn phải có một thứ nữa là vụ mùa, thuần dưỡng chăn thả và quần cư làngmạc. Từ đây con người bước vào giai đoạn suy thoái hay phát triển người ta cònphải tranh luận, vì nông nghiệp làm mất hẳn kinh tế tự nhiên, suy thoái hàngloạt giống má trong tự nhiên và con người phụ thuộc một cách bấp bênh vào vụmùa, lại do mưa nắng quyết định. Song chính nền nông nghiệp đã dẫn đến sự hìnhthành của nhiều quốc gia. Ở lưu vực sông Mê Kông, cây lúa nước có nguồn gốc từvài giống lúa từ Tây Tạng đã tạo ra các vựa lúa lớn và dẫn đến các quốc gia cácnền văn hoá đặc sắc. Đó là Nam Chiếu, Đại Lý ở nam Trung Hoa, Burma (Myanma)với nền nghệ thuật Pagan, Lào và Siem với Luang Phabang và Sukhothai, Phù Namvà Camphuchia với Angko, rồi ngược lên trung bộ Việt Nam là Champa với Mỹ Sơn,trong khoảng thời gian từ đầu công nguyên đến thế kỷ 7. Vựa lúa sông Hồng, sôngThái Bình và sông Mã được hình thành theo cách khác dẫn đến quốc gia Đại Việtmuộn hơn mặc dù lịch sử của người Việt cũng lâu dài.



Khi đê chưa được đắp các thửaruộng có thể cấy trồng vào mùa khô với chất đất khá xốp. Cái lưỡi cầy Đông Sơncho thấy nó được bố trí nằm gần như bằng với mặt đất. Khi nước sông không cònvào được ruộng nữa, đất trở nên rắn và cái lưỡi cầy buộc phải nằm nghiêng. Cầychìa vôi ra đời trong khi đó người Trung Hoa vẫn cầy bằng cái cầy có guốc cầylà trên mặt ruộng. Cái này người Hán gọi là sàngcầy hay để (đáy) cầy. Người Nhật thì dùng cả hai loại gọilà vô sàng lê (cầy không guốc - giốngcầy chìa vôi ta) và hữu sàng lê (cầycó guốc - giống cầy Hán). Cái sàng cầy lại được làm theo 3 kiểu ngắn, vừa vàdài, tuỳ theo địa hình. Người Champa thì lại học lối cầy Ấn Độ, có cái cầynương mũi quặp xuống như mỏ chim, và cầy ruộng nước như cầy Việt. Tuy nhiên cầyChampa khá nặng và to phù hợp với hai bò kéo. Sự ảnh hưởng của văn hóa TrungHoa và Ấn Độ không chỉ trên các bình diện tinh thần mà ngay ở canh tác nôngnghiệp, người Việt tiếp nhận được cả giống lúa Chiêm từ phương Nam, giống lúanương sau chuyển thành cây lúa mùa từ phương Bắc và rất nhiều loại hình công cụtừ hai phía, bên cạnh đồ dùng, binh khí, nhạc cụ, y phục thì cũng có hai xuhướng như vậy, trong đó sắc thái Nam Á là chủ đạo và là huyết mạch trong vănminh vật chất của người Việt, đặc biệt là đời sống dân gian thường nhật, cònvua chúa quý tộc lại đam mê những kiểu cách Trung Hoa.

Sông nước và con thuyền gắn bóvới người Đông Sơn sau đó là người Việt từ thời thượng cổ với con thuyền độcmộc ban đầu, khi sống thì con thuyền là nhà, khi chết thì con thuyền là mồ. Đâychính là điểm khác nhau giữa văn hóa Việt - Mường khi con thuyền không mấy ýnghĩa với người Mường, mặt còn lại người Việt và người Mường chung nhau rấtnhiều điểm, về ngôn ngữ, lối ăn gói lá và đồ, lối quấn vải làm khăn, áo ngực vàváy, cách thức canh tác và chế tạo nông cụ. Dấu ấn con thuyền trở thành hìnhtượng trên mái đình làng và thủy binh cũng là một thành phần mạnh trong quânđội phong kiến. Cái xe ít được nhắc đến và có vẻ rất thô sơ cho đến tận đầu thếkỷ 20, người Việt chưa bao giờ chế tạo được cái xe ngựa chạy tốc độ cả. Tấtnhiên xe trâu bò kéo, xe cút kít đẩy tay cũng được dùng phổ biến và chủ yếu làchuyên chở nặng. Xe ngựa và kỵ binh trong quân đội phong kiến rất kém và hầunhư không được dùng trong chiến trận.

Sự ra đời của cái bánh xe đượccoi như là mốc phát triển quan trọng của loài người. Có người cho rằng cái bánhxe hình thành từ cái cối đá cổ xưa, hay bàn nghiền, con lăn… đều lấy nguyên lýquay tròn làm chuyển động. Với người Ấn Độ bánh xe - pháp luân có nguồn gốc từmặt trời và thể hiện sự bất tận của cuộc sống. Trong văn minh Ai Cập và TrungHoa, bánh xe và xe ra đời khá sớm, có lẽ đến hai ngàn năm trước Công nguyên,sau đó đến cỗ xe Hy Lạp nổi tiếng trong lịch sử chiến trận chừng 500 năm trướcCông nguyên. Từ bánh xe có nhiều quan hệ với guồng nước, cối xay nước, cối xaygạo, cối ép mía… mà người Trung Hoa đều gọi là Xa cả, tức là chuyển động của một đồ vật dựa trên nguyên lý quaytròn. Cái xe trong văn minh Việt không đóng vai trò lớn, ngay cả trong quân độiCho đến đầu thế kỷ 20, nông dân vẫn dùng chủ yếu là xe trâu kéo thô sơ, bánh làmột phiến gỗ đặc và xe cút kít gỗ một bánh di chuyển rất chậm, chuyên chở cũngkhông nhiều.

Từng thứ từng thứ, gây cho tôi sựtò mò vô hạn về xuất xứ, công năng và sự thay đổi của nó theo thời gian, sự sửdụng, mỗi đồ vật đều có khả năng nói lên con người sử dụng nó như thế nào, thờibuổi sinh ra nó ra sao. Đó chính là cánh cửa mở ra cái nhìn lịch sử theo mộtcách khác không sách vở. Khi bắt tay viết, tôi mới thấy mình chạm vào một lĩnhvực quá sức, làm sao một cá nhân có thể biết hết được những gì dân tộc trảiqua, tôi bèn xác định những công cụ và đồ vật chính, đối chiếu nó với những đồvật trong các nền văn minh tương tự có liên quan với xã hội nông nghiệp cổ ViệtNam, từ đó gắng lần ra sợi dây xuyên suốt sự phát triển, ví dụ như từ cục đásinh ra cái rìu, con dao, cái đục, cái búa. Khi đụng chạm vào một thế giới mênhmông như vậy, nhiều khi tôi cảm thấy có một người nào đó rất cổ xưa đọc chomình chép, cứ thế cứ thế, liên tục qua đêm này đêm khác, và tôi cũng nhanhchóng hình thành xong cuốn sách vài trăm trang. Công việc song song là nhờ mộtbạn trẻ đi chụp ảnh minh họa và tự mình đến những nơi có đồ vật vẽ lại. Riênghơn 1500 minh họa ảnh và tư liệu cũ, hình vẽ, bản thân nó cũng là một công việckhông nhỏ và tốn kém, kéo dài trong suốt sáu năm qua. Bao nhiêu câu chuyện vềđời sống quá khứ và ngay hiện tại khi chúng tôi đi làm sách cũng đáng để viết ra và tôi xin tặng cuốn sách này cho các bạn trẻ khi muốn tìm hiểu xem cha ôngđã ăn mặc, làm lụng, khai nền mở đất như thế nào. Mỗi vùng các bạn sống đều cónhững đồ vật nhất định, những tập tục bản nguyên và các bạn có thể viết thêmvào cuốn sách những gì tôi chưa biết, coi đó như là một công việc chưa kết thúccần viết tiếp.

PhanCẩm Thuợng
2011

 *Các hình ảnh trong bài trích từ sách Văn minhvật chất của người Việt.

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Wrap&Roll

Đang thèm món cuốn thì viết vậy thôi, chứ thực ra là đóng gói lại và di chuyển.

Cái cảm giác đóng gói lại mọi thứ, dù biết rằng là để cho một tương lai tốt hơn, nó vẫn cứ man mác một cảm giác gì đấy không cắt nghĩa được. Nhưng hẳn là có một chút buồn trong đó. Đóng gói lại cả một nếp sinh hoạt kéo dài trong tám năm cũng không phải là một chuyện dễ dàng. Vì vậy vẫn có chút gì đấy dùng dằng, không dứt khoát.

Sẽ rất nhớ mái nhà nhỏ xinh này, nơi khởi đầu cho một chuyến hành trình đã được tám năm của một gia đình nhỏ.

Sẽ sớm quay trở lại, nhưng khi đó mọi thứ đã thay đổi rồi. Cái cố gắng cần giữ lại, là nếp nhà. Có nếp nhà rồi thì mọi thứ cũng coi như không có gì gián đoạn mà sẽ là một sự tiếp nối tự nhiên.

Ăn để mà sống hay sống để mà ăn

Ăn để mà sống, hay sống để mà ăn?

SGTT.VN - Cô giúp việc nhà tôi gọi rối rít vẫy tôi ra cái tivi, “Cô ra đây xem nè, dưa hấu tự nổ ở Trung Quốc, vì tụi nó cho nhiều hoá chất kích thích tăng trưởng quá.” Tôi lên Facebook, nhan nhản các “status” bình luận câu chuyện dưa nổ này: “… mình mà ăn vào chắc mình cũng nổ banh xác luôn”.


Kinh khủng thật, cứ dăm bữa nửa tháng lại rộ lên một vụ xì-căng-đan về thực phẩm. Mà nóng sốt giật gân thế này vài ngày thôi, rồi lại “nguội” ngay ý mà. Tôi nhớ cách đây khoảng mười năm, ở Hà Nội inh ỏi cái vụ bánh phở ngâm chất formaldehyde để bánh phở được “giòn” và bảo quản được lâu, thế là cả thành phố tẩy chay phở, chạy khắp

Hà Nội cũng chỉ kiếm được vài hàng lớn có đủ các loại chứng nhận của hết sở này đến cục nọ mới có khách ăn. Nhưng rồi sau khi vụ đó lắng xuống, người dân lại quay lại với món ruột của mình, và mười năm qua cũng chẳng ai thèm quan tâm bánh phở trong tô phở mình ăn mỗi sáng được ngâm bằng cái gì không nữa.

Nếu các bạn giật mình vì sáng nay vừa ăn tô phở, thì… vẫn chưa hết đâu.

Sự thật đáng sợ

Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm do cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) bộ Y tế phát động, đã diễn ra từ 15.4 – 15.5 vừa qua. Nhưng liệu một tháng hành động như vậy có thể chuyển biến được tình hình vi phạm ATVSTP vốn diễn ra trong suốt cả năm và trên khắp cả nước hay không? Riêng năm 2010, trong 368.000 cơ sở sản xuất thực phẩm được thanh tra thì có gần 150.000 cơ sở vi phạm. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có tám triệu người bị ngộ độc thực phẩm hoặc ngộ độc do liên quan đến thực phẩm!

Đáng lo ngại hơn nữa, chính là những nguy cơ tiềm ẩn từ việc sử dụng các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, cũng như hàng trăm loại hoá chất, phụ gia, phẩm màu dùng để pha chế nước giải khát, thạch rau câu, làm bánh mứt kẹo, làm nước lẩu v.v., nhập từ Trung Quốc với giá cực rẻ và không có hạn sử dụng được bày bán công khai ở các chợ. Và liệu mấy ngày vừa rồi bạn có xơi phải một thứ thực phẩm đã được “tẩy trắng” nào không: từ gà, vịt, dồi trường, mực, tới giá đậu, ngó sen, dừa xiêm?

Ngay với thực phẩm trong nước, nhiều địa phương sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng bừa bãi, không rõ nguồn gốc, thuốc bảo vệ cấm sử dụng, tồn dư hoá chất trong nông sản thực phẩm còn cao. Nhiều mặt hàng được bảo quản bằng chất kháng sinh, hoá chất gây ung thư… Nếu như năm 2000, nguyên nhân các vụ ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 70%) thì tới năm 2010, hoá chất là nguyên nhân chính, chiếm tới trên 60%. Trong khi đó, mỗi năm, trung bình mỗi người dân Việt Nam chỉ được chi… 780 đồng cho công tác đảm bảo ATVSTP.

Hãy tự cứu mình

Tình hình này, chắc mình phải lo cho mình thôi. Tôi chắc các bạn cũng nhiều khi cảm thấy luôn nghi ngờ và khó chọn lựa thực phẩm an toàn cho bản thân và gia đình. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ chị em mình càng ngày càng ý thức hơn trong việc này. Rất nhiều chị em đã biết chọn mua thực phẩm tươi sống ở siêu thị hay những cửa hàng thực phẩm sạch có giấy phép, hay chỉ mua các sản phẩm có dấu hàng chất lượng cao.

Và các bạn chắc đã từng nghe tới “thực phẩm xanh”, vốn đang dần chiếm lĩnh thị trường thực phẩm trên thế giới hiện nay. Một điều dễ hiểu, những gì gây hại cho môi trường chắc chắn cũng chẳng tốt đẹp gì cho sức khoẻ con người.

Hãy lựa chọn thực phẩm hữu cơ

Loại thực phẩm xanh phổ biến nhất, chính là thực phẩm hữu cơ (organic). Đó là những sản phẩm lương thực thực phẩm từ nuôi trồng hữu cơ, là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Thực phẩm hữu cơ an toàn hơn với sức khoẻ của con người, nhất là với trẻ nhỏ, và canh tác nông nghiệp hữu cơ còn giúp giảm gây ô nhiễm cho môi trường sống và nguồn nước, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn tài nguyên không thể tái sinh.

Tại Việt Nam thực phẩm hữu cơ vẫn còn chưa được phổ biến, do nguồn cung hạn chế và giá thành còn cao, ví dụ như rau hữu cơ có giá cao hơn rau thường gấp 2 – 3 lần. Nhưng các bạn thử nghĩ xem, sức khoẻ của con bạn đáng giá bao nhiêu tiền? Hiện đã có một số nhãn hiệu uy tín như rau hữu cơ Asimco, thịt sạch Đức Việt ở Hà Nội, hay các cửa hàng Ecomart (www.ecomart.vn), E-food (www.e-food.com.vn) cung cấp các thực phẩm hữu cơ cơ bản (như rau, thịt, trứng, gạo, chè v.v) và giao hàng tận nhà. Ở TP.HCM thì đã có siêu thị rau sạch của HTX Thỏ Việt, và các siêu thị lớn cung cấp rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng như một số cơ sở nhỏ khác như Rau sạch Kathy (www.thucphamsach.coo.vn).

Hãy làm một người nông dân

Bạn đã bao giờ nghĩ tới chuyện tự trồng rau chưa? Bạn cứ thử đi và sẽ thấy rằng không gì thích bằng việc được thưởng thức những loại rau củ sạch do tự tay mình trồng. Bạn nghĩ rằng quá khó? Không hề! Đã có những công ty chuyên bán vật tư, thiết bị nông nghiệp để trồng rau hữu cơ tại nhà. Mọi thứ đều có sẵn, từ đất, khay trồng, hạt giống, tới các dụng cụ làm vườn, và yên tâm là các cơ sở sẽ hướng dẫn cho bạn từ A đến Z, thậm chí còn đến tận nhà trồng rau giúp bạn và hàng tuần tới chăm sóc rau cho bạn. Các mô hình trồng rau tại nhà, dù bằng phương pháp thuỷ canh hay trồng bằng đất, đều rất phù hợp với các hộ gia đình thành thị vì không cần quá nhiều thời gian chăm sóc, và bạn có thể tận dụng bất cứ khoảng trống nào, chỉ cần có ánh nắng là được. Nhà tôi chỉ có một cái sân thượng chừng 20m2 mà tôi cũng trồng đủ thứ rau cải, mồng tơi, xà lách, rau thơm, chanh, ớt, thậm chí cả ổi. Đối với tôi, mỗi buổi sáng và buổi chiều lên trên đó tưới rau và thằng con lon ton phụ giúp hoặc hái rau cùng, có lẽ là những giây phút thư giãn nhất sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Hãy là người tiên phong

Chắc cũng phải mất vài năm nữa, các loại thực phẩm xanh mới trở nên phổ biến hơn ở nước ta. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, chính các bạn có thể giúp thúc đẩy xu thế này. Ngày hôm nay, mỗi khi đi chợ, bạn hãy liên tục hỏi mua thực phẩm hữu cơ, thì dần dần người bán hàng sẽ phải tìm nguồn cung cấp những loại thực phẩm này. Bạn vừa muốn sống khoẻ mạnh, giảm nỗi lo về nguy cơ bệnh tật cho mình và gia đình, lại vừa muốn một môi trường trong lành hơn cho thế hệ tương lai, phải không nào?

Hoàng Thị Minh Hồng

Bò, chứ không phải xe hơi, là mối đe doạ hàng đầu cho môi trường

Đây là một lời khẳng định trong một báo cáo của Liên hiệp quốc, về mối liên hệ giữa chăn nuôi và biến đổi khí hậu. Trong khi lượng khí nhà kính mà phương tiện giao thông thải ra môi trường chiếm 14%, thì lượng khí thải ra từ việc chăn nuôi gia súc để lấy thịt và bơ sữa chiếm đến 18%.

Đã có khoảng 70% rừng vùng Amazon bị phá để dùng cho chăn nuôi. Và ngoài việc là một nguồn ô nhiễm lớn cho nguồn nước, do các chất thải từ trại chăn nuôi, ngành chăn nuôi còn tiêu thụ số lượng khổng lồ tài nguyên quý báu này. Người ta đã tính phải cần 100.000 lít nước để sản xuất ra 1kg thịt bò, trong khi chỉ cần 2.000 lít nước cho mỗi ký đậu nành. Trong khi 1,1 tỉ người trên thế giới không có được nước sạch và 6.000 trẻ em chết mỗi ngày vì uống nước ô nhiễm thì khoảng 1.000 tỉ khối nước sạch lại bị sử dụng cho việc chăn nuôi mỗi ngày.

Tôi không muốn bảo rằng các bạn không được ăn thịt nữa. Nhưng các bạn hãy nhớ tới những con số này, và có thể ngày nghỉ cuối tuần này, các bạn hãy làm một bữa chả giò chay, thay vì cuốn với thịt như mọi khi? Vừa lạ miệng, vừa giúp giảm cholesterol, vừa tốt cho môi trường.

Và nếu như các bạn có sở thích dùng các loại thực phẩm nhập khẩu, thì các bạn hãy nhớ rằng, miếng thịt bò hay hộp sữa nhập khẩu đó, đã phải bay một chặng dài từ Úc hay Mỹ sang đến Việt Nam, biết bao nhiêu CO2 thải vào khí quyển!

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Nhiệt đới buồn

Khi bạn ngồi ở một nơi quen thuộc, mà lòng cứ nhấp nhổm không yên, đấy là khi bạn buồn.

Khi bạn uống ly cà phê quen thuộc, mà không thấy ngon, đấy là khi bạn buồn.

Khi bạn hút điếu thuốc quen thuộc mà chỉ thấy vị khét, đấy là khi bạn buồn.

Khi bạn nói chuyện với một người quen thuộc, mà họ không nhìn thẳng vào mắt bạn. Tất cả những gì bạn thấy chỉ là một khuôn mặt nghiêng, đấy là khi bạn buồn.

Buồn nhất, khi bạn thấm thía ý nghĩa của hai chữ "nghèo hèn".

Nghèo là hèn.

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Đểu Cáng

Đọc Văn Minh vật chất của người Việt (Phan Cẩm Thượng) mới biết nghĩa của từ Đểu Cáng. Đểu Cáng là từ chỉ người gánh thuê. "Đểu" là một người gánh hai thúng hai bên. "Cáng" là hai người gánh chung một đòn, thúng ở giữa.

Tại sao bây giờ Đểu Cáng lại có nghĩa xấu xa như vậy. Những người lao động lam lũ đã có tội tình gì chăng?

Nếu đúng như Phan Cẩm Thượng nói, Đểu Cáng phải có nghĩa là Tử Tế.

Tự dưng lại muốn xem phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thuỳ.

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Tôi thấy Hoa vàng trên cỏ xanh

Trưa vắng và nóng, ngồi trà đá trong một khu vườn rộng. Những tia nắng vàng xuyên qua vòm lá xanh um, nhảy nhót trên mặt thảm cỏ rộng và cũng xanh không kém. Như những Hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh.

Chỉ muốn nằm lên thảm cỏ, dưới gốc cây, và ngủ một giấc ngắn. Như cụ kị Lev Tonstoi đã làm vậy qua một bức tranh của Ilia Repin.

Xung quanh, cánh phượng rơi đầy.

Thổ lộ ước ao thì đồng nghiệp ngồi quanh ồ lên: Anh mà nằm xuống là kiến cắn ngay. Kiến ở đây to và đông vô kể.-:)

Thì thôi không nằm nữa, quay ra đọc Không thể phát điên vậy.