Recent Posts

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2009

ĐT37B & Đồng bọn

Thoắt cái đã đi làm được 9 năm.

Nghề nghiệp cho phép tiếp xúc nhiều với giới doanh nghiệp, doanh nhân, cũng học được từ họ nhiều cái hay.

Giới này có nhiều đặc điểm: nhanh nhẹn, đầu óc quái đản, có người lúc nào cũng comple cà vạt chỉn chu nhưng cũng có những người chỉ áo phông dép lê; có người thì suốt buổi chỉ im lặng nghe người khác nói, người lại “nổ” hơn cả Kiên nổ lớp mình.

  1. Business hay là sự Bận rộn

Tuy nhiên, cái dễ nhận thấy nhất là họ luôn “bận rộn”. Họ liên tục “nấu cháo” điện thoại, còn hơn cả các đôi đang tán tỉnh nhau. Ngoài cửa phòng luôn có một hàng dài đối tác ngồi đợi, nếu liệt kê ra có lẽ còn dài hơn cả danh sách “partners” của Việt Vinh. Thư ký liên tục vào nhắc việc, y như kiểu các ông bố bà mẹ ôm “bom nổ chậm” trong nhà suốt ngày nhắc con gái đi lấy chồng. Ngay cả bản thân mình lúc ngồi viết bài này cũng giật mình nhận ra mình cũng đã rất nhiều lần trả lời “Tôi đang bận”, “Mình bận lắm”,... hay đại loại là như vậy. Tóm lại là ... “bận”.

Dân kinh doanh khi gặp nhau phần lớn thường hay ta thán về cái sự “bận” của mình. Có người lấy đó làm niềm vui, bởi kinh doanh mà không bận rộn, không có nhiều việc để làm thì chỉ có nước... đóng cửa. Có người thì vì bận quá mà thành ra “xì-trét”, ghét bỏ luôn cả cái công việc mình đang làm, chỉ muốn quay về thời tiền sử, đóng khố đi chân đất rồi lang thang trong rừng hái được quả gì thì chén quả nấy, buồn ngủ thì về hang mà ngủ, thích chơi thì chơi thích làm thì làm. Khổ nỗi ngoài các truyện giả tưởng ra thì chưa ai trong thế giới thực này sáng chế được “cỗ máy thời gian”, thành ra hầu hết vẫn phải đối mặt với sự thật phũ phàng, để rồi đến hết ngày làm việc các đức ông lại ngập lụt trong bia rượu và khói thuốc lá, các quý bà thì lại trốn vào các spa hay tự biến mình thành các con nghiện shopping để quên hết cái sự đời, xả sạch stress. 

Viết lan man như vậy để thấy rằng nhiều người cứ kêu ca về cái sự bận của mình mà không hiểu rằng đã kinh doanh là phải bận, vì bản chất của nó là như vậy rồi. Ai học tiếng Anh cũng thường dịch kinh doanh là “business” hoặc ngược lại, nhưng ít người biết được rằng “business” được cấu tạo bằng cách thêm hậu tố “ness” vào từ gốc “busy” – một từ mà chắc chắn ai cũng biết nghĩa của nó là “bận rộn”. Cho nên viết theo kiểu toán học thì ta sẽ có phương trình: “kinh doanh” = “sự bận rộn”, thành ra cái sự bận là đương nhiên, miễn bàn, miễn kêu ca. Hoá ra cái ông tiếng Anh cũng sâu sắc, cũng hay ho chẳng kém gì tiếng Việt nhà mình.

  1. Công ty hay chỉ là một nhóm người, đồng bọn (Company or just a Band?)

Nhân tiện nói đến tiếng Anh và từ “business” lại nhớ đến từ “company”-một từ chỉ cái hình hài pháp lý của business-mà nghĩa của nó cũng hay ho không kém. Thằng Answers.com trả lời rằng, “Company” có nghĩa đầu tiên là “A group of persons” - một nhóm người, lại còn “chua” thêm: xem từ đồng nghĩa với nó là từ “band”, nghĩa là băng, nhóm. Cho nên nôm na có thể hiểu Công ty trước hết phải là sự tập hợp của một nhóm người. Nếu ai còn nhớ Luật kinh tế thì lịch sử hình thành công ty đúng là như vậy. Cho nên ngày nay cái gọi là “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên” dường như mâu thuẫn với chính cái tên của nó: đã là Công ty thì phải có nhiều thành viên. Để ý thì mới thấy thời sơ khai, các công ty của Mỹ thường có cái tên đại loại như Bill and Company-Bill và Bạn bè/Công ty; Johnson, Sons and Company-Johson, Các con trai và Bạn bè. Nghe thì thấy hơi ngô ngố nhưng bản chất của nó đúng là như vậy. Thành thử khi Pavarotti làm chương trình “Pavarotti and Friends” hay ông vua nhạc Soul Ray Charles ra đĩa “Genius Love Company” thì cũng là để được chơi nhạc cùng bạn bè, “đồng bọn” mà thôi.

  1. Làm hay là Chơi (Doing Business or Playing the Game?)

Rõ ràng hai ông Pavarotti và Ray đã biến cuộc làm ăn của mình thành một cuộc chơi. Hát  hò với đám bạn hữu một chập cũng ra bộn tiền. Tất nhiên là vì các bố này đã giàu rồi nên tiền thu được từ các chương trình này sẽ dùng để từ thiện - một cách PR để bán các đĩa khác được nhiều hơn. Tự nhiên lại nhớ thời trẻ con, lúc muốn liên kết với một thằng bạn nào đó để chiến đấu với một nhóm khác thì lại đặt vấn đề “Tao với mày canh-ti nhé”. Phải hàng chục năm sau mới hiểu canh-ti chính là company, là tập hợp lại với nhau để thành cái mà chúng ta ngày nay dịch là “Công ty”. Thì ra từ trong sâu thẳm, trong nội tại của cái “làm kinh doanh” đã có sẵn cái “chơi” rồi. Như đã nói ở phần 1), chỉ làm mà không chơi thì sớm muộn cũng stress. Cho nên phải cân bằng, làm cũng là chơi mà chơi cũng là làm. (**) Đạt được đến “level” như vậy là cũng đắc đạo rồi, cũng là thiền hành rồi. Lại nhớ thêm ra khi tham gia vào một business nghĩa là cũng đã tham gia một trò chơi. Cho nên cũng không phải ngẫu nhiên mà bọn tây mắt xanh mũi lõ lại kỳ công nghĩ ra cái “game theory” như là một trong các cách tiếp cận khoa học kinh doanh. Rõ ràng là nếu biết chơi thì cũng sẽ biết làm. Nếu các bạn hay xem phim cổ trang của Tàu thì mới thấy các hoàng tử, thái tử suốt ngày rong chơi nhưng sau này vẫn lên làm vua lãnh đạo đất nước ầm ầm. Chú nào càng chơi dữ thì sau này sự nghiệp cai trị càng lẫy lừng. Vậy nên bây giờ mỗi khi có nhân viên mới, tôi thường dạy họ cách chơi là chính, còn cách làm thì chỉ qua qua thôi, để họ tự phát triển kỹ năng của mình. 

  1. ... và ĐT37B and Company: Đầu tư 37B và Đồng bọn – Công ty của những người học Đầu tư 37B

Dài dòng và lòng vòng cũng chỉ để dẫn đến cái ý chính của bài này, nói theo cách của Sỹ Dũng hôm họp lớp là “join business”. Chúng ta đã là bạn bè, đã thành một nhóm, đã cùng nhau chơi bời quậy phá tưng bừng, thì theo cái logic ở các phần 1), 2) và 3) nói trên, không có lý gì chúng ta lại không thể cùng “join business” để lập thành một hay nhiều bọn, nhiều băng nhóm gọi nôm na là “Company”, để ngoài cái sự “chơi” còn có cả cái sự “làm”, và tôi tạm đặt tên cho cái  “bọn” đó là ĐT37B and Company- Đầu tư 37B và đồng bọn. Rất mong có dịp để được “cùng nhau bận rộn” với các members của ĐT37B. Như các cụ vẫn nói: “Buôn có bạn, bán có phường” là nghĩa như vậy.

(*) Cảm ơn Sỹ Dũng đã cho tôi ý tưởng để hình thành bài viết này.

(**) Đọc thêm bài này cho rõ nghĩa.

Bài đã post trên Blog ĐT37B ngày 28/8/08

0 nhận xét: