Recent Posts

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

Đã tắt thêm một ngôi sao trên bầu trời nhạc Pop

Cả buổi sáng không vào mạng, thành ra đến trưa mới biết tin. Ngồi ăn trưa ngó qua BBC, thấy Headlines đỏ rực toàn tin tức về cái chết của ông vua nhạc Pop một thời: Michael Jackson.

Không hiểu sao mình lại thấy thế là mừng cho Michael. Cái chết có lẽ sẽ xoá sạch những đàm tiếu của người đời về những năm cuối cùng ngập trong scandals của anh, để chỉ còn âm nhạc ở lại. Chắc chắn, lịch sử âm nhạc thế kỷ XX sẽ không thể quên, ít nhất cũng phải nhắc đến anh bằng một từ: xuất sắc.

Mình không phải là người quá hâm mộ Michael, nhưng những gì anh cống hiến cho nhạc Pop thật là đáng nể, không thể nào phủ nhận.

Bất chấp lối sống phóng túng đến cực độ, bất chấp những scandals đã nhấn chìm toàn bộ sự nghiệp của Michael trong suốt hơn một thập niên cuối cùng, người hâm mộ chắc chắn không thể không tiếc thương cho một tài năng đã mất.

Những bước nhảy moonwalk sẽ mãi mãi đi vào lịch sử. Có lẽ giờ đây, Michael đang nhún nhảy những bước quen thuộc của mình trên mặt Trăng, nơi anh đến gặp chúa Trời và làm đảo lộn cuộc sống nơi Thiên đàng bằng âm nhạc và vũ đạo của mình, như anh đã từng thể hiện trong album Dangerous.

Dù sao, anh cũng là một hỗn hợp, một sự pha trộn của thiên tài & tội lỗi (cho dù những tội lỗi của anh chưa bao giờ được chứng minh), một tay leo núi thiên tài đã ngã xuống ngay tại đỉnh cao mình vừa chinh phục được. Ngoài cống hiến của anh trong lĩnh vực âm nhạc, Michael cũng là một giảng viên xuất sắc cho chúng ta những bài học sống động về sự phù phiếm của đồng tiền.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2009

Sen trắng

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

Memories of Tomorrow hay là những Hoài niệm về một mái hiên

Hà Nội đang trải qua những ngày hè nóng chưa từng thấy. Gần nửa đêm, bước ra khoảng sân nhỏ bị vây kín bởi bê tông và nhà cao tầng, vẫn thấy cái nóng hầm hập như đốt lửa quanh người. Trời đầy sao và không một cơn gió. Cái tĩnh lặng của đêm thì phải nhường chỗ cho những âm thanh rầm rì của dàn đồng ca phát ra từ vô số cục nóng điều hoà.

Chợt nhận ra cái vòng luẩn quẩn trong việc gìn giữ môi trường: phá huỷ-biến đổi khí hậu-chống chọi với biến đổi khí hậu bằng cách làm gia tăng biến đổi khí hậu, mà điều hoà là một ví dụ.

Trở lại với căn phòng kín bưng, với thứ không khí lạnh ngắt và khô khốc thổi ra từ cái điều hoà, chợt nhớ quay quắt một mái hiên những đêm hè của một thời chưa xa, nhưng đã là thời xưa cũ, như tên một album của Bob Dylan: Time out of Mind.

Đó là một hàng hiên rộng, láng ximăng trước ngôi nhà tranh giản dị, được dựng lên bằng ba cái cột tre.

Vào mùa hè, bố tôi làm một cái phản tre kín gần nửa cái hiên, chỉ đơn giản bằng cách kê mấy cái lạch giường bằng tre lên bốn viên gạch xỉ ở bốn góc. Trên cùng là mảnh chiếu cói. Đó là những thứ đặc trưng của cái nghèo mà trớ trêu thay, ngày nay được gọi bằng cái tên mỹ miều là “vật liệu thân thiện môi trường”- những thứ được giới kiến trúc sư cấp tiến ngày nay ra sức quảng bá và lăng xê thuyết phục giới nhà giàu quay lại sử dụng trong các công trình kiến trúc đương đại. Tất nhiên, dưới những hình thức khác và chi phí khác với thời bố tôi. Nhưng đó là chuyện khác. 

Bố con tôi thường trải qua hầu hết những giấc ngủ đêm hè trên cái phản tre đó, trừ các đêm mưa. Suốt những năm tháng tuổi thơ của tôi, ngủ ngoài hiên đã trở thành một cái thú mà sau này, như giờ khắc này chẳng hạn, đã trở thành nỗi thèm nhớ khôn nguôi.

Ngủ ngoài hiên mát hơn rất nhiều so với trong nhà, mặc dù quây quanh bố con tôi là một cái màn “diềm bâu” – loại màn mà không khí cũng khó lọt vào chứ đừng nói là muỗi. Những hôm nóng quá, trước khi đi ngủ, hai bố con thường xuống tắm ở con sông nhỏ trước nhà, cách mái hiên chỉ một con đường đất nhỏ. Đó cũng là nơi mà lúc mới lúc chiều mẹ tôi và những người hàng xóm vo gạo, rửa rau để nấu bữa cơm tối, nơi người ta giặt giũ, múc nước về để sinh hoạt hàng ngày. Nhưng là một dòng sông không ngừng chảy, chúng tôi chẳng thấy những cái đó làm bẩn dòng sông, cũng như không ai cho rằng việc tắm táp của chúng tôi nơi đó làm bẩn nguồn nước sinh hoạt của họ. Đó cũng là lý do vì sao sau này học triết, tôi không cần nghe thầy giảng đến lần thứ hai đã hiểu ngay câu nói: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, cho dù tôi đã tắm không biết bao nhiêu lần trên chính đọan sông đó.

Tôi nhớ những đêm trăng, vùng vẫy trong dòng nước phù sa mát lạnh, mặt nước loang loáng ánh trăng, tạo nên một thứ màu sắc kỳ ảo đầy huyền hoặc, tôi cứ ngỡ mình như những chú bé chăn trâu trong chuyện kể của bà nội, vui sướng và không vướng bụi âu lo. Tôi cũng cứ ngỡ nước phù sa và ánh trăng đã cho tôi một đêm ngủ ngon mà không biết rằng bố tôi đã phải quạt cho tôi ngủ đến rã cả tay bằng cái quạt nan do ông tự đan lấy mỗi khi hè đến.

Tôi nhớ đến nhiều đêm tỉnh dậy, thấy loang loáng ánh đèn pin của những người đi câu ếch ban đêm ở cánh đồng gần nhà, những thì thầm chuyện trò giữa họ, tôi đã tưởng là ma mà nằm im không cựa quậy.

Tôi nhớ, có những lần nửa đêm phải choàng dậy, cuống cuồng cùng bố dỡ màn gấp chiếu chuyển vào trong nhà vì trời chợt mưa vào nửa đêm. Cũng rất thường khi khi tôi tỉnh dậy vào sớm mai thì thấy mình đang nằm trong nhà vì đêm qua mưa nhưng tôi ngủ say quá, bố đã bế tôi vào mà không gọi dậy.

Và cũng rất nhiều khi, khi thức dậy dưới ánh mai, tôi chỉ còn một mình vì bố đã đi chợ từ rất sớm. Có lẽ, từ lúc những người đi bắt ếch đêm đã xong việc trở về nhà.

Ngủ ngoài hiên cũng có những trải nghiệm rất lạ, là tôi thường mơ màng tỉnh dậy trong tiếng lao xao của những người đi chợ, đi làm đồng buổi sớm. Và rất thường khi, người gọi tôi dậy không phải là bố mẹ mà là bác hàng xóm tốt bụng. Đó là những thứ không thể có được nếu ngủ ở trong nhà.

Những giấc ngủ ngoài mái hiên dẫn tôi đến với nỗi nhớ về chính mái hiên lợp bằng lá cọ mộc mạc ấy.

Đó là nơi bọn trẻ con chúng tôi quây quần chơi ô ăn quan, là nơi tôi kỳ công chặt những mẩu tre rồi hý hoáy khắc nên đó những tốt, xe, hậu, tướng, mã – bộ cờ vua đầu tiên trong đời. Đó cũng là nơi tôi kỳ cụi đục đẽo mài khoáy nên hàng trăm viên bi đá đủ sắc màu: đen, trắng, hồng, xanh, vằn, chấm,... Đó cũng là nơi tôi biến mái hiên thành bàn bóng bàn, với lưới chỉ là một thanh tre đặt lên hai viên gạch – một cái bàn mà đánh năm quả thì phốt tới bốn vì cái nền xi măng láng không được phẳng. Là nơi tôi có những xúc cảm đầu tiên với hội hoạ, khi nhìn ngắm những con rồng, những bông hoa được khắc trên cái cột tre của mái hiên bởi hai anh học cấp ba trọ ở nhà tôi.

Đó cũng là nơi mà tôi đã trải qua bao vui buồn chiến công và thất bại của những dế mèn, mèo con, Mai An Tiêm, Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới, 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc hay ba anh em kết nghĩa vườn đào. Khi lớn lên một chút, đó cũng là nơi tôi nghiền những bộ tiểu thuyết đầu tiên, từ Không Gia Đình của văn học lãng mạn Pháp cho tới thể loại văn học cách mạng xã hội chủ nghĩa của Nga như Sông Đông Êm Đềm, Đất Vỡ Hoang,.... Vào thời đó, chắc chẳng có gì tuyệt bằng việc ngồi trên cái sạp tre dưới mái hiên, vừa say sưa với 72 phép thần thông của Tề Thiên Đại Thánh, vừa nhấm nháp đến hết sạch cả rá dâu da chín hái từ cái cây chỉ cách mái hiên hai bước chân.

Đó cũng là nơi tôi được thưởng thức những món ăn quê mùa do mẹ tôi nấu vào những bữa cơm chiều, những món ăn mà bây giờ chỉ còn là hoài niệm. Nơi đó diễn ra những bữa tối, dưới ánh đèn dầu, với sự chứng kiến của hàng xóm và người qua đường, và, đã thành thông lệ, ngoài việc mời bố mẹ ăn cơm, chúng tôi còn phải mời cả cô chú bác anh chị hàng xóm, và không ít khi, là cả những người qua đường, những người sau đó thường nói, “Ồ, nhà bác hôm nay có món dưa ngon thế” hoặc “Bà... mua con cá ở đâu mà to vậy”. Đại loại thế, một bữa ăn giữa bàn dân thiên hạ mà sự công khai của nó có khi còn hơn cả bữa ăn của Obama trong Nhà Trắng bây giờ.

Đó cũng là nơi bố tôi ngồi đan những lá cót lấy công làm lãi, là nơi tôi đang những cái áo cối để bán và có được những đồng tiền kiếm được đầu tiên trong đời, là nơi sau này tôi ngồi kỳ cụi dán hàng nghìn cái túi giấy nho nhỏ để bán cho hiệu thuốc tây của thị trấn trong kỳ nghỉ hè. Đó cũng là nơi tôi thường lục cái thúng của mẹ tôi mỗi khi bà đi chợ về, thế nào cũng có khi thì cái bánh đa, khi thì vài khúc mía, hoặc mấy quả táo xoan đựng trong cái ống bơ. Quà thì khác nhau, nhưng bao giờ cũng có một điểm chung: chúng luôn luôn dính lấm tấm những hạt cám gạo, vì cám là món hàng mẹ tôi bán ở chợ, là thứ đã mang đến những đồng tiền để mẹ tôi không chỉ mua cho tôi những đồng quà tấm bánh đó mà còn nuôi sống cả gia đình.

Nhưng cũng chính mái hiên đó cũng là nơi đặt quan tài của mẹ tôi ngày bà nói lời vĩnh biệt cõi trần để đi gặp tổ tiên và ông bà ngoại tôi, là nơi bà nội tôi vật vã khóc than người con dâu xấu số của mình, là nơi sau đó bố tôi ngồi mỗi buổi chiều, mắt xa xăm mong ngóng một ai đó trở về, là nơi tôi thu mình trong nỗi đau câm nín không nói thành lời. Những bữa cơm chiều vẫn diễn ra dưới mái hiên ấy, nhưng bốn người nay chỉ còn ba. Tối tối, bố tôi vẫn bày ra cái phản tre bộ đồ trà và cái điếu thuốc lào. Hàng xóm vẫn đến nhưng cũng chẳng biết nói gì, chỉ lặng lẽ uống nước, hút thuốc rồi ra về.

Sau đó không lâu, cái mái hiên chỉ còn một nửa. Bố tôi đã phải bán đi một nửa cái nhà để trang trải nợ nần những ngày mẹ tôi nằm bệnh. Nó cũng được xây cao hơn, nhưng cột thì vẫn bằng tre, và vẫn sinh hoạt dưới cái mái hiên đó.

............

Đó cũng là nơi hàng xóm đến mừng cho tôi trước ngày tôi xa quê để đi học đại học. Là nơi họ chào tôi với những ánh mắt ái ngại, tay dúi cho tôi những đồng 10 nghìn, 20 nghìn chắt chiu từ những khó nhọc mưu sinh. Sáng hôm sau tôi ra đi mà không biết rằng tôi đã mãi rời xa mái hiên đó, cho đến tận bây giờ.

Sau này nhà tôi cũng chuyển đi chỗ khác. Khi xây ngôi nhà mới, tôi và bố đã làm một mái hiên thật rộng. Một bên là cánh đồng mênh mông, nhìn ra trước mặt là một khoảng sân và một cái vườn rộng. Nó qủa thực đẹp hơn mái hiên xưa rất nhiều. Nhưng mái hiên đó không còn nhiều kỷ niệm như cái mái hiên đã mất. Nó chỉ còn là lời nhắc nhở rằng có một cái gì đó đã vĩnh viễn mất đi không thể trở lại và là nơi chứng kiến sự đơn côi của bố tôi lúc tuổi già. Ông giờ đây không đủ khoẻ để có thể ngủ ngoài hiên như xưa, dù trời bây giờ nóng hơn rất nhiều. Tôi gọi điện về hỏi thăm, ông nói: Có, buổi tối vẫn ngồi ngoài hiên, ngó vào trong nhà xem tivi qua cửa sổ.

(*) Thật trùng hợp khi hôm nay lại đúng là Father’s Day của Mỹ (21/6).

(**) Thực ra ý tưởng của bài viết này đến không chỉ do một đêm Hà Nội quá nóng, mà còn do một bản solo piano của Keith Jarrett: Phần 1 trong buổi trình diễn độc tấu piano của ông mang tên The Koln Concert. Bản nhạc này sau đó đã được đặt tên là Memories of Tomorrow. Tôi cũng xin lấy cái tên đó để đặt cho tản văn này.



Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

Còn lại gì cho nhau?

Ain’t Got No/I’ve Got Life (*), tự cái tên đó đã là một đoạn đối thoại, ngắn gọn, đơn giản nhưng không dễ trả lời. Chỉ là một cái tên, nó đã bao gồm cả câu hỏi và câu trả lời. Nó giống như một công án thiền của những triết gia tu hành phương Đông hay một bài thơ Haiku xinh đẹp của Nhật Bản vậy. Khi bạn hiện diện trên trái đất này mà không có gì cả, bạn còn lại cái gì? Vâng, xin thưa, cái còn lại chính là thân thể bạn và cuộc đời của bạn. Bài hát trả lời thế.

Chỉ nghe qua một lần đã cảm. Cả bài hát chỉ là những câu đơn giản, những từ vựng mà trình độ tiếng Anh ở mức “entry-level” đã có thể hiểu được. Hiện lên qua mỗi câu hát, là hình ảnh của một người (nam hay nữ, theo nhiều người đó là nữ, nhưng điều đó không quan trọng) mà bản CV của anh ta/chị ta chỉ là những con số không tròn chĩnh: Tên tuổi: Không, Quê quán: Không, Gia đình: Không, Tôn Giáo: Không, Dân tộc: Không, Nghề nghiệp: Không, Tiền bạc, nhà cửa,... tóm lại là tất cả những thứ thông thường mà bất kỳ một người thông thường nào cũng thường sở hữu: cũng Không nốt.

Người ta sẽ làm gì trong tình trạng như vậy: Đập đầu vào tường mà than khóc, nhảy cầu tự tử, dặt dẹo nơi công cộng?... Đó là những phản ứng tiêu cực thông thường. Nhưng nhân vật của bài hát đã có một thái độ tích cực hoàn toàn ngược lại với quy tắc thông thường. Đó là một sự tự tin, lạc quan khi khẳng định mình vẫn sở hữu khối óc, trái tim, mắt mũi mồm chân tay, và thậm chí cả nụ cười,.... những thứ để anh ta/chị ta vẫn có thể tư duy, yêu thương, quan sát, lắng nghe và hành động. Đó là những thứ, như anh/chị ta khẳng định, người khác không thể lấy đi được.

Chỉ qua vài phút ngắn ngủi của bài hát, lướt qua tâm trí tôi vẫn là những "chợ người" Hà Nội, những người đàn ông bán máu, bán thận để nuôi con, những người đàn bà bán mái tóc thề cả đời gìn giữ, những nhân vật chính trong câu chuyện Món quà của Đạo sĩ (O’ Henry), là thái độ sống qua các bài hát của Trịnh Công Sơn: u sầu nhưng không bi lụy, là cách nói của người phương Tây: be a good loser.

Cảm ơn bà, Nina Simone.


(*) Thực chất đây là một Medley (liên khúc). Nhiều người lầm tưởng bài hát là do Nina  viết về những người nô lệ da đen, nhưng thực ra lại được sáng tác bởi toàn những người da trắng, về những cảnh đời cùng cực nói chung, không phân biệt màu da. Phần lời được sáng tác bởi James Rado & Gerome Ragni, phần nhạc do Galt MacDermot sáng tác. Bài hát có rất nhiều versions khác nhau, tuỳ theo sự phóng tác của mỗi lần trình diễn. Version dưới đây chỉ là tham khảo.

1,2 heart, soul  I ain't got no home, ain't got no shoes Ain't got no money, Ain't got no clothes Ain't got no perfume, Ain't got no skirts Ain't got no sweaters, Ain't got no smokes Ain't got no god.  Ain't got no father, Ain't got no mother Ain't got no sisters, i've got one brother Ain't got no land, Ain't got no country Ain't got no freedom, Ain't got no god, Ain't got no mind,  Ain't got no earth, Ain't got no students Ain't got no father, Ain't got no mother Ain't got no sweets, Ain't got no ticket Ain't got no token, Ain't got no mind Ain't got no land.  But there is something i've got, there is something i've got, there is something i've got, nobody can take it away...  Got my hair on my head Got my brains, Got my ears Got my eyes, Got my nose Got my mouth, I got my smile I got my tongue, Got my chin Got my neck, Got my boobies Got my heart, Got my soul Got my back, I got my sex  I got my arms, my hands, my fingers, my legs, my feet, my toes, and my liver, got my blood..  I got life, i've got life's, i've got headaches, and toothaches and bad times too like you ...  Got my hair on my head Got my brains, Got my ears Got my eyes, Got my nose Got my mouth, I got my smile I got my tongue, Got my chin Got my neck, Got my boobies Got my heart, Got my soul Got my back, I got my sex  I got my arms, my hands, my fingers, my legs, my feet, my toes, and my liver, got my blood..  I got life, and i'm going to keep it as long as i want it, I got life.....  heart, soul heart, soul.

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

Tâm trạng Khi yêu

Tâm trạng khi yêu là tên một bộ phim rất đình đám cách đây vài năm, đến mức tôi chẳng quan tâm đến mấy và cũng chưa bao giờ xem mà cái tên này vẫn lọt vào trí nhớ. Nhưng tôi chỉ mượn cái tên đó để nói về một bài hát khác, Tâm trạng, hay như nguyên gốc của nó là Feelings.

Feelings là một bài rất nổi tiếng và quen thuộc, được rất nhiều người hát và xuất hiện dưới dạng hoà tấu (instrumental) rất nhiều, cả piano, guitar hay sax, đông đủ cả. Thế nên, là một người chuyên "nghe lỏm" tôi cũng đã biết đến nó từ lâu. Tuy nhiên, chỉ thực sự biết tên bài hát là gì, vào khoảng những năm 99-2000, thông qua một giọng ca mà lúc ấy cũng là lần đầu nghe đến tên, là Andy Williams.

Tôi vẫn chưa quên cái buổi chiều cuối tuần ấy, sau khi tình cờ nhặt được đĩa Love Standard trong một tiệm đĩa khuất nẻo trong chợ giời. Run rẩy cho vào bộ giàn Pioneer, rồi run rẩy nghe, từng bài một, với những cái tên lần đầu được biết đến, từ A Time For Us, Charade, cho đến Speak Softly Love, rồi Moon River, The Hawaiian Wedding Song và kết thúc bằng My Way. Mười sáu bài, rặt là những kinh điển (tất nhiên là sau đó mới biết), cả đĩa không phải vất đi bài nào, nhưng ấn tượng nhất chính là bài đầu tiên của đĩa, bài Feelings như tôi đã nói ở trên.

Nghe Andy hát Feelings, thấy quả thật là tâm trạng, nhưng như chính con người của Andy, đó là một thứ tâm trạng tuy da diết, nhưng là tâm trạng của một gã đàn ông lịch lãm và chỉn chu. Sau này có biết thêm Feelings do Albert Morris trình bày, nhưng ấn tượng với Andy đã quá sâu đậm, nên cũng chỉ thấy tâm trạng nó tương tự như vậy. Hào hoa, Lịch lãm, Gọn gàng.

Cho nên hôm nay hơi bất ngờ khi tìm kiếm tư liệu về Nina Simone, mới phát hiện ra thêm một version nữa của Feelings, đã được bà kéo dài ra đến hơn 10 phút và trình diễn live tại đại nhạc hội jazz Montreux, 1976. Vẫn rất tâm trạng, nhưng đó là thứ tâm trạng tột cùng của một người đàn bà khi yêu (võ đoán, vì mình đã bao giờ là đàn bà đâu mà biết, hic), lúc da diết, lúc dữ dội, và đặc biệt, phóng túng đậm chất jazz, là cái khác hoàn toàn so với sự chỉn chu mà mình đã biết tới từ 2 versions của Andy và Albert.

Cái duy nhất không lạ, chính là những thứ đặc trưng của Nina: da diết, hoá thân vào lời bài hát & những ngón piano thần sầu.



Feelings qua trình bày của Andy Williams, người có giọng hát được Tổng thống Mỹ Ronald Regan coi là Báu vật quốc gia:


Feelings - Andy Williams

Bản của Albert Morris. Cũng cần nói thêm là mình nghe Feelings lần đầu qua Andy, nhưng Albert mới là người đầu tiên sáng tác và trình diễn bài này, vào năm 1975, và cũng là bài hát đánh dấu tên tuổi của Albert Morris.


Lyrics:

FEELINGS

Feelings, nothing more than feelings,
trying to forget my feelings of love.
Teardrops rolling down on my face,
trying to forget my feelings of love.

Feelings, for all my life I'll feel it.
I wish I've never met you, girl; you'll never come again.

Feelings, wo-o-o feelings,
wo-o-o, feel you again in my arms.

Feelings, feelings like I've never lost you
and feelings like I've never have you again in my heart.

Feelings, for all my life I'll feel it.
I wish I've never met you, girl; you'll never come again.

Feelings, feelings like I've never lost you
and feelings like I've never have you again in my life.

Feelings, wo-o-o feelings,
wo-o-o, feelings again in my arms.
Feelings...(repeat & fade)

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

Nina

Ốm, người cứ bã ra.
Chẳng thiết làm gì
Chẳng thiết ăn gì
Chẳng thiết nghe gì,
pop, rock, classic,... không trụ được quá hai phút
instrumental, world music,... không quá ba phút
Mất tập trung toàn tập
Những Eric, BB King, Mark, Paul Anka, The Beatles,... nghe sao không vào?
Nhưng cuối cùng thì trụ được với I Love You Porgy, với Nina Simone trình bày. Có lẽ đó là do lần đầu xem bà biểu diễn. Đơn giản. Mộc mạc. Đã nhiều người trình diễn I Love You Porgy, bao gồm cả Ella Fitzgerald, Billie Holiday, Chaka Khan, nhưng không ai có thể "nhập" được vào bài hát như Nina. Để ý tiếng piano & cách chơi nhấn nhá, cẩn trọng của ban nhạc. Chỉ có một tên gọi: Jazz đích thực.


(1935) ira gershwin, dubose heyward, george gershwin
I loves you, porgy,
Dont let him take me
Dont let him handle me
And drive me mad
If you can keep me
I wanna stay here with you forever
And Ill be glad

Yes I loves you, porgy,
Dont let him take me
Dont let him handle me
With his hot hands
If you can keep me
I wants to stay here with you forever
Ive got my man

I loves you, porgy,
Dont let him take me
Dont let him handle me
And drive me mad
If you can keep me
I wanna stay here with you forever
Ive got my man

Someday I know hes coming to call me
Hes going to handle me and hold me
So, it going to be like dying, porgy
When he calls me
But when he comes I know Ill have to go

I loves you, porgy,
Dont let him take me
Honey, dont let him handle me
And drive me mad
If you can keep me
I wanna stay here with you forever
Ive got my man.

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2009

Sống như mình muốn

Ai cũng muốn được sống như mình muốn, nhưng giữa cái "muốn" và cái "làm được" thường có khoảng cách. Với ông DTQ, có lẽ khoảng cách này bằng không. Sống được như vậy quả thực là khó, có lẽ chỉ dân sử mới đạt được.

Bài viết về DTQ có rất nhiều, nhưng đây là bài tương đối đặc sắc, có nhiều đọan hay, nên trích lại ở đây:

... Nhưng có lẽ cái tạo cho mình một chút gì đó được gọi là bản lĩnh hay sắc thái riêng thì chính là nghề sử. Nghề sử tạo cho mình vốn sống, vốn sống của chính mình và vốn sống của người khác. Nó làm cho mình có một cái nhìn bình thản, nhất là khi mình ngày càng có tuổi. Bình thản là vì người ta thấy mọi cái xảy ra nó đều có lý của nó. Người ta có thể so sánh chuyện này với chuyện kia đã từng xảy ra, hay lặp lại, hay số phận của con người này với người kia có thể lên đến đỉnh cao của vinh quang vẫn có thể bị rơi xuống đáy vực thất bại, tất cả với tôi không có gì là lạ. Bình thản giúp tôi không bao giờ lý tưởng hoá vấn đề nên tôi không thấy thất vọng, không cực đoan trước mọi biến cố cuộc đời. Ví dụ như tình trạng rất bất công xã hội, giầu - nghèo khiến cho nhiều người cảm thấy bức xúc, nhưng tôi nhìn trong sự phát triển của đất nước thì điều đó là không thể khác được.... 

....Đã một thời chúng ta hay bàn về vấn đề ai thắng ai. Nhưng rồi mình nghĩ ở đời chẳng ai thắng ai. Rồi ai hơn ai? Chưa chắc ai hơn ai. Nhưng cái này thì có: Ai cần hơn ai? Khi anh được mọi người cần hơn ai thì đó là khi năng lực của anh, giá trị của anh có thể giúp được người khác, có thể đặt giá. Khi vợ mình đau đẻ thì ông xích lô quan trọng hơn ông Tổng Bí thư (cười!)....

------------

“Từ nhãn quan của nghề sử, tôi sống bình thản, sống như mình muốn” - Nhà sử học, Đại biểu Quộc hội Dương Trung Quốc bộc bạch.

Ông có thể cho biết quan niệm của mình về tư duy hiện đại của một người đàn ông?

Ông Dương Trung Quốc: Tư duy con người có thể được kích bằng hai chiều: trục hoành là vị thế của mình trong đời sống xã hội và trục tung là tuổi tác. Tôi nay đã 62-63 tuổi, là tuổi đã có tích luỹ kinh nghiệm sống. Hoàn cảnh của tôi ít bị đảo lộn, ít bị thay đổi, bươn chải. Lý lịch của tôi có thể nói là rất đơn giản. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Học và làm chỉ một nghề, là nghề sử, ở một cơ quan duy nhất. Ngoài ra tôi tham gia hoạt động xã hội. Nếu nói về thiệt thòi thì tôi chỉ có thiệt thòi lớn nhất là bố tôi mất khi tôi chưa ra đời. Mẹ tôi là tư sản. Nhưng cân bằng với hoàn cảnh này tôi lại có ông bố liệt sĩ nên so với những người khác cùng thời với mình thì tôi ít bị vùi dập. Như thế có thể nói cuộc sống của tôi đơn giản, trải nghiệm cũng đơn giản. Nhưng có lẽ cái tạo cho mình một chút gì đó được gọi là bản lĩnh hay sắc thái riêng thì chính là nghề sử. Nghề sử tạo cho mình vốn sống, vốn sống của chính mình và vốn sống của người khác. Nó làm cho mình có một cái nhìn bình thản, nhất là khi mình ngày càng có tuổi. Bình thản là vì người ta thấy mọi cái xảy ra nó đều có lý của nó. Người ta có thể so sánh chuyện này với chuyện kia đã từng xảy ra, hay lặp lại, hay số phận của con người này với người kia có thể lên đến đỉnh cao của vinh quang vẫn có thể bị rơi xuống đáy vực thất bại, tất cả với tôi không có gì là lạ. Bình thản giúp tôi không bao giờ lý tưởng hoá vấn đề nên tôi không thấy thất vọng, không cực đoan trước mọi biến cố cuộc đời. Ví dụ như tình trạng rất bất công xã hội, giầu - nghèo khiến cho nhiều người cảm thấy bức xúc, nhưng tôi nhìn trong sự phát triển của đất nước thì điều đó là không thể khác được. Cũng như lịch sử dân tộc mình chưa bao giờ trải qua sở hữu. Bây giờ là cơ hội duy nhất mà chúng ta đang khát sở hữu, khắc phục được cái thực tại hàng ngàn năm qua Việt Nam phải lựa chọn một cách sống bên cạnh người Tầu, lấy làng xã làm hạt nhân. Làng xã là một xã hội khép kín, cực kỳ bền vững và câu kết với nhau nhưng lại dựa trên nền tảng không phân hoá được giai cấp. Khẩu hiệu lấy của người giầu chia cho người nghèo trong suốt chiều dài lịch sử như một ngọn cờ tụ nghĩa. Nhưng khi mà vượt ra khỏi khuân khổ vốn có mà hội nhập với thế giới như hiện nay thì ta đã bộc lộ nhiều điểm yếu. Và chính bây giờ nếu nhìn theo góc độ nghề nghiệp thì tôi cho là thực chất ta đang bước vào thời kỳ tích luỹ tư bản chủ nghĩa nguyên thuỷ, giai đoạn mà mà thiên hạ đã từng trải qua từ hàng trăm năm trước đây với cực kỳ đau khổ của chiến tranh, của bóc lột nô lệ… Bước đi lịch sử của mình bây giờ không thể làm như ngày xưa được, không thể đi xâm lược ai cũng không thể buôn bán nô lệ được. Duy nhất có thể vận hành ở đây lúc này là các nhân tố: đất đai,  quyền lực và cơ hội (trong cơ hội có cả tài năng và năng lực vận hành). Ba nhân tố này nó khắc phục, thay thế cho những chuyến vượt biển, cướp biển. cướp nô lệ hay những chuyến đi tìm vàng… ngày trước. Nhìn xã hội, đôi khi ta thấy nó bất bình thường, bất công, nhưng hệ quả tất yếu của nó là tạo ra một tầng lớp hữu sản. Và chừng nào có được một tầng lớp hữu sản thì mới có dân chủ. Đó là quyền được tồn tại cùng với tài sản của mình, dựa trên nền tảng của sở hữu tư nhân. Khi đó ta mới hội nhập thế giới được. Hay như hiện nay đơn từ của dân nhiều là thế, tôi cho rằng đó không có gì lạ. Còn nhớ trước đây có thời kỳ, người ta triệt hạ cả một chủng tộc người da đỏ để chiến giữ đất đai, xác lập quyền sở hữu.

Tôi đang đi ở giai đoạn cuối cuộc đời và chỉ muốn để lại một ấn tượng gì đó đối với những người biết mình. Cũng có nghĩa là tôi không muốn để lại cái gì quá cao siêu. Và mình sống như mình muốn.

Nói như thế có thể hiểu ông là người rất có nhiệt huyết. Nó từ đâu ra? 

Ông Dương Trung Quốc: Nhiệt huyết thể hiện sự ham sống. Đừng nghĩ đến cái gì ghê gớm, quá cao siêu quá, đừng ảo tưởng mà hãy nghĩ những người sống với anh đang nghĩ về anh như thế nào, hãy tạo ra một giá trị đối với người ta, tạo ra tình cảm đối với người ta. Vì mấy trăm năm sau người ta chỉ nhớ được một hai cái tên thôi, nên đừng có tham vọng lưu danh. Cho nên mình rất trân trọng những mối quan hệ mình có trong cuộc sống. Người ta hay hỏi hạnh phúc là gì? Nó chỉ là một phân số mà tử số là hiện thực mà mẫu số là mơ ước. Nếu anh biết cách điều chỉnh thì lúc nào anh cũng thấy thoả mãn. Khi anh không biết điều chỉnh thì đừng có quá nhiều khát vọng. Phải tự tạo ra sự mãn nguyện. Không ai mang lại cho anh cả. Ngay cả với những cái mà người ta cho mình làm liều thì cũng phải tự định lượng được.

Ông đã liều?

Ông Dương Trung Quốc: Nhiều lần rồi chứ, ngay cả những khi mình phát biểu. Phải thử chứ!

Tại sao ông lại dám thử trong khi nhiều người, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn  còn e ngại?

Ông Dương Trung Quốc: Vì quan trọng là do người ta còn sợ chính mình. Đôi khi người ta hay sợ ma là vì thế.

Ông có biết từng có sự can thiệp của ban nọ, bộ kia đối với báo chí, khuyến cáo họ không nên nếu như không nói là không được phỏng vấn một số vị đại biểu Quốc hội trong đó có ông?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi biết quá đi chứ! Ngày tôi mới bắt đầu vào Quốc hội, tại phiên họp đầu tiên năm 2002, có một cảm hứng từ một ông thầy của tôi truyền lại, rằng tại sao Quốc hội lại bầu một người lấy một người, đã khiến tôi phát biểu về vấn đề dân chủ, rất hồn nhiên. Thời trước, thời Cụ Hồ, từ 72 người  của Hà Nội chọn ra 7 người vẫn là những người xứng đáng đấy thôi. Tối hôm đó sau khi đi đánh tennis về, nghe vợ tôi nói có một vị có tuổi là cử tri ở phố Lý Nam Đế đến muốn gặp. Sáng hôm sau, ông ấy lại đến và nói với tôi: “Tôi rất tán thành và rất thích ý kiến phát biểu của anh, nhưng cũng phải nói cho anh biết thế này”. Và ông ấy đưa cho tôi xem một văn bản mà người ký lại là bạn cùng học lớp sử với tôi, ông Nguyễn Hồng Vinh, hồi đó là Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tư tưởng văn hoá trung ương (nay là Ban Tuyên giáo trung ương) chỉ thị cho báo chí như thế. Tôi hơi bất ngờ nhưng không ngạc nhiên. Tôi chủ động tránh gặp gỡ báo chí nhưng anh em bảo tôi cứ cho họ hỏi bình thường.

Sau sự việc này ông có phải hạn chế hơn hay dè dặt?

Ông Dương Trung Quốc: Không! Mình đã từng trả lời từ lâu trên báo Công an: Cái đầu phải làm nên cái cổ. Mục đích của mình là nói. Nói phải suy nghĩ. Đừng bao giờ để cái đầu lìa khỏi cổ. Sự không ngoan là quan trọng nhất của con người. Đừng có làm gì cực đoan.

Trong số các đại biểu Quốc hội có người tâm sự rằng: Phát biểu như đại biểu Dương Trung Quốc chắc chỉ làm được một nhiệm kỳ là nghỉ. Ông nghĩ sao?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi vẫn thường trả lời những câu hỏi như thế này, kể cả khi trả lời những người nước ngoài, rằng: Cho đến nay chưa hề có bất kỳ một áp lực nào, hay có ai vỗ vai, nhắc nhở đối với tôi. Đây không phải là tôi bênh vực gì cho chế độ. Đôi khi tôi cũng hơi giật mình không hiểu vì sao mình lại như thế. Cũng có thể vì mình có ba lợi thế: Không phải là đảng viên, làm sử và làm báo.

Thế còn cái vụ ông, một người không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam mà vẫn được “đặc cách” bổ nhiệm làm Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay?

Ông Dương Trung Quốc: Chính tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy, kể cả cái chức Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử. Có người nói đùa tôi là do bên ngành An ninh cài cắm vào đó…

Trở lại cái nhiệt huyết mà ông nói đó là do ông “ham sống”. Là ham sống thế nào thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Đơn giản là tôi muốn làm như thế. Đã một thời chúng ta hay bàn về vấn đề ai thắng ai. Nhưng rồi mình nghĩ ở đời chẳng ai thắng ai. Rồi ai hơn ai? Chưa chắc ai hơn ai. Nhưng cái này thì có: Ai cần hơn ai? Khi anh được mọi người cần hơn ai thì đó là khi năng lực của anh, giá trị của anh có thể giúp được người khác, có thể đặt giá. Khi vợ mình đau đẻ thì ông xích lô quan trọng hơn ông Tổng Bí thư (cười!). Khi bà con đang cần đến mình thì mình thấy được giá trị của mình. Có thể mình chưa giúp được bà con cho đến đầu đến đũa nhưng quan trọng là mình luôn luôn làm hết lòng.

Có bao giờ ông lượng được sự ảnh hưỏng của những lời nói và hành động của mình đối với sự phát triển của xã hội?

Ông Dương Trung Quốc: Nói là không biết thì không phải nhưng thực sự là tôi không quan tâm đến điều này. Chưa bao giờ mình chủ ý quan tâm đến môt bài phát biểu nào của mình được phát trên TV trừ trường hợp ngẫu nhiên bắt gặp. Chưa bao giờ mình đi tìm một bài báo nào phỏng vấn mình.

Với một nhãn quan “Bình thản”, dường như ông có một niềm tin tưởng, hy vọng tương đối tốt vào tương lai?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi là một người luôn luôn nhìn hoàn cảnh lạc quan, sáng sủa.

Trong Quốc hội có nhiều người cũng tâm huyết như ông nhưng họ lại nghĩ khác…

Ông Dương Trung Quốc: Đấy là do họ quá gắn bó với chế độ.

Ông có biết hiện nay trên mạng người ta đồn thổi về một lời “sấm truyền” của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm?

Ông Dương Trung Quốc: Mình quan niệm lời sấm truyền có thể có thật trong xã hội nhưng quyết định giá trị của nó lại là đời sống thực tại. Hay nói cách khác người ta vận vào đó mà ước vọng.

Ông cũng thế, cũng vịn vào ước vọng như thế mà tin tưởng vào tương lai?

Ông Dương Trung Quốc: Cuộc sống hiện nay thay đổi quá nhanh mà chúng ta phải cố gắng phấn đấu để theo kịp nó. Tôi là người luôn cảm thấy mình rất thiếu thời gian. Không biết từ bao giờ tôi luôn có nỗi ám ảnh mình sẽ chết trẻ (cười!). Thế là tự nhiên mình có cảm giác rất tiếc thời gian. Tiếc đến mức không bao giờ mình đánh bạc. Không phải là mình cho rằng đánh bạc là xấu. Cũng như ở nhà không bao giờ mình tắt đèn hay tắt TV. Mình luôn muốn làm việc. Ngủ thì thôi, cứ tỉnh dậy là làm.

Ông làm việc như thế thì vợ con có phàn nàn gì không?

Ông Dương Trung Quốc: Bà ấy quá hiểu và tôn trọng những thói quen của tôi.

Quan niệm của ông về gia đình?

Ông Dương Trung Quốc: Gia đình là cái bến. Không có bến thì con thuyền không thể đi đâu được. Nhưng mình không thể chỉ loanh quanh ở bến.

Ông có phải băn khoăn về sự ngưỡng một của các người đẹp dành cho ông? Mà ông thì khá đẹp trai…

Ông Dương Trung Quốc: Đôi khi mình vẫn công khai quan niệm của mình, rằng: Kẻ tham lam chỉ có thêm, không có bớt. Nếu những người đó cũng chấp nhận như thế thì mình… Ok (cười!).

Ông có e ngại gì khi vợ ông đọc được những dòng này?

Ông Dương Trung Quốc: Vợ tôi thường hay nói đùa: Đàn ông các anh 10 ông thì cả 11 ông đều “hư”, càng già thì càng “đổ đốn” (cười!). Bà còn nói là rất thích mình được bầu làm đại biểu Quộc hội vì cho rằng (tôi nói ngoài lề thôi đấy nhá): như thế là gửi được mình vào một cái... “Nhà trẻ vĩ đại”… (lại cười!)

Ông có trù tính gì cho công việc trong tương lai?

Ông Dương Trung Quốc: Hoạt động xã hội đã ngấm vào máu mình rồi. Hiện nay mình tham gia thêm Chủ tịch Hội UNESCO Hà Nội. Mình đang tham gia xây dựng hệ thống các thư viện trong nhà tù và hoàn trả lại các sắc phong xưa do bạn bè khắp nơi trên thế giới sưu tầm được trao gửi tôi từ nhiều năm qua cho chủ nhân của nó là nhân dân các địa phương trên khắp cả nước sau khi giám định lại.

Cảm ơn ông!

Ngọc Kha-Hoàng Đình thực hiện 

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2009

Cù Huy Hà Vũ, Again

Mới tháng trước tôi mới có một entry về gã này. Tôi hơi mạo muội khi gọi là "gã", nhưng hãy cho tôi gọi thế bởi tôi chỉ dùng từ đó để gọi những người mà tôi cảm thấy "hay hay". "Gã" của tôi hoàn toàn không có nghĩa xấu như những định kiến hay những mô tip văn chương thông thường hay gán cho từ này. "Gã" đối với tôi là một cái gì đó đáng yêu, đáng được trân trọng.

Như đã nói trong entry trước, tôi đã có tí thay đổi trong quan niệm về gã. Trong tuần này, gã đã mang cho tôi 2 ngạc nhiên liên tiếp, hai sự kiện củng cố thêm cho quan niệm của tôi.

Đầu tiên phải kể đến bài thơ gã làm khi cụ Võ An Ninh mất. Mặc dù làm một nghề rất "pro" là luật sư, chất "nghệ" trong gã vẫn không hề thuyên giảm, mà tôi đoán phần lớn là do cái gien di truyền lại từ ông cụ thân sinh ra gã. Xin được chép lại ở đây bài thơ:

Khóc Võ An Ninh

Võ An Ninh, Võ An Ninh!

Thoảng nghe súng đạn đầy mình

Máy ảnh cầm tay vài cỗ

Dặm xa chớp loé nhân tình.

Chết đói (1) nằm cùng Thuỷ mặc (2)

Tháp thiêng lộn ngược mà kinh! (3)

Lặng lẽ  trăm năm  Tối - Sáng 

Trắng - Đen một cõi thênh thênh.

Hẳn Ông dẫu về Bên ấy

Chụp Đời tợ thuở bình sinh.


Còn đây là chân dung Võ An Ninh do gã hoạ:



Nhưng quả thứ hai mới thực sự là một "ngạc nhiên bom tấn". Vẫn biết gã đã nổi danh với những kiện tụng đình đám, nhưng "cú" kiện tụng đề ngày 11/6/2009 của gã thì quả là vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam. Ngày này xứng đáng được ghi vào lịch sử tố tụng Việt Nam, khi lần đầu tiên, một Thủ tướng bị... kiện.


Không biết cái Toà án Nhân dân Hà Nội, nơi thụ lý đơn kiện của gã, sẽ làm gì với cái thứ mà họ nhận được từ một người mang tên Cù Huy Hà Vũ vào cái ngày bình-thường-nhưng-đặc-biệt ấy. Cũng không biết rồi gã sẽ thắng hay sẽ thua, nhưng với qủa này, gã chắc chắn đóng đinh mình vào một trong hai chức danh: hoặc là một gã luật sư lẩn thẩn, hoặc là một gã luật sư lớn nhất từ trước tới nay ở VN. Viết đến đây tôi thấy hơi tiếc cho gã khi gã đã không đi giám định tâm thần trước, để ngoài đơn kiện thì còn gửi kèm theo cái giấy giám định tâm thần, như một lời khẳng định "tôi viết đơn này trong trạng thái hoàn toàn minh mẫn..." - dòng chữ mà chắc gã cũng thuộc lòng ở mỗi chúc thư mà một luật sư phải soạn thảo.


Không hiểu sao khi đọc cái đơn, tôi lại nhớ đến một thuật ngữ/case study hay đuợc dùng trong game theory là "thế lưỡng nan của người tù" (prisons' dilemma). Có một người đang ở trong thế đó.

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2009

Một góc nhìn từ SGTT

Cách đây một vài năm, VTC có ra mắt một chuyên mục mới "Góc nhìn thẳng". Chuyện sẽ không có gì là đình đám, nếu như việc nhìn thẳng là một việc bình thường. Tuy nhiên, có lẽ bây giờ người ta ít "nhìn thẳng", hoặc đã quên mất rằng nhìn thẳng là một phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp: Khi nói, nên nhìn thẳng vào mắt người nghe. Do vậy, "nhìn thẳng" trở thành hiện tượng trong thế giới toàn những nhìn "cong", nhìn "zíc zắc", nhìn "qua kính tiềm vọng", vân vân và vân vân. Góc nhìn thẳng, do đó, trở thành một lời cảnh tỉnh, rằng chúng ta đã đi quá xa những phép tắc tối thiểu, những nguyên lý cơ bản mà trong cơn say phát triển chúng ta đã quên mất.

Rất may còn có những người đã tạo ra chuyên mục này, và cả những người ở SGTT với mục Góc nhìn. Tuy chỉ với cái tên ngắn gọn là "Góc nhìn", nhưng qua các bài viết trong chuyên mục, tôi hiểu, đó chính là những "Góc nhìn thẳng". Ví dụ, như bài mới ra ngày hôm nay: "Ai nuôi Nhà nước?". Câu hỏi thật giản đơn, và tôi nghĩ câu trả lời cũng thật giản đơn, nhưng có quá nhiều người, trong đó có tôi, đã không hỏi và do đó, cũng chẳng trả lời.

Bài báo, do vậy, không chỉ là một lời nhắc nhở cho ta biết, ai là người thực sự nuôi Nhà nước, mà còn cho ta thấy mình đã vô cảm đến mức nào?

Thiết nghĩ, cũng nên tư duy thêm xem cái gì đã khiến cho nhiều người, trong đó có tôi, trở nên vô cảm như vậy?

.... Cách thu thuế như ở Mỹ và Canada nhằm thường xuyên nhắc nhở người dân hiểu và nhớ rằng mình nuôi Nhà nước là một biện pháp thiết thực tôn trọng người dân, cổ vũ dân chủ. Người dân ý thức rõ là bộ máy nhà nước do dân nuôi nên bộ máy này phải phục vụ dân; người nuôi bộ máy có quyền đòi hỏi các cơ quan công quyền phải thực hiện đúng quy chế công khai, minh bạch và được dân giám sát....

.... Chúng ta thường thấy các khẩu hiệu treo trên đường phố hoặc viết chữ to ở bảng đầu làng, đầu ngõ tuyên truyền việc đóng thuế, nhưng hầu như chỉ nói về nghĩa vụ (có khi thêm vinh dự) của người dân khi nộp thuế; hiếm khi thấy khẩu hiệu giúp cho dân hiểu rõ đóng thuế là nuôi Nhà nước....

.... Không chỉ người dân thường mà không ít người trong bộ máy công quyền cũng không ý thức được rằng mình được dân nuôi. Ở nước ta mỗi khi người dân có được thành tựu, hoặc được được hưởng một lợi ích nào đó thì thường nói là ơn Đảng, ơn Chính phủ....

.... đối với một số chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nếu chỉ thấy “sự chỉ đạo tập trung kiên quyết của Chính phủ và sự nỗ lực của các ngành, các cấp” thì đó là cách nhìn rất phiến diện vì không đánh giá đúng những cố gắng rất to lớn của dân và doanh nghiệp....

.... Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã nêu rõ: “Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân”. Để thực hiện yêu cầu đó, câu hỏi: “Ai nuôi Nhà nước và cả hệ thống chính trị ở Việt Nam?” cần được mọi người trong bộ máy công quyền cũng như mọi người dân trả lời rõ và ghi nhớ trong lòng....

Người viết những dòng trên là ông Trần Đức Nguyên, là một chuyên gia kinh tế, đã từng tham gia nghiên cứu, hoạch định quan điểm, chính sách đổi mới ngay từ thời kỳ đầu, Nguyên trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Ông cũng đã từng là thư ký kinh tế cho cố TBT Trường Chinh.

Có lẽ, mỗi khi có công chuyện cần giải quyết ở các cấp xã, phường, hoặc cơ quan công quyền, chúng ta nên in bài báo này và mang theo, để, mỗi khi gặp trục trặc thì lại yêu cầu cán bộ đọc qua bài này. Tôi không biết để họ bỏ thời gian đọc hết bài báo đó thì có cần phải "bôi trơn" hay không? Nhưng nếu câu trả lời là có, tôi nghĩ là cũng đáng để bôi.