Đó là tên một cuốn sách mình mới mua.
Tác giả cuốn sách, Jean-Louis Fournier, là một cái tên mới toanh đối với mình, nhưng mình đã quyết định phải mua nó ngay khi đọc xong trang thứ hai. Nó là một cuốn sách phải có trên tủ sách nhà mình. Mình quyết định như vậy không phải do nó được quảng cáo là đã đoạt giải Fémina 2008 của Pháp, mình vốn dĩ không chạy theo quảng cáo và quả thật cũng chẳng biết cái giải Fémina đó nó giá trị cỡ nào, mà chính là nhờ những gì đã được đọc ở hai trang đầu tiên đó, nó xúc động đến tận tâm can.
Đó cũng là câu hỏi duy nhất mà Thomas-đứa con trai 10 tuổi của Fournier- có thể hỏi được, một cách “không ngừng nghỉ”, “không nản chí”(*). Nó là một đứa trẻ tật nguyền, cả về thể xác và tinh thần.
Người ta giới thiệu Fournier là một nhà văn bậc thầy về trào phúng, đồng thời kiêm đạo diễn truyền hình của nước Pháp. Như thế có nghĩa ông là một người mang đến niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người khác. Nhưng số phận trớ trêu đã sắp đặt cho ông một cuộc sống với nhiều bất hạnh – và là một trong những bất hạnh lớn nhất của đời người: Không chỉ có Thomas, cả người con trai thứ hai của ông, Mathieu, cũng bị tật nguyền bẩm sinh. “Một đứa con tật nguyền, rồi hai đứa”, để rồi ông phải hỏi, “tại sao không là ba?”. Đối với Fournier, ông đã có tới “hai ngày tận thế”.
Cuốn sách này Fournier viết cho hai cậu con trai tật nguyền của chính ông, mặc dù vào thời điểm viết cuốn sách, “Mathieu đã ra đi kiếm tìm quả bóng của mình ở một nơi mà người ta không thể giúp thằng bé lấy lại nó được nữa” và “Thomas, dù vẫn hiện diện trên trái đất, nhưng tâm hồn đã ngày càng phiêu du giữa những đám mây”.
Đọc cuốn sách, mình thấy trong đó có đủ cả “hỉ, nộ, ái, ố” xung quanh một thế giới của tật nguyền, của nỗi đau, của day dứt và thất vọng. Với khả năng trào phúng bậc thầy, lối viết dung dị của Fournier đã khiến mình cười trên nỗi đau, suy ngẫm về nó nhưng không bi lụy. Có lẽ, ông đã đi tới tận cùng của nỗi đau, và ở đó, nói một cách triết học, như The Beatles đã từng hát, “pain would lead to pleasure”(**), ông đã thắp lên cho người đọc một niềm vui sống căn bản, dù mong manh nhưng không bao giờ lụi tắt.
Cuốn sách một lần nữa củng cố cho mình niềm tin rằng mình đang sở hữu những thứ quý giá đến nhường nào. Mặc dù Tít&Tí có nhiều lúc ốm đau, mặc dù chúng có nhiều trò quậy phá khiến mình phát điên, nhưng những cái đó chẳng đáng gì so với những điều mà một ông bố như Fournier đã phải trải qua.
Để chứng tỏ mình đang được hạnh phúc đến nhường nào, mình đã định trưng lên ở đây một cái ảnh của Tít&Tí chụp chung, nhưng ý định đó nhanh chóng bị loại bỏ. Mình đã quyết định không làm thế, bởi nếu làm vậy là mình đã có lỗi với Fournier.
(*) Những chữ in nghiêng là trích trong cuốn sách.
(**) Trong bài Girls, John Lennon sáng tác & hát chính. Không hiểu sao mình thấy câu này rất hợp với hoàn cảnh của bài viết này, mặc dù trong ngữ cảnh của bài hát, nó hoàn toàn mang một ý nghĩa khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét