Recent Posts

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Đọc sách, như là "một thứ phân hữu cơ" cho tâm hồn

Đang đọc Sơn Nam, trích ra vài đoạn thấy thích:

"Viết tự sự, hồi ký gần như là tự mình mua ván, đem về đóng lần hồi cái quan tài cho chính mình, về tinh thần. Như con chim lượm lặt từng cọng rơm, cọng rác từ nơi xa xôi đem về đan cái ổ, kín đáo, trên cành cây nào đó. Nhưng biết đâu nhờ viết tự sự, hồi ký mà con người lại sống dai hơn, như con rắn hoặc con trăn lột lớp da già, chờ lớp da non hiện ra, mềm mại. Nhưng da là cái lớp bên ngoài, trong khi xương cốt gan ruột cứ từ từ khô héo."

"Tủn mủn, ganh tị vu vơ, vận dụng trí tuệ vào những việc đâu đâu, chẳng khác nào người chặt lóng tre, chẻ ra từng lát nhỏ, cứ chẻ nhỏ mãi, hy vọng chế tạo ra cây tăm xỉa răng độc đáo nhất thế giới, rồi tự hào mình đã hiểu thấu cây tre hơn ai hết. Cuộc sống là nhiều rừng tre bao la lộng gió, với tiếng reo của những ngọn tre bị uốn cong nhưng không gãy."

"Nhà tôi, sách khá nhiều, thêm sách về dân tộc học, mỹ thuật, lịch sử, tôn giáo, vân vân. Chồng chất đầy nhà, nhịn ăn mà mua. Để thấy người xưa và người đương thời đã làm những gì, làm tới đâu. Lắm khi, đọc thấy không ích lợi gì hết, đâu phải quyển nào cũng gợi âm vang ngay trong chuyện mình đang viết hoặc sắp sửa viết. Nhưng cần thiết, để củng cố bản lĩnh, tỉnh táo hơn. Sự ích lợi rất gián tiếp. Đó là thứ phân hữu cơ cần thiết. 

Tôi nhớ đến trường hợp những bức sơn mài. Trông đẹp, óng ánh, vì đã vẽ trên cái nền chuẩn bị châu đáo. Ván phơi nắng kỹ lưỡng rồi bọc hom vải, phủ sơn lần lượt, chờ đợi nhiều ngày với năm bảy lớp khác nhau để làm nền. Và sau rốt, lớp chót được lộng lẫy nhờ cái nền bên dưới, chẳng ai thấy."

Dạo chơi, ghi chép của Sơn Nam, Nxb Trẻ, 2003.

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Bánh mỳ nóng giòn

Sách Saharavn mới giao chiều nay:

1. Bộ sách bỏ túi Sài Gòn tản văn: Hẻm phố thông ra thế giới, Sài Gòn sau màn bụi, Ngon và nhớ.

2. Tản mạn trước đèn, Tuỳ bút Đỗ Chu

3. Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Nguyễn Hiến Lê

4. Dạo chơi Tuổi già, Sơn Nam

5. Mộng đời bất tuyệt, Nguyễn Tường Bách.

Sách mới giao nhưng trừ mục 1 ra thì toàn là sách cũ, bán theo giá niêm yết từ cách đây 5-10 năm chưa kể giảm giá.

Cuốn số 5 là cuốn mua lại lần thứ 5. Bốn lần trước đã mua và đều lấy ra tặng, giờ mua lại để bổ sung vào bộ Nguyễn Tường Bách.-:)

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Out the Blue

1. Các bạn theo dõi blog của tôi có thể dễ dàng nhận ra một cái không khí chung trong các bài viết: nỗi buồn. 

Cho dù đó là một entry nói thẳng về nỗi buồn, hoặc viết về những vấn đề khác, thì vẫn vương vấn đâu đó một cái buồn man mác. Bản thân việc viết lách linh tinh thế này cũng là để che lấp những nỗi buồn. Đọc sách, rửa bát quét nhà, chơi bời với con cái, hay hút thuốc, uống rượu bia, thì cũng là những hoạt động để khoả lấp những những muộn phiền.

Tôi và những người xung quanh thường cho rằng tôi thích đọc sách. Mà quả là tôi có thích đọc thật. Và tôi mua sách cũng nhiều. Mặc dù vậy có một điều rất lạ là tôi rất ít khi được tặng sách. Tôi không hiểu tại sao? Tất nhiên không phải là tôi không biết cho đi, vì trên thực tế, trong cái cộng đồng của mình, tôi tặng và cho sách rất nhiều. Hầu hết, tôi đều chọn được những cuốn sách phù hợp để tặng cho những người bạn, người anh, em của mình. Nhưng nói nhiều về cái này thì lại lạc đề mất. Tôi đang nói về nỗi buồn và việc tôi mua sách. Ở trên tôi đang nói mình mua sách cũng nhiều, nhưng gần đây tôi chợt nhận ra, tôi thường mua nhiều sách nhất vào những thời kỳ buồn chán nhất. Tôi kiểm nghiệm lại và thấy gần như hai cái đồ thị về mức độ buồn và tốc độ mua sách là tương quan với nhau theo tỷ lệ thuận. Rõ ràng là, ở các thời kỳ buồn chán, tôi có lẽ đã mức chứng nghiện shopping, một triệu chứng thông thường của những kẻ bị stress nặng. Tôi chỉ khác các bà, các cô nghiện shopping ở một điểm, đó là thay vì chọn mua quần áo dầy dép mỹ phẩm, tôi đã chọn mua sách.

Những người điên thường hay lang thang. Những kẻ buồn chán cũng vậy. Những lúc buồn, tôi hay lang thang la cà khắp nơi, nhưng nhiều nhất vẫn là những hiệu sách. Nếu là ban đêm, tôi thường lang thang trên các nhà sách online, trước đây là Saharavn, sau này là Vinabook. Giờ ngồi nghĩ lại, tôi thấy rõ là những tiến bộ công nghệ, cái thứ công nghệ làm thay đổi hẳn khái niệm không gian và thời gian, cho phép người ta mua sách "anytime, anywhere", đã gián tiếp tiếp tay cho những con nghiện mua sắm bởi muộn phiền. Còn nếu là ban ngày, tôi lang thang trong thế giới thực, thường nhất, là mấy con phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền. Nếu một ngày nào đó, vào chiều muộn, bạn bắt gặp một gã lang thang một mình, đi ra từ một trong ba con phố trên, rồi ghé vào một quán cà phê nào đấy với một chồng sách trên tay, rồi ở đó, trong lúc đợi người ta phục vụ một ly nâu đá, gã bỏ chồng sách ra ngắm nghía rồi đọc lướt qua từng quyển một, thì đó rất có thể là tôi đấy.

Đây quả là một phát hiện buồn. Tôi tưởng là tôi thích đọc sách. Mọi người xung quanh cũng tưởng như vậy. Nhưng thực ra, giờ nghĩ lại, việc mua sách, đọc sách dường như chỉ là cái cớ, cái "phương tiện" bề ngoài. Cái mục đích chính, và là sự thật, vẫn là, thông qua việc mua và đọc sách, tôi đang trốn chạy hoặc lảng tránh nỗi buồn của chính mình. Việc này chẳng khác nào một gã trai thất tình nào đấy, vì kiêu hãnh, vì không muốn cho người tình của mình nhìn thấy mình trong sự thểu não ê chề, đã phải thốt lên rằng "I do my crying in the rain".

Thế đấy, cái sự đọc của tôi, cuối cùng không ngờ cũng lại chỉ như cái sự thể khóc trong mưa để giấu đi những giọt nước mắt của một gã trai thất tình.

Như vậy, nhìn vào cái giá sách cứ đầy lên hàng ngày của tôi, và cái việc nó đầy lên như thế đã kéo dài nhiều năm rồi, tôi nhận ra rằng nhiều năm qua tôi đã lê lết qua những nỗi buồn. Dường như tôi là một người buồn-bẩm-sinh, một người mang theo nỗi buồn từ tiền kiếp. Sự thật là ngay cả những lúc đông vui nhất, tôi vẫn không thể ngăn được những muộn phiền dâng lên trong ánh mắt. 

Nhưng còn có một sự thật khác, là chúng ta không thể dứt bỏ hẳn được những nỗi buồn. Vấn đề là chúng ta chọn sống với những nỗi buồn ấy như thế nào. Vì khi đọc sách tôi tìm thấy ở đó những niềm vui nho nhỏ, nho nhỏ thôi. Nhưng từng cái nho nhỏ ấy cũng đã lấn át được phần nào những nỗi buồn. Và vì vậy, tôi thấy lựa chọn sách để sống chung với nỗi buồn của mình là một lựa chọn phù hợp. Nó giống như một người bạn của Kurt Vonnegut đã nói và được ông dẫn lại trong cuốn Người không quê hương: nhạc Blues có thể không xua tan được nỗi buồn, nhưng nó có thể dồn chúng vào một góc, và vì vậy những người nô lệ da đen ngày xưa, những người "phát minh" ra nhạc Blues, thường xuyên chơi và nghe chúng, có thể yên tâm và ung dung sống cuộc đời của mình với ít muộn phiền nhất, hoặc ít ra thì cũng không bị chúng làm phiền. Ở một phương diện nào đó, thì đọc sách đối với tôi cũng giống như nhạc Blues có ý nghĩa như thế nào với người Mỹ da đen.

2. Trong tiếng Anh, từ "blue" vừa có nghĩa là màu xanh, lại vừa có nghĩa là nỗi buồn. Tôi học được điều này không phải từ giáo trình Anh văn, mà là trong lúc mày mò tìm hiểu ý nghĩa của bài "Love is Blue" từ một thời đã xa lắm. Vì vậy, trên cái blogspot của tôi, không chỉ có các bài viết mới phảng phất nỗi buồn, mà cả cái giao diện của nó cũng thế: tràn ngập một màu xanh. Hơn thế, cái giao diện cũ cũng vẫn có phần nào đó hơi diêm dúa, mà sự diêm dúa thì chưa bao giờ hợp với bản tính của tôi. 

Do vậy, để phần nào thoát ra khỏi cái nỗi buồn ám ảnh này, tôi đã thay cả giao diện blogspot bằng một template mới: đơn giản hơn, ít màu xanh hơn. Tôi gửi vào đó cái nguyện ước được viết nhiều về những niềm vui hơn là những nỗi buồn, và hơn thế, ngay cả khi đã vui hơn thì cái giá sách của tôi cũng không vì thế mà ngừng đầy lên, nhất là, nhất là, những cuốn sách trên đó không phải do tôi mua vì buồn chán, mà là được bạn bè anh em... cho, biếu, tặng. He he.

3. Out the Blue (John Lennon)

http://www.youtube.com/watch?v=YAxF7FTueNk

Out the blue you came to me
And blew away life's misery
Out the blue life's energy
Out the blue you came to me

Everyday I thank the Lord and Lady
For the way that you came to me
Anyway it had to be two minds one destiny

Out the blue you came to me
And blew away life's misery
Out the blue life's energy
Out the blue you came to me

All my life's been a long slow knife
I was born just to get to you
Anyway I survived long enough to make you my wife

Out the blue you came to me
And blew away life's misery
Out the blue life's energy
Out the blue you came to me

Like a U.F.O. you came to me
And blew away life's misery
Out the blue life's energy
Out the blue you came to me./.

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Về sự lãng mạn

1. ‎"Dặn thêm này, khi nào buồn bực quá, thấy nản lòng quá, đầu óc cứ thấy rối tung cả lên thì hãy trèo lên cây hoặc ra sông mà ngồi, mà trải tầm mắt ra rõ xa. Cảnh vật rộng dài, đất trời thoáng đạt sẽ làm cái đầu của mình đỡ tủn mủn, tăm tối đi. Người ta bảo thế là lãng mạn. Lãng mạn hay lắm! Không biết lãng mạn, không biết mộng mơ, cuộc sống này sẽ dễ thành đày ải, thành địa ngục, cho nên phải ráng lãng mạn, nhớ chưa?"
(Ba lần và một lần - Chu Lai)

2. Còn cụ Compay Segundo, trong cuộc trò chuyện với Ry Cooder (Buena Vista Social Club) thì nói thế này:

As long as blood runs in my body, I'm going to love women. Because in life, women, flowers and romance are all so lovely.

One night of romance,... oh, that has no price. No price at all.

3. Tôi mà là cụ Compay Segundo, tôi sẽ thêm vào danh sách những thứ  "so lovely" kia một mục nữa: đọc sách, đặc biệt là sách văn học nói chung, đặc biệt nữa là tiểu thuyết.

Đọc tiểu thuyết thì rõ là lãng mạn rồi. Tôi chỉ không đồng ý với nhân vật của Chu Lai một điểm: hãy để sự lãng mạn diễn ra tự nhiên, không cần phải "ráng" làm gì cả.

Đối với tôi thì đọc sách cũng giống như trèo lên một cái cây rồi. "Trèo cây" kiểu này cũng là một trải nghiệm vô giá. No price at all.

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Chiến Hữu


Dire Straits - Brothers In Arms Original bởi chaddi

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Nỗi nhớ thoảng qua

1. Một buổi sáng đã lâu, tôi có dịp lang thang ở Hạ Long. Trời mưa rong bão, sụt sùi như thể mưa ngâu. Lúc đi ngang qua một ngôi nhà đang sửa chữa, bắt gặp hai anh thợ xây đang ngồi nghỉ trước hiên nhà vì mưa. Giữa hai anh là hai lon Heineken. Chợt nghe một anh nói với anh kia: "Giờ này chắc ở nhà đang gặt". Tôi liếc qua, thấy anh vừa nói vừa đưa tay gãi má, cái miệng hơi méo đi.

Chỉ một câu thế thôi mà vời vợi cả một nỗi nhớ quê.

Hẳn là, nếu các anh không ra thành phố hành nghề, cũng giờ đó, các anh có lẽ đang nghỉ bên bờ ruộng sau ca gặt sớm, cũng mồ hôi nhễ nhại thế kia. Chỉ khác, giữa hai anh không phải là hai lon Heineken uống dở mà là một ấm chè tươi nhem nhuốc, và khác hơn tất cả, một anh sẽ không phải thốt ra câu nói kia.

2. Chủ Nhật trước đi ngang qua phố Liễu Giai. Lúc qua ngã tư Liễu Giai cắt Cống Vị, bỗng lại gặp mấy anh thợ xây vừa túa ra từ một công trường xây dựng gần đó. Cả nhóm lấm lem vữa và mồ hôi, nhưng những ánh mắt và nụ cười thì cực kì tươi tắn. Chỉ là vì, họ đang tranh nhau bẻ những cành dâu da chín mọng mà người quanh đó bỏ không ai thèm hái. Nhìn những người công nhân lớn tuổi giành nhau từng chùm dâu da chín, chí choé và hể hả, tự dưng thấy đời vui hơn nhiều lắm.

Nhưng cũng vì thế, mà lại bùng nên nỗi nhớ quê. Ở quê tôi, dâu da, nếu không phải là một "đặc sản", thì cũng là một đặc trưng hiếm có. Chẳng thế mà cái thị trấn ấy còn được gọi là "thị trấn dâu da". Mùa hè đến, dâu da hai bên đường nở hoa trắng xoá, đi đường mà ngỡ như đi trong rừng hoa trắng.

Giờ thì dâu da chỉ còn là trong kỷ niệm. Nếu những rặng dâu da đó mà còn, hẳn là giờ này thị trấn cũng đang trong mùa dâu da chín.

3. Hồi còn nhỏ, quê tôi nhà nào cũng trồng ít nhất một cây dâu da trước cửa. Có nhà có tới hai cây: một cây sân trước, một cây sân sau. Mùa dâu da chín, mọi người ăn không xuể, thường để cho thương lái đến thu mua. 

Tôi còn nhớ một bà cụ, đã già lắm. Bà buôn chuyến Quỳnh Côi-Hải Phòng. Cứ đến mùa bà lại thu mua dâu da, giấm chín bằng lá xoan, rồi cắt ra bó thành từng chùm nhỏ 15, 20 quả một chùm. Rồi bà mang ra Hải Phòng bán. Hồi đó tôi còn bé nên chẳng biết bà buôn bán lời lãi thế nào, nhưng chắc là sống được, vì năm nào bà cũng rất vui vẻ thu mua. Không hiểu sao trong số rất nhiều người thu mua dâu da thời đó, tôi chỉ nhớ mỗi bà cụ này. Cụ già với những chùm dâu da bó gọn gàng, và những chuyến xe khách xộc xệch tuyến Quỳnh Côi-Hải Phòng.

4. Nếu những rặng dâu da ấy còn, và tôi thì nhỏ lại, hẳn là giờ này cũng đang có một cậu bé vắt vẻo trên cái chạc ba của cây dâu da, cứ lật qua một trang của cuốn sách đang đọc dở lại với tay ra vặt một quả dâu da chín trong chùm dâu da gần nhất bỏ vào miệng. Khi một buổi chiều đã qua và cuốn sách đã hết, thì cũng là lúc những chùm dâu da chỉ còn trơ  lại toàn cuống, và dưới gốc cây thì cơ man là hạt dâu da.

Thời đó đã qua đi mãi mãi không bao giờ trở lại.

5. Mùa vu lan đến cũng là mùa ổi chín. Tự dưng nhớ một chiều hè muộn năm nào đã xa lắm, có một người mẹ trẻ đèo theo một cậu bé con trên một cái xe đạp màu xanh. Trên tay cậu bé là một cây ổi nhỏ, một cây ổi "chiết cành" chứ không phải gieo từ hạt. Vì thế, trên cái thân cây nhỏ bé đó đã có một quả ổi rất to. Cậu bé nâng niu cây ổi đó lắm. Từ đó, năm nào cây ổi cũng cho ra rất nhiều quả to và ngon. 

Đã có rất nhiều mùa ổi đã đi qua. Ngay cả khi người mẹ đó đã không còn nữa, thì cây ổi mẹ trồng vẫn cho những trái ổi ngọt thơm mà ngày nay không tìm lại được. 

Cũng như, không thể tìm lại được thời gian đã mất.

6. Tự dưng chỉ muốn chạy ù một phát về quê. Thật đúng là "giang hồ vặt", nhìn thấy quả ổi cũng nhớ nhà.

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Giữa Đất và Trời lửng lơ những câu hỏi

Giữa những nguyên tắc trong veo mà mình nuôi dưỡng trong đầu với thực tế trái ngược mà mình phải đương đầu trước mắt, có thể nào dung hoà được không trong hành động?

Giải quyết khúc mắc ấy như thế nào là tuỳ mỗi người, có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu câu trả lời.

Nhưng dù trả lời thế nào đi nữa, câu hỏi cũng gây nhức nhối trong tận xương tủy tuy bề ngoài vẫn phải phơn phớt nói cười.

Người hỏi là người đau với câu hỏi ấy, bởi vì đó là câu hỏi bi đát trong bản chất, nhất là đối với những người "dấn thân".

Trích "Giữa Đất và Trời", trong tập Khi tựa gối khi cúi đầu của Cao Huy Thuần, Nhã Nam và Nxb Văn Học, 8/2011.

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Làm thế nào để nghe được tiếng chim hót và những câu chuyện khác

1. Umberto Eco có một tập truyện nhan đề: Làm thế nào để du lịch với một con cá hồi và những câu chuyện khác. Hôm qua ở Hội chợ sách, lượm được 2 cuốn: Mộng du và những truyện khác của Ngô Tự Lập, và Kiến đi đằng kiến và những truyện khác của Đỗ Phấn. Không hiểu hai bác này có tí nào ảnh hưởng từ Umberto Eco không nhỉ? Nếu có thì trong hai bác, bác nào bị ảnh hưởng trước, bác nào bị ảnh hưởng sau?

2. Hội chợ sách và sản phẩm giáo dục 2011 rất nhỏ, chỉ nằm gọn trong nhà A3 Triển lãm Giảng Võ, trong đó có một đến quá nửa là đồ chơi và đồ dùng học tập cho học sinh. Lại có chen cả cửa hàng quần áo trẻ em. Chắc tại quần áo cũng là một loại đồ dùng thiết yếu của các cháu khi đến trường. Nhỏ vậy nên chỉ đi chưa đầy một tiếng là hết. Mặc dù vậy cũng rất thích khi khuân về được vài cuốn rẻ như cho.
- Những người cùng thời (trích Hồi ký Con người, năm tháng, cuộc đời) của Ilia Erenbua, Vương Trí Nhàn tuyển chọn. Tôi rất thích cuốn này bởi các "Tag" sau: Nga-Xô Viết, Vương Trí Nhàn, Erenbua, Khổ nhỏ, Trịnh Cung vẽ bìa, và đặc biệt giá có 5.000 đồng. Sách in từ năm 2000 nhưng nhìn còn như mới. Có lẽ tôi sẽ để dành đọc trong một chuyến đi nào đó, cả sách và cách sắp chữ đều rất nhỏ và gọn gàng.
- Ý tưởng Nghề nghiệp của chị Việt Linh, đạo diễn, trích phát biểu của các nhân vật nổi tiếng trong giới điện ảnh. Sách của NXB Văn hoá Sài Gòn lúc nào cũng vậy, thiết kế và in ấn rất đẹp. Cuốn này 10.000 đồng.
- Cùng hạng 10.000 đồng tôi còn nhặt được 3 cuốn nữa. Những cô gái đã chết không bao giờ viết thư của Gail Giles. Cô này tôi chưa đọc bao giờ nhưng thích cái bìa và giá rẻ nên vẫn mua. Cuốn này của nhà Bách Việt. Một cuốn nữa cũng của Bách Việt là Trước, Trong và sau Cuộc tình, Jean-Marc Parisis. Chẳng biết mua cuốn này vì cái gì, có lẽ là muốn biết "vòng đời" của một cuộc tình dưới ngòi bút của một nhà văn thì nó ra sao chăng. Một cuốn nữa là Di sản của Eszter, tiểu thuyết của Márai Sándor. Cuốn này ra từ 2008 nhưng hồi đó tôi chưa quay lại đọc sách Văn học nên không biết. Hoá ra Bốn mùa, Trời và Đất không phải là tác phẩm đầu tiên của Márai Sándor mà Nhã Nam xuất bản. Cũng vì đã đọc qua Bốn mùa, Trời và Đất nên vừa nhìn thấy cái tên tác giả trên bìa là tôi đã nhặt ngay Di sản của Eszter mà không xem xét gì cả, về nhà tính sau.-:)
- Mộng du và những truyện khác của Ngô Tự Lập là bản bìa cứng, đóng rất đẹp, nhìn cứ như một cuốn luận văn được làm kỹ lưỡng. Giá chỉ 20.000 đồng. Ở hạng này tôi cũng may mắn kiếm được cuốn Mưa của S. Maugham. Tôi chưa đọc cụ này bao giờ nhưng nhiều người nhắc đến quá nên cũng mua luôn. Sách được làm theo đúng phong cách của nhà xuất bản Hội Nhà Văn: thô kệch, quê mùa, nhưng đổi lại được cái chất. He he.
- Hoá ra những cuốn đắt nhất mà tôi mua trong Hội chợ cũng mới chỉ đến mức 30.000 đồng. Một cuốn là Hồ Điệp của Vương Mông, nhà Nhã Nam liên kết với Nxb Công an Nhân dân. Trước đó tôi đã đọc Hồi ký của cụ (cũng là sản phẩm của nhà Nhã Nam) nên nhìn thấy là mua ngay. Cuốn thứ hai là tác phẩm đã rất quen thuộc của John Steinbeck: Chùm nho phẫn nộ. Cuốn này của Nxb Văn học. Cuốn sách hay, tốt, dày gần 850 trang mà giá chỉ có 30.000 đồng, chưa bằng 1/3 giá bìa. Người bán vừa tính tiền vừa lẩm bẩm ra vẻ tiếc nuối.

Đúng là lần đầu tiên tôi mua được những thứ Rẻ mà không Ôi. Thích.

3. Bất đắc dĩ lại có gần hai tuần ở nhà làm những việc rất lâu rồi không làm: rửa bát, quét nhà, phơi quần áo, nấu cơm, đưa đón con đi học. Cảm giác rất khó tả. Hôm nay có một ngày nắng to sau nhiều ngày mưa. Nắng chiều xiên qua những mái nhà tập thể, hắt lên những gốc cây và ghế đá trong sân một vẻ đẹp bình lặng. Từ trong nhà bước ra sân, chợt nghe thấy rất nhiều tiếng chim ríu rít, rộn ràng trên những tán cây. Nghe thấy tiếng chim mà lòng tự nhủ, ồ, mình vẫn còn sống.

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Lịch sử Tình yêu

Yester-You, Yester-Me, Yester-Day

"Ngày hôm qua mọi nỗi muộn phiền của tôi dường như đã tan biến", the  Beatles đã mở đầu một bài hát của họ như vậy. Nếu coi "ngày hôm qua" như là lịch sử, thì trái với gì mà nhóm Tứ quái đã hát, những muộn phiền của việc dạy và học môn lịch sử ở nước Việt dường như đang lớn hơn bao giờ hết. Kết quả thi đại học khối C năm 2011 phải là một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử của các kỳ thi đại học, nếu như về sau người ta còn nhớ đến các kỳ thi này.

Tôi chẳng có gì to tát để nói về môn lịch sử, nhưng cũng phải gạch ra đây vài dòng:

1) Ngay sau khi có kết quả thi khối C, người ta đã phỏng vấn ông Bộ trưởng Bộ GD đương nhiệm. Đọc xong thì tôi chẳng còn gì để nói. Từ lâu tôi biết người ta đã ví Bộ GD là Bộ Vô GD, nhưng chỉ biết thế thôi. Sau khi đọc xong bài này thì tôi "ngộ" ra điều ấy. Từ "biết" đến "ngộ" quả là một quá trình dài, và nếu không có cái "Công án Thiền" nói trên của báo Lao động thì cái quá trình ấy hẳn là còn phải dài lắm.

2) Thời đã lâu lắm rồi, tôi cũng như các bạn thí sinh bây giờ thôi, dốt sử lắm. Ngoài việc tôi là "dân khối A" thì cái sự tại sao dốt Sử ông Bộ trưởng đã giải thích rồi. Tôi và các bạn được đúc ra từ cùng một cái lò thì kết quả nó cũng giống nhau thôi. Tôi cũng như các bạn ấy, chỉ là một "viên gạch khác trên bức tường". 

Đến khi đi làm và tiếp xúc với những người nước ngoài, tôi mới thay đổi suy nghĩ của mình về môn sử. Ngoài công việc, tôi và họ cũng hay chuyện gẫu. Bao giờ cũng thế, sau những câu chuyện ăn gì, ở đâu, background của mày là gì, tại sao đường chúng mày nhiều xe máy thế, trong giờ làm việc mà ngoài đường nhiều người thế,... thì lại là những câu hỏi về lịch sử. Và đến đây thì tôi tắc tị. Vốn ngoại ngữ đã ít, vốn lịch sử lại càng ít hơn, thế thì nói làm sao cho người ta hiểu. Tôi xấu hổ, và từ đó quan tâm nhiều hơn đến lịch sử.

3) Nhưng lịch sử thì rộng lớn và đa dạng. Tôi chẳng phải là dân làm sử, nên rốt cuộc tôi chỉ quanh quẩn ở mức tổng thể, không đi vào chi tiết, và cũng chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực: lịch sử kinh tế, lịch sử của một số người, một số vùng đất, đất nước mà tôi quan tâm. Tôi cũng không tìm hiểu lịch sử thông qua sách lịch sử, mà chủ yếu qua... văn học (trừ lịch sử kinh tế, nhưng cũng không hẳn thế, như tôi sẽ đề cập ở đoạn sau). Chẳng hạn tôi có thể hình dung ra cái xã hội miền Bắc VN thời những năm 30 40 50 của thế kỷ 20 nó như thế nào bằng vào việc đọc các tác phẩm của cụ... Tô Hoài. Có thể mọi người nghĩ tôi sai nhưng tôi lại cho đó là đúng. Lịch sử là cái gì nếu nó không phản ánh hơi thở của xã hội mà nó ghi lại. Tôi thấy những gì cụ Tô Hoài viết chân thực hơn rất nhiều những cột mốc ngày tháng năm, những con số khô khan ghi trong các sách giáo khoa lịch sử mà cái đầu bé mọn của tôi không thể nhớ nổi. Tôi không thích những người chép sử làm công việc của họ như là một kế-toán viên cho dòng chảy của lịch sử. Tất nhiên tôi biết việc đó là có ý nghĩa khoa học, nhưng không cần thiết cho người bình dân, không chuyên, như tôi chẳng hạn.

4) Tôi cũng như nhiều người khác thực sự không thích cách mà người ta tổ chức sự kiện Nghìn năm Thăng Long Hà Nội diễn ra năm ngoái. Nhưng tôi thực sự thích sự kiện này, ở khía cạnh là nhờ đó mà số sách lịch sử về Hà Nội tôi có được nhiều hơn bao giờ hết. Và cuốn nào cũng hay. Lịch sử Hà Nội của Phillip Papin, Đông Dương ngày ấy của Claude Bourrin, Phố phường Hà Nội xưa của cụ Hoàng Đạo Thuý, Nhớ và Ghi của cụ Nguyễn Công Hoan,... và rất nhiều cuốn khác nữa, đọc rất hứng thú. Có những cuốn có cách tiếp cận rất mới lạ, như Chuyện Thăng Long-Hà Nội qua một con đường của cố GS. Đặng Phong. Nhắc đến cụ mới lại nhớ ra, cuốn Tư duy Kinh tế Việt Nam 1975-1989 của cụ là sách lịch sử kinh tế mà tôi đọc say mê hơn cả đọc tiểu thuyết.

Kể ra như thế để thấy rằng, tự thân lịch sử rất hấp dẫn và không phải mọi người không quan tâm, mà vấn đề là cách nhìn nhận, đánh giá và truyền đạt nó như thế nào mà thôi.

5) Nhưng có một thứ lịch sử tôi đặc biệt quan tâm, chính là lịch sử gia đình mình. Những biến cố, những sự kiện của gia đình làm nên lịch sử của chính nó, đồng thời nếu ta hiểu cái lịch sử "nói chung" ở trên, ta sẽ thấy gia đình mình bị ảnh hưởng thế nào bởi xã hội bên ngoài, và qua mỗi thời nó đã chuyển biến thế nào.

Dù bận rộn, tôi cũng đang cố gắng để lưu lại những câu chuyện kể, từ những người trong gia đình nội ngoại, và qua cả trí nhớ và những quan sát của tôi, để hiểu rõ hơn nữa về lịch sử gia đình mình. Đó là phần "hồn" của lịch sử gia đình. Phần "xác" của nó, nghĩa là các hiện vật, đồ vật còn lưu giữ lại tôi cũng rất quan tâm. Ví dụ cái bát hương (đúng là cái bát nhé, vì nó được làm từ cái bát rất to, chứ không như bát hương bây giờ) có từ thời kỵ tôi hay cụ tôi? cụ tôi đã từng cắm hương trên cái bát đó, đến ông tôi, và bây giờ là bố tôi và tôi, có thể tiếp nối sang con tôi nữa. Những cái bát chiết yêu bà tôi để lại là do ngày xưa cả xã hội dùng nó, hay chỉ vài nhà như nhà bà tôi phải dùng đến vì quá nghèo? Ông tôi có để lại quyển sách nào không và ông đã đọc những gì? Hình như chỉ có duy nhất một quyển Tam Tự Kinh. Ông tôi không đọc nhiều sách. Cái tủ sách mà trong đó chứa chủ yếu sách của Nxb Cầu Vồng và Tiến Bộ mà bố tôi có là từ đâu ra? Một ông chú tu nghiệp ở Nga cung cấp. Những lá thư bố mẹ tôi trao đổi từ ngày họ còn xa cách bởi chiến tranh, tôi có nên đề nghị bố cho đọc? Đại loại thế. Tôi nghĩ lịch sử gia đình hứng thú và thiết thực hơn và ta nên quan tâm đến nó. Và xã hội sẽ loạn hơn nữa nếu người ta không quan tâm đến lịch sử của chính gia đình mình, chứ không chỉ là lịch sử nói chung trong sách giáo khoa của Bộ GD.

6. Khi suy nghĩ về lịch sử gia đình trên phương diện "khảo cổ", nghĩa là những đồ vật, tôi phát hiện ra một điều: thời XHCN chẳng có gì đáng để lưu lại cho con cháu. Những gì mà gia đình tôi còn giữ lại được là có từ thời phong kiến (đồ thờ cúng, bát, đĩa,..) và Pháp thuộc (những bộ ly chén pha lê của Pháp,...). Những thứ mới xuất hiện sau này chúng tôi có muốn giữ lại không? Muốn chứ, nhưng dường như không thể vì nó xấu xí, và hơn nữa, không bền. Cảm giác như mọi thứ đều tạm bợ, nhanh chóng bị phá hủy và bị thay thế. Và biến mất. Sự hiện diện của chúng có lẽ chỉ còn lại ở cái Triển lãm về thời bao cấp ở Bảo tàng Dân tộc học. Sự tạm bợ đó có lẽ sẽ dẫn đến một sự đứt gãy, không còn tính kế thừa của các đồ vật. Tôi rất muốn con trai tôi sau này sẽ đi du lịch với cái túi xách mà ông nội nó đã dùng trong rất nhiều năm, nhưng điều đó là không thể vì bố tôi chỉ có một cái ba lô lúc rời quân ngũ và nó đã hỏng sau đó. Tôi thì đã ra khỏi nhà với cái vali của mẹ tôi để lại, cái vali bằng giấy nện bọc simili giả da đã nhanh chóng mục nát sau những di chuyển thời sinh viên của tôi. Tôi cho rằng đó là một sự rời rạc, và càng làm cho các thế hệ khó gắn kết với nhau. May mà còn có những giá trị phi vật thể khác.

Suy rộng ra, đọc Tô Hoài và những tác giả đã dẫn ở trên, tôi lại thấy dường như xã hội sau bao nhiêu năm xây dựng "cái mới", lại như đang trở về cái thời mà các cụ đã mô tả cách đây mấy chục năm. Hình thức thì có thể thay đổi, nhưng tính chất thì y hệt. Nghĩa là lại đang quay lại cái mà chúng ta đã mất bao công sức để xoá bỏ. Nghĩa là, ở một khía cạnh nào đấy, nếu tôi chịu khó phấn đấu, cháu tôi vẫn có thể xài được cái túi da mà ông nó để lại, vì đấy là cái túi da của... Louis Vuitton.

Chẳng hiểu là tôi có nói quá lên không? Và đấy có phải là lịch sử không?

7) Cuối cùng thì tôi xin kết thúc những lời lảm nhảm của mình bằng một trích đoạn trong một ca khúc của Stevie Wonder mà tôi rất thích: Tôi-hôm qua, Bạn-hôm qua và Ngày-hôm qua (cũng là lịch sử mà-:))

"When I recall what we had
I feel lost I feel sad with nothing but
The memory of yester love and now
Now it seems those yester dreams
Were just a cruel
And foolish game we had to play"

* Viết bài này vì dạo quanh các blog thấy than phiền về kỳ thi lịch sử nhiều quá. Rất thích bài của cụ Nguyên Ngọc trên SGTT, đã đăng lại trên Blog Goldmund.-:)

** Bài phỏng vấn ông Phạm Vũ Luận là bài này: http://laodong.com.vn/Tin-tuc/Diem-lich-su-thap-la-van-de-cua-thoi-dai/52132

*** Đoạn viết về việc học sử thông qua sách văn học là để cho vui thôi, vì ai cũng biết như vậy là không có hệ thống. Văn học đâu có phản ánh hết được các thời kỳ lịch sử đâu. He he.