Recent Posts

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009

P. Krugman: Dùng cầu nội địa để giảm nhẹ suy thoái

Nhặt về từ TBKTSG

LTS: GS. Paul Krugman, Nobel Kinh tế 2008, sẽ đến Việt Nam vào ngày 21-5-2009 để nói chuyện về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong một hội thảo do trường Doanh nhân PACE tổ chức. Nhân dịp này ông đã dành cho TBKTSG một cuộc phỏng vấn độc quyền qua trao đổi bằng thư điện tử.

Vai trò của người trí thức

TBKTSG: Trả lời phỏng vấn báo Newsweek, ông nói: “Cái tôi có là một tiếng nói”. Theo ông, vai trò của một trí thức là như thế nào?

- GS. Paul Krugman: Tôi nghĩ điều chính yếu tôi có thể làm là tạo cầu nối giữa những phân tích khó hiểu đến với công chúng. Không thể kỳ vọng người dân bình thường biết, chẳng hạn, các lập luận ủng hộ hay phản đối việc quốc hữu hóa ngân hàng, hay những phân tích về quy mô cần thiết của gói kích thích tài chính. Nhưng tôi thì có thể tiêu hóa rồi cố gắng chuyển tải nó bằng một ngôn ngữ đơn giản.

TBKTSG: Nhưng như thế thì sẽ phải trả giá vì nhà kinh tế thuần túy lúc đó sẽ không còn thời gian dành cho nghiên cứu và phải chuyển sang sử dụng một ngôn ngữ khác?

- Tôi nghĩ ngôn ngữ không là vấn đề - thật ra nhà kinh tế chuyên nghiệp phải biết “dịch” công trình của mình sang ngôn ngữ thông thường như một cách làm rõ ý tưởng của chính họ và tránh những từ đao to búa lớn không có nhiều ý nghĩa. Hạn chế về mặt thời gian là có thật; nhưng tôi không làm quản lý, tôi không tư vấn cho doanh nghiệp và dù sao giới học thuật qua tuổi 50 thường làm công việc giải thích hơn là nghiên cứu cơ bản.

TBKTSG: GS. Dani Rodrik (Đại học Harvard) có lần nói: “Có trách thì trách nhà kinh tế chứ không thể trách kinh tế học”. Bởi một điều có lợi cho một nhóm dân cư có thể không lợi cho toàn dân, vậy ông làm sao để biết những lời khuyên ông đưa ra là con đường tốt nhất cho nền kinh tế?

- Thì tôi chỉ biết gắng hết sức mình. Tôi cho rằng suy thoái làm tổn thương hầu hết mọi người cho nên ở đây không có vấn đề phân bổ [lợi ích]. Và khi tôi khuyến nghị chính sách nào có tác động phân bổ lớn, tôi cố gắng nói rõ điều đó.

TBKTSG: Người ta thường bảo toàn cầu hóa là xu hướng không thể tránh khỏi. Nhưng ông có nghĩ người dân, đặc biệt là người nghèo, phải được quyền chọn lựa cách sống chứ?

- Tôi chưa bao giờ tin đấy là chuyện không thể tránh khỏi và chắc chắn không thể áp đặt [chuyện toàn cầu hóa]. Nhưng người nghèo trên thế giới là người hưởng lợi lớn từ toàn cầu hóa, ít ra về mặt thương mại. Nghèo đói toàn cầu không phải là do thế giới ngày nay tạo ra và rõ ràng thương mại là yếu tố chính yếu giảm nhẹ nghèo đói.

 Về mô hình phát triển của Việt Nam

TBKTSG: Việt Nam theo đuổi các nguyên tắc kinh tế thị trường nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay cho thấy nhiều nguyên tắc tỏ ra không hiệu quả xét về lâu về dài. Ví dụ, ông nghĩ Việt Nam phải làm gì để tránh những tác động xấu của mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu?

- Tôi vẫn ủng hộ mạnh mẽ mô hình dựa vào xuất khẩu - nó là chiến lược duy nhất dẫn đến phát triển nhanh chóng. Điều chưa tỏ ra hữu hiệu là việc [nên hay không nên] hội nhập sâu vào thị trường tài chính thế giới. Tôi nghĩ các nước nên cẩn trọng về việc tự do hóa tài khoản vốn. Nói thế chứ các nước hướng về xuất khẩu nhiều sẽ chịu các cú sốc toàn cầu nhưng biết làm sao được.

Dù sao, tôi nghĩ khi chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, thế giới sẽ không còn như trước khi có khủng hoảng. Vào đầu cuộc khủng hoảng, thế giới lúc đó có một vài nước tiêu thụ nhiều hơn họ sản xuất - Mỹ là một điển hình như thế; và một số nước khác chỉ lo sản xuất. Họ hướng mạnh về xuất khẩu mà không chú trọng đến thị trường nội địa.

Thế giới nổi lên sau khủng hoảng sẽ cân bằng hơn. Sự đối chọi giữa thâm hụt lớn và thặng dư lớn sẽ không quá “kịch tính” như cách đây chỉ mới hai năm. Điều đó có nghĩa tôi tin thị trường nội địa ở các nước xuất khẩu sẽ tăng trưởng. Sẽ có nhiều cơ hội hơn ở thị trường trong nước trong khi xuất khẩu rõ ràng cũng sẽ tiếp tục.

TBKTSG: Thời điểm thoát khỏi khủng hoảng như thế, theo ông, là vào lúc nào?

- Hầu hết các dự báo phục hồi nhanh chỉ dựa vào giả định [nền kinh tế] sẽ diễn ra như thế này, như thế khác hơn là dựa vào các dấu hiệu tăng trưởng thật sự. Cho nên tôi khá bi quan về triển vọng ngắn hạn cũng như cho vài năm tới.

TBKTSG: Và không lẽ Việt Nam phải đợi nền kinh tế thế giới phục hồi?

- Việt Nam có nền kinh tế còn nhỏ, có nghĩa ít có không gian để xoay xở. Nhưng các bạn có thể giảm nhẹ sự suy thoái bằng cách duy trì nhu cầu nội địa. Nên giám sát hệ thống tài chính để bảo đảm không xảy ra những vấn đề đã tác động đến biết bao nước khác. Các nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc vào xuất khẩu không có nhiều chọn lựa. Làm gì thì làm họ cũng phải dựa vào thế giới - vào các nền kinh tế lớn đang tìm cách phục hồi.

Thế giới sau khủng hoảng

TBKTSG: Theo ông, Việt Nam có thể tiếp tục đóng vai trò một địa điểm đầu tư theo dạng “Trung Quốc + 1”?

- Đúng là Việt Nam có lợi thế lương thấp hơn cộng với vị trí địa lý gần gũi. Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á đã tổ chức thành những cơ sở sản xuất tích hợp để bán hàng qua Mỹ và châu Âu. Cho nên tôi nghĩ điều quan trọng là hiểu sự phát triển nội vùng. Với những gì tôi biết, yếu tố địa lý kinh tế đang đóng vai trò then chốt cho những gì đang diễn ra tại Trung Quốc bởi vì mặc dù xuất khẩu của họ sang Mỹ chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh cổ điển, đã có sự địa phương hóa ở mức độ cao sản xuất bên trong Trung Quốc, các vùng khác nhau nổi lên thành những nơi xuất khẩu các sản phẩm khác nhau.

TBKTSG: Nền kinh tế thế giới, theo hình dung của ông, sẽ như thế nào sau khủng hoảng?

- Tôi nghĩ đó sẽ là một thế giới làm ăn trầm tĩnh hơn, ít có dịch chuyển vốn hơn, ít đầu cơ hơn, nhiều quy định cho thị trường tài chính hơn - ngoài ra không có gì thay đổi nhiều. Trung Quốc sẽ vượt lên Nhật nhưng điều đó sẽ mất thêm một thời gian dài nữa. Lúc đó thế giới, xét về mặt kinh tế, sẽ có hai cường quốc rưỡi, với Nhật là một nửa còn lại.

Những gì sẽ diễn ra theo tôi đã diễn ra rồi. Một là Mỹ sẽ ít rao giảng hơn, Mỹ sẽ không còn muốn đi bảo ban thế giới phải làm như thế này, như thế khác vì bản thân Mỹ cũng chưa làm tốt [nhiều điều].

Mặt khác, châu Âu như một đối thủ tiềm năng của Mỹ, cách nào đó, đã không được như người ta kỳ vọng. Từng có nhiều thảo luận về việc đồng euro có thể thách thức đồng đô la như đồng tiền thế giới nhưng thách thức này đã dịu đi vì sự thiếu gắn bó của châu Âu trong cơn khủng hoảng. Đồng euro không còn là một cú đặt cược tốt như trước khi khủng hoảng bùng phát.

Cho nên tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy một thế giới được sắp xếp lại nhưng không rõ ràng lắm. Mỹ sẽ không bị xuống bậc. Mỹ vẫn là cường quốc hàng đầu thế giới. Châu Âu thật ra, nếu có thay đổi, thì sẽ yếu hơn trước. Trung Quốc chưa sẵn sàng là một phần của các nền kinh tế ở vòng trong. Tôi nghĩ, xét theo các điểm đó, thế giới sẽ không thay đổi nhiều như người ta tưởng.

0 nhận xét: