Recent Posts

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2008

Lệ thuộc sinh ra lực cản

Tác phẩm của nhà văn hàng đầu trong nền văn học đương đại Nhật Bản Murakami đã thu hút sự quan tâm của độc giả trên toàn thế giới từ nhiều năm nay. Ở Việt Nam, dù được dịch và giới thiệu tương đối muộn, song Murakami vẫn đủ sức để làm nên một cơn sốt. Rất nhiều vấn đề có thể bàn đến, bàn sâu và rộng ra từ tác phẩm của Murakami, mà trong đó, theo tôi, đáng chú ý là tính chất phi Nhật Bản của chúng.

Ta hãy giả định một độc giả Việt Nam nào đó đã đọc tác phẩm của Basho, của Kawabata, của Akutagawa... chẳng hạn, anh ta sẽ chờ đợi gì khi lần đầu tiên cầm trên tay tác phẩm của Murakami? Tôi tin chắc rằng, với kinh nghiệm văn học Nhật Bản được hình thành từ các tác giả trên, trước khi thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của Murakami, anh ta đã dự cảm rằng mình sẽ gặp lại ở đây sắc thắm của hoa đào xứ Phù Tang, màu trắng tinh khiết của tuyết trên đỉnh núi Phú Sĩ, hương vị của rượu sake và món sushi, không khí huyền bí linh thiêng của các ngôi đền Shinto, tinh thần quả cảm sắt đá của các Samurai, những ngón nghề tinh tế lão luyện của các gheisa, rồi áo kimono, rồi bonsai, rồi trà đạo, rồi kịch Noh v.v...

Tóm lại, một cách gần như mặc định, người đọc Việt Nam (và không chỉ người đọc Việt Nam) đã tự kiến tập cho mình về một Nhật Bản tính nhất định qua một số yếu tố đặc thù và bền vững của văn hóa truyền thống Nhật Bản. Bằng tầm đón đợi (tôi xin phép được dùng lại một khái niệm của Mĩ học tiếp nhận) ấy, không ít người đã bất ngờ khi đọc tác phẩm của Murakami. Tất cả những dáng nét quen thuộc của văn hóa Nhật trong sự hình dung chung đều bị biến mất ở đây.

Trong tiểu thuyết "Biên niên kí chim vặn dây cót", ngay ở câu mở đầu: "Khi điện thoại reo, tôi đang nấu dở món spaghetti trong bếp, mồm huýt sáo theo bản overture Chim ác là ăn cắp của Rossini phát qua đài FM", người đọc đã cảm nhận thấy một cái gì đó xa lạ với Nhật Bản tính mà ta vốn hình dung. Và đó là ấn tượng giữ nguyên vẹn khi ta đọc hết cuốn sách.

Cả ở tiểu thuyết "Rừng Nauy" cũng không khác thế. Nhân vật trong những tác phẩm này, từ cách ăn, cách mặc, cách sinh hoạt, cách nói năng cho đến cách suy nghĩ, đều giống hệt những con người của thế giới phương Tây hiện đại, hay nói cho đúng hơn, họ chính là những con người phương Tây hiện đại được định danh bằng những cái tên Nhật Bản.

Không gian trong cả hai cuốn tiểu thuyết cũng vậy, nếu tác giả thay những địa danh Tokyo, Sapporo, Nagasaki..., bằng Dublin, London, Paris hay New York, thì cũng không gặp trở ngại gì hết đối với sự thụ cảm của người đọc, bởi lẽ dù có thắp đuốc lên tìm thì cũng không ai có thể thấy, dù là thấp thoáng, chút hình hài mang đặc trưng Nhật Bản của những đô thị Nhật Bản nói trên trong tác phẩm của Murakami. Tất cả đều đã được/ bị phương Tây hóa.

Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng với Murakami, cái yêu cầu về việc làm nổi bật nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Nhật Bản, cũng như vẻ đẹp trong tâm hồn và trong tính cách con người Nhật, là điều ông không tự đặt ra cho mình (hoặc bị ông lờ đi).

Ông viết về con người Nhật Bản, nhưng không phải trong tính dị biệt văn hóa và trong những điều kiện đặc định về kinh tế - chính trị - xã hội riêng có ở Nhật. Mà ở đây là con người Nhật Bản trong những vấn đề mang tính phổ quát của con người sống trong xã hội hiện đại và chịu sự chế định bởi tính hiện đại của xã hội.

Nói cách khác, nếu người đọc nào còn khư khư với ý nghĩ mang tính quyết định luận, rằng qua văn chương có thể hiểu biết thêm về truyền thống văn hóa của một dân tộc, về con người và những vấn đề xã hội của một quốc gia, thì hẳn là người đó sẽ thu nhận được rất ít tri thức về Nhật Bản từ tác phẩm của Murakami.

Một cách cực đoan, có thể nói, tác phẩm của Murakami - mà giá trị của chúng đã được khẳng định - là một minh chứng đủ để làm lung lay niềm tin rằng tính dân tộc là một phẩm chất thiết cốt của những tác phẩm văn học xuất sắc.

Trên cơ sở tìm hiểu về tính chất phi Nhật Bản trong hai tiểu thuyết của Murakami, tôi muốn nói đến vấn đề tính dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc trong văn học từ một phía khác, đó là trường hợp hai tập truyện ngắn "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của Đỗ Bích Thúy và "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư.

Theo tôi, trong vòng hai, ba năm trở lại đây thì đây là hai tác phẩm đáng chú ý trong số các tác phẩm văn xuôi được viết ra bởi thế hệ nhà văn Việt Nam ở độ tuổi dưới 35. Mà đáng chú ý hơn cả là ở một điểm chung: hai tác giả (hai nhà văn nữ) xuất thân từ hai vùng quê khác nhau (một ở cực Bắc, một ở cực Nam của đất nước) đều tập trung khai thác và thể hiện một cách tối đa trong tác phẩm của mình sự hiểu biết về vốn văn hóa, về phong tục tập quán, về con người và lời ăn tiếng nói ở miền đất mà họ đã sinh ra và lớn lên.

Điều này được phản ánh khá rõ qua những bình luận đã có về hai tập truyện ngắn, tựu trung: "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của Đỗ Bích Thúy mang đậm phong vị miền núi cao Tây Bắc, "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư thấm đẫm nét đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Quả thực, đây là phẩm chất nổi bật trong cả hai tập truyện.

Ở lời giới thiệu cho "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá", nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị viết: "Chúng ta sẽ bước vào một không gian lạ, không gian có núi cao trời rộng của vùng rừng núi phía Bắc, nơi từ đó nhìn xuống, dòng sông Nho Quế chỉ còn bé như sợi chỉ dưới chân núi Mã Pì Lèng. Một không gian đầy hoa lá rừng, có tiếng gà gáy tách te trong bụi rậm, có những dòng suối trong suốt với những viên cuội nhỏ, có những chàng trai thổi sáo theo sau các cô gái khoác quẩy tấu xuống chợ, những nồi thắng cố nghi ngút khói trong phiên chợ vùng cao đầy màu sắc, những đêm trăng sóng sánh huyền ảo, những cụm mần tang mọc trong thung lũng, tiếng đàn môi réo rắt sau bờ đá, lễ hội gầu tào với điệu hát gầu plềnh mê đắm của các chàng trai cô gái người Mông trên đỉnh núi...".

Còn ở "Cánh đồng bất tận", với những người miền Tây xa xứ, hoặc với những ai từng đặt chân đến miền Tây một lần, đều nao nao khi gặp lại ở đây hình ảnh chợ nổi với những dãy ghe rập rờn xao động cả mặt sóng, những người đàn ông đàn bà sống kiếp thương hồ tuy lam lũ chân chất mà rộng lượng phóng khoáng, những vùng quê heo hút chợt xôn xao khi một gánh hát dừng chân, những đàn vịt chạy đồng hàng trăm con, rồi mùi khói đốt đồng cay nồng ngai ngái buổi chiều tà, câu vọng cổ buồn não ruột loang xa trong màn đêm...

Hệ thống ngôn ngữ được vận hành trong hai tác phẩm cũng góp phần đáng kể vào việc làm đậm thêm những bức tranh không gian đặc thù này. Ở "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" tràn ngập những câu văn mà lối so sánh, ẩn dụ được sử dụng trong đó là rất gần với nếp tư duy trực quan mộc mạc của người thiểu số vùng núi cao phía Bắc.

"Cánh đồng bất tận" là cả một sưu tập phong phú những khẩu ngữ, những lối nói thuộc vỉa ngôn ngữ tiêu dùng thường nhật của người dân miệt kênh rạch sông nước Tây Nam Bộ, mà có lẽ, đã được tác giả sử dụng theo đúng một truyền thống của văn chương Nam Bộ "nói sao thì viết vậy".

Nhưng, với những biểu hiện như vậy, liệu đã có thể nói về tính dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc trong tác phẩm của hai nhà văn trẻ? Cũng như, có thể phải nhìn nhận ra sao về ý nghĩa của những biểu hiện ấy? Tôi cho rằng, với một quốc gia dân tộc đa sắc tộc như Việt Nam, không dễ để có thể nói đến một "tính dân tộc", một "bản sắc văn hóa dân tộc" chung cho tất cả mọi sắc tộc.

Hãy tạm đặt sang một bên sự nhầm lẫn thường xuyên giữa bản sắc văn hóa dân tộc và di sản văn hóa quá khứ, thế nhưng, trong khá nhiều trường hợp, khi người ta dán cái nhãn "tính dân tộc", "bản sắc dân tộc" lên một tác phẩm nghệ thuật đương đại nào đó, thì thường đó là tác phẩm khai thác di sản văn hóa quá khứ của tộc người đóng vai trò cơ bản trong đời sống cộng đồng dân tộc: người Kinh. Mà, những yếu tố thường được khai thác là: lũy tre, con trâu, nón lá, áo dài... tóm lại là những yếu tố đã trở thành biểu trưng cho văn hóa Kinh.

Rất hiếm khi người ta dùng các cụm từ "tính dân tộc", "bản sắc dân tộc" để định tính những nghệ thuật phẩm khai thác các yếu tố thuộc về di sản văn hóa của các tộc người khác trên lãnh thổ Việt Nam. Trong những trường hợp như vậy, các cụm từ/ khái niệm "tính vùng miền", "màu sắc địa phương" tỏ ra là phù hợp hơn cả.

Diễn đạt theo một cách khác, trên thực tế của việc đánh giá giá trị ở đây đã nảy sinh sự phân tầng giữa di sản văn hóa Kinh và di sản văn hóa của các tộc người còn lại trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nói như vậy để thấy, ở hai tập truyện "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của Đỗ Bích Thúy và "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, cho dẫu các tác giả đã rất nỗ lực trong định hướng làm bật lên sắc thái cụ thể của người và đất ở một vùng miền văn hóa nhất định (mà vì thế họ ở thế đối lập với Murakami, xét về định hướng) thì cũng không có sở cứ để lồng vào đây cái phẩm chất về "tính dân tộc", "bản sắc dân tộc" trừu tượng nào đó.

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng, trong điều kiện Việt Nam, khi mà các khái niệm "tính dân tộc", "bản sắc dân tộc" vẫn chưa được xác định thật cụ thể về nội hàm, thì mọi ý đồ dùng nó như một chuẩn để định giá các nghệ thuật phẩm đương đại đều rất không có sức thuyết phục.

Trở lại với hai tập truyện ngắn mà chúng ta đang xem xét, trước những bình luận kiểu như mang đậm phong vị miền núi cao phía Bắc, hay thấm đẫm nét đặc trưng vùng sông nước Tây Nam Bộ, tôi thấy có gì đó quen quen. Mà quen thật.

Thử lần giở lại lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, không khó để chúng ta nhận thấy rằng những sự định giá như vậy luôn được chuẩn bị sẵn sàng để dành cho các tác giả của văn học thiểu số, và cả các tác giả của vùng văn chương Nam Bộ.

Trong khi đó, chẳng bao giờ giới phê bình "hạ cố" nói tới cái phong vị đồng bằng châu thổ sông Hồng - vùng trung tâm của văn hóa Kinh - trong tác phẩm của các nhà văn thuộc khu vực này (ví dụ, tiểu thuyết "Mẫu thượng ngàn" của Nguyễn Xuân Khánh, một tác phẩm khai thác và thể hiện rất sinh động những đặc trưng của di sản văn hóa Kinh trong quá khứ).

Chính thực tế này, dù muốn hay không, đã buộc chúng ta phải nghĩ tới sự tồn tại có thực - tuy không phải bao giờ cũng thường trực trong ý thức - của một thái độ chia tách giữa trung tâm và ngoại vi, trong văn học, và cả trong văn hóa. Bằng cái nhìn trung tâm luận, lấy văn hóa Kinh làm hệ quy chiếu, người ta đã định giá các giá trị ngoài nó thông qua tính dị biệt.

Song, điều đáng nói tới hơn cả lại chính lại là sự tác động ngược trở lại của thái độ này tới các tác giả thuộc vùng văn học ngoại vi. Nó tạo ra ngộ nhận rằng mang đậm phong vị..., thấm đẫm nét đặc trưng v.v... là chuẩn giá trị. Nó neo giữ họ thật chặt vào một ý niệm mơ hồ về bản sắc, rồi từ đó kiên trì giữ giọng dân tộc bằng lối nói ngô nghê ngọng nghịu, hoặc cứ mãi xuề xòa nói sao thì viết vậy.

Để vượt qua sự ngộ nhận này mà viết một cách "sòng phẳng và sạch sẽ" (chữ của nhà thơ Inrasara) rõ ràng cần phải có một bản lĩnh, và trên hết, một nhận thức đầy đủ để không bị lệ thuộc vào cái ám ảnh được gọi là bản sắc, tính vùng miền, địa phương v.v... Vì rằng ngộ nhận và bị lệ thuộc thì bao giờ cũng đẻ ra cái gọi là lực cản của sự phát triển.

(ANTG Cuối tháng)

Người vô sự

Đời là cuộc chạy đua hay cuộc dạo chơi. Sống là đấu tranh cho ham muốn hay an nhiên với điều mình đang có. Cuốn "Người vô sự" sẽ trò chuyện cùng ai cần tìm hiểu ý nghĩa trong mỗi khoảnh khắc nhân sinh.

Người vô sự gồm hai nội dung chính. Phần 1 là tác phẩm Lâm Tế Ngữ Lục của vị Tổ Lâm Tế. Tổ Lâm Tế là người xuất gia, học tập nhiều về kinh, luật và luận. Cuối cùng, ông quyết định chọn dòng tu thiền để đạt được chứng ngộ mà không phí hoài cuộc đời trong sự tìm kiếm, học hỏi vô ích. Lâm Tế Ngữ Lục do một đệ tử của ông là Pháp sư Tuệ Nhiên ghi chép lại những bài giảng, những cuộc đối thoại, trò chuyện giữa Tổ với vị sư và đệ tử.

Phần thứ hai của cuốn sách là bình giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về những điều Tổ Lâm Tế truyền dạy.

Đúng như cuốn sách nêu ra "Ngồi chơi với Tổ...", trong cuốn sách dày gần 740 trang này, ngôn ngữ thiền và triết thấm đẫm qua từng câu chữ. Từng mẩu chuyện, từng lời bình giảng ngụ ý về lối sống thảnh thơi, sống an lạc, giảm thiểu những sân si trong tâm hồn và giúp con người có niềm tin vào bản thân.

Những mẩu chuyện nêu ra trong sách khiến người đọc phải suy nghĩ: Việc gì phải vận vào thân mình những điều mình không thể làm được, những việc mình không có khả năng làm, hoặc cố khoác lên "chiếc áo" cao xa nào đấy mà không bao giờ mình với tới được. Sống thực, sống đúng, sống hết khả năng mình và sống cho hiện tại là điều mà sách muốn nói đến.

Như một bông hoa dại nở trong ngách, trong khe núi vẫn lặng lẽ khoe sắc ngát hương. Như một người đang đói, cần ra vườn hái quả cà chua ăn mà vẫn khoan thai sải bước chứ không hấp tấp. Hai chữ "vô sự" trong sách không là trốn đời, lánh đời hay thờ ơ với sự vật, con người xung quanh; "vô sự" ở đây là thấu hiểu được chất thiền của bản ngã, của vạn vật, của sự sống để mà vui sống. 

Chính vì người vô sự là người tự do, ở đâu hay trong hoàn cảnh nào cũng làm chủ được bản thân mình, nên Thiền sư Thích Nhất Hạnh bình giảng: "... để sống từng giây phút an lạc, vui tươi, mỗi người phải tự mình đừng cột buộc, dính chặt vào quá khứ, vào những kỷ niệm đã trôi qua. Hoặc đừng bắt "cái tôi" của mình phải thổn thức, trăn trở với những ảo ảnh xa vời của trí tưởng tượng về tương lai chưa đến".

Không giáo điều, cũng không tham vọng mang đến tư tưởng quá cao xa, Người vô sự đơn giản có thể chỉ là "chiếc túi hồ lô giữ thuốc giải" cho những phiền não, mệt mỏi, để con người có thể an nhiên tự tại trong từng khoảnh khắc cuộc đời.

Anh Vân - Theo VnExpress

Thiền sư Nhất Hạnh và "Người vô sự"

Tin thiền sư Thích Nhất Hạnh sắp về Việt Nam dự Đại lễ Phật đản quốc tế Vesak Liên Hiệp Quốc tổ chức vào giữa tháng 5.2008 đã gây bao chờ đợi không chỉ đối với đông đảo phật tử và thiền sinh, mà còn cả với giới nghiên cứu về thiền và những người muốn tìm hiểu thiền học.

Bởi vì, sự có mặt của thiền sư Nhất Hạnh sắp tới sẽ mở ra những cuộc gặp gỡ đầy thiền vị cùng những khóa tu thiền từ làng Mai mang đến. Song điều hấp dẫn và lưu giữ lâu bền hơn chính là những gì ông thuyết giảng hoặc sáng tác, được ghi lại qua nhiều tác phẩm và đang phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Đó là các tác phẩm: Đường xưa mây trắng, Nẻo vào thiền học, Không diệt không sinh đừng sợ hãi, Giếng nước thơm trong, Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt…

Lần này cũng vậy, trong dịp Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, một loạt tác phẩm của Nhất Hạnh được giới thiệu trân trọng, mà theo chúng tôi, cuốn sách nặng ký nhất là Người vô sự, dày 740 trang, đang có mặt tại nhiều nhà sách trên cả nước. 

Có thể nói đây là tác phẩm chứa đựng những lời hướng dẫn sâu sắc về "đời sống thiền" mà ai cũng có khả năng thực hiện, miễn là họ nhận ra "một trời thanh tịnh" luôn tồn tại bên trong mình, để được hạnh phúc "ngay bây giờ". Điều ấy không phải nói cho hay, cho đẹp, mà đã được bản thân tác giả, thiền sư Nhất Hạnh trải nghiệm trong đời sống thường nhật.

Ông nói, để sống từng giây phút an lạc, vui tươi, mỗi người phải tự mình đừng cột buộc, dính chặt vào quá khứ, vào những kỷ niệm đã trôi qua. Hoặc đừng bắt "cái tôi" của mình phải thổn thức, trăn trở với những ảo ảnh xa vời của trí tưởng tượng về tương lai chưa đến. Là vì "quá khứ đã trôi qua, tương lai chưa đến, hiện tại thì không bao giờ dừng trụ" nên cần phải vượt lên "dòng thời gian" để sống.

Điều này được Nhất Hạnh kể lại bằng chính những ví dụ về ông. Số là năm 1966 ông có viết cuốn Hoa sen trong biển lửa xuất bản tại Sài Gòn. Đến năm 1986, ông từ Pháp sang Amsterdam (Hà Lan) dự một hội thảo có mặt nhiều nhà trí thức quốc tế. Bấy giờ một giáo sư thần học đứng dậy hỏi thiền sư Nhất Hạnh là trong cuốn Hoa sen trong biển lửa vì sao thiền sư lại viết thế này, thế này... Thiền sư trả lời: "Tôi đâu có viết cuốn Hoa sen trong biển lửa!" khiến ông giáo sư trố mắt ra ngạc nhiên, vì ông đã đọc cuốn sách rất kỹ. Thiền sư giải thích: "Ông giáo sư thần học sẽ không thể hiểu được (câu trả lời kia) với bộ óc quen suy luận theo lối cũ. Sự thật rõ ràng, người đang đứng trước ông là một thực thể sống động, vậy mà ông không tiếp xúc với người đó, lại để mình tiếp xúc với một bóng ma của hai mươi năm về trước. Hai mươi năm trước, Thích Nhất Hạnh đã nói những điều trong quyển sách đó để giải quyết những vấn đề của hai mươi năm về trước. Hiện tại, Thích Nhất Hạnh đang ở đây, đang uống trà, đang đàm luận về những vấn đề thuộc sự sống ngày hôm nay, ông không tiếp xúc với cái hiện tại của tôi mà lại muốn tiếp xúc với một bóng ma của quá khứ. Tôi tức là tôi của ngày hôm nay, còn người viết cuốn sách đó đã chết rồi. Nhưng không biết ông giáo sư thần học ấy có hiểu không? Đó là ngôn ngữ của thiền".

Ngôn ngữ thiền tràn đầy qua những câu chuyện như thế trong Người vô sự, được lồng trong những lời bình giảng của thiền sư Nhất Hạnh về ngữ lục của tổ Lâm Tế. Vì thế cuốn sách có cái tựa khá dài, nếu viết đầy đủ phải là: Lâm Tế ngữ lục đại toàn: Người vô sự. Nhưng thiết nghĩ, chỉ cần ba chữ Người vô sự là quá đủ rồi. Vì ba chữ ấy gói ghém được điều tổ Lâm Tế xưa kia chỉ dạy và điều thiền sư Nhất Hạnh đời nay muốn giảng, rằng: "Dù cho quý vị có ở một mình trên đỉnh cô phong, mỗi ngày ăn một bữa, ngồi thiền suốt đêm, không đặt lưng xuống giường... Dù cho quý vị có bố thí cả thành quách quốc gia, cả vợ con, bố thí cả đầu mắt, tủy não, voi ngựa, mọi thứ của mình đều đem ra cho hết..., tất cả đều không bằng làm một người vô sự...".

Vậy Người vô sự là gì? Bạn có thể tự tìm câu trả lời cho mình sau khi gấp sách lại.

Giao Hưởng

Tập... cúi đầu

Bài này lấy từ blog của anh Xuân Bình - một freelancer mà mình rất khâm phục.

Phim và Bút yêu quý!

Hôm nọ, trong bữa ăn tối vui vẻ, cả nhà mình có một cuộc Tự Bạch thật thú vị. Mỗi người đều tranh thủ nói cho hết cái hay, điều dở của nhau. Mẹ và các con đã giành cho bố quá nhiều nhận xét hay ho. Ngượng ghê lắm! Nhưng mọi người chỉ nói về bố có vài điều dở. Phim bảo bố quá đen nên thật khó khăn khi gây thiện cảm với các bạn gái. Mẹ bảo bố rất luộm thuộm. Bút nói bố chẳng mua nhiều đồ chơi.

Thú thực, điều dở nhất về cuộc sống riêng của bố chính là một chuỗi những thất bại, những cú ngã. Lần ngã sau đau đớn hơn. Thất bại kế tiếp lúc nào cũng ê chề hơn. Chuỗi sự kiện buồn tẻ ấy bắt đầu từ khi bố đọc thấy các bút danh của lão hờ cờ mờ đăng trên báo Nhân Dân. Hình như ngày đó bố mới bằng tuổi Phim. Kể từ đó khao khát trở thành một con người tự do, thoát bỏ nô lệ cứ lớn dần lên trong bố. Bố ước mình là một phần trái tim, khối óc của cơ thể dân tộc này. Nhưng trớ trêu thay, bố chỉ luôn thấy mình là những quả trứng ung thối thoát khỏi cơ thể đàn bà hàng tháng. Bố như là một đống chất thải rất nặng mùi cứ chật ứ ở ruột già mà mọi cơ chế hiện tồn đều muốn tống bỏ mỗi ngày. Những khát vọng của thời trai trẻ càng ngày càng gần với ảo vọng. Mục đích hướng đến cứ thoát dần tầm nhìn. Đã từ lâu, bố không còn lưu hai từ Chiến Thắng trong bộ nhớ. Bố không dám tự căn vặn mình vì những câu hỏi tại sao, thế nào. Điều bố luôn mong mỏi là làm gì để các con đừng bao giờ đi theo vết xe đổ của cả lão hờ cờ mờ cũng như bố- những kẻ đi trước khốn nạn và bất hạnh.

Bài học lớn nhất bố thu nhặt được từ cuộc đời khốn khó này chính là chưa bao giờ được thực sự…tập ngã. Thế hệ của bố và nhiều thế hệ khác chỉ luôn tạo cho mình dáng ngẩng cao đầu hiên ngang, ưỡn ngực đón gió, tâm trí luôn tràn ngập một cảm hứng hào sảng gần như không tưởng. Không mấy ai được dạy bảo hoặc tự rèn luyện kỹ năng… Ngã!

Phim và Bút yêu quý! Bố cứ nghĩ lẩn thẩn như thế khi nhìn các con đang lướt đi trên những bánh xe patin, khi các con đang ngã oành oạch trên sàn đá… Mấy ngày qua, sau những thất bại ê chề trong công việc mới, một lần nữa bố bị cuộc sống sa thải, bố đang từ từ trở lại với nhịp sống bình an như trước đây. Bố giành nhiều thời gian cùng chơi với các con hơn.

Cũng như bố lao vào công việc, các con ra sân thật giống các vận động viên chuyên nghiệp. Tinh thần chơi thể thao thực sự mạnh mẽ như là các chiến binh. Khát khao chiến thắng chẳng khác bất kỳ người trẻ tuổi nào đang được đứng trước thách thức mới.

Nhưng khi buộc cho các con những miếng đệm chống chấn thương ở đầu gối tay, chân, dây mũ bảo hiểm, xiết chặt lại các bánh xe…bố thấy giữa chúng ta bắt đầu có sự khác biệt. Đường đua trong cuộc đời bố không có ai trả giúp cho những chi phí bảo hiểm này. Không có ai đủ hiểu biết để có thể thực sự ân cần dìu dắt những bước đi đầu tiên. Và đâu đớn hơn là lại có rất nhiều người muốn bố…ngã.

Bố nhìn say mê những giọt mồ hôi lăn trên má các con, những vệt bẩn các con quệt ngang mặt rồi lại quan sát kỹ những chiếc giày. Mỗi giày trượt có bốn bánh xe. Bố như nhìn thấy các con có tới…tám cái chân. Những cái chân tiếp xúc với đất rất ít nhưng lại dễ dàng quay tít. Bởi thế các con có thể lướt đi nhanh hơn, có lúc lại cảm thấy như đang bay, một khoái cảm thật mới mẻ và lạ lùng đúng không? Phim như thấy mình có khả năng của siêu nhân. Bút rất sung sướng như khi xem Pen Ten biến hóa. Còn bố lại vẹn nguyên tâm trạng ngậm ngùi.

Khi nào sung sướng nhất lại cũng là lúc dễ ngã nhất. Mỗi khi Bút đập mạnh mông hay ngã sóng xoài trên đất bố lại thấy thót cả ngực. Bố không nựng, không nâng đỡ Bút đứng dậy. Bố lại gần và nói thầm: Đừng trêu tức đôi mông của mình như thế! Đừng làm hỏng hết gạch đá như thế hahhahhaha! Đừng vồ ếch như thế! Nhìn kìa, gương mặt đẹp đe của con có khác gì quả bóng xà phòng, nó thật dễ vỡ đấy nhé!

Con biết vì sao lại ngã không?

Con ngã xóng xoài là vì toàn thân luống cuống, bối rối. Ngã sấp là vì cái đầu kiêu ngạo muốn tỏ rõ vị thế …tiên phong của mình. Ngã ngửa là bởi vì cái chân kia sao lại vội vàng đòi chạy nhanh hơn cái mông, cái lưng và cái …đầu?

Muốn không ngã, chân phải bước nhịp nhàng, tay quạt đều, lao thân mình về phía trước và điều rất quan trọng là phải biết….chúi đầu.

Những vận động viên chuyên nghiệp thì nói rằng: trong tư thế đó, toàn bộ cơ thể của các con được giữ cân bằng, được chuyển động cùng một tốc độ, được giảm đi rất nhiều lực cản của không khí. Kỹ năng này giúp cho vận động viên có thể giành thành tích cao trong thi đấu.

Vậy mà trong nhiều chặng đua cuộc đời, thật vô lối khi chẳng khi nào bố chịu rạp mình hay chúi đầu. Hậu quả rành rành, điều dễ thấy là bố luôn ngã dúi dụi ở một xó xỉnh nào đó. Bố chưa một lần ngẩng cao đầu đăng quang ở một bệ bục vinh quang mà xung quanh đang có thật đông bọn người vô thức, xúm xít, ồn ã chờ đón, sẵn sàng tung hô, ngưỡng mộ, sùng kính…kẻ chiến thắng.

Mọi nơi, mọi lúc bố luôn treo lơ lửng trên đầu mình câu hỏi: có nên tập…cúi đầu?

Hãy trả lời giúp bố đi hai chàng trai!

(Xuân Bình)

Nhìn cuộc sống từ "Những con mắt vàng của cá sấu"

"Những con mắt vàng của cá sấu" là câu chuyện về một lời nói dối, về tình yêu, tình bạn, sự phản bội, về tiền bạc và ước mơ... tìm được chính mình.

Tiểu thuyết khiến người đọc như thấy mình trở thành một nhân vật trong sách, vì đâu đó quanh ta trong cuộc sống thực là những con người đó, tính cách đó.

Những con mắt vàng của cá sấu (2006) được viết theo hình thức truyện trong truyện vì một trong các nhân vật, “một người kỳ dị từ thế kỷ XII”, viết tiểu thuyết, và nhân vật của cô là những người đang sống quanh cô. 

Nhiều thế hệ đan xen nhau trong cuốn sách. Bà mẹ, hai chị em gái và những đứa con đang tuổi lớn... Họ phải đối mặt với các tình huống khác nhau đôi khi vấp ngã nhưng luôn luôn đứng dậy. Một cuốn tiểu thuyết bí ẩn với những nhân vật luôn đi tìm chính mình, đi tìm sự yêu thương.

Người đọc nhận ra rằng mục đích quan trọng nhất mà mỗi cá nhân được sinh ra trên đời đều hướng tới là tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Katherine Pancol, sinh tại Marocco, cư trú tại Pháp. Sau khi hoàn thành cao học văn chương hiện đại, cô là giáo viên dạy văn học Pháp và tiếng Latin, sau đó chuyển sang làm phóng viên cho Paris Match và Cosmopolitan.

Sự nghiệp viết văn của Katherine bắt đầu khi một nhà xuất bản đặt cô viết cuốn tiểu thuyết: Tôi trước hết (1979). Sau đó, Pancol có hàng loạt các tác phẩm gây chú ý khác như: Người đàn bà dã man, Scarlett, nếu có thể, Nhưng người độc ác không chạy, Nhìn từ bên ngoài, Một hình ảnh quá đẹp, Thêm một điệu nhảy nữa…

Những con mắt vàng của cá sấu đoạt giải "Maison de Presse" 2006 và nằm trong danh sách đề cử Goncourt 2006.

Gia Vũ

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2008

Người đi tìm bóng

(Người đi tìm bóng, ký sự của Bình Nguyên, Tủ sách Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ)

Những người quen biết Binh Nguyên đều bảo anh đi nhanh, đi nhiều, đi khỏe, và viết nhanh, viết nhiều, bút lực mạnh mẽ… Dĩ nhiên chính xác là vậy. Nhưng nói thế không đủ nhận ra sự khác biệt.
Nhiều nhà báo cũng có khả năng đi và viết như thế. Đọc tuyển tập ký sự kỷ niệm 20 năm làm báo này của Binh Nguyên, có thêm một bằng chứng để thấy rõ biệt tài của anh, chính là ở cái nghề kể chuyện! Các thuyết thoại nhân Trung Hoa khi xưa, sinh sống bằng nghệ thuật kể chuyện bởi điêu luyện miệng lưỡi nơi phố chợ, còn Binh Nguyên kể chuyện bằng ngòi bút trên trang sách sinh động, hấp dẫn, ly kỳ không hề thua kém…

Trong tuyển tập mang sắc màu "đặc sản" Binh Nguyên này, mỗi chuyện, mỗi việc được kể, được tả lúc nào cũng đầy ắp chi tiết, hình ảnh, màu sắc, âm thanh, và đặc biệt cái cách tạo không khí cho mạch chuyện khiến người đọc như được chạm vào, như được nghe thấy, như đang có mặt giữa sàn đấu ngộp thở muay Thai Stadium 7 tại Bangkok, giữa công viên quốc gia hoang dã Pilanesburg Nam Phi, giữa dòng sông ngàn linga Kbai Spean xứ sở chùa tháp, hoặc đang cùng nhau cắm lá cờ VN trên nền trại Everest Base Camp…

Tác giả giỏi phát hiện và khéo xếp đặt những thứ trái ngược, nghịch lý, mâu thuẫn nằm cạnh nhau để làm nên cái thú vị, cái bất ngờ: cảnh chợ trong chùa Thiếu Lâm, bụi hồng trần giữa đất chư thiên Tây Tạng, phố thị châu Âu trong lòng châu Phi, huyền thoại Angkor và cuồng vọng Pol Pot, thương trường nay trên chiến trường Trân Châu cảng xưa… Có chỗ ly kỳ như chuyện trinh thám, không phải vì người viết cố tình hình sự hóa câu chuyện, mà bởi vì để khám phá sự thật, có lúc nhà báo phải biết sắm vai (đột nhập nội cung Thiếu Lâm tự), có lúc phải đi vào nơi nguy hiểm (bị cảnh sát Thái Lan bắt tại biên giới)... 

Cho nên, khác với các ký sự du lịch, văn hóa thường xuất hiện trên các báo như những cuộc dạo chơi nhìn ngắm theo kiểu "window shopping", những câu chuyện kể của Binh Nguyên từ những vùng đất lạ như những lát cắt gọn mà sâu, giúp chúng ta khám phá đằng sau muôn mặt đời sống từ chuyện ăn nói, mua bán, làm ăn, sinh hoạt… là cái hồn của mỗi nền văn hóa: tinh thần Aloha của người Hawaii, đức hạnh và sức mạnh tôn giáo bên trong người dân Tây Tạng, sự chung thủy trong hôn nhân tự do của xã hội Moso mẫu hệ, ý chí mang tên Sherpa (Nepal) góp công cho nhân loại chinh phục Everest...

Tập sách dừng lại ở một thiên ký sự xem có vẻ chẳng có gì là... đường xa cả, từ bài hát của những người "hồn ong, xác bướm" đến câu chuyện giải phẫu "cải mệnh trời" của những người chuyển đổi giới tính có tên và giấu tên tại VN và Thái Lan, được tác giả chọn làm tên chung cho cả tập sách: Người đi tìm bóng. Thật ra chính điều đó đã làm nên sức nặng của tuyển tập đánh dấu chặng đường 20 năm nghề báo của nhà báo Binh Nguyên: câu chuyện của những phận người.

Ước vọng đổi đời của "sư huynh" Tào Cẩm Cường 6 tuổi nơi lò luyện võ Thiếu Lâm, của võ sĩ Dudt 14 tuổi trên sàn đấu muay Thái, khát khao đi ra thế giới bên ngoài của chàng trai Tiểu Trần của "nữ nhi quốc" Moso, tấm lòng "Tôi thương VN" của "một người Mỹ kỳ lạ”, ý chí mang hàng hóa VN vào thương trường châu Phi của một nữ doanh nhân Việt tên Kim, câu chuyện "để bóng được làm người" của Nguyễn Thái Tài… đã khiến tập ký sự đường xa này đưa chúng ta từ những nẻo đường vạn lý, tìm được con đường khám phá những gương mặt đời người giữa thế giới rộng lớn vốn tồn tại bởi vô vàn khác biệt và ngăn cách! 

Theo DUYÊN TRƯỜNG (Tuổi Trẻ)

Đô la hay Lá nho? - Kinh tế học trần trụi

Khác với nhiều cuốn sách nhập môn kinh tế học, Naked Economics của tác giả Charles Wheelan, được dịch sang tiếng Việt dưới nhan đề Đô la hay Lá nho?, do Alpha Books mua bản quyền và xuất bản tại Việt Nam không phải là cuốn sách liệt kê các khái niệm, thuật ngữ và nguyên lý sơ đẳng của môn kinh tế học theo kiểu "gạch đầu dòng" khô khan và buồn tẻ. Bức chân dung kinh tế học mà Wheelan vẽ ra trong cuốn sách của mình, với tựa đề vừa khêu gợi, vừa thách thức, lại vừa mang tính cổ động, quả thật rất sinh động và đầy sức cuốn hút.

Kinh tế học, như Burton G. Malkiel, Thành viên Hội đồng cố vấn kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Tài chính Mỹ nhận xét, "khó hơn cả khoa học tự nhiên". Lịch sử phát triển kinh tế của nhân loại, với tất cả những thăng trầm, bí ẩn và vô số khó khăn đang đặt ra hiện nay, xác nhận điều đó. Ấy vậy mà Wheelan đặt tên cho cuốn sách có mục tiêu giúp mọi người tiếp cận bộ môn khoa học khó khăn đó là "Kinh tế học trần trụi", tức "kinh tế học được phơi bày", "kinh tế học không bị che giấu, "kinh tế học bị lột trần".

Mục đích của cuốn sách, như vậy, rất rõ ràng: đưa kinh tế học đến với tất cả mọi người theo cách hiệu quả nhất và dễ tiếp cận nhất. Nhưng Wheelan cũng nói rõ: "Cuốn sách không phải là kinh tế học cho kẻ ngốc; nó là kinh tế học cho những người thông minh chưa bao giờ nghiên cứu kinh tế học (hoặc chỉ biết mung lung về nó)". Như vậy, đối tượng độc giả mà cuốn sách nhắm tới là "mở", nhưng được hạn định nghiêm túc, căn cứ vào chính tầm quan trọng và tính khoa học của bộ môn được coi là "khó hơn cả khoa học tự nhiên".

Cuốn sách của Wheelan bàn về những vấn đề gì? Xin thưa: các nguyên lý cơ bản của kinh tế học, hay cụ thể hơn, các nguyên lý về nền kinh tế thị trường. Chúng được giới thiệu thông qua việc mổ xẻ các sự kiện, biến cố hay các vấn đề kinh tế cụ thể, gần như thường nhật, theo một cách đơn giản và dễ hiểu. Việc mổ xẻ đó làm cho người đọc dễ dàng "hóa giải" những vấn đề thiết thân, gần gũi của cuộc sống nhưng vốn có vẻ phức tạp, khó hiểu nếu tiếp cận theo kiểu hàn lâm. Qua cách tiếp cận của Wheelan, các nguyên lý, nguyên tắc khô khan của kinh tế học thoát khỏi lớp vỏ khái niệm trừu tượng để hóa thân thành những vấn đề của chính đời sống thực tiễn.

Wheelan mang đến cho công chúng sự phân định ranh giới dễ bị xóa nhòa và gây hiểu nhầm giữa việc tối đa hóa lợi ích với hành động mang tính vị kỷ; giữa cái gọi là hành vi trái đạo đức trong kinh doanh với tính "phi luân lý" (chứ không phải là "vô luân" hay "vô đạo đức") của thị trường; giữa vai trò mang tính chức năng và sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào nền kinh tế, v.v. Trong một cách hiểu rất độc đáo và giàu hình ảnh, Wheelan cho rằng "Chính phủ giống như con dao mổ của bác sĩ phẫu thuật: đó là một công cụ xâm nhập có thể làm cho tình trạng bệnh nhân tốt lên hay xấu đi. Cầm cẩn thận và thận trọng, nó sẽ hỗ trợ đáng kể khả năng chữa bệnh. Nhưng đặt lầm nó vào những bàn tay kém, hoặc cầm quá mạnh, thì với ngay cả những ý định tốt đẹp nhất, nó cũng có thể vô cùng tai hại".

Những vấn đề được đề cập dường như là sơ thiểu của môn kinh tế học. Nhưng đó cũng chính là những nội dung cơ bản nhất, mang tính nền tảng. Vì có vẻ "sơ thiểu", chúng dễ bị xem nhẹ và do đó, dễ gây ra sự nhầm lẫn lý luận cùng với những hậu quả thực tiễn tai hại, không đáng có. Wheelan sẽ giúp độc giả không mắc sai lầm đó khi tiếp cận kinh tế học .

Cũng cần nói đến một điểm khác biệt nổi bật của Đô la hay Lá nho? so với nhiều cuốn nhập môn kinh tế học khác. Đó là tính hiện đại hóa, mức độ cập nhật tri thức, cách đưa những vấn đề đương đại và mới mẻ nhất của kinh tế học vào sơ đồ "nhập môn". Rõ nhất là việc dành hẳn một chương cho kinh tế học thông tin, cho vấn đề vốn con người, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường toàn cầu đang chuyển nhanh sang trình độ kinh tế tri thức, mà Bill Gates được coi là đại diện. Một cách khái quát hơn, có thể coi cuốn sách của Wheelan là nhập môn kinh tế học hiện đại − nhập môn của nền kinh tế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Các vấn đề của nền kinh tế thị trường hiện đại − cấu trúc thị trường tài chính, hệ thống thương mại quốc tế toàn cầu, v.v. − được đề cập trong cuốn sách này với tư cách là những vấn đề đã trở thành "thông thường" của kinh tế học.

Đọc Đô la hay Lá nho?, lợi ích thu được chủ yếu có lẽ không phải ở sự phong phú, toàn diện hay độ sâu sắc của tri thức kinh tế học. Điểm mấu chốt là ở cách tiếp cận và niềm tin vào cách tiếp cận đó. Wheelan đã nói đây là cuốn sách dành cho những người thông minh, đang khao khát hiểu biết một thế giới thường biến, với tốc độ ngày càng cao, độ bất định và rủi ro ngày càng lớn. Cuốn sách cung cấp các nguyên lý nền tảng, trên cơ sở đó và cùng với nó là một phương pháp khám phá và chinh phục đối tượng.

Đối với độc giả Việt Nam, những người chưa có nhiều thời gian kinh qua kinh tế thị trường, chưa nhiều kinh nghiệm thực tiễn và còn ít tri thức về nó, Đô la hay Lá nho là một cuốn sách thật sự đáng đọc. Nó còn đáng được đọc hơn vì đối với mỗi người Việt Nam, việc nhanh chóng nắm vững các vấn đề cơ bản của kinh tế học hiện đại là điều kiện tiên quyết để góp phần đưa nền kinh tế nói riêng và đất nước nói chung "nhanh chóng thoát khỏi tụt hậu phát triển" − điều đang đặt ra như thách thức lớn nhất của dân tộc.

Trần Đình Thiên

Ngõ phố người đời

Ngõ phố người đời là tên tập sách mới nhất của GS.TS, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính vừa được Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Tập sách tập hợp những tản văn về quê, về phố, về nhà Việt, về nguồn cội và di sản... thấm đẫm hồn Việt và kiến văn sâu sắc của một "nhà văn hóa - kiến trúc": Hà Nội quen thân, Nghĩ về Đà Lạt, Tản mạn về nhà Việt, Đô thị cho muôn đời, Phải quay mặt về với nông dân, Đừng quá sợ đánh mất bản sắc dân tộc, Tuyên ngôn kiến trúc VN thế kỷ 21...

"Viết mà như nói. Nói mà như mở lòng. Chữ, say mà không rượu. Tâm, thiền mà không nhập...", những lời tác giả viết về kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện cũng là cái chất, cái duyên của bút lực tài hoa nơi ông, để làm nên một quyển sách thú vị.

Buổi giới thiệu sách Ngõ phố người đời do tạp chí Kiến Trúc Nhà đẹp tổ chức diễn ra lúc 18g30 ngày 24-5 tại nhà hàng Blue Ginger (37 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM).

Ngõ phố người đời, có gì?

TTO - Dân tộc nào đó ngày nay bỗng dưng tự hào tiền nhân để lại những công trình kỳ vĩ xây lên bằng sinh mạng (chết) của ngàn - vạn - triệu dân lành, thì đất nước Việt Nam này may mắn không có những công trình ấy. 

Khái quát về hình hài quá vãng của thủ đô ta, vị kiến trúc sư này gói gọn: "Trên thân mình Hà Nội không hiện rõ dấu ấn của bàn tay vương quyền độc đoán...". Ông truyền cho người ta niềm tin yêu, nỗi nhung nhớ về đặc tính (giá trị) hồn hậu của đô thị Việt, đô thị đích thị của nền văn minh lúa nước, ấy là thứ nguồn mạch luôn biết lượng sức và bao dung, "bình dị, thô mộc, thân quen, như một dòng chảy chan hòa...". 

Trong thời buổi đảo điên, đời sống kim - tiền tuôn chảy nhầy nhụa thực dụng, cái gì cũng nhắm mắt nhắm mũi, lai căng, học đòi "hoành tráng" (dù không đủ nội lực), ông sợ rồi sẽ tạo ra những đô thị "khùng". Để khỏi "khùng", ông đeo bám nhắc nhớ về sức sống điềm tĩnh, "sống chậm" mà bền bỉ, cảm thông, "tự giải thoát" của ông cha, được định vị như một triết lý. 

Phố Việt đẹp, nồng nàn và thiêng liêng không chỉ nơi những khách sạn kiêu kỳ, dãy phố xa hoa, ngập tràn xe hơi đời mới, mà muôn năm nay đã ở ngay "kẻ gồng gánh tào phớ, bắp luộc, rau dưa xiêu vẹo bước qua". Sự mộc mạc và hồn hậu đó cha ông cũng không ngờ có ngày (như hôm nay) con cháu huy động tất thảy để kinh doanh (làm du lịch), như những làng cổ Đường Lâm (Hà Tây), Thổ Hà (Bắc Giang); Hội An (Quảng Nam), Huế, Đà Lạt; những đình làng, ngôi chùa, cây đa, bến sông hay chỉ như cái ngõ bé nhỏ Ngọc Khánh hiền lành của Hà Nội... Nên "cái gì xây dựng hôm nay không để lạc hậu... ngay hôm nay". 

Cái gì xây dựng hôm nay không để thế hệ tiếp theo phá bỏ. "Những gì bày ra trong cuốn Ngõ phố người đời hiện lên một tình yêu nồng nàn, thấu hiểu đến tận cùng với di sản kiến trúc/đô thị đất nước của tác giả (ông là GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính). 

Ông ngồi chờ mong những cái mới (đô thị và công trình kiến trúc) của thời đại sẽ được tạo ra cùng lúc lại ôm đầy lo lắng về hiện trạng ngược đãi (và bóc lột) nhỡn tiền ở khắp nơi với di sản kia của cha ông để lại, bởi lối quản lý/ứng xử/khai thác thiếu hiểu biết và thực dụng. Viết về sự xem mặt bằng và địa ốc là cao cả, phố phường khắp nơi đều hóa "chợ", còn cây xanh, kể cả cây cổ thụ, bị xem nhẹ, ông bày tỏ "nó cũng là da thịt"!

Ông như thách đố khi chỉ ra: "Mọi sự tăng trưởng, tiến bộ... thể hiện trước tiên và rõ nhất là ở các đô thị".

Tản mạn, rong rêu về đô thị, kiến trúc, ông viết bằng một thứ văn chương lịch lãm, phong lưu theo kiểu Việt (mộc, tinh tế), đọc cứ thấy bàng bạc. Văn vẻ nhẹ nhàng, chỉ toàn "gợi", "nhắc nhớ" (nếu rảnh), nhưng đọc nhiều khi cứ đau lòng, chua xót, nhiều người sẽ thấy "liên lụy", thậm chí hổ thẹn. Phố xá ta ngày nay quá nhiều người có nhà to, sắm xe hơi, sở hữu nhiều cổ phiếu, nhưng vẫn không thể trở thành... thị dân. 

Vị kiến trúc sư họ Hoàng Đạo bất thần như tài hoa hơn cả người cha (cụ Hoàng Đạo Thúy) ngày nào khi chỉ ra: Nghèo lâu, giàu nhanh dễ dẫn tới xa hoa/ Nghèo mà có văn hóa, phong lưu/ Giàu mà thiếu văn hóa, thực dụng/Thực dụng... tự biến thành cây khô. Sách cứ như một cuốn thơ... "triết lý về đô thị" dành cho từng người ở phố và cả cho mọi vị đứng đầu thành phố nào đó ở ta bây giờ.

NGUYỄN HÀNG TÌNH

Bông hồng cài áo

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn.

Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ.

Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến :

Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời !
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức :

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.

Công cha như núi Thái sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra .

Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.

Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother"s Day ) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi người cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.

Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa!

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi.

Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.

NHẤT HẠNH (1962)