Recent Posts

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Trước, trong và sau cơn bão


Sáng thứ Bảy, bão vẫn đang mấp mé ở miền Trung. Tôi mệt và dậy muộn. Trời âm u, oi bức, chẳng được tích sự gì ngoài việc gây ra những cơn đau nhói ở đầu. Ăn sáng (trưa) qua quýt rồi lại nằm. Giở tập bút ký Sông Đà của Nguyễn Tuân ra đọc. Vừa đọc vừa hắt xì, không hiểu vì cơn cảm cúm đang hành hạ, hay là vì những hạt bụi rớt ra từ những trang sách cũ xưa nữa. Có lẽ là cả hai. Được một lúc thì cơn buồn ngủ ập đến, tôi buông sách và lại làm một giấc ngắn.

Buổi chiều, để đỡ ươn người, cả nhà lại lôi nhau đi cà phê. Gió đã mang đầy hơi nước. Trong lúc uể oải và lười nhác uống cà phê đợi một cơn bão đang tới, ngắm nhìn lá cờ đang bay phần phật, những ngọn cây bắt đầu oằn mình, oải dần ra dưới sức gió ngày càng mạnh, tôi chợt nhớ đến những ngày bão gió thưở ấu thơ nơi quê nhà.

***

Dưới màn nước lay phay của cơn mưa rong bão, bóng một người đàn ông lui cui trên mái nhà in đậm trên nền trời dần trở nên xám xịt. Đấy là bố tôi. Ông chỉ mặc độc một cái quần đùi bộ đội đã cũ - ngày ấy và cho mãi đến bây giờ, hơn hai mươi năm đã trôi qua, ông vẫn chưa quen với những bộ quần áo dân sự. Tôi đứng dưới để nghe ông sai vặt, và vừa ném lên mái nhà một bó lạt tre để ông buộc lại những tấm lợp lá gồi. Rải rác trên mái là một vài viên gạch xỉ, giúp những tấm lá không bị giật lên khi có gió to. Trước đấy, bố tôi đã gia cố lại bộ khung của ngôi nhà bằng những cây tre luồng lớn và dài: ở mỗi đầu hồi, hai cây tre được buộc chéo thành hình chữ A ở nóc, chạy theo mép mái xuống tận mặt đất. Ở đấy, một cái cọc lớn ghìm nó xuống qua lỗ đục.

Trong lúc đợi ông buộc trên mái, tôi chạy sang hàng xóm xin về một bó rơm lớn, rồi cuộn lại thành từng búi nhỏ. Lát nữa, bố tôi sẽ bắc thang trèo lên nhồi những búi rơm vào những lỗ hổng còn sót lại ở đoạn tiếp giáp giữa vách và mái nhà.

Giúp việc cho ông xong, mẹ giao cho tôi đi mua thêm chai dầu dự trữ. Trên bếp, bà đang đun một xoong tép rang. Tôi đã thấy bà đong sẵn lạc và vừng, cối và chày giã đã được rửa, giờ đang được xếp nằm gần bếp cho nhanh khô. Nhiệm vụ của tôi sau khi mua dầu về sẽ là giã muối vừng; chẻ cho bố một bó đóm; rửa sạch bộ ấm chén và cái điếu bát; rửa mấy cái bóng đèn, loại bóng thổi bằng thứ thủy tinh rẻ tiền, sủi đầy bọt; đổ thêm xăng vào hai cái bật lửa Tàu sơn hai màu xanh đỏ. Rồi tôi chặt vài tàu lá chuối, rửa sạch, lau khô để lót lên một cái dần nhỏ: mẹ tôi sẽ đổ nồi bánh khoai lên đấy, dàn phẳng ra đợi cho nguội rồi cắt thành từng miếng. Để chuẩn bị cho cơn bão, tôi sẽ phải lục lại những tấm áo mưa, gấp lại cho gọn rồi để ra một chỗ dễ lấy nhất ở trong nhà.

Buổi tối, sau bữa cơm, bố sẽ cầm đèn pin đi kiểm tra một lượt quanh nhà. Sau khi tấm liếp lớn ở cửa chính đã được kéo lại, ghìm chặt bởi hai cái tay đòn bằng tre, cả nhà sẽ ngồi quây quần trên cái chiếu rải giữa nhà, đợi bão tới. Xô, chậu, xoong nồi xếp đầy dưới gầm giường, sẵn sàng hứng nước mưa nếu có dột từ trên mái. Cả nhà cứ ngồi chuyện trò như thế cho đến khuya, ngoài trời gió và mưa cứ mạnh dần lên; gió quật vào những tấm liếp ràn rạt, thổi vào những ống tre trên vì kèo vi vu như tiếng sáo diều đứt quãng từng hồi. Gió quần đảo quanh khóm tre, tiếng những cây tre cọ vào nhau kẽo kẹt lẫn trong tiếng gió. Chúng tôi cứ chong đèn như vậy và không ai ngủ cả. Chúng tôi sợ nếu chợp mắt đi, lúc tỉnh dậy có lẽ chúng tôi đang nằm giữa mưa và gió thét gào vì căn nhà tranh đã bay đi mất.

Rất nhiều đêm bão đã qua đi như thế. Và có một đêm bão lớn thực sự, tôi đã quá sợ mà chui vào gầm bàn ngồi để trốn. Tôi đã đem vào đó một cái đèn dầu nhỏ, và dưới ánh đèn leo lét trong cái tổ ấm con con ấy, trong tiếng gió thét gào ngoài kia và tiếng rì rầm trò chuyện của bố mẹ tôi, tôi đã đọc Không Gia Đình. Tôi còn nhớ đọc đến đoạn Remi và những người thợ bị mắc kẹt trong một hầm mỏ vì “đáy sông Devon bị thủng”, có người đã phải cắt cả ủng ra để nhai, tôi đã vô thức nhón lấy một miếng bánh khoai mà cho vào miệng. Có lẽ cái tinh thần lạc quan thái quá, cái mong ước có một tổ ấm an toàn qua những cơn bão của tôi đã được hình thành từ những ngày ấy. Để sau này, mỗi khi bão đến, dù là những cơn bão vật lý hay những cơn bão vô hình, tôi đều tìm đến Bob Dylan để nghe ông tâm tình: “Try imagining a place where it’s always safe and warm/”Come in,” she said, “I’ll give you shelter from the storm”.

***

Bão tan, tôi gọi điện về cho bố. Ông hồ hởi: “không vấn đề gì, ở nhà vẫn yên ổn”. Nhưng rồi lại kể: “cây ổi bị bật gốc”, ông vừa trồng lại, “không biết có sống được không”; và một bụi chuối đã bị quật gãy, cái bụi chuối mà vừa cách đây mấy hôm ông còn khoe với tôi “nó mới ra một buồng to lắm, chắc Tết này không phải mua chuối”. Và qua câu chuyện, tôi còn được biết ông đã thức cả đêm qua để “đứng ở cửa, soi đèn pin ra quanh nhà”. Giờ ông chẳng cần làm thế nữa, nhưng có lẽ cái thói quen thức cả đêm mỗi khi bão về đã ngấm sâu vào người, và trở thành một phần không thể thiếu nơi ông.