Recent Posts

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Cho ngày 17/12

Just the way you are



Don't go changing, try and please me
You never let me down before
Don't imagine you're too familiar
And I don't see you anymore

I would not leave you in times of trouble
We never could have come this far
I took the good times, I'll take the bad times
I'll take you just the way you are

Don't go trying some new fashion
Don't change the color of your hair
You always have my unspoken passion
Although I might not seem to care

I don't want clever conversation
I never want to work that hard
I just want someone that I can talk to
I want you just the way you are.

I need to know that you will always be
The same old someone that I knew
What will it take till you believe in me
The way that I believe in you.

I said I love you and that's forever
And this I promise from the heart
I could not love you any better
I love you just the way you are

I don't want clever conversation
I never want to work that hard
I just want someone that I can talk to
I want you just the way you are.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

8/12/2011

Về John... 



... và mùa Giáng Sinh đang đến

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Made in Heaven

Để nhớ Freddie Mercury, và cái đêm cách đây tròn 10 năm, đi xem Queen Live in Budapest ở Fan'sLand Cinema. -:)

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

G9

Đọc "Mười năm đi & sống với Sơn Nam" của Đào Tăng, cũng nhặt được vài chi tiết thú vị, nhưng rốt cuộc, cũng là vì tò mò thêm một chút về Sơn Nam, chứ bản thân cuốn sách viết quá chán.

Được mỗi cái sách trình bày đẹp, in trên giấy đẹp và đặc biệt nhẹ (phong cách mới của Nxb Trẻ trong nỗ lực "đuổi kịp" các bạn Tây, giảm áp lực cho cánh tay và giá sách).

Đọc hết quyển sách mỏng, hoá ra bài hay nhất lại nằm ở phần Phụ lục, một bài Sơn Nam trả lời phỏng vấn Nguyễn Trần Huy từ năm... 1968, và đương nhiên không phải do tác giả cuốn sách viết. -:)

Thế là cũng gỡ gạc được nhiều, giống như ngày xưa mua đĩa nhạc, cả đĩa chỉ cần có 1 bài nghe được là đã mừng lắm rồi.

G9

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

"Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa"

Hôm nay đọc "Tiểu hành tinh bay qua mùa thu" bên nhà bác 5xu, lại nhớ đến bài này.

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

What a Difference a Day Makes

Đấy là khi trong cùng một ngày được sở hữu tất cả chỗ sách này: Cánh cửa mở rộng, Steve Jobs by Walter Isaacson và, đặc biệt, Võ Phiến Tuyển Tập.

photo.JPG

Tranh thủ bỏ ra khoe, chứ cũng chưa đọc được cuốn nào. -:) Và đang dụ dỗ bạn Đức đọc Nils.

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

A Day in the Life

Tôi thức giấc lúc 7 giờ sáng sau hồi chuông báo thức từ chiếc điện thoại Nokia rẻ tiền. Tôi rửa mặt và đánh răng kỹ càng, rồi nấu một bát mì cho bạn Đức ăn sáng. Sau đó đưa bạn Đức đi học. Trở về nhà, tôi điểm tâm sáng bằng cách ăn nốt phần mì bạn Đức bỏ lại. Xong xuôi, tôi nhét headset vào tai và đi làm. Nắng trải vàng như mật. Tôi tự nhủ đây có lẽ là một trong những ngày có thời tiết đẹp nhất trong năm. Trong lúc đó, Dave Brubeck Quartet vẫn đang cần mẫn chơi bản Take Five kinh điển của họ. Tôi vừa điều khiển xe máy vừa vô thức nhún người và dậm chân theo tiếng bass lừng phừng của Eugene Wright.

photo.JPG

Tôi nghỉ trưa sớm hơn thường lệ, rồi trốn vào một góc quán cà phê quen thuộc. Tôi dùng bữa trưa ở đấy và gọi một ly trà đá. Tôi nhanh chóng kết thúc bữa trưa và dành thời gian còn lại để đọc nốt ba chương cuối cuốn Kafka bên bờ biển. Gấp cuốn sách lại, tôi quyết định sẽ tìm đọc Kafka. Ông hẳn phải có gì đó thật khác biệt thì mới có thể trở thành lý do cho tên gọi một tác phẩm của H. Murakami. Nếu không thế, rất có thể tên của tiểu thuyết này đã là Márquez, Pamuk hay Sándor bên bờ biển. Trước khi chợp mắt một giấc ngắn khoảng mười phút, tôi nhớ lại đoạn Kafka Tamura nghe Prince qua chiếc Walkman. Tỉnh dậy tôi đánh răng và tham dự vài cuộc gặp đến hết buổi chiều. Nhìn ra ngoài, tôi thấy trời thật đẹp. Tôi định rẽ qua Đinh Lễ tự tặng mình vài cuốn sách, nhưng nghĩ sao đó lại đi thẳng về nhà.

photo.JPG

Cả nhà chọn ăn tối ở quán 1946. Trong cái se lạnh của buổi tối, cái tên quán làm tôi gợi nhớ lại Mùa Đông Hà Nội 1946, cái mùa đông đã trở thành một biểu tượng. Mà không, cái đó chỉ thoáng qua. Cái gợi nhớ nhiều hơn lại là một tác phẩm mới của Murakami: 1Q84. Chúng tôi gọi cá thằn lằn nướng muối ớt và thăn bò cuốn lá lốt nướng. Hai bạn Đức và Nguyên liên tục gật gù khen ngon, trong lúc tôi nhấm nháp bia Hà Nội ướp lạnh.

Sau khi tắm bằng nước ấm, tôi thấy tỉnh táo hẳn ra. Tinh thần sảng khoái, tôi cuốn một điếu Golden Virginia rồi tự pha hai ly Gordon's Gin với Tonic. Trong ánh sáng lờ mờ hắt ra từ căn bếp, tôi ngồi đó với điếu thuốc trên tay, bên cạnh là hai ly Gin quen thuộc, và nghe Mark Knopfler hát "something's gonna happen to make your whole life better/your whole life better one day". Trong khi Mark kết thúc bài hát bằng đoạn guitar outro lão luyện của mình, tôi tự hỏi cái "one day" đó là ngày nào. Rồi tự trả lời, đó chính là ngày hôm nay, ngày tôi tròn 34 tuổi.

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

You Are, You Are

Lâu lắm rồi, tự nhiên hôm nay lại phải đi "tìm" bài này để nghe. Curtis Mayfield. Nghe lại bài hát của ông mà cứ như nghe lại cả một câu chuyện cũ.



P/s. Đĩa nhựa thì đang nhen nhóm trở lại, trong khi CD dường như đã đến hồi cáo chung trước cơn lốc nhạc số. Hôm nay đi qua 135 Hàng Bông, thấy quầy CD quen thuộc đã phải nhường chỗ cho một cửa hàng thời trang. Ông bà chủ ngồi buồn so hai bên cái ngõ nhỏ, chắc là lối dẫn vào mấy kệ đĩa còn sót lại.

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Mùa vàng

Cuối cùng thì hàng cũng đã về:

photo.JPG

Trần Dần thì đã có "mùa sạch", bây giờ mình mới để ý là có thêm cả "mùa sách". Chẳng hiểu có phải thời tiết đang đẹp hay không mà sách mới đồng loạt ra nhiều thế, tỷ lệ sách đáng mua cũng tăng lên đáng kể. Chỉ tội cho cái ví tiền vốn đã "lép kẹp" nay càng lép hơn: Hầu hết các cuốn đáng đọc đã có giá bìa vượt qua ngưỡng 100K/cuốn. Thắc mắc với chị Hoa Đinh Lễ, bà chị cười rất tươi rồi bảo: Thì khủng hoảng mà em. À, thì ra con ma lạm phát đã trùm cái bóng của mình lên phố sách.

Cuốn Einstein là cuốn mua ngoài dự kiến, chỉ vì cái tên tác giả: Walter Isaacson. Đang đợi một cuốn sẽ ra trong vài ngày nữa cũng của bác này Steve Jobs by Walter Isaacson. Không biết có đọc nổi hay không, hoặc đọc được rồi thì có thấy hay không nhưng vẫn cứ mua. Việc mua cuốn này về rồi đặt lên giá sách cũng giống như thắp một nén nhang tưởng nhớ vậy thôi.

Còn cuốn trên cùng, là cuốn đặc biệt dùng để tặng bạn vợ, vì mai là ngày 20/10. Vì bạn vợ bảo, chưa nghe đến Gỗ Mun bao giờ, có lẽ bạn ấy nên bắt đầu đọc cuốn sách ấy bằng cách đọc bài này.

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Tối thứ Hai

Có một tối thứ Hai thật sự yên bình ở nhà, với Hanoi Beer và sương thu giăng đầy sân.

Ngồi ngoài sân uống trà và hút thuốc, nhìn bạn Nguyên đua xe đạp với các bạn, vì đi nhanh và cua gấp nên ngã đau nhưng không khóc, mà dựng xe dậy đua tiếp, chợt nhớ cụ Louis Armstrong với What a Wonderful World:

"I hear babies cry...... I watch them grow
They'll learn much more.....than I'll never know
And I think to myself .....what a wonderful world"

photo.JPG

photo.JPG

Mỗi ngày một điều ước

Nếu có mỗi ngày một điều ước, thì đây là danh sách các điều ước cho tuần sau:

1) Nhảy, Nhảy, Nhảy - Haruki Murakami
2) Kafka Bên bờ biển - Haruki Murakami
3) Casanova ở Bolzano - Márai Sándor
4) Tử tước chẻ đôi - Italo Calvino
5) Người lính thuộc địa Nam Kỳ - Tạ Chí Đại Trường
6) Gỗ Mun-Ryszard Kapuściński

Cuốn nào có số thứ tự càng cao thì mong ước càng nhiều.

P/S. Nếu bạn muốn đọc một cuốn sách mà chưa có nó để đọc, hãy viết tên nó ra. -:)

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

The Last Laugh



Thích nhất đoạn Van Morrison "tiếp lời" Mark Kopfler:

"Games you thought you'd learned
You neither lost nor won
Dreams have crashed and burned
You still keep on keeping on"

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

One More Matinee/Mark Knopfler



Here's One Of The Two Of Us
In 1954 Don't Laugh
I Keep All Of The Pictures
Are You Going To Take A Photograph
Here's Something Nice For You
A Dear Old Thing Came To A Show
Last Time Here We Did
An Interview On Local Radio

Make Yourself At Home My Darling
Come On In
Hand Me Down That Jar Love
Can I Offer You A Gin

We're Proud To Be The Oldest
Ugly Sisters In Variety
There's Not The Glamour Now You See
What Happened To Society
There's Another Light Bulb Gone
They Don't All Answer To The Switch
I Don't Know How We Carry On
And Her She Couldn't Care The Bitch

But In A While The Old Boys
In The Band Begin To Play
And In A While The Houselights
And The Curtains Slide Away

And Something's Going To Happen
To Make Your Whole Life Better
Your Whole Life Better One Day
Something's Going To Happen
To Make Your Whole Life Better
Your Whole Life Better One Day

Now The Landlady's All Squared Away
It's Just A Temporary Deal
I'm Afraid Tonight It's Take-Away
You See There Is No Evening Meal
Don't Worry Dear You Shall Go To The Ball
I Think The Fairy Said
These Suitcases Have Seen It All
From Under Someone Else's Bed

You Want To Smile Those Tears Away
Now Don't You Cry
You Want To Know What I Say
I Say Never Say Die

'Cos Something's Going To Happen
To Make Your Whole Life Better
Your Whole Life Better One Day
Something's Going To Happen
To Make Your Whole Life Better
Your Whole Life Better One Day

Kashmir the Symphonic Led Zeppelin

Đang nghe đĩa này:

photo.JPG

Đây là bài thích nhất: All My Love.

http://m.youtube.com/index?client=mv-google&desktop_uri=%2F&gl=US&rdm=4o731n67x#/watch?v=xAb3njLQHEc

Thứ nhì mới đến bạn này:

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Ig Nobel năm nay

Đợi mãi rồi cũng có tin.

BBC cho biết, Darryl Gwynne, David Rentz – hai nhà nghiên cứu côn trùng tại Australia phát hiện ra rằng một số loài bọ cánh cứng tìm cách giao phối trong những chai bia mà con người vứt đi. Tuy nhiên, chúng chỉ làm “chuyện ấy” với những chai màu nâu còn một chút bia. Hôm qua hai nhà nghiên cứu đã nhận giải Ig Nobel Sinh học nhờ phát hiện ấy.

Mù tạt xanh (wasabi) là gia vị không thể thiếu trong những món hải sản ăn sống của người Nhật Bản. Nhưng Makoto Imai, một nhà nghiên cứu của Đại học Y khoa Shiga tại Nhật Bản, cùng các đồng nghiệp đã mở rộng công dụng của mù tạt xanh bằng cách dùng nó để đánh thức những người điếc khi hỏa hoạn hoặc những sự kiện khẩn cấp xảy ra. Cụ thể, khi một ngôi nhà bốc cháy và người điếc đang ngủ, thân nhân của người điếc chỉ việc phun mù tạt xanh. Nhóm chuyên gia đã được cấp bằng sáng chế cho ý tưởng độc đáo, đồng thời đoạt giải Ig Nobel Hóa học 2011.

Theo Guardian, trước khi tìm ra mù tạt xanh, nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã thử hàng trăm mùi, bao gồm cả mùi trứng thối, xem mùi nào có thể khiến người điếc tỉnh giấc. Họ phát hiện allyl isothiocyanate, một chất có hoạt tính mạnh trong mù tạt xanh, gây cảm giác khó chịu trong mũi. Nó phát huy tác dụng ngay cả khi con người ngủ.

“Đó là nguyên nhân khiến con người tỉnh giấc ngay lập tức khi hít mùi của mù tạt xanh”, nhóm nghiên cứu tuyên bố.

Vận động viên ném đĩa thường cảm thấy hoa mắt, chóng mặt sau khi ném đĩa. Trong khi đó những vận động viên ném búa không trải qua cảm giác tương tự khi thi đấu. Nghiên cứu giải thích nguyên nhân gây chóng mặt ở vận động viên ném đĩa giúp 5 nhà khoa học Pháp đoạt giải Ig Nobel Vật lý.

Anna Wilkinson, một nhà nghiên cứu của Đại học Lincoln tại Mỹ, cùng một số đồng nghiệp nhận giải Ig Nobel Sinh lý học nhờ chứng minh rằng ngáp không phải là hành vi dễ lây ở loài rùa chân đỏ.

Với những công thức và tính toán phức tạp, 6 nhà toán học trên thế giới – 4 người Mỹ, một người Hàn Quốc và một người Uganda – từng dự đoán ngày tận thế sẽ xảy ra trước năm 2011. Thực tế cho thấy mọi dự đoán của họ đều sai. Nhưng họ vẫn được trao giải Ig Nobel Toán học vì đã có công giúp mọi người hiểu rằng chúng ta phải cẩn thận khi đưa ra các giải thuyết và tính toán trong toán học.

Giải Ig Nobel Tâm lý thuộc về giáo sư Karl Halvor Teigen của Đại học Oslo tại Na Uy vì ông đã giải thích nguyên nhân khiến con người thở dài trong cuộc sống hàng ngày.

Buồn đi tiểu và ra quyết định dường như chẳng liên quan tới nhau. Song Marjam Tuk, một giảng viên của Đại học Twente tại Hà Lan, lại chứng minh được rằng những người có khả năng chịu đựng cảm giác buồn tiểu lâu thường bỏ qua lợi ích trước mắt để hướng tới lợi ích lâu dài. Phát hiện thú vị ấy giúp ông nhận giải Ig Nobel Y học năm 2011.

Các giải Ig Nobel được trao tại nhà hát Sanders của Đại học Harvard tại Mỹ hôm 29/9. Mỗi người nhận giải chỉ được phép phát biểu trong 60 giây. Họ nhận phần thưởng từ tay những người từng đoạt giải Nobel.

Ngày nay, giải Ig Nobel là thứ có thể khiến người ta tự hào. Điều đó giải thích tại sao 7 trong số 10 người đoạt giải năm nay tự bỏ tiền để tới Đại học Harvard.

Minh Long, VNExpress

29/9/2011

Hôm qua là sinh nhật bạn Tí.

Những gì tốt đẹp nhất dành cho con thì mẹ đã nói hết rồi. Bố chỉ chúc con luôn gìn giữ và phát triển được những đức tính đã hình thành trong năm năm vừa qua: tự lập, dũng mãnh, tự tin, lý trí nhưng cũng rất tình cảm, quảng giao, nguyên tắc, cá tính mạnh mẽ, tiếp thu và thể hiện các kỹ năng một cách hết sức tự nhiên và hơn nữa, thực sự biết cách "hưởng thụ/enjoy" cuộc sống của mình dưới bất kỳ hoàn cảnh nào.

Bố tin là những đức tính đó sẽ giúp con trở thành thành một người tốt và có thể sống tốt cuộc sống của mình.

Bạn Tí không còn "bé tí" nữa mà đã lớn thật rồi, nên từ hôm nay, bố sẽ chuyển sang gọi con là bạn Nguyên, Vũ Khôi Nguyên.

Bạn Nguyên, mùa Xuân 2010
photo.JPG

Bạn Nguyên, mùa Xuân 2011
photo.JPG

photo.JPG

photo.JPG

Bạn Nguyên và anh Đức - người anh, người bạn, niềm vui và cũng là những "bực tức" của con:
photo.JPG

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Trong ảo giác của ánh hoàng hôn

Trong một ngày đẹp trời như hôm nay, cứ ru rú trong nhà hẳn sẽ là một trọng tội. Vẻ đẹp tự nhiên của đất trời mùa thu quả thực rất quyến rũ, và việc duy nhất người ta muốn làm trong cái không khí như thế là không làm gì cả, ngoài việc đi ra đường.

* * *

Buổi chiều, một mình ngồi bình thản nhìn nắng buông dần trên tán cây trong sân.

Không hiểu sao lúc đó lại nảy ra một cái mong ước giản dị là có một cái bếp nướng ngay bên cạnh, tự tay nướng một con cá, vài ngọn măng tây, rồi khui một chai mơ vàng/táo mèo Sơn Tinh, rót vào một ly đá, và thế là được mơ màng qua một buổi chiều.

Tất nhiên là có các bạn Tít Tí chạy xung quanh, thỉnh thoảng vào trợ giúp một tay và làm vài miếng.

Khi trời đã tối hẳn thì kéo cái màn chiếu xuống, và cả nhà sẽ quây quần xem chung một bộ phim, ngoài trời.

* * *

Quả thật là ngoài rượu, thuốc lá và nhạc Pink Floyd thì tiết thu Hà Nội cũng là một chất gây nghiện có khả năng tạo nhiều ảo giác.

Tiếng gọi lúc nửa đêm

Vào cái thời khắc lúc nửa đêm, khi mọi việc đã xong xuôi và trước mặt chỉ còn là giấc ngủ, là lúc ta thực sự được thảnh thơi. Trong cái thinh lặng của đêm khuya, cái tinh khiết của sự nghỉ ngơi, ta mới cảm nhận rõ cái mùi thơm của rượu Gin vừa được rót lên những viên đá còn bốc khói. Và trong khi đợi cho những bọt tăm của nước Tonic sủi hết lên mặt ly và vỡ vụn, ta tự cuốn một điếu thuốc, rồi quẹt một que diêm. Lúc khum tay che cho ngọn lửa, ta mới nhận ra một cơn gió vừa nhẹ nhàng len đến xào xạc trên tán cây. Đấy là lúc ta cảm thấy cái hơi ấm, cái mùi thơm của thuốc lá đang át đi mùi lưu huỳnh, mùi gỗ cháy, để hoà quyện với hương thơm của rượu Gin và miếng vỏ chanh đang vắt kiệt mình trong ly Gin&Tonic. Đấy là lúc ta vui.

* * *

Sáng đưa bạn Tít đi học, hai bố con vừa đi vừa nói chuyện. Đến giữa đường, bố buột miệng nói với bạn Tít:
- Bố quên một thứ Tít ạ. Đố Tít biết đấy là gì?
- Tít chịu thôi.
- Thuốc lá, bố trả lời.
- Thế trong cả buổi sáng bố không hút có được không?
- Được.
- Thế cả ngày bố không hút điếu nào có được không?
- Được.
- Thế cả tháng bố không hút điếu nào có được không?
- Được.
- Thế cả năm?
- Cũng được.
- Thế thì bố bỏ luôn đi, còn hút làm gì?
- À, thỉnh thoảng bố mới hút thôi, cho vui ấy mà.

Mà đúng thế, vui thì hút thôi, chứ cũng chẳng nghiện ngập gì.

* * *

Chợt nhớ ra đoạn Lâm Ngữ Đường bàn về thú hút thuốc, chép ra đây hầu bà con, nhất là cho những bà con nào đang định bỏ thuốc, hoặc đang bị "đối tác" yêu cầu bỏ thuốc:

"Thế giới ngày nay gồm hai hạng người: hạng hút thuốc và hạng không hút thuốc. Có nhiều người không hút thuốc mà thấy ai cũng mặc, không can thiệp vào, và nhiều bà vợ chịu cho chồng nằm trên giường mà hút thuốc; vợ chồng như vậy thì chắc chắn là có hạnh phúc trong hôn nhân. Nhưng cũng có một số người cho rằng không hút thuốc là có đạo đức, đáng để tự hào; họ không ngờ rằng họ không được hưởng một cái thú lớn nhất của nhân loại. Tôi sẵn sàng chịu nhận rằng hút thuốc là một nhược điểm về phương diện đạo đức, nhưng chúng ta phải đề phòng những người không có một nhược điểm nào; không thể hoàn toàn tín nhiệm ở họ được. Họ có thể lúc nào cũng điều độ, không mắc một lỗi lầm nào cả. Thói quen của họ rất đều đặn, họ hoạt động như một cái máy và lúc nào cũng để trí óc khống chế tâm tình. Tôi mến những người biết điều bao nhiêu thì ghét những người hoàn toàn hợp lý bấy nhiêu. Cho nên vô nhà nào không thấy tàn thuốc lá thì luôn luôn tôi kinh hoảng và khó chịu. Phòng tiếp khách sạch sẽ và ngăn nắp, nệm đặt đúng chỗ, ngay ngắn, chủ nhà thì nghiêm trang mà vô tình. Thấy vậy, tôi phải xốc áo lại cho ngay ngắn, tỏ vẻ lễ độ, chẳng được thư thái chút nào.

Những con người đàng hoàng, chính trực, vô tình cảm, tầm thường đó làm sao biết hưởng cái thú hút thuốc? Vì bọn hút thuốc chúng tôi thường bị người ta công kích về phương diện đạo đức, chứ không phải về phương diện nghệ thuật, cho nên trước hết tôi xin bênh vực đạo đức của chúng tôi đã, mà xét về đại thể tôi cho là cao hơn đạo đức hạng người không hút thuốc. Người nào ngậm ống điếu là người hợp ý tôi. Người đó có tài hơn, vui tính hơn, dễ cởi mở nỗi lòng hơn, đôi khi nói năng bặt thiệp hơn; và dù sao tôi cũng có cảm tưởng người đó mến tôi cũng như tôi mến người đó. Tôi hoàn toàn đồng ý với Thackeray khi ông viết: "Triết gia mà ngậm ống điếu thì minh trí hơn lên, còn kẻ ngu độn mà ngậm ống điếu thì câm cái miệng lại; ống điếu làm cho cuộc đàm thoại có cái phong cách trầm tư, thâm thuý, nhân từ và giản dị". Hơn nữa, một người ngậm ống điếu thì luôn luôn sung sướng mà không có đức nào lớn bằng hạnh phúc.

Muốn nhận đúng được cái giá trị nghệ thuật của thuốc lá thì phải tưởng tượng một người nghiện thuốc mà bỏ thuốc trong một thời gian ngắn. Người nghiện thuốc nào cũng đã có lần điên khùng muốn thoát ly được nàng Yên-thảo-tinh (Nicotine), nhưng sau khi chiến đấu với cái lương tâm tưởng tượng của mình rồi lại khôi phục được lý trí mà "đào điếu lên". Tôi cũng đã có lần ngưng hút trong ba tuần và sau thời kỳ đó lương tâm của tôi đã nhất định kéo tôi trở lại chánh đạo. Hễ còn chút nghị lực thì tôi thề là sẽ không mắc lại cái lỗi điên khùng đó nữa mà sẽ suốt đời sùng bái nàng Yên-thảo-tinh. Sự phát minh vô cùng hữu ích đó giúp cho tinh thần ta được sảng khoái, minh mẫn, mà lại cự tuyệt nó thì quả là một hành vi vô đạo đức. ...

Ta không thể viện một lý do xã hội, chính trị, luân lý hay sinh lý, hay tài chính nào để tự cấm ta đạt được cái tình trạng sảng khoái tinh thần đó, nó làm cho sức tưởng tượng của ta phong phú lên, năng lực sáng tác của ta sung mãn và kích động mạnh lên để có thể hưởng được hết cái thú đàm đạo với bạn thân ở bên lò sưởi, cái thú đọc một áng cổ văn hoặc để tìm nổi một tiếng diễn đúng cái ý của ta trong khi sáng tác. Những lúc đó, ai cũng tự nhiên thấy rằng chỉ đốt một điếu thuốc mới là một hành động thích hợp, chứ bỏ một cục kẹo cao su vào miệng thì là một trọng tội."

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Kinh tế mà không phải kinh tế mà lại là kinh tế

Đấy là tôi đang nói đến tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG).

1. Tôi bắt đầu đọc TBKTSG từ năm 1995, ở thư viện trường Kinh tế. Tất nhiên là ở thư viện rồi, sinh viên hồi đó như tôi làm gì có tiền mà mua báo đọc. Báo là một thứ xa xỉ, và nhất là tội gì phải mua, khi mà nó luôn sẵn sàng cho ta đọc trong cái thư viện chật chội của trường. Thời đó, tôi rất quý cái mục nho nhỏ ở góc trên bên phải mục lục của tờ báo: danh mục các cá nhân, doanh nghiệp tặng tờ tạp chí này cho các trường, và tôi rất vui vì cái danh sách này ngày càng dài và số lượng ngày càng tăng lên.

2. Tôi đọc ở đó liên tục 4 năm thì ra trường, đi làm, và tôi bắt đầu mua TBKTSG cho riêng mình. Chồng TBKTSG luôn luôn được chất đầy trong góc phòng, nhưng qua vài lần chuyển nhà, nó cứ hao hụt dần. Đến năm 2003 định cư được ở một chỗ, chồng báo này ổn định được một thời gian thì đến năm 2005, một "tai nạn" đã xảy ra: toàn bộ tủ sách của tôi bị mối xông. Cái ngày đem toàn bộ đống sách tích cóp được, chồng báo TBKTSG và Bộ sưu tập Tạp chí Nhà đẹp cùng cái giá sách bị mối xông cho người đồng nát, là ngày đầu tiên tôi hiểu ra ý nghĩa của thành ngữ "tiếc đứt ruột". Cái cảm giác bần thần, đi ra đi vào, vứt rồi lại không vứt, bây giờ ngồi viết lại vẫn thấy nhớ. Cuốn sách duy nhất còn giữ lại được sau tai nạn ấy là Thế giới của Sophie, bản dịch lần đầu. Tôi cố giữ lại vì nó còn nguyên hình hài là một cuốn sách, dẫu rằng khi mở ra nó vẫn như vừa trải qua một cơn đậu mùa.

3. Nghĩa là từ sau khi ra trường và đi làm, tôi đã cố duy trì một cái thói quen là cứ mỗi tối thứ Năm, thì lại vòng qua một sạp báo, rồi nhặt về một tờ TBKTSG. Cái thú vị là, rất thường khi, vì đi mua báo như vậy mà tôi có dịp gặp lại một người bạn học cùng đại học, có cùng sở thích đọc TBKTSG và cùng mua ở một sạp báo quen. Cái nhịp điệu đó diễn ra được vài năm, thì công việc, rồi gia đình cuốn mỗi đứa đi một nơi, cả hai vẫn đọc TBKTSG nhưng không thể mua báo ở cùng một nơi được nữa. Nhưng thỉnh thoảng có dịp gặp gỡ, có khi thứ mà hai đứa cùng mang theo vào điểm hẹn, lại chính là tờ TBKTSG.

4. Là một tờ thời báo kinh tế, nó đương nhiên phải viết về kinh tế rồi. Về chất lượng chuyên môn của tờ báo, tôi chẳng thể nói ra lời khen ngợi, vì tôi e rằng tôi không đủ tư cách. Chỉ biết rằng, nhờ đọc nó trong một thời gian dài, mà tôi luôn nắm được cái "nhịp đập", cái "hơi thở" và không khí làm ăn của giới doanh nhân. Sau này tôi cũng tự thấy mình ra quyết định một cách rất tự nhiên, thì tôi đồ rằng, cái góp phần làm nên cái sự "tự nhiên" đó, phần lớn là xuất phát từ những gì tôi đọc và cảm nhận được từ tờ thời báo này, hơn là những gì mà các giáo trình kinh tế đã trình bày.

5. Viết lòng vòng thế, nhưng cái mà tôi muốn nhắc đến tờ báo này, là những thứ "phi kinh tế" mà tôi học được từ nó.

Tôi có thể không còn nhớ những vấn đề kinh tế mà tờ báo này đã đề cập, nhưng những cái tên làm nên tờ báo thì tôi còn nhớ mãi.

Nhờ có TBKTSG mà tôi biết đến GS Trần Hữu Dũng, người mà giờ đây tôi viếng thăm trang web của ông mỗi ngày, ngày nào không đọc thì cảm thấy như thiếu một cái gì đó.

Qua TBKTSG, và cả GS Dũng nữa, tôi lại được biết đến chị Nguyễn Ngọc Tư. Thật kỳ lạ khi ta biết đến một nhà văn, qua một tờ thời báo về kinh tế, chẳng phải vì sách của chị bán chạy như một hiện tượng kinh tế. Nếu không có những bài viết của chính chị Tư trên tờ này, và sau đó là sự giới thiệu của GS Dũng, thì có lẽ phải đến thời gian này, tôi mới có cơ may biết đến chị, vì quả thật đã có một thời gian dài mải mê vào công việc, tôi đã lãng quên thời sự văn học.

Một nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình khác mà tôi biết được thông qua tờ này là Vương Trí Nhàn. Và kể từ đấy tôi đọc Vương Trí Nhàn nhiều hơn, thấy cũng rất hợp với cái "tạng" đọc của mình.

Nhờ đọc TBKTSG, tôi biết Luật sư Nguyễn Ngọc Bích. Nhờ có ông, những vấn đề về Luật kinh tế vốn khô khan, rắc rối và "xa lạ" với tư duy kinh tế XHCN, bỗng trở nên rõ ràng, duyên dáng, một cách "tường minh" nói theo thuật ngữ của ngành Luật. Và tôi phục cái tài của ông là ở chỗ ấy, hay nói khác đi, việc giỏi "diễn giải" chính là cái "tài ba của Luật sư" như nhan đề một cuốn sách đã xuất bản của ông. Sau này tôi còn mua nhiều sách của ông nữa: Khơi dòng chảy cho dòng vốn, Vốn và quản lý trong Công ty cổ phần, Công ty-Vốn, quản lý và tranh chấp,... cuốn nào cũng hay và đọc rất lý thú.

Cũng là từ TBKTSG mà vốn tiếng Anh của tôi trở nên khá hơn hẳn, đặc biệt nhờ "công" của hai người: anh Nguyễn Vạn Phú và anh Phạm Vũ Lửa Hạ. Chỉ tiếc là khi hai anh này ra sách thì thời kỳ đó, tôi cũng đang xa rời cái sự đọc nên không cập nhật và mua được. Anh NVP thì tôi vẫn thường dõi theo trên blog, còn anh Lửa Hạ thì bẵng đi một thời gian dài, mãi mấy hôm trước mới thấy gặp lại bài viết của anh trên trang Viet-studies, và thấy mừng là anh đã viết blog. Thế là mình lại có thêm một chỗ để đi ra-đi vô rồi. Cũng nhờ có bài viết của anh Lửa Hạ trên TBKTSG mà tôi biết đến một con người khác: Peter Drucker, người mà sau này tôi đã say mê đọc các tác phẩm của ông.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì cũng chính là nhờ TBKTSG mà tôi biết anh Nguyễn Tường Bách. Khởi đi từ những bài viết mà anh cộng tác với tờ này, tôi đã có trong tay gần như là đủ các cuốn sách mà anh đã dịch và viết: Con đường mây trắng, Đạo của Vật lý, Thiền qua nghệ thuật bắn cung, Mùi hương trầm, Đêm qua sân trước một nhành mai,...

Một tác giả khác mà tôi rất ngưỡng mộ, là anh Võ Tá Hân. Đến giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác của mình khi đọc anh so sánh trí óc của một người bận rộn với một con khỉ nhảy nhót suốt ngày, và vì vậy nên mệt, và anh đưa ra một phương cách cho đỡ mệt: Thiền. Tập sách mỏng của anh Cánh hoa trước gió  cũng là một trong những cuốn bị mất trong cái nạn mối xông nói trên. Sau này tôi còn được biết, ngoài việc là một doanh nhân tài ba, anh còn nhờ vào uy tín của mình mà vận động và "xin" được rất nhiều sách cho các trường đại học Việt Nam. Bên cạnh đó, anh cũng còn là một cây guitar cừ khôi.

Nhắc đến guitar, tôi lại nhớ đến bộ ba anh Tâm-Trung-Thông, ba người sáng lập ra TTT Corporation, những người cũng thường được nhắc đến trên TBKTSG, không chỉ với tư cách những doanh nhân thành công, mà còn với tư cách là những nhạc công/ca sĩ "kỳ cựu".

Khi viết những dòng này, tôi cũng nhớ đến anh Giản Tư Trung, người sáng lập ra PACE, một tổ hợp giáo dục mà tôi biết đến nhờ cái ô quảng cáo nhỏ xuất hiện thường xuyên dưới chân trang báo TBKTSG. Mặc dù từ hồi ra trường, tôi chưa hề học thêm bất kỳ một course nào về quản trị, nhưng nhìn cái cách mà PACE tổ chức các khoá học, thỉnh thoảng cũng muốn rút ví mà tham dự vài khoá. Anh Trung cũng là người sáng lập Dự án SáchHay.com.

Tôi cũng nhớ anh Trần Ngọc Châu nữa, người mà sau này những bài viết của anh trên TBKTSG cũng được tập hợp lại thành cuốn Vị đắng những chuyến đi xa. Ngoài cuốn này, tôi cũng sở hữu thêm một cuốn khác là tiểu thuyết ngắn của anh: Con chim e thẹn. Tiểu thuyết không phải là xuất sắc, nhưng cái thú có đủ những gì mà một tác giả yêu thích viết ra đã làm tôi nhặt cuốn sách này ngay khi nhìn thấy. Sau này khi anh đã nghỉ ở TBKTSG và chuyển sang phụ trách kênh truyền hình tài chính FBNC, tôi đã rất vui và nghĩ rằng BHD quả là đã có một lựa chọn rất thông minh.

Còn ai nữa nhỉ, à, bác sỹ Lương Lễ Hoàng. Ông đã hạ gục tôi ngay từ những bài viết đầu tiên, tất nhiên không phải về kinh tế mà là về bệnh, trước hết là bệnh của giới làm ăn. Tuyển tập Thuốc đắng Dã tật của vị bác sỹ tài hoa này tôi đã mua và tặng nhiều người.

6. Cuối cùng thì nhờ đọc những con người trên, và nhiều người khác nữa mà tôi không nhớ hết, tôi nhận ra một điều: cung cách làm ăn của mỗi người phản chiếu chính cái cung cách sống của chính người đó, và điều này ảnh hưởng đến chính văn hoá của chính doanh nghiệp mà người đó điều hành. Từ đó tôi cũng tin rằng, nếu một người sống tốt/tử tế thì khả năng cái sản phẩm anh ta làm ra cũng tử tế như thế là rất cao.

7. Vì năng lực của mỗi người là có hạn, khi tôi quan tâm tới những vấn đề phi kinh tế, thì hẳn là cái con người kinh tế trong tôi cũng giảm đi rất nhiều, tất nhiên chưa đến mức là "sự tuyệt chủng của con người kinh tế" như nhan đề của một cuốn sách nào đó. Nhưng tôi chấp nhận sự đánh đổi đó, vì chỉ khi đó, tôi mới được sống chính là mình. Nếu chỉ là con người kinh tế đơn thuần, tôi sẽ không còn là tôi nữa.

8. Nói vậy nhưng cũng lâu rồi tôi không còn mua và đọc TBKTSG nữa. Vì bận rộn không đâu. Kể ra thì đặt báo năm rồi có người đưa tận nơi cũng được, nhưng cái con người gàn dở trong tôi cứ nhất quyết cho rằng tờ báo này phải tự đi mua để đọc thì mới hay. Mà như thế thì lại không có thời gian. Lúc đầu thì tôi còn dựa dẫm vào phiên bản online của tờ này, nhưng đến khoảng năm 2007 thì tôi thôi hẳn. Thôi hẳn cũng chỉ vì tôi cảm thấy, với tờ thời báo này, phải đọc báo in mới thú. Tôi chỉ còn mua tờ TBKTSG số Tết, vừa để có cái đọc Tết, vừa là để sưu tầm, như là một tác phẩm độc lập tách rời khỏi những số báo thường.

Rời bỏ tờ thời báo này trong một thời gian dài, tôi cứ có cái cảm giác là mình đã bị lạc hậu đi, rằng mình đã tự tách mình ra khỏi dòng chảy của giới làm ăn, những xu hướng quản trị, những vấn đề liên tục nảy sinh mà các doanh nghiệp phải đương đầu. Một kiểu "quẩn quanh trong tổ".

9. Hôm nay là thứ Năm, là ngày mà như thường lệ, tờ TBKTSG có mặt trên các sạp báo ở Hà Nội. Có lẽ tôi nên đi đến một trong những sạp báo như thế, để bắt đầu lại cái việc mua và đọc tờ báo này, như một thứ "nghi lễ" hàng tuần.

Hôm nay là 22/9, cũng là ngày mà người bạn có cùng sở thích đọc TBKTSG đã nhắc ở trên, cho ra mắt một thương hiệu mới: CMAC/Investment and Executive Education. Đây là thương hiệu thứ hai của bạn sau một thương hiệu AVM đã rất thành công với Diễn đàn M&A. Không biết, trong ngày vui khai trương này, bạn có còn nhớ và còn thời gian để mua một tờ TBKTSG hay không?

* Gần như tất cả các "anh" trong bài này, trừ anh Lửa Hạ, toàn là đáng tuổi cha, chú mình, lẽ ra phải gọi là chú thì mới phải phép, nhưng xin được gọi là "anh" cho tiện.

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Giao mùa

Mưa nhỏ, rồi lại tạnh, rồi lại mưa nhỏ, rồi lại tạnh. Giữa các cơn mưa là gió, và cứ sau mỗi cơn mưa, gió lại như mạnh và lạnh hơn một chút. Một chút thôi, nhưng đã đủ mang về cái "không khí" của mùa đông. Ở những lúc giao mùa như thế này, nhất là giữa mùa Thu và mùa Đông, tôi luôn muốn được hoà mình vào thiên nhiên. Được ra đường.

photo.JPG
Pentax K-7, smc 50 1/2

Một trong những lúc vui của tôi, là được ngồi cà phê một mình và ngắm nhìn mùa Đông đang gặm nhấm dần những giọt nắng vàng của mùa Thu.

Một khoảnh khắc vui khác, là trong một chiều mưa lạnh, đi xe trên đường và chợt nhìn thấy một ô cửa hắt ra thứ ánh sáng vàng ấm cúng. Những lúc như thế, chỉ muốn đi thật nhanh. Để về nhà.

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Khi nào thì bạn chưa say?

Đấy là khi bạn đã uống nhiều bia hơn mức bình thường, chỉ vì cái món khô cá Biển Hồ.

Rồi chân tay bạn vẫn đủ cứng cáp để dọn mâm, rồi rửa hết đống bát đĩa. Trong khi rửa, bạn vẫn tự ý thức được rằng cần phải xối bát đĩa qua nước lạnh ít nhất ba lần, vì cái thứ nước rửa chén Sunlight Chanh "chỉ cần gạt tay/sạch ngay dầu mỡ" là một thứ hoá chất có thể gây ung thư.

Sau đó bạn cảm thấy buồn ngủ, nhưng bạn vẫn nhớ ra là cần phải đánh răng.

Sau khi đánh răng xong thì bạn vào blog viết lăng nhăng mấy dòng này, và trong lúc viết bạn vẫn ý thức được rằng chỉ sau cái dấu chấm câu này thôi, bạn sẽ chìm vào một giấc ngủ ngon.

Không đề

Kết quả của một sáng thứ Bảy lang thang trong lúc đợi hai bạn Tít, Tí tan lớp.

#1
photo.JPG

#2
photo.JPG

#3
photo.JPG

Pentax K-7, kit lens 18-55

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Bokeh

Đã qua Trung thu, mà trời vẫn u ám và mưa gió dầm dề như thể mưa Ngâu của tháng Bảy. Thỉnh thoảng mới lòi ra được vài giọt nắng vàng rực rồi lại tắt ngay, như trò đuổi bắt của mây và mặt trời.

photo.JPG
Pentax K-7, smc 50 1/2.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Muốn viết

photo.JPG

1. Trong ảnh là một cuốn sách tôi đang đọc: Investment Biker. Cuốn này mua trong chuyến đi Siem Reap hồi đầu năm ngoái, rồi bẵng đi không sờ đến. Giờ lôi ra đọc mới thấy tiếc vì đã không đọc nó sớm hơn: một cuốn sách thực sự tạo cảm hứng, ít nhất là cho riêng tôi. Jim Rogers, một nhà đầu tư có hạng (như sau này tìm hiểu mới biết, ông là người cùng George Soros sáng lập ra Quỹ Quantum lừng danh), đã "nghỉ hưu" ở tuổi 37 để thực hiện một chuyến du hành vòng quanh thế giới bằng xe máy, để được đến tận nơi và quan sát về các nền kinh tế khác nhau.   Tôi rất muốn đọc nó thật nhanh để có thể viết vài dòng cảm nhận và suy nghĩ về cuốn sách, nhưng có cái gì đó trong tôi cứ làm tôi đọc nó thật chậm, như thể nếu kết thúc nó quá sớm, cái cảm hứng kia cũng sẽ biến mất.

2. Về một cái mái hiên cụ thể, tôi đã có dịp viết ở đây. Nhưng những ngày này, tôi lại muốn viết về mái hiên nói chung, như là một vùng đệm cho cái sự giao hoà với thế giới bên ngoài của con người.

3. Một cuốn khác tôi cũng đang đọc dở là Sống Đẹp của Lâm Ngữ Đường. Vừa đọc vừa nghĩ mình đọc cuốn này muộn quá, một cuốn đúng như cụ Nguyễn Hiến Lê đã nhận xét là gợi nhiều "suy nghĩ". Đọc cuốn này mới biết ngày xưa Thánh Thán có viết "Ba mươi ba lúc vui của Kim Thánh Thán", cũng muốn bắt chước cụ để viết "ba mươi ba lúc vui" của chính mình.

4. Không biết từ bao giờ tôi bị nhiễm cái tật là đọc nhiều cuốn sách trong cùng một khoảng thời gian, trừ những cuốn quá mỏng hoặc quá cuốn hút đến mức đọc một mạch không nghỉ, hoặc tuy cuốn đó dầy nhưng được đọc trong một kỳ nghỉ dài (Nghỉ Tết chẳng hạn). Cái sự lề mề đó ở tôi quả là xấu, nhưng bù lại, tôi lại thấy lợi ở hai điểm. Một là dần dần, tôi trở nên mẫn cảm với việc lựa chọn cuốn này thì "có thể" phù hợp nhất để đọc vào thời điểm nào trong không gian nào, và để khi đọc xong kiểm nghiệm xem điều đó có đúng không. Cho nên cái thú không phải chỉ là ở việc đọc sách và ở thời điểm đọc sách, mà là những gì diễn ra sau đó nữa, như thể cái "hậu vị" của thứ chè mạn Thái Nguyên hảo hạng. Và hai là, có những khoảng thời gian ta được trải nghiệm rất nhiều cảm xúc đẹp, như hai cuốn đã dẫn ở trên là một ví dụ: một cuốn gợi nhiều "suy nghĩ", cuốn còn lại, gợi nhiều "cảm hứng". Thế thì còn gì bằng?

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Một định nghĩa về sự "Dã man"

Đây là Lời tựa cho một cuốn sách có lẽ sẽ không được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Nhưng bỏ qua nội dung chính của cuốn sách, bản thân Lời tựa này cũng là một "tác phẩm" độc lập và đáng đọc.

Nguyên bản tiếng Pháp: Jean-Claude Guillebaud

Người dịch: Hoàng Hà.

Lời kết mỉa mai của cuốn sách thật hay này chính là chìa khoá. Ban đầu tôi cũng tự hỏi không hiểu cái cảm giác về một sự rõ ràng, tươi mát, “mới mẻ” hoàn toàn khi đọc cuốn sách tìm hiểu thực tế Việt Nam này ở đâu ra. Câu trả lời hoá ra lại đơn giản: đó là do các tác giả đã hoàn toàn bỏ qua các định kiến, mà suy cho cùng các định kiến ấy là do tính chuộng ngoại lai mà ra. Chuộng ngoại lai hiểu cho đúng cũng là một dạng dối trá. Bao giờ cũng dối trá. Chính nó ve vãn và làm khách du lịch lạc lối.
     Chúng ta hãy cùng nhớ tới những lời quảng cáo năm này qua năm khác mời gọi ta lên đường. Phần lớn những lời quảng cáo này đều có một tính hai mặt đáng ngờ. Đó chính là nghịch lý căn bản của mỗi chuyến đi, mỗi khám phá (rởm). Có thể tóm lại trong vài từ. Thứ mà chúng ta đi tận chân trời góc bể để kiếm tìm, thứ “ngoại lai” rởm ấy chẳng qua cũng chỉ là “đồ sơn” mà thôi. Cái cứ tưởng là “nơi khác” ấy khiến chúng ta bỏ tiền ra mua lời hứa hẹn trong các ca ta lô của các hãng lữ hành chuyên nghiệp, nó là một trò dối trá thô thiển nhằm đáp ứng một nhu cầu mà ta có thể tạm coi là chủ nghĩa tiêu thụ.
     Cái chúng ta tìm kiếm một cách bản năng khi rời khỏi quê hương, khỏi thường nhật, khỏi môi trường quen thuộc, đó không chỉ là vẻ đẹp đặc thù của phong cảnh hay công trình. Chúng ta còn hy vọng sẽ có thêm chút gì thật là khác thường, một sự lạ nước lạ cái hoàn toàn, một sự “khác biệt” càng lớn càng tốt. Đi thăm chợ ả rập, phố Ấn độ hay đường mòn châu Phi, chúng ta muốn được sửng sốt trước những người đàn ông và đàn bà có cách sống khác, truyền thống khác và thế giới quan khác. Khác tuyệt đối.
     Tất cả những sản phẩm báo chí nói về lữ hành chẳng qua cũng chỉ nhằm tụng ca một cách ít nhiều khéo léo về sự “khác biệt” này. Phụ nữ cao cổ ở Myanmar, thầy tu khổ hạnh ở Bénarès, người Inuit ở Groenland, nông dân còng lưng dưới ruộng ở Việt Nam: đó là sự lạ mà các hãng lữ hành mời chúng ta tận hưởng.
     Vậy mà, cách nhìn thế giới như vậy là ngược lại với sự thật. Trước hết, cái mà chúng ta cho là đẹp như tranh thường là do tác động của nghèo đói. Cái mà chúng ta cho là thú vị (những đám đông chân trần lê bước ở châu Phi, những thành phố lúc nhúc loè loẹt, những bà nông dân còng lưng gánh củi, .v.v.), lại chính là nỗi khốn cùng của người trong cuộc. Trong cái cách mà khách du lịch lượn quanh các chợ nhòm ngó, máy ảnh nháy lia lịa, có chút gì đó hơi dã man.
     Sau đó, phải thấy là cả thế giới đã thay đổi, nhất thể hoá, đô thị hoá và phát triển. Những cô bé chăn dê ở châu Phi ngày nay nghe nhạc techno bằng máy kỹ thuật số; sư sãi ở Việt Nam đi taxi và học vi tính; các dân tộc trên thế giới cũng, giống như chúng ta, muốn tham gia vào tất cả những gì gọi là toàn cầu và sự đơn điệu của nó. Sự tầm thường hoá hành tinh đương nhiên làm chúng ta không thoả được cơn khát ngoại lai. Nó làm ta bực bội. Nên ta cứ có xu hướng muốn giữ lại sự hư cấu về cái đẹp đẽ đã qua, nhốt người dân các xứ sở xa xôi trong nhà tù của sự khác biệt. Để đạt được mục đích ấy, ta sẽ lại sáng tạo ra một thế giới tưởng tượng, còn giả hơn cả đề co sân khấu; ta sẽ quay phim như thể đó là một vườn bách thú màu sắc khổng lồ. Ta sẽ đòi các dân tộc phải giống y hệt ý ta.
     Tôi vẫn còn nhớ một câu chuyện được nghe ở châu Đại dương. Ở quốc đảo Fidji, chính phủ năm nào cũng yêu cầu nhân dân không mặc quần áo kiểu phương Tây trong mùa du lịch để khỏi làm khách thất vọng. Nói thế là đủ hiểu.
     Thực ra nước nào cũng có nét ngoại lai đặc thù của mình và cả một bộ sưu tập các hình ảnh mà người ta thường quen gán cho nơi ấy. Đối với trường hợp Việt Nam, các hình ảnh định sẵn ấy trong đầu óc chúng ta có nhiều tầng nghĩa. Tất nhiên trong đó có những hình ảnh về vẻ đẹp rực rỡ của phong cảnh. Ngay cuối thế kỷ XIX, những người đầu tiên phát hiện ra Việt Nam đã mê đắm kể về những ruộng lúa bát ngát bao quanh là những rặng núi ẩn hiện trong mây. Họ tả về những ruộng lúa sắp xếp khéo léo như những tổ ong, phân cách đất và nước từng xăng ti mét một, tới tận chân trời; những ô bờ đê bằng đất sét bao lấy những người đàn bà oằn vai dưới sức nặng của chiếc đòn gánh; những động tác và nhịp điệu ấy – những chiếc gầu tưới mà hai người đàn ông đứng đối mặt cùng nhịp nhàng kéo nước, những con trâu bì bõm trong nước ngập tới nửa ống chân.
     Bổ sung vào những tụng ca dai dẳng về vẻ đẹp địa lý – quả thật là không thể chối cãi -, qua thời gian còn có thêm những kỷ niệm về thời thực dân và các cuộc chiến tranh liên tiếp diễn ra sau đó. Lính Pháp, những cựu binh Đông Dương, đã góp phần lớn vào việc làm cho đất nước này có một sự “mê hoặc” đặc biệt. Lính thuỷ đánh bộ Mỹ, vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, đã phát triển, và làm lan truyền, một nỗi nhớ Việt Nam lạ lùng và da diết. Thậm chí họ còn chế ra từ “namstalgie” để chỉ nỗi nhớ này. Qua bao năm lắng lại, tất cả những hình ảnh này cuối cùng đã tạo ra một Việt Nam tưởng tượng, một Việt Nam ảo trong đó đời sống của nhân dân ra sao, xã hội (thực) biến chuyển thế nào ít ai quan tâm. Phần lớn sách báo và sách hướng dẫn du lịch ở các nước phương Tây đều nói tới nước Việt Nam tưởng tượng này.
     Trong khi đó, nước Việt Nam thật lại rất ít được biết đến – giống như phía kia của mặt trăng. Philippe Papin và Laurent Passicousset sẽ giúp chúng ta khám phá “mặt khuất” này. Để làm được như vậy họ có một thái độ bình tĩnh – thậm chí hài hước nhẹ nhàng – mà chỉ những người hiểu tường tận đất nước và ngôn ngữ này mới có được, mà những người như vậy đâu có nhiều.
     Với tất cả những ai, giống như người viết những dòng này, yêu mến Việt Nam từ lâu nay, với những ai tưởng rằng mình có chút hiểu biết về đất nước này, có được cuốn sách này quả là duyên trời định, tuy nghe có vẻ nghịch lý. Khách quan nhưng uyên bác, xây dựng nhưng phê phán, những trang sách đưa ta thẳng đến thực tế, một thực tế trần trụi nhưng đáng say mê của một đất nước.
     Jean-Claude Guillebaud

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Đóng Tủ

Thầy Phan Chánh Dưỡng trả lời phỏng vấn VNN:

Có một điều tôi nghĩ hơi sâu. Đó là suốt thời kỳ từ khi trẻ còn nhỏ cho đến khi 12 tuổi, cố gắng khái quát cho được 2 trục tọa độ không gian và thời gian. Đó là kết cấu của tư duy của con người xã hội.

Không gian và thời gian là giá đỡ khả năng tư duy của trẻ trong tương lai, khi lớn lên, trẻ sẽ tiếp thu kiến thức, từ đó hình thành tư duy.

Với trục tọa độ thời gian, đứa trẻ biết được hôm qua, hôm nay và ngày mai. Trẻ con thường hỏi ai sinh ra mẹ? Tất nhiên câu trả lời sẽ là “bà ngoại”. Khi bé hỏi tiếp “ai sinh ra bà ngoại” thì đó là những đứa rất nhạy về trục thời gian.

Những đứa nhạy về trục không gian tức là nhận biết được hay sớm tò mò về thế giới xung quanh như cái nào lớn hơn cái nào, cái đó gần hay xa…

Tôi quan sát thấy, những đứa nhạy về trục thời gian và không gian thì vô cùng thông minh sau này.

Tôi vẫn cho rằng, với trẻ em, không vội cho cuốn sách vào cái tủ mà làm cái tủ trước, thì hay hơn. Hình thành cho trẻ con hệ tọa độ không gian và thời gian thì sẽ giúp trẻ con học 1 mà biết 2, 3.

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Cụ Trần Văn Khê: Làm đàn ông dễ, làm cha mới khó!

Lại copy từ SGTT:

GS.TS Trần Văn Khê: Làm đàn ông dễ, làm cha mới khó!

Có đôi khi, vì hoàn cảnh, người cha phải rời những đứa con của mình. Hồi sinh Hải (GS Trần Quang Hải), tôi là người đỡ đẻ cho mẹ cháu, từng bước con ra đời, cho đến khi biết bập bẹ những tiếng đầu tiên, ê a gõ từng giai điệu lên đàn, lên trống. Tôi ghi lại nhật ký của con không sót ngày nào. Những nốt ngây ngô đầu tiên, tôi cũng ký âm, ghi âm lại hết. Năm 1949, vì sự nghiệp mà phải tha hương, tôi nhớ các con vô cùng. Mỗi tháng, tôi lấy dĩa nhựa (loại dùng để ghi âm vào năm đó) ra, thu âm giọng mình. Tôi tưởng tượng các con đang đứng trước mặt, gọi từng đứa lại nói. Các con tôi mỗi lần nhận dĩa nhựa đó đều khóc. Tôi đi mỗi nước, mỗi khách sạn, mỗi tiệm trà, mỗi quán ăn đều sưu tập những viên đường, những búp bê cầm đờn xinh xắn về cho con. Bây giờ Hải có một bộ sưu tập mấy ngàn viên đường của mấy chục nước khác nhau, hàng ngàn nhà hàng khách sạn quán ăn trên khắp thế giới, Hải quý bộ sưu tập đó lắm! Dù ở xa, nhưng tôi biết các con tôi, mỗi đứa thích gì, cần gì, tính khí ra sao, bạn bè thế nào! Tôi chưa để các con túng thiếu tiền bạc, học hành cũng cố chăm lo chu toàn. Mỗi lần dạy con điều gì, tôi viết thư, rồi dùng giấy carbon lưu lại lá thư đó, để vài năm sau, vài chục năm sau tôi còn nhớ mình đã nói gì với con, đúng hay sai, có giúp ích, có thay đổi con không? Tôi trân quý từng phút, từng giây được ở bên cạnh con mình.

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Đọc sách, như là "một thứ phân hữu cơ" cho tâm hồn

Đang đọc Sơn Nam, trích ra vài đoạn thấy thích:

"Viết tự sự, hồi ký gần như là tự mình mua ván, đem về đóng lần hồi cái quan tài cho chính mình, về tinh thần. Như con chim lượm lặt từng cọng rơm, cọng rác từ nơi xa xôi đem về đan cái ổ, kín đáo, trên cành cây nào đó. Nhưng biết đâu nhờ viết tự sự, hồi ký mà con người lại sống dai hơn, như con rắn hoặc con trăn lột lớp da già, chờ lớp da non hiện ra, mềm mại. Nhưng da là cái lớp bên ngoài, trong khi xương cốt gan ruột cứ từ từ khô héo."

"Tủn mủn, ganh tị vu vơ, vận dụng trí tuệ vào những việc đâu đâu, chẳng khác nào người chặt lóng tre, chẻ ra từng lát nhỏ, cứ chẻ nhỏ mãi, hy vọng chế tạo ra cây tăm xỉa răng độc đáo nhất thế giới, rồi tự hào mình đã hiểu thấu cây tre hơn ai hết. Cuộc sống là nhiều rừng tre bao la lộng gió, với tiếng reo của những ngọn tre bị uốn cong nhưng không gãy."

"Nhà tôi, sách khá nhiều, thêm sách về dân tộc học, mỹ thuật, lịch sử, tôn giáo, vân vân. Chồng chất đầy nhà, nhịn ăn mà mua. Để thấy người xưa và người đương thời đã làm những gì, làm tới đâu. Lắm khi, đọc thấy không ích lợi gì hết, đâu phải quyển nào cũng gợi âm vang ngay trong chuyện mình đang viết hoặc sắp sửa viết. Nhưng cần thiết, để củng cố bản lĩnh, tỉnh táo hơn. Sự ích lợi rất gián tiếp. Đó là thứ phân hữu cơ cần thiết. 

Tôi nhớ đến trường hợp những bức sơn mài. Trông đẹp, óng ánh, vì đã vẽ trên cái nền chuẩn bị châu đáo. Ván phơi nắng kỹ lưỡng rồi bọc hom vải, phủ sơn lần lượt, chờ đợi nhiều ngày với năm bảy lớp khác nhau để làm nền. Và sau rốt, lớp chót được lộng lẫy nhờ cái nền bên dưới, chẳng ai thấy."

Dạo chơi, ghi chép của Sơn Nam, Nxb Trẻ, 2003.

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Bánh mỳ nóng giòn

Sách Saharavn mới giao chiều nay:

1. Bộ sách bỏ túi Sài Gòn tản văn: Hẻm phố thông ra thế giới, Sài Gòn sau màn bụi, Ngon và nhớ.

2. Tản mạn trước đèn, Tuỳ bút Đỗ Chu

3. Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Nguyễn Hiến Lê

4. Dạo chơi Tuổi già, Sơn Nam

5. Mộng đời bất tuyệt, Nguyễn Tường Bách.

Sách mới giao nhưng trừ mục 1 ra thì toàn là sách cũ, bán theo giá niêm yết từ cách đây 5-10 năm chưa kể giảm giá.

Cuốn số 5 là cuốn mua lại lần thứ 5. Bốn lần trước đã mua và đều lấy ra tặng, giờ mua lại để bổ sung vào bộ Nguyễn Tường Bách.-:)

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Out the Blue

1. Các bạn theo dõi blog của tôi có thể dễ dàng nhận ra một cái không khí chung trong các bài viết: nỗi buồn. 

Cho dù đó là một entry nói thẳng về nỗi buồn, hoặc viết về những vấn đề khác, thì vẫn vương vấn đâu đó một cái buồn man mác. Bản thân việc viết lách linh tinh thế này cũng là để che lấp những nỗi buồn. Đọc sách, rửa bát quét nhà, chơi bời với con cái, hay hút thuốc, uống rượu bia, thì cũng là những hoạt động để khoả lấp những những muộn phiền.

Tôi và những người xung quanh thường cho rằng tôi thích đọc sách. Mà quả là tôi có thích đọc thật. Và tôi mua sách cũng nhiều. Mặc dù vậy có một điều rất lạ là tôi rất ít khi được tặng sách. Tôi không hiểu tại sao? Tất nhiên không phải là tôi không biết cho đi, vì trên thực tế, trong cái cộng đồng của mình, tôi tặng và cho sách rất nhiều. Hầu hết, tôi đều chọn được những cuốn sách phù hợp để tặng cho những người bạn, người anh, em của mình. Nhưng nói nhiều về cái này thì lại lạc đề mất. Tôi đang nói về nỗi buồn và việc tôi mua sách. Ở trên tôi đang nói mình mua sách cũng nhiều, nhưng gần đây tôi chợt nhận ra, tôi thường mua nhiều sách nhất vào những thời kỳ buồn chán nhất. Tôi kiểm nghiệm lại và thấy gần như hai cái đồ thị về mức độ buồn và tốc độ mua sách là tương quan với nhau theo tỷ lệ thuận. Rõ ràng là, ở các thời kỳ buồn chán, tôi có lẽ đã mức chứng nghiện shopping, một triệu chứng thông thường của những kẻ bị stress nặng. Tôi chỉ khác các bà, các cô nghiện shopping ở một điểm, đó là thay vì chọn mua quần áo dầy dép mỹ phẩm, tôi đã chọn mua sách.

Những người điên thường hay lang thang. Những kẻ buồn chán cũng vậy. Những lúc buồn, tôi hay lang thang la cà khắp nơi, nhưng nhiều nhất vẫn là những hiệu sách. Nếu là ban đêm, tôi thường lang thang trên các nhà sách online, trước đây là Saharavn, sau này là Vinabook. Giờ ngồi nghĩ lại, tôi thấy rõ là những tiến bộ công nghệ, cái thứ công nghệ làm thay đổi hẳn khái niệm không gian và thời gian, cho phép người ta mua sách "anytime, anywhere", đã gián tiếp tiếp tay cho những con nghiện mua sắm bởi muộn phiền. Còn nếu là ban ngày, tôi lang thang trong thế giới thực, thường nhất, là mấy con phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền. Nếu một ngày nào đó, vào chiều muộn, bạn bắt gặp một gã lang thang một mình, đi ra từ một trong ba con phố trên, rồi ghé vào một quán cà phê nào đấy với một chồng sách trên tay, rồi ở đó, trong lúc đợi người ta phục vụ một ly nâu đá, gã bỏ chồng sách ra ngắm nghía rồi đọc lướt qua từng quyển một, thì đó rất có thể là tôi đấy.

Đây quả là một phát hiện buồn. Tôi tưởng là tôi thích đọc sách. Mọi người xung quanh cũng tưởng như vậy. Nhưng thực ra, giờ nghĩ lại, việc mua sách, đọc sách dường như chỉ là cái cớ, cái "phương tiện" bề ngoài. Cái mục đích chính, và là sự thật, vẫn là, thông qua việc mua và đọc sách, tôi đang trốn chạy hoặc lảng tránh nỗi buồn của chính mình. Việc này chẳng khác nào một gã trai thất tình nào đấy, vì kiêu hãnh, vì không muốn cho người tình của mình nhìn thấy mình trong sự thểu não ê chề, đã phải thốt lên rằng "I do my crying in the rain".

Thế đấy, cái sự đọc của tôi, cuối cùng không ngờ cũng lại chỉ như cái sự thể khóc trong mưa để giấu đi những giọt nước mắt của một gã trai thất tình.

Như vậy, nhìn vào cái giá sách cứ đầy lên hàng ngày của tôi, và cái việc nó đầy lên như thế đã kéo dài nhiều năm rồi, tôi nhận ra rằng nhiều năm qua tôi đã lê lết qua những nỗi buồn. Dường như tôi là một người buồn-bẩm-sinh, một người mang theo nỗi buồn từ tiền kiếp. Sự thật là ngay cả những lúc đông vui nhất, tôi vẫn không thể ngăn được những muộn phiền dâng lên trong ánh mắt. 

Nhưng còn có một sự thật khác, là chúng ta không thể dứt bỏ hẳn được những nỗi buồn. Vấn đề là chúng ta chọn sống với những nỗi buồn ấy như thế nào. Vì khi đọc sách tôi tìm thấy ở đó những niềm vui nho nhỏ, nho nhỏ thôi. Nhưng từng cái nho nhỏ ấy cũng đã lấn át được phần nào những nỗi buồn. Và vì vậy, tôi thấy lựa chọn sách để sống chung với nỗi buồn của mình là một lựa chọn phù hợp. Nó giống như một người bạn của Kurt Vonnegut đã nói và được ông dẫn lại trong cuốn Người không quê hương: nhạc Blues có thể không xua tan được nỗi buồn, nhưng nó có thể dồn chúng vào một góc, và vì vậy những người nô lệ da đen ngày xưa, những người "phát minh" ra nhạc Blues, thường xuyên chơi và nghe chúng, có thể yên tâm và ung dung sống cuộc đời của mình với ít muộn phiền nhất, hoặc ít ra thì cũng không bị chúng làm phiền. Ở một phương diện nào đó, thì đọc sách đối với tôi cũng giống như nhạc Blues có ý nghĩa như thế nào với người Mỹ da đen.

2. Trong tiếng Anh, từ "blue" vừa có nghĩa là màu xanh, lại vừa có nghĩa là nỗi buồn. Tôi học được điều này không phải từ giáo trình Anh văn, mà là trong lúc mày mò tìm hiểu ý nghĩa của bài "Love is Blue" từ một thời đã xa lắm. Vì vậy, trên cái blogspot của tôi, không chỉ có các bài viết mới phảng phất nỗi buồn, mà cả cái giao diện của nó cũng thế: tràn ngập một màu xanh. Hơn thế, cái giao diện cũ cũng vẫn có phần nào đó hơi diêm dúa, mà sự diêm dúa thì chưa bao giờ hợp với bản tính của tôi. 

Do vậy, để phần nào thoát ra khỏi cái nỗi buồn ám ảnh này, tôi đã thay cả giao diện blogspot bằng một template mới: đơn giản hơn, ít màu xanh hơn. Tôi gửi vào đó cái nguyện ước được viết nhiều về những niềm vui hơn là những nỗi buồn, và hơn thế, ngay cả khi đã vui hơn thì cái giá sách của tôi cũng không vì thế mà ngừng đầy lên, nhất là, nhất là, những cuốn sách trên đó không phải do tôi mua vì buồn chán, mà là được bạn bè anh em... cho, biếu, tặng. He he.

3. Out the Blue (John Lennon)

http://www.youtube.com/watch?v=YAxF7FTueNk

Out the blue you came to me
And blew away life's misery
Out the blue life's energy
Out the blue you came to me

Everyday I thank the Lord and Lady
For the way that you came to me
Anyway it had to be two minds one destiny

Out the blue you came to me
And blew away life's misery
Out the blue life's energy
Out the blue you came to me

All my life's been a long slow knife
I was born just to get to you
Anyway I survived long enough to make you my wife

Out the blue you came to me
And blew away life's misery
Out the blue life's energy
Out the blue you came to me

Like a U.F.O. you came to me
And blew away life's misery
Out the blue life's energy
Out the blue you came to me./.

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Về sự lãng mạn

1. ‎"Dặn thêm này, khi nào buồn bực quá, thấy nản lòng quá, đầu óc cứ thấy rối tung cả lên thì hãy trèo lên cây hoặc ra sông mà ngồi, mà trải tầm mắt ra rõ xa. Cảnh vật rộng dài, đất trời thoáng đạt sẽ làm cái đầu của mình đỡ tủn mủn, tăm tối đi. Người ta bảo thế là lãng mạn. Lãng mạn hay lắm! Không biết lãng mạn, không biết mộng mơ, cuộc sống này sẽ dễ thành đày ải, thành địa ngục, cho nên phải ráng lãng mạn, nhớ chưa?"
(Ba lần và một lần - Chu Lai)

2. Còn cụ Compay Segundo, trong cuộc trò chuyện với Ry Cooder (Buena Vista Social Club) thì nói thế này:

As long as blood runs in my body, I'm going to love women. Because in life, women, flowers and romance are all so lovely.

One night of romance,... oh, that has no price. No price at all.

3. Tôi mà là cụ Compay Segundo, tôi sẽ thêm vào danh sách những thứ  "so lovely" kia một mục nữa: đọc sách, đặc biệt là sách văn học nói chung, đặc biệt nữa là tiểu thuyết.

Đọc tiểu thuyết thì rõ là lãng mạn rồi. Tôi chỉ không đồng ý với nhân vật của Chu Lai một điểm: hãy để sự lãng mạn diễn ra tự nhiên, không cần phải "ráng" làm gì cả.

Đối với tôi thì đọc sách cũng giống như trèo lên một cái cây rồi. "Trèo cây" kiểu này cũng là một trải nghiệm vô giá. No price at all.

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Chiến Hữu


Dire Straits - Brothers In Arms Original bởi chaddi

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Nỗi nhớ thoảng qua

1. Một buổi sáng đã lâu, tôi có dịp lang thang ở Hạ Long. Trời mưa rong bão, sụt sùi như thể mưa ngâu. Lúc đi ngang qua một ngôi nhà đang sửa chữa, bắt gặp hai anh thợ xây đang ngồi nghỉ trước hiên nhà vì mưa. Giữa hai anh là hai lon Heineken. Chợt nghe một anh nói với anh kia: "Giờ này chắc ở nhà đang gặt". Tôi liếc qua, thấy anh vừa nói vừa đưa tay gãi má, cái miệng hơi méo đi.

Chỉ một câu thế thôi mà vời vợi cả một nỗi nhớ quê.

Hẳn là, nếu các anh không ra thành phố hành nghề, cũng giờ đó, các anh có lẽ đang nghỉ bên bờ ruộng sau ca gặt sớm, cũng mồ hôi nhễ nhại thế kia. Chỉ khác, giữa hai anh không phải là hai lon Heineken uống dở mà là một ấm chè tươi nhem nhuốc, và khác hơn tất cả, một anh sẽ không phải thốt ra câu nói kia.

2. Chủ Nhật trước đi ngang qua phố Liễu Giai. Lúc qua ngã tư Liễu Giai cắt Cống Vị, bỗng lại gặp mấy anh thợ xây vừa túa ra từ một công trường xây dựng gần đó. Cả nhóm lấm lem vữa và mồ hôi, nhưng những ánh mắt và nụ cười thì cực kì tươi tắn. Chỉ là vì, họ đang tranh nhau bẻ những cành dâu da chín mọng mà người quanh đó bỏ không ai thèm hái. Nhìn những người công nhân lớn tuổi giành nhau từng chùm dâu da chín, chí choé và hể hả, tự dưng thấy đời vui hơn nhiều lắm.

Nhưng cũng vì thế, mà lại bùng nên nỗi nhớ quê. Ở quê tôi, dâu da, nếu không phải là một "đặc sản", thì cũng là một đặc trưng hiếm có. Chẳng thế mà cái thị trấn ấy còn được gọi là "thị trấn dâu da". Mùa hè đến, dâu da hai bên đường nở hoa trắng xoá, đi đường mà ngỡ như đi trong rừng hoa trắng.

Giờ thì dâu da chỉ còn là trong kỷ niệm. Nếu những rặng dâu da đó mà còn, hẳn là giờ này thị trấn cũng đang trong mùa dâu da chín.

3. Hồi còn nhỏ, quê tôi nhà nào cũng trồng ít nhất một cây dâu da trước cửa. Có nhà có tới hai cây: một cây sân trước, một cây sân sau. Mùa dâu da chín, mọi người ăn không xuể, thường để cho thương lái đến thu mua. 

Tôi còn nhớ một bà cụ, đã già lắm. Bà buôn chuyến Quỳnh Côi-Hải Phòng. Cứ đến mùa bà lại thu mua dâu da, giấm chín bằng lá xoan, rồi cắt ra bó thành từng chùm nhỏ 15, 20 quả một chùm. Rồi bà mang ra Hải Phòng bán. Hồi đó tôi còn bé nên chẳng biết bà buôn bán lời lãi thế nào, nhưng chắc là sống được, vì năm nào bà cũng rất vui vẻ thu mua. Không hiểu sao trong số rất nhiều người thu mua dâu da thời đó, tôi chỉ nhớ mỗi bà cụ này. Cụ già với những chùm dâu da bó gọn gàng, và những chuyến xe khách xộc xệch tuyến Quỳnh Côi-Hải Phòng.

4. Nếu những rặng dâu da ấy còn, và tôi thì nhỏ lại, hẳn là giờ này cũng đang có một cậu bé vắt vẻo trên cái chạc ba của cây dâu da, cứ lật qua một trang của cuốn sách đang đọc dở lại với tay ra vặt một quả dâu da chín trong chùm dâu da gần nhất bỏ vào miệng. Khi một buổi chiều đã qua và cuốn sách đã hết, thì cũng là lúc những chùm dâu da chỉ còn trơ  lại toàn cuống, và dưới gốc cây thì cơ man là hạt dâu da.

Thời đó đã qua đi mãi mãi không bao giờ trở lại.

5. Mùa vu lan đến cũng là mùa ổi chín. Tự dưng nhớ một chiều hè muộn năm nào đã xa lắm, có một người mẹ trẻ đèo theo một cậu bé con trên một cái xe đạp màu xanh. Trên tay cậu bé là một cây ổi nhỏ, một cây ổi "chiết cành" chứ không phải gieo từ hạt. Vì thế, trên cái thân cây nhỏ bé đó đã có một quả ổi rất to. Cậu bé nâng niu cây ổi đó lắm. Từ đó, năm nào cây ổi cũng cho ra rất nhiều quả to và ngon. 

Đã có rất nhiều mùa ổi đã đi qua. Ngay cả khi người mẹ đó đã không còn nữa, thì cây ổi mẹ trồng vẫn cho những trái ổi ngọt thơm mà ngày nay không tìm lại được. 

Cũng như, không thể tìm lại được thời gian đã mất.

6. Tự dưng chỉ muốn chạy ù một phát về quê. Thật đúng là "giang hồ vặt", nhìn thấy quả ổi cũng nhớ nhà.

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Giữa Đất và Trời lửng lơ những câu hỏi

Giữa những nguyên tắc trong veo mà mình nuôi dưỡng trong đầu với thực tế trái ngược mà mình phải đương đầu trước mắt, có thể nào dung hoà được không trong hành động?

Giải quyết khúc mắc ấy như thế nào là tuỳ mỗi người, có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu câu trả lời.

Nhưng dù trả lời thế nào đi nữa, câu hỏi cũng gây nhức nhối trong tận xương tủy tuy bề ngoài vẫn phải phơn phớt nói cười.

Người hỏi là người đau với câu hỏi ấy, bởi vì đó là câu hỏi bi đát trong bản chất, nhất là đối với những người "dấn thân".

Trích "Giữa Đất và Trời", trong tập Khi tựa gối khi cúi đầu của Cao Huy Thuần, Nhã Nam và Nxb Văn Học, 8/2011.

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Làm thế nào để nghe được tiếng chim hót và những câu chuyện khác

1. Umberto Eco có một tập truyện nhan đề: Làm thế nào để du lịch với một con cá hồi và những câu chuyện khác. Hôm qua ở Hội chợ sách, lượm được 2 cuốn: Mộng du và những truyện khác của Ngô Tự Lập, và Kiến đi đằng kiến và những truyện khác của Đỗ Phấn. Không hiểu hai bác này có tí nào ảnh hưởng từ Umberto Eco không nhỉ? Nếu có thì trong hai bác, bác nào bị ảnh hưởng trước, bác nào bị ảnh hưởng sau?

2. Hội chợ sách và sản phẩm giáo dục 2011 rất nhỏ, chỉ nằm gọn trong nhà A3 Triển lãm Giảng Võ, trong đó có một đến quá nửa là đồ chơi và đồ dùng học tập cho học sinh. Lại có chen cả cửa hàng quần áo trẻ em. Chắc tại quần áo cũng là một loại đồ dùng thiết yếu của các cháu khi đến trường. Nhỏ vậy nên chỉ đi chưa đầy một tiếng là hết. Mặc dù vậy cũng rất thích khi khuân về được vài cuốn rẻ như cho.
- Những người cùng thời (trích Hồi ký Con người, năm tháng, cuộc đời) của Ilia Erenbua, Vương Trí Nhàn tuyển chọn. Tôi rất thích cuốn này bởi các "Tag" sau: Nga-Xô Viết, Vương Trí Nhàn, Erenbua, Khổ nhỏ, Trịnh Cung vẽ bìa, và đặc biệt giá có 5.000 đồng. Sách in từ năm 2000 nhưng nhìn còn như mới. Có lẽ tôi sẽ để dành đọc trong một chuyến đi nào đó, cả sách và cách sắp chữ đều rất nhỏ và gọn gàng.
- Ý tưởng Nghề nghiệp của chị Việt Linh, đạo diễn, trích phát biểu của các nhân vật nổi tiếng trong giới điện ảnh. Sách của NXB Văn hoá Sài Gòn lúc nào cũng vậy, thiết kế và in ấn rất đẹp. Cuốn này 10.000 đồng.
- Cùng hạng 10.000 đồng tôi còn nhặt được 3 cuốn nữa. Những cô gái đã chết không bao giờ viết thư của Gail Giles. Cô này tôi chưa đọc bao giờ nhưng thích cái bìa và giá rẻ nên vẫn mua. Cuốn này của nhà Bách Việt. Một cuốn nữa cũng của Bách Việt là Trước, Trong và sau Cuộc tình, Jean-Marc Parisis. Chẳng biết mua cuốn này vì cái gì, có lẽ là muốn biết "vòng đời" của một cuộc tình dưới ngòi bút của một nhà văn thì nó ra sao chăng. Một cuốn nữa là Di sản của Eszter, tiểu thuyết của Márai Sándor. Cuốn này ra từ 2008 nhưng hồi đó tôi chưa quay lại đọc sách Văn học nên không biết. Hoá ra Bốn mùa, Trời và Đất không phải là tác phẩm đầu tiên của Márai Sándor mà Nhã Nam xuất bản. Cũng vì đã đọc qua Bốn mùa, Trời và Đất nên vừa nhìn thấy cái tên tác giả trên bìa là tôi đã nhặt ngay Di sản của Eszter mà không xem xét gì cả, về nhà tính sau.-:)
- Mộng du và những truyện khác của Ngô Tự Lập là bản bìa cứng, đóng rất đẹp, nhìn cứ như một cuốn luận văn được làm kỹ lưỡng. Giá chỉ 20.000 đồng. Ở hạng này tôi cũng may mắn kiếm được cuốn Mưa của S. Maugham. Tôi chưa đọc cụ này bao giờ nhưng nhiều người nhắc đến quá nên cũng mua luôn. Sách được làm theo đúng phong cách của nhà xuất bản Hội Nhà Văn: thô kệch, quê mùa, nhưng đổi lại được cái chất. He he.
- Hoá ra những cuốn đắt nhất mà tôi mua trong Hội chợ cũng mới chỉ đến mức 30.000 đồng. Một cuốn là Hồ Điệp của Vương Mông, nhà Nhã Nam liên kết với Nxb Công an Nhân dân. Trước đó tôi đã đọc Hồi ký của cụ (cũng là sản phẩm của nhà Nhã Nam) nên nhìn thấy là mua ngay. Cuốn thứ hai là tác phẩm đã rất quen thuộc của John Steinbeck: Chùm nho phẫn nộ. Cuốn này của Nxb Văn học. Cuốn sách hay, tốt, dày gần 850 trang mà giá chỉ có 30.000 đồng, chưa bằng 1/3 giá bìa. Người bán vừa tính tiền vừa lẩm bẩm ra vẻ tiếc nuối.

Đúng là lần đầu tiên tôi mua được những thứ Rẻ mà không Ôi. Thích.

3. Bất đắc dĩ lại có gần hai tuần ở nhà làm những việc rất lâu rồi không làm: rửa bát, quét nhà, phơi quần áo, nấu cơm, đưa đón con đi học. Cảm giác rất khó tả. Hôm nay có một ngày nắng to sau nhiều ngày mưa. Nắng chiều xiên qua những mái nhà tập thể, hắt lên những gốc cây và ghế đá trong sân một vẻ đẹp bình lặng. Từ trong nhà bước ra sân, chợt nghe thấy rất nhiều tiếng chim ríu rít, rộn ràng trên những tán cây. Nghe thấy tiếng chim mà lòng tự nhủ, ồ, mình vẫn còn sống.

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Lịch sử Tình yêu

Yester-You, Yester-Me, Yester-Day

"Ngày hôm qua mọi nỗi muộn phiền của tôi dường như đã tan biến", the  Beatles đã mở đầu một bài hát của họ như vậy. Nếu coi "ngày hôm qua" như là lịch sử, thì trái với gì mà nhóm Tứ quái đã hát, những muộn phiền của việc dạy và học môn lịch sử ở nước Việt dường như đang lớn hơn bao giờ hết. Kết quả thi đại học khối C năm 2011 phải là một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử của các kỳ thi đại học, nếu như về sau người ta còn nhớ đến các kỳ thi này.

Tôi chẳng có gì to tát để nói về môn lịch sử, nhưng cũng phải gạch ra đây vài dòng:

1) Ngay sau khi có kết quả thi khối C, người ta đã phỏng vấn ông Bộ trưởng Bộ GD đương nhiệm. Đọc xong thì tôi chẳng còn gì để nói. Từ lâu tôi biết người ta đã ví Bộ GD là Bộ Vô GD, nhưng chỉ biết thế thôi. Sau khi đọc xong bài này thì tôi "ngộ" ra điều ấy. Từ "biết" đến "ngộ" quả là một quá trình dài, và nếu không có cái "Công án Thiền" nói trên của báo Lao động thì cái quá trình ấy hẳn là còn phải dài lắm.

2) Thời đã lâu lắm rồi, tôi cũng như các bạn thí sinh bây giờ thôi, dốt sử lắm. Ngoài việc tôi là "dân khối A" thì cái sự tại sao dốt Sử ông Bộ trưởng đã giải thích rồi. Tôi và các bạn được đúc ra từ cùng một cái lò thì kết quả nó cũng giống nhau thôi. Tôi cũng như các bạn ấy, chỉ là một "viên gạch khác trên bức tường". 

Đến khi đi làm và tiếp xúc với những người nước ngoài, tôi mới thay đổi suy nghĩ của mình về môn sử. Ngoài công việc, tôi và họ cũng hay chuyện gẫu. Bao giờ cũng thế, sau những câu chuyện ăn gì, ở đâu, background của mày là gì, tại sao đường chúng mày nhiều xe máy thế, trong giờ làm việc mà ngoài đường nhiều người thế,... thì lại là những câu hỏi về lịch sử. Và đến đây thì tôi tắc tị. Vốn ngoại ngữ đã ít, vốn lịch sử lại càng ít hơn, thế thì nói làm sao cho người ta hiểu. Tôi xấu hổ, và từ đó quan tâm nhiều hơn đến lịch sử.

3) Nhưng lịch sử thì rộng lớn và đa dạng. Tôi chẳng phải là dân làm sử, nên rốt cuộc tôi chỉ quanh quẩn ở mức tổng thể, không đi vào chi tiết, và cũng chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực: lịch sử kinh tế, lịch sử của một số người, một số vùng đất, đất nước mà tôi quan tâm. Tôi cũng không tìm hiểu lịch sử thông qua sách lịch sử, mà chủ yếu qua... văn học (trừ lịch sử kinh tế, nhưng cũng không hẳn thế, như tôi sẽ đề cập ở đoạn sau). Chẳng hạn tôi có thể hình dung ra cái xã hội miền Bắc VN thời những năm 30 40 50 của thế kỷ 20 nó như thế nào bằng vào việc đọc các tác phẩm của cụ... Tô Hoài. Có thể mọi người nghĩ tôi sai nhưng tôi lại cho đó là đúng. Lịch sử là cái gì nếu nó không phản ánh hơi thở của xã hội mà nó ghi lại. Tôi thấy những gì cụ Tô Hoài viết chân thực hơn rất nhiều những cột mốc ngày tháng năm, những con số khô khan ghi trong các sách giáo khoa lịch sử mà cái đầu bé mọn của tôi không thể nhớ nổi. Tôi không thích những người chép sử làm công việc của họ như là một kế-toán viên cho dòng chảy của lịch sử. Tất nhiên tôi biết việc đó là có ý nghĩa khoa học, nhưng không cần thiết cho người bình dân, không chuyên, như tôi chẳng hạn.

4) Tôi cũng như nhiều người khác thực sự không thích cách mà người ta tổ chức sự kiện Nghìn năm Thăng Long Hà Nội diễn ra năm ngoái. Nhưng tôi thực sự thích sự kiện này, ở khía cạnh là nhờ đó mà số sách lịch sử về Hà Nội tôi có được nhiều hơn bao giờ hết. Và cuốn nào cũng hay. Lịch sử Hà Nội của Phillip Papin, Đông Dương ngày ấy của Claude Bourrin, Phố phường Hà Nội xưa của cụ Hoàng Đạo Thuý, Nhớ và Ghi của cụ Nguyễn Công Hoan,... và rất nhiều cuốn khác nữa, đọc rất hứng thú. Có những cuốn có cách tiếp cận rất mới lạ, như Chuyện Thăng Long-Hà Nội qua một con đường của cố GS. Đặng Phong. Nhắc đến cụ mới lại nhớ ra, cuốn Tư duy Kinh tế Việt Nam 1975-1989 của cụ là sách lịch sử kinh tế mà tôi đọc say mê hơn cả đọc tiểu thuyết.

Kể ra như thế để thấy rằng, tự thân lịch sử rất hấp dẫn và không phải mọi người không quan tâm, mà vấn đề là cách nhìn nhận, đánh giá và truyền đạt nó như thế nào mà thôi.

5) Nhưng có một thứ lịch sử tôi đặc biệt quan tâm, chính là lịch sử gia đình mình. Những biến cố, những sự kiện của gia đình làm nên lịch sử của chính nó, đồng thời nếu ta hiểu cái lịch sử "nói chung" ở trên, ta sẽ thấy gia đình mình bị ảnh hưởng thế nào bởi xã hội bên ngoài, và qua mỗi thời nó đã chuyển biến thế nào.

Dù bận rộn, tôi cũng đang cố gắng để lưu lại những câu chuyện kể, từ những người trong gia đình nội ngoại, và qua cả trí nhớ và những quan sát của tôi, để hiểu rõ hơn nữa về lịch sử gia đình mình. Đó là phần "hồn" của lịch sử gia đình. Phần "xác" của nó, nghĩa là các hiện vật, đồ vật còn lưu giữ lại tôi cũng rất quan tâm. Ví dụ cái bát hương (đúng là cái bát nhé, vì nó được làm từ cái bát rất to, chứ không như bát hương bây giờ) có từ thời kỵ tôi hay cụ tôi? cụ tôi đã từng cắm hương trên cái bát đó, đến ông tôi, và bây giờ là bố tôi và tôi, có thể tiếp nối sang con tôi nữa. Những cái bát chiết yêu bà tôi để lại là do ngày xưa cả xã hội dùng nó, hay chỉ vài nhà như nhà bà tôi phải dùng đến vì quá nghèo? Ông tôi có để lại quyển sách nào không và ông đã đọc những gì? Hình như chỉ có duy nhất một quyển Tam Tự Kinh. Ông tôi không đọc nhiều sách. Cái tủ sách mà trong đó chứa chủ yếu sách của Nxb Cầu Vồng và Tiến Bộ mà bố tôi có là từ đâu ra? Một ông chú tu nghiệp ở Nga cung cấp. Những lá thư bố mẹ tôi trao đổi từ ngày họ còn xa cách bởi chiến tranh, tôi có nên đề nghị bố cho đọc? Đại loại thế. Tôi nghĩ lịch sử gia đình hứng thú và thiết thực hơn và ta nên quan tâm đến nó. Và xã hội sẽ loạn hơn nữa nếu người ta không quan tâm đến lịch sử của chính gia đình mình, chứ không chỉ là lịch sử nói chung trong sách giáo khoa của Bộ GD.

6. Khi suy nghĩ về lịch sử gia đình trên phương diện "khảo cổ", nghĩa là những đồ vật, tôi phát hiện ra một điều: thời XHCN chẳng có gì đáng để lưu lại cho con cháu. Những gì mà gia đình tôi còn giữ lại được là có từ thời phong kiến (đồ thờ cúng, bát, đĩa,..) và Pháp thuộc (những bộ ly chén pha lê của Pháp,...). Những thứ mới xuất hiện sau này chúng tôi có muốn giữ lại không? Muốn chứ, nhưng dường như không thể vì nó xấu xí, và hơn nữa, không bền. Cảm giác như mọi thứ đều tạm bợ, nhanh chóng bị phá hủy và bị thay thế. Và biến mất. Sự hiện diện của chúng có lẽ chỉ còn lại ở cái Triển lãm về thời bao cấp ở Bảo tàng Dân tộc học. Sự tạm bợ đó có lẽ sẽ dẫn đến một sự đứt gãy, không còn tính kế thừa của các đồ vật. Tôi rất muốn con trai tôi sau này sẽ đi du lịch với cái túi xách mà ông nội nó đã dùng trong rất nhiều năm, nhưng điều đó là không thể vì bố tôi chỉ có một cái ba lô lúc rời quân ngũ và nó đã hỏng sau đó. Tôi thì đã ra khỏi nhà với cái vali của mẹ tôi để lại, cái vali bằng giấy nện bọc simili giả da đã nhanh chóng mục nát sau những di chuyển thời sinh viên của tôi. Tôi cho rằng đó là một sự rời rạc, và càng làm cho các thế hệ khó gắn kết với nhau. May mà còn có những giá trị phi vật thể khác.

Suy rộng ra, đọc Tô Hoài và những tác giả đã dẫn ở trên, tôi lại thấy dường như xã hội sau bao nhiêu năm xây dựng "cái mới", lại như đang trở về cái thời mà các cụ đã mô tả cách đây mấy chục năm. Hình thức thì có thể thay đổi, nhưng tính chất thì y hệt. Nghĩa là lại đang quay lại cái mà chúng ta đã mất bao công sức để xoá bỏ. Nghĩa là, ở một khía cạnh nào đấy, nếu tôi chịu khó phấn đấu, cháu tôi vẫn có thể xài được cái túi da mà ông nó để lại, vì đấy là cái túi da của... Louis Vuitton.

Chẳng hiểu là tôi có nói quá lên không? Và đấy có phải là lịch sử không?

7) Cuối cùng thì tôi xin kết thúc những lời lảm nhảm của mình bằng một trích đoạn trong một ca khúc của Stevie Wonder mà tôi rất thích: Tôi-hôm qua, Bạn-hôm qua và Ngày-hôm qua (cũng là lịch sử mà-:))

"When I recall what we had
I feel lost I feel sad with nothing but
The memory of yester love and now
Now it seems those yester dreams
Were just a cruel
And foolish game we had to play"

* Viết bài này vì dạo quanh các blog thấy than phiền về kỳ thi lịch sử nhiều quá. Rất thích bài của cụ Nguyên Ngọc trên SGTT, đã đăng lại trên Blog Goldmund.-:)

** Bài phỏng vấn ông Phạm Vũ Luận là bài này: http://laodong.com.vn/Tin-tuc/Diem-lich-su-thap-la-van-de-cua-thoi-dai/52132

*** Đoạn viết về việc học sử thông qua sách văn học là để cho vui thôi, vì ai cũng biết như vậy là không có hệ thống. Văn học đâu có phản ánh hết được các thời kỳ lịch sử đâu. He he.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Móng

Trời mưa, đọc lại hồi ức "Cô bé nhìn mưa" của bà Đặng Thị Hạnh:

"Trong ký ức của tôi, ông ngoại được nhớ kèm theo một chồng sách bìa màu tím xám có vẽ một cái cân, nhan đề "Nhân đạo quyền hành", sau này ba tôi nói với tôi rằng đó là cuốn sách triết học duy nhất có giá trị thời ấy. Tôi thường thấy ông tôi nằm sấp trên sập, hai chân co lên, đọc những cuốn sách chữ nho bằng giấy bản cao và hẹp mà ông tôi dùng ngón tay cái có móng dài cấu vào để giở ngược các trang."

Có lẽ Italo Calvino mới chỉ để ý đến "tư thế" mà chưa nói về chuyện móng tay của người đọc nên dài hay nên ngắn.

Hay là mình để móng tay dài nhỉ?

Bạn Tít

Bạn Tít năm nay lên lớp 2, là anh cả trong nhà. Cả Bố và Mẹ đều là con cả trong gia đình, mà các cụ đã nói rồi: Cả Đần, thành ra bạn Tít hưởng trọn vẹn cái "gene" ngố của bố mẹ. Lại thêm cái bạn Tít rất mê truyện Doreamon nên cũng có nhiều nét giống bạn Nobita.

#1. Bạn Tít bị đau mắt, phải đeo kính râm. Bố dặn bạn Tít phải đeo thường xuyên, không được tháo ra. Lúc nước mắt ra nhiều, mẹ đưa cho bạn Tít cái khăn bảo lau mắt, bạn Tít vui vẻ cầm khăn rồi lau ra... ngoài kính. Cả bố và mẹ trợn mắt nhìn nhau, còn bạn Tít thì thanh minh: tại bố cứ dặn không được tháo kính ra. 

#2. Bạn Tít lần đầu được đi dự một lễ Hầu đồng vì cả nhà đi hết, không biết gửi bạn Tít ở đâu. Vào đoạn cao trào, mẹ nhắc Tít để ý bà đồng. Tít không để ý cứ tập trung vào đọc Doraemon, còn bảo: Tít biết thừa rồi. Tít xem đĩa rồi. Tí nữa có đoạn vung tiền cơ, Tít chộp cho mẹ xem. -:)

Đến đoạn bà đồng phát lộc, Tít xông ra ngay, rồi xoè tay xin lộc. Được tiền bạn Tít hí hửng lắm, đếm đi đếm lại rồi đem về cho mẹ cất, rồi phán: Thế này thì sắp giàu to rồi. -:) Đúng là con nhà nghèo. Hí hí.

#3. Cũng trong buổi lễ trên, bạn Tít đọc hết Doraemon, chẳng còn gì đọc nữa nên quay ra đọc tạp chí Món Ngon mẹ mang theo. Chẳng hiểu thế nào mà bạn Tít vừa đọc vừa... liếm mép liên tục. Lại thật đúng là con nhà nghèo.

#4. Còn đây là chân dung bạn ấy, chụp cách đây bảy tháng. Bây giờ thì bạn ấy đã "trậng" một răng cửa rồi, và đang lung lay cái thứ hai. 

Chuyện xưa kết đi được chưa? He he.

Pictures Sent From PhotoPad by ZAGG

Bonus kỷ lục cuối ngày:

1. Cũng vì nhà cháu nghèo quá, lâu lâu mới lại được một bữa, nên tối nay cả nhà đã đồng tâm hiệp lực thanh toán hết gần ba chục chiếc... chân gà luộc. Hic.

2. Còn bố cháu thì sắp bổ sung vào bộ sưu tập gạch một viên gạch mới. Lần này là "gạch xỉ". Viên gạch ấy đây:

photo.JPG

Có vẻ như là chuyện xưa vẫn còn dài lắm, chưa kết được.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Sống để kể lại

Chẳng có chuyện gì mới, lôi chuyện cũ ra kể lại.

1. Chuyện xảy ra cách đây 4 tuần (bản quyền bác Goldmund)

Một đêm mưa Hà Nội. Không ngủ được. Lang thang vào hiệu sách trên mạng, nhà Vinabook. Mua một lô sách, trong đó có Nếu một đêm đông có người lữ khách.

Ba ngày sau, đang ngồi trong phòng làm việc thì lễ tân báo xuống có người mang sách đến. Trái lệ thường là nhờ người xuống lấy, lần này mình xuống tận nơi. Một cô bé áo mưa mũ bảo hiểm đứng dưới mưa lướt thướt, tay cầm tờ hoá đơn cũng ướt nhẹp, rũ ra như sắp rách. Cái hộp carton đựng sách quen thuộc của Vinabook thì đã nằm gọn gàng trên bàn người thường trực, đã ngấm ít nước mưa. Ông thường trực giải thích, đã mời cô ấy vào nhưng cô ấy không nghe. Cô "postwoman" cười, không sao anh ạ. Mưa thế này, cởi áo mưa ra rồi mặc vào lích kích lắm.

Buổi trưa hôm ấy, có một gã ngồi ngả ra ghế bành, hai chân gác lên một cái hộp carton trong gầm bàn, tay thì lần giở những trang đầu tiên để đọc Chương 1 của cuốn Nếu một đêm đông có người lữ khách. Vừa đọc vừa lẩm bẩm, quái, tiểu thuyết gì mà lại viết trúng Tim đen của người đọc thế nhỉ? Ngoài cửa sổ, những tàng hoa điệp vàng vẫn quằn quại dưới cơn mưa mùa hạ.

Italo Calvino đã đến với tôi như thế đấy.

2. Chuyện xảy ra cách đây 1 tuần

Mẹ đi công tác vắng. Ba bố con ở nhà đánh vật với nhau. 

Sáng Chủ Nhật, ba bố con dậy muộn, đi Vincom xem Cars 2, chơi game, rồi vào PizzaHut. Bố nhắn tin để mẹ thèm.

Buổi chiều cả hai ông con cùng không ngủ, ra sân khu tập thể chơi với các bạn hàng xóm. Chơi đến chiều muộn. Nhìn hai con mồ hôi chảy ròng ròng, quần áo lấm lem và mặt mũi chân tay thì bẩn như chưa bao giờ được bẩn, thấy lòng vui một cách lạ kỳ.

Cứ chơi đi cho nó sướng con ạ. Lớn lên khổ lắm. 

Hôm đó đã định đi tìm phim Mẹ vắng nhà về để ba bố con cùng xem, nhưng thế nào lại thôi. Mẹ nhắn lại qua điện thoại: làm phim mới đi. -:)

3. Chuyện xảy ra hôm nay

Cả ngày Chủ Nhật không ra khỏi nhà, thấy cuồng cẳng quá. Thế là mặc dù đã 21h30, cả nhà vẫn xách xe ra phố. Lượn một vòng Hồ Gươm, rồi về.

Thế là vẫn đảm bảo chỉ tiêu không có ngày nào ở trong nhà quá 24 tiếng.

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

K. V.


Nhà văn kiệt xuất Albert Murray, sử gia nhạc jazz và là một trong những người bạn của tôi, bảo tôi rằng suốt thời kỳ nô lệ ở đất nước này, tỷ lệ tự sát trên đầu người trong số các chủ nô cao hơn nhiều so với tỷ lệ tự sát trong số các nô lệ.

Murray nói có lẽ là do những người nô lệ có cách đối phó với chứng trầm uất, cách mà người chủ da trắng của họ không có: họ có thể đuổi Lão Già Tự Sát đi bằng cách chơi và hát nhạc Blues. Ông nói một điều nữa mà tôi nghe cũng thấy đúng: nhạc Blues không thể đuổi hẳn u uất ra khỏi nhà, nhưng có thể dồn nó vào góc tường của bất kỳ căn phòng nào có tiếng nhạc Blues. Vậy nên xin hãy nhớ điều đó.

**

Bằng chứng duy nhất ông cần để chứng tỏ sự tồn tại của những thượng đế là âm nhạc.

Trích K. V, không phải Kurt Cobain.-:)

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

A Whiter Shade of Pale

Không hiểu vì cơn cớ gì mà mấy ngày gần đây giai điệu của bài "A Whiter Shade of Pale" cứ quay lại quanh quẩn trong đầu tôi. Đã lâu lắm rồi tôi không nghe Procol Harum, cũng như cái bài hát đã làm nên tên tuổi của ông. Thế mà bây giờ nó trở lại, với giọng điệu đặc biệt của Procol và chuỗi âm thanh ma mị của tiếng đàn organ, mỗi khi có cơ hội. Cơ hội đó có thể là khi tôi đang một mình trên phố với xe cộ ngược xuôi, khi đang rửa bát một mình trong bếp, hay những khi vừa rời khỏi một cuộc họp và châm một điếu thuốc. Hẳn là phải có một sức mạnh nào đó thì những giai điệu này, vốn đã nằm rất sâu trong tiềm thức, mới  có thể ngoi lên khỏi cái đống hỗn độn trong đầu tôi để đòi quyền được nhớ đến. 

Thật là vui khi những giai điệu kỳ lạ của bài hát cứ vang mãi trong tôi, mặc cho nơi quán xá tôi ngồi đang chơi BuddhaBar, hay mặc cho những còi xe huyên náo trên đường, hay mỗi khi nó hoà lẫn vào tiếng nước tan chảy từ vòi nước. Đặc biệt hơn nữa, mỗi khi ngọn lửa từ cái bật gas  tắt đi và tôi vừa châm xong điếu thuốc, thì cũng là lúc Procol Harum kết thúc câu intro của bài hát: We skipped a light fandango, turned cartwheel across the floor.

* Mỗi khi nhớ đến cái tên Procol Harum, tôi lại liên tưởng đến từ Alcohol. -:)

** Đây là một bài hát mà tôi chưa từng tìm hiểu xem tên của nó có nghĩa là gì, ngay cả lúc đang viết những dòng này.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Sách mới chả sex

Tôi đọc sách đơn giản vì nó đem lại nhiều niềm vui, hay ít nhất cũng vì nó khỏa lấp được những nỗi buồn. Đọc lâu rồi thành thói quen, đến mức tôi cũng chẳng bao giờ để ý hay tự hỏi, mình đọc sách để làm gì nhỉ?

Giờ ngồi nghĩ lại tôi thấy mình đọc sách chẳng phải để đi tìm những triết lý cao siêu, những lời răn dạy, cũng chẳng phải là một kiểu "khám phá thế giới". Xét cho cùng những điều tôi thu hoạch được từ những cuốn sách thường là nhỏ bé, vụn vặt. Chẳng hạn khi còn nhỏ, những thứ đọng lại trong tôi sau khi đọc Không gia đình là những con phố sương mù bẩn lép nhép của thành London, rằng thì ở nước Anh người ta không chặt cành cây, món sữa bò có vị thơm hoa cam ở một vùng nông thôn nước Pháp, hay là món khoai tây luộc ăn kèm với thịt bò nướng,... Hoặc như sau này khi đã lớn, đọc Murakami chẳng hạn, tôi thấy vui khi bắt gặp trong những trang sách của ông bản nhạc mà tôi yêu thích, và sau đó nữa, thích thú hơn khi nhặt được ngoài hàng băng đĩa một CD do chính Murakami làm Nhà sản xuất (*). Hoặc như khi đọc Hành trình ngày thơ ấu chẳng hạn, cái hình ảnh ấn tượng nhất là cái bóng đèn thủy tinh lấm tấm bọt, được rửa sạch bong trong nhà cậu bé Cọn. Nói chung là toàn những thứ linh tinh lang tang như vậy, chẳng đáng kể gì.

Thế nhưng nó vui, và tôi biết tất cả những điều nhỏ bé li ti đó đã vô tình góp phần làm nên con người tôi như hôm nay. Quá trình đó diễn ra một cách vô thức, và tôi cũng đọc một cách vô thức như vậy, không cố gắng, không lên gân. Tôi để việc đọc và cảm nhận diễn ra một cách tự nhiên, như ăn uống hít thở hàng ngày vậy. Và để mặc cho trí tưởng tượng của mình đi theo từng con chữ, lang thang, vô định, không chủ đích.

Vậy nên trí tưởng tượng bé mọn của tôi chẳng thể hiểu được, tại sao và làm thế nào, việc đọc tiểu thuyết lại có thể "gần với ái ân", như là bác Nhật Chiêu đã nhận định như vậy, trong bài điểm sách đăng trên SGTT hôm qua. Hay là bác Nhật Chiêu đã quá thấm và ngộ tinh thần Thiền của nước Nhật nhỉ?

Giờ thì ta đã có thể yên tâm "ăn chay", miễn là trong nhà có nhiều tiểu thuyết. He he.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Grey morning (tiếp theo và hết)

#1
Grey Morning 3

#2
Grey Morning 2

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Trên sa mạc và trong rừng thẳm

1. Tôi đọc Trên sa mạc và trong rừng thẳm đâu đó năm mười tuổi. Hai mươi nhăm năm đã đi qua, tôi chẳng còn nhớ nhiều chi tiết, nhưng có lẽ truyện đó cùng với Đảo Hoang của Tô Hoài đã gợi cho tôi sự ham thích với những khu rừng và ước muốn được lên đường. Mặc dù không nhớ nhiều, nhưng có hai chi tiết của Trên sa mạc và Trong rừng thẳm tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ. Một là truyện đó được viết xong vào năm 1911, tôi nhớ vậy là vì đã đánh đồng năm đó với năm... Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. -:) Hai là các nhân vật trong truyện đã phải dùng đến một loại thuốc có cái tên rất lạ với đứa trẻ là tôi thời ấy: ký-ninh, loại thuốc chủ trị sốt rét, và ở thời điểm diễn ra câu chuyện, nó không chỉ chữa sốt rét mà còn là loại thuốc chữa bách bệnh. Nó là một loại dược phẩm khan hiếm nhưng là thứ phải có trong những cuộc thám hiểm rừng rậm dài ngày. Tôi nhớ được có lẽ do liên hệ với căn bệnh sốt rét mà bố tôi vẫn kể sau khi ông từ chiến trường Tây Nguyên trở về. Rất lâu sau bối cảnh của câu truyện trên, những người lính như bố tôi vẫn phải dựa vào ký-ninh để chấm dứt những cơn sốt rét của mình.

2. Khi tôi viết những dòng này thì đã hết nửa năm 2011. Đã một trăm năm kể từ khi Trên sa mạc và Trong rừng thẳm được viết ra. Và vẫn có một thằng là tôi dùng ký-ninh mỗi ngày. Tôi biết điều đó là nhờ vào dòng chữ "Có chứa Quinine" trên vỏ lon Tonic tôi dùng để đổ vào ly Gin mỗi tối. Uống đều. Chẳng phải là để chữa sốt rét, mà là những cơn sốt triền miên của mệt mỏi, dằn vặt, buồn bã. Những nỗi buồn phát sốt. Nếu là một cơn sốt vì tình yêu một thời, như nhóm Bee Gees đã thổ lộ qua Saturday Night Fever, thì lại là một nhẽ. Đằng này lại là phát sốt vì những bức bối ngột ngạt thường ngày. Tôi cũng như đang lang thang trên một sa mạc, không chết khát vì thiếu nước mà chết vì thiếu những  ý tưởng mới. Mọi việc thì rối mù và tôi cũng như đang lạc trong một khu rừng rậm, thăm thẳm sâu mà chưa tìm ra lối thoát.

3. Hiện thời thì tôi chỉ biết uống Quinine đều đặn mỗi ngày, để ngăn ngừa những cơn sốt. Nhưng uống nhiều mới biết, cái thứ Dry London Gin cũng gây khát nước không khác gì đi trên sa mạc, và làm cho đầu óc quay mòng mòng như lạc trong rừng thẳm thật.

Giữa mớ bòng bong ấy, vẫn bùng lên câu hỏi, khi nào thì được uống Gin & Tonic để chữa trị cho những Saturday Night Fever, và chỉ cho những cơn- sốt-đêm-thứ-Bảy mà thôi?

4. Những lúc như thế này lại thèm được nghe Eric Clapton rên rỉ cùng ngón guitar điêu luyện điệu blues kinh điển: Nobody Knows When You Are Down and Out.

Once I lived the life of a millionaire 
Spent all my money, I just did not care 
Took all my friends out for a good time 
Bought bootleg whiskey, champagne and wine 

Then I began to fall so low 
Lost all my good friends, I did not have nowhere to go 
I get my hands on a dollar again 
I'm gonna hang on to it till that eagle grins 

'Cause no, no, nobody knows you 
When you're down and out 
In your pocket, not one penny 
And as for friends, you don't have any 

When you finally get back up on your feet again 
Everybody wants to be your old long-lost friend 
Said it's mighty strange, without a doubt 
Nobody knows you when you're down and out.

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Ba điều ước

Những giấc mơ mới, kết quả của một buổi tối trời mưa, ở nhà lang thang trên mạng.

1. Fujifilm FinePix X100

photo.JPG

photo.JPG

2. Bản đĩa than của Album này:

photo.JPG

Thiện tai, thiện tai.-:)

Ước gì tối nay không mưa và không có mạng để cập nhật thông tin. Thế là đủ ba điều ước nhá.

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Grey Morning

"And here comes another grey morning 
A not so good morning after all 
... "well, what am I to do today 
With too much time and so much sorrow"
(Another Grey Morning, James Taylor)

#1
Grey Morning 5

#2
Nguoc sang 7

#3
Nguoc sang 6

#4
Nguoc sang 5

#5
Nang xien 3

#6
Nang xien 2

#7
Lo xo 2

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Nhã Nam

Vào xem sách giảm giá của Nhã Nam trên trang tiki.vn, nhặt ra đây những cuốn đã có. Thứ tự theo dàn trang của tiki.vn.

1. Nếu một đêm đông có người lữ khách
2. Một tiểu thuyết Pháp
3. Thơ Hoàng Cầm
4. Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847-1885)
5. Trò chuyện trong quán La Catedral
6. Xuân Quỳnh, Không bao giờ là cuối
8. Nhóc Nicolas, trọn bộ
9. Những ngã tư và những cột đèn
10. Henderson, Ông hoàng mưa
11. Đầu óc người Ý
12. Con lươn chép miệng
13. Lịch sử Hà Nội
14. Cedric, trọn bộ
15. Thị Dân
16. Bốn mùa, Trời và Đất
17. Cà phê Mưa
18. Người chăn kiến
19. Thơ Nguyễn Duy
20. Istanbul
21. Vô tri
22. Chúa ruồi
23. Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
24. Haroun và Biển truyện
25. Viết
26. Ngàn dặm không mây
27. Biển và chim bói cá
28. Chỉ tại con chích choè
29. Lại chơi với lửa
30. Vu khống
31. Tình yêu kéo dài ba năm
32. Ba ơi, mình đi đâu?
33. Moon Palace
34. Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình
35. Hội hè miên man
36. Vũ trụ trong một nguyên tử
37. Thế giới là một cuốn sách mở
38. Shiddharta
39. Nam tước trên cây
40. Những bài Dã sử Việt
41. Ăn, Cầu nguyện, Yêu (cái này vợ mua, -:))
42. Những mối tình nực cười
43. Tôi nói gì khi nói về chạy bộ
44. Biên niên ký chim vặn dây cót
42. Trên đường
43. Dưới bóng những cô gái tuổi hoa
44. Kalson trên mái nhà
45. Tobie Lolness, trọn bộ
46. Giết con chim nhại
47. Du hành cùng Herodotus
48. Bắt trẻ đồng xanh
49. Quê hương tan rã
50. Gấu Pooh xinh xắn
51. Lũ trẻ nhà Penderwicks
51. Momo
52. Con người hoan lạc
53. Cuộc đời của Pi
54. Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, -:)

Chỉ còn một số cuốn muốn mua:
1. Tuyết
2. Khuyến học
3. Cuộc sống ở trước mặt
4. Ở lưng chừng thời gian
5. Biếm hoạ Việt Nam (Lý Trực Dũng)

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Này thì mọt sách

Thấy bài này vui, chép lại hầu bà con.

Bản gốc trên Lao động Online.


Con mọt sách
06/07/2011 08:56:36 AM

(LĐ) - Hồi đầu những năm 70 thế kỷ XX, ở Hải Phòng có 2 người đàn bà nổi tiếng trong giới trí thức. Họ không viết văn, làm thơ, soạn nhạc hay cầm cọ vẽ, nhưng họ có quyền phân phát các tiểu thuyết lừng danh nhất, những tập thơ tuyệt vời nhất, các đĩa nhựa ghi 9 bản giao hưởng của Beethoven hoặc những kiệt tác (in lại) của các danh hoạ thuộc trường phái ấn tượng Pháp.

Họ là hai người bán sách tại cửa hàng sách trung tâm của Cty phát hành sách Hải Phòng. Một người bán sách ngoại văn, một người bán sách quốc văn. Họ được chiều nịnh, tôn vinh như hai bà hoàng (mà họ cũng kiêu và xinh đẹp thật!), vì người Hải Phòng rất mê đọc sách. Trừ loại lý luận - chính trị, kinh tế - khoa học, còn sách văn học thì được phân phối như áo may ô và dép nhựa Tiền Phong...
Trưởng phòng mới được quyền đọc “Bà Bovary”
Vì sách văn học là hàng mậu dịch phân phối, nên mua sách cũng phải có tiêu chuẩn. Phải là cấp từ trưởng phòng thuộc sở trở lên mới được mua cuốn “Bà Bovary” của văn hào Pháp Flaubert. Kẻ viết bài này một lần chứng kiến cuộc đối đầu âm thầm giữa ông lãnh đạo Cty phát hành sách Hải Phòng – một người giản dị, cục mịch như bức tường đất - với một cô gái dạng người não nhiều hơn ngực.
Không nao núng trước ánh mắt cầu xin của cô giáo trẻ dạy văn, ông đáp lại bằng cái nhìn thương hại nóng hổi và oai vệ phán như vị quan toà luận tội: “Phải ở vị trí như vậy, người ta mới đủ nhận thức để đánh giá được sự tha hoá đạo đức của tầng lớp thị dân tư sản!”. Thế nhưng, dù mới tốt nghiệp phổ thông, mặt vẫn mọc mụn trứng cá, tôi cũng mua được “Bà Bovary” vì có ông chú nguyên là giám đốc “Ba toa” (lò mổ gia súc Hải Phòng) viết cho cái giấy giới thiệu đi kèm nửa cân sườn lợn.

Một “con mọt sách” (ảnh minh hoạ). Ảnh: H.L.Q
Phàm đã là hàng phân phối bao giờ cũng hiếm. Chẳng hạn, một năm cả miền Bắc có trên dưới 40 đầu sách văn học xuất bản. “Hot” nhất hồi ấy là sách văn học nước ngoài. Chỉ những tác giả, tác phẩm được đánh giá là “rõ ràng” mới được tuyển dịch (mà dịch thì rất cẩn thận). Các bậc thầy của chủ nghĩa hiện sinh như Jean Paul Satre, Albert Camus... chỉ tồn tại trong những sách phê bình. Dostoievsky và B.Pasternax cũng không được dịch, mặc dù nguyên bản tiếng Nga thì tràn ngập các kệ sách.
Ngoài vài truyện ngắn của O’Henry và Jack London, người miền Bắc không được đọc “Chùm nho nổi giận” hay “Âm thanh và cuồng nộ” (của John Steinback và William Faulkner – các nhà văn Mỹ). Thậm chí họ đã phải xem “Những bức thư của người đàn bà không quen biết” (Stefan Zweig) qua bản chép tay! Sách hiếm như vậy, cho nên chỉ có những người mê sách như là mê gái mới chịu khổ nhục để được chạm tay vào cuốn “Đồi gió hú” thuộc dạng tài liệu tham khảo nội bộ!
Mỗi khi nghe tin đồn sách mới về, những con mọt sách lại chạy vội ra hiệu sách, hí hửng chầu chực như chú mèo ngồi chồm chỗm trước chảo cá rán đậy kín, vì sách quý thường bị giấu dưới quầy. Họ nhận ra rằng muốn mua được sách, tìm đường đi vào trái tim của người bán sách dễ hơn bằng giấy giới thiệu. Thế nên, trước hết phải thật ngọt ngào, cầu tài cô bán sách bằng nụ cười, nhưng phải là một nụ cười không để họ nghĩ bạn phải đến bác sĩ răng (hồi đó không có tệ hối lộ tiền). Đấy là nghi lễ dọn đường bắt buộc cho sự thành công, vì lễ ở phương Đông đóng vai trò như luật ở phương Tây.
Sau đó hãy tỏ ra thật đáng thương, dằn vặt hơn cả đau răng nếu như không mua được sách. Một con mọt sách thời đó, tôi nhớ anh ta gầy mỏng đến nỗi không biết cơ thể có đủ chỗ để chứa hết lục phủ ngũ tạng hay không, đã thành công trong hầu hết vụ “mua-ăn xin” sách, vì dai như con đỉa đói.
Trong nhiều gia đình, sách được bày ở nơi kín đáo nhất, vì nó được giữ như của gia bảo. Con mọt sách kỵ nhất là cho mượn sách. Sách là thứ hồi môn ảo sang trọng để các chàng trai đem đi hỏi vợ. Có bà mẹ vợ (bán vàng chợ Sắt) hãnh diện nói về gia đình thông gia: “Nhà bên ấy nghèo, thế nhưng anh ấy là người đọc sách!”. Và cô dâu mới đã cậy nhờ mua tặng chồng một đống sách để thể hiện trọng lượng tình yêu của mình. Họ trở thành một gia đình hạnh phúc hoàn hảo: Chồng đọc sách, vợ có tiền!
Sách được tôn trọng như vậy, cho nên thành phố đầy đường những người đọc sách, ngốn sách như bò ngốn cỏ. Thanh niên ngày nay đánh giá nhau bằng đi con xe nào. Thanh niên ngày ấy hỏi nhau đã xem “Bông hồng vàng” của Pautovsky hay “Cây phong non trùm khăn đỏ” của Aimatov chưa? Họ sẽ thất vọng khi đối tác chưa đọc qua “Hội chợ phù hoa”. Ngay cả trong lúc bom rơi đạn nổ, sách vẫn nằm trong balô theo người thành phố về những miền quê sơ tán. Người ta vẫn đọc “Chiến tranh và hoà bình” dưới hầm trú ẩn, trong ánh đèn dầu phòng không.
Nghịch lý của sách
Năm 1975 - một cánh cửa mới của sách được mở. Trong đám những người miền Bắc vào Nam trở về với chiếc balô lủng lẳng cái khung xe đạp, đài bán dẫn, búpbê nhựa, có những người đi tìm sách. Họ kinh hoàng khi bắt gặp cảnh tượng sách được bày bán, được chồng đống từ mặt đất lên nóc nhà trên suốt con đường Calmette, Sài Gòn.
Không cần là cấp trưởng phòng, hay nở nụ cười cầu tài với cô bán sách, chỉ cần có tiền là mua được cả kho tàng thông tin đồ sộ của cả loài người, từ Thánh kinh đến “Tài liệu mật của Lầu Năm góc” được tiết lộ trên tờ New York Times, từ các tác giả đoạt giải văn chương Nobel đến những đại diện của mọi trường phái tư tưởng... Có vị đại uý công binh (tốt nghiệp Đại học GTVT miền Bắc) khi rút ra khỏi thành cổ Quảng Trị (năm 1971) đã liều chết cõng theo mình 60kg bộ “Đại từ điển Britania” trong một ngôi nhà cháy dở và gặp ở đây (chợ sách Calmette) gần một chục bộ tương tự.
Lần đầu tiên họ được đọc “Mật khải” của K.Gilbran, “Zarathustra đã nói như thế” của Nietzche, “Thiền và phân tâm zuki của Fromm, những cuốn sách học” của Suzuki và Fromm, các cuốn sách không chỉ mở cho họ thấy những chân trời thế giới mới, mà còn được in rất đẹp trên các trang giấy mịn và thơm như làn da trẻ thơ. Bây giờ họ không kháo nhau về “Cây phong non trùm khăn đỏ” nữa, mà hỏi nhau đã được đọc “Bác sĩ Zhivago” hay “Giờ thứ 25” chưa. Những tưởng bắt đầu thời đại của sách, một con mọt sách hí hửng nói chơi: “Loài người chỉ còn 3 loại: Những người sống, những người chết và những người đọc sách!”.
Thế nhưng, cánh cửa đổi mới càng mở, càng nhiều sách thì người đọc càng ít. Hoá ra cùng với sách vở, người ta còn phát hiện ra vô số niềm vui trần tục, mà trong chiến tranh chúng là vô nghĩa so với cuộc sống – cái chết: Ẩm thực, thời trang, du lịch, những môn thể thao mới mẻ như golf, tennis... Tất cả đều lên tiếng đòi “thị phần” của mình trong khoảng thời gian bất biến 24 giờ/ngày của đời người.
Đấy là chưa kể khát vọng làm giàu dâng cao ngùn ngụt, chúng nuốt chửng bao thời gian. Đặc biệt khi Internet xuất hiện, đổ thông tin vào đầu người với tốc độ gần bằng ánh sáng, thì sách tuột sâu ra khỏi vị trí thống trị tư tưởng con người. Sách không còn là tấm gương duy nhất quan trọng để con người soi vào đấy thấy thế giới, thấy chính mình. Đã thế, khi sách nhiều quá tràn ra vỉa hè, văn chương sọt rác xuất hiện trở thành sữa mẹ của một tầng lớp thanh niên, truyện tranh lên ngôi, truyện dịch ẩu như là “diệt”.
Khi con người đổ xô đi đào vàng, đồng đôla được tôn vinh thành giấy thông hành lên trời, thì những con mọt sách biến mất dần khỏi mặt đất như những chiếc cối xay gió của thế kỷ XVIII. Từ “con mọt sách” trở thành đồng nghĩa với “hâm”. Bà bán hàng vàng chợ Sắt bắt đầu sốt ruột hộ cô con gái và thấy tiếc thằng vai u thịt bắp hàng xóm ngày xưa nay là chủ hai mỏ than ở ngoài Quảng Ninh.
Vắng khách dập dìu, những cô bán sách bắt đầu già và xấu đi. Họ ngồi suốt ngày tỉa lại lông mày trong các nhà sách yên tĩnh như hồ nước của ngày hè nóng nực. Ông giám đốc mới của Cty phát hành sách Hải Phòng lặn lội vào Nam đi tìm mối hàng văn hoá phẩm, văn phòng phẩm để lấp đầy các kệ sách. Chỗ ngày xưa Hemingway và Remarque (nhà văn Đức) “ngồi”, thì nay chễm chệ những chiếc đồng hồ điện tử Nhật Bản, băng keo và tả pí lù. Từ đó, những cô bán sách đời mới bắt đầu giàu lên. Họ hỏi Remarque có phải là tiền Đức không?
Không thể võ đoán nói rằng ngày nay người ta đâm chém nhau nhiều vì không đọc sách. Nhưng rõ ràng rằng vắng sách, tâm hồn con người sẽ nghèo nàn, nhạt nhẽo đi, đầu óc con người sẽ thiếu đi sự sâu sắc vì văn hoá mạng là một thứ mì ăn liền. Chừng nào loài người còn sống, còn tồn tại sách. Những con mọt sách sẽ sống lại và phát triển, bởi đọc sách là nhu cầu tinh thần và niềm vui cao quý.
Hà Linh Quân