Recent Posts

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Giếng

Tại sao lại là Giếng?

1) Trong làng có Giếng. Làng có thể di dời, nhưng Giếng làng thì vẫn còn nguyên ở lại. Giếng, do vậy là tĩnh lặng, bất biến và dửng dưng với mọi bể dâu. Giếng lấy nước trong mạch ngầm chảy ra, do vậy múc đi cũng không cạn bớt, nước rớt xuống chẳng đầy thêm, đầy mà không tràn, do vậy, Giếng là một thứ vĩnh hằng.

2) Giếng cho nước ngọt, công dụng của nó là ai cũng đến lấy nước, do vậy có ích cho mọi người. Hơn thế, Giếng còn giúp mọi người mà như vô tâm, có người đến với Giếng nó không mừng, mà người mang nước đi Giếng cũng không tiếc. Người ta quý cái Giếng cũng là ở đức ấy.

3) Người đi lấy nước, đã tới nơi rồi, chưa kịp thòng dây gầu xuống mà đã đánh vỡ cái bình đựng nước rồi thì thật uổng công. Giếng, do vậy, dặn mọi người rằng làm việc gì cũng phải cẩn thận, đến nơi đến chốn để khỏi thất bại nửa chừng.

4) Từ đáy Giếng lên đến miệng Giếng, bắt đầu chỉ thấy bùn, dần dần lên tới miệng Giếng là đã có thể nghe tiếng gió thổi, tiếng chim hót, thấy được trời xanh bao la. Ai đã từng lặn mò dưới đáy Giếng mới có thể cảm được sự sung sướng, nhẹ nhõm và trong lành lúc leo lên tới miệng Giếng. Người lúc nào cũng ở trên miệng Giếng chỉ thấy tầm thường, không lúc nào có được cái cảm giác đó. Đáy Giếng tối tăm vừa rình rập khí độc, vừa ngập ngụa hơi bùn, thậm chí còn làm con người ta chết ngạt. Nhưng nước đã múc lên đến miệng Giếng rồi thì cứ yên tâm mà uống vì chỉ còn là nước ngọt mát mà không còn tí dấu vết nào của khí độc. Do vậy, thời khắc nước được múc lên khỏi miệng Giếng chính là thời khắc tuyệt vời nhất, nơi cái tốt nhất chỉ cách chốn độc địa, chết người có vài sải tay.

Cuộc đời không thiếu gì những “miệng Giếng” như thế, nhưng chỉ có ai vừa từ “đáy Giếng” chui lên mới có thể giác ngộ cái thời khắc tuyệt vời ấy nơi “miệng Giếng”.

Đó chính là tinh thần của quẻ “Tỉnh”, nghĩa là cái Giếng trong tiếng Hán, tên đầy đủ là Quẻ thứ 48-Thuỷ Phong Tỉnh trong Kinh Dịch. Tôi đã nương theo tinh thần đó mà đi xin lấy một chữ “Tỉnh” nhân dịp đầu xuân Canh Dần. Khi nghe tôi trình bày ý định của mình, người cho chữ chỉ nói một chữ “Được” rồi xuống bút ra ngay một chữ “Tỉnh” rất giản đơn. Viết xong ông nắn nót viết thêm hai dòng “phụ chú”. Tôi hỏi hai hàng chữ đó nghĩa là gì, ông chỉ trả lời đơn giản: “Trí tuệ sâu như Giếng” và “Người viết, Tiến sĩ Cung Khắc Lược”.

Quả là một món quà tinh thần ngoài mong đợi.