Recent Posts

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Thank you for the music

Khởi đầu là trang SGTT.

Đang trong lúc mọi nơi sôi sục lên vì vụ giải tán IDS thì trang này lại làm một bài dài phỏng vấn bác Phạm Duy Hiển về... lối sống. Đã thế lại còn ghi chú rất rõ ràng rằng ông là "cựu" thành viên IDS.

Nghĩ một lúc cũng thấy logic, vì sống thì phải cãi. Do đó, "lối tranh cãi" hay nôm na là cãi theo kiểu gì cũng là một phần của lối sống. Vì thế, mục Giá trị sống của SGTT cho chạy feature về một thành viên của một cái viện chuyên về cãi, cho dù cái viện đó giờ đã tự giải tán, thì cũng là hợp với lẽ tự nhiên.

Trong bài, bác Hiển có nói một câu tự trào làm mình ngạc nhiên: "Từ lúc nghỉ hưu mình thật sự được tự do. Tự do làm việc, nghỉ ngơi, giao tiếp, nhưng trên hết là tự do cô đơn trong cái không gian học thuật nhỏ bé của mình".

Có lẽ, sau hàng nghìn năm bắc thuộc, "tự do" đã trở thành ham muốn bậc nhất, đến mức ham muốn đó đã ngấm vào máu thịt của mọi người dân Việt. Đến mức hai chữ Tự do đã trở thành một phần trong Slogan của nước Việt bây giờ, thậm chí còn đứng trước cả Hạnh phúc, như một điều kiện cần phải có cho Hạnh phúc.

Vậy mà phải đến lúc nghỉ hưu mới có được tự do "thật sự". Như thế nghĩa là suốt mấy chục năm chưa nghỉ hưu, một nhà khoa học đáng kính như Giáo sư Hiển không được thực sự tự do, hiểu như lập luận ở trên là chưa có hạnh phúc thực sự? Trớ trêu là ở một đất nước tuy nghèo nhưng được đánh giá là một trong những nơi mà con người ở đó cảm thấy hạnh phúc nhất thế giới, cái tiền đề cho hạnh phúc lại chưa được "thật sự".

Nhưng thôi, đến như bác Hiển mà còn phải chấp nhận như vậy, thì cái sự thiếu tự do của mình âu cũng là lẽ thường tình, "có gì mà phải ngợi", đúng không?

Nhưng mình chỉ ngạc nhiên là bác Hiển dùng chữ hay quá: "tự do cô đơn". Từ trước đến giờ mình cứ nghĩ, cứ đánh đồng sự tự do và sự cô đơn, cho rằng tự do hay cô đơn thì cũng là một mà thôi, và cô đơn chính là một biểu hiện của sự tự do, nhưng là một biểu hiện đối lập. Nếu như hầu hết con người sợ hãi sự cô đơn, thì tự do lại chính là trạng thái mà người ta mong đạt được nhất.

Nói vậy thôi chứ nhiều lúc có những gã lại không muốn được tự do, lại muốn ràng buộc mình vào một mối quan hệ nào đấy: quan hệ yêu đương. Gì chứ đang yêu (ràng buộc) mà bị bỏ rơi (được tự do) thì chán ốm. Chán đến nỗi Freddie Mercury đã phải nêu một tuyên ngôn bất hủ về sự tự do trong câu mở đầu của bài It's a Hard Life: "I don't want my freedom" và rồi nối tiếp ngay sau đó: "There's no reasons for living with a broken heart". Có tự do dưng mà tim vỡ rồi thì sống làm qué gì nữa, nhỉ.

Sở dĩ đọc câu nói của bác Hiển, mình lại nhớ ngay đến Queen với It's a Hard Life với câu mở đầu như trên chính là vì, đã có một thời gian dài cách đây rất lâu, mình đã nghĩ như vậy: I don't want my freedom.

Chợt nhớ ra rằng mình lớn lên bằng mồ hôi nước mắt của bố mẹ, nhưng âm nhạc chính là cái đã cưu mang mình, một thứ "shelter from the storm", như Bob Dylan đã hát thế. Có lẽ hôm nào cũng phải làm một bài tổng kết lại xem âm nhạc đã cho mình những gì. Có nhiều thứ, nhưng chắc chắn là nặng nợ.

Vì vậy, chẳng có lý do gì để không nói "Thank you for the music", nhỉ? Thì đây:

Thank you for the music, the songs I'm singing
Thanks for all the joys they're bringing
Who can live without it, I ask with all honesty
What would life be?
Without a song or a dance what are we?

So I say: Thank you for the music, for giving it to me.



Ghi chú: Bấm vào các chữ có hyperlink để đọc, nghe và xem chi tiết.

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

What The Fuck Is Social Media

Thêm một slide show đáng để tham khảo:

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

Nếu có thể gọi tên một giấc mơ

Cách đây không lâu, giới mê xe Hà Nội được một phen “lác mắt” khi thấy một chiếc Vespa Ape chạy trên đường. Người cầm lái và cũng là chủ nhân của chiếc xe lạ mắt đó, không ai khác chính là anh Hiếu “Vespa” – một người “khét tiếng” trong giới chơi xe ở Việt Nam.

Chiếc xe làm dấy lên một cơn thèm khát mãnh liệt với tất cả những ai đam mê xe cổ. Nó là một cơn thèm mãnh liệt, một cơn khát không bao giờ được thoả mãn, vì đó là chiếc Ape duy nhất tại Việt Nam – được sản xuất từ năm 1956. Và hiện tại thì chính phủ Việt Nam không cho phép nhập khẩu xe cũ. Cho nên, về cơ bản, nếu có thích thì chúng ta cũng chỉ “kính nhi viễn chi” với dớt dãi lòng thòng mà thôi. 

Tuy nhiên gần đây Piaggio đã mở ra một hy vọng mới: Vespa APE Calessino.

Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, hình ảnh những chiếc xe ba bánh từng gắn liền với cuộc sống của những người dân lao động.  Giờ đây, Piaggio Vespa APE Calessino chính thức xuất hiện với một vị thế của một huyền thoại và vị trí của một chiếc xe ba bánh mui trần tuyệt đẹp và đậm chất lãng mạn.



Không còn tồn tại với "kiếp lao động" như bậc tiền bối của mình, Piaggio Vespa APE Calessino là phiên bản đặc biệt do Piaggio Italia sản xuất và được bán tại Vương quốc Anh thông qua Perodua, công ty chuyên cung cấp những chiếc xe máy ba bánh của Piaggio.

Chỉ với 999 chiếc được sản xuất, Piaggio Vespa APE Calessino sở hữu vẻ đẹp của một chiếc xe ba bánh mui trần lịch lãm và thanh thoát. "Chất chơi" toát ra từ những chi tiết của chiếc xe như bộ ba lốp mặt bên trắng muốt. Cụm mui và cửa xe bằng vải mềm căng trên khung Inox bóng loáng và chắc khỏe. Phía đuôi xe, đẳng cấp của Piaggio Vespa APE Calessino được thể hiện qua những gờ chìm được ốp gỗ. Đặc biệt phía cuối đuôi xe đính tem với dòng chữ Ape Calessino phiên bản đặc biệt kèm theo số series xe sản xuất.



Piaggio Vespa APE Calessino có khả năng chở tới 3 hành khách và một người lái nhờ cụm ghế sau có kích thước rộng. Tính an toàn được thể hiện nhờ có dây đai an toàn như trên ô tô. Phía trên cụm cabin cho người lái là một bảng táp lô rộng rãi với hai khay chứa đồ cá nhân có kích thước lớn. Điểm xuyết trên đó là những cụm đồng hồ hiển thị tình trạng xe khi vận hành được bố trí đơn giản và tiện dụng. Chiếc xe còn có hệ thống cần gạt nước cho kính lái. Ngoài ra hệ thống chiếu sáng của Piaggio Vespa APE Calessino còn được cải tiến với hai đèn pha có kích thước lớn được đặt theo vị trí như kiểu đèn pha trên ô tô.



Piaggio Vespa APE Calessino được bán ra thị trường với ba phiên bản động cơ: 50 phân khối, 218 phân khối chạy nhiên liệu xăng và đặc biệt là động cơ Diesel 422 phân khối. Cả 3 loại động cơ này đều dùng kiểu hộp số 5 cấp, côn tay. Với phiên bản máy dầu Diesel 422cc, Piaggio Vespa APE Calessino có tổng trọng lượng ở mức 615kg, bình chứa nhiên liệu có thể tích 10,5 lít và tốc độ tối đa có thể đạt được là 56km/h.



Tuy nhiên, dù cho mơ ước có trở nên hiện thực hơn, tất cả những gì mình có thể làm vẫn là “kính nhi viễn chi” vì giá xuất xưởng của Calessino vào khoảng... 28.000 USD.

Nếu có thể gọi tên một giấc mơ, thì với tôi, đó chính là Piaggio Vespa APE Calessino.

Còn gì đẹp bằng một buổi sáng thu vàng rực rỡ như sáng nay, cả nhà chở nhau trên chiếc APE đi ăn sáng rồi lang thang cà phê cà pháo, nhỉ?










Thứ Hai, 21 tháng 9, 2009

Ví von

Một số đoạn "ví von" tương đối thú vị, tình cờ đều được đọc trong ngày hôm qua, nên tập trung hết lại trong post này.

1. Là chị Đoàn Minh Phượng, viết về thơ mà cứ như thể đang viết về chụp ảnh, hoặc giả là dạo này mình quan tâm đến chụp ảnh nhiều hơn bình thường, nên dễ nhận ra hơn chăng? Đây là một đoạn định nghĩa về thơ Haiku của một nhà thơ rất nổi tiếng của Nhật bản, Basho (dịch ra tiếng Việt có nghĩa là "Chuối", -:)).

Thơ theo cách hiểu của chúng ta, luôn có một dòng chảy (tiến trình). Thơ kể lại một câu chuyện, một kinh nghiệm, một mạch suy tưởng. Haiku không có những thứ trên. Một bài thơ haiku hoàn toàn nằm trong một khoảnh khắc của hiện tại. Người làm thơ haiku không đem vào thơ hoài niệm, hoặc ước mơ.

Theo nghĩa đó, một bài thơ Haiku chính xác là mục đích của việc chụp ảnh. Kể cũng thú vị.

2. Blogger Apo có một bản Presentation tương đối thú vị, là Vietnam Digital Landscape 2009, về chủ đề digital marketing. Slide này có nhiều thông tin, buồn và vui: vui cho giới marketing là lượng người dành thời gian cho internet ngày càng tăng lên, nhưng buồn cho mình là chính vì lẽ đó mà số lượng người dành thời gian cho tivi ngày càng giảm, -:). Buồn vui lẫn lộn, nhưng ngạc nhiên là một trích dẫn của Apo: phát biểu của Avinash Kaushik thuộc bộ phận Google Analytics:

"Social Media is like teen sex.
Everyone wants to do it. Nobody knows how.
When it's finally done there is surprise it's not better."


3. Lại là SGTT. Trên trang này hôm qua có bài "Quanh một đĩa mì ống". Bài viết không nổi bật lắm nhưng có dẫn một câu ngạn ngữ/ví von của người Ý: "Hôn nhân cũng như mì ống, phải ăn nóng mới ngon". Nói vậy thôi chứ trời cứ nắng nóng như hôm qua mà bắt ăn mì ống nóng thì cũng "toát mồ hôi" lắm, nhỉ.

Bonus: SGTT vẫn được mình đánh giá là một trong những tờ rất "sáng tạo", liên tục ra những phụ bản rất tuyệt, chẳng hạn như "Kiến trúc&Đời sống", SGTT TV với những thước phim theo kiểu Discovery, cuộc hành trình Ẩm thực xuyên Việt do Nguyễn Duy cầm trịch, chuyên mục Giá trị sống và gần đây nhất, bộ Lịch 365 ngày ngon cho năm 2010.

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009

Lại nói tiếp về Đạo đức trong kinh doanh

Hôm trước có trích dẫn vài phát biểu của Luật sư Nguyễn Ngọc Bích về Đạo đức trong kinh doanh, có người đọc bảo "Trừu tượng quá". Thành ra hôm nay phải quay trở lại với một "trích đoạn" khác, đơn giản, trực quan và có nhiều "tính Việt" hơn:

Chữ tín ở đời là tấm chứng minh thư cần thiết đầu tiên của mỗi con người. Có chữ tín rồi, người ta sống mà không cần hứa hẹn gì, vì bản thân chữ tín trong đã to hơn mọi lời hứa.

Cam kết bằng văn bản là lùi một phần trước chữ tín.

Hứa bằng lời là lùi hai bước.

Thề  trước chữ tín là lùi ba bước.

Làm cả ba việc trên đã cam kết, đã hứa, đã thề mà đều không theo được là thất tín.

Thất tín thì dẫn đến bất tín. Đừng trách những lời mắng mỏ lên án sự bất tín. Nếu tấm thẻ đầu tiên để làm người chưa có thì còn mong làm nổi việc gì tử tế ở đời!

Cho nên tôi thành thực kính phục anh bạn tôi đã cúi xuống xin lỗi đứa con bốn tuổi khi anh hứa mua cho nó con gấu bông hôm sinh nhật mà anh trót quên. Anh đã phải “vui lòng” chấp nhận khi nó cáu giận hét toáng lên “con ghét bố” cho dù anh đã xin lỗi. Mẹ mắng nó “con không được hư với bố”. Nó quặc lại “là bố hư, không phải con”! Câu mắng của mẹ nó chỉ đúng một phần nhỏ vì bà chưa hiểu sâu sắc sự thất tín tệ hại nhường nào đến niềm tin!

Cha ông ta bảo “lời nói đọi máu”, đọi là cái bát. Bát máu là sinh mạng, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Làng Nành quê tôi có nghề buôn. Chuyện cũ của làng còn để lại, có một nhà buôn trong làng lấy hàng của ông khách Tàu năm vài ba đợt. Cứ lần giao hàng lại thanh toán lô hàng trước. Bà là một nhà buôn to, mỗi lần nhận hàng trị giá cả trăm ngàn lạng bạc. Một lần cuối giao một lô hàng lớn, rồi ông khách Tàu ra đi không một lần trở lại. Chờ một, hai năm rồi qua mười năm sau vẫn biệt vô âm tín, bà nhẩm số vốn cộng lãi đã dôi ra nhiều phần. Sau chắc rằng ông khách nọ gặp tai nạn gì không còn trên đời nữa nên bà dùng toàn bộ số tiền đó xây lên một ngôi chùa. Đó là Giác Diên tự(*), và dựng tượng ông trong chùa (đấy là ngôi chùa tư duy nhất ở xóm Đỉnh Thượng (xóm 7) của cụ Bá Dinh), để tôn vinh chữ tín trong nghề buôn của người Nành. Tiếc rằng ngôi chùa đó sau bị đổ nát, không còn đến ngày nay để chúng ta cùng chiêm bái.

Trên chục năm trước, một lần về quê tôi thấy một khách đến trả tiền hàng đứa cháu. Bà ấy  quăng cái bao tải tiền xuống nền nhà bảo “đây, mười triệu tất cả” rồi không cả ngồi uống nước, te tái đi ngay. Tôi bảo chưa đếm sao biết là mười triệu? thì cháu tôi cười: mình đếm xong, thừa trả lại, thiếu thì bảo họ đưa sau, lệ thế rồi mà.

Một làng buôn lấy chữ tín làm đầu, không khế ước, không văn tự làm bằng nên sự tồn tại lâu bền là có cái lí của nó.

Để có cái lí ấy, có khi cả quốc gia phải học cách ứng xử với chữ tín của một làng. Làng ấy, những người buôn ít chữ nghĩa lắm, chỉ có mỗi chữ tín nằm trong tâm khảm họ.

Theo bài "Chữ Tín" của bác Đỗ Đức/blogger Đông Ngàn. Bài đã được đăng trên TT&VH ngày 27/12/2008. Trong bài có dùng một chuyện kể lấy từ cuốn "Chuyện cũ làng Nành" của cụ Nguyễn Khắc Quýnh, Nxb Dân tộc, 2004. Làng Nành trong chuyện thuộc xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. 

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2009

Nguyễn Ngọc Bích nói về Đạo đức trong kinh doanh

- Chúng ta cần phải thực hiện một cuộc cách mạng văn hóa. Đảng đang đẩy mạnh chủ trương học tập đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng nền tảng đạo đức xã hội; tức là đến giờ, chúng ta đã nhận thức được trong xã hội thiếu nền tảng đạo đức. Tôi còn nhớ một câu nói của ông Mai Chí Thọ: “Chúng ta đã xây dựng con người chính trị trước khi xây dựng con người bình thường”.


- Năm 1994, viết bài đăng trên báo chí tôi nêu vấn đề cơ bản cho sự phát triển kinh tế là đạo đức cá nhân; bởi trước đó tôi thấy người ta ít tôn trọng lời hứa. Nền kinh tế thị trường kiểu gì thì cũng chỉ hoạt động được trên nền tảng đạo đức cá nhân. Mỗi người tự mình phải biết kiềm chế mình. Nền kinh tế của ta đang phát triển nhưng vấn đề đạo đức cá nhân chưa được coi trọng. Khi xem xét đạo đức cá nhân thì tôi thấy nó bị tác động bởi giáo dục. Do đó, tôi đi vào giáo dục. Tôi nhìn ra nền tảng của việc giáo dục ở ta; nó là thế nào, tại sao như thế. Đi sâu vào giáo dục tôi thấy nó bị ảnh hưởng bởi gia đình. Tôi bèn đi vào vấn đề gia đình. Từ kinh nghiệm cá nhân tôi nhận ra sự quan trọng của các bà mẹ. Cho hạnh phúc của gia đình và cho sự phát triển của xã hội vai trò của các bà mẹ rất quan trọng. Các ông chồng cần phải nhận ra vai trò quan trọng của vợ mình để biết quý vợ. Khi biết mình được quý – ngoài yêu – các bà sẽ hết lòng chăm sóc chồng con và sẽ thấy mình… ở trên bình đẳng!

- Lâu nay xã hội mình chú trọng nhiều đạo đức nghề nghiệp mà ít xây dựng đạo đức cá nhân – tức là cách cư xử giữa con người bình thường với nhau. Muốn thay đổi điều này phải thay đổi cách giáo dục, bắt đầu từ gia đình, cốt tủy là bà mẹ. Xã hội hiện nay là xã hội trọng vật chất; người ta quan tâm đến việc một người có bao nhiêu tiền nhưng không để ý đến cách thức họ kiếm tiền. Trong khi đó, ở các nước phát triển, người ta coi trọng người có tiền nhưng xét nét cách họ kiếm tiền và người ta chú trọng xây dựng đạo đức cá nhân từ khi con cái còn nhỏ.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Lưu Quang Vũ & Cà phê

1. Hôm nay vô tình lại được đọc một bài về Lưu Quang Vũ, mới biết ông là một "tay" lang bạt cà phê có hạng, từ thời miền Bắc này còn ít người nghiền cà phê. Ngồi cà phê nhiều, đến nỗi ngấm vào người, xuất khẩu thành thơ lúc nào không biết, do vậy, cà phê xuất hiện nhiều trong thơ, văn và cả những lá thư ông gửi cho người bạn đời cũng rất nổi tiếng của ông: Xuân Quỳnh.

Cà phê trong thơ của Lưu Quang Vũ có nhiều, nhưng thích nhất hình ảnh này:

Hoà bình đến mong manh,
Nhiều tin đồn mà chẳng có gì ăn
Người đông phố chật
Quán cà phê mở khắp nơi
Một ngày người ta uống
Bao nhiêu đen tối vào người

Nếu không có hai câu đầu, chắc ai cũng nghĩ rằng Lưu Quang Vũ đang viết về Hà Nội những ngày đầu thế kỷ XXI.

2. Lần mò đọc thêm những gì ông viết, đặc biệt là những lá thư ông gửi Xuân Quỳnh, rồi những thư Xuân Quỳnh gửi cho ông, chợt nghĩ lan man rằng nếu giả sử bây giờ họ còn sống, hoặc thời đó đã có blog, thì hai ông bà hẳn phải đứng trong hàng ngũ những bloggers "hot" nhất của Việt Nam.

Càng thấm thêm về việc công nghệ đã làm thay đổi mạnh mẽ cách giao tiếp của con người đến mức nào. 

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Drucker Management Philosophy Project

Nếu như “khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về một rừng cây”, thì khi nghĩ về các lý thuyết quản trị, tôi thường nghĩ ngay đến Peter F. Drucker.

Khi nói tới Peter Drucker, người ta thường dẫn chiếu rằng ông chính là “Cha đẻ” của quản trị kinh doanh hiện đại. Thậm chí, Philip Kotler còn phát biểu thêm rằng: “Nếu như mọi người xem tôi là cha đẻ của Marketing hiện đại thì cũng cần biết rằng, ông nội của marketing hiện đại chính là Peter Drucker.” Xa hơn thế, nhiều người còn cho rằng ông chính là nhà tư tưởng quản trị vĩ đại nhất mọi thời đại (Greatest Management Thinker of All Times). Trong giới quản trị học, ông còn được tôn là triết gia duy nhất về quản trị trên thế giới. 

Tuy nhiên cá nhân tôi không thấy mấy vụ “cha đẻ” hay “ông nội” đó là quan trọng, bởi vì cha hay ông thì cũng có người tốt người không tốt, người giỏi và không giỏi. Do đó, tôi tôn vinh Drucker theo cách của tôi, bằng cách cố hiểu và áp dụng những gì ông đã nghĩ, đã viểt ra, đã truyền đạt và đã đưa ra lời khuyên.

Như nhiều người khác, khi bắt đầu quản lý một lĩnh vực nào đó, tôi gặp rất nhiều vấn đề nảy sinh, nhiều khi rất nan giải. Câu hỏi trước mỗi vấn đề thường là: mình phải làm thế nào? Khi bế tắc trước câu hỏi, đấy là khi tôi thường tìm đến các lời khuyên. Rất thường khi, câu trả lời đến từ Peter Drucker, thông qua các cuốn sách của ông. Dần dần, với thói quen soi sáng các vấn đề thực tiễn qua lăng kính lý thuyết quản lý, tôi tin tưởng rằng có thể có lời giải cho tất cả các vấn đề mà một doanh nghiệp sắp bước sang tuổi 15 và đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng như ABC có thể gặp phải.

Đó là thứ lý thuyết được đúc kết qua 60 năm làm công tác nghiên cứu, tư vấn và giảng dạy về quản trị của Peter Drucker.

Vì vậy, để “hệ thống hoá” lại những gì mà tôi đã “học” được từ ông, bắt đầu từ hôm nay, tôi sẽ tóm tắt lại những tư tưởng chính của Drucker và post dần lên Blog này. Tôi tạm gọi đó là Drucker Management Philosophy Project.

Bài đầu tiên sẽ là về "Mục tiêu" của doanh nghiệp.

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2009

Khi mùa thu đến

Mùa thu đã đến thật, nên thèm nghe lại Autumn Leaves.

Một version của Eva Cassidy. Một version của "đàn em" Susan Wong. Thích bản của Eva hơn, mặc dù được nghe và "cảm" version của Susan từ trước.

Thật lạ: Khi mọi việc đang chuẩn bị lên cao trào thì mình lại cảm thấy, lại muốn "buông trôi", như cách nhả chữ của Eva Cassidy.

Đó là khi "autumn leaves start to fall".

P/S: "Chuối" một cái là đang lúc cơn ghét Tàu lên tới đỉnh điểm thì search google version của Susan lại ra nhõn một cái video clip trên CCTV: đỏ rực và toàn chữ Hán. Không còn lựa chọn nào khác nên đành post tạm ở đây. Khi nào tìm thấy bản khác sẽ thay thế ngay, hê hê.
  
Eva:


Susan:


Lyrics:

The falling leaves drift by the window
The autumn leaves of red and gold
I see your lips, the summer kisses
The sunburned hand I used to hold

Since you went away the days grow long
And soon I‘‘ll hear old winter‘‘s song
But I miss you most of all, my darling
When autumn leaves start to fall

I see your lips, the summer kisses
The sunburned hand I used to hold

Since you went away the days grow long
And soon I‘‘ll hear old winter‘‘s song
But I miss you most of all, my darling
When autumn leaves start to fall

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

Trên chín tầng trời

Nhân ngày 09.09.09, nghe lại Cloud Number Nine của Bryan Adams. Để nhớ về một "thời trẻ trai", với những ước mơ mãi tận chín tầng trời. Thế mà cũng đã mười năm rồi, tay Bryan Adams có lẽ đã "nhảy xuống" ngay sau đêm đó, còn mình thì vẫn mãi lơ lửng đâu đó, chừng tầng thứ 3 hay 4 thì phải. Bao lâu nữa thì sẽ xuống đất, hả giời?

Clue number one was when you knocked on my door
Clue number two was the look that you wore
N thats when I knew, it was a pretty good sign
That something was wrong up on cloud number nine

Well its a long way up and we wont come down tonight
Well it may be wrong but baby it sure feels right

And the moon is out and the stars are bright
And whatever comes sgonna be alright
Cause tonight you will be mine - up on cloud number nine
And there aint no place that Id rather be
And we cant go back but youre here with me
Yeah, the weather is really fine - up on cloud number nine

Now he hurt you and you hurt me
And that wasnt the way it was supposed to be
So baby tonight lets leave the world behind
And spend some time up on cloud number nine

Well its a long way up and we wont come down tonight
Well it may be wrong but baby it sure feels right

Well we wont come down tonight
Ya we wont come down tonight
No we wont come down tonight

We can watch the world go by - up on cloud number nine




Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

La Casa & một định nghĩa về ngôi nhà

La Casa trong tiếng Ý có nghĩa là nhà. Và dưới đây là những gì mà một người khách đến thăm và cảm nhận được tại La Casa của một người Ý sống ở Hà Nội:

Valentina đã sống ở Hà Nội 16 năm. Chị bắt đầu gầy dựng La Casa cho mình ở đây, và gặp Martin, rồi lập gia đình, rồi có con cũng tại thành phố này. Có lẽ đó chính là lý do tại sao ngôi nhà mà Valentina đang ở lại có cảm giác đầm ấm thế, nó không chỉn chu như đa số nhà của những người nước ngoài đang sống và làm việc tại đây. Nó thoải mái một cách tự nhiên như nó vốn có, có lẽ bởi sự yên tâm về nơi chị đang ở, nơi chị gặp tình yêu của mình và lựa chọn việc ở lại đây xây dựng hạnh phúc và có lẽ đó chính là lý do chị coi Hà Nội là nhà, là La Casa. Ngôi nhà đẹp theo cách của một cuộc sống gia đình yên vui đầm ấm. Có thể sẽ có lúc ngôi nhà đinh tai nhức óc vì tiếng trẻ con, đồ đạc quăng bừa bãi. Nó không thực sự rộng rãi và sành điệu, cũng không trau chuốt cầu kỳ bởi nội thất bên trong nhưng nó vẫn là một ngôi nhà đẹp theo cảm xúc của tôi, bởi sự an bình và tươi sáng trong ngôi nhà đó.

Với một ngôi nhà, thế đã là quá đủ, còn cần gì hơn nữa?

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2009

Thêm một giá trị đang bị mài mòn


Có lần tôi khoe vài bí quyết nấu ăn, cách chọn gà ngon, má ngạc nhiên, mèn ơi trên mạng có đủ thứ hết trơn hả ? Tôi cười khoái chí, gì cũng có má à, trên trời dưới đất, muốn biết gì cứ gõ vài ba chữ là mạng cho mình biết tuốt. Má nói ngộ quá, cái mạng là cái gì mà hay dữ ta. Giọng má không một chút ngậm ngùi nhưng bỗng dưng tôi nghĩ má ngậm ngùi. 

Là vì má đang ở bên tôi, nhưng khi bối rối và ngơ ngác tôi đã không hỏi má. Sống bảy chục năm dài, trải qua bao nhiêu biến cố, má vén khéo đảm đang, chèo chống gia đình nuôi nấng mấy chị em tôi khôn lớn, phải nói là má biết nhiều, rất nhiều. Nhưng tôi không hỏi má, tôi chạy tới internet, gọi “vừng ơi…”, và đôi lúc khoe khoang những kiến thức mà má đã “rành sáu câu” rồi.  

Một phần ý nghĩa của mối quan hệ già – trẻ (hay má - con) là cho – nhận, dạy – học… nhưng giá trị đó đang ít nhiều thay đổi. Sự mất mát rất từ tốn không nhận biết ngay được, cho đến khi đủ lớn và sâu, người ta mới giật mình, sực nhớ ra lúc này mình nói bằng ngón tay nhiều hơn bằng miệng, nhìn màn hình máy tính hay điện thoại nhiều hơn nhìn người. Sực nhớ có thể má đã buồn, má sống nhiều nhưng những trải nghiệm mà má đang gìn giữ, tôi không ngó ngàng tới.

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

Điều quên nói với con


SGTT Nguyệt San - Trong những từ mang âm hưởng ngọt ngào nhất của tiếng Việt mình, có ba tiếng “ngày khai trường”.
Thế hệ của ba, cứ hè đến là lẩm nhẩm “ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ”, rồi đến tháng chín nắng vẫn hanh vàng của phương Nam là quen giọng “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc...”. Trừ những ngày khai trường thời tiểu học đã trôi tuột đâu đó khỏi ký ức, trí nhớ ba vẫn lưu giữ đủ bảy ngày khai trường thuở trung học, và đến nay vẫn còn tiếc sao không có lần thứ tám, thứ chín, thứ mười...
Thế hệ của con, bước vào đời trung học cùng với những lời nhắc nhở: “Chương trình năm nay nặng lắm đó”, “Nhớ hỏi cô lớp học thêm nhé”, “Kiểm tra có khẩu trang y tế trong cặp chưa”, “Đừng mua thức ăn ở cổng trường”... Nhưng điều cần nói nhất thì ba và mẹ đều quên: “Con đang bước vào những ngày đáng nhớ nhất”.
Chúng ta đều nhớ rõ từng chi tiết của ngày cả nhà mình đi Hồ Tràm, đi Vũng Tàu, đi Ninh Chữ... chứ khó nhớ nổi ngày trước đó ba và con hì hục bơm phao cho em thế nào, mẹ đi chợ mua những thức ăn gì để đem theo... bởi hình như đó là một ngày không đáng nhớ. Ừ, có những ngày không đáng nhớ bằng những ngày khác thật, nhưng không hề có những ngày gọi là đáng sống hơn những ngày còn lại. Ba tin lời của một nhà thơ Nga, rằng “Con người sinh ra để sống chứ không phải để chuẩn bị sống”, chứ không tin rằng cần có những năm tháng ép mình khổ hạnh với chữ nghĩa để đầu tư cho danh vọng xênh xang ở tương lai, cần hy sinh đoạn đời bé nhỏ này cho một phần đời thênh thang khác, càng không tin phải chắt bóp dè sẻn ở kiếp này để được thả tay phóng túng ở kiếp sau... Ba đã từng có những ngày ngồi trong lớp học, nhìn ra khoảnh nắng nhỏ ngoài hành lang mà không ngừng mơ về một bầu trời bao la. Giờ đây, khi đã biết đủ về bầu trời, ba mới hiểu chẳng khoảng trời nào mênh mông bằng vệt nắng nhỏ nhoi ở sân trường. Mới hiểu rằng những đứa bạn học ngày ấy mới thật là bạn, những người thầy ngày ấy mới thật là thầy, và bài học của cuộc đời thì không ngọt ngào như những gì ba học được trong bảy năm hoa niên.
Hãy nhớ con đến trường là để sống, để nô đùa nghịch ngợm, để khóc cười với bạn, chứ không chỉ để học. Không có ngày nào không đáng sống, vậy hãy sống trọn vẹn từng ngày trung học, con nhé.
Hữu Bảo