Recent Posts

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Ig Nobel năm nay

Đợi mãi rồi cũng có tin.

BBC cho biết, Darryl Gwynne, David Rentz – hai nhà nghiên cứu côn trùng tại Australia phát hiện ra rằng một số loài bọ cánh cứng tìm cách giao phối trong những chai bia mà con người vứt đi. Tuy nhiên, chúng chỉ làm “chuyện ấy” với những chai màu nâu còn một chút bia. Hôm qua hai nhà nghiên cứu đã nhận giải Ig Nobel Sinh học nhờ phát hiện ấy.

Mù tạt xanh (wasabi) là gia vị không thể thiếu trong những món hải sản ăn sống của người Nhật Bản. Nhưng Makoto Imai, một nhà nghiên cứu của Đại học Y khoa Shiga tại Nhật Bản, cùng các đồng nghiệp đã mở rộng công dụng của mù tạt xanh bằng cách dùng nó để đánh thức những người điếc khi hỏa hoạn hoặc những sự kiện khẩn cấp xảy ra. Cụ thể, khi một ngôi nhà bốc cháy và người điếc đang ngủ, thân nhân của người điếc chỉ việc phun mù tạt xanh. Nhóm chuyên gia đã được cấp bằng sáng chế cho ý tưởng độc đáo, đồng thời đoạt giải Ig Nobel Hóa học 2011.

Theo Guardian, trước khi tìm ra mù tạt xanh, nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã thử hàng trăm mùi, bao gồm cả mùi trứng thối, xem mùi nào có thể khiến người điếc tỉnh giấc. Họ phát hiện allyl isothiocyanate, một chất có hoạt tính mạnh trong mù tạt xanh, gây cảm giác khó chịu trong mũi. Nó phát huy tác dụng ngay cả khi con người ngủ.

“Đó là nguyên nhân khiến con người tỉnh giấc ngay lập tức khi hít mùi của mù tạt xanh”, nhóm nghiên cứu tuyên bố.

Vận động viên ném đĩa thường cảm thấy hoa mắt, chóng mặt sau khi ném đĩa. Trong khi đó những vận động viên ném búa không trải qua cảm giác tương tự khi thi đấu. Nghiên cứu giải thích nguyên nhân gây chóng mặt ở vận động viên ném đĩa giúp 5 nhà khoa học Pháp đoạt giải Ig Nobel Vật lý.

Anna Wilkinson, một nhà nghiên cứu của Đại học Lincoln tại Mỹ, cùng một số đồng nghiệp nhận giải Ig Nobel Sinh lý học nhờ chứng minh rằng ngáp không phải là hành vi dễ lây ở loài rùa chân đỏ.

Với những công thức và tính toán phức tạp, 6 nhà toán học trên thế giới – 4 người Mỹ, một người Hàn Quốc và một người Uganda – từng dự đoán ngày tận thế sẽ xảy ra trước năm 2011. Thực tế cho thấy mọi dự đoán của họ đều sai. Nhưng họ vẫn được trao giải Ig Nobel Toán học vì đã có công giúp mọi người hiểu rằng chúng ta phải cẩn thận khi đưa ra các giải thuyết và tính toán trong toán học.

Giải Ig Nobel Tâm lý thuộc về giáo sư Karl Halvor Teigen của Đại học Oslo tại Na Uy vì ông đã giải thích nguyên nhân khiến con người thở dài trong cuộc sống hàng ngày.

Buồn đi tiểu và ra quyết định dường như chẳng liên quan tới nhau. Song Marjam Tuk, một giảng viên của Đại học Twente tại Hà Lan, lại chứng minh được rằng những người có khả năng chịu đựng cảm giác buồn tiểu lâu thường bỏ qua lợi ích trước mắt để hướng tới lợi ích lâu dài. Phát hiện thú vị ấy giúp ông nhận giải Ig Nobel Y học năm 2011.

Các giải Ig Nobel được trao tại nhà hát Sanders của Đại học Harvard tại Mỹ hôm 29/9. Mỗi người nhận giải chỉ được phép phát biểu trong 60 giây. Họ nhận phần thưởng từ tay những người từng đoạt giải Nobel.

Ngày nay, giải Ig Nobel là thứ có thể khiến người ta tự hào. Điều đó giải thích tại sao 7 trong số 10 người đoạt giải năm nay tự bỏ tiền để tới Đại học Harvard.

Minh Long, VNExpress

29/9/2011

Hôm qua là sinh nhật bạn Tí.

Những gì tốt đẹp nhất dành cho con thì mẹ đã nói hết rồi. Bố chỉ chúc con luôn gìn giữ và phát triển được những đức tính đã hình thành trong năm năm vừa qua: tự lập, dũng mãnh, tự tin, lý trí nhưng cũng rất tình cảm, quảng giao, nguyên tắc, cá tính mạnh mẽ, tiếp thu và thể hiện các kỹ năng một cách hết sức tự nhiên và hơn nữa, thực sự biết cách "hưởng thụ/enjoy" cuộc sống của mình dưới bất kỳ hoàn cảnh nào.

Bố tin là những đức tính đó sẽ giúp con trở thành thành một người tốt và có thể sống tốt cuộc sống của mình.

Bạn Tí không còn "bé tí" nữa mà đã lớn thật rồi, nên từ hôm nay, bố sẽ chuyển sang gọi con là bạn Nguyên, Vũ Khôi Nguyên.

Bạn Nguyên, mùa Xuân 2010
photo.JPG

Bạn Nguyên, mùa Xuân 2011
photo.JPG

photo.JPG

photo.JPG

Bạn Nguyên và anh Đức - người anh, người bạn, niềm vui và cũng là những "bực tức" của con:
photo.JPG

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Trong ảo giác của ánh hoàng hôn

Trong một ngày đẹp trời như hôm nay, cứ ru rú trong nhà hẳn sẽ là một trọng tội. Vẻ đẹp tự nhiên của đất trời mùa thu quả thực rất quyến rũ, và việc duy nhất người ta muốn làm trong cái không khí như thế là không làm gì cả, ngoài việc đi ra đường.

* * *

Buổi chiều, một mình ngồi bình thản nhìn nắng buông dần trên tán cây trong sân.

Không hiểu sao lúc đó lại nảy ra một cái mong ước giản dị là có một cái bếp nướng ngay bên cạnh, tự tay nướng một con cá, vài ngọn măng tây, rồi khui một chai mơ vàng/táo mèo Sơn Tinh, rót vào một ly đá, và thế là được mơ màng qua một buổi chiều.

Tất nhiên là có các bạn Tít Tí chạy xung quanh, thỉnh thoảng vào trợ giúp một tay và làm vài miếng.

Khi trời đã tối hẳn thì kéo cái màn chiếu xuống, và cả nhà sẽ quây quần xem chung một bộ phim, ngoài trời.

* * *

Quả thật là ngoài rượu, thuốc lá và nhạc Pink Floyd thì tiết thu Hà Nội cũng là một chất gây nghiện có khả năng tạo nhiều ảo giác.

Tiếng gọi lúc nửa đêm

Vào cái thời khắc lúc nửa đêm, khi mọi việc đã xong xuôi và trước mặt chỉ còn là giấc ngủ, là lúc ta thực sự được thảnh thơi. Trong cái thinh lặng của đêm khuya, cái tinh khiết của sự nghỉ ngơi, ta mới cảm nhận rõ cái mùi thơm của rượu Gin vừa được rót lên những viên đá còn bốc khói. Và trong khi đợi cho những bọt tăm của nước Tonic sủi hết lên mặt ly và vỡ vụn, ta tự cuốn một điếu thuốc, rồi quẹt một que diêm. Lúc khum tay che cho ngọn lửa, ta mới nhận ra một cơn gió vừa nhẹ nhàng len đến xào xạc trên tán cây. Đấy là lúc ta cảm thấy cái hơi ấm, cái mùi thơm của thuốc lá đang át đi mùi lưu huỳnh, mùi gỗ cháy, để hoà quyện với hương thơm của rượu Gin và miếng vỏ chanh đang vắt kiệt mình trong ly Gin&Tonic. Đấy là lúc ta vui.

* * *

Sáng đưa bạn Tít đi học, hai bố con vừa đi vừa nói chuyện. Đến giữa đường, bố buột miệng nói với bạn Tít:
- Bố quên một thứ Tít ạ. Đố Tít biết đấy là gì?
- Tít chịu thôi.
- Thuốc lá, bố trả lời.
- Thế trong cả buổi sáng bố không hút có được không?
- Được.
- Thế cả ngày bố không hút điếu nào có được không?
- Được.
- Thế cả tháng bố không hút điếu nào có được không?
- Được.
- Thế cả năm?
- Cũng được.
- Thế thì bố bỏ luôn đi, còn hút làm gì?
- À, thỉnh thoảng bố mới hút thôi, cho vui ấy mà.

Mà đúng thế, vui thì hút thôi, chứ cũng chẳng nghiện ngập gì.

* * *

Chợt nhớ ra đoạn Lâm Ngữ Đường bàn về thú hút thuốc, chép ra đây hầu bà con, nhất là cho những bà con nào đang định bỏ thuốc, hoặc đang bị "đối tác" yêu cầu bỏ thuốc:

"Thế giới ngày nay gồm hai hạng người: hạng hút thuốc và hạng không hút thuốc. Có nhiều người không hút thuốc mà thấy ai cũng mặc, không can thiệp vào, và nhiều bà vợ chịu cho chồng nằm trên giường mà hút thuốc; vợ chồng như vậy thì chắc chắn là có hạnh phúc trong hôn nhân. Nhưng cũng có một số người cho rằng không hút thuốc là có đạo đức, đáng để tự hào; họ không ngờ rằng họ không được hưởng một cái thú lớn nhất của nhân loại. Tôi sẵn sàng chịu nhận rằng hút thuốc là một nhược điểm về phương diện đạo đức, nhưng chúng ta phải đề phòng những người không có một nhược điểm nào; không thể hoàn toàn tín nhiệm ở họ được. Họ có thể lúc nào cũng điều độ, không mắc một lỗi lầm nào cả. Thói quen của họ rất đều đặn, họ hoạt động như một cái máy và lúc nào cũng để trí óc khống chế tâm tình. Tôi mến những người biết điều bao nhiêu thì ghét những người hoàn toàn hợp lý bấy nhiêu. Cho nên vô nhà nào không thấy tàn thuốc lá thì luôn luôn tôi kinh hoảng và khó chịu. Phòng tiếp khách sạch sẽ và ngăn nắp, nệm đặt đúng chỗ, ngay ngắn, chủ nhà thì nghiêm trang mà vô tình. Thấy vậy, tôi phải xốc áo lại cho ngay ngắn, tỏ vẻ lễ độ, chẳng được thư thái chút nào.

Những con người đàng hoàng, chính trực, vô tình cảm, tầm thường đó làm sao biết hưởng cái thú hút thuốc? Vì bọn hút thuốc chúng tôi thường bị người ta công kích về phương diện đạo đức, chứ không phải về phương diện nghệ thuật, cho nên trước hết tôi xin bênh vực đạo đức của chúng tôi đã, mà xét về đại thể tôi cho là cao hơn đạo đức hạng người không hút thuốc. Người nào ngậm ống điếu là người hợp ý tôi. Người đó có tài hơn, vui tính hơn, dễ cởi mở nỗi lòng hơn, đôi khi nói năng bặt thiệp hơn; và dù sao tôi cũng có cảm tưởng người đó mến tôi cũng như tôi mến người đó. Tôi hoàn toàn đồng ý với Thackeray khi ông viết: "Triết gia mà ngậm ống điếu thì minh trí hơn lên, còn kẻ ngu độn mà ngậm ống điếu thì câm cái miệng lại; ống điếu làm cho cuộc đàm thoại có cái phong cách trầm tư, thâm thuý, nhân từ và giản dị". Hơn nữa, một người ngậm ống điếu thì luôn luôn sung sướng mà không có đức nào lớn bằng hạnh phúc.

Muốn nhận đúng được cái giá trị nghệ thuật của thuốc lá thì phải tưởng tượng một người nghiện thuốc mà bỏ thuốc trong một thời gian ngắn. Người nghiện thuốc nào cũng đã có lần điên khùng muốn thoát ly được nàng Yên-thảo-tinh (Nicotine), nhưng sau khi chiến đấu với cái lương tâm tưởng tượng của mình rồi lại khôi phục được lý trí mà "đào điếu lên". Tôi cũng đã có lần ngưng hút trong ba tuần và sau thời kỳ đó lương tâm của tôi đã nhất định kéo tôi trở lại chánh đạo. Hễ còn chút nghị lực thì tôi thề là sẽ không mắc lại cái lỗi điên khùng đó nữa mà sẽ suốt đời sùng bái nàng Yên-thảo-tinh. Sự phát minh vô cùng hữu ích đó giúp cho tinh thần ta được sảng khoái, minh mẫn, mà lại cự tuyệt nó thì quả là một hành vi vô đạo đức. ...

Ta không thể viện một lý do xã hội, chính trị, luân lý hay sinh lý, hay tài chính nào để tự cấm ta đạt được cái tình trạng sảng khoái tinh thần đó, nó làm cho sức tưởng tượng của ta phong phú lên, năng lực sáng tác của ta sung mãn và kích động mạnh lên để có thể hưởng được hết cái thú đàm đạo với bạn thân ở bên lò sưởi, cái thú đọc một áng cổ văn hoặc để tìm nổi một tiếng diễn đúng cái ý của ta trong khi sáng tác. Những lúc đó, ai cũng tự nhiên thấy rằng chỉ đốt một điếu thuốc mới là một hành động thích hợp, chứ bỏ một cục kẹo cao su vào miệng thì là một trọng tội."

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Kinh tế mà không phải kinh tế mà lại là kinh tế

Đấy là tôi đang nói đến tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG).

1. Tôi bắt đầu đọc TBKTSG từ năm 1995, ở thư viện trường Kinh tế. Tất nhiên là ở thư viện rồi, sinh viên hồi đó như tôi làm gì có tiền mà mua báo đọc. Báo là một thứ xa xỉ, và nhất là tội gì phải mua, khi mà nó luôn sẵn sàng cho ta đọc trong cái thư viện chật chội của trường. Thời đó, tôi rất quý cái mục nho nhỏ ở góc trên bên phải mục lục của tờ báo: danh mục các cá nhân, doanh nghiệp tặng tờ tạp chí này cho các trường, và tôi rất vui vì cái danh sách này ngày càng dài và số lượng ngày càng tăng lên.

2. Tôi đọc ở đó liên tục 4 năm thì ra trường, đi làm, và tôi bắt đầu mua TBKTSG cho riêng mình. Chồng TBKTSG luôn luôn được chất đầy trong góc phòng, nhưng qua vài lần chuyển nhà, nó cứ hao hụt dần. Đến năm 2003 định cư được ở một chỗ, chồng báo này ổn định được một thời gian thì đến năm 2005, một "tai nạn" đã xảy ra: toàn bộ tủ sách của tôi bị mối xông. Cái ngày đem toàn bộ đống sách tích cóp được, chồng báo TBKTSG và Bộ sưu tập Tạp chí Nhà đẹp cùng cái giá sách bị mối xông cho người đồng nát, là ngày đầu tiên tôi hiểu ra ý nghĩa của thành ngữ "tiếc đứt ruột". Cái cảm giác bần thần, đi ra đi vào, vứt rồi lại không vứt, bây giờ ngồi viết lại vẫn thấy nhớ. Cuốn sách duy nhất còn giữ lại được sau tai nạn ấy là Thế giới của Sophie, bản dịch lần đầu. Tôi cố giữ lại vì nó còn nguyên hình hài là một cuốn sách, dẫu rằng khi mở ra nó vẫn như vừa trải qua một cơn đậu mùa.

3. Nghĩa là từ sau khi ra trường và đi làm, tôi đã cố duy trì một cái thói quen là cứ mỗi tối thứ Năm, thì lại vòng qua một sạp báo, rồi nhặt về một tờ TBKTSG. Cái thú vị là, rất thường khi, vì đi mua báo như vậy mà tôi có dịp gặp lại một người bạn học cùng đại học, có cùng sở thích đọc TBKTSG và cùng mua ở một sạp báo quen. Cái nhịp điệu đó diễn ra được vài năm, thì công việc, rồi gia đình cuốn mỗi đứa đi một nơi, cả hai vẫn đọc TBKTSG nhưng không thể mua báo ở cùng một nơi được nữa. Nhưng thỉnh thoảng có dịp gặp gỡ, có khi thứ mà hai đứa cùng mang theo vào điểm hẹn, lại chính là tờ TBKTSG.

4. Là một tờ thời báo kinh tế, nó đương nhiên phải viết về kinh tế rồi. Về chất lượng chuyên môn của tờ báo, tôi chẳng thể nói ra lời khen ngợi, vì tôi e rằng tôi không đủ tư cách. Chỉ biết rằng, nhờ đọc nó trong một thời gian dài, mà tôi luôn nắm được cái "nhịp đập", cái "hơi thở" và không khí làm ăn của giới doanh nhân. Sau này tôi cũng tự thấy mình ra quyết định một cách rất tự nhiên, thì tôi đồ rằng, cái góp phần làm nên cái sự "tự nhiên" đó, phần lớn là xuất phát từ những gì tôi đọc và cảm nhận được từ tờ thời báo này, hơn là những gì mà các giáo trình kinh tế đã trình bày.

5. Viết lòng vòng thế, nhưng cái mà tôi muốn nhắc đến tờ báo này, là những thứ "phi kinh tế" mà tôi học được từ nó.

Tôi có thể không còn nhớ những vấn đề kinh tế mà tờ báo này đã đề cập, nhưng những cái tên làm nên tờ báo thì tôi còn nhớ mãi.

Nhờ có TBKTSG mà tôi biết đến GS Trần Hữu Dũng, người mà giờ đây tôi viếng thăm trang web của ông mỗi ngày, ngày nào không đọc thì cảm thấy như thiếu một cái gì đó.

Qua TBKTSG, và cả GS Dũng nữa, tôi lại được biết đến chị Nguyễn Ngọc Tư. Thật kỳ lạ khi ta biết đến một nhà văn, qua một tờ thời báo về kinh tế, chẳng phải vì sách của chị bán chạy như một hiện tượng kinh tế. Nếu không có những bài viết của chính chị Tư trên tờ này, và sau đó là sự giới thiệu của GS Dũng, thì có lẽ phải đến thời gian này, tôi mới có cơ may biết đến chị, vì quả thật đã có một thời gian dài mải mê vào công việc, tôi đã lãng quên thời sự văn học.

Một nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình khác mà tôi biết được thông qua tờ này là Vương Trí Nhàn. Và kể từ đấy tôi đọc Vương Trí Nhàn nhiều hơn, thấy cũng rất hợp với cái "tạng" đọc của mình.

Nhờ đọc TBKTSG, tôi biết Luật sư Nguyễn Ngọc Bích. Nhờ có ông, những vấn đề về Luật kinh tế vốn khô khan, rắc rối và "xa lạ" với tư duy kinh tế XHCN, bỗng trở nên rõ ràng, duyên dáng, một cách "tường minh" nói theo thuật ngữ của ngành Luật. Và tôi phục cái tài của ông là ở chỗ ấy, hay nói khác đi, việc giỏi "diễn giải" chính là cái "tài ba của Luật sư" như nhan đề một cuốn sách đã xuất bản của ông. Sau này tôi còn mua nhiều sách của ông nữa: Khơi dòng chảy cho dòng vốn, Vốn và quản lý trong Công ty cổ phần, Công ty-Vốn, quản lý và tranh chấp,... cuốn nào cũng hay và đọc rất lý thú.

Cũng là từ TBKTSG mà vốn tiếng Anh của tôi trở nên khá hơn hẳn, đặc biệt nhờ "công" của hai người: anh Nguyễn Vạn Phú và anh Phạm Vũ Lửa Hạ. Chỉ tiếc là khi hai anh này ra sách thì thời kỳ đó, tôi cũng đang xa rời cái sự đọc nên không cập nhật và mua được. Anh NVP thì tôi vẫn thường dõi theo trên blog, còn anh Lửa Hạ thì bẵng đi một thời gian dài, mãi mấy hôm trước mới thấy gặp lại bài viết của anh trên trang Viet-studies, và thấy mừng là anh đã viết blog. Thế là mình lại có thêm một chỗ để đi ra-đi vô rồi. Cũng nhờ có bài viết của anh Lửa Hạ trên TBKTSG mà tôi biết đến một con người khác: Peter Drucker, người mà sau này tôi đã say mê đọc các tác phẩm của ông.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì cũng chính là nhờ TBKTSG mà tôi biết anh Nguyễn Tường Bách. Khởi đi từ những bài viết mà anh cộng tác với tờ này, tôi đã có trong tay gần như là đủ các cuốn sách mà anh đã dịch và viết: Con đường mây trắng, Đạo của Vật lý, Thiền qua nghệ thuật bắn cung, Mùi hương trầm, Đêm qua sân trước một nhành mai,...

Một tác giả khác mà tôi rất ngưỡng mộ, là anh Võ Tá Hân. Đến giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác của mình khi đọc anh so sánh trí óc của một người bận rộn với một con khỉ nhảy nhót suốt ngày, và vì vậy nên mệt, và anh đưa ra một phương cách cho đỡ mệt: Thiền. Tập sách mỏng của anh Cánh hoa trước gió  cũng là một trong những cuốn bị mất trong cái nạn mối xông nói trên. Sau này tôi còn được biết, ngoài việc là một doanh nhân tài ba, anh còn nhờ vào uy tín của mình mà vận động và "xin" được rất nhiều sách cho các trường đại học Việt Nam. Bên cạnh đó, anh cũng còn là một cây guitar cừ khôi.

Nhắc đến guitar, tôi lại nhớ đến bộ ba anh Tâm-Trung-Thông, ba người sáng lập ra TTT Corporation, những người cũng thường được nhắc đến trên TBKTSG, không chỉ với tư cách những doanh nhân thành công, mà còn với tư cách là những nhạc công/ca sĩ "kỳ cựu".

Khi viết những dòng này, tôi cũng nhớ đến anh Giản Tư Trung, người sáng lập ra PACE, một tổ hợp giáo dục mà tôi biết đến nhờ cái ô quảng cáo nhỏ xuất hiện thường xuyên dưới chân trang báo TBKTSG. Mặc dù từ hồi ra trường, tôi chưa hề học thêm bất kỳ một course nào về quản trị, nhưng nhìn cái cách mà PACE tổ chức các khoá học, thỉnh thoảng cũng muốn rút ví mà tham dự vài khoá. Anh Trung cũng là người sáng lập Dự án SáchHay.com.

Tôi cũng nhớ anh Trần Ngọc Châu nữa, người mà sau này những bài viết của anh trên TBKTSG cũng được tập hợp lại thành cuốn Vị đắng những chuyến đi xa. Ngoài cuốn này, tôi cũng sở hữu thêm một cuốn khác là tiểu thuyết ngắn của anh: Con chim e thẹn. Tiểu thuyết không phải là xuất sắc, nhưng cái thú có đủ những gì mà một tác giả yêu thích viết ra đã làm tôi nhặt cuốn sách này ngay khi nhìn thấy. Sau này khi anh đã nghỉ ở TBKTSG và chuyển sang phụ trách kênh truyền hình tài chính FBNC, tôi đã rất vui và nghĩ rằng BHD quả là đã có một lựa chọn rất thông minh.

Còn ai nữa nhỉ, à, bác sỹ Lương Lễ Hoàng. Ông đã hạ gục tôi ngay từ những bài viết đầu tiên, tất nhiên không phải về kinh tế mà là về bệnh, trước hết là bệnh của giới làm ăn. Tuyển tập Thuốc đắng Dã tật của vị bác sỹ tài hoa này tôi đã mua và tặng nhiều người.

6. Cuối cùng thì nhờ đọc những con người trên, và nhiều người khác nữa mà tôi không nhớ hết, tôi nhận ra một điều: cung cách làm ăn của mỗi người phản chiếu chính cái cung cách sống của chính người đó, và điều này ảnh hưởng đến chính văn hoá của chính doanh nghiệp mà người đó điều hành. Từ đó tôi cũng tin rằng, nếu một người sống tốt/tử tế thì khả năng cái sản phẩm anh ta làm ra cũng tử tế như thế là rất cao.

7. Vì năng lực của mỗi người là có hạn, khi tôi quan tâm tới những vấn đề phi kinh tế, thì hẳn là cái con người kinh tế trong tôi cũng giảm đi rất nhiều, tất nhiên chưa đến mức là "sự tuyệt chủng của con người kinh tế" như nhan đề của một cuốn sách nào đó. Nhưng tôi chấp nhận sự đánh đổi đó, vì chỉ khi đó, tôi mới được sống chính là mình. Nếu chỉ là con người kinh tế đơn thuần, tôi sẽ không còn là tôi nữa.

8. Nói vậy nhưng cũng lâu rồi tôi không còn mua và đọc TBKTSG nữa. Vì bận rộn không đâu. Kể ra thì đặt báo năm rồi có người đưa tận nơi cũng được, nhưng cái con người gàn dở trong tôi cứ nhất quyết cho rằng tờ báo này phải tự đi mua để đọc thì mới hay. Mà như thế thì lại không có thời gian. Lúc đầu thì tôi còn dựa dẫm vào phiên bản online của tờ này, nhưng đến khoảng năm 2007 thì tôi thôi hẳn. Thôi hẳn cũng chỉ vì tôi cảm thấy, với tờ thời báo này, phải đọc báo in mới thú. Tôi chỉ còn mua tờ TBKTSG số Tết, vừa để có cái đọc Tết, vừa là để sưu tầm, như là một tác phẩm độc lập tách rời khỏi những số báo thường.

Rời bỏ tờ thời báo này trong một thời gian dài, tôi cứ có cái cảm giác là mình đã bị lạc hậu đi, rằng mình đã tự tách mình ra khỏi dòng chảy của giới làm ăn, những xu hướng quản trị, những vấn đề liên tục nảy sinh mà các doanh nghiệp phải đương đầu. Một kiểu "quẩn quanh trong tổ".

9. Hôm nay là thứ Năm, là ngày mà như thường lệ, tờ TBKTSG có mặt trên các sạp báo ở Hà Nội. Có lẽ tôi nên đi đến một trong những sạp báo như thế, để bắt đầu lại cái việc mua và đọc tờ báo này, như một thứ "nghi lễ" hàng tuần.

Hôm nay là 22/9, cũng là ngày mà người bạn có cùng sở thích đọc TBKTSG đã nhắc ở trên, cho ra mắt một thương hiệu mới: CMAC/Investment and Executive Education. Đây là thương hiệu thứ hai của bạn sau một thương hiệu AVM đã rất thành công với Diễn đàn M&A. Không biết, trong ngày vui khai trương này, bạn có còn nhớ và còn thời gian để mua một tờ TBKTSG hay không?

* Gần như tất cả các "anh" trong bài này, trừ anh Lửa Hạ, toàn là đáng tuổi cha, chú mình, lẽ ra phải gọi là chú thì mới phải phép, nhưng xin được gọi là "anh" cho tiện.

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Giao mùa

Mưa nhỏ, rồi lại tạnh, rồi lại mưa nhỏ, rồi lại tạnh. Giữa các cơn mưa là gió, và cứ sau mỗi cơn mưa, gió lại như mạnh và lạnh hơn một chút. Một chút thôi, nhưng đã đủ mang về cái "không khí" của mùa đông. Ở những lúc giao mùa như thế này, nhất là giữa mùa Thu và mùa Đông, tôi luôn muốn được hoà mình vào thiên nhiên. Được ra đường.

photo.JPG
Pentax K-7, smc 50 1/2

Một trong những lúc vui của tôi, là được ngồi cà phê một mình và ngắm nhìn mùa Đông đang gặm nhấm dần những giọt nắng vàng của mùa Thu.

Một khoảnh khắc vui khác, là trong một chiều mưa lạnh, đi xe trên đường và chợt nhìn thấy một ô cửa hắt ra thứ ánh sáng vàng ấm cúng. Những lúc như thế, chỉ muốn đi thật nhanh. Để về nhà.

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Khi nào thì bạn chưa say?

Đấy là khi bạn đã uống nhiều bia hơn mức bình thường, chỉ vì cái món khô cá Biển Hồ.

Rồi chân tay bạn vẫn đủ cứng cáp để dọn mâm, rồi rửa hết đống bát đĩa. Trong khi rửa, bạn vẫn tự ý thức được rằng cần phải xối bát đĩa qua nước lạnh ít nhất ba lần, vì cái thứ nước rửa chén Sunlight Chanh "chỉ cần gạt tay/sạch ngay dầu mỡ" là một thứ hoá chất có thể gây ung thư.

Sau đó bạn cảm thấy buồn ngủ, nhưng bạn vẫn nhớ ra là cần phải đánh răng.

Sau khi đánh răng xong thì bạn vào blog viết lăng nhăng mấy dòng này, và trong lúc viết bạn vẫn ý thức được rằng chỉ sau cái dấu chấm câu này thôi, bạn sẽ chìm vào một giấc ngủ ngon.

Không đề

Kết quả của một sáng thứ Bảy lang thang trong lúc đợi hai bạn Tít, Tí tan lớp.

#1
photo.JPG

#2
photo.JPG

#3
photo.JPG

Pentax K-7, kit lens 18-55

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Bokeh

Đã qua Trung thu, mà trời vẫn u ám và mưa gió dầm dề như thể mưa Ngâu của tháng Bảy. Thỉnh thoảng mới lòi ra được vài giọt nắng vàng rực rồi lại tắt ngay, như trò đuổi bắt của mây và mặt trời.

photo.JPG
Pentax K-7, smc 50 1/2.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Muốn viết

photo.JPG

1. Trong ảnh là một cuốn sách tôi đang đọc: Investment Biker. Cuốn này mua trong chuyến đi Siem Reap hồi đầu năm ngoái, rồi bẵng đi không sờ đến. Giờ lôi ra đọc mới thấy tiếc vì đã không đọc nó sớm hơn: một cuốn sách thực sự tạo cảm hứng, ít nhất là cho riêng tôi. Jim Rogers, một nhà đầu tư có hạng (như sau này tìm hiểu mới biết, ông là người cùng George Soros sáng lập ra Quỹ Quantum lừng danh), đã "nghỉ hưu" ở tuổi 37 để thực hiện một chuyến du hành vòng quanh thế giới bằng xe máy, để được đến tận nơi và quan sát về các nền kinh tế khác nhau.   Tôi rất muốn đọc nó thật nhanh để có thể viết vài dòng cảm nhận và suy nghĩ về cuốn sách, nhưng có cái gì đó trong tôi cứ làm tôi đọc nó thật chậm, như thể nếu kết thúc nó quá sớm, cái cảm hứng kia cũng sẽ biến mất.

2. Về một cái mái hiên cụ thể, tôi đã có dịp viết ở đây. Nhưng những ngày này, tôi lại muốn viết về mái hiên nói chung, như là một vùng đệm cho cái sự giao hoà với thế giới bên ngoài của con người.

3. Một cuốn khác tôi cũng đang đọc dở là Sống Đẹp của Lâm Ngữ Đường. Vừa đọc vừa nghĩ mình đọc cuốn này muộn quá, một cuốn đúng như cụ Nguyễn Hiến Lê đã nhận xét là gợi nhiều "suy nghĩ". Đọc cuốn này mới biết ngày xưa Thánh Thán có viết "Ba mươi ba lúc vui của Kim Thánh Thán", cũng muốn bắt chước cụ để viết "ba mươi ba lúc vui" của chính mình.

4. Không biết từ bao giờ tôi bị nhiễm cái tật là đọc nhiều cuốn sách trong cùng một khoảng thời gian, trừ những cuốn quá mỏng hoặc quá cuốn hút đến mức đọc một mạch không nghỉ, hoặc tuy cuốn đó dầy nhưng được đọc trong một kỳ nghỉ dài (Nghỉ Tết chẳng hạn). Cái sự lề mề đó ở tôi quả là xấu, nhưng bù lại, tôi lại thấy lợi ở hai điểm. Một là dần dần, tôi trở nên mẫn cảm với việc lựa chọn cuốn này thì "có thể" phù hợp nhất để đọc vào thời điểm nào trong không gian nào, và để khi đọc xong kiểm nghiệm xem điều đó có đúng không. Cho nên cái thú không phải chỉ là ở việc đọc sách và ở thời điểm đọc sách, mà là những gì diễn ra sau đó nữa, như thể cái "hậu vị" của thứ chè mạn Thái Nguyên hảo hạng. Và hai là, có những khoảng thời gian ta được trải nghiệm rất nhiều cảm xúc đẹp, như hai cuốn đã dẫn ở trên là một ví dụ: một cuốn gợi nhiều "suy nghĩ", cuốn còn lại, gợi nhiều "cảm hứng". Thế thì còn gì bằng?

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Một định nghĩa về sự "Dã man"

Đây là Lời tựa cho một cuốn sách có lẽ sẽ không được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Nhưng bỏ qua nội dung chính của cuốn sách, bản thân Lời tựa này cũng là một "tác phẩm" độc lập và đáng đọc.

Nguyên bản tiếng Pháp: Jean-Claude Guillebaud

Người dịch: Hoàng Hà.

Lời kết mỉa mai của cuốn sách thật hay này chính là chìa khoá. Ban đầu tôi cũng tự hỏi không hiểu cái cảm giác về một sự rõ ràng, tươi mát, “mới mẻ” hoàn toàn khi đọc cuốn sách tìm hiểu thực tế Việt Nam này ở đâu ra. Câu trả lời hoá ra lại đơn giản: đó là do các tác giả đã hoàn toàn bỏ qua các định kiến, mà suy cho cùng các định kiến ấy là do tính chuộng ngoại lai mà ra. Chuộng ngoại lai hiểu cho đúng cũng là một dạng dối trá. Bao giờ cũng dối trá. Chính nó ve vãn và làm khách du lịch lạc lối.
     Chúng ta hãy cùng nhớ tới những lời quảng cáo năm này qua năm khác mời gọi ta lên đường. Phần lớn những lời quảng cáo này đều có một tính hai mặt đáng ngờ. Đó chính là nghịch lý căn bản của mỗi chuyến đi, mỗi khám phá (rởm). Có thể tóm lại trong vài từ. Thứ mà chúng ta đi tận chân trời góc bể để kiếm tìm, thứ “ngoại lai” rởm ấy chẳng qua cũng chỉ là “đồ sơn” mà thôi. Cái cứ tưởng là “nơi khác” ấy khiến chúng ta bỏ tiền ra mua lời hứa hẹn trong các ca ta lô của các hãng lữ hành chuyên nghiệp, nó là một trò dối trá thô thiển nhằm đáp ứng một nhu cầu mà ta có thể tạm coi là chủ nghĩa tiêu thụ.
     Cái chúng ta tìm kiếm một cách bản năng khi rời khỏi quê hương, khỏi thường nhật, khỏi môi trường quen thuộc, đó không chỉ là vẻ đẹp đặc thù của phong cảnh hay công trình. Chúng ta còn hy vọng sẽ có thêm chút gì thật là khác thường, một sự lạ nước lạ cái hoàn toàn, một sự “khác biệt” càng lớn càng tốt. Đi thăm chợ ả rập, phố Ấn độ hay đường mòn châu Phi, chúng ta muốn được sửng sốt trước những người đàn ông và đàn bà có cách sống khác, truyền thống khác và thế giới quan khác. Khác tuyệt đối.
     Tất cả những sản phẩm báo chí nói về lữ hành chẳng qua cũng chỉ nhằm tụng ca một cách ít nhiều khéo léo về sự “khác biệt” này. Phụ nữ cao cổ ở Myanmar, thầy tu khổ hạnh ở Bénarès, người Inuit ở Groenland, nông dân còng lưng dưới ruộng ở Việt Nam: đó là sự lạ mà các hãng lữ hành mời chúng ta tận hưởng.
     Vậy mà, cách nhìn thế giới như vậy là ngược lại với sự thật. Trước hết, cái mà chúng ta cho là đẹp như tranh thường là do tác động của nghèo đói. Cái mà chúng ta cho là thú vị (những đám đông chân trần lê bước ở châu Phi, những thành phố lúc nhúc loè loẹt, những bà nông dân còng lưng gánh củi, .v.v.), lại chính là nỗi khốn cùng của người trong cuộc. Trong cái cách mà khách du lịch lượn quanh các chợ nhòm ngó, máy ảnh nháy lia lịa, có chút gì đó hơi dã man.
     Sau đó, phải thấy là cả thế giới đã thay đổi, nhất thể hoá, đô thị hoá và phát triển. Những cô bé chăn dê ở châu Phi ngày nay nghe nhạc techno bằng máy kỹ thuật số; sư sãi ở Việt Nam đi taxi và học vi tính; các dân tộc trên thế giới cũng, giống như chúng ta, muốn tham gia vào tất cả những gì gọi là toàn cầu và sự đơn điệu của nó. Sự tầm thường hoá hành tinh đương nhiên làm chúng ta không thoả được cơn khát ngoại lai. Nó làm ta bực bội. Nên ta cứ có xu hướng muốn giữ lại sự hư cấu về cái đẹp đẽ đã qua, nhốt người dân các xứ sở xa xôi trong nhà tù của sự khác biệt. Để đạt được mục đích ấy, ta sẽ lại sáng tạo ra một thế giới tưởng tượng, còn giả hơn cả đề co sân khấu; ta sẽ quay phim như thể đó là một vườn bách thú màu sắc khổng lồ. Ta sẽ đòi các dân tộc phải giống y hệt ý ta.
     Tôi vẫn còn nhớ một câu chuyện được nghe ở châu Đại dương. Ở quốc đảo Fidji, chính phủ năm nào cũng yêu cầu nhân dân không mặc quần áo kiểu phương Tây trong mùa du lịch để khỏi làm khách thất vọng. Nói thế là đủ hiểu.
     Thực ra nước nào cũng có nét ngoại lai đặc thù của mình và cả một bộ sưu tập các hình ảnh mà người ta thường quen gán cho nơi ấy. Đối với trường hợp Việt Nam, các hình ảnh định sẵn ấy trong đầu óc chúng ta có nhiều tầng nghĩa. Tất nhiên trong đó có những hình ảnh về vẻ đẹp rực rỡ của phong cảnh. Ngay cuối thế kỷ XIX, những người đầu tiên phát hiện ra Việt Nam đã mê đắm kể về những ruộng lúa bát ngát bao quanh là những rặng núi ẩn hiện trong mây. Họ tả về những ruộng lúa sắp xếp khéo léo như những tổ ong, phân cách đất và nước từng xăng ti mét một, tới tận chân trời; những ô bờ đê bằng đất sét bao lấy những người đàn bà oằn vai dưới sức nặng của chiếc đòn gánh; những động tác và nhịp điệu ấy – những chiếc gầu tưới mà hai người đàn ông đứng đối mặt cùng nhịp nhàng kéo nước, những con trâu bì bõm trong nước ngập tới nửa ống chân.
     Bổ sung vào những tụng ca dai dẳng về vẻ đẹp địa lý – quả thật là không thể chối cãi -, qua thời gian còn có thêm những kỷ niệm về thời thực dân và các cuộc chiến tranh liên tiếp diễn ra sau đó. Lính Pháp, những cựu binh Đông Dương, đã góp phần lớn vào việc làm cho đất nước này có một sự “mê hoặc” đặc biệt. Lính thuỷ đánh bộ Mỹ, vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, đã phát triển, và làm lan truyền, một nỗi nhớ Việt Nam lạ lùng và da diết. Thậm chí họ còn chế ra từ “namstalgie” để chỉ nỗi nhớ này. Qua bao năm lắng lại, tất cả những hình ảnh này cuối cùng đã tạo ra một Việt Nam tưởng tượng, một Việt Nam ảo trong đó đời sống của nhân dân ra sao, xã hội (thực) biến chuyển thế nào ít ai quan tâm. Phần lớn sách báo và sách hướng dẫn du lịch ở các nước phương Tây đều nói tới nước Việt Nam tưởng tượng này.
     Trong khi đó, nước Việt Nam thật lại rất ít được biết đến – giống như phía kia của mặt trăng. Philippe Papin và Laurent Passicousset sẽ giúp chúng ta khám phá “mặt khuất” này. Để làm được như vậy họ có một thái độ bình tĩnh – thậm chí hài hước nhẹ nhàng – mà chỉ những người hiểu tường tận đất nước và ngôn ngữ này mới có được, mà những người như vậy đâu có nhiều.
     Với tất cả những ai, giống như người viết những dòng này, yêu mến Việt Nam từ lâu nay, với những ai tưởng rằng mình có chút hiểu biết về đất nước này, có được cuốn sách này quả là duyên trời định, tuy nghe có vẻ nghịch lý. Khách quan nhưng uyên bác, xây dựng nhưng phê phán, những trang sách đưa ta thẳng đến thực tế, một thực tế trần trụi nhưng đáng say mê của một đất nước.
     Jean-Claude Guillebaud

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Đóng Tủ

Thầy Phan Chánh Dưỡng trả lời phỏng vấn VNN:

Có một điều tôi nghĩ hơi sâu. Đó là suốt thời kỳ từ khi trẻ còn nhỏ cho đến khi 12 tuổi, cố gắng khái quát cho được 2 trục tọa độ không gian và thời gian. Đó là kết cấu của tư duy của con người xã hội.

Không gian và thời gian là giá đỡ khả năng tư duy của trẻ trong tương lai, khi lớn lên, trẻ sẽ tiếp thu kiến thức, từ đó hình thành tư duy.

Với trục tọa độ thời gian, đứa trẻ biết được hôm qua, hôm nay và ngày mai. Trẻ con thường hỏi ai sinh ra mẹ? Tất nhiên câu trả lời sẽ là “bà ngoại”. Khi bé hỏi tiếp “ai sinh ra bà ngoại” thì đó là những đứa rất nhạy về trục thời gian.

Những đứa nhạy về trục không gian tức là nhận biết được hay sớm tò mò về thế giới xung quanh như cái nào lớn hơn cái nào, cái đó gần hay xa…

Tôi quan sát thấy, những đứa nhạy về trục thời gian và không gian thì vô cùng thông minh sau này.

Tôi vẫn cho rằng, với trẻ em, không vội cho cuốn sách vào cái tủ mà làm cái tủ trước, thì hay hơn. Hình thành cho trẻ con hệ tọa độ không gian và thời gian thì sẽ giúp trẻ con học 1 mà biết 2, 3.

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Cụ Trần Văn Khê: Làm đàn ông dễ, làm cha mới khó!

Lại copy từ SGTT:

GS.TS Trần Văn Khê: Làm đàn ông dễ, làm cha mới khó!

Có đôi khi, vì hoàn cảnh, người cha phải rời những đứa con của mình. Hồi sinh Hải (GS Trần Quang Hải), tôi là người đỡ đẻ cho mẹ cháu, từng bước con ra đời, cho đến khi biết bập bẹ những tiếng đầu tiên, ê a gõ từng giai điệu lên đàn, lên trống. Tôi ghi lại nhật ký của con không sót ngày nào. Những nốt ngây ngô đầu tiên, tôi cũng ký âm, ghi âm lại hết. Năm 1949, vì sự nghiệp mà phải tha hương, tôi nhớ các con vô cùng. Mỗi tháng, tôi lấy dĩa nhựa (loại dùng để ghi âm vào năm đó) ra, thu âm giọng mình. Tôi tưởng tượng các con đang đứng trước mặt, gọi từng đứa lại nói. Các con tôi mỗi lần nhận dĩa nhựa đó đều khóc. Tôi đi mỗi nước, mỗi khách sạn, mỗi tiệm trà, mỗi quán ăn đều sưu tập những viên đường, những búp bê cầm đờn xinh xắn về cho con. Bây giờ Hải có một bộ sưu tập mấy ngàn viên đường của mấy chục nước khác nhau, hàng ngàn nhà hàng khách sạn quán ăn trên khắp thế giới, Hải quý bộ sưu tập đó lắm! Dù ở xa, nhưng tôi biết các con tôi, mỗi đứa thích gì, cần gì, tính khí ra sao, bạn bè thế nào! Tôi chưa để các con túng thiếu tiền bạc, học hành cũng cố chăm lo chu toàn. Mỗi lần dạy con điều gì, tôi viết thư, rồi dùng giấy carbon lưu lại lá thư đó, để vài năm sau, vài chục năm sau tôi còn nhớ mình đã nói gì với con, đúng hay sai, có giúp ích, có thay đổi con không? Tôi trân quý từng phút, từng giây được ở bên cạnh con mình.