Recent Posts

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

25/8/2010

*

Trưa muộn, tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngắn, cả văn phòng yên tĩnh một cách lạ thường. Trong khoảng thời gian giữa hai cơn mưa của tháng cô hồn, không gian xung quanh như nhuốm một nét ảm đạm, nhưng tĩnh lặng, và rất thích hợp để nghe nhạc.

Như để thêm vào cái không khí đó một nét trầm, tôi chọn ra các bài của Leonard Cohen trong số 1976 bài từ thư viện iTunes để nghe. Bắt đầu bằng Because Of, rồi Morning Glory, rồi The Faith, qua So Long, Marianne. Đến The Partisan thì tỉnh hẳn, vì nhạc hay quá. Leonard nhấn nhá từng ca từ như thể những con thuyền dập dềnh trên dòng sông âm nhạc với guitar làm chủ đạo, đặc biệt là các âm bass siêu trầm.

Nghe thêm một lúc nữa thì phát hiện ra từ trước đến giờ mình đã bỏ qua không nghe hai bài By the Rivers DarkBoogie Street. Cả hai đều hay và rất hợp với phong cách lounge mà dạo này mình đang kết. Nếu sau này mình có làm một tuyển chọn lounges thì phải cho cả hai bài này vào. Nghe By the Rivers Dark, không hiểu sao cứ nhớ đến Rivers of Babylon của ban nhạc cựu trào Boney M. Có lẽ là tại Leonard đã hát thế này:

Be the truth unsaid

And the blessing gone,


If I forget


My Babylon.



I did not know

And I could not see


Who was waiting there,


Who was hunting me.



By the rivers dark, 


Where it all goes on;


By the rivers dark


In Babylon.

Ngồi ở Highland với ly nâu đá mà nghe bài này thì thật là tuyệt.

**

Buổi chiều tình cờ thế nào lại “được” đi mua sách ở Nguyễn Xí. Vào một nhà sách mà mình chưa vào bao giờ, mặc dù đã đi qua nó không biết bao nhiêu lần. Tình cờ nhìn thấy Dubliners – Người Dublin. Mua, chỉ vì tác giả của nó là James Joyce.

Tại sao lại James Joyce? Vì hai lý do.

Một là Joyce được Hemingway nhắc đến quá nhiều, với thái độ rất trân trọng, đôi lúc có phần ngưỡng mộ, trong cuốn Hội hè miên man của ông. Chẳng hạn như ở đoạn Hemingway nói chuyện với Sylvia – bà chủ thư viện Shakespeare and Company.

“Khi nào Joyce đến?”, tôi hỏi.

“Ông ấy có đến thì cũng thường vào chiều muộn,” bà nói. “Cậu chưa bao giờ gặp ông ấy à?”

“Chúng tôi có thấy ông ấy đi ăn cùng gia đình ở nhà hàng Michaud,” tôi đáp. “Nhưng nhìn người khác đang ăn thật bất lịch sự, vả lại Michaud đắt lắm.”

Hai là, tôi có nghe trong bài I Feel the Change Comin’ On, Bob Dylan đã “tự sự” như thế này: I’m listening to Billy Joe Shaver, and I’m reading James Joyce. Nếu đọc James Joyce mà có thể “cảm” được sự thay đổi đang đến với mình, thì cũng đáng để đọc lắm chứ.

***

Sau đoạn intro, Leonard đã “vào” bài Boogie Street, rất ấm, rất trầm và rất mượt, như thế này: “A sip of wine, a cigarette, And then it’s time to go”.


So come, my friends, be not afraid.
We are so lightly here.
It is in love that we are made;
In love we disappear.
Though all the maps of blood and flesh
Are posted on the door,
There’s no one who has told us yet
What Boogie Street is for.

****
"Boogie Street to me was that street of work and desire, the ordinary life and also the place we live in most of the time that is relieved by the embrace of your children, or the kiss of your beloved, or the peak experience in which you yourself are dissolved, and there is no one to experience it so you feel the refreshment when you come back from those moments....So we all hope for those heavenly moments, which we get in those embraces and those sudden perceptions of beauty and sensations of pleasure, but we're immediately returned to Boogie Street."

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Ảo tưởng

*

Chiều đi làm về sớm hơn thường lệ, “nhận lệnh” đi đón Tí ở trường Ong Mật. Về nhà ba bố con rủ nhau đi ăn chè đỗ đen ở gần nhà. Nhìn Tít&Tí bỏ dở cốc chè, chạy ra nô đùa ở mảnh sân nhỏ rợp bóng cây lúc chiều muộn, chợt thấy lòng thanh thản một cách lạ thường.

**

Ở ngay giây phút ấy, chợt liên tưởng đến đoạn kết phim Revolutionary Road, quay cảnh ông bố đi làm về ngồi ở cái ghế dài với cái cặp bên cạnh, nhìn ngắm hai con chơi xích đu trong công viên vào một buổi chiều đầy nắng. Đó là một cảnh quay ngược sáng, người xem chỉ có thể nhìn thấy lưng của ông bố trẻ, nhưng có thể cảm nhận đầy đủ nét hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt anh ta.

***

Chợt hiểu thêm ra thế nào là hạnh phúc đích thực.

****

Chợt nhớ ra rằng đã rất nhiều năm, mình mới chỉ “tồn tại” chứ chưa chưa phải là “sống”. Và cái câu hỏi to đùng về mục đích sống cuối cùng lại dấy lên nhức nhối, như thể nó đã trở thành một câu hỏi thường trực, quanh quẩn trong cái đời sống đầy u mê của mình trong suốt thời gian gần đây. Mà chưa có câu trả lời.

*****

Buổi tối đi nghe Nguyễn Duy đọc thơ ở 36 Điện Biên Phủ. Đọc ông nhiều, nghe nói về ông cũng nhiều nhưng đây là lần đầu nhìn thấy ông trong đời thực. Cũng là lần đầu tiên nghe ông đọc thơ trực tiếp. Hay đến lặng người.

Và tiếc, là chỉ đi một mình mà không có ông nội và mẹ của Tít Tí đi cùng.

******

.....

Bẵng đi mấy hôm, tối qua tình cờ kiếm được cuốn Chân trời có người bay của Đỗ Lai Thuý, trong bài viết về cụ Nguyễn Khắc Viện, có một đoạn như sau:

“... Rồi một hôm ông không muốn đọc cho viết nữa. Bạn hỏi vì sao, ông chỉ trả lời bằng một câu buông thõng: Ảo tưởng! Nghe được chuyện này tôi bỗng nhớ đến bài Nói chuyện với một nhà đạo học của học giả Đào Duy Anh. Đó là cuộc tranh luận triết học của tác giả với Cao Xuân Huy về phép biện chứng của Hêghen, của Mác với biện chứng Lão Tử. Cuộc đấu bất phân thắng bại đã kết thúc bằng một trận cười xoà và câu nói vuốt: Cũng là A.Q cả thôi. Chữ A.Q mà các cụ dùng ở đây, có lẽ, là chủ nghĩa duy lý tưởng, chủ nghĩa Đông Ki Sốt, là ảo tưởng. Các bậc minh triết, đến cuối đời, đều nhìn thấy cái hư vô. Có lẽ, con người cần thấy cái hư vô càng sớm càng tốt, không phải để sống vô trách nhiệm theo chủ nghĩa Mắc kê nô, mà để sống bình tĩnh hơn, tốt đẹp hơn..... Con người hiện đại sống khó ở chỗ vẫn nhìn thấy hư vô mà vẫn tích cực tham gia vào đời sống xã hội.”

Câu hỏi đã được trả lời.

*******

Trời Hà Nội đã chớm Thu. Có thể thấy không khí Thu đã len lỏi đâu đó trong từng ngõ ngách buổi sớm, len cả vào các blog và diễn đàn.

Thèm được ngồi cà phê sớm, trong một khu vườn yên tĩnh đầy tiếng Thu.