Recent Posts

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Om Mani Padme Hum/Buedi Siebert

           

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Chào 2013

Bằng nhạc của Frédéric Chopin.




2012


Một tổng kết ngắn cho 2012, nhân ngày làm việc cuối cùng của năm Dương lịch.

Mất:
- Toàn bộ những gì tích luỹ được trong vòng 8 năm trở lại đây. Nếu tính đủ thì còn là một con số âm. Nói theo kiểu của Donald Trump thì hiện tại mình nghèo hơn cả một tay đánh giày. Những gì duy nhất còn giữ lại được là cái mà người ta vẫn gọi là “kinh nghiệm”. [thật mỉa mai thay cho kinh nghiệm]

Được:
- Có nhiều thời gian hơn cho gia đình: chơi với con nhiều hơn, giúp vợ được nhiều hơn, ở nhà nhiều hơn, và bắt đầu nghĩ đến bản thân mình nhiều hơn. “Từ nay mình biết yêu mình.”
- Đọc được nhiều hơn, nếu không nói là nhiều lần hơn. Chuyển từ đọc các tác phẩm kinh tế-kinh doanh sang các tác phẩm văn học. Cuộc sống vì vậy mà nhân bản hơn, nhận thức cũng rộng hơn, và biết là trong gần chục năm qua mình đã bỏ quên mất điều gì.
- Nghe nhạc trở lại.
- Gần như không xem TV, trừ các chương trình dạy/thi nấu ăn xem cùng cả nhà.
- Có nhiều bạn bè hơn.
- Hướng năng lượng [energy] vào việc sống hơn là tồn tại.

Kết luận: Được nhiều hơn Mất. 2012 không phải là năm tận thế.

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Đêm đầy ánh sáng


Rốt cuộc thì Giáng sinh có ý nghĩa gì đối với một kẻ luôn tự khai là không tôn giáo trong lý lịch? Tự thân nó không có ý nghĩa gì cả, nhưng trong ngày đó về nhà sớm, chen chúc trong cửa hàng mua đồ chơi cho lũ nhóc, chen chúc trên đường vừa lạnh vừa kẹt xe để tìm mua vài viên bánh macarons hòng làm quà cho bà xã ngạc nhiên nhưng chỗ nào cũng hết [hic], uống vài lon bia trong bữa tối, đọc Nhóc Nicolas cho hai bạn Tít Tí nghe trước khi đi ngủ và trong lúc đọc thì cả ba bố con cùng cười như nắc nẻ,... thì Giáng sinh thành ra có một ý nghĩa nào đó mà người ta không thể quên.

Khi đêm đã buông, trong tiếng chuông vọng lại từ phía nhà thờ làng Tám, tôi bước ra cầu thang và thấy một cái gì đó thật lạ: ánh trăng đang tràn ngập khoảng giếng trời nho nhỏ. Trăng mùa đông không vằng vặc nhưng cũng đủ soi tỏ một góc nhà, một khối ánh sáng nhẹ nhàng được đúc từ bốn bức tường của giếng trời, đẹp đến mức tưởng như có thể biến người đang ngắm nhìn nó thành nhà thơ được [nhưng rốt cuộc rồi ánh trăng cũng bất lực, -:)]. Một đêm trăng như thế hẳn cũng vẫn đẹp trong một ngày bình thường, nhưng trong một đêm Noel, nó lại trở nên có một ý nghĩa nào đó, như là một đêm Giáng sinh đẹp và an lành, chẳng hạn thế. Ở lúc đó thì tôi nhận ra rằng ý nghĩa chỉ là thứ mà ta ghán ghép cho sự vật. Mặt trăng lúc nào cũng ở đó, tự tại và vô can, vậy thì ta đi tìm ý nghĩa để làm gì? Hãy cứ uống bia, đọc sách, vui chơi với trẻ con, và ngắm trăng, nếu có thể được. Đời thế là vui.

Quên


Tôi đọc “Thế giới là một cuốn sách mở” từ năm 2009, đọc đâu đó vài chục trang, rồi gác lên giá sách. Thế mà bẵng đi cho đến tận những ngày cuối cùng của năm 2012 này, tôi mới lại giở ra để đọc – một sự lãng quên mà tôi cũng không thể cắt nghĩa được. Khoảng cách giữa hai lần giở cùng một cuốn sách hoá ra cũng giống như giữa hai lần hạnh ngộ của con người, đôi khi vì vô tình mà khoảng cách ấy cứ kéo dài mãi.

Giờ thì tôi đang đọc lại nó, sau khi đã đọc nhiều cuốn sách khác của Nhã Nam, đã đọc các bản dịch khác của dịch giả Giáp Văn Chung, và đã đọc một vài nhà văn được phỏng vấn trong cuốn sách - Paul Auster, Orhan Pamuk và Umberto Eco, - mỗi người một ít. Có lẽ vì thế mà cuốn sách trở nên có ý nghĩa hơn so với lần đọc đầu tiên, vì một lẽ đơn giản là, khi nào cũng vậy, nếu ta đã thích các tác phẩm của nhà văn [và vì vậy trở nên yêu mến họ], ta sẽ luôn tò mò về quá trình họ tạo ra tác phẩm ấy. Đọc về một vài nhà văn, dù mỗi người có một phong cách khác nhau, ta đều tìm thấy ở họ một điểm chung: viết văn là một lao động khổ sai, cần sự nghiêm túc và kỷ luật, nhưng ý tưởng cho những tiểu thuyết làm ta say đắm thì lại thường khởi đầu hết sức tình cờ, đôi khi có phần giản đơn.

Tôi luôn thích đọc những bài phỏng vấn các nhà văn. Một phần vì khi đọc các tác phẩm của họ, giống như một gã học trò ngốc nghếch, rất thường khi tôi không thể nắm bắt được toàn bộ những gì mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm của họ. Nhặt nhạnh được điều gì đó thì có, chắc chắn có, nhưng thông điệp cốt yếu thì lại không. Vì vậy, đọc sách giống như là bài giảng chính ở trên lớp, các cuộc phỏng vấn giống như những buổi thảo luận riêng với thầy giáo, - những buổi thảo luận ngắn nhưng đầy thú vị, cung cấp và bổ sung những chi tiết mà bài giảng chính không có, thoát ra khỏi cái không khí “chính thống” của “lớp học”, vì vậy mà gần gũi và dễ hiểu hơn nhiều. Đọc các cuộc phỏng vấn này còn tạo ra cái cảm giác như là được trò chuyện với chính nhà văn, và nhận ra mỗi người như một nhà thông thái, và, nếu như ta là người đang đi kiếm tìm một điều gì đó từ cuộc sống, một thứ mà đôi khi thậm chí ta còn chưa biết là gì, hẳn là những bài phỏng vấn này đã cho ta một vài câu trả lời, hoặc chí ít, một lời khuyên, một gợi ý, hay một đường hướng dẫn tới câu trả lời ấy.

Cuốn sách này còn đi xa hơn một chút, là bên cạnh mỗi bài phỏng vấn một nhà văn còn có kèm thêm những ghi chép/bút ký/nhật ký của tác giả cuốn sách, người đã tổ chức và trực tiếp phỏng vấn các nhà văn: Lévai Balázs, - những đoạn ghi chép rất thú vị và nếu tách riêng cũng có thể làm thành một cuốn bút ký đầy hấp dẫn.

Đấy, một cuốn sách như thế mà tôi lại quên mất. Rất may là nó vẫn còn trên giá và vào một ngày giữa đông lạnh buốt, nó lại chính là thứ đã đem lại cho tôi một chút hơi ấm, và chắc chắn, sẽ là một cuốn cẩm nang cho sự đọc tiếp theo của tôi.

[Ghi chép trong lúc đang đọc dở “Thế giới là một cuốn sách mở”/Lévai Balázs, Giáp Văn Chung dịch, nhà Nhã Nam, 2009]

Trò chuyện trong bữa tối (21/12/2012)


Trong bữa tối, hai bạn Tít&Tí đề xuất rất nhiều kế hoạch "ăn chơi", nhưng đều bị bố mẹ gạt đi, lý do là không còn tiền để thực hiện kế hoạch của các bạn ấy. Các bạn ấy hỏi tại sao, bố trả lời là vì bố không bán được hàng nên không còn tiền. Hai bạn tỏ vẻ mặt rất thông cảm, rồi phán:

Bạn Tít: À, tôi biết rồi. Bây giờ công nghệ phát triển như thế, ai còn dùng đồ điện tử như của ông nữa.

Bạn Tí: Đúng rồi. Bây giờ cứ có máy tính nối mạng, vào internet là có hết, ai còn dùng đến đồ điện tử như của ông nữa, nhỉ, ông Tít nhỉ?

Thôi, thế bố đi đốt cái bằng kinh tế đây. Hết kiến thức để truyền đạt cho các bạn ấy rồi.

Chú thích: Chuyện phiếm trong nhà thì các bạn ấy gọi bố là ông, xưng tôi. -:(

Come Rain or Come Shine

Hôm nay là sinh nhật nàng, cái sinh nhật lần thứ chín chúng tôi sống cùng nhau, dưới một mái nhà. Thời gian trôi đi, người ta thường hỏi, thành tựu của chúng tôi là gì? Tiền bạc ư? Không. Quyền lực ư? Cũng không nốt. Thành tựu của chúng tôi là đây: lũ quỷ nhỏ của chúng tôi, hoa trái của đời chúng tôi.

Thời gian trôi đi, chúng tôi đã cùng nhau đi qua bao ngày nắng đẹp, đã cùng nhau lặng ngắm mặt trời lên trên đỉnh Angkor Wat, cùng nhau rong ruổi trên những cung đường đẹp như mơ cả một vùng Tây Bắc, cùng ngắm chiều thu buông dần bên Hồ Tây, cùng ngồi trên bãi cỏ trường RMIT một đêm cuối xuân và nghe Bob Dylan hát Love Sick,... Nhưng những vẻ đẹp ấy chẳng là gì, chỉ là những hạt bụi li ti nếu đặt cạnh những bão giông, những khổ đau mà tôi đã gây ra. Nàng đã cùng tôi đi xuyên qua tất cả những thứ ấy, lặng lẽ, kiên cường. Trong những cơn trầm cảm kéo dài, những nỗi cô đơn cùng cực, tôi biết vẫn luôn có nàng ở đó, bên cạnh mình. Những lúc giông bão cuộc đời bủa vây, không một xu dính túi, tôi về nhà và nàng đứng đó, trong bếp, nhìn tôi và cười, tôi càng xác tín rằng nàng chính là nơi trú ẩn, là “shelter from the storm” của đời mình. Nàng ở đó, và rốt cuộc không còn gì là quan trọng nữa. Rốt cuộc, rốt cuộc thì trong ngày này, tôi muốn được cùng nàng nghe lại “Come rain or come shine” – bài hát mà tôi đã nghe nhiều năm trước trong những lúc tuyệt vọng âm thầm vì không có nàng ở bên.

Chủ Nhật & đỗ tương


Sáng dậy sớm đọc 1Q84 2, đến đoạn tả anh Tengo luộc đỗ tương thì buông sách; từ lúc đấy thì mùi đất xốp, mùi nắng hanh, mùi đỗ tương tươi ngai ngái, hai bàn tay ngứa ran vì cọ vào quả đỗ tương từ những buổi đi thu hoạch đỗ tương cho bà dì ở quê cứ thế tràn về, rồi sau đó là hình ảnh một ông nhóc con 10 tuổi còi dí đạp cái xe lọc cọc đằng sau có chở một bó cây đỗ tương lớn về nhà, đỗ tương cả cành tươi cho vào nồi, và luộc. Ôi chao là ngon.

Đến gần trưa thì hai bố con đi cắt tóc trong một con ngõ nhỏ. Ngồi ngắm ông thợ già cắt tóc cho bạn Tí, trong đầu cứ vang lên giai điệu của bản Penny Lane: “Penny Lane there is a barber showing photographs/Of every head he's had the pleasure to have known/And all the people that come and go/Stop and say hello”. Lúc hai bố con quay về, thế nào lại gặp ngay một bà bán rau trong ngõ, trên miếng vải bạt bày ra trước mặt bà còn sót lại vài mớ đỗ tương rất ngon, mập căng. Thế là lại sà vào làm một mớ. Và rồi trong một chiều Chủ Nhật, lại có người vừa ngồi ăn đỗ tương luộc vừa nghe vẳng bên tai giọng anh John Lennon:“Penny Lane is in my ears and in my eyes”. Nếu tôi mà hát câu này, chắc tôi sẽ đổi Penny Lane thành Soya-Bean.

Rốt cuộc thì văn học nghệ thuật có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống? Đối với tôi có lẽ chỉ đơn giản vậy thôi. 

Những ngày này


Những ngày này, tôi chỉ muốn được trở về với một cái giếng làng, đầy nước, trong vắt và tĩnh lặng; chỉ để được đứng bên nó, ngồi bên nó, để soi xuống nó hòng thấy được lòng mình, để tìm kiếm nơi đó sự an trú tĩnh tại, tìm kiếm cái sức mạnh của nước, nguồn sống của nước, sự vuốt ve và an ủi của nước mát lành. Một cái giếng như thế hẳn sẽ là nguồn sống cần thiết cho cái đầu đang khô héo, cằn cỗi nơi tôi.

Những ngày này, tôi chỉ muốn được cùng một người rong ruổi trên những cung đường Tây Bắc cho qua ngày, đoạn tháng. Một buổi sáng nào đó, cả hai sẽ dừng xe, ngồi xuống vệ đường đun nước pha cà phê, rồi vừa nhâm nhi cà phê vừa ngắm nhìn sương tan trong thung lũng dưới nắng mai.

Những ngày này, hằng đêm, tôi nghe đi nghe lại bản Corcovado, chỉ để được thấy những âm điệu của nó,- tiếng tenor sax của Stan Getz, tiếng piano của Antonio Carlos Jobim, tiếng guitar và giọng ca thủ thỉ của João Gilberto, - hoà nhịp thành một thứ dược âm có khả năng xoa dịu những vết thương đang hằn sâu nơi tôi như thế nào; chỉ để được nghe Astrud Gilberto gợi lên những hình ảnh, những không gian, thời gian, cái không khí mà tôi muốn được đắm chìm vào, như thế này:

Quiet nights of quiet stars
Quiet chords from my guitar
Floating on the silence that surrounds us
Quiet  thoughts on quiet dreams
Quiet walks by quiet streams
And the window that looks out to Corcovado
Oh how lovely.

Trưa phố cổ


Trưa phố cổ cuối năm, phố phường cũ kỹ xám xịt, ảm đạm hơn cả bức tranh chung của nền kinh tế.
Trời lạnh, lá bàng đỏ, hoa cúc vàng cũng không đủ sưởi ấm lòng người, may mà còn có bữa trưa với bà xã: bún chả rươi Hàng Bè, cà phê Năng Hàng Bạc.

Tôi ghét những ngày này.
Ngồi giữa phố cổ, tôi thấy mình như đang cũ kỹ đi, cũ hơn phố, cũ hơn phường; cũ như một ông già ngồi lục lọi đống đồ đồng nát, ngắm nghía thứ vừa nhặt được và nghĩ về những ngày tháng xa xăm.
Ngồi giữa phố cổ, tôi thấy mình đang trong một tiến trình tự bào mòn, mục nát và lên men, có lẽ đã sắp bốc mùi, hoặc đã bốc mùi rồi mà cái mũi bị viêm-mũi-dị-ứng của tôi không thể nhận ra. Rồi một ngày, khói và bụi sẽ phủ đầy lên vai áo, cứ đầy mãi lên biến tôi thành một đống phế thải mà người đời sẽ tránh xa.
Tôi, một con rắn đã lâu không lột xác, quằn quại, mốc meo, khô héo.

Tôi ghét những ngày này.
Những ngày lê la, hóng hớt trên FB, lảm nhảm những lời vô nghĩa, làm những việc không đầu không đuôi - những ngày tôi không phải là tôi.
Ngồi giữa phố cổ, tôi nhận ra mình cần một cái gì đó tươi mới, cần refresh, cần tự làm mới mình.
Cần nhấn phím F5./.

Đốt sách?


Khi nào thì bạn muốn đốt hết chỗ sách mình có và thôi viết lảm nhảm trên FB? Là khi đọc được những dòng này:

Chỉ những tác phẩm sẽ trôi qua xứng đáng xuất bản; những tác phẩm bất tử nên ở dạng bản thảo. Để sau cái chết của tác giả, bọn hầu gái dám nhặt nhạnh mang ra bếp dùng để đốt lò.

Cái gì một lần được viết ra một cách bất tử, cái đấy không phụ thuộc vào trí nhớ của con người. Nó tồn tại ở đâu đó, vĩnh hằng và kết thúc. Nó không muốn danh giá, tiếng tăm, không ước mơ dạy bảo, không mang giá trị bằng tiền, cũng chẳng bằng quyền lực, và sau cùng không cần làm ai thích.

Tiếng tăm, tiền, quyền lực, vinh quang, danh giá để làm gì cơ chứ?

Mọi tác phẩm đều xảy ra ở đâu đó, trong mỗi tác phẩm đều xảy ra một cái gì đấy. Gần như mọi cái đều xảy ra ở đây, trên trái đất này, là con người và giữa con người. Khi ta muốn thắng một ai, muốn mua vui, dạy bảo, chiến đấu, tranh luận, chinh phục và làm người khác kinh ngạc.

Nhũng tác phẩm bất tử không diễn ra ở đây. Ở cao hơn. Sâu hơn. Đó là cái xảy ra giữa con người và Thượng Đế. Cái đã xảy ra. Kể cả khi, chẳng ai biết đi nữa. Thượng đế nhớ trong tim tác phẩm ấy kể cả khi giấy đã bị đốt cháy, như thể đá hoa cương đã mủn ra thành bụi.

Đấy không phải nhiệm vụ của sách nữa, không cần đến người đọc. Không cần đến cả người viết lại câu chuyện.

Tất cả các tác phẩm bất tử gần như bị đốt cháy hết, số ít ỏi còn lại dành cho chúng ta, không ai biết chúng thất lạc ở đâu, là những cuốn nào, ai viết và viết cái gì. Không ai có linh cảm để biết một người cô đơn một mình ngồi lên con thuyền xuôi ra biển nghĩ gì, khi người ấy vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại.” (Trang 265-266).

Cứ như thể Hamvas Béla đang cố chứng minh những gì mình viết ra không phải là bất tử vậy, bởi vì đúng là làm sao có thể không kinh ngạc, và hơn nữa, làm sao có thể đốt đi những cuốn sách chứa đựng những dòng chữ như đã trích dẫn ở trên? Làm thế, đối với tôi cũng giống như tội phỉ báng thánh thần, tội quay lưng lại với tổ tiên vậy. -:)

Nhân thể, nếu Pi không cập bờ [quay trở lại], thì làm sao mình có cơ hội để cuối tháng này đi xem Life of Pi nhỉ?

Một danh sách trắng xoá

Bắt chiếc bác Lâm Vũ Thao, mình cũng lập một danh sách đọc [để lại nhiều ấn tượng] năm 2012. Mình thì không bôi vàng nên tạm gọi là danh sách trắng vậy. -:)
  1. Lời bộc bạch của một thị dân/Márai Sándor. Ngoài sức tưởng tượng, trên cả kỳ vọng, ngạc nhiên, và tất nhiên, rất thích. Rất hợp tạng.

  2. Bốn mùa, Trời và Đất/Márai Sándor. Đọc đi đọc lại, giống kiểu hết 3768 bước chân, đi dọc rồi lại đi ngang [Hà Nội] của bác Nguyễn Ngọc Tiến.

  3. Murakami Haruki. Viết thế vì đọc & đọc lại hầu hết những gì đã được xuất bản tại VN.

  4. Quê hương tôi & Tuyển tập/Võ Phiến. Tuyển tập là đọc lại, sau một năm. Không tìm được lời để diễn tả. -:) Tốt hơn hết là đừng phát biểu gì, đọc thôi.

  5. Tuỳ bút Solzhenitsyn. Rất mỏng nhưng rất thích: trong trẻo, nhẹ nhàng, tưởng như cuốn sách đang lơ lửng trong tiết thu được.

  6. Tuyển dịch/Nguyễn Khánh Long.

  7. Nhạc đời may rủi/Paul Auster. Đọc thấy thích hơn khi đọc Moon Palace.

  8. Cuộc đời của Pi/Yan Martel. Khởi đọc từ năm ngoái, năm nay mới kết thúc. -:)

  9. Dĩ vãng phía trước/Ngô Thảo.

  10. Tiết thanh minh/Elizabeth Kemf. Rất tình cờ [nhờ bác Thaothucsg mà biết đến] và rất bất ngờ. Từ lúc biết có nó trên đời đến lúc được cầm trên tay chỉ có vỏn vẹn vài tiếng. Và phát hiện ra là có cả một dòng chảy các tác phẩm về Việt Nam thời mới mở cửa cuả các nữ nhà văn/nhà báo/nhà nghiên cứu Mỹ: Lady Borton, Elizabeth Kemf, và Susan Sontag. Hình như Susan Sontag chưa được dịch và xuất bản ở VN. Và Nxb Phụ nữ cũng có nhiều sản phẩm rất thú vị.

  11. Những lời bộc bạch/Jean Jacques Rousseau. Tác phẩm đầu tiên của Rousseau mình đã đọc, dù chưa đọc hết. Émile hay là về giáo dục thì có trước nhưng chưa sờ đến.

  12. Gặp gỡ ở La Pán Tẩn/Ma Văn Kháng. Lần đầu tiên thấy thích đọc Ma Văn Kháng, cảm giác như cuốn sách có thể dựng thành một bộ phim đẹp. Hay tại mình yêu Tây Bắc quá mà có cảm giác ấy nhỉ?

  13. Thăm thẳm bóng người/Đỗ Chu. Đọc lại lần thứ ba, nhờ lời nhắc nhở của bạn Đút Chân Gầm Bàn. Rất bõ công đọc lại.

  14. Gối đầu lên cỏ/Natsume Soseki. Thấy thích hơn so với lúc đọc Nỗi lòng, có lẽ do bản dịch tốt hơn.

  15. Truyện ngắn nữ Canada/Nhiều tác giả. Đọc truyện ngắn mà thấy nỗi buồn cứ dài mãi ra.

  16. Em làm ơn im đi được không?/Raymond Carver. Ngắn gọn, khô & sắc lạnh. Những câu hỏi như cứa thẳng vào tim. Vừa đọc vừa tự hỏi, làm thế nào mà Carver có thể tả được những chi tiết rất nhỏ như thế, những chi tiết nhỏ rất khó định hình, rất khó nắm bắt nhưng làm nên cả câu chuyện? Không hiểu sao trong khi đọc thì cứ nhớ đến Tiếng người của Phan Việt, đọc đã lâu.

  17. Cảnh sắc và hương vị đất nước/Nguyễn Tuân. Chuyện như đùa nhưng đúng là lần đầu đọc Nguyễn Tuân ngoài những gì đã đọc trong SGK. Tất nhiên là mê như điếu đổ.

  18. Gỗ Mun/Ryszard Kapuscinski. Cuốn này cả hai vợ chồng cùng đọc, luân phiên. Đọc trang nào cũng thích, nhưng cuối cùng ấn tượng nhất lại chính là đoạn Kapuscinski miêu tả sự khác nhau trong quan niệm về thời gian giữa nguời châu Âu và người châu Phi và cái "trạng thái chờ đợi bất động" của họ. Một trạng thái rất hữu ích với riêng mình.

  19. Lịch sử truyền giáo ở VN/Lm. Nguyễn Hồng. Một cuốn sách giáo khoa rất dễ hiểu nếu muốn biết chút gì đó về chủ đề này. Tìm đọc sau một lần đi chụp Nhà thờ đổ ở Ba Vì.

  20. Tuyển tập truyện ngắn Úc. Đọc xong thì google tìm hiểu xem dịch giả Trịnh Lữ là ai. -:)

Một tối thứ Hai


Tôi đã từng dệt ước mơ với nhiều kiểu giá sách khác nhau, nhưng những cái giá sách được mơ ước nhiều nhất vẫn là những giá sách do Frank Loyld Wright thiết kế: đơn giản, mộc mạc, và đặc biệt là mở - tất cả đều không có cánh cửa. Theo ông, đồ vật cần phải đẹp, và vì vậy tự thân nó có nhu cầu được trưng bày. Ông còn cực đoan đến mức: “Nếu một vật không thể trưng ra được, hãy ném nó đi”. Những cuốn sách, do đó, cũng cần phải được phô ra vẻ đẹp của chúng. Đấy là lý do chúng ta không cần cánh cửa cho các giá sách.

Tất nhiên tôi không đến mức cực đoan như FL Wright (vì phát biểu như vậy mà nhiều người còn gọi ông là FL Wrong), tôi cũng không cho rằng sách là để trưng bày. Nhưng với một người đọc amateur như tôi, những giá sách mở như một sự mời mọc, một gợi ý, và đôi khi, một yêu cầu từ một cuốn sách: hãy đọc tôi. Những cuốn nằm im sau cánh cửa kín như bưng không có được cái lợi thế ấy: một kẻ hay quên và lười nhác như tôi chẳng mấy khi nhớ nổi trong đó có gì. Một giá sách mở còn có lợi ích là nó gây ấn tượng một cách trực tiếp lên các bạn nhỏ trong nhà. Tuy vừa mới biết đọc được bập bõm vài chữ, nhưng đưa bạn Tí đi nhà sách, bạn ấy đã chỉ ra rất nhiều cuốn mà “nhà mình cũng có”. Một lần khác, hai bố con cùng xem một bộ phim kể về thời niên thiếu của John Lennon, bố tranh thủ lôi cuốn tiểu sử của ông do Philip Norman viết ra “khoe” với bạn Tí: “Chú John ở trong phim chính là người trong cuốn sách này đấy”, thì bạn ấy đã nói nói thế này “À, quyển này nhà mình có lâu rồi”.

Tất nhiên, lại tất nhiên, một giá sách mở cũng gây nhiều phiền toái. Thứ nhất là nó không tránh bụi cho các cuốn sách. Ở trường hợp của FL Wright, nhiều người thường mỉa mai rằng hẳn là ông không bao giờ phải đi phủi bụi cho những cuốn sách nên mới thiết kế những giá sách như vậy. Trong trường hợp của tôi, với hai chú nhóc quá hiếu động trong nhà, toàn bộ các ngăn dưới nơi mà các chú ấy có thể với tay lên được đều phải để trống trong một thời gian dài cho tới khi các chú ấy đủ lớn để có ý thức, nếu muốn các cuốn sách được vẹn toàn.

Nhưng cho dù thế thì cũng không sao cả, vì ta luôn phải đánh đổi, và vì, cũng lại như những gì Fabienne Brugère đã viết trong cuốn sách mỏng của ông: “Vẻ đẹp bao giờ cũng đáng được bỏ màn che, nó như sự mời mọc vào một chuyến du hành dài với những điều ngạc nhiên, những thích thú và khó chịu của chuyến đi.”

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Một sáng ở Hội An

Một buổi sáng ở Hội An, với nắng sớm, âm nhạc và thực sự bình yên.



Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Một sáng thứ Hai


Sau một ngày lạnh và khô tuy không có nắng, sáng nay Hà Nội lại ngập trong mưa phùn. Khởi đầu ngày mới với cà phê nóng, một-bạn-nào-đó-không-rõ-tên hát “Don’t Think Twice, It’s Alright” phối theo kiểu đồng quê, và Hamvas Béla. Câu chuyện vô hình & Đảo quả là một cuốn sách đẹp, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tất nhiên sách hay thì không nhất thiết phải đẹp, tự thân cái hay đã là đẹp rồi, nhưng cầm trên tay một cuốn sách khổ 12x20cm rất vừa vặn, bìa màu xanh ngọc và được làm rất kỹ vẫn cho ta một cảm giác rất là... yomost.

Tất nhiên, lại tất nhiên, không phải vì sáng nay giở giời mà lại đi đề cập đến cái đẹp, mà là vì đêm qua trót dại mặc dù mắt đã díp vào nhưng vẫn với tay quờ vào một cuốn sách và thế là lại không ngủ được vì những dòng như thế này: “Một cuộc sống không tìm kiếm vẻ đẹp là một cuộc sống bớt đẹp đi. Bước vào thế giới nghệ thuật, nhờ vào cái đẹp, đó cũng là trở về với chính mình. Vẻ đẹp, trong nghĩa ấy, là một cuộc hạnh ngộ kép: cuộc hạnh ngộ với tác phẩm và cuộc hạnh ngộ với chính mình. Không tồn tại sự dễ dãi rẻ tiền trong những cuộc hạnh ngộ như thế, nhưng tồn tại một sự sâu kín mà bản thân nó cũng còn là một điều bí ẩn.” Đấy là những chữ được in trong một quyển sách rất mỏng “Thật là quá đẹp”/Fabienne Brugère thuộc bộ sách Thú vui tư duy của nhà Tri thức. Đây là một bộ sách với chủ đích dành cho trẻ em nhưng người lớn vẫn có thể dùng tốt, hoặc giả là mình vẫn chưa đủ lớn nên đọc vẫn thấy có ích. Nhân tiện, người ta hẳn phải rất tôn trọng trẻ em nên mới làm ra một bộ sách như vậy. -:)