Recent Posts

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

Quán Café mùa hè

Được buổi tối ở nhà xem tivi, liếc qua chương trình Trò chơi âm nhạc thấy tay Hứa Vĩ Văn đang gào thét một bài nào đó với giọng nghẹt mũi, nghe tệ không thể tả. Nhưng bài hát thì nghe rất quen, nhớ ra là bài này rất hay được nghe qua giọng Mỹ Linh, nhưng không biết tên là gì. Hỏi bà xã thì ra là Quán Cà phê mùa hè.

Đúng là mùa hè đã bắt đầu thật. Mấy hôm nọ trời nắng chang chang, còn hôm nay thì mưa. Gần đây mình đã lại bắt đầu uống cà phê trở lại. Do vậy chẳng có lý do gì để không nghe Quán cà phê mùa hè, xem nó khác gì so với cà phê các mùa còn lại, như mùa thu & mùa đông, chẳng hạn.

Bài này nghe được, đơn giản vì nó là một sản phẩm hợp tác của "bộ ba" Mỹ Linh-Huy Tuấn & Dương Thụ.



Quán Cà Phê Mùa Hè

Trình bày: Mỹ Linh
Nhạc: Huy Tuấn
Lời: Dương Thụ

Quán cà phê phố mưa, mình em trong quán đêm ướt đèn
Phố không người hạt mưa trắng bay, hè đã sang rồi đấy!
Dãy bàn bên vắng tanh mình anh cũng phố mưa ngắm nhìn
Cớ sao buồn cà phê rất thơm, nhạc rất hay bạn thấy không?

Đừng buồn thế, đừng buồn thế
Dù ngoài kia vẫn mưa rơi
Không đơn côi dãy bàn bên vẫn còn có anh đang ngồi
Ngày mưa gió, mùa hè đó ngồi cà phê đếm mưa rơi
Sao em không đến gần anh
Cứ ngồi lạnh lùng góc riêng mình./.

The Doors, Jim Morrison & Light My Fire

Hôm nay nhớ đến "đội" này, post lên đây cho khỏi quên. Bài viết sau.

Short version,

Long version,


... Another long version
... & Live Concert



... The End

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2009

Nỗi sợ hãi đã qua

Mình nghe The Thrill Is Gone lần đầu tiên vào khoảng năm 2000, với bản thu âm trong đĩa B.B. King – the Anthology (*). Đĩa này sau đó đã bị một ông bạn vàng cuỗm mất và mình cũng không mua lại nữa, nhưng bài hát thì mình còn nhớ mãi, vì nó quá hay và ấn tượng. Và mình bắt đầu yêu B.B. King từ ngày ấy. 

Thời đó internet chưa phát triển như bây giờ, và thông tin thì quá ít, mình cứ nghĩ The Thrill Is Gone là của B.B. King sáng tác. Giờ thì mới thấy là mình đã “bé cái nhầm”. Nó được sáng tác bởi Rick Danell và Roy Hawkins vào năm 1951 (hic, vào năm đó ông nội mình cũng mới chỉ bằng tuổi mình bây giờ), nhưng chỉ thực sự trở nên phổ biến vào những năm 1970, nhờ công lao của B.B.

B.B. thu âm bản The Thrill Is Gone vào tháng 6/1969, là một bài trong album Completely Well của ông, được phát hành cùng năm. Cũng tháng 12 năm đó, B.B. phát hành đĩa đơn The Thrill Is Gone, và kể từ đó, bài hát đã trở thành siêu phẩm lớn nhất trong sự nghiệp đàn hát của B.B., và trở thành bài hát “đóng dấu” tên tuổi của ông vua nhạc Blues. Nhắc đến B.B. là nhắc đến tác phẩm này và ngược lại, như kiểu ở Việt Nam mình người ta định nghĩa Honda là xe máy vậy.

Vào năm 1998, bản thu âm The Thrill Is Gone đã mang lại cho B.B. giải Grammy Trình diễn nhạc R&B hay nhất (nam) và Grammy Hall of Fame (**). Bản thu âm của B.B. cũng đứng thứ 183 trong danh sách 500 bài hát hay nhất mọi thời đại do tạp chí the Rolling Stones bình chọn.

Những lần trình diễn The Thrill Is Gone đáng nhớ nhất của King gồm có: Live in Cook County Jail (1971), (Trình diễn trong nhà tù Quận Cook các bác ạ, mấy tay phạm nhân đó đúng là sướng hơn ở ngoài, nếu xét riêng đêm hôm đó), Bobby Bland and B.B. King Together Again... Live (1976), và Live at San Quentin (1991). San Quentin cũng lại là một nhà tù nữa (***). Trong đời mình có lẽ B.B. đã trình diễn The Thrill Is Gone tới hàng nghìn lần, nhưng không hiểu cái gì trong nhà tù đã đem lại cho King nhiều cảm hứng để “phiêu” đến như vậy, để có tới hai trong số ba buổi trình diễn đáng nhớ nhất của ông về bài này đều là được thực hiện trong nhà tù? Có lẽ ông muốn các phạm nhân xua tan sự sợ hãi, rằng hãy cứ làm lại cuộc đời đi, để mỗi người nơi đó, sau khi bước ra khỏi cánh cổng sắt của nhà tù thì “the Thrill Is Gone”?

Nghe B.B. King đàn hát đã thấy hay, nhưng được xem ông trình diễn còn thấy hay hơn nhiều. (Tất nhiên mình vẫn thiên về quan điểm nghe/xem=90/10, nghĩa là nghe nhạc chứ không phải xem nhạc). Cái cách ông nháy mắt với ban nhạc, với khán giả, như muốn hỏi điều gì đó, rồi cơ mặt biến đổi liên tục cũng là một “bản sắc” riêng của B.B. King. Do tiếng đàn của ông ngân nga nhiều, tay trái của B.B. phải lắc liên tục, giống hệt như mấy bác Việt Nam nhà mình lắc cần đàn bầu. Nghe ông thấy hay, còn xem ông biểu diễn thì thấy vui (tất nhiên, có cả sự ngạc nhiên, amazing nữa), mới thấy nhạc blues không chỉ là nỗi buồn, mà còn là niềm vui.

(*) B.B. King có tên thật là Riley B. King, sau này khi chơi nhạc trên radio người ta mới gọi ông là Blues Boy King, viết tắt là B.B. King, cũng là để tôn vinh ông như một ông vua nhạc blues. Ông sinh ngày 16/12/1925, nghĩa là cũng đã thọ đến tuổi 85, tính theo kiểu Việt Nam.

(**) Đấy là chỉ riêng năm 1998 với bản thu The Thrill Is Gone, chứ trong cả sự nghiệp ca hát của B.B. tính đến nay, cụ đã "rinh" về tổng cộng 18 giải Grammy các loại.

(***) San Quentin cũng lại là một nhà tù nữa các bác ạ. Mình biết vậy nhờ cách đây mấy ngày có đọc được tin ông thống đốc hiện tại của bang California, tay diễn viên cơ bắp Schwarzenegger, đang dự định bán nhà tù này để bù đắp cho thâm hụt ngân sách của tiểu bang(hic). Đó không phải là chuyện đùa vì xem trên ảnh thì nhà tù này quả thật là món bất động sản tuyệt vời: nó ở một vị trí đắc địa và đẹp hơn cả một toà lâu đài trong cổ tích. Tuy vậy thấy Schwarzenegger làm thế cũng là liều lĩnh vì San Quentin không chỉ là một nhà tù mà còn là một địa điểm có tính biểu tượng của California.

Dưới đây là một số versions của The Thrill Is Gone.

Bản “basic”, B.B. “song ca” cùng chính cây guitar của ông.


Bản chơi cùng Eric. Xem cái này mới thấy giữa Eric & B.B. đã có một lịch sử hợp tác lâu dài, chứ không phải đến tận năm 2000 khi hai ông cho ra một CD kinh điển khác, Riding with the King. Hôm nào rảnh mình sẽ viết riêng về CD này. Ngạc nhiên hơn là version này còn có sự đóng góp của Phil Collins, người mà không nói ra ai cũng biết là tay trống kiêm ca sĩ của Genesis. Không biết thời này Phil đã tách ra solo chưa hay vẫn còn trong nhóm.

 

Bản chơi cùng Gary More. Không thể nào tuyệt vời hơn. Unbelivable. So Amazing. Bản tiêu chuẩn của The Thrill Is Gone chỉ có 3:38, nhưng nhờ có đoạn improvision giữa B.B. và Gary mà bản nhạc đã kéo dài tới gần 9 phút. Một sự phối hợp tuyệt vời, trong đó Gary đã thể hiện sự kính trọng “đàn anh” đến mức nào khi tung hứng và đệm cho B.B. từng câu một. Đoạn song tấu giống như B.B. đang dạy cho Gary chơi đàn, còn Gary thì thể hiện như là một học trò “bậc thầy”. Nói thêm: Gary Moore là người rất nổi tiếng với bài Still Got the Blue.

 

Bản chơi cùng Tracy Chapman. Tracy là ca sĩ được rất đông các bạn Việt Nam mình biết đến qua bản Baby Can I Hold You. Bản thu âm The Thrill Is Gone này mình được nghe lần đầu qua đĩa Dueces Wild – một CD mà trong đó, ngoài Tracy, B.B. đã cộng tác với rất nhiều tên tuổi khác như Willie Nelson, Joe Cocker, Van Morrison, David Gilmour, Rolling Stones,... Ở version này Tracy là người hát chính, B.B. chỉ đệm đàn. Tiếc là không được nghe và xem Tracy chơi guitar thùng trong bản này.


Zobacz więcej na www.streemo.pl

Và đây, một siêu phẩm khác, không phải gắn với tên tuổi của King of the Blues mà là của ban The 45’s – một ban nhạc mình mới nghe lần đầu. Nhưng chắc chắn sẽ phải tìm hiểu để nghe nữa, vì đó là lần đầu “sét đánh”: chết ngay từ lần nghe đầu tiên. Nghe The Thrill Is Gone phối theo kiểu jazz, vừa lạ vừa tuyệt, mới thấy jazz & blues gần nhau đến mức nào.

 

Về lời của bài hát, mình thích nhất là mấy câu này: "And now that it's over, all I can do is (to) wish you well"; "although I'll still live on, but so lonely I'll be", "Someday I know I'll be over it all baby, just like I know a man should".

Còn đây là full lyrics:

The thrill is gone / The thrill is gone away / The thrill is gone baby / The thrill is gone away / You know you done me wrong baby / And you'll be sorry someday. 

The thrill is gone / It's gone away from me / The thrill is gone baby / The thrill is gone away from me / Although I'll still live on / But so lonely I'll be.

The thrill is gone / It's gone away for good / Oh, the thrill is gone baby / Baby its gone away for good / Someday I know I'll be over it all baby / Just like I know a man should. 

You know I'm free, free now baby / I'm free from your spell / I'm free, free now / I'm free from your spell / And now that it's over / All I can do is wish you well./.

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2009

Bài thơ về một chốn thân quen


Những quán nước chè

Hà Nội
Những quán nước chè vỉa hè
Đã có mắt nhìn như những mụn cóc

Cạnh cà phê máy lạnh cửa gương ba mươi nghìn một cốc
Quán nước chè
Mùi điếu cày hăng hăng
Chén da lươn nghi ngút hương chè Thái Nguyên
Những tờ một nghìn nhầu nát
Khách qua đường lạ quen
Ngồi đồng hay ghé vào chốc lát.

Quán nước chè
Bà chủ quán ghi số đề
Thông tấn xã vỉa hè
Râm ran chuyện đổi tiền trước khi Nhà nước thông báo chính thức
Xả van ngôn ngữ đặc sản Hà thành lan truyền khắp nước
Người dân nghiện luận bàn thế sự Đông Tây
Bí sử thâm cung vanh vách
Bác xích lô làm ngạc nhiên cả giáo sư uyên bác.

Nhà sử học mộng du văn hoá vỉa hè
Thời hoà nhập nhưng quyết không hoà tan bản sắc
Văn hoá vỉa hè
Cổ như phố cổ.

Rầm rộ những đợt ra quân
Tự vệ, công an dọn dẹp lòng lề đường
Buôn gánh bán bưng
Và những quán nước chè
Cứ như chưa bao giờ bị xua đuổi.

Thủ đô mình đã rộng nhất thế giới
Thôi thì cứ vui đi, cứ mơ ngày tráng lệ nguy nga
Nhưng bây giờ, ngay bây giờ, biết còn đến ngày xa
Dọc những con phố, bến tàu, bến xe
Những quán nước chè…

--------------

Hà Nội, 5/2009

Vũ Duy Chu

Q: Xa Hà Nội nhớ nhất cái gì? 

A: Những quán nước chè vỉa hè.

Lãng du qua những quán cóc vỉa hè. Muà hè trà đá, mùa đông trà nóng.

Thân quen quá. Somewhere, out there.













Ông nghị Dương Trung Quốc, 26/5/09

Xuất sắc: ngắn gọn, rõ ràng, nhiệt huyết, câu từ khúc chiết và sự đề cập đặc biệt thẳng thắn, những câu hỏi không dễ trả lời.


 

Mưa tháng Mười Một

Để nhớ lại một thời chưa xa, với nhạc rock.

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

Ba ơi, mình đi đâu?

Đó là tên một cuốn sách mình mới mua.

Tác giả cuốn sách, Jean-Louis Fournier, là một cái tên mới toanh đối với mình, nhưng mình đã quyết định phải mua nó ngay khi đọc xong trang thứ hai. Nó là một cuốn sách phải có trên tủ sách nhà mình. Mình quyết định như vậy không phải do nó được quảng cáo là đã đoạt giải Fémina 2008 của Pháp, mình vốn dĩ không chạy theo quảng cáo và quả thật cũng chẳng biết cái giải Fémina đó nó giá trị cỡ nào, mà chính là nhờ những gì đã được đọc ở hai trang đầu tiên đó, nó xúc động đến tận tâm can.

Đó cũng là câu hỏi duy nhất mà Thomas-đứa con trai 10 tuổi của Fournier- có thể hỏi được, một cách “không ngừng nghỉ”, “không nản chí”(*). Nó là một đứa trẻ tật nguyền, cả về thể xác và tinh thần.

Người ta giới thiệu Fournier là một nhà văn bậc thầy về trào phúng, đồng thời kiêm đạo diễn truyền hình của nước Pháp. Như thế có nghĩa ông là một người mang đến niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người khác. Nhưng số phận trớ trêu đã sắp đặt cho ông một cuộc sống với nhiều bất hạnh – và là một trong những bất hạnh lớn nhất của đời người: Không chỉ có Thomas, cả người con trai thứ hai của ông, Mathieu, cũng bị tật nguyền bẩm sinh. “Một đứa con tật nguyền, rồi hai đứa”, để rồi ông phải hỏi, “tại sao không là ba?”. Đối với Fournier, ông đã có tới “hai ngày tận thế”.

Cuốn sách này Fournier viết cho hai cậu con trai tật nguyền của chính ông, mặc dù vào thời điểm viết cuốn sách, “Mathieu đã ra đi kiếm tìm quả bóng của mình ở một nơi mà người ta không thể giúp thằng bé lấy lại nó được nữa” và “Thomas, dù vẫn hiện diện trên trái đất, nhưng tâm hồn đã ngày càng phiêu du giữa những đám mây”. 

Đọc cuốn sách, mình thấy trong đó có đủ cả “hỉ, nộ, ái, ố” xung quanh một thế giới của tật nguyền, của nỗi đau, của day dứt và thất vọng. Với khả năng trào phúng bậc thầy, lối viết dung dị của Fournier đã khiến mình cười trên nỗi đau, suy ngẫm về nó nhưng không bi lụy. Có lẽ, ông đã đi tới tận cùng của nỗi đau, và ở đó, nói một cách triết học, như The Beatles đã từng hát, “pain would lead to pleasure”(**), ông đã thắp lên cho người đọc một niềm vui sống căn bản, dù mong manh nhưng không bao giờ lụi tắt.

Cuốn sách một lần nữa củng cố cho mình niềm tin rằng mình đang sở hữu những thứ quý giá đến nhường nào. Mặc dù Tít&Tí có nhiều lúc ốm đau, mặc dù chúng có nhiều trò quậy phá khiến mình phát điên, nhưng những cái đó chẳng đáng gì so với những điều mà một ông bố như Fournier đã phải trải qua.

Để chứng tỏ mình đang được hạnh phúc đến nhường nào, mình đã định trưng lên ở đây một cái ảnh của Tít&Tí chụp chung, nhưng ý định đó nhanh chóng bị loại bỏ. Mình đã quyết định không làm thế, bởi nếu làm vậy là mình đã có lỗi với Fournier.

(*) Những chữ in nghiêng là trích trong cuốn sách.

(**) Trong bài Girls, John Lennon sáng tác & hát chính. Không hiểu sao mình thấy câu này rất hợp với hoàn cảnh của bài viết này, mặc dù trong ngữ cảnh của bài hát, nó hoàn toàn mang một ý nghĩa khác.

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

Những ông vua của điệu Swing

Sultans of Swing là một trong những "hàng khủng" của "hàng khủng" dIRE sTRAITS. Đoạn guitar solo của bài này đã được Mark Knopfler ứng tấu (ai dịch giúp từ improvision cho chuẩn hơn được không nhỉ), đại loại là "phiêu" rất nhiều trong mỗi lần biểu diễn. 

Bài này xếp hạng 22 trong top 100 guitar solo hay nhất mọi thời đại do độc giả của tạp chí Guitar World bình chọn, và đứng thứ 32 trong bình chọn tương tự của tạp chí The Rolling Stones.

Nghe bài này do dIRE sTRAITS trình diễn đã phê (đặc biệt là version trong ALCHELMY Live, 1984), nhưng đến khi có cả Eric Clapton góp một tay nữa thì phải gọi là phê con lê tê....

Mình phải dùng đến một thuật ngữ kiếm hiệp để mô tả video clip này: "Song kiếm hợp bích". Không có từ nào khác phù hợp hơn.

Đây là version thực hiện năm 1988 tại London trong buổi hoà nhạc kỷ niệm 70 năm ngày sinh của tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

Nhờ có nhiều đoạn improvisions, bản nhạc đã được kéo dài tới gần 11 phút.

 

Sultans of Swing, lyrics

You Get A Shiver In The Dark
It's Raining In The Park But Meantime
South Of The River You Stop And You Hold Everything
A Band Is Blowing Dixie Double Four Time
You Feel Alright When You Hear That Music Ring

You Step Inside But You Don't See Too Many Faces
Coming In Out Of The Rain To Hear The Jazz Go Down
Too Much Competition Too Many Other Places
But Not Too Many Horns Can Make That Sound
Way On Downsouth Way On Downsouth London Town

You Check Out Guitar George He Knows All The Chords
Mind He's Strictly Rhythm He Doesn't Want To Make It Cry Or Sing
And An Old Guitar Is All He Can Afford
When He Gets Up Under The Lights To Play His Thing

And Harry Doesn't Mind If He Doesn't Make The Scene
He's Got A Daytime Job He's Doing Alright
He Can Play Honky Tonk Just Like Anything
Saving It Up For Friday Night
With The Sultans With The Sultan Of Swing

And A Crowd Of Young Boys They're Fooling Around In The Corner
Drunk And Dressed In Their Best Brown Baggies And Their Platform Soles
They Don't Give A Damn About Any Trumpet Playing Band
It Ain't What They Call Rock And Roll
And The Sultans Played Creole

And Then The Man He Steps Right Up To The Microphone
And Says At Last Just As The Time Bell Rings
'Thank You Good Night Now It's Time To Go Home'
And He Make It Fast With One More Thing
'We Are The Sultans Of Swing' 

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Once Upon a Time in the West

Biết dIRE sTRAITS đã lâu. Cũng biết rằng Mark Knopfler vẫn luôn "bắng nhắng" khi biểu diễn, nhưng không ngờ lại có đoạn funny thế này.

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2009

Hoa cúc vàng (*)

Bà xã chuyển blog, thành ra có dịp đọc lại entry Hoa cúc vàng.

Thanh Tùng là một trong số ít những nhạc sĩ Việt mà mình quan tâm. Ông là một người lịch thiệp, hẳn thế rồi, cả trong giao tiếp cũng như trong âm nhạc.

Nhạc Thanh Tùng có một điểm rất đặc biệt: mình không thấy Thanh Tùng đưa vào đó những chất liệu dân gian, như kiểu Phó Đức Phương làm với Hồ Núi Cốc hay Trên Đỉnh Phù Vân, nhưng nghe bài nào cũng rõ ra là nhạc Việt.

Đó là do phần lời trong các ca khúc của ông thấm đẫm tâm hồn Việt, hơi thở của phố thị Việt qua từng câu hát: khu vườn, giọt nắng, cây khế, lá hoa rơi, bậc thềm, góc phố nhỏ, đường phố biển, mưa ngâu, tà áo dài,...

"Hoa Cúc Vàng" cũng là một ca khúc như thế, mặc dù nó là một sáng tác mới (2008) của ông, sau rất nhiều năm "im hơi lặng tiếng". Cho nên, nếu có không trực tiếp được nghe ông hát trong đêm diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, ta vẫn có thể nhận ra đó là Thanh Tùng.

Rất nhiều người sau khi nghe "Hoa Cúc Vàng" đều đã liên tưởng hoặc nhớ đến "Một Mình" - một sáng tác khác cũng rất nổi tiếng của ông.

Trong đêm diễn hôm đó, Thanh Tùng đã quá yếu, đến mức ông không thể ra sân khấu mà phải đứng hát trong cánh gà. Thật xúc động khi tưởng tuợng cảnh một gã trai lịch thiệp ga lăng thuở nào, nay phải đứng trong cánh gà với hai người xốc nách hai bên, tay run run cầm tờ giấy chép lời bài hát, rồi "phều phào" nhả ra từng con chữ của tình yêu: "Đêm qua Em vừa đến/Sao chưa ghé qua nhà/Sao chưa về để thăm anh/Anh nhớ em nhiều lắm đấy"... 

Phải nói thêm rằng "phều phào" ở trên không phải là nghiã xấu, mà mình còn thích thế là khác, cũng giống như khi nghe Ray Charles già khú đế song ca cùng Elton John bài Sorry Seems To Be the Hardest Word khi thực hiện đĩa Genius Loves Company; hay như khi nghe gạo cội country Willie Nelson "thở không ra hơi" bài Night Life cùng cây ghi ta cũng "phều phào" không kém B.B. King. Chỉ có điều, thấy có gì đó thật buồn khi so sánh hình ảnh ở trên với cách đây hơn chục năm, khi Thanh Tùng, cũng tay cầm tờ giấy nhàu nát, tay cầm mic, ngồi lên cái bục trên sân khấu và song ca bài Một Mình với Hồng Nhung.


Hoa cúc vàng

Đêm qua Anh nằm mơ, Anh mơ thấy Em về. Ta lại ngồi bên nhau, nghe gió lay cành khế/Đêm qua Anh nằm mơ, Anh mơ thấy Em về. Anh lại ngồi bên Em, chờ con nắng ghé qua thềm/Đêm qua Anh nằm mơ, Anh mơ thấy Em về. Khi Anh tuổi đôi mươi, em mới lên mười tám/Trong tim em ngập nắng, mang theo đóa cúc vàng. Em tặng mùa thu sang, mùa thu bỗng hoá thiên đường.

Chorus: Muốn nói với em rằng/Trái tim này mong manh/Vẫn mong Em về/Dù bao tháng ngày, dù hoa đã phai tàn/Dù mùa thu đi mãi (đi mãi)/Mãi mãi không nơi nào/Với Anh là xa xôi/Dẫu nơi chân trời/Dù xa bốn biển, rồi Anh sẽ đi tìm/Tìm lại bóng dáng Em.

Đêm qua Em vừa đến, sao chưa ghé qua nhà, sao chưa về để thăm Anh/Anh nhớ Em nhiều lắm đấy/Bâng khuâng trong vườn nắng, cô đơn khóm cúc vàng, đang chờ mùa thu sang/Chờ cho đến lúc phai tàn./.

(*) Viết xong bài này mới phát hiện ra một điểm thú vị: bà xã viết bài trên ngày 21/5/2008, còn bài này mình viết xong ngày 22/5/2009. Sớm chút nữa thì vừa tròn một năm.  

Download: 
Sorry Seems To Be The Hardest Word (Ray Charles & Elton John)
Night Life (Willie Nelson & B.B. King)   

Hạn hán & Cơn mưa

Năm 1996, lần đầu tiên mình biết đến cái tên Ea Sola Thuỷ qua tin tức về một vở vũ kịch "bom tấn" trong làng vũ kịch Việt Nam lúc bấy giờ, vở Hạn hán & Cơn mưa.

Mình không thích vũ kịch, và cũng chưa có cơ hội nào để xem qua Hạn hán & Cơn mưa, nhưng cái tên của nó quả thật gây ấn tượng mạnh khiến mình còn nhớ đến tận bây giờ. Ấn tượng & ly kỳ hơn, là những câu chuyện xung quanh vở vũ kịch: các diễn viên chính cuả vở kịch lại là những cụ bà nông dân đích thực, phần lớn đến từ xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, quê mình. Vào thời điểm đó, cụ ít tuổi nhất đã ngoài 70, cụ cao tuổi nhất xấp xỉ 90. Vở kịch thành công vang dội đến mức, đoàn vũ kịch đã xuất ngoại 3 lần, công diễn qua hàng chục nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Đức, Italia, Australia, Singapore,... Đặc biệt hơn, sau những ngày bôn ba làm "sứ giả văn hoá", các cụ lại trở về nguyên vẹn là người nông dân, "bán mặt cho đất, bán lưng cho giời", như Nguyễn Duy đã viết: "Bà cúi lom khom tìm gì trong đất/Đất soi bà rạn vết chân chim/Mái đầu gội ánh trăng đêm/Bà tìm hạt gạo mùa chiêm phù trần"...

Nhưng tại sao sau bao nhiêu năm, tự dưng hôm nay lại nhớ đến vở vũ kịch này?

Tối qua mình nhận được một tin rất quan trọng. Không hiểu sao ngay lúc đó mình lại liên tưởng đến cái tên "Hạn hán & Cơn mưa" và nó ám ảnh đến mức buộc mình phải viết ra.

Vấn đề là, vẫn như nó vẫn là, là "hạt mưa rơi bao lâu"?

Đây là các cụ:


Đây là một poster của "Hạn hán & Cơn mưa":

Đọc câu chuyện của Hạn hán & Cơn mưa ở đây.

Đọc thêm về Ea Sola Thuỷ ở đây.

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Phạm Xuân Ẩn

Nhân nhắc đến Phạm Xuân Ẩn ở entry trước, xem lại cái này, cực vui:

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

Bộ Ba

Hôm nay tự dưng lại nhớ ra những "bộ ba" rất thú vị, kể ra đây vài thứ:
#1: Phạm Xuân Ẩn với "chó, chim & cá":
Con chó trung thành, “con có thể chê cha mẹ khó chứ chó không bao giờ chê chủ nghèo”. 
Con chim thì nhảy hoài. Nó tiêu biểu cho sự bận rộn làm việc suốt ngày, không làm biếng.
Con cá thì dạy sự khôn ngoan, im lặng, không nói nhiều mà suy tư,...
#2: Giản Tư Trung với ba cái tủ "thuốc, rượu & sách":
Có điểm gì chung giữa ba cái tủ này? Xin được nói ngay, đó là những yếu tố khá quan trọng cấu thành nên cái nền văn hóa của một gia đình, khác với cái tiêu chuẩn "gia đình văn hóa" mà hằng năm mỗi nhà thường được nhận. 
Tủ thuốc, là nơi mà một người mẹ tận tụy cất trong đó sự an lòng những khi trái gió trở trời. Nhà nghèo thì cũng phải có vài ba viên thuốc phòng thân, bởi đó là một nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống.
Tủ rượu, là nơi mà một ông bố sành điệu cất trong đó niềm tự hào của sự lịch lãm trong giao tiếp, sự sang trọng trong thưởng thức... Xã hội giàu lên thì tủ rượu cũng là mốt, là một vật trang trí đắt tiền và cũng có thể là sự khẳng định khả năng am hiểu về nghệ thuật thông qua rượu,...
Tủ sách, là nơi mà mỗi người trong gia đình cất vào trong đó những bí mật, những câu chuyện và cả những ước mơ xen lẫn với khát vọng. Một quyển Thương học phương châm mà ông nội nâng niu chờ ngày trưởng thành của thằng cháu trai để giao lại cho nó. Một quyển Thép đã tôi thế đấy ngày xưa bố gối đầu giường, giờ đến phiên cô con gái nhét vào balô ngày lên đường theo chiến dịch Mùa hè xanh. Một mớ truyện cổ tích đã cũ lắm nhưng vẫn thoảng giọng kể rất ngọt của mẹ những ngày thơ ấu,… 
"Tủ sách gia đình", đó thật sự là một điều huyền diệu của cuộc sống, là nền tảng của việc xây nên một mái ấm đúng nghĩa: vun đắp, sẻ chia và làm giàu tri thức của mỗi người, kết nối chặt hơn mọi thành viên trong gia đình bằng sợi chỉ đỏ của văn hóa. Sợi chỉ đỏ này có một khả năng nuôi dưỡng tâm hồn và vun đắp cho cái nền tri thức của mỗi thành viên trong gia đình.
Sợi chỉ đỏ này không nhất thiết là một tủ sách thật to, thật đẹp, chứa thật nhiều sách quí, mà có thể chỉ là một góc rất nhỏ trong nhà, khởi đầu với dăm quyển sách mà những thành viên trong gia đình muốn mời những người thân yêu nhất của mình đọc. Và từ góc nhỏ này, những hạt mầm của lòng yêu sách sẽ vươn lên mạnh mẽ. Chính tủ sách gia đình dần dà sẽ vươn thành một xã hội đọc sách. Một xã hội đọc sách sẽ xuất hiện hàng loạt tủ sách khác: tủ sách cơ quan, tủ sách công ty, tủ sách thiếu nhi, tủ sách nấu ăn, tủ sách doanh trí, tủ sách tuổi teen, tủ sách tinh hoa,…
Từ "tủ sách gia đình" ta có thể nghĩ xa hơn về "ngày toàn dân đọc sách", hay nói vui là ngày "tết đọc sách", cái ngày mà cả nhà đọc sách, cả xã hội cùng đọc sách, nói về sách, cùng tìm những quyển sách mà mình yêu quí với lời đề tặng trang trọng dành cho bạn bè, cùng đến thư viện hoặc quán cà phê để chia sẻ về sách…
Một cái "tết đọc sách" có thể là điểm khởi đầu mới cho một trào lưu xây dựng "văn hóa đọc" (reading habit) của người Việt, một khái niệm tưởng chừng rất cũ nhưng đã bị lãng quên đi nhiều. Một ngày đọc sách sẽ là điểm tiếp nối việc tạo dựng một bản sắc mới cho nền văn hóa dân tộc, sẽ là điểm khởi đầu cho một nền tri thức mới của nước nhà,... 

Quotes of the Day



Mạnh Tử: Tận tín thư, bất như vô thư” (Quá tin vào sách thì thà không có sách).


P. Drucker: Có quá nhiều thứ trong cái-gọi-là quản lý nhằm gây khó khăn cho công việc của người khác.

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2009

Nguyên tắc Trừ Hai (-2)

Vô tình đọc đuợc bài này trên Gia đình Trẻ, post lại ở đây cho nó nhớ.

Con thương yêu,

Từ cảm nhận và trải nghiệm của riêng bố về cuộc sống và sự giao thoa trong cộng đồng, bố rút gọn dễ nhớ là Nguyên Tắc Trừ Hai, khi con hiểu và vận dụng Nguyên Tắc Trừ Hai này trong cuộc đời, hy vọng, sẽ có cuộc sống nhẹ nhành thanh thản.

Tất cả những gì con đang có, tại thời điểm con đang có, nếu con nhận biết được và hưởng thụ được, thế giới gọi đó là Hạnh Phúc.

Với tất cả những gì con đang có, vật-chất tinh-thần tình-cảm sức-khỏe, điểm mạnh, thế yếu, những mối quan-hệ xã-hội... và con biết cách gìn-giữ hưởng-thụ bày-tỏ bộc-lộ đúng với giá trị thật của nó, bố gọi là trừ không (-0), sẽ là sự TRUNG THỰC. Đã nhiều lần bố nói với con, nếu con giàu sẽ có người giàu hơn, nếu con giỏi sẽ có người giỏi hơn, nhưng nếu con trung thực, sẽ chẳng bao giờ có ai trung thực hơn con.

Sự trung thực là giá trị sống của con người và là bản lĩnh sống của chính con, dám đối diện với nó là sức mạnh của bản ngã, không phải ai cũng làm được.

Nếu con thể hiện và hưởng thụ những gì con đang có, trừ đi hai đơn vị (-2), bố sẽ gọi đó là KHIÊM TỐN. Tức là mình sử dụng 80% những gì mình đang có, mình bày tỏ bộc lộ và chia sẻ nguồn lực có kiểm soát, điều đó tạo một vị thế tiềm ẩn, một sức mạnh chưa khai phá, một thế lực ngầm che dấu, một đường rút lui an toàn, một quĩ dự phòng kín đáo.

Đó là phong cách sống của mỗi một con người, điều đó tạo một vùng đệm để mình không bỗng chốc trở thành kẻ khoe khoang bốc đồng, không để lại những lỗ hổng trên con đường mình đi... đây là một nghệ thuật sống đẹp và sống đầy.

Nếu con bày tỏ những gì con đang có, trừ thêm hai đơn vị (-2-2), bố sẽ gọi đó là KHÔN NGOAN. Tức là mình sử dụng 60% những gì mình đang có, mình biết mình sẽ làm gì với 40% còn lại, có định hướng có mục đích có phương pháp có tính kỷ luật bản thân.

Không phải tất cả đều sống với định hướng 60-40 thế này suốt đời, tùy từng giai đoạn của cuộc sống, tùy từng thời điểm của cuộc đời, tùy thời cuộc, thế thời phải thời thế, vì thế, nó được gọi là khôn ngoan.

Nếu con lại tiếp tục trừ thêm hai đơn vị, (-2-2-2), bố sẽ gọi đó là TINH QUÁI, điều này bố không khuyến khích con làm, nhưng khuyến khích con nhận biết đề sống và dè chừng những kẻ tinh quái khác. Người ta có mười nhưng người ta chỉ sử dụng bốn, số còn lại là mượn lực của những người xung quanh, những kẻ tinh quái thường là những kẻ cơ hội, xu thời, láu lỉnh, tiểu xảo... ta không gọi tốt hay xấu... ta chỉ cần biết để sống phù hợp. Vậy đó con ạ.

Cuộc sống muôn màu muôn mặt, khôn cũng chết dại cũng chết, biết thì sống.

Nếu con biết ai đó tiếp tục trừ thêm hai đơn vị (-2-2-2-2), tức là họ có mười phần nhưng họ chỉ sử dụng có hai phần, tám phần còn lại không nhận ra, giấu kín hoặc lãng phí, bố sẽ gọi đó là những kẻ NGU ĐẦN.

Phàm những kẻ ngu đần, thế giới quan sẽ hạn hẹp, càm ràm xét đoán với hiện tượng mà không đoái hoài đến bản chất, rên rỉ khóc lóc với những điều vụn vặt chợt đến chợt đi...

kẻ ngu đần nói về con người,

kẻ tinh quái nói về sự việc,

kẻ khôn ngoan nói về cơ hội,

kẻ khiêm tốn nghe cả ba kẻ kia,

kẻ trung thực được cả bốn nhóm người trên chọn làm chỗ dựa.

Chọn lựa và quyết định là do con./.

Thơ Tố Hữu

Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn.

Hạt mưa rơi bao lâu???

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2009

Sony Vaio P Series




Đúng là những gì mình mơ ước về một cái laptop:
- Chỉ nhỉnh hơn cái phong bì một chút,
- Chỉ nặng có 0,64 kg,
- Pin được cho là có thể dùng được đến 4h (8 cells),
- Màn hình 8 inches, LED BackLight,
- Thiết kế cực đẹp (tất nhiên rồi),
- Đẹp&Chắc chắn,
- Bàn phím dễ nhập liệu,
- Có bao da,

Nhược điểm:
- Độ phân giải quá lớn,
- Phải hy sinh nhiều thứ do quá nhỏ (chấp nhận được),
- Giá quá cao (đương nhiên, đặc biệt đối với Vaio). Chỉ riêng cái túi da đã 120USD rồi.
- Nhược điểm lớn nhất: Chạy Vista, cực chậm. Đây là nhược điểm không thể tha thứ -> Không mua. 

Nhìn bên ngoài đẹp hơn trên ảnh, khó cưỡng lại được sức hút từ vẻ ngoài của Vaio P.

Giá mà Apple có chú nào nhỏ thế này nhỉ?

P. Krugman: Dùng cầu nội địa để giảm nhẹ suy thoái

Nhặt về từ TBKTSG

LTS: GS. Paul Krugman, Nobel Kinh tế 2008, sẽ đến Việt Nam vào ngày 21-5-2009 để nói chuyện về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong một hội thảo do trường Doanh nhân PACE tổ chức. Nhân dịp này ông đã dành cho TBKTSG một cuộc phỏng vấn độc quyền qua trao đổi bằng thư điện tử.

Vai trò của người trí thức

TBKTSG: Trả lời phỏng vấn báo Newsweek, ông nói: “Cái tôi có là một tiếng nói”. Theo ông, vai trò của một trí thức là như thế nào?

- GS. Paul Krugman: Tôi nghĩ điều chính yếu tôi có thể làm là tạo cầu nối giữa những phân tích khó hiểu đến với công chúng. Không thể kỳ vọng người dân bình thường biết, chẳng hạn, các lập luận ủng hộ hay phản đối việc quốc hữu hóa ngân hàng, hay những phân tích về quy mô cần thiết của gói kích thích tài chính. Nhưng tôi thì có thể tiêu hóa rồi cố gắng chuyển tải nó bằng một ngôn ngữ đơn giản.

TBKTSG: Nhưng như thế thì sẽ phải trả giá vì nhà kinh tế thuần túy lúc đó sẽ không còn thời gian dành cho nghiên cứu và phải chuyển sang sử dụng một ngôn ngữ khác?

- Tôi nghĩ ngôn ngữ không là vấn đề - thật ra nhà kinh tế chuyên nghiệp phải biết “dịch” công trình của mình sang ngôn ngữ thông thường như một cách làm rõ ý tưởng của chính họ và tránh những từ đao to búa lớn không có nhiều ý nghĩa. Hạn chế về mặt thời gian là có thật; nhưng tôi không làm quản lý, tôi không tư vấn cho doanh nghiệp và dù sao giới học thuật qua tuổi 50 thường làm công việc giải thích hơn là nghiên cứu cơ bản.

TBKTSG: GS. Dani Rodrik (Đại học Harvard) có lần nói: “Có trách thì trách nhà kinh tế chứ không thể trách kinh tế học”. Bởi một điều có lợi cho một nhóm dân cư có thể không lợi cho toàn dân, vậy ông làm sao để biết những lời khuyên ông đưa ra là con đường tốt nhất cho nền kinh tế?

- Thì tôi chỉ biết gắng hết sức mình. Tôi cho rằng suy thoái làm tổn thương hầu hết mọi người cho nên ở đây không có vấn đề phân bổ [lợi ích]. Và khi tôi khuyến nghị chính sách nào có tác động phân bổ lớn, tôi cố gắng nói rõ điều đó.

TBKTSG: Người ta thường bảo toàn cầu hóa là xu hướng không thể tránh khỏi. Nhưng ông có nghĩ người dân, đặc biệt là người nghèo, phải được quyền chọn lựa cách sống chứ?

- Tôi chưa bao giờ tin đấy là chuyện không thể tránh khỏi và chắc chắn không thể áp đặt [chuyện toàn cầu hóa]. Nhưng người nghèo trên thế giới là người hưởng lợi lớn từ toàn cầu hóa, ít ra về mặt thương mại. Nghèo đói toàn cầu không phải là do thế giới ngày nay tạo ra và rõ ràng thương mại là yếu tố chính yếu giảm nhẹ nghèo đói.

 Về mô hình phát triển của Việt Nam

TBKTSG: Việt Nam theo đuổi các nguyên tắc kinh tế thị trường nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay cho thấy nhiều nguyên tắc tỏ ra không hiệu quả xét về lâu về dài. Ví dụ, ông nghĩ Việt Nam phải làm gì để tránh những tác động xấu của mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu?

- Tôi vẫn ủng hộ mạnh mẽ mô hình dựa vào xuất khẩu - nó là chiến lược duy nhất dẫn đến phát triển nhanh chóng. Điều chưa tỏ ra hữu hiệu là việc [nên hay không nên] hội nhập sâu vào thị trường tài chính thế giới. Tôi nghĩ các nước nên cẩn trọng về việc tự do hóa tài khoản vốn. Nói thế chứ các nước hướng về xuất khẩu nhiều sẽ chịu các cú sốc toàn cầu nhưng biết làm sao được.

Dù sao, tôi nghĩ khi chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, thế giới sẽ không còn như trước khi có khủng hoảng. Vào đầu cuộc khủng hoảng, thế giới lúc đó có một vài nước tiêu thụ nhiều hơn họ sản xuất - Mỹ là một điển hình như thế; và một số nước khác chỉ lo sản xuất. Họ hướng mạnh về xuất khẩu mà không chú trọng đến thị trường nội địa.

Thế giới nổi lên sau khủng hoảng sẽ cân bằng hơn. Sự đối chọi giữa thâm hụt lớn và thặng dư lớn sẽ không quá “kịch tính” như cách đây chỉ mới hai năm. Điều đó có nghĩa tôi tin thị trường nội địa ở các nước xuất khẩu sẽ tăng trưởng. Sẽ có nhiều cơ hội hơn ở thị trường trong nước trong khi xuất khẩu rõ ràng cũng sẽ tiếp tục.

TBKTSG: Thời điểm thoát khỏi khủng hoảng như thế, theo ông, là vào lúc nào?

- Hầu hết các dự báo phục hồi nhanh chỉ dựa vào giả định [nền kinh tế] sẽ diễn ra như thế này, như thế khác hơn là dựa vào các dấu hiệu tăng trưởng thật sự. Cho nên tôi khá bi quan về triển vọng ngắn hạn cũng như cho vài năm tới.

TBKTSG: Và không lẽ Việt Nam phải đợi nền kinh tế thế giới phục hồi?

- Việt Nam có nền kinh tế còn nhỏ, có nghĩa ít có không gian để xoay xở. Nhưng các bạn có thể giảm nhẹ sự suy thoái bằng cách duy trì nhu cầu nội địa. Nên giám sát hệ thống tài chính để bảo đảm không xảy ra những vấn đề đã tác động đến biết bao nước khác. Các nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc vào xuất khẩu không có nhiều chọn lựa. Làm gì thì làm họ cũng phải dựa vào thế giới - vào các nền kinh tế lớn đang tìm cách phục hồi.

Thế giới sau khủng hoảng

TBKTSG: Theo ông, Việt Nam có thể tiếp tục đóng vai trò một địa điểm đầu tư theo dạng “Trung Quốc + 1”?

- Đúng là Việt Nam có lợi thế lương thấp hơn cộng với vị trí địa lý gần gũi. Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á đã tổ chức thành những cơ sở sản xuất tích hợp để bán hàng qua Mỹ và châu Âu. Cho nên tôi nghĩ điều quan trọng là hiểu sự phát triển nội vùng. Với những gì tôi biết, yếu tố địa lý kinh tế đang đóng vai trò then chốt cho những gì đang diễn ra tại Trung Quốc bởi vì mặc dù xuất khẩu của họ sang Mỹ chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh cổ điển, đã có sự địa phương hóa ở mức độ cao sản xuất bên trong Trung Quốc, các vùng khác nhau nổi lên thành những nơi xuất khẩu các sản phẩm khác nhau.

TBKTSG: Nền kinh tế thế giới, theo hình dung của ông, sẽ như thế nào sau khủng hoảng?

- Tôi nghĩ đó sẽ là một thế giới làm ăn trầm tĩnh hơn, ít có dịch chuyển vốn hơn, ít đầu cơ hơn, nhiều quy định cho thị trường tài chính hơn - ngoài ra không có gì thay đổi nhiều. Trung Quốc sẽ vượt lên Nhật nhưng điều đó sẽ mất thêm một thời gian dài nữa. Lúc đó thế giới, xét về mặt kinh tế, sẽ có hai cường quốc rưỡi, với Nhật là một nửa còn lại.

Những gì sẽ diễn ra theo tôi đã diễn ra rồi. Một là Mỹ sẽ ít rao giảng hơn, Mỹ sẽ không còn muốn đi bảo ban thế giới phải làm như thế này, như thế khác vì bản thân Mỹ cũng chưa làm tốt [nhiều điều].

Mặt khác, châu Âu như một đối thủ tiềm năng của Mỹ, cách nào đó, đã không được như người ta kỳ vọng. Từng có nhiều thảo luận về việc đồng euro có thể thách thức đồng đô la như đồng tiền thế giới nhưng thách thức này đã dịu đi vì sự thiếu gắn bó của châu Âu trong cơn khủng hoảng. Đồng euro không còn là một cú đặt cược tốt như trước khi khủng hoảng bùng phát.

Cho nên tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy một thế giới được sắp xếp lại nhưng không rõ ràng lắm. Mỹ sẽ không bị xuống bậc. Mỹ vẫn là cường quốc hàng đầu thế giới. Châu Âu thật ra, nếu có thay đổi, thì sẽ yếu hơn trước. Trung Quốc chưa sẵn sàng là một phần của các nền kinh tế ở vòng trong. Tôi nghĩ, xét theo các điểm đó, thế giới sẽ không thay đổi nhiều như người ta tưởng.

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

Càphê, Rượu, Chanh & Đá...

... và Mặt trời mọc ở Tequila

Tặng Minh

Tối qua đang ở nhà thì nhận được một tin nhắn, nguyên văn thế này:

“E dang ngoi uong cafe tai mot quan tuong doi sang trong. E dua doi goi 1 coc Tequila Sunrise. No mang cho em 1 coc cafe, 1 coc da, 1 / 2 coc ruou, 1 lat chanh. Bao la Tequila cua anh day. E bo tay, ko biet lam gi voi mo hon don nay anh a. Co le Tequila Vietnam no vay.” 

Lúc đó buồn cười quá, chỉ nhắn lại “Tron lan vao nhau roi uong thoi” kèm theo một cái mặt cười. Vậy nhưng vẫn lấn cấn, thấy có vẻ kô ổn vì đã thử Tequila Sunrise vài lần và chưa bao giờ thấy vị cà phê cả. Mình không rành về các món uống lắm nên lại nhờ chú Google, kết quả là thế này: 

Thành phần:

4 oz orange juice

2 oz tequila

1/2 oz grenadine

orange slice for garnish

maraschino cherry for garnish (Hoàn toàn không có tý càphê nào, hic) 

Cách pha chế:

Trong một cái ly tròn chân thấp, đổ tequila, nước cam vắt, và nước đá vào, khuấy đều. Đổ grenadine từ từ vào phía cạnh ly, màu đỏ của grenadine sẽ từ từ chìm dưới đáy như mặt trời và từ từ hòa vào các thứ rượu như là mặt trời đang mọc. Trang trí bằng 1 lát cam tươi và cherry.

Và đây là kết quả:



Trung tâm của ly Tequila Sunrise, tất nhiên phải là Tequila – một loại rượu được sản xuất từ nhựa cây Agave thuộc họ xương rồng. Nồng độ cồn dao động từ 35%-55%, có các màu Trắng, Vàng, Nâu khác nhau do nồng độ cồn và thời gian ủ rượu. Tequila là loại rượu đặc trưng của Mexico nhưng được sản xuất rất nhiều từ các hãng khác nhau trên toàn thế giới. Các nhãn Tequilla nổi tiếng gồm có Sierra, Cazadores, El Charro,... Các loại cocktail được làm từ Tequila là Margaritta, Tequila Sunrise và Slammer.

Tequila nổi tiếng đến mức người ta đã viết về nó như sau: 

"Tequila is Mexico," said Carmelita Roman, widow of the late tequila producer Jesus Lopez Roman in an interview after her husband's murder. "It's the only product that identifies us as a culture."

No other drink is surrounded by as many stories, myths, legends and lore as tequila and its companion, mezcal. They transcend simple definition by reaching into the heart of Mexico, past and present. The turbulent history of Mexico is paralleled in the stories of tequila and mezcal. One cannot fully appreciate Mexico without some understanding of tequila's place in its history and culture.

Một điều đặc biệt thú vị là Tequila Sunrise đã được nhiều người biết đến hơn nhờ vào việc nó chính là tên một hit của ban nhạc The Eagles vốn được dân Việt Nam nằm lòng với siêu phẩm Hotel California.

Sẽ thật là tuyệt vời, nếu vào một đêm nào đó, bạn ngồi im lặng dưới ánh đèn dịu dàng của một cái bar, trước mặt là một ly Tequila Sunrise, đung đưa theo đoạn guitar intro, rồi nghe Glenn Frey cất lên khe khẽ: “It’s another Tequila sunrise”...

Nhưng cũng có thể tuyệt hơn, nếu bạn gọi Tequila Sunrise rồi được phục vụ với một mớ hỗn độn như ở tin nhắn nói trên. Niềm vui đến, nhưng là thứ niềm vui được xây dựng trên sự chán ngấy của một thứ văn hoá phục vụ.

Nghe và xem Eagles "chơi" Tequila Sunrise trong buổi biểu diễn tái hợp của nhóm năm 1994:



Còn đây là lyrics của Tequila Sunrise: 

It’s another tequila sunrise

Starin’ slowly ’cross the sky, said goodbye

He was just a hired hand

Workin’ on the dreams he planned to try

The days go by

 

Ev’ry night when the sun goes down

Just another lonely boy in town

And she’s out runnin’ ’round

 

She wasn’t just another woman

And I couldn’t keep from comin’ on

It’s been so long

Oh, and it’s a hollow feelin’ when

It comes down to dealin’ friends

It never ends

 

Take another shot of courage

Wonder why the right words never come

You just get numb

It’s another tequila sunrise,this old world

Still looks the same,

Another frame, mm...

*P/S: "Tequila Sunrise" còn là tên một bộ phim được sản xuất năm 1988 với Mel Gibson & Michelle Pfeiffer thủ vai chính.