Recent Posts

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2009

Một góc nhìn từ SGTT

Cách đây một vài năm, VTC có ra mắt một chuyên mục mới "Góc nhìn thẳng". Chuyện sẽ không có gì là đình đám, nếu như việc nhìn thẳng là một việc bình thường. Tuy nhiên, có lẽ bây giờ người ta ít "nhìn thẳng", hoặc đã quên mất rằng nhìn thẳng là một phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp: Khi nói, nên nhìn thẳng vào mắt người nghe. Do vậy, "nhìn thẳng" trở thành hiện tượng trong thế giới toàn những nhìn "cong", nhìn "zíc zắc", nhìn "qua kính tiềm vọng", vân vân và vân vân. Góc nhìn thẳng, do đó, trở thành một lời cảnh tỉnh, rằng chúng ta đã đi quá xa những phép tắc tối thiểu, những nguyên lý cơ bản mà trong cơn say phát triển chúng ta đã quên mất.

Rất may còn có những người đã tạo ra chuyên mục này, và cả những người ở SGTT với mục Góc nhìn. Tuy chỉ với cái tên ngắn gọn là "Góc nhìn", nhưng qua các bài viết trong chuyên mục, tôi hiểu, đó chính là những "Góc nhìn thẳng". Ví dụ, như bài mới ra ngày hôm nay: "Ai nuôi Nhà nước?". Câu hỏi thật giản đơn, và tôi nghĩ câu trả lời cũng thật giản đơn, nhưng có quá nhiều người, trong đó có tôi, đã không hỏi và do đó, cũng chẳng trả lời.

Bài báo, do vậy, không chỉ là một lời nhắc nhở cho ta biết, ai là người thực sự nuôi Nhà nước, mà còn cho ta thấy mình đã vô cảm đến mức nào?

Thiết nghĩ, cũng nên tư duy thêm xem cái gì đã khiến cho nhiều người, trong đó có tôi, trở nên vô cảm như vậy?

.... Cách thu thuế như ở Mỹ và Canada nhằm thường xuyên nhắc nhở người dân hiểu và nhớ rằng mình nuôi Nhà nước là một biện pháp thiết thực tôn trọng người dân, cổ vũ dân chủ. Người dân ý thức rõ là bộ máy nhà nước do dân nuôi nên bộ máy này phải phục vụ dân; người nuôi bộ máy có quyền đòi hỏi các cơ quan công quyền phải thực hiện đúng quy chế công khai, minh bạch và được dân giám sát....

.... Chúng ta thường thấy các khẩu hiệu treo trên đường phố hoặc viết chữ to ở bảng đầu làng, đầu ngõ tuyên truyền việc đóng thuế, nhưng hầu như chỉ nói về nghĩa vụ (có khi thêm vinh dự) của người dân khi nộp thuế; hiếm khi thấy khẩu hiệu giúp cho dân hiểu rõ đóng thuế là nuôi Nhà nước....

.... Không chỉ người dân thường mà không ít người trong bộ máy công quyền cũng không ý thức được rằng mình được dân nuôi. Ở nước ta mỗi khi người dân có được thành tựu, hoặc được được hưởng một lợi ích nào đó thì thường nói là ơn Đảng, ơn Chính phủ....

.... đối với một số chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nếu chỉ thấy “sự chỉ đạo tập trung kiên quyết của Chính phủ và sự nỗ lực của các ngành, các cấp” thì đó là cách nhìn rất phiến diện vì không đánh giá đúng những cố gắng rất to lớn của dân và doanh nghiệp....

.... Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã nêu rõ: “Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân”. Để thực hiện yêu cầu đó, câu hỏi: “Ai nuôi Nhà nước và cả hệ thống chính trị ở Việt Nam?” cần được mọi người trong bộ máy công quyền cũng như mọi người dân trả lời rõ và ghi nhớ trong lòng....

Người viết những dòng trên là ông Trần Đức Nguyên, là một chuyên gia kinh tế, đã từng tham gia nghiên cứu, hoạch định quan điểm, chính sách đổi mới ngay từ thời kỳ đầu, Nguyên trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Ông cũng đã từng là thư ký kinh tế cho cố TBT Trường Chinh.

Có lẽ, mỗi khi có công chuyện cần giải quyết ở các cấp xã, phường, hoặc cơ quan công quyền, chúng ta nên in bài báo này và mang theo, để, mỗi khi gặp trục trặc thì lại yêu cầu cán bộ đọc qua bài này. Tôi không biết để họ bỏ thời gian đọc hết bài báo đó thì có cần phải "bôi trơn" hay không? Nhưng nếu câu trả lời là có, tôi nghĩ là cũng đáng để bôi.

0 nhận xét: