Recent Posts

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

Memories of Tomorrow hay là những Hoài niệm về một mái hiên

Hà Nội đang trải qua những ngày hè nóng chưa từng thấy. Gần nửa đêm, bước ra khoảng sân nhỏ bị vây kín bởi bê tông và nhà cao tầng, vẫn thấy cái nóng hầm hập như đốt lửa quanh người. Trời đầy sao và không một cơn gió. Cái tĩnh lặng của đêm thì phải nhường chỗ cho những âm thanh rầm rì của dàn đồng ca phát ra từ vô số cục nóng điều hoà.

Chợt nhận ra cái vòng luẩn quẩn trong việc gìn giữ môi trường: phá huỷ-biến đổi khí hậu-chống chọi với biến đổi khí hậu bằng cách làm gia tăng biến đổi khí hậu, mà điều hoà là một ví dụ.

Trở lại với căn phòng kín bưng, với thứ không khí lạnh ngắt và khô khốc thổi ra từ cái điều hoà, chợt nhớ quay quắt một mái hiên những đêm hè của một thời chưa xa, nhưng đã là thời xưa cũ, như tên một album của Bob Dylan: Time out of Mind.

Đó là một hàng hiên rộng, láng ximăng trước ngôi nhà tranh giản dị, được dựng lên bằng ba cái cột tre.

Vào mùa hè, bố tôi làm một cái phản tre kín gần nửa cái hiên, chỉ đơn giản bằng cách kê mấy cái lạch giường bằng tre lên bốn viên gạch xỉ ở bốn góc. Trên cùng là mảnh chiếu cói. Đó là những thứ đặc trưng của cái nghèo mà trớ trêu thay, ngày nay được gọi bằng cái tên mỹ miều là “vật liệu thân thiện môi trường”- những thứ được giới kiến trúc sư cấp tiến ngày nay ra sức quảng bá và lăng xê thuyết phục giới nhà giàu quay lại sử dụng trong các công trình kiến trúc đương đại. Tất nhiên, dưới những hình thức khác và chi phí khác với thời bố tôi. Nhưng đó là chuyện khác. 

Bố con tôi thường trải qua hầu hết những giấc ngủ đêm hè trên cái phản tre đó, trừ các đêm mưa. Suốt những năm tháng tuổi thơ của tôi, ngủ ngoài hiên đã trở thành một cái thú mà sau này, như giờ khắc này chẳng hạn, đã trở thành nỗi thèm nhớ khôn nguôi.

Ngủ ngoài hiên mát hơn rất nhiều so với trong nhà, mặc dù quây quanh bố con tôi là một cái màn “diềm bâu” – loại màn mà không khí cũng khó lọt vào chứ đừng nói là muỗi. Những hôm nóng quá, trước khi đi ngủ, hai bố con thường xuống tắm ở con sông nhỏ trước nhà, cách mái hiên chỉ một con đường đất nhỏ. Đó cũng là nơi mà lúc mới lúc chiều mẹ tôi và những người hàng xóm vo gạo, rửa rau để nấu bữa cơm tối, nơi người ta giặt giũ, múc nước về để sinh hoạt hàng ngày. Nhưng là một dòng sông không ngừng chảy, chúng tôi chẳng thấy những cái đó làm bẩn dòng sông, cũng như không ai cho rằng việc tắm táp của chúng tôi nơi đó làm bẩn nguồn nước sinh hoạt của họ. Đó cũng là lý do vì sao sau này học triết, tôi không cần nghe thầy giảng đến lần thứ hai đã hiểu ngay câu nói: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, cho dù tôi đã tắm không biết bao nhiêu lần trên chính đọan sông đó.

Tôi nhớ những đêm trăng, vùng vẫy trong dòng nước phù sa mát lạnh, mặt nước loang loáng ánh trăng, tạo nên một thứ màu sắc kỳ ảo đầy huyền hoặc, tôi cứ ngỡ mình như những chú bé chăn trâu trong chuyện kể của bà nội, vui sướng và không vướng bụi âu lo. Tôi cũng cứ ngỡ nước phù sa và ánh trăng đã cho tôi một đêm ngủ ngon mà không biết rằng bố tôi đã phải quạt cho tôi ngủ đến rã cả tay bằng cái quạt nan do ông tự đan lấy mỗi khi hè đến.

Tôi nhớ đến nhiều đêm tỉnh dậy, thấy loang loáng ánh đèn pin của những người đi câu ếch ban đêm ở cánh đồng gần nhà, những thì thầm chuyện trò giữa họ, tôi đã tưởng là ma mà nằm im không cựa quậy.

Tôi nhớ, có những lần nửa đêm phải choàng dậy, cuống cuồng cùng bố dỡ màn gấp chiếu chuyển vào trong nhà vì trời chợt mưa vào nửa đêm. Cũng rất thường khi khi tôi tỉnh dậy vào sớm mai thì thấy mình đang nằm trong nhà vì đêm qua mưa nhưng tôi ngủ say quá, bố đã bế tôi vào mà không gọi dậy.

Và cũng rất nhiều khi, khi thức dậy dưới ánh mai, tôi chỉ còn một mình vì bố đã đi chợ từ rất sớm. Có lẽ, từ lúc những người đi bắt ếch đêm đã xong việc trở về nhà.

Ngủ ngoài hiên cũng có những trải nghiệm rất lạ, là tôi thường mơ màng tỉnh dậy trong tiếng lao xao của những người đi chợ, đi làm đồng buổi sớm. Và rất thường khi, người gọi tôi dậy không phải là bố mẹ mà là bác hàng xóm tốt bụng. Đó là những thứ không thể có được nếu ngủ ở trong nhà.

Những giấc ngủ ngoài mái hiên dẫn tôi đến với nỗi nhớ về chính mái hiên lợp bằng lá cọ mộc mạc ấy.

Đó là nơi bọn trẻ con chúng tôi quây quần chơi ô ăn quan, là nơi tôi kỳ công chặt những mẩu tre rồi hý hoáy khắc nên đó những tốt, xe, hậu, tướng, mã – bộ cờ vua đầu tiên trong đời. Đó cũng là nơi tôi kỳ cụi đục đẽo mài khoáy nên hàng trăm viên bi đá đủ sắc màu: đen, trắng, hồng, xanh, vằn, chấm,... Đó cũng là nơi tôi biến mái hiên thành bàn bóng bàn, với lưới chỉ là một thanh tre đặt lên hai viên gạch – một cái bàn mà đánh năm quả thì phốt tới bốn vì cái nền xi măng láng không được phẳng. Là nơi tôi có những xúc cảm đầu tiên với hội hoạ, khi nhìn ngắm những con rồng, những bông hoa được khắc trên cái cột tre của mái hiên bởi hai anh học cấp ba trọ ở nhà tôi.

Đó cũng là nơi mà tôi đã trải qua bao vui buồn chiến công và thất bại của những dế mèn, mèo con, Mai An Tiêm, Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới, 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc hay ba anh em kết nghĩa vườn đào. Khi lớn lên một chút, đó cũng là nơi tôi nghiền những bộ tiểu thuyết đầu tiên, từ Không Gia Đình của văn học lãng mạn Pháp cho tới thể loại văn học cách mạng xã hội chủ nghĩa của Nga như Sông Đông Êm Đềm, Đất Vỡ Hoang,.... Vào thời đó, chắc chẳng có gì tuyệt bằng việc ngồi trên cái sạp tre dưới mái hiên, vừa say sưa với 72 phép thần thông của Tề Thiên Đại Thánh, vừa nhấm nháp đến hết sạch cả rá dâu da chín hái từ cái cây chỉ cách mái hiên hai bước chân.

Đó cũng là nơi tôi được thưởng thức những món ăn quê mùa do mẹ tôi nấu vào những bữa cơm chiều, những món ăn mà bây giờ chỉ còn là hoài niệm. Nơi đó diễn ra những bữa tối, dưới ánh đèn dầu, với sự chứng kiến của hàng xóm và người qua đường, và, đã thành thông lệ, ngoài việc mời bố mẹ ăn cơm, chúng tôi còn phải mời cả cô chú bác anh chị hàng xóm, và không ít khi, là cả những người qua đường, những người sau đó thường nói, “Ồ, nhà bác hôm nay có món dưa ngon thế” hoặc “Bà... mua con cá ở đâu mà to vậy”. Đại loại thế, một bữa ăn giữa bàn dân thiên hạ mà sự công khai của nó có khi còn hơn cả bữa ăn của Obama trong Nhà Trắng bây giờ.

Đó cũng là nơi bố tôi ngồi đan những lá cót lấy công làm lãi, là nơi tôi đang những cái áo cối để bán và có được những đồng tiền kiếm được đầu tiên trong đời, là nơi sau này tôi ngồi kỳ cụi dán hàng nghìn cái túi giấy nho nhỏ để bán cho hiệu thuốc tây của thị trấn trong kỳ nghỉ hè. Đó cũng là nơi tôi thường lục cái thúng của mẹ tôi mỗi khi bà đi chợ về, thế nào cũng có khi thì cái bánh đa, khi thì vài khúc mía, hoặc mấy quả táo xoan đựng trong cái ống bơ. Quà thì khác nhau, nhưng bao giờ cũng có một điểm chung: chúng luôn luôn dính lấm tấm những hạt cám gạo, vì cám là món hàng mẹ tôi bán ở chợ, là thứ đã mang đến những đồng tiền để mẹ tôi không chỉ mua cho tôi những đồng quà tấm bánh đó mà còn nuôi sống cả gia đình.

Nhưng cũng chính mái hiên đó cũng là nơi đặt quan tài của mẹ tôi ngày bà nói lời vĩnh biệt cõi trần để đi gặp tổ tiên và ông bà ngoại tôi, là nơi bà nội tôi vật vã khóc than người con dâu xấu số của mình, là nơi sau đó bố tôi ngồi mỗi buổi chiều, mắt xa xăm mong ngóng một ai đó trở về, là nơi tôi thu mình trong nỗi đau câm nín không nói thành lời. Những bữa cơm chiều vẫn diễn ra dưới mái hiên ấy, nhưng bốn người nay chỉ còn ba. Tối tối, bố tôi vẫn bày ra cái phản tre bộ đồ trà và cái điếu thuốc lào. Hàng xóm vẫn đến nhưng cũng chẳng biết nói gì, chỉ lặng lẽ uống nước, hút thuốc rồi ra về.

Sau đó không lâu, cái mái hiên chỉ còn một nửa. Bố tôi đã phải bán đi một nửa cái nhà để trang trải nợ nần những ngày mẹ tôi nằm bệnh. Nó cũng được xây cao hơn, nhưng cột thì vẫn bằng tre, và vẫn sinh hoạt dưới cái mái hiên đó.

............

Đó cũng là nơi hàng xóm đến mừng cho tôi trước ngày tôi xa quê để đi học đại học. Là nơi họ chào tôi với những ánh mắt ái ngại, tay dúi cho tôi những đồng 10 nghìn, 20 nghìn chắt chiu từ những khó nhọc mưu sinh. Sáng hôm sau tôi ra đi mà không biết rằng tôi đã mãi rời xa mái hiên đó, cho đến tận bây giờ.

Sau này nhà tôi cũng chuyển đi chỗ khác. Khi xây ngôi nhà mới, tôi và bố đã làm một mái hiên thật rộng. Một bên là cánh đồng mênh mông, nhìn ra trước mặt là một khoảng sân và một cái vườn rộng. Nó qủa thực đẹp hơn mái hiên xưa rất nhiều. Nhưng mái hiên đó không còn nhiều kỷ niệm như cái mái hiên đã mất. Nó chỉ còn là lời nhắc nhở rằng có một cái gì đó đã vĩnh viễn mất đi không thể trở lại và là nơi chứng kiến sự đơn côi của bố tôi lúc tuổi già. Ông giờ đây không đủ khoẻ để có thể ngủ ngoài hiên như xưa, dù trời bây giờ nóng hơn rất nhiều. Tôi gọi điện về hỏi thăm, ông nói: Có, buổi tối vẫn ngồi ngoài hiên, ngó vào trong nhà xem tivi qua cửa sổ.

(*) Thật trùng hợp khi hôm nay lại đúng là Father’s Day của Mỹ (21/6).

(**) Thực ra ý tưởng của bài viết này đến không chỉ do một đêm Hà Nội quá nóng, mà còn do một bản solo piano của Keith Jarrett: Phần 1 trong buổi trình diễn độc tấu piano của ông mang tên The Koln Concert. Bản nhạc này sau đó đã được đặt tên là Memories of Tomorrow. Tôi cũng xin lấy cái tên đó để đặt cho tản văn này.



3 nhận xét:

Tit-Ti nói...

Bài viết hay quá anh à!

nguasat nói...

Phần nhạc hay hơn...

Tit-Ti nói...

Đấy là lúc mới đọc xong, chưa nghe nhạc ;p