Recent Posts

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2009

Bức Tường & Trung Nguyên

Bức Tường: Đó không phải là bức tường Berlin - một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của chiến tranh lạnh và đã sụp đổ vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 12 của mình. Đó cũng không phải là siêu phẩm "The Wall" của Pink Floyd mà mình yêu thích và đã từng nghe đến mê muội & trầm cảm. Đó là ban nhạc Bức Tường - một trong những ban nhạc rock Việt hiếm hoi có được chỗ đứng sâu và rộng trong trái tim người yêu nhạc Việt Nam, và hơn thế nữa, còn có nhiều lần "đem chuông đi đánh xứ người".

Trung Nguyên: Đó không phải là Trung Nguyên trong truyện chưởng của Kim Dung - nơi các anh hùng hảo hán lang bạt kỳ hồ ngày đêm luyện chưởng, huynh đệ tương tàn & thể hiện nghĩa hiệp của bậc anh hùng. Đó là cà phê Trung Nguyên - chuỗi cửa hàng nhượng quyền cà phê  xuất hiện lần đầu ở Hà Nội cách đây đúng mười năm và sau đó bùng nổ thành một trong những ví dụ về nhượng quyền thành công nhất ở Việt Nam.

Vậy chúng có liên hệ gì với nhau mà lại cùng xuất hiện trong entry này? Ngoài việc cả Bức Tường & Trung Nguyên đều được biết đến rộng rãi và phát triển mạnh trong cùng một khoảng thời gian (1999-2006), mình không biết giữa hai cái tên này có mối liên hệ gì không? Mình không biết liệu Trần Lập có thích cà phê Trung Nguyên hay không (mặc dù biết chắc Trần Lập mê cà phê), và cũng không biết liệu Đặng Lê Nguyên Vũ có thích nhạc rock của Bức Tường hay không. Câu trả lời thật đơn giản: Cả hai có một điểm chung về năng lực sáng tạo & là hai cái tên được mình nghĩ đến nhiều nhất trong mấy ngày vừa rồi.

1. Khởi đầu với slogan Khơi nguồn sáng tạo, quả thật chính Trung Nguyên đã sáng tạo không ngừng để được như ngày hôm nay. Tuy nhiên, trước nhiều sức ép, Trung Nguyên cũng đã đang tự làm mới mình bằng việc khai trương một chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên theo mô hình nhượng quyền mới, với những hình ảnh mới. Slogan Khơi nguồn sáng tạo đã không còn được sử dụng, có lẽ nó đã hoàn thành sứ mệnh đưa Trung Nguyên đến với 64 tỉnh thành của Việt Nam & 37 quốc gia trên thế giới. Thay vào đó là một tuyên ngôn có lẽ dựa trên ý tưởng của networking: Nơi hội tụ những người đam mê và yêu cà phê, hay "Kết nối đam mê, Kết nối sáng tạo". Chỉ trong một tuần vừa qua, mình đã có dịp cà phê cà pháo ở cả hai quán đầu tiên theo kiểu này. Cả hai đều cực đẹp và sang trọng, không có bất kỳ một nét nào "xập xệ" như chuỗi cà phê trung nguyên cách đây 5-10 năm. Hình thức đã nâng cấp Trung Nguyên lên một tầm cao mới. 

Ở địa chỉ đầu tiên, 36 Điện Biên Phủ, mình bị ấn tượng bởi kiến trúc quán được thiết kế bởi Võ Trọng Nghĩa với bộ khung làm từ cây tầm vông, mái lợp kính & sàn lát đá chẻ. Toilet ở đây có lẽ được xếp hạng 4 sao và view cũng như địa thế của quán thì quả thực đáng mơ ước: cạnh Bộ Ngoại giao và đối diện Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lẽ ngoài mấy quán cóc vỉa hè cạnh khu vườn cỏ trước Lăng (nơi thường bán nước và bim bim cho trẻ con đi dạo Lăng Bác vào buổi tối) thì không còn quán nào tại Hà Nội có được một vị trí như vậy. Tường của quán được trang trí bằng những bức chân dung các vĩ nhân là tín đồ của cà phê, cùng với những phát biểu của họ về thứ thức uống mà họ yêu thích, trong đó có thể kể đến nhà soạn nhạc Bach, văn hào Balzac, Hoàng đế Bonaparte và Giáo hoàng Clement VIII. Giống như mọi quán xá khác, không gian của quán tràn ngập âm nhạc, nhưng đây không phải là những ca từ u uẩn của Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly, cũng không phải thứ nhạc vàng sến đặc của Sài Gòn trước năm 1975 và Hải ngoại sau này, cũng không phải thứ nhạc pop thị dân đang nhan nhản trong đời sống phố thị của Việt nam, mà nó là nhạc cổ điển - cổ điển chính hiệu chứ không phải thứ nhạc cổ điển đã được Richard Clayderman sửa sang lại cho dễ nghe vốn đang tràn ngập các quán cà phê khác. Đặc biệt & ấn tượng hơn, cái đồ vật để phát ra những âm thanh cổ điển đó lại là những bộ loa Tannoy - một trong những cái tên "hàng khủng" trong thế giới hi-end và cũng là cái tên mà mới nghe qua đã thấy cổ điển không kém gì thứ nhạc mà nó đang phát ra. Menu của quán cũng là một sáng tạo nữa: nó không phải là những quyển menu đóng bìa da sang trọng ở nhà hàng, khách sạn; cũng không phải như những tờ menu nguệch ngoạc ép plastic nhàu nát và cáu bẩn ở những quán hàng bình dân. Menu ở Trung Nguyên bây giờ xuất hiện dưới hình thức của một tờ báo ngày, như thể nó là một tờ Coffee Daily hay Coffee News vậy. Xen giữa những thức uống, giá rổ là những bài viết ngắn về cà phê, về Trung Nguyên và đủ thứ hầm bà lằng xung quanh cà phê. Có lẽ thứ kém sáng tạo nhất của quán này chính là cái logo mới của Trung Nguyên: Nhìn một cái đã ra ngay cái logo của Mini hay Benley, chỉ có điều chữ Mini hoặc chữ B trong vòng tròn đã được thay bằng hình một hạt cà phê đang toả sáng như mặt trời. Nhưng cho dù cái logo có kém sáng tạo thế nào chăng nữa, với chừng ấy thứ đang hiện diện ở 36 Điện Biên Phủ, quán này xứng đáng được như cái tên gắn trên tấm biển ở lối vào: Hội quán Sáng tạo Trung Nguyên.

Quán thứ hai là một dạng cà phê sách. Cà phê sách đã bắt đầu xuất hiện mấy năm gần đây. Sài Gòn có Phương Nam Book Càphê, hay hệ thống Ciáo café cũng đã kịp cho ra phiên bản cà phê sách đầu tiên. Ở Hà Nội có Intello trên đường Quốc Tử Giám cũng chạy theo dạng này, nhưng mình chưa kịp đến xem mặt mũi thế nào thì đã đóng cửa hoặc chuyển đi đâu mất mà mình không biết. Vậy nên cà phê sách Trung Nguyên là quán đầu tiên mình được lê la. Điểm độc nhất vô nhị là quán cà phê sách này nằm ngay ở tầng hầm của Thư viện Quốc gia Việt nam - một biểu tượng về sách vở, "thư phòng" của Việt Nam. Nhờ vào đó, dân nghiền cà phê đến 52 Hai Bà Trưng cũng có thể đọc được nhiều sách đang được lưu trữ tại đây mà không cần phải có thẻ thư viện. Tuy nhiên, cũng vì vị trí như vậy mà quán này không có view đẹp như ở 36 Điện Biên Phủ, nhưng độ sang trọng thì cũng không kém, trừ hai điểm dở là nhiều muỗi và Toilet thì hơi bất tiện do phải dùng chung với hệ thống toilet của thư viện ở tầng trên.

2. Lâu lắm không nghe Bức Tường, nhưng mấy ngày vừa rồi lại nhớ đến một sáng tác của nhóm này, bài Đường Đến Ngày Vinh Quang. Bình thường mình không chạy theo chủ nghĩa hô hào khẩu hiệu, nhưng quả thật lyrics của bài này quá hợp với bối cảnh hiện tại, hợp như lạc rang &rượu trong slogan "Quá hợp với rượu" in trên gói lạc rang tại chuỗi nhà hàng Xalộ 4. Hợp đến mức mình phải buộc lòng chép lại ở đây.


ĐƯỜNG ĐẾN NGÀY VINH QUANG 

Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi 
Ðể ta khắc tên mình trên đời 
Dù ta biết gian nan đang chờ đón 
Một trái tim vẫn âm thầm 
Ta bước đi hướng tới muôn vì sao 

Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng 
Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai 
Ðường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió 
Lời hứa ghi trong tim mình 
Vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao 

bridge 
Và con tim ta đã ước ng*yện cùng nhau vai kề vai 
Niềm vinh quang ta chia sẻ cùng nhau 

Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi 
Và chúng ta là người chiến thắng 
Và ta biết dẫu lắm thác ghềnh cheo leo trên đường xa 
Vượt gian nan ta vươn tới những đỉnh cao 

Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi 
Và chúng ta là người chiến thắng 
Ðường đến những ngày vinh quang không còn xa 
Dù khó khăn vẫn còn 

Và mặt trời rực sáng trên cao vời 
Ban sức sống huy hoàng khắp muôn nơi 
Cài vinh quang lên vai những người chiến thắng 
Khoảnh khắc ghi trong tim hồng
Bao khó khăn ta cũng sẽ vượt qua ./.


0 nhận xét: