Recent Posts

Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2009

Hoài niệm Huế (1)

Chúng tôi dự định đi Huế từ thời còn chưa cưới nhau. Chương trình cũng đã được lập sẵn, nhưng sau đó đã phải huỷ bỏ, vì nhiều lý do. Lúc đó, tôi không nghĩ cái sự hoãn lại đó lại kéo dài đến thế. Vậy mà phải đến khi thằng lớn đã lên 5, còn cậu nhóc thứ hai đã lên 3 tuổi, dự định đi Huế của chúng tôi mới trở thành hiện thực.

Háo hức, do đó, là chuyện đương nhiên. 

Từ trước ngày lên đường cả nửa tháng, bà xã đã treo lên blast ước vọng được ngồi cà phê ở Huế. Chúng tôi còn cùng nhau lên một lịch trình chi tiết cho chuyến đi, ngày nào, giờ nào, làm gì, ăn gì, ở đâu, di chuyển như thế nào,... có lẽ còn chi tiết hơn tất cả những lịch trình công tác mà tôi đã từng lập trước đó. Vẫn biết sự tự do là mục đích tối thượng của mỗi chuyến đi, chúng tôi vẫn gò ép mình vào một lịch trình chi tiết như vậy, để có thể tận dụng được hết quỹ thời gian hạn hẹp của kỳ nghỉ. Cũng biết rằng có nhiều bất ngờ đang đợi mình phía trước, chúng tôi vẫn muốn biến lịch trình đó thành một quỹ đạo riêng, và dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng sẽ không để chệch quá xa quỹ đạo của mình. Có lẽ với ngân sách dồi dào và khoảng thời gian là nửa tháng, chúng tôi sẽ không bỏ ra, dù chỉ là một phút giây, để làm ra những thứ như vậy.

* * *

Chúng tôi đi chuyến tàu tối, xuất phát từ ga Hà Nội lúc 7h15. Phải đến khi quăng mình vào cái “ghế mềm, điều hoà” và ổn định mọi thứ, từ hành lý lỉnh kỉnh cho tới chỗ ngồi của Tít, thành viên đặc biệt của chuyến đi, tôi mới có cảm giác bỏ lại đằng sau mọi lo toan, bận rộn đìu ríu bấy lâu nay. Tàu chuyển bánh đúng giờ. Chúng tôi xa Hà Nội trong cái dập dình của toa tàu, giữa những âm thanh đay nghiến của bánh tàu xuống đường ray, tiếng vặn cùng cục nặng nhọc ở mỗi khúch quanh, và tiếng loa phóng thanh the thé của nhà tàu, lòng mơ màng đến đích đến thanh bình vào sáng hôm sau: ga Huế.

Chẳng có việc gì đáng kể để làm trên cái toa tàu buồn tẻ, tôi lôi hai cái cuống vé ra ngắm nghía. Tôi ngạc nhiên khi nhận ra trên đó, người ta chỉ ghi giờ khởi hành mà không ghi giờ đến ga cuối. Là người ít đi tàu, đối với tôi dường như đây là một phát hiện lớn. Tôi nghĩ mãi về điều đó, là vì nếu không có cái giờ đến chính xác, lịch trình của chúng tôi có thể bị xáo trộn. Dựa vào kinh nghiệm về thời gian của những người đã từng đi trước đó, chúng tôi đã dự định sẽ đến Huế vào lúc 8h30 sáng hôm sau, sẽ tụ tập ăn nhanh một tô bún bò quanh ga Huế rồi lên xe dông thẳng vào Lăng Cô. Nếu muộn hơn, vụ ăn sáng bằng bún bò sẽ là điều không thể. Cùng lúc đó, tôi nhận ra rằng việc không in giờ đến ga cuối, suy cho cùng là biểu hiện của sự kém tự tin của ngành đường sắt. Đáng buồn thay, đó lại là sự kém tự tin của một ngành có bề dày lịch sử hơn 100 năm – một trong những ngành đầu tiên của Việt nam được định nghĩa và phân loại bằng hai chữ “công nghiệp”. Nhưng tôi nghĩ người ta cũng đã nhầm khi phân lọai như vậy. Ngành đường sắt, trên hết phải là một ngành dịch vụ. Tôi đã nghe ở đâu đó nhiều lần rằng, khi đề cập đến sự yếu kém và chậm phát triển của ngành này, người ta đổ lỗi cho việc thiếu vốn. Nhưng vấn đề của ngành dịch vụ, chắc chắn không phải là vốn, mà phải là cái não trạng kinh doanh dịch vụ, một cái business mind hướng về khách hàng – những thứ mà từ tấm vé tàu tôi suy ra rằng lãnh đạo ngành đường sắt không có hoặc vì điều gì đó, họ đã cố tình lãng quên.

Bỏ qua nỗi hoang mang nho nhỏ về thời gian, tôi cảm thấy hơi khó chịu khi thấy mồ hôi bắt đầu rịn ra. Tôi bắt đầu quan sát xung quanh và nhận ra nhiều người cũng đang cùng cảnh ngộ. Mặc dù là toa “điều hoà”, như người ta đã ghi vậy trên tấm vé, nhưng không khí rất nóng vì cái điều hoà đang trục trặc. Chẳng có ai giải thích hoặc có động thái thể hiện là sẽ tiến hành sửa chữa cái trục trặc đó. Chúng tôi tự nhủ rằng chắc ngồi im một lúc, không khí sẽ dịu đi.

Không lâu sau, tôi nhận ra rằng chúng tôi là một thiểu số 3 người đã rơi vào một toa tàu gồm toàn những người làm chung một cơ quan hoặc họ hàng. Họ đã mua vé gần hết toa và giờ đây họ bắt đầu thể hiện sự thân quen của họ như thể họ đang ở trong cơ quan hoặc nhà của họ chứ không phải trên tàu. Có lẽ đối với họ, toa tàu này đích thực là “a home away from home”, như nhiều khách sạn nổi tiếng thường quảng cáo vậy. Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là tàu chợ, mặc dù cái tàu chúng tôi đang đi không phải là tàu chợ, cũng chính là vì chúng tôi đã rơi đúng vào cái chợ vỡ đó. Lúc đó, tôi biết tôi sẽ có một đêm không yên bình.

Giống như những cuộc vui thông thường khác, đám chợ vỡ bắt đầu gầy độ nhậu và đánh bài. Họ tập trung ở giữa toa và bắt đầu cuộc vui bằng những tiếng cụng ly, những tiếng xuýt xoa mỗi khi lỡ đánh nhầm một quân bài, những tiếng cười hô hố hoặc những lời kể lể the thé, những phàn nàn và ức chế trong công việc, những đàm tiếu về người này, người kia, vân vân và vân vân. Minh hoạ cho những âm thanh đó là những dáng người ngả ngốn, những cái bụng phệ bèo nhèo và những khuôn ngực đàn ông lép kẹp trong cái áo ba lỗ, những khuôn mặt ửng đỏ, những nụ cười toe toét hết cỡ, những người đàn bà ghé tai nhau thầm thì, và những bắp chân đầy lông lá gác lên thành ghế. Một tay trong nhóm, có lẽ là lãnh đạo ở cơ quan, mặt hơi ửng đỏ, liên tục đi lại, nói năng chỉ đạo hết đám nhậu lại đến đám tá lả. Hắn khệnh khạng nâng ly, ép một tay thuộc hạ phải uống cho bằng hết, rồi lại quay sang nói ông này phải đánh cây này, ông kia phải đánh cây kia, và một ông nào đó đang ở nhà với vợ, lẽ ra phải đi cùng chuyến này mới phải. Hắn gãi bụng xoành xoạch, vén cái áo phông lên tận nách và bắt đầu phàn nàn chửi bới cái điều hoà – lúc này đã mát hơn trước nhưng người hắn đang bốc hoả vì rượu nên cũng chẳng ăn thua gì. Hắn lăng xăng khắp toa tàu để tìm chỗ điều khiển cái điều hoà nhưng không có. Hắn lớn tiếng chửi bới cái điều hoà như thể Chí Phèo đang chửi cả làng Vũ Đại. Rồi cuối cùng hắn thể hiện sự nhanh nhẹn – một trong những “tố chất lãnh đạo” của hắn - bằng cách lôi kéo được tay trưởng toa vào độ nhậu. Tay này sau một hồi zô zô, ngả ngốn, ăn uống nói cười bắt đầu đứng dậy làm nhiệm vụ cao cả của mình là sửa chữa cái điều hoà bị hỏng. Chẳng biết kết quả thế nào nhưng cuối cùng thì tôi cũng đã thấy mát hơn hẳn, khi cả đám chợ vỡ đã chán bài bạc, rượu đã ngấm và bắt đầu quay ra ngáp vặt hoặc ngáy như kéo gỗ. Cái chợ đã tan khi tất cả những người tham gia họp chợ đã áp dụng tối đa khẩu hiệu “make it your home”. Lúc đó đã là nửa đêm.

Tất cả những cảnh tượng đã qua khiến tôi nhớ đến những đám đông bên Tàu mà tôi đã từng chứng kiến. Nhốn nháo, lộn xộn, nói cười oang oang, chen lấn xô đẩy và “xếp gạch” nơi công cộng, những đặc điểm mà chắc chắn nhà văn Bách Dương đã đưa vào cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” nổi tiếng của mình. Việc quan sát những đặc điểm đó thậm chí còn đem lại cho tôi những niềm vui nho nhỏ mỗi khi có dịp lang thang nơi xứ người. Nhưng giờ đây, tôi không cười được khi thấy người Việt mình cũng “xấu xí” chẳng khác gì người anh em Trung Quốc. Chẳng nhẽ “tương đồng văn hoá” lại có nghĩa là xấu xí như nhau?

Tôi hơi đói nên tìm đến toa “nhà hàng” trên tàu. Toa này tối om, một nhân viên nhà tàu ngồi gần đó nói với tôi là đã hết giờ phục vụ. Bình thường tôi hay mặc áo màu xanh trứng sáo, nhưng hôm nay nhìn gã nhân viên trong màu áo ấy, tôi thấy ghét lạ, thậm chí còn tự nhủ nếu công ty mình may đồng phục thì cũng sẽ không chọn màu này. Tôi thấy lạ một điều là khi còn sớm, mọi người đều đã ăn uống no nê trước khi lên tàu thì các hàng ăn uống lũ lượt qua lại các toa tàu để bán hàng, và chẳng có mấy người mua. Nhưng đến khi họ bắt đầu đói và cần đến cái ăn, đồ uống thì lại chẳng có ai ở đó để đáp ứng, ngoài gã trực toa ngái ngủ trong cái áo đồng phục ngành đường sắt màu xanh trứng sáo và câu trả lời đáng ghét kia?

Cuối cùng, tôi cũng thiếp đi được một lúc. Tôi tỉnh dậy khi tàu dừng lại ở ga Đông Hà. Tàu dừng lại rất lâu, không hiểu để làm gì. Tôi tiếp tục ngủ được trong mệt mỏi và cái đói chưa được thoả mãn. Đến khoảng năm rưỡi sáng thì tôi tỉnh hẳn. Con tàu đang lao đi trong ánh sáng mờ sương của buổi sớm. Lần đầu tiên kể từ suốt cuộc hành trình, tôi nhìn thấy cảnh vật bên ngoài. Những quả đồi trọc, những cánh đồng trống không, xơ xác, thỉnh thoảng mới qua một vài mái nhà xiêu vẹo. Tôi chợt nhận ra rằng, từ Hà Nội, để đến được với những resort sang trọng, những bãi biển xanh tươi nằm dọc miền Trung, người ta vẫn phải băng qua một quãng đường dài của nhọc nhằn và đói nghèo. Nối kết giữa hai đầu của những phù du & phồn hoa phố thị là sợi dây hiện thực của những lam lũ vất vả mưu sinh.

Mọi người bắt đầu thức dậy. Đến khoảng 7 rưỡi sáng thì mọi người lục tục đi ăn sáng. Cỗ máy bán hàng ngái ngủ đêm hôm qua đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tôi vẫn mơ màng với vụ ăn sáng bằng bún bò ở Huế nên chẳng mấy mặn mà với đồ ăn trên tàu. Nhưng tôi đã sớm phải vỡ mộng. Dù chẳng có thông báo chính thức gì từ cái loa phóng thanh xoe xoé lẹp bẹp trên tàu, giới thạo tin cho tôi biết tàu sẽ đến Huế rất muộn. Nghĩa là tôi sẽ đến Huế vào giờ chuẩn bị ăn trưa chứ không phải thời gian ăn sáng. Thế nghĩa là những gì tôi lo ngại đã trở thành sự thật. Sau khi check lại thông tin với một vài “đồng phục áo xanh trứng sáo đáng ghét” khác, tôi miễn cưỡng cùng bà xã đi ăn sáng.

Chúng tôi bước vào một toa mờ mịt khói và nhớp nhúa. Chỉ có khoảng 5-6 bàn và tất cả đều ken đặc người. Họ đang xì xụp quanh những hộp mì nghi ngút. Chúng tôi định quay ra thì có một bàn đã ăn xong, đứng dậy nhường chỗ. Chúng tôi rón rén ngồi lên những chiếc ghế cáu bẩn, cố tránh những vệt nước mì nhầy nhụa đang lênh láng trên mặt bàn, chực chờ chảy vào quần áo chúng tôi mỗi khi toa tàu lắc mạnh.

Giống như mọi người, chúng tôi gọi ba hộp mì. Tôi hơi đói nên cái mùi vị từ hộp mì thoạt tiên rất hấp dẫn. Nhưng chỉ sau gắp đầu tiên, tôi đã thấy có gì đó không ổn. Tôi nhìn bà xã, nói “Mì hôi quá”. Người đồng hành của tôi đáp lại, từ tốn và nhẹ nhàng: “Có mùi cứt gián”. Đó đúng là cái mùi hôi mà tôi chưa cắt nghĩa được. “Đốn ngộ” về mùi là thành tích mà tôi đạt được chỉ sau một lời giảng vô cùng ngắn gọn của một “thiền sư” là vợ tôi ngồi đối diện. Cuối cùng thì bữa sáng cũng xong, sau khi vật lộn với  hộp mì nông choèn mà nước cứ chực trào ra bắn lên mặt mỗi khi chúng tôi cúi xuống xực gắp mì. Tôi không hiểu vì cớ gì nhà tàu phải phục vụ thứ mì tôm như vậy, trong khi hàng ngày trên ti vi quảng cáo có không biết bao nhiêu là loại mì khác? Nó còn tệ hơn cả thứ mì cân rẻ tiền nhất mà thời sinh viên chúng tôi phải ăn hàng ngày.

Rồi cuối cùng thì Huế cũng hiện dần ra qua ô cửa, qua những địa danh nghe đặc chất Huế, qua những lăng mộ hai bên đường mà tôi biết qua kiến trúc đặc trưng của nó.

Ga Huế chào đón chúng tôi dưới ánh nắng chói chang lúc hơn mười giờ sáng, chậm gần hai tiếng so với lịch trình dự kiến và không một lời xin lỗi. Ra khỏi ga Huế, cảm giác của tôi như một gã tù được phóng thích và phải đến lúc đó, tôi mới tin rằng hành trình của chúng tôi đã thực sự bắt đầu.

* * *

(Còn tiếp)

1 nhận xét:

Tit-Ti nói...

Em đọc mà cảm giác mình đang lắc lư trên tàu, "đánh vật" với bát mì tôm hôi sì. Buồn một nỗi là hiện giờ chẳng có gì chờ đợi ở phía trước :P.