Recent Posts

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Kinh tế mà không phải kinh tế mà lại là kinh tế

Đấy là tôi đang nói đến tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG).

1. Tôi bắt đầu đọc TBKTSG từ năm 1995, ở thư viện trường Kinh tế. Tất nhiên là ở thư viện rồi, sinh viên hồi đó như tôi làm gì có tiền mà mua báo đọc. Báo là một thứ xa xỉ, và nhất là tội gì phải mua, khi mà nó luôn sẵn sàng cho ta đọc trong cái thư viện chật chội của trường. Thời đó, tôi rất quý cái mục nho nhỏ ở góc trên bên phải mục lục của tờ báo: danh mục các cá nhân, doanh nghiệp tặng tờ tạp chí này cho các trường, và tôi rất vui vì cái danh sách này ngày càng dài và số lượng ngày càng tăng lên.

2. Tôi đọc ở đó liên tục 4 năm thì ra trường, đi làm, và tôi bắt đầu mua TBKTSG cho riêng mình. Chồng TBKTSG luôn luôn được chất đầy trong góc phòng, nhưng qua vài lần chuyển nhà, nó cứ hao hụt dần. Đến năm 2003 định cư được ở một chỗ, chồng báo này ổn định được một thời gian thì đến năm 2005, một "tai nạn" đã xảy ra: toàn bộ tủ sách của tôi bị mối xông. Cái ngày đem toàn bộ đống sách tích cóp được, chồng báo TBKTSG và Bộ sưu tập Tạp chí Nhà đẹp cùng cái giá sách bị mối xông cho người đồng nát, là ngày đầu tiên tôi hiểu ra ý nghĩa của thành ngữ "tiếc đứt ruột". Cái cảm giác bần thần, đi ra đi vào, vứt rồi lại không vứt, bây giờ ngồi viết lại vẫn thấy nhớ. Cuốn sách duy nhất còn giữ lại được sau tai nạn ấy là Thế giới của Sophie, bản dịch lần đầu. Tôi cố giữ lại vì nó còn nguyên hình hài là một cuốn sách, dẫu rằng khi mở ra nó vẫn như vừa trải qua một cơn đậu mùa.

3. Nghĩa là từ sau khi ra trường và đi làm, tôi đã cố duy trì một cái thói quen là cứ mỗi tối thứ Năm, thì lại vòng qua một sạp báo, rồi nhặt về một tờ TBKTSG. Cái thú vị là, rất thường khi, vì đi mua báo như vậy mà tôi có dịp gặp lại một người bạn học cùng đại học, có cùng sở thích đọc TBKTSG và cùng mua ở một sạp báo quen. Cái nhịp điệu đó diễn ra được vài năm, thì công việc, rồi gia đình cuốn mỗi đứa đi một nơi, cả hai vẫn đọc TBKTSG nhưng không thể mua báo ở cùng một nơi được nữa. Nhưng thỉnh thoảng có dịp gặp gỡ, có khi thứ mà hai đứa cùng mang theo vào điểm hẹn, lại chính là tờ TBKTSG.

4. Là một tờ thời báo kinh tế, nó đương nhiên phải viết về kinh tế rồi. Về chất lượng chuyên môn của tờ báo, tôi chẳng thể nói ra lời khen ngợi, vì tôi e rằng tôi không đủ tư cách. Chỉ biết rằng, nhờ đọc nó trong một thời gian dài, mà tôi luôn nắm được cái "nhịp đập", cái "hơi thở" và không khí làm ăn của giới doanh nhân. Sau này tôi cũng tự thấy mình ra quyết định một cách rất tự nhiên, thì tôi đồ rằng, cái góp phần làm nên cái sự "tự nhiên" đó, phần lớn là xuất phát từ những gì tôi đọc và cảm nhận được từ tờ thời báo này, hơn là những gì mà các giáo trình kinh tế đã trình bày.

5. Viết lòng vòng thế, nhưng cái mà tôi muốn nhắc đến tờ báo này, là những thứ "phi kinh tế" mà tôi học được từ nó.

Tôi có thể không còn nhớ những vấn đề kinh tế mà tờ báo này đã đề cập, nhưng những cái tên làm nên tờ báo thì tôi còn nhớ mãi.

Nhờ có TBKTSG mà tôi biết đến GS Trần Hữu Dũng, người mà giờ đây tôi viếng thăm trang web của ông mỗi ngày, ngày nào không đọc thì cảm thấy như thiếu một cái gì đó.

Qua TBKTSG, và cả GS Dũng nữa, tôi lại được biết đến chị Nguyễn Ngọc Tư. Thật kỳ lạ khi ta biết đến một nhà văn, qua một tờ thời báo về kinh tế, chẳng phải vì sách của chị bán chạy như một hiện tượng kinh tế. Nếu không có những bài viết của chính chị Tư trên tờ này, và sau đó là sự giới thiệu của GS Dũng, thì có lẽ phải đến thời gian này, tôi mới có cơ may biết đến chị, vì quả thật đã có một thời gian dài mải mê vào công việc, tôi đã lãng quên thời sự văn học.

Một nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình khác mà tôi biết được thông qua tờ này là Vương Trí Nhàn. Và kể từ đấy tôi đọc Vương Trí Nhàn nhiều hơn, thấy cũng rất hợp với cái "tạng" đọc của mình.

Nhờ đọc TBKTSG, tôi biết Luật sư Nguyễn Ngọc Bích. Nhờ có ông, những vấn đề về Luật kinh tế vốn khô khan, rắc rối và "xa lạ" với tư duy kinh tế XHCN, bỗng trở nên rõ ràng, duyên dáng, một cách "tường minh" nói theo thuật ngữ của ngành Luật. Và tôi phục cái tài của ông là ở chỗ ấy, hay nói khác đi, việc giỏi "diễn giải" chính là cái "tài ba của Luật sư" như nhan đề một cuốn sách đã xuất bản của ông. Sau này tôi còn mua nhiều sách của ông nữa: Khơi dòng chảy cho dòng vốn, Vốn và quản lý trong Công ty cổ phần, Công ty-Vốn, quản lý và tranh chấp,... cuốn nào cũng hay và đọc rất lý thú.

Cũng là từ TBKTSG mà vốn tiếng Anh của tôi trở nên khá hơn hẳn, đặc biệt nhờ "công" của hai người: anh Nguyễn Vạn Phú và anh Phạm Vũ Lửa Hạ. Chỉ tiếc là khi hai anh này ra sách thì thời kỳ đó, tôi cũng đang xa rời cái sự đọc nên không cập nhật và mua được. Anh NVP thì tôi vẫn thường dõi theo trên blog, còn anh Lửa Hạ thì bẵng đi một thời gian dài, mãi mấy hôm trước mới thấy gặp lại bài viết của anh trên trang Viet-studies, và thấy mừng là anh đã viết blog. Thế là mình lại có thêm một chỗ để đi ra-đi vô rồi. Cũng nhờ có bài viết của anh Lửa Hạ trên TBKTSG mà tôi biết đến một con người khác: Peter Drucker, người mà sau này tôi đã say mê đọc các tác phẩm của ông.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì cũng chính là nhờ TBKTSG mà tôi biết anh Nguyễn Tường Bách. Khởi đi từ những bài viết mà anh cộng tác với tờ này, tôi đã có trong tay gần như là đủ các cuốn sách mà anh đã dịch và viết: Con đường mây trắng, Đạo của Vật lý, Thiền qua nghệ thuật bắn cung, Mùi hương trầm, Đêm qua sân trước một nhành mai,...

Một tác giả khác mà tôi rất ngưỡng mộ, là anh Võ Tá Hân. Đến giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác của mình khi đọc anh so sánh trí óc của một người bận rộn với một con khỉ nhảy nhót suốt ngày, và vì vậy nên mệt, và anh đưa ra một phương cách cho đỡ mệt: Thiền. Tập sách mỏng của anh Cánh hoa trước gió  cũng là một trong những cuốn bị mất trong cái nạn mối xông nói trên. Sau này tôi còn được biết, ngoài việc là một doanh nhân tài ba, anh còn nhờ vào uy tín của mình mà vận động và "xin" được rất nhiều sách cho các trường đại học Việt Nam. Bên cạnh đó, anh cũng còn là một cây guitar cừ khôi.

Nhắc đến guitar, tôi lại nhớ đến bộ ba anh Tâm-Trung-Thông, ba người sáng lập ra TTT Corporation, những người cũng thường được nhắc đến trên TBKTSG, không chỉ với tư cách những doanh nhân thành công, mà còn với tư cách là những nhạc công/ca sĩ "kỳ cựu".

Khi viết những dòng này, tôi cũng nhớ đến anh Giản Tư Trung, người sáng lập ra PACE, một tổ hợp giáo dục mà tôi biết đến nhờ cái ô quảng cáo nhỏ xuất hiện thường xuyên dưới chân trang báo TBKTSG. Mặc dù từ hồi ra trường, tôi chưa hề học thêm bất kỳ một course nào về quản trị, nhưng nhìn cái cách mà PACE tổ chức các khoá học, thỉnh thoảng cũng muốn rút ví mà tham dự vài khoá. Anh Trung cũng là người sáng lập Dự án SáchHay.com.

Tôi cũng nhớ anh Trần Ngọc Châu nữa, người mà sau này những bài viết của anh trên TBKTSG cũng được tập hợp lại thành cuốn Vị đắng những chuyến đi xa. Ngoài cuốn này, tôi cũng sở hữu thêm một cuốn khác là tiểu thuyết ngắn của anh: Con chim e thẹn. Tiểu thuyết không phải là xuất sắc, nhưng cái thú có đủ những gì mà một tác giả yêu thích viết ra đã làm tôi nhặt cuốn sách này ngay khi nhìn thấy. Sau này khi anh đã nghỉ ở TBKTSG và chuyển sang phụ trách kênh truyền hình tài chính FBNC, tôi đã rất vui và nghĩ rằng BHD quả là đã có một lựa chọn rất thông minh.

Còn ai nữa nhỉ, à, bác sỹ Lương Lễ Hoàng. Ông đã hạ gục tôi ngay từ những bài viết đầu tiên, tất nhiên không phải về kinh tế mà là về bệnh, trước hết là bệnh của giới làm ăn. Tuyển tập Thuốc đắng Dã tật của vị bác sỹ tài hoa này tôi đã mua và tặng nhiều người.

6. Cuối cùng thì nhờ đọc những con người trên, và nhiều người khác nữa mà tôi không nhớ hết, tôi nhận ra một điều: cung cách làm ăn của mỗi người phản chiếu chính cái cung cách sống của chính người đó, và điều này ảnh hưởng đến chính văn hoá của chính doanh nghiệp mà người đó điều hành. Từ đó tôi cũng tin rằng, nếu một người sống tốt/tử tế thì khả năng cái sản phẩm anh ta làm ra cũng tử tế như thế là rất cao.

7. Vì năng lực của mỗi người là có hạn, khi tôi quan tâm tới những vấn đề phi kinh tế, thì hẳn là cái con người kinh tế trong tôi cũng giảm đi rất nhiều, tất nhiên chưa đến mức là "sự tuyệt chủng của con người kinh tế" như nhan đề của một cuốn sách nào đó. Nhưng tôi chấp nhận sự đánh đổi đó, vì chỉ khi đó, tôi mới được sống chính là mình. Nếu chỉ là con người kinh tế đơn thuần, tôi sẽ không còn là tôi nữa.

8. Nói vậy nhưng cũng lâu rồi tôi không còn mua và đọc TBKTSG nữa. Vì bận rộn không đâu. Kể ra thì đặt báo năm rồi có người đưa tận nơi cũng được, nhưng cái con người gàn dở trong tôi cứ nhất quyết cho rằng tờ báo này phải tự đi mua để đọc thì mới hay. Mà như thế thì lại không có thời gian. Lúc đầu thì tôi còn dựa dẫm vào phiên bản online của tờ này, nhưng đến khoảng năm 2007 thì tôi thôi hẳn. Thôi hẳn cũng chỉ vì tôi cảm thấy, với tờ thời báo này, phải đọc báo in mới thú. Tôi chỉ còn mua tờ TBKTSG số Tết, vừa để có cái đọc Tết, vừa là để sưu tầm, như là một tác phẩm độc lập tách rời khỏi những số báo thường.

Rời bỏ tờ thời báo này trong một thời gian dài, tôi cứ có cái cảm giác là mình đã bị lạc hậu đi, rằng mình đã tự tách mình ra khỏi dòng chảy của giới làm ăn, những xu hướng quản trị, những vấn đề liên tục nảy sinh mà các doanh nghiệp phải đương đầu. Một kiểu "quẩn quanh trong tổ".

9. Hôm nay là thứ Năm, là ngày mà như thường lệ, tờ TBKTSG có mặt trên các sạp báo ở Hà Nội. Có lẽ tôi nên đi đến một trong những sạp báo như thế, để bắt đầu lại cái việc mua và đọc tờ báo này, như một thứ "nghi lễ" hàng tuần.

Hôm nay là 22/9, cũng là ngày mà người bạn có cùng sở thích đọc TBKTSG đã nhắc ở trên, cho ra mắt một thương hiệu mới: CMAC/Investment and Executive Education. Đây là thương hiệu thứ hai của bạn sau một thương hiệu AVM đã rất thành công với Diễn đàn M&A. Không biết, trong ngày vui khai trương này, bạn có còn nhớ và còn thời gian để mua một tờ TBKTSG hay không?

* Gần như tất cả các "anh" trong bài này, trừ anh Lửa Hạ, toàn là đáng tuổi cha, chú mình, lẽ ra phải gọi là chú thì mới phải phép, nhưng xin được gọi là "anh" cho tiện.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tình cờ vào đọc được bài viết này của bác, các nhân vật ở trong bài là những người mình cũng rất yêu quý và nể phục.

Nếu bác cần cuốn "Cánh hoa trước gió" mà đã bị mất trong nạn mối xông thì cứ email cho mình; sẽ gởi tặng bác 1 cuốn coi như để làm quen vậy :).
Trân trọng
letrungbao@gmail.com