Recent Posts

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Một định nghĩa về sự "Dã man"

Đây là Lời tựa cho một cuốn sách có lẽ sẽ không được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Nhưng bỏ qua nội dung chính của cuốn sách, bản thân Lời tựa này cũng là một "tác phẩm" độc lập và đáng đọc.

Nguyên bản tiếng Pháp: Jean-Claude Guillebaud

Người dịch: Hoàng Hà.

Lời kết mỉa mai của cuốn sách thật hay này chính là chìa khoá. Ban đầu tôi cũng tự hỏi không hiểu cái cảm giác về một sự rõ ràng, tươi mát, “mới mẻ” hoàn toàn khi đọc cuốn sách tìm hiểu thực tế Việt Nam này ở đâu ra. Câu trả lời hoá ra lại đơn giản: đó là do các tác giả đã hoàn toàn bỏ qua các định kiến, mà suy cho cùng các định kiến ấy là do tính chuộng ngoại lai mà ra. Chuộng ngoại lai hiểu cho đúng cũng là một dạng dối trá. Bao giờ cũng dối trá. Chính nó ve vãn và làm khách du lịch lạc lối.
     Chúng ta hãy cùng nhớ tới những lời quảng cáo năm này qua năm khác mời gọi ta lên đường. Phần lớn những lời quảng cáo này đều có một tính hai mặt đáng ngờ. Đó chính là nghịch lý căn bản của mỗi chuyến đi, mỗi khám phá (rởm). Có thể tóm lại trong vài từ. Thứ mà chúng ta đi tận chân trời góc bể để kiếm tìm, thứ “ngoại lai” rởm ấy chẳng qua cũng chỉ là “đồ sơn” mà thôi. Cái cứ tưởng là “nơi khác” ấy khiến chúng ta bỏ tiền ra mua lời hứa hẹn trong các ca ta lô của các hãng lữ hành chuyên nghiệp, nó là một trò dối trá thô thiển nhằm đáp ứng một nhu cầu mà ta có thể tạm coi là chủ nghĩa tiêu thụ.
     Cái chúng ta tìm kiếm một cách bản năng khi rời khỏi quê hương, khỏi thường nhật, khỏi môi trường quen thuộc, đó không chỉ là vẻ đẹp đặc thù của phong cảnh hay công trình. Chúng ta còn hy vọng sẽ có thêm chút gì thật là khác thường, một sự lạ nước lạ cái hoàn toàn, một sự “khác biệt” càng lớn càng tốt. Đi thăm chợ ả rập, phố Ấn độ hay đường mòn châu Phi, chúng ta muốn được sửng sốt trước những người đàn ông và đàn bà có cách sống khác, truyền thống khác và thế giới quan khác. Khác tuyệt đối.
     Tất cả những sản phẩm báo chí nói về lữ hành chẳng qua cũng chỉ nhằm tụng ca một cách ít nhiều khéo léo về sự “khác biệt” này. Phụ nữ cao cổ ở Myanmar, thầy tu khổ hạnh ở Bénarès, người Inuit ở Groenland, nông dân còng lưng dưới ruộng ở Việt Nam: đó là sự lạ mà các hãng lữ hành mời chúng ta tận hưởng.
     Vậy mà, cách nhìn thế giới như vậy là ngược lại với sự thật. Trước hết, cái mà chúng ta cho là đẹp như tranh thường là do tác động của nghèo đói. Cái mà chúng ta cho là thú vị (những đám đông chân trần lê bước ở châu Phi, những thành phố lúc nhúc loè loẹt, những bà nông dân còng lưng gánh củi, .v.v.), lại chính là nỗi khốn cùng của người trong cuộc. Trong cái cách mà khách du lịch lượn quanh các chợ nhòm ngó, máy ảnh nháy lia lịa, có chút gì đó hơi dã man.
     Sau đó, phải thấy là cả thế giới đã thay đổi, nhất thể hoá, đô thị hoá và phát triển. Những cô bé chăn dê ở châu Phi ngày nay nghe nhạc techno bằng máy kỹ thuật số; sư sãi ở Việt Nam đi taxi và học vi tính; các dân tộc trên thế giới cũng, giống như chúng ta, muốn tham gia vào tất cả những gì gọi là toàn cầu và sự đơn điệu của nó. Sự tầm thường hoá hành tinh đương nhiên làm chúng ta không thoả được cơn khát ngoại lai. Nó làm ta bực bội. Nên ta cứ có xu hướng muốn giữ lại sự hư cấu về cái đẹp đẽ đã qua, nhốt người dân các xứ sở xa xôi trong nhà tù của sự khác biệt. Để đạt được mục đích ấy, ta sẽ lại sáng tạo ra một thế giới tưởng tượng, còn giả hơn cả đề co sân khấu; ta sẽ quay phim như thể đó là một vườn bách thú màu sắc khổng lồ. Ta sẽ đòi các dân tộc phải giống y hệt ý ta.
     Tôi vẫn còn nhớ một câu chuyện được nghe ở châu Đại dương. Ở quốc đảo Fidji, chính phủ năm nào cũng yêu cầu nhân dân không mặc quần áo kiểu phương Tây trong mùa du lịch để khỏi làm khách thất vọng. Nói thế là đủ hiểu.
     Thực ra nước nào cũng có nét ngoại lai đặc thù của mình và cả một bộ sưu tập các hình ảnh mà người ta thường quen gán cho nơi ấy. Đối với trường hợp Việt Nam, các hình ảnh định sẵn ấy trong đầu óc chúng ta có nhiều tầng nghĩa. Tất nhiên trong đó có những hình ảnh về vẻ đẹp rực rỡ của phong cảnh. Ngay cuối thế kỷ XIX, những người đầu tiên phát hiện ra Việt Nam đã mê đắm kể về những ruộng lúa bát ngát bao quanh là những rặng núi ẩn hiện trong mây. Họ tả về những ruộng lúa sắp xếp khéo léo như những tổ ong, phân cách đất và nước từng xăng ti mét một, tới tận chân trời; những ô bờ đê bằng đất sét bao lấy những người đàn bà oằn vai dưới sức nặng của chiếc đòn gánh; những động tác và nhịp điệu ấy – những chiếc gầu tưới mà hai người đàn ông đứng đối mặt cùng nhịp nhàng kéo nước, những con trâu bì bõm trong nước ngập tới nửa ống chân.
     Bổ sung vào những tụng ca dai dẳng về vẻ đẹp địa lý – quả thật là không thể chối cãi -, qua thời gian còn có thêm những kỷ niệm về thời thực dân và các cuộc chiến tranh liên tiếp diễn ra sau đó. Lính Pháp, những cựu binh Đông Dương, đã góp phần lớn vào việc làm cho đất nước này có một sự “mê hoặc” đặc biệt. Lính thuỷ đánh bộ Mỹ, vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, đã phát triển, và làm lan truyền, một nỗi nhớ Việt Nam lạ lùng và da diết. Thậm chí họ còn chế ra từ “namstalgie” để chỉ nỗi nhớ này. Qua bao năm lắng lại, tất cả những hình ảnh này cuối cùng đã tạo ra một Việt Nam tưởng tượng, một Việt Nam ảo trong đó đời sống của nhân dân ra sao, xã hội (thực) biến chuyển thế nào ít ai quan tâm. Phần lớn sách báo và sách hướng dẫn du lịch ở các nước phương Tây đều nói tới nước Việt Nam tưởng tượng này.
     Trong khi đó, nước Việt Nam thật lại rất ít được biết đến – giống như phía kia của mặt trăng. Philippe Papin và Laurent Passicousset sẽ giúp chúng ta khám phá “mặt khuất” này. Để làm được như vậy họ có một thái độ bình tĩnh – thậm chí hài hước nhẹ nhàng – mà chỉ những người hiểu tường tận đất nước và ngôn ngữ này mới có được, mà những người như vậy đâu có nhiều.
     Với tất cả những ai, giống như người viết những dòng này, yêu mến Việt Nam từ lâu nay, với những ai tưởng rằng mình có chút hiểu biết về đất nước này, có được cuốn sách này quả là duyên trời định, tuy nghe có vẻ nghịch lý. Khách quan nhưng uyên bác, xây dựng nhưng phê phán, những trang sách đưa ta thẳng đến thực tế, một thực tế trần trụi nhưng đáng say mê của một đất nước.
     Jean-Claude Guillebaud

0 nhận xét: