Recent Posts

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Lịch sử Tình yêu

Yester-You, Yester-Me, Yester-Day

"Ngày hôm qua mọi nỗi muộn phiền của tôi dường như đã tan biến", the  Beatles đã mở đầu một bài hát của họ như vậy. Nếu coi "ngày hôm qua" như là lịch sử, thì trái với gì mà nhóm Tứ quái đã hát, những muộn phiền của việc dạy và học môn lịch sử ở nước Việt dường như đang lớn hơn bao giờ hết. Kết quả thi đại học khối C năm 2011 phải là một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử của các kỳ thi đại học, nếu như về sau người ta còn nhớ đến các kỳ thi này.

Tôi chẳng có gì to tát để nói về môn lịch sử, nhưng cũng phải gạch ra đây vài dòng:

1) Ngay sau khi có kết quả thi khối C, người ta đã phỏng vấn ông Bộ trưởng Bộ GD đương nhiệm. Đọc xong thì tôi chẳng còn gì để nói. Từ lâu tôi biết người ta đã ví Bộ GD là Bộ Vô GD, nhưng chỉ biết thế thôi. Sau khi đọc xong bài này thì tôi "ngộ" ra điều ấy. Từ "biết" đến "ngộ" quả là một quá trình dài, và nếu không có cái "Công án Thiền" nói trên của báo Lao động thì cái quá trình ấy hẳn là còn phải dài lắm.

2) Thời đã lâu lắm rồi, tôi cũng như các bạn thí sinh bây giờ thôi, dốt sử lắm. Ngoài việc tôi là "dân khối A" thì cái sự tại sao dốt Sử ông Bộ trưởng đã giải thích rồi. Tôi và các bạn được đúc ra từ cùng một cái lò thì kết quả nó cũng giống nhau thôi. Tôi cũng như các bạn ấy, chỉ là một "viên gạch khác trên bức tường". 

Đến khi đi làm và tiếp xúc với những người nước ngoài, tôi mới thay đổi suy nghĩ của mình về môn sử. Ngoài công việc, tôi và họ cũng hay chuyện gẫu. Bao giờ cũng thế, sau những câu chuyện ăn gì, ở đâu, background của mày là gì, tại sao đường chúng mày nhiều xe máy thế, trong giờ làm việc mà ngoài đường nhiều người thế,... thì lại là những câu hỏi về lịch sử. Và đến đây thì tôi tắc tị. Vốn ngoại ngữ đã ít, vốn lịch sử lại càng ít hơn, thế thì nói làm sao cho người ta hiểu. Tôi xấu hổ, và từ đó quan tâm nhiều hơn đến lịch sử.

3) Nhưng lịch sử thì rộng lớn và đa dạng. Tôi chẳng phải là dân làm sử, nên rốt cuộc tôi chỉ quanh quẩn ở mức tổng thể, không đi vào chi tiết, và cũng chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực: lịch sử kinh tế, lịch sử của một số người, một số vùng đất, đất nước mà tôi quan tâm. Tôi cũng không tìm hiểu lịch sử thông qua sách lịch sử, mà chủ yếu qua... văn học (trừ lịch sử kinh tế, nhưng cũng không hẳn thế, như tôi sẽ đề cập ở đoạn sau). Chẳng hạn tôi có thể hình dung ra cái xã hội miền Bắc VN thời những năm 30 40 50 của thế kỷ 20 nó như thế nào bằng vào việc đọc các tác phẩm của cụ... Tô Hoài. Có thể mọi người nghĩ tôi sai nhưng tôi lại cho đó là đúng. Lịch sử là cái gì nếu nó không phản ánh hơi thở của xã hội mà nó ghi lại. Tôi thấy những gì cụ Tô Hoài viết chân thực hơn rất nhiều những cột mốc ngày tháng năm, những con số khô khan ghi trong các sách giáo khoa lịch sử mà cái đầu bé mọn của tôi không thể nhớ nổi. Tôi không thích những người chép sử làm công việc của họ như là một kế-toán viên cho dòng chảy của lịch sử. Tất nhiên tôi biết việc đó là có ý nghĩa khoa học, nhưng không cần thiết cho người bình dân, không chuyên, như tôi chẳng hạn.

4) Tôi cũng như nhiều người khác thực sự không thích cách mà người ta tổ chức sự kiện Nghìn năm Thăng Long Hà Nội diễn ra năm ngoái. Nhưng tôi thực sự thích sự kiện này, ở khía cạnh là nhờ đó mà số sách lịch sử về Hà Nội tôi có được nhiều hơn bao giờ hết. Và cuốn nào cũng hay. Lịch sử Hà Nội của Phillip Papin, Đông Dương ngày ấy của Claude Bourrin, Phố phường Hà Nội xưa của cụ Hoàng Đạo Thuý, Nhớ và Ghi của cụ Nguyễn Công Hoan,... và rất nhiều cuốn khác nữa, đọc rất hứng thú. Có những cuốn có cách tiếp cận rất mới lạ, như Chuyện Thăng Long-Hà Nội qua một con đường của cố GS. Đặng Phong. Nhắc đến cụ mới lại nhớ ra, cuốn Tư duy Kinh tế Việt Nam 1975-1989 của cụ là sách lịch sử kinh tế mà tôi đọc say mê hơn cả đọc tiểu thuyết.

Kể ra như thế để thấy rằng, tự thân lịch sử rất hấp dẫn và không phải mọi người không quan tâm, mà vấn đề là cách nhìn nhận, đánh giá và truyền đạt nó như thế nào mà thôi.

5) Nhưng có một thứ lịch sử tôi đặc biệt quan tâm, chính là lịch sử gia đình mình. Những biến cố, những sự kiện của gia đình làm nên lịch sử của chính nó, đồng thời nếu ta hiểu cái lịch sử "nói chung" ở trên, ta sẽ thấy gia đình mình bị ảnh hưởng thế nào bởi xã hội bên ngoài, và qua mỗi thời nó đã chuyển biến thế nào.

Dù bận rộn, tôi cũng đang cố gắng để lưu lại những câu chuyện kể, từ những người trong gia đình nội ngoại, và qua cả trí nhớ và những quan sát của tôi, để hiểu rõ hơn nữa về lịch sử gia đình mình. Đó là phần "hồn" của lịch sử gia đình. Phần "xác" của nó, nghĩa là các hiện vật, đồ vật còn lưu giữ lại tôi cũng rất quan tâm. Ví dụ cái bát hương (đúng là cái bát nhé, vì nó được làm từ cái bát rất to, chứ không như bát hương bây giờ) có từ thời kỵ tôi hay cụ tôi? cụ tôi đã từng cắm hương trên cái bát đó, đến ông tôi, và bây giờ là bố tôi và tôi, có thể tiếp nối sang con tôi nữa. Những cái bát chiết yêu bà tôi để lại là do ngày xưa cả xã hội dùng nó, hay chỉ vài nhà như nhà bà tôi phải dùng đến vì quá nghèo? Ông tôi có để lại quyển sách nào không và ông đã đọc những gì? Hình như chỉ có duy nhất một quyển Tam Tự Kinh. Ông tôi không đọc nhiều sách. Cái tủ sách mà trong đó chứa chủ yếu sách của Nxb Cầu Vồng và Tiến Bộ mà bố tôi có là từ đâu ra? Một ông chú tu nghiệp ở Nga cung cấp. Những lá thư bố mẹ tôi trao đổi từ ngày họ còn xa cách bởi chiến tranh, tôi có nên đề nghị bố cho đọc? Đại loại thế. Tôi nghĩ lịch sử gia đình hứng thú và thiết thực hơn và ta nên quan tâm đến nó. Và xã hội sẽ loạn hơn nữa nếu người ta không quan tâm đến lịch sử của chính gia đình mình, chứ không chỉ là lịch sử nói chung trong sách giáo khoa của Bộ GD.

6. Khi suy nghĩ về lịch sử gia đình trên phương diện "khảo cổ", nghĩa là những đồ vật, tôi phát hiện ra một điều: thời XHCN chẳng có gì đáng để lưu lại cho con cháu. Những gì mà gia đình tôi còn giữ lại được là có từ thời phong kiến (đồ thờ cúng, bát, đĩa,..) và Pháp thuộc (những bộ ly chén pha lê của Pháp,...). Những thứ mới xuất hiện sau này chúng tôi có muốn giữ lại không? Muốn chứ, nhưng dường như không thể vì nó xấu xí, và hơn nữa, không bền. Cảm giác như mọi thứ đều tạm bợ, nhanh chóng bị phá hủy và bị thay thế. Và biến mất. Sự hiện diện của chúng có lẽ chỉ còn lại ở cái Triển lãm về thời bao cấp ở Bảo tàng Dân tộc học. Sự tạm bợ đó có lẽ sẽ dẫn đến một sự đứt gãy, không còn tính kế thừa của các đồ vật. Tôi rất muốn con trai tôi sau này sẽ đi du lịch với cái túi xách mà ông nội nó đã dùng trong rất nhiều năm, nhưng điều đó là không thể vì bố tôi chỉ có một cái ba lô lúc rời quân ngũ và nó đã hỏng sau đó. Tôi thì đã ra khỏi nhà với cái vali của mẹ tôi để lại, cái vali bằng giấy nện bọc simili giả da đã nhanh chóng mục nát sau những di chuyển thời sinh viên của tôi. Tôi cho rằng đó là một sự rời rạc, và càng làm cho các thế hệ khó gắn kết với nhau. May mà còn có những giá trị phi vật thể khác.

Suy rộng ra, đọc Tô Hoài và những tác giả đã dẫn ở trên, tôi lại thấy dường như xã hội sau bao nhiêu năm xây dựng "cái mới", lại như đang trở về cái thời mà các cụ đã mô tả cách đây mấy chục năm. Hình thức thì có thể thay đổi, nhưng tính chất thì y hệt. Nghĩa là lại đang quay lại cái mà chúng ta đã mất bao công sức để xoá bỏ. Nghĩa là, ở một khía cạnh nào đấy, nếu tôi chịu khó phấn đấu, cháu tôi vẫn có thể xài được cái túi da mà ông nó để lại, vì đấy là cái túi da của... Louis Vuitton.

Chẳng hiểu là tôi có nói quá lên không? Và đấy có phải là lịch sử không?

7) Cuối cùng thì tôi xin kết thúc những lời lảm nhảm của mình bằng một trích đoạn trong một ca khúc của Stevie Wonder mà tôi rất thích: Tôi-hôm qua, Bạn-hôm qua và Ngày-hôm qua (cũng là lịch sử mà-:))

"When I recall what we had
I feel lost I feel sad with nothing but
The memory of yester love and now
Now it seems those yester dreams
Were just a cruel
And foolish game we had to play"

* Viết bài này vì dạo quanh các blog thấy than phiền về kỳ thi lịch sử nhiều quá. Rất thích bài của cụ Nguyên Ngọc trên SGTT, đã đăng lại trên Blog Goldmund.-:)

** Bài phỏng vấn ông Phạm Vũ Luận là bài này: http://laodong.com.vn/Tin-tuc/Diem-lich-su-thap-la-van-de-cua-thoi-dai/52132

*** Đoạn viết về việc học sử thông qua sách văn học là để cho vui thôi, vì ai cũng biết như vậy là không có hệ thống. Văn học đâu có phản ánh hết được các thời kỳ lịch sử đâu. He he.

0 nhận xét: