Cách đây mấy hôm, khi đọc tin về việc trao giải Ig Nobel - một giải thưởng mà tôi rất thích, tôi nhận ra rằng, mùa giải Nobel 2009 đã bắt đầu.
Như mọi năm, thông thường tôi chỉ quan tâm đến giải Nobel cho các lĩnh vực, xếp theo thứ tự ưu tiên, là Kinh tế, Văn học & Hoà bình. Một lĩnh vực khác mà tôi cũng rất quan tâm là Toán học, thì lại không có giải Nobel, mà lý do như người ta giải thích, chỉ là do Nobel có tình địch là một nhà Toán học. -:). Nói vậy để thấy rằng, Nobel Vật lý chưa bao giờ là giải thưởng mà tôi quan tâm hoặc nhớ đến.
Nhưng Nobel Vật lý 2009 là một ngoại lệ. Viện Khoa học Hàn lâm Thụy Điển đã chọn 3 nhà vật lý ứng dụng (lần đầu tiên) để trao giải năm nay, cho những phát minh của họ về lĩnh vực "ánh sáng" - những phát minh có liên quan trực tiếp đến công việc & sở thích của tôi.
#1: Là Charles K. Kao, một ông già 75 tuổi gốc Thượng Hải nhưng nay mang hai quốc tịch Anh & Mỹ, nhờ công lao phát minh ra sợi quang. Năm 1966, ông kết luận rằng cần phải dùng sợi thuỷ tinh có độ tinh khiết rất cao mới có thể chuyên chở ánh sáng trên một quãng đường dài, và ông đề xuất chế tạo những sợi này từ hợp chất của ôxit xilic nóng chảy. Đó chính là cáp quang được dùng cực kỳ rộng rãi trong ngành viễn thông ngày nay, trong đó có mạng HFC - mạng lai cáp quang & cáp đồng trục vốn đang gắn liền với công việc kinh doanh của Công ty tôi. Tầm quan trọng của phát minh này được phát biểu một cách ngắn gọn như sau: "Chiếc bánh xe đã làm được những gì trong ngành giao thông thì sợi quang cũng làm được những điều tương tự với ngành viễn thông". Nhưng tôi tin là nó còn làm được nhiều hơn thế.
#2&3: Là George E. Smith và Willard S. Boyle, hai người đã phát minh ra bộ cảm biến "tích điện kép" Charge-Couples Device CDD - trái tim của hầu hết các thiết bị chụp ảnh số hiện nay. CCD cho phép biến ánh sáng thành tín hiệu điện, bắt lấy các tín hiệu này rồi tạo ra các hình ảnh bằng các điểm màu nằm cạnh nhau. Công nghệ này được hai ông hợp tác và phát minh khi còn làm cho Bell Laboratories vào năm 1969. CCD đã tạo ra một cuộc cách mạng giống như những gì kính viễn vọng đã tạo ra cho ngành thiên văn học: một cuộc cách mạng cho các ngành Nhiếp ảnh, Truyền hình và Điện ảnh. Công nghệ hình ảnh đã không tiến xa đến vậy nếu không thiếu đi CCD. Tất nhiên, nếu không có nó, tôi cũng không thể xem lại "ngay tắp lự" sản phẩm của mình sau mỗi cú bấm cò máy ảnh.
Nếu như có một mối liên hệ, thì chính là ở chỗ CCD đã giúp chúng ta có thể số hoá được hình ảnh để rồi các hình ảnh đã được số hoá đó lại có thể dễ dàng được truyền đi bằng cáp quang một cách nhanh chóng.
Bình luận về giải thưởng năm nay, có người cho rằng Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển đã "quá thận trọng" khi dành thời gian quá dài để kiểm tra hiệu quả của các phát minh: Kao mất 43 năm, còn Smith & Boyle mất 40 năm.
Rất may là cả ba ông đều còn sống để có thể nhận các cú điện thoại báo tin vui "nặng cách phát âm Thụy Điển".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét