Recent Posts

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Tuần lễ đọc

Tuần vừa rồi đọc được nhiều, một cách đột xuất.

*
Đã sở hữu Những ghi chép vụn của anh Quốc Bảo. Cái hay, và cũng đặc biệt là ở chỗ, cuốn này được mua ở một nhà sách tại trung tâm của Sài Gòn - thành phố là nơi sống của tác giả, cũng là nguồn cảm hứng cho cuốn sách sắp (hay đang) viết của anh: Thị dân.

Có nhiều bài đã đọc trên trang web cá nhân của anh Quốc Bảo, nhưng đọc bằng bản in vẫn có cái thú riêng. Báo điện tử thì chưa dám phát biểu gì, vì bây giờ toàn đọc báo mạng, nhưng sách điện tử còn lâu mới có thể soán ngôi của sách in. Tôi tin thế.

Đã đọc được một nửa Những ghi chép vụn, trong lúc chờ ông Vietnam Delay "cho" lên chuyến bay muộn nhất trong ngày, để về nhà. Một chuyến bay mệt mỏi, nhiều nỗi bực mình.

Bộ GTVT đang làm gì mà bỏ ngỏ cả một lĩnh vực dịch vụ lớn như thế?

* *
Đã tìm mua, và đọc lướt qua Đẹp & Buồn, của Kawabata. Lại không hợp. Văn viết rất nhẹ nhàng, nhưng cũng như vài cuốn khác của văn học Nhật Bản tôi đã đọc gần đây, nó chất chứa quá nhiều nhục cảm.

Tính dục là thứ không thể thiếu trong văn học, nếu không muốn nói là tràn ngập. Nhưng không hiểu sao, tôi không hợp với thứ tính dục trong văn học Nhật Bản. Nó dị dạng, đè nén cũng quá mức và phá cách, cũng quá mức không kém. 

Vẫn biết Kawabata là một tên tuổi lớn, nhưng có lẽ tôi cũng ngừng đọc Kawabata ở đây. Chỉ sau một cuốn Đẹp&Buồn. Giống như trường hợp của Murakami với Biên niên ký chim vặn dây cót vậy.

Đọc một lần. Rồi thôi.

Mặc cho ai khen gì thì khen.

* * *
Đang đọc dở tập tạp bút của Y Phương: Tháng Giêng Tháng Giêng, Một vòng dao quắm. Hay một cách bất ngờ. Chỉ bằng những tản văn nho nhỏ, với lời kể nhẹ nhàng, trong sáng nhưng đầy cuốn hút, anh Y Phương đã giới thiệu gần như toàn vẹn và sâu sắc về văn hoá dân tộc Tày & Nùng ở Cao Bằng quê anh. Hẳn là văn hoá Tày đã ngấm vào máu, hoặc, nó đã trở thành những nhiễm sắc thể trong người YPhương, thì mới có thể viết ra hay đến như vậy.

Viết và diễn giải về Văn hoá, tôi phục nhất ông Hữu Ngọc. Bây giờ thêm Y Phương.

Đọc chưa hết, nhưng tôi biết, tôi phải đi Cao Bằng một chuyến. 

Không thể khác được. 

Tôi đã từng muốn lên Cao Bằng vì nhà thơ Nguyễn Duy đã dẫn dụ bằng những món ăn như Nhộng ong xào măng, Lợn quay lá mác mật, nhưng chỉ là cái mong muốn có dịp tình cờ nào đó thì đi. Sau khi đọc YPhương, tôi biết tôi sẽ chủ động đi Cao Bằng mà không chờ đợi sự tình cờ. Nếu có nhờ chuyến đi của tôi mà thu nhập của Cao Bằng có tăng lên mấy đồng, thì đó chính là nhờ công lao của ông, YPhương.

Đọc một lần là nhớ mãi.

* * * *
Sáng nay dành nguyên nửa buổi sáng để đọc về FPT. Tự nhiên lại nhớ thằng bạn từ thuở mới đi làm. Làm chung một thời gian ngắn thì hắn chuyển sang FSoft. Liên hệ thì thưa dần, nhưng tình cảm dành cho nhau thì vẫn vẹn nguyên.

Bèn nhờ google tên thằng bạn. Thấy mừng cho nó vì giờ đã thành đạt ở đất FPT vốn là nơi mà nhân tài nhiều như lá rụng mùa thu. Lại cũng rất ngạc nhiên là hắn viết rất tốt. Đọc qua vài bài, thấy ông bạn đã thành đạt hơn, nhưng vẫn giữ được và trăn trở nhiều về chữ "Tình".

Một đồng nghiệp FPT của hắn đã comment sau một trong những bài viết của hắn thế này: "Nếu anh bỏ bớt chữ tình đi, thì chắc chắn đã giàu có và thành đạt hơn bây giờ. Như sếp của anh ấy."

Nhưng tôi tin, hắn sẽ không bao giờ làm theo lời khuyên ấy.

* * * * *
Cũng thật tình cờ, Nguyễn Ngọc Tư lại mới có tản văn mới: Bạn bè trăm ngả. Đọc mà thấy hay quá. Chắc ai cũng có cùng cảnh và nghĩ như chị Tư, nhưng không thể viết ra được như vậy. 

Thích nhất là mấy câu này: "Thời gian đã làm cho người này không còn giống như trong nỗi nhớ của người kia", "Ngồi chơi mà nhậu không dám say, nói không hết điều mình nghĩ. Thì buồn."

Nhưng quan trọng hơn là, có bao nhiêu người thực sự muốn nghe mình nói hết những điều mình nghĩ?

2 nhận xét:

Tit-Ti nói...

Đối với em, chỉ cần một người bạn thực sự muốn nghe hết những điều mình nói đã là quý lắm rồi!
Mà khi nào đi Cao Bằng cho em bám càng với nhé. :)

Diu nói...

Nói về cái văn hóa đọc bây giờ lại thấy hoe hẻo thế nào ấy. Trong cái vội vã, ầm ào này có mấy ai còn hứng thú với cái ghi chép vụ của người khác, cái ghi chép văn hóa mấy. Sáng sáng tối tối bật máy tính lên là đọc giật gân, tin tai nạn, tham ô, giết nhau... Đi vào cái nhẹ nhàng tinh tế, đọc sách in giờ ít quá.

Ngay chính em, dạo trước cứ mỗi tháng định mức mua một cuốn chuyện mới, có khi hứng khởi mua cả chồng về đọc. Ai muợn thì phải tính thời gian để đòi bằng được về. Nhưng giờ cầm quyển sách lên thấy cứ ngại ngại thế nào... Mãi mới đọc xong quyển Mật mã Devince đã là phục mình lắm rồi. Ngày xưa đọc " Báu vật của đời" dài là thế mà cũng đã nhằm nhò gì.

Như anh, bận rộn công việc, gia đình, bạn bè... vẫn dành khoảng nhỏ thời gian và không gian cho văn hóa đọc. Quả là đáng quý đáng quý.