Nếu như “khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về một rừng cây”, thì khi nghĩ về các lý thuyết quản trị, tôi thường nghĩ ngay đến Peter F. Drucker.
Khi nói tới Peter Drucker, người ta thường dẫn chiếu rằng ông chính là “Cha đẻ” của quản trị kinh doanh hiện đại. Thậm chí, Philip Kotler còn phát biểu thêm rằng: “Nếu như mọi người xem tôi là cha đẻ của Marketing hiện đại thì cũng cần biết rằng, ông nội của marketing hiện đại chính là Peter Drucker.” Xa hơn thế, nhiều người còn cho rằng ông chính là nhà tư tưởng quản trị vĩ đại nhất mọi thời đại (Greatest Management Thinker of All Times). Trong giới quản trị học, ông còn được tôn là triết gia duy nhất về quản trị trên thế giới.
Tuy nhiên cá nhân tôi không thấy mấy vụ “cha đẻ” hay “ông nội” đó là quan trọng, bởi vì cha hay ông thì cũng có người tốt người không tốt, người giỏi và không giỏi. Do đó, tôi tôn vinh Drucker theo cách của tôi, bằng cách cố hiểu và áp dụng những gì ông đã nghĩ, đã viểt ra, đã truyền đạt và đã đưa ra lời khuyên.
Như nhiều người khác, khi bắt đầu quản lý một lĩnh vực nào đó, tôi gặp rất nhiều vấn đề nảy sinh, nhiều khi rất nan giải. Câu hỏi trước mỗi vấn đề thường là: mình phải làm thế nào? Khi bế tắc trước câu hỏi, đấy là khi tôi thường tìm đến các lời khuyên. Rất thường khi, câu trả lời đến từ Peter Drucker, thông qua các cuốn sách của ông. Dần dần, với thói quen soi sáng các vấn đề thực tiễn qua lăng kính lý thuyết quản lý, tôi tin tưởng rằng có thể có lời giải cho tất cả các vấn đề mà một doanh nghiệp sắp bước sang tuổi 15 và đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng như ABC có thể gặp phải.
Đó là thứ lý thuyết được đúc kết qua 60 năm làm công tác nghiên cứu, tư vấn và giảng dạy về quản trị của Peter Drucker.
Vì vậy, để “hệ thống hoá” lại những gì mà tôi đã “học” được từ ông, bắt đầu từ hôm nay, tôi sẽ tóm tắt lại những tư tưởng chính của Drucker và post dần lên Blog này. Tôi tạm gọi đó là Drucker Management Philosophy Project.
Bài đầu tiên sẽ là về "Mục tiêu" của doanh nghiệp.
1 nhận xét:
Khi nào sẽ có "Bài đầu tiên" hả anh?
Nhiều khi mất phương hướng muốn tìm 1 lời khuyên mà chẳng biết tìm ở đâu.
Giờ mà bảo em đọc sách chắc em chịu thôi.
Đăng nhận xét