Chữ tín ở đời là tấm chứng minh thư cần thiết đầu tiên của mỗi con người. Có chữ tín rồi, người ta sống mà không cần hứa hẹn gì, vì bản thân chữ tín trong đã to hơn mọi lời hứa.
Cam kết bằng văn bản là lùi một phần trước chữ tín.
Hứa bằng lời là lùi hai bước.
Thề trước chữ tín là lùi ba bước.
Làm cả ba việc trên đã cam kết, đã hứa, đã thề mà đều không theo được là thất tín.
Thất tín thì dẫn đến bất tín. Đừng trách những lời mắng mỏ lên án sự bất tín. Nếu tấm thẻ đầu tiên để làm người chưa có thì còn mong làm nổi việc gì tử tế ở đời!
Cho nên tôi thành thực kính phục anh bạn tôi đã cúi xuống xin lỗi đứa con bốn tuổi khi anh hứa mua cho nó con gấu bông hôm sinh nhật mà anh trót quên. Anh đã phải “vui lòng” chấp nhận khi nó cáu giận hét toáng lên “con ghét bố” cho dù anh đã xin lỗi. Mẹ mắng nó “con không được hư với bố”. Nó quặc lại “là bố hư, không phải con”! Câu mắng của mẹ nó chỉ đúng một phần nhỏ vì bà chưa hiểu sâu sắc sự thất tín tệ hại nhường nào đến niềm tin!
Cha ông ta bảo “lời nói đọi máu”, đọi là cái bát. Bát máu là sinh mạng, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Làng Nành quê tôi có nghề buôn. Chuyện cũ của làng còn để lại, có một nhà buôn trong làng lấy hàng của ông khách Tàu năm vài ba đợt. Cứ lần giao hàng lại thanh toán lô hàng trước. Bà là một nhà buôn to, mỗi lần nhận hàng trị giá cả trăm ngàn lạng bạc. Một lần cuối giao một lô hàng lớn, rồi ông khách Tàu ra đi không một lần trở lại. Chờ một, hai năm rồi qua mười năm sau vẫn biệt vô âm tín, bà nhẩm số vốn cộng lãi đã dôi ra nhiều phần. Sau chắc rằng ông khách nọ gặp tai nạn gì không còn trên đời nữa nên bà dùng toàn bộ số tiền đó xây lên một ngôi chùa. Đó là Giác Diên tự(*), và dựng tượng ông trong chùa (đấy là ngôi chùa tư duy nhất ở xóm Đỉnh Thượng (xóm 7) của cụ Bá Dinh), để tôn vinh chữ tín trong nghề buôn của người Nành. Tiếc rằng ngôi chùa đó sau bị đổ nát, không còn đến ngày nay để chúng ta cùng chiêm bái.
Trên chục năm trước, một lần về quê tôi thấy một khách đến trả tiền hàng đứa cháu. Bà ấy quăng cái bao tải tiền xuống nền nhà bảo “đây, mười triệu tất cả” rồi không cả ngồi uống nước, te tái đi ngay. Tôi bảo chưa đếm sao biết là mười triệu? thì cháu tôi cười: mình đếm xong, thừa trả lại, thiếu thì bảo họ đưa sau, lệ thế rồi mà.
Một làng buôn lấy chữ tín làm đầu, không khế ước, không văn tự làm bằng nên sự tồn tại lâu bền là có cái lí của nó.
Để có cái lí ấy, có khi cả quốc gia phải học cách ứng xử với chữ tín của một làng. Làng ấy, những người buôn ít chữ nghĩa lắm, chỉ có mỗi chữ tín nằm trong tâm khảm họ.
Theo bài "Chữ Tín" của bác Đỗ Đức/blogger Đông Ngàn. Bài đã được đăng trên TT&VH ngày 27/12/2008. Trong bài có dùng một chuyện kể lấy từ cuốn "Chuyện cũ làng Nành" của cụ Nguyễn Khắc Quýnh, Nxb Dân tộc, 2004. Làng Nành trong chuyện thuộc xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội.
1 nhận xét:
Hay quá. Đọc cái này thấy sướng anh ạ.
"Cam kết bằng văn bản là lùi một phần trước chữ tín ..." quá chuẩn.
Mà dẫn chứng cái làng Nành cũng quá chuẩn luôn. Cái làng Ninh Hiệp đó, toàn là đàn bà buôn bán mà họ không đa nghi, không đề phòng. Bản thân cái tên Ninh Hiệp (Hay Làng Nành) nó đã là một niềm tự hào của dân Gia Lâm (Xưa và nay) đấy anh ạ.
Đăng nhận xét