Recent Posts

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2008

Lệ thuộc sinh ra lực cản

Tác phẩm của nhà văn hàng đầu trong nền văn học đương đại Nhật Bản Murakami đã thu hút sự quan tâm của độc giả trên toàn thế giới từ nhiều năm nay. Ở Việt Nam, dù được dịch và giới thiệu tương đối muộn, song Murakami vẫn đủ sức để làm nên một cơn sốt. Rất nhiều vấn đề có thể bàn đến, bàn sâu và rộng ra từ tác phẩm của Murakami, mà trong đó, theo tôi, đáng chú ý là tính chất phi Nhật Bản của chúng.

Ta hãy giả định một độc giả Việt Nam nào đó đã đọc tác phẩm của Basho, của Kawabata, của Akutagawa... chẳng hạn, anh ta sẽ chờ đợi gì khi lần đầu tiên cầm trên tay tác phẩm của Murakami? Tôi tin chắc rằng, với kinh nghiệm văn học Nhật Bản được hình thành từ các tác giả trên, trước khi thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của Murakami, anh ta đã dự cảm rằng mình sẽ gặp lại ở đây sắc thắm của hoa đào xứ Phù Tang, màu trắng tinh khiết của tuyết trên đỉnh núi Phú Sĩ, hương vị của rượu sake và món sushi, không khí huyền bí linh thiêng của các ngôi đền Shinto, tinh thần quả cảm sắt đá của các Samurai, những ngón nghề tinh tế lão luyện của các gheisa, rồi áo kimono, rồi bonsai, rồi trà đạo, rồi kịch Noh v.v...

Tóm lại, một cách gần như mặc định, người đọc Việt Nam (và không chỉ người đọc Việt Nam) đã tự kiến tập cho mình về một Nhật Bản tính nhất định qua một số yếu tố đặc thù và bền vững của văn hóa truyền thống Nhật Bản. Bằng tầm đón đợi (tôi xin phép được dùng lại một khái niệm của Mĩ học tiếp nhận) ấy, không ít người đã bất ngờ khi đọc tác phẩm của Murakami. Tất cả những dáng nét quen thuộc của văn hóa Nhật trong sự hình dung chung đều bị biến mất ở đây.

Trong tiểu thuyết "Biên niên kí chim vặn dây cót", ngay ở câu mở đầu: "Khi điện thoại reo, tôi đang nấu dở món spaghetti trong bếp, mồm huýt sáo theo bản overture Chim ác là ăn cắp của Rossini phát qua đài FM", người đọc đã cảm nhận thấy một cái gì đó xa lạ với Nhật Bản tính mà ta vốn hình dung. Và đó là ấn tượng giữ nguyên vẹn khi ta đọc hết cuốn sách.

Cả ở tiểu thuyết "Rừng Nauy" cũng không khác thế. Nhân vật trong những tác phẩm này, từ cách ăn, cách mặc, cách sinh hoạt, cách nói năng cho đến cách suy nghĩ, đều giống hệt những con người của thế giới phương Tây hiện đại, hay nói cho đúng hơn, họ chính là những con người phương Tây hiện đại được định danh bằng những cái tên Nhật Bản.

Không gian trong cả hai cuốn tiểu thuyết cũng vậy, nếu tác giả thay những địa danh Tokyo, Sapporo, Nagasaki..., bằng Dublin, London, Paris hay New York, thì cũng không gặp trở ngại gì hết đối với sự thụ cảm của người đọc, bởi lẽ dù có thắp đuốc lên tìm thì cũng không ai có thể thấy, dù là thấp thoáng, chút hình hài mang đặc trưng Nhật Bản của những đô thị Nhật Bản nói trên trong tác phẩm của Murakami. Tất cả đều đã được/ bị phương Tây hóa.

Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng với Murakami, cái yêu cầu về việc làm nổi bật nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Nhật Bản, cũng như vẻ đẹp trong tâm hồn và trong tính cách con người Nhật, là điều ông không tự đặt ra cho mình (hoặc bị ông lờ đi).

Ông viết về con người Nhật Bản, nhưng không phải trong tính dị biệt văn hóa và trong những điều kiện đặc định về kinh tế - chính trị - xã hội riêng có ở Nhật. Mà ở đây là con người Nhật Bản trong những vấn đề mang tính phổ quát của con người sống trong xã hội hiện đại và chịu sự chế định bởi tính hiện đại của xã hội.

Nói cách khác, nếu người đọc nào còn khư khư với ý nghĩ mang tính quyết định luận, rằng qua văn chương có thể hiểu biết thêm về truyền thống văn hóa của một dân tộc, về con người và những vấn đề xã hội của một quốc gia, thì hẳn là người đó sẽ thu nhận được rất ít tri thức về Nhật Bản từ tác phẩm của Murakami.

Một cách cực đoan, có thể nói, tác phẩm của Murakami - mà giá trị của chúng đã được khẳng định - là một minh chứng đủ để làm lung lay niềm tin rằng tính dân tộc là một phẩm chất thiết cốt của những tác phẩm văn học xuất sắc.

Trên cơ sở tìm hiểu về tính chất phi Nhật Bản trong hai tiểu thuyết của Murakami, tôi muốn nói đến vấn đề tính dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc trong văn học từ một phía khác, đó là trường hợp hai tập truyện ngắn "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của Đỗ Bích Thúy và "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư.

Theo tôi, trong vòng hai, ba năm trở lại đây thì đây là hai tác phẩm đáng chú ý trong số các tác phẩm văn xuôi được viết ra bởi thế hệ nhà văn Việt Nam ở độ tuổi dưới 35. Mà đáng chú ý hơn cả là ở một điểm chung: hai tác giả (hai nhà văn nữ) xuất thân từ hai vùng quê khác nhau (một ở cực Bắc, một ở cực Nam của đất nước) đều tập trung khai thác và thể hiện một cách tối đa trong tác phẩm của mình sự hiểu biết về vốn văn hóa, về phong tục tập quán, về con người và lời ăn tiếng nói ở miền đất mà họ đã sinh ra và lớn lên.

Điều này được phản ánh khá rõ qua những bình luận đã có về hai tập truyện ngắn, tựu trung: "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của Đỗ Bích Thúy mang đậm phong vị miền núi cao Tây Bắc, "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư thấm đẫm nét đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Quả thực, đây là phẩm chất nổi bật trong cả hai tập truyện.

Ở lời giới thiệu cho "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá", nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị viết: "Chúng ta sẽ bước vào một không gian lạ, không gian có núi cao trời rộng của vùng rừng núi phía Bắc, nơi từ đó nhìn xuống, dòng sông Nho Quế chỉ còn bé như sợi chỉ dưới chân núi Mã Pì Lèng. Một không gian đầy hoa lá rừng, có tiếng gà gáy tách te trong bụi rậm, có những dòng suối trong suốt với những viên cuội nhỏ, có những chàng trai thổi sáo theo sau các cô gái khoác quẩy tấu xuống chợ, những nồi thắng cố nghi ngút khói trong phiên chợ vùng cao đầy màu sắc, những đêm trăng sóng sánh huyền ảo, những cụm mần tang mọc trong thung lũng, tiếng đàn môi réo rắt sau bờ đá, lễ hội gầu tào với điệu hát gầu plềnh mê đắm của các chàng trai cô gái người Mông trên đỉnh núi...".

Còn ở "Cánh đồng bất tận", với những người miền Tây xa xứ, hoặc với những ai từng đặt chân đến miền Tây một lần, đều nao nao khi gặp lại ở đây hình ảnh chợ nổi với những dãy ghe rập rờn xao động cả mặt sóng, những người đàn ông đàn bà sống kiếp thương hồ tuy lam lũ chân chất mà rộng lượng phóng khoáng, những vùng quê heo hút chợt xôn xao khi một gánh hát dừng chân, những đàn vịt chạy đồng hàng trăm con, rồi mùi khói đốt đồng cay nồng ngai ngái buổi chiều tà, câu vọng cổ buồn não ruột loang xa trong màn đêm...

Hệ thống ngôn ngữ được vận hành trong hai tác phẩm cũng góp phần đáng kể vào việc làm đậm thêm những bức tranh không gian đặc thù này. Ở "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" tràn ngập những câu văn mà lối so sánh, ẩn dụ được sử dụng trong đó là rất gần với nếp tư duy trực quan mộc mạc của người thiểu số vùng núi cao phía Bắc.

"Cánh đồng bất tận" là cả một sưu tập phong phú những khẩu ngữ, những lối nói thuộc vỉa ngôn ngữ tiêu dùng thường nhật của người dân miệt kênh rạch sông nước Tây Nam Bộ, mà có lẽ, đã được tác giả sử dụng theo đúng một truyền thống của văn chương Nam Bộ "nói sao thì viết vậy".

Nhưng, với những biểu hiện như vậy, liệu đã có thể nói về tính dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc trong tác phẩm của hai nhà văn trẻ? Cũng như, có thể phải nhìn nhận ra sao về ý nghĩa của những biểu hiện ấy? Tôi cho rằng, với một quốc gia dân tộc đa sắc tộc như Việt Nam, không dễ để có thể nói đến một "tính dân tộc", một "bản sắc văn hóa dân tộc" chung cho tất cả mọi sắc tộc.

Hãy tạm đặt sang một bên sự nhầm lẫn thường xuyên giữa bản sắc văn hóa dân tộc và di sản văn hóa quá khứ, thế nhưng, trong khá nhiều trường hợp, khi người ta dán cái nhãn "tính dân tộc", "bản sắc dân tộc" lên một tác phẩm nghệ thuật đương đại nào đó, thì thường đó là tác phẩm khai thác di sản văn hóa quá khứ của tộc người đóng vai trò cơ bản trong đời sống cộng đồng dân tộc: người Kinh. Mà, những yếu tố thường được khai thác là: lũy tre, con trâu, nón lá, áo dài... tóm lại là những yếu tố đã trở thành biểu trưng cho văn hóa Kinh.

Rất hiếm khi người ta dùng các cụm từ "tính dân tộc", "bản sắc dân tộc" để định tính những nghệ thuật phẩm khai thác các yếu tố thuộc về di sản văn hóa của các tộc người khác trên lãnh thổ Việt Nam. Trong những trường hợp như vậy, các cụm từ/ khái niệm "tính vùng miền", "màu sắc địa phương" tỏ ra là phù hợp hơn cả.

Diễn đạt theo một cách khác, trên thực tế của việc đánh giá giá trị ở đây đã nảy sinh sự phân tầng giữa di sản văn hóa Kinh và di sản văn hóa của các tộc người còn lại trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nói như vậy để thấy, ở hai tập truyện "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của Đỗ Bích Thúy và "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, cho dẫu các tác giả đã rất nỗ lực trong định hướng làm bật lên sắc thái cụ thể của người và đất ở một vùng miền văn hóa nhất định (mà vì thế họ ở thế đối lập với Murakami, xét về định hướng) thì cũng không có sở cứ để lồng vào đây cái phẩm chất về "tính dân tộc", "bản sắc dân tộc" trừu tượng nào đó.

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng, trong điều kiện Việt Nam, khi mà các khái niệm "tính dân tộc", "bản sắc dân tộc" vẫn chưa được xác định thật cụ thể về nội hàm, thì mọi ý đồ dùng nó như một chuẩn để định giá các nghệ thuật phẩm đương đại đều rất không có sức thuyết phục.

Trở lại với hai tập truyện ngắn mà chúng ta đang xem xét, trước những bình luận kiểu như mang đậm phong vị miền núi cao phía Bắc, hay thấm đẫm nét đặc trưng vùng sông nước Tây Nam Bộ, tôi thấy có gì đó quen quen. Mà quen thật.

Thử lần giở lại lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, không khó để chúng ta nhận thấy rằng những sự định giá như vậy luôn được chuẩn bị sẵn sàng để dành cho các tác giả của văn học thiểu số, và cả các tác giả của vùng văn chương Nam Bộ.

Trong khi đó, chẳng bao giờ giới phê bình "hạ cố" nói tới cái phong vị đồng bằng châu thổ sông Hồng - vùng trung tâm của văn hóa Kinh - trong tác phẩm của các nhà văn thuộc khu vực này (ví dụ, tiểu thuyết "Mẫu thượng ngàn" của Nguyễn Xuân Khánh, một tác phẩm khai thác và thể hiện rất sinh động những đặc trưng của di sản văn hóa Kinh trong quá khứ).

Chính thực tế này, dù muốn hay không, đã buộc chúng ta phải nghĩ tới sự tồn tại có thực - tuy không phải bao giờ cũng thường trực trong ý thức - của một thái độ chia tách giữa trung tâm và ngoại vi, trong văn học, và cả trong văn hóa. Bằng cái nhìn trung tâm luận, lấy văn hóa Kinh làm hệ quy chiếu, người ta đã định giá các giá trị ngoài nó thông qua tính dị biệt.

Song, điều đáng nói tới hơn cả lại chính lại là sự tác động ngược trở lại của thái độ này tới các tác giả thuộc vùng văn học ngoại vi. Nó tạo ra ngộ nhận rằng mang đậm phong vị..., thấm đẫm nét đặc trưng v.v... là chuẩn giá trị. Nó neo giữ họ thật chặt vào một ý niệm mơ hồ về bản sắc, rồi từ đó kiên trì giữ giọng dân tộc bằng lối nói ngô nghê ngọng nghịu, hoặc cứ mãi xuề xòa nói sao thì viết vậy.

Để vượt qua sự ngộ nhận này mà viết một cách "sòng phẳng và sạch sẽ" (chữ của nhà thơ Inrasara) rõ ràng cần phải có một bản lĩnh, và trên hết, một nhận thức đầy đủ để không bị lệ thuộc vào cái ám ảnh được gọi là bản sắc, tính vùng miền, địa phương v.v... Vì rằng ngộ nhận và bị lệ thuộc thì bao giờ cũng đẻ ra cái gọi là lực cản của sự phát triển.

(ANTG Cuối tháng)

0 nhận xét: