Đời là cuộc chạy đua hay cuộc dạo chơi. Sống là đấu tranh cho ham muốn hay an nhiên với điều mình đang có. Cuốn "Người vô sự" sẽ trò chuyện cùng ai cần tìm hiểu ý nghĩa trong mỗi khoảnh khắc nhân sinh.
Người vô sự gồm hai nội dung chính. Phần 1 là tác phẩm Lâm Tế Ngữ Lục của vị Tổ Lâm Tế. Tổ Lâm Tế là người xuất gia, học tập nhiều về kinh, luật và luận. Cuối cùng, ông quyết định chọn dòng tu thiền để đạt được chứng ngộ mà không phí hoài cuộc đời trong sự tìm kiếm, học hỏi vô ích. Lâm Tế Ngữ Lục do một đệ tử của ông là Pháp sư Tuệ Nhiên ghi chép lại những bài giảng, những cuộc đối thoại, trò chuyện giữa Tổ với vị sư và đệ tử.
Phần thứ hai của cuốn sách là bình giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về những điều Tổ Lâm Tế truyền dạy.
Đúng như cuốn sách nêu ra "Ngồi chơi với Tổ...", trong cuốn sách dày gần 740 trang này, ngôn ngữ thiền và triết thấm đẫm qua từng câu chữ. Từng mẩu chuyện, từng lời bình giảng ngụ ý về lối sống thảnh thơi, sống an lạc, giảm thiểu những sân si trong tâm hồn và giúp con người có niềm tin vào bản thân.
Những mẩu chuyện nêu ra trong sách khiến người đọc phải suy nghĩ: Việc gì phải vận vào thân mình những điều mình không thể làm được, những việc mình không có khả năng làm, hoặc cố khoác lên "chiếc áo" cao xa nào đấy mà không bao giờ mình với tới được. Sống thực, sống đúng, sống hết khả năng mình và sống cho hiện tại là điều mà sách muốn nói đến.
Như một bông hoa dại nở trong ngách, trong khe núi vẫn lặng lẽ khoe sắc ngát hương. Như một người đang đói, cần ra vườn hái quả cà chua ăn mà vẫn khoan thai sải bước chứ không hấp tấp. Hai chữ "vô sự" trong sách không là trốn đời, lánh đời hay thờ ơ với sự vật, con người xung quanh; "vô sự" ở đây là thấu hiểu được chất thiền của bản ngã, của vạn vật, của sự sống để mà vui sống.
Chính vì người vô sự là người tự do, ở đâu hay trong hoàn cảnh nào cũng làm chủ được bản thân mình, nên Thiền sư Thích Nhất Hạnh bình giảng: "... để sống từng giây phút an lạc, vui tươi, mỗi người phải tự mình đừng cột buộc, dính chặt vào quá khứ, vào những kỷ niệm đã trôi qua. Hoặc đừng bắt "cái tôi" của mình phải thổn thức, trăn trở với những ảo ảnh xa vời của trí tưởng tượng về tương lai chưa đến".
Không giáo điều, cũng không tham vọng mang đến tư tưởng quá cao xa, Người vô sự đơn giản có thể chỉ là "chiếc túi hồ lô giữ thuốc giải" cho những phiền não, mệt mỏi, để con người có thể an nhiên tự tại trong từng khoảnh khắc cuộc đời.
Anh Vân - Theo VnExpress
Thiền sư Nhất Hạnh và "Người vô sự"
Tin thiền sư Thích Nhất Hạnh sắp về Việt Nam dự Đại lễ Phật đản quốc tế Vesak Liên Hiệp Quốc tổ chức vào giữa tháng 5.2008 đã gây bao chờ đợi không chỉ đối với đông đảo phật tử và thiền sinh, mà còn cả với giới nghiên cứu về thiền và những người muốn tìm hiểu thiền học.
Bởi vì, sự có mặt của thiền sư Nhất Hạnh sắp tới sẽ mở ra những cuộc gặp gỡ đầy thiền vị cùng những khóa tu thiền từ làng Mai mang đến. Song điều hấp dẫn và lưu giữ lâu bền hơn chính là những gì ông thuyết giảng hoặc sáng tác, được ghi lại qua nhiều tác phẩm và đang phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Đó là các tác phẩm: Đường xưa mây trắng, Nẻo vào thiền học, Không diệt không sinh đừng sợ hãi, Giếng nước thơm trong, Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt…
Lần này cũng vậy, trong dịp Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, một loạt tác phẩm của Nhất Hạnh được giới thiệu trân trọng, mà theo chúng tôi, cuốn sách nặng ký nhất là Người vô sự, dày 740 trang, đang có mặt tại nhiều nhà sách trên cả nước.
Có thể nói đây là tác phẩm chứa đựng những lời hướng dẫn sâu sắc về "đời sống thiền" mà ai cũng có khả năng thực hiện, miễn là họ nhận ra "một trời thanh tịnh" luôn tồn tại bên trong mình, để được hạnh phúc "ngay bây giờ". Điều ấy không phải nói cho hay, cho đẹp, mà đã được bản thân tác giả, thiền sư Nhất Hạnh trải nghiệm trong đời sống thường nhật.
Ông nói, để sống từng giây phút an lạc, vui tươi, mỗi người phải tự mình đừng cột buộc, dính chặt vào quá khứ, vào những kỷ niệm đã trôi qua. Hoặc đừng bắt "cái tôi" của mình phải thổn thức, trăn trở với những ảo ảnh xa vời của trí tưởng tượng về tương lai chưa đến. Là vì "quá khứ đã trôi qua, tương lai chưa đến, hiện tại thì không bao giờ dừng trụ" nên cần phải vượt lên "dòng thời gian" để sống.
Điều này được Nhất Hạnh kể lại bằng chính những ví dụ về ông. Số là năm 1966 ông có viết cuốn Hoa sen trong biển lửa xuất bản tại Sài Gòn. Đến năm 1986, ông từ Pháp sang Amsterdam (Hà Lan) dự một hội thảo có mặt nhiều nhà trí thức quốc tế. Bấy giờ một giáo sư thần học đứng dậy hỏi thiền sư Nhất Hạnh là trong cuốn Hoa sen trong biển lửa vì sao thiền sư lại viết thế này, thế này... Thiền sư trả lời: "Tôi đâu có viết cuốn Hoa sen trong biển lửa!" khiến ông giáo sư trố mắt ra ngạc nhiên, vì ông đã đọc cuốn sách rất kỹ. Thiền sư giải thích: "Ông giáo sư thần học sẽ không thể hiểu được (câu trả lời kia) với bộ óc quen suy luận theo lối cũ. Sự thật rõ ràng, người đang đứng trước ông là một thực thể sống động, vậy mà ông không tiếp xúc với người đó, lại để mình tiếp xúc với một bóng ma của hai mươi năm về trước. Hai mươi năm trước, Thích Nhất Hạnh đã nói những điều trong quyển sách đó để giải quyết những vấn đề của hai mươi năm về trước. Hiện tại, Thích Nhất Hạnh đang ở đây, đang uống trà, đang đàm luận về những vấn đề thuộc sự sống ngày hôm nay, ông không tiếp xúc với cái hiện tại của tôi mà lại muốn tiếp xúc với một bóng ma của quá khứ. Tôi tức là tôi của ngày hôm nay, còn người viết cuốn sách đó đã chết rồi. Nhưng không biết ông giáo sư thần học ấy có hiểu không? Đó là ngôn ngữ của thiền".
Ngôn ngữ thiền tràn đầy qua những câu chuyện như thế trong Người vô sự, được lồng trong những lời bình giảng của thiền sư Nhất Hạnh về ngữ lục của tổ Lâm Tế. Vì thế cuốn sách có cái tựa khá dài, nếu viết đầy đủ phải là: Lâm Tế ngữ lục đại toàn: Người vô sự. Nhưng thiết nghĩ, chỉ cần ba chữ Người vô sự là quá đủ rồi. Vì ba chữ ấy gói ghém được điều tổ Lâm Tế xưa kia chỉ dạy và điều thiền sư Nhất Hạnh đời nay muốn giảng, rằng: "Dù cho quý vị có ở một mình trên đỉnh cô phong, mỗi ngày ăn một bữa, ngồi thiền suốt đêm, không đặt lưng xuống giường... Dù cho quý vị có bố thí cả thành quách quốc gia, cả vợ con, bố thí cả đầu mắt, tủy não, voi ngựa, mọi thứ của mình đều đem ra cho hết..., tất cả đều không bằng làm một người vô sự...".
Vậy Người vô sự là gì? Bạn có thể tự tìm câu trả lời cho mình sau khi gấp sách lại.
Giao Hưởng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét