Recent Posts

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

Trời nóng, uống bia, đọc sách và văng tục

1.
Gần đây mình văng tục hơi bị nhiều. Văng khắp nơi: ở cơ quan, ngoài quán nhậu, trong quán cà phê. Văng cả vào microphone điện thoại di động, văng cả lên facebook. Và tệ hơn, văng cả vào bộ não có khả năng thu nạp và ghi nhớ mọi thứ của Tít - ông con mới lên sáu tuổi. Tối qua nghe bà ngoại kể lại mới biết Tít đã nói với bà một câu trong đó có từ “bỏ mẹ”. Thế có bỏ mẹ mình không cơ chứ.
Lập gia đình được gần bảy năm, có ba thứ mình gần như không bao giờ mang về nhà, như là một nguyên tắc, ấy là rượu-bia, thuốc lá và những câu văng bậy. Giờ đây cả ba thứ này có vẻ hiện diện một cách thường xuyên hơn, ở nhà, trước mặt hai ông con đang ở tuổi học mọi thứ bằng cách bắt chước.
Thực ra thỉnh thoảng có văng một vài câu thì cũng không sao. Nhưng điều nguy hiểm là gần đây mình có vẻ thích thú ra mặt với cái chuyển biến chết tiệt này. Mình thường xuyên kể một cách thích thú cho mọi người nghe một giai thoại về nhà báo Xuân Ba. Chuyện là bác Xuân Ba được mời đến dự một buổi tiệc rất lớn, trang trọng và lịch sự. Quá nửa buổi, không thể chịu được cái không khí trang trọng quá, bác này đành phải vào WC chỉ để văng vài câu trong đó, rồi mới lại thở phào mà quay lại buổi tiệc với cái không khí trang trọng mắc dịch kia. Cứ như thể mình đã lấy luôn cái slogan trên chiếu rượu của bác Nguyễn Quang Lập về làm tôn chỉ cho phát ngôn của chính mình vậy: “Một ngày mà không nói tục thì nó nhạt mồm lắm”.
Không biết, trong những giấc ngủ đầy mệt mỏi và mộng mị, mình có ú ớ mà văng ra mấy câu hoa mỹ phải gió đó không nữa.

2.
Có lẽ cái sự văng này là hệ quả của sự dồn nén lâu ngày, nay có dịp thì bung ra thôi. Nóng trong người, nóng trong công việc, cộng với cái nóng hầm hập như thiêu đốt xoay quanh mức 40 độ C ở Hà Nội mấy tuần vừa qua khiến cho cái thằng trí thức nửa mùa chưa trưởng thành đầy đủ là mình bỗng nhiên chuyển sang ăn nói như một thằng đầu đường xó chợ. Cái nóng làm cho những ngôn từ mỹ miều kia vốn như bị nhốt trong nồi áp suất, nay được xả van nên văng ra loạn xạ. Văng ra, cho xẹp hết những bức bối, u sầu. Kể ra thế cũng tốt.
Ngoài cái sự xả van, mình cũng để cho cái đầu được giải nhiệt một cách thường xuyên hơn. Mình chưa bao giờ uống nhiều bia như trong giai đoạn này. Không nhiều, nhưng thường xuyên. Và chuyện cũng không có gì đáng nói, nếu như mình không cảm thấy thích thú với cái vụ thường xuyên bia bọt này. Nhưng mà mình thích thật. Thế mới bỏ mẹ. Mà không chỉ uống ngoài quán xá, giờ đây mình còn uống cả ở nhà mà chả phải là dịp gì cả. Cách đây vài hôm, mình đã cò cưa vài cốc bia Hà Nội ướp lạnh trong cái đói và cái nóng hầm hập của buổi chiều Hà Nội, ở nhà. Chưa bao giờ mình thấy bia ngon đến như vậy, đến mức phải thốt ra thành lời. Uống xong, mình leo lên gác làm một giấc thẳng cẳng đến mười một giờ đêm mới dậy. “Sướng” - một ông em được nghe kể lại chuyện này đã phán như vậy. Mà của đáng tội, đúng là có sướng thật.

3.
Nhờ bia bọt thường xuyên mà cuối tuần rồi mình lại có dịp lê la vỉa hè Tạ Hiện, nơi góc ngã tư mà con phố này giao với phố Lương Ngọc Quyến. Phải đến gần một năm rồi mấy thằng mới lại có dịp quay lại nơi này.
Lại nhớ cả bọn (gọi là bọn cho oai, chứ thực ra chỉ ba, bốn thằng) đến đấy lần đầu vào năm ngoái, trong một buổi chiều cuối hè nóng điên người. Cả bọn ngồi thành một dãy, tựa lưng vào một bức tường bê tông đang tỏa nhiệt hầm hập, đến mức có thể cảm nhận từng giọt mồ hôi đang tứa ra ở lưng, ở bắp chân, và uống bia chai Hà Nội ướp lạnh, với lạc luộc. Chúng tôi ngồi đó, giương mắt mà ngắm nhìn những Lexus và BMW chen vai thích cánh cùng quang gánh thúng mủng hàng rong; những thằng bán hàng rong người đen nhẻm, xộc xệch chèo kéo loăng quăng quanh mấy anh Tây chị Tây ba lô cũng bụi bặm không kém; ngắm quán hàng chật chội và đông đúc, những biển hiệu, nhà cửa, dây điện các thứ lô xô chen chúc nhau trong cái không gian chật hẹp và nóng nực. Và nghe. Chúng tôi nghe giai thanh nữ tú Hà Thành vừa đánh võng trên vespa LX vừa văng tục. Nghe một anh giai Hà Thành chính hiệu phố cổ Hà Nội sắp ngàn năm đang gạ bán con Minsk cũ mèm cho một anh Tây ba lô với giá chưa đến 200 đô. Mình chỉ nghe được có vậy vì phần lớn những gì còn lại là một chuỗi rất dễ nghe: có 10 từ thì trong đó phải được đệm vào 4 từ “fucking” và 3 từ “shit”. Thật đúng là một fucking Hanoian.
Thế rồi mình ngước nhìn lên và chợt nhận ra trong tán lá phía trên cả bọn ngồi, mọc ra từ bức tường bê tông phía sau một cái biển sắt đã hoen gỉ, sơn đã bong tróc gần hết. Trên cái biển là hai từ FREEDOM CROSS. Ồ hóa ra cái chỗ này đã từng một thời là ngã tư TỰ DO. Không rõ có phải do bia không nhưng có một cái gì đó thật đẹp toát ra từ tấm biển. Đến mức, mình đã thực sự mong muốn được một ngày nào đó quay trở lại chỗ này, trong một buổi chiều như thế, và chụp lại tấm biển, bằng một cái máy film cơ học hoàn toàn, như Pentax K1000 chẳng hạn. Mà chưa có dịp.
Cuối tuần rồi khi chúng tôi rủ nhau ra Freedom Cross thì cái chỗ ngồi năm trước đang bị trưng dụng để dựng một cái rạp đám ma. Chúng tôi dời sang góc ngã tư đối diện ngồi nhìn sang và phát hiện ra cái biển sắt với chữ Freedom Cross đã biến mất. Bức tường loang lổ màu vàng đặc trưng của những căn nhà xây kiểu Pháp thuộc địa nay đã được sơn bả lại nhẵn bóng, và người ta phết lên đó một lớp sơn màu hồng nhạt trông cực sến và chẳng ăn nhập gì với cái ngã tư cũ kỹ này.
Tôi thực sự tiếc vì gần một năm đã qua mà tôi không một lần nào quay lại để chụp cái bức tường với tấm biển đó. Tuy nhiên chỉ sau một ngụm bia tôi lại nghĩ có khi thế lại hay. Nếu bức tường đó được ghi lại, tôi có thể đánh mất tấm ảnh đó, nhưng một khi nó được ghi vào trí não mình, thì nó sẽ còn ở đó mãi. Cái này là tôi học được ở Nguyễn Ngọc Tư, người đã lần đầu tiên cho tôi biết một chuyến du lịch sẽ thực sự thú vị thế nào nếu như người ta không mang theo máy ảnh.
Sẽ không có một cái nhà hàng nào, bình dân hay năm sao, trong nước hay ở nước ngoài, có thể đem lại cho bạn một cảm xúc thú vị như cái hàng bia hơi vỉa hè Tạ Hiện. Đơn giản chỉ vì đó là ngã tư của tự do, nơi bạn được ngồi đó, chen chúc trong đám Tây-Ta, Già-Trẻ lẫn lộn, trong một buổi chiều hè nóng như đổ lửa, ngắm buổi chiều xuống dần, tán chuyện tào lao với bạn hữu, lắng nghe từng giọt mồ hôi rịn ra lăn dần xuống nơi bắp chân, uống bia lạnh với lạc luộc, và chỉ thực sự ra về khi phố phường hàng quán xe cộ đã đồng loạt lên đèn.

4.
Gần đây mua được nhiều sách. Cuốn nào cũng hay nhưng gây nhiều thích thú nhất chính là “Bắt trẻ đồng xanh”, mới mua sáng qua.
Trước hết là cái bìa. Có thể nói bìa cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” là cái bìa đẹp nhất của nhà Nhã Nam, và cũng là một trong những cái bìa sách đẹp nhất đã từng được thiết kế và in ra ở Việt nam. Tất nhiên, là trong khả năng hiểu biết hạn hẹp của tôi.
Nhưng trên hết là chất lượng dịch thuật. Phải nói là dịch giả đã chuyển ngữ một cách tuyệt vời: nó nhẹ nhàng, thuần Việt và cứ tưng tửng một cách lạ kỳ. Cứ như thể nó là một sáng tác bằng tiếng Việt của chính tác giả Salinger bên cạnh bản gốc tiếng Anh vậy. Nó vừa tách rời, lại vừa song hành và gắn liền với bản gốc một cách đáng kinh ngạc. Và tôi đã ngạc nhiên hơn khi biết người dịch cuốn sách là Phùng Khánh - sau này là ni cô Trí Hải, một nữ tu cực nổi tiếng đã dịch rất nhiều kinh sách ra tiếng Việt, trong đó có cuốn “What’s the Buddha taught ”.
Câu chuyện và bản dịch hấp dẫn đến mức tôi đã gần như không rời cuốn sách trong suốt buổi chiều hôm đó. Từ lúc còn trong phòng điều hòa sau giấc ngủ trưa, đến lúc xuống nhà chỉ với chiếc quạt điện thổi vù vù và mồ hôi thấm ướt đầm lưng áo, cho đến lúc cuối buổi chiều ngồi trên yên xe đợi ông bác sĩ già khám họng cho ông con trai nhỏ. Gần như không rời cho đến dòng cuối cùng: “Dịch tại Chicago, mùa giáng sinh 1964”.
Có lẽ “Bắt trẻ đồng xanh” là cuốn cuối cùng cô Trí Hải dịch theo một văn phong tưng tửng như thế, vì năm sau cô về nước và quy y nơi cửa Phật. Mặc dù vậy tôi vẫn nghĩ đây không phải là bản dịch. Nó như thể cô Trí Hải đã được nghe chính Salinger kể lại câu chuyện bằng tiếng Anh, rồi đến lượt mình, cô kể lại câu chuyện cho chúng ta nghe, bằng tiếng Việt.

1 nhận xét:

Alex nói...

Vẫn thích đọc những gì anh viết. Lâu quá rồi mới thấy anh lại viết blog.
Nhớ anh em, nhớ HN quá.
Giờ em mới có cảm giác của người đi xa, có lẽ là do tâm trí chứ không phải là khoảng cách địa lý, anh ạ.