Recent Posts

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2009

Tiếng gọi nơi hoang dã

1.

Không hiểu sao dạo gần đây có cái gì đó cứ thúc đẩy mình ra ngoài đường. Nếu không vướng bận mấy thứ họp hành thì chỉ quanh quẩn ở công ty được một lúc là lại muốn la cà cà phê cà pháo. Không định nghĩa được chính xác, nhưng rõ ràng là có một thứ động lực vô hình nào đó đã nhổ mình ra khỏi cái ghế da ở văn phòng, thổi bay mình ra lê la ngoài mấy quán trà đá vỉa hè. Mà không, không phải trà đá, cà phê mới chết chứ. Có lẽ là tại mấy ngày mát trời sau một chuỗi dài những nắng nóng đến điên cả người. 

2.

Nắng mưa là chuyện của giời, vì vậy đổ lỗi cho mấy ngày trời mát thì không được “phải” cho lắm. Động lực đó, suy cho cùng chính là cái bản tính thích tự do, khoáng đạt của tôi, mà, nói như kiểu Dr. Nikonian là “thích tự do và lang thang như gió”. Sau gần 5 năm trời cặm cụi, căng thẳng, hì hục và cày như trâu như chó, dồn hết cả sức lực, tuổi trẻ, đam mê và những nỗi bận tâm vào một việc duy nhất, cái bản năng đó đã bị kìm nén, đẩy vào cái ngăn kéo sâu nhất, dồn xuống đến đáy cái dạ dày. Vậy nên đến khi cái “việc” đó đã bắt đầu tạm ổn, đi vào quỹ đạo, tạm thời coi là một thời gian đệm để đến với một hành trình mới có vẻ “căng thẳng” hơn, cái bản tính đó đã trỗi dậy, đòi quyền được sống lại.

Nó sống lại để đẩy tôi ra ngoài đường, đẩy hồn tôi trôi nổi ra ngoài những giấy tờ, bảng tính, âu lo, để tôi thấy lại rằng “thế giới quả là rộng lớn” và qủa thực tôi còn có nhiều mối quan tâm khác ngoài công ty, những mối quan tâm mà tôi đã phải nén lòng lãng quên trong suốt mấy năm qua.

Tôi giờ đây giống như chú ếch đã luẩn quẩn quá lâu dưới đáy giếng, nay, bằng cách nào đó, đã bò lên đến miệng giếng và đang chuẩn bị nhảy ra ngoài.

3.

Sáng nay cà phê một mình, ngồi lơ đãng nhìn qua hàng rào thưa của quán, chợt thấy một cái taxi đỗ xịch bên cạnh một gốc cây bên đường. Chú tài bước ra khỏi xe, đến đứng đối mặt với gốc cây xà cừ cổ thụ mà tuổi của cây có lẽ còn cao hơn tuổi của người đã sinh ra chú, rồi thản nhiên vạch quần rồi tè vào cái gốc cây ấy. Tự tại và bình thản như thể chú đã làm việc đó rất nhiều lần ở chính cái chỗ đó, nhiều như chính trong toilet nhà chú mỗi buổi sáng vậy.

Bỏ qua những bức xúc về vệ sinh công cộng nơi cái thủ đô ngàn năm văn hiến này, tôi tự hỏi tại sao người ta hay thích tè bậy vào gốc cây. Ngoài việc nó là một chỗ che chắn, tôi đồ rằng khi đái vào gốc cây, người ta sẽ có cảm giác như đang tưới cây, cung cấp thêm một ít nước và muối cho cái sự sống của cây, và qua đó, nó giống như là đang chăm sóc cái cây chứ không phải là đái bậy. Vì vậy, khi đái vào cây, cái cảm giác tội lỗi sẽ được bớt đi chút ít, chứ không như khi người ta làm việc ấy vào tường hay vào cái cột đèn.

Nhưng quả thực là tè bậy cũng có cái thú riêng của nó. Trong những chuyến xe đêm đường dài của những đợt công tác xa, rất thường khi chiếc xe phải dừng ở một vệ đường hoang vắng nào đó. Cả đội hào hứng nhảy xuống xe, men xuống tận mép ruộng ngập tràn cỏ dại, dạng chân, ngẩng cao đầu, mắt xa xăm dõi theo những vì sao trên nền trời đêm, gió mát lành thổi tung những lọn tóc, những vạt áo, gấu quần, rồi bình thản làm cái việc ấy, mới thấy hết thế nào là "nhất quận công, nhì ... đồng". Những lúc đó, tôi thấy còn "phê" hơn cả đội hình những Eric Clapton, George Harrison và Mark Knopfler ôm đàn dạng chân đứng dàn hàng ngang trên sân khấu lộng gió của công viên Hyde Park để trình diễn Sultans of Swing. Cái hoang dã miễn phí ấy đã mang đến một cảm giác mà không một toilet ốp đá cẩm thạch với lavabo bằng vàng nào có thể đem đến được.

4.

Tối qua tình cờ lướt qua kênh HBO, thấy có chiếu một bộ phim mà qua những lần theo dõi đứt đoạn, không đầu không đuôi, chợt nhận ra đó chính là “Into the Wild” mà tôi đã được biết đến từ lâu. Từ những mảnh ghép rời rạc, tôi chưa kịp hiểu diễn biến toàn bộ câu chuyện, nhưng đã thấy toát lên là sự dấn thân của Chris, nhân vật chính của phim. Tôi không biết Chris dấn thân như vậy để tìm đến với thiên nhiên hoang dã, hay là để tìm lại chính bản thân mình, hay là cả hai. Cá nhân tôi nghĩ là cả hai mục đích đó đều đáng để dấn thân, nhưng khi chứng kiến cảnh Chris chết vì kiệt sức và ăn nhầm một thứ hạt cây có chứa chất độc, chết dần chết mòn trong xác của một cái xe buýt rách nát, dưới sự chứng kiến của bầu trời trong và xanh ngắt đến chói chang của vùng Alaska, tôi tự hỏi như thế có đáng hay không. Phía sau Chris còn có rất nhiều người như gia đình anh, người bạn già mà anh đã quen trên đường – người  trước khi chia tay anh đã đề nghị anh làm con nuôi của ông – đáng để Chris dấn thân hơn rất nhiều?

Chris để lại cho tôi nhiều mối liên hệ với Marco Fogg – nhân vật chính trong Moon Palace, một tiểu thuyết dài nhất mà tôi đã đọc trong năm nay. Giống như Chris, Marco cũng để dành hết những ngày tươi trẻ nhất của mình để dấn thân vào một quá trình tìm kiếm bản ngã của chính anh. Marco cũng đã từ bỏ hết mọi thứ, để ngày càng chìm dần vào một hành trình tự huỷ hoại bản thân, từ một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học để trở thành một người bới rác kiếm cái ăn trong công viên Central Park, rồi cuối cùng đã suýt chết trong kiệt sức và bệnh tật nếu không có hai người bạn tìm thấy.

Chẳng hiểu sao nước Mỹ lại sinh ra những con người như vậy? Hay đó chỉ là tiếng gọi của tự do, một loại tiếng gọi đến từ nơi hoang dã?

1 nhận xét:

Tit-Ti nói...

Đọc xong thấy lo lo: đến một lúc nào anh đáp trả cái Tiếng gọi hoang dã mang lại cảm giác hoang dã "miễn phí" (3) ấy. Hic, Có không nhỉ? Phê thế cơ mà :P.