Recent Posts

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2009

Giấu bài hát trong một câu chuyện

Có rất nhiều bài hát mà tự thân nó đã là một câu chuyện. Khi đó, hát có nghĩa là kể một câu chuyện nào đó. Có thể đó là một câu chuyện tình yêu, như Love Story, cũng có khi là một câu chuyện dài về cuộc đời, về cách nhìn nhận đối với một vấn đề bức bối của xã hội, đặc biệt là trong nhạc rock. Ví như toàn bộ album The Wall của Pink Floyd chẳng hạn. Cả album hơn một chục bài hát là một câu chuyện liền mạch, có cấu trúc rõ ràng về quá trình tự tìm kiếm bản thân của anh chàng Pink trong một xã hội bức bối và cái anh ta cần là một sự giải phóng tuyệt đối về tư tưởng. Hay như hầu hết các sáng tác của Bob Dylan, bao giờ cũng là những câu chuyện kể, những tự sự nhân tình thế thái dài dằng dặc mà không đoạn nào lặp lại. (*)

Cũng có rất nhiều bài hát hoặc đoạn nhạc mà mỗi lần nghe đều làm người nghe liên tưởng đến một câu chuyện, một kỷ niệm nào đó. Đó có thể là những bài hát được nghe nhiều, lặp đi lặp lại hoặc trong một bối cảnh đặc biệt trong một giai đoạn đặc biệt nào đấy của một người. Đối với những người nghe nhạc nhiều thì càng hay gặp. Đó là một sự liên tưởng mang tính tiềm thức. Và chính cái tiềm thức đó khiến người ta sử dụng bản nhạc đó, bài hát đó cho những thứ mà người ra nghĩ, nói hoặc viết ra. Cao hơn nữa, bản nhạc đó còn tạo ra cảm hứng, không những thế còn ngấm vào từng trang viết, mà điển hình là Haruki Murakami. Thậm chí, trước khi là một nhà văn, ông đã sống bằng cách mở một quán bar lấy tên là Peter Cat ở Tokyo. Âm nhạc tràn ngập trong các trang viết, trong sở thích cũng như trong khung cảnh mà các nhân vật của Murakami sống ở đó. Hầu hết các tác phẩm quen thuộc của Murakami có tên gọi lấy cảm hứng từ các bản nhạc. Có thể kể ra đây Rừng Nauy là tên bản Norwegian Woods của the Beatles, Biên niên ký chim vặn dây cót lấy cảm hứng từ một đoạn Opera của Rossini, Phía Tây biên giới, phía Nam mặt trời thì chính xác là South of the Border, West of the Sun - tên một bài “đỉnh” của Nat King Cole. Một tác phẩm nữa chưa thấy có ở Việt Nam là Dance, Dance, Dance chính là tên một bài hát của The Beach Boys. Chưa kể, Kafka bên bờ biển là tác phẩm ông sáng tác trong thời kỳ nghiền ngẫm nhạc của RadioHead.

Dài dòng như vậy để thấy (i) bài hát chính là câu chuyện và (ii) bài hát làm liên tưởng, hoặc tạo cảm hứng cho một câu chuyện thì có nhiều. Nhưng dùng một câu chuyện để dấu bài hát vào đó thì rất ít gặp. Vậy mà ngày hôm nay tôi gặp liền lúc hai câu chuyện với hai bài hát như thế, xin kể lại ở đây để biết tại sao tôi lại cất công viết lời dẫn nhập dài đến như vậy.

Câu chuyện thứ nhất là về “Hai cái giếng”, do nhà toán học Ngô Bảo Châu kể lại. Chuyện và chú giải như sau.

Chuyện kể rằng có một chàng trai người nước Vệ, đi học hoặc là đi làm xa nhà, chi tiết này không quan trọng cho nội dung của chuyện. Sau hai mươi năm bôn ba châu Âu, châu Phi, châu Mỹ la tinh, đến một ngày kia, anh kéo vali về cái làng nghèo nơi anh đã cất tiếng khóc chào cuộc đời. Hay tin ba mẹ anh đã mất cả. Công cuộc đổi mới đã làm bộ mặt của cái thôn nhà anh thay đổi nhiều quá. May có ông cụ già tốt bụng dẫn đường, anh mới tìm về được ngôi nhà cũ của ba mẹ anh. Cái nhà xưa bây giờ không còn nữa, thay vào đấy là căn nhà hai tầng màu xi-măng trông rõ trơ tráo. Chàng trai thấy hơi chạnh lòng. Cụ già tốt bụng chỉ cho anh cái giếng xưa nơi u anh rửa chân mỗi khi đi đồng về. Bao nỗi bâng khuâng thương nhớ của hai mươi năm xa nhà bây giờ được dịp dâng lên làm mắt anh cay cay.

Cụ già bảo: “Tôi với ông Nam bố anh là bạn vong niên đó”. Nghĩ là cụ nói ngọng, anh sửa: “Thưa cụ, bố con tên là Lam ạ”. Lúc đó mắt cụ già chợt sáng lên: “À, mày là thằng cu Tí, con ông Lam phải không. Lúc nãy bác nghe nhầm. Nhà anh ở đầu kia làng cơ.” Thế là anh bạn của chúng ta đi theo cụ già về đúng cái nhà của anh, cũng không còn nữa, thay vào đó là một cơ ngơi xi-măng trơ tráo khác. Cái giếng nước thì vẫn còn đó. Nhưng lần này, đứng trước cái giếng nước của mình thật, anh bạn của chúng ta không tài nào xúc động thêm lần nữa.

Câu hỏi sư cụ Hồng Minh đặt ra là: Ta có thể yêu ai hai lần không ? 

Bạn đã nghe câu hát này bao giờ chưa: “Could you be loved, and be loved …”. Nếu bạn không có cái may mắn nghe sư cụ Hồng Minh nghêu ngao câu hát này lại vừa xập xình ghi-ta điện đệm theo, bạn có thể xem anh Bob Marley hát ở dưới để thấm thía câu chuyện trên. Anh Bob Marley hát chưa được hay như sư cụ, nhưng cũng không đến nỗi nào.



Bonus thêm đoạn chú giải cho câu chuyện:

Thực ra ở đây có hai chuyện trong một. 

Một chuyện là những gì với mình tha thiết, thiêng liêng thì chỉ hiến dâng được một lần. Nếu người nhận không hiểu điều đó thì vô tình đánh mất một thời điểm tuyệt vời cuả người cho và của chính mình. Nếu người cho mà nhầm đối tác thì đó phải là điều cay đắng suốt đời. 

Một chuyện là sống thế nào để sau bao nhiêu bụi bặm trần gian, ta còn xứng đáng để được người yêu thêm lần nữa. Những kẻ lạm dụng xung quanh là những kẻ không bao giờ xứng đáng được ai yêu lại. 

Bạn Việt Lam là người lỡ hẹn với bản thân, và với mọi người.

Đấy, Could You Be Loved của Bob Marley đã được “giấu” một cách tài tình như vậy, cho dù người kể có thể không cố ý. Có lẽ, cũng vẫn là vấn đề tiềm thức.

Trường hợp thứ hai là một bài có tên là Vu lan, được kể bởi một bạn có tên là 5xu. Chuyện như sau:

Năm 1994 tôi thường xuyên phải ở một khách sạn tên là Hòa Bình ở Biên Hòa. Đấy là một khách sạn của nhà nước, lớn nhất ở Biên Hòa lúc bấy giờ. Còn tôi mới 21 tuổi. 

Buổi tối không biết làm gì, lại cũng không có nhiều tiền, tôi thường xuống reception chơi với đám lễ tân ở đó.

Gọi là đám lễ tân nhưng thực ra các anh chị ấy lớn tuổi hơn tôi nhiều. Và họ cũng rất cởi mở với một thằng nhóc bắc kỳ rặt bé nhỏ đang mắc kẹt ở cái khách sạn ấy.

Trong lễ tân có một anh người đậm, không đẹp trai, rất đàn ông, chưa vợ. Anh nói chuyện không nhiều. Khá kín kẽ.

Với khách nước ngoài, phần giao tiếp chủ yếu là anh.

Thi thoảng tôi cũng thấy có những người ở ngoài vào khách sạn gặp anh để nhờ ghi phong bì thư. Họ gửi thư cho người thân bên Mỹ mà không biết tiếng Anh. Trong số đó có cả những cô gái lai rất ngon mắt.

Mãi sau này khi thân nhau anh mới nói mình nguyên là nhân viên điều phối không lưu giỏi nhất ở Tân Sơn Nhất. Tiếng Anh của anh vì thế cũng giỏi như người Mỹ. Hay theo cách anh tả những ban nhạc SG chơi quán bar cho Mỹ đen: nhắm mắt lại mà nghe thì nghĩ bọn nó không phải người Việt.

Đám lễ tân ấy ngủ đêm ngay ở căn phòng reception. Phòng nhỏ nhưng sạch sẽ, sáng sủa và có máy lạnh. Bên phía ngòai quầy lễ tân là ghế xa lông cho khách.

Buổi tối tôi hay xuống ngồi chơi với họ. Họ cũng nghèo, đến khuya hết việc thì uống mấy ve.

Rồi anh mang đàn guitar ra hát. Hát rất hay mới chết. Một rocker thứ thiệt. Anh chỉ phàn nàn là không thể vừa chơi guitar vừa thổi harmonica như Mỹ.

Anh hát Heart of Gold. Anh hát The House of rising sun.

Cho đến bây giờ, tình yêu của tôi với ca khúc “The house of rising sun” là nhờ anh truyền qua trong những buổi tối như thế.

Rồi đến một hôm tôi phải về. Anh bảo tôi là sẽ hát tặng một bài mà tôi thích. Tôi bảo anh thích bài nào cũng được, tùy anh. Anh hơi say say, nói rằng anh đang nhớ mẹ. Tôi cũng thế.

Và anh hát Mother của John Lennon.

Lời bài hát có đọan:

Mother, you had me but I never had you,
I wanted you but you didn’t want me,

Mama don’t go,
Daddy come home.

Cho đến nhiều năm sau này tôi vẫn nghe thấy giọng gào thét da diết của anh và tiếng cửa kính căn phòng lễ tân ấy rung lên theo tiếng hát “Mother don’t go”

Người mẹ Việt Nam ở bên kia đại dương hẳn còn nhớ con trai mình nhiều hơn thế./.

Vâng, đúng là trong ngày Vulan, chẳng có việc gì bằng nằm một mình, vừa đọc “Bông hồng cài áo” của Thích Nhất Hạnh, vừa nghe John Lennon gào thét trên nền piano hai tiếng "Mẹ ơi". (**)


(*) Trong sác tác của Bob Dylan có rất ít những đoạn Chorus hoặc Ref. Nhạc có thể lặp lại nhưng ngôn từ thì luôn khác. Có lẽ chính do nó là một câu chuyện, mà câu chuyện thì không thể lặp lại chính mình.

(**) Viết đến đây mình mới nhớ ra là Lennon cũng mồ côi mẹ từ rất sớm. Bố ông đã bỏ hai mẹ con mà đi lúc ông mới lên 5. Sau đó Lennon phải đến ở cùng bà dì Mimi độc đoán (Nhưng chính bà cũng là người đã mua cho Lennon cây ghi ta đầu tiên trong đời). Do vậy không có gì khó hiểu khi sau này, Lennon đã hát Mother trong nước mắt, đặc biệt là đoạn "Mama, don't go. Daddy, come home".

0 nhận xét: