Recent Posts

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Ăn để mà sống hay sống để mà ăn

Ăn để mà sống, hay sống để mà ăn?

SGTT.VN - Cô giúp việc nhà tôi gọi rối rít vẫy tôi ra cái tivi, “Cô ra đây xem nè, dưa hấu tự nổ ở Trung Quốc, vì tụi nó cho nhiều hoá chất kích thích tăng trưởng quá.” Tôi lên Facebook, nhan nhản các “status” bình luận câu chuyện dưa nổ này: “… mình mà ăn vào chắc mình cũng nổ banh xác luôn”.


Kinh khủng thật, cứ dăm bữa nửa tháng lại rộ lên một vụ xì-căng-đan về thực phẩm. Mà nóng sốt giật gân thế này vài ngày thôi, rồi lại “nguội” ngay ý mà. Tôi nhớ cách đây khoảng mười năm, ở Hà Nội inh ỏi cái vụ bánh phở ngâm chất formaldehyde để bánh phở được “giòn” và bảo quản được lâu, thế là cả thành phố tẩy chay phở, chạy khắp

Hà Nội cũng chỉ kiếm được vài hàng lớn có đủ các loại chứng nhận của hết sở này đến cục nọ mới có khách ăn. Nhưng rồi sau khi vụ đó lắng xuống, người dân lại quay lại với món ruột của mình, và mười năm qua cũng chẳng ai thèm quan tâm bánh phở trong tô phở mình ăn mỗi sáng được ngâm bằng cái gì không nữa.

Nếu các bạn giật mình vì sáng nay vừa ăn tô phở, thì… vẫn chưa hết đâu.

Sự thật đáng sợ

Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm do cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) bộ Y tế phát động, đã diễn ra từ 15.4 – 15.5 vừa qua. Nhưng liệu một tháng hành động như vậy có thể chuyển biến được tình hình vi phạm ATVSTP vốn diễn ra trong suốt cả năm và trên khắp cả nước hay không? Riêng năm 2010, trong 368.000 cơ sở sản xuất thực phẩm được thanh tra thì có gần 150.000 cơ sở vi phạm. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có tám triệu người bị ngộ độc thực phẩm hoặc ngộ độc do liên quan đến thực phẩm!

Đáng lo ngại hơn nữa, chính là những nguy cơ tiềm ẩn từ việc sử dụng các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, cũng như hàng trăm loại hoá chất, phụ gia, phẩm màu dùng để pha chế nước giải khát, thạch rau câu, làm bánh mứt kẹo, làm nước lẩu v.v., nhập từ Trung Quốc với giá cực rẻ và không có hạn sử dụng được bày bán công khai ở các chợ. Và liệu mấy ngày vừa rồi bạn có xơi phải một thứ thực phẩm đã được “tẩy trắng” nào không: từ gà, vịt, dồi trường, mực, tới giá đậu, ngó sen, dừa xiêm?

Ngay với thực phẩm trong nước, nhiều địa phương sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng bừa bãi, không rõ nguồn gốc, thuốc bảo vệ cấm sử dụng, tồn dư hoá chất trong nông sản thực phẩm còn cao. Nhiều mặt hàng được bảo quản bằng chất kháng sinh, hoá chất gây ung thư… Nếu như năm 2000, nguyên nhân các vụ ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 70%) thì tới năm 2010, hoá chất là nguyên nhân chính, chiếm tới trên 60%. Trong khi đó, mỗi năm, trung bình mỗi người dân Việt Nam chỉ được chi… 780 đồng cho công tác đảm bảo ATVSTP.

Hãy tự cứu mình

Tình hình này, chắc mình phải lo cho mình thôi. Tôi chắc các bạn cũng nhiều khi cảm thấy luôn nghi ngờ và khó chọn lựa thực phẩm an toàn cho bản thân và gia đình. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ chị em mình càng ngày càng ý thức hơn trong việc này. Rất nhiều chị em đã biết chọn mua thực phẩm tươi sống ở siêu thị hay những cửa hàng thực phẩm sạch có giấy phép, hay chỉ mua các sản phẩm có dấu hàng chất lượng cao.

Và các bạn chắc đã từng nghe tới “thực phẩm xanh”, vốn đang dần chiếm lĩnh thị trường thực phẩm trên thế giới hiện nay. Một điều dễ hiểu, những gì gây hại cho môi trường chắc chắn cũng chẳng tốt đẹp gì cho sức khoẻ con người.

Hãy lựa chọn thực phẩm hữu cơ

Loại thực phẩm xanh phổ biến nhất, chính là thực phẩm hữu cơ (organic). Đó là những sản phẩm lương thực thực phẩm từ nuôi trồng hữu cơ, là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Thực phẩm hữu cơ an toàn hơn với sức khoẻ của con người, nhất là với trẻ nhỏ, và canh tác nông nghiệp hữu cơ còn giúp giảm gây ô nhiễm cho môi trường sống và nguồn nước, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn tài nguyên không thể tái sinh.

Tại Việt Nam thực phẩm hữu cơ vẫn còn chưa được phổ biến, do nguồn cung hạn chế và giá thành còn cao, ví dụ như rau hữu cơ có giá cao hơn rau thường gấp 2 – 3 lần. Nhưng các bạn thử nghĩ xem, sức khoẻ của con bạn đáng giá bao nhiêu tiền? Hiện đã có một số nhãn hiệu uy tín như rau hữu cơ Asimco, thịt sạch Đức Việt ở Hà Nội, hay các cửa hàng Ecomart (www.ecomart.vn), E-food (www.e-food.com.vn) cung cấp các thực phẩm hữu cơ cơ bản (như rau, thịt, trứng, gạo, chè v.v) và giao hàng tận nhà. Ở TP.HCM thì đã có siêu thị rau sạch của HTX Thỏ Việt, và các siêu thị lớn cung cấp rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng như một số cơ sở nhỏ khác như Rau sạch Kathy (www.thucphamsach.coo.vn).

Hãy làm một người nông dân

Bạn đã bao giờ nghĩ tới chuyện tự trồng rau chưa? Bạn cứ thử đi và sẽ thấy rằng không gì thích bằng việc được thưởng thức những loại rau củ sạch do tự tay mình trồng. Bạn nghĩ rằng quá khó? Không hề! Đã có những công ty chuyên bán vật tư, thiết bị nông nghiệp để trồng rau hữu cơ tại nhà. Mọi thứ đều có sẵn, từ đất, khay trồng, hạt giống, tới các dụng cụ làm vườn, và yên tâm là các cơ sở sẽ hướng dẫn cho bạn từ A đến Z, thậm chí còn đến tận nhà trồng rau giúp bạn và hàng tuần tới chăm sóc rau cho bạn. Các mô hình trồng rau tại nhà, dù bằng phương pháp thuỷ canh hay trồng bằng đất, đều rất phù hợp với các hộ gia đình thành thị vì không cần quá nhiều thời gian chăm sóc, và bạn có thể tận dụng bất cứ khoảng trống nào, chỉ cần có ánh nắng là được. Nhà tôi chỉ có một cái sân thượng chừng 20m2 mà tôi cũng trồng đủ thứ rau cải, mồng tơi, xà lách, rau thơm, chanh, ớt, thậm chí cả ổi. Đối với tôi, mỗi buổi sáng và buổi chiều lên trên đó tưới rau và thằng con lon ton phụ giúp hoặc hái rau cùng, có lẽ là những giây phút thư giãn nhất sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Hãy là người tiên phong

Chắc cũng phải mất vài năm nữa, các loại thực phẩm xanh mới trở nên phổ biến hơn ở nước ta. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, chính các bạn có thể giúp thúc đẩy xu thế này. Ngày hôm nay, mỗi khi đi chợ, bạn hãy liên tục hỏi mua thực phẩm hữu cơ, thì dần dần người bán hàng sẽ phải tìm nguồn cung cấp những loại thực phẩm này. Bạn vừa muốn sống khoẻ mạnh, giảm nỗi lo về nguy cơ bệnh tật cho mình và gia đình, lại vừa muốn một môi trường trong lành hơn cho thế hệ tương lai, phải không nào?

Hoàng Thị Minh Hồng

Bò, chứ không phải xe hơi, là mối đe doạ hàng đầu cho môi trường

Đây là một lời khẳng định trong một báo cáo của Liên hiệp quốc, về mối liên hệ giữa chăn nuôi và biến đổi khí hậu. Trong khi lượng khí nhà kính mà phương tiện giao thông thải ra môi trường chiếm 14%, thì lượng khí thải ra từ việc chăn nuôi gia súc để lấy thịt và bơ sữa chiếm đến 18%.

Đã có khoảng 70% rừng vùng Amazon bị phá để dùng cho chăn nuôi. Và ngoài việc là một nguồn ô nhiễm lớn cho nguồn nước, do các chất thải từ trại chăn nuôi, ngành chăn nuôi còn tiêu thụ số lượng khổng lồ tài nguyên quý báu này. Người ta đã tính phải cần 100.000 lít nước để sản xuất ra 1kg thịt bò, trong khi chỉ cần 2.000 lít nước cho mỗi ký đậu nành. Trong khi 1,1 tỉ người trên thế giới không có được nước sạch và 6.000 trẻ em chết mỗi ngày vì uống nước ô nhiễm thì khoảng 1.000 tỉ khối nước sạch lại bị sử dụng cho việc chăn nuôi mỗi ngày.

Tôi không muốn bảo rằng các bạn không được ăn thịt nữa. Nhưng các bạn hãy nhớ tới những con số này, và có thể ngày nghỉ cuối tuần này, các bạn hãy làm một bữa chả giò chay, thay vì cuốn với thịt như mọi khi? Vừa lạ miệng, vừa giúp giảm cholesterol, vừa tốt cho môi trường.

Và nếu như các bạn có sở thích dùng các loại thực phẩm nhập khẩu, thì các bạn hãy nhớ rằng, miếng thịt bò hay hộp sữa nhập khẩu đó, đã phải bay một chặng dài từ Úc hay Mỹ sang đến Việt Nam, biết bao nhiêu CO2 thải vào khí quyển!

0 nhận xét: