Recent Posts

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

You Are So Beautiful



You are so beautiful to me
You are so beautiful to me
Can't you see
Your everything I hoped for
Your everything I need
You are so beautiful to me

Such joy and happiness you bring
Such joy and happiness you bring
Like a dream
A guiding light that shines in the night
Heavens gift to me
You are so beautiful to me

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Bùi Văn Nam Sơn viết về Lỗi hệ thống

Lỗi hệ thống: chủ nhân hoá nạn nhân

Như đã nói, lỗi hệ thống bắt đầu từ chỗ ta không xác định được hoặc xác định không chính xác loại hình, nguyên tắc tổ chức và mô hình điều khiển của hệ thống mà ta muốn tìm hiểu hay xây dựng. Nhìn chung, người ta thường kể ra các lỗi hệ thống chủ yếu sau đây:

Đi một chân: thiết kế hệ thống theo kiểu “độc canh”, không dự liệu khả năng thay thế, chẳng khác gì một chiếc xe không có bánh “xơ cua”. Toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ khi gặp khủng hoảng.

Độc bộ võ lâm: từ “đi một chân” đến chỗ độc tôn, độc quyền chỉ là một bước nhỏ: mất mối quan hệ liên thông với những hệ thống khác và làm ách tắc toàn bộ đại hệ thống.

Nếu tôi không cần, thì chắc mọi người khác cũng không cần!: đánh giá thấp các giá trị, vì chỉ biết vận dụng những thước đo hay những tiêu chuẩn chủ quan của riêng mình. Một sai lầm tiêu biểu của óc duy ý chí.

Sẽ có ai đó dọn dẹp đống rác!: một hệ thống khi vận hành tất yếu sẽ tạo ra “chất thải”. Có những “chất thải tự nhiên” (ví dụ: các phế phẩm trong quá trình sản xuất, những thí sinh thi hỏng…), nhưng cũng có những “chất thải phản tự nhiên” (ví dụ: sản phẩm giả mạo, bằng giả, bằng thật học giả…) Chúng gây những tác hại ghê gớm cho hệ thống, một khi không dự phòng và đảm bảo được công đoạn “thu gom” và tái – xử lý chúng.

Không lưu ý phản hồi: những tiến trình phản hồi diễn ra liên tục và ngày càng gia tăng cường độ sẽ phá huỷ hệ thống và các bộ phận được phản hồi nếu chúng không được lưu ý và xử lý kịp thời, bởi mọi bộ phận đều có sức chịu đựng nhất định, sẽ đạt “công suất” tối đa một lúc nào đó.

Không lưu ý đến những “trị số tới hạn”: cái gì cũng có ranh giới. Không lưu ý sẽ dẫn đến tổn thất, thậm chí đổ vỡ do “tức nước vỡ bờ”.

Ta còn khối!: chủ quan trong việc tự đánh giá về tiềm lực, dẫn đến việc lãng phí nguồn lực luôn có hạn.

Hành động dựa trên những dữ kiện sai lầm: sử dụng nguồn thông tin không đáng tin cậy và thiếu cơ sở khoa học, do bản thân bộ máy và phương pháp thu thập thông tin không phù hợp hoặc thiếu hiệu quả.

Không đủ nhạy cảm và viễn kiến: để áp dụng tư duy nối mạng và các tư duy tiên tiến khác, bên cạnh tư duy hệ thống cổ điển.

Tóm lại, có những hệ thống tự nhiên mà con người chỉ có thể tìm cách thích nghi, đồng thời cũng có vô số hệ thống mà con người là chủ nhân và… sẽ là nạn nhân của chúng, nếu không kịp thời nhận thức và khắc phục các lỗi hệ thống.

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

By the Rivers Dark-Leonard Cohen

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2010

Tại sao Ipad không thể thay thế hoàn toàn báo giấy?

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Ước mơ chốn thị thành

Tôi hay đọc các tạp chí. Trong một khu rừng các tạp chí hiện nay, có một cuốn mà tôi rất mong ước được cầm trên tay thì lại đã ngưng xuất bản và không biết bao giờ mới tái xuất giang hồ: Saigon City Life. Tất cả những gì mà tạp chí này còn lưu lại là khoảng vài chục bài online mà cho đến giờ cũng không được cập nhật nữa. Tôi đã đọc hết các bài này, và có một điều kì lạ là tất cả các bài viết này đều rất được, rất đáng để đọc. Tôi hiểu rằng đó là một tạp chí rất có “gu”, mà cái “gu” đó lại gần như trùng lắp với cái gu đọc của tôi. Vậy nên tôi kết luận rằng việc Saigon City Life ngưng xuất bản là một điều rất đáng tiêc, ít nhất là với cá nhân tôi. Tôi biết đến nó quá muộn để có thể sở hữu những bản in của nó.

Như thế nào là một City Life? Tôi chẳng phải là một nhà xã hội học để có thể trả lời. Tôi chỉ hình dung ra nó là một cuộc sống nhanh, gấp gáp, bừa bộn lo toan, hào nhoáng, hiện đại, và giàu có,... Đó là cái bề nổi hiện thực mà mọi người đều dễ nhận ra. Nhưng đọc Saigon City Life, tôi hiểu, trong lòng đời sống thành thị hiện đại đang có một dòng chảy ngầm, một trào lưu... sống chậm. Chậm theo đúng nghĩa đen.

Một trong những bài ấn tượng nhất đối với tôi về trào lưu này trên tạp chí là “Ngó vô từ ngoài”, kể chuyện về cuộc sống của một người di tản sang Cali sau 1975. Nhân vật trong bài đã chọn một lối sống mà tôi phát thèm:

“Hai chục năm trước, qua trung gian một người quen của cả hai, tôi nhận được vài tấm ảnh màu của bà bạn chụp hai đứa con gái nhỏ đang cưỡi ngựa trên một nền nâu đất có rừng cây sau lưng, tấm kia - một ngôi nhà tuyết phủ trắng khung gỗ chưa lợp mái. Đó là thông tin duy nhất tôi có được về bạn kể từ tháng tư 1975. Trong thời gian mất liên lạc sau đó, tôi đâu biết không lâu sau khi định cư ở Mỹ gia đình họ đã quyết định bỏ phố chợ về sinh sống vùng hẻo lánh không điện nước, đơn giản chỉ để thực hiện lý tưởng nuôi con không TV, đồng thời để tự cởi bỏ những ràng buộc của chủ nghĩa tiêu dùng, và nhiều thứ khác nữa. Lúc nhận mấy tấm ảnh, tôi không biết gì hơn ngoài những cái nhìn thấy trong ảnh. Hoá ra họ đã trụ lại được Coloma Valley hơn hai thập niên, nuôi con theo kiểu bà mẹ của thầy Mạnh Tử, xài đèn dầu, tắm nước giếng, nuôi gia súc, thư giãn cuối tuần giữa thiên nhiên phơi phới - hoàn toàn tránh xa mọi bon chen vật chất của xã hội Mỹ. Trong khi ở Việt Nam người ta đi kinh tế mới với bộ mặt nhăn nhó vì khổ cực và bộ dạng quắt queo vì thiếu ăn, ngay giũa lòng nước Mỹ, người Việt Nam nhỏ thó là bạn tôi đã làm một chuyện tréo cẳng ngỗng. Vậy đó mà ba đứa con, một đứa trở thành kiến trúc sư - chắc do ám ảnh và kinh nghiệm xây nhà ở tuổi thiếu niên, một đứa là nhà văn - nhờ không xen TV nên có nhiều thì giờ cho việc đọc sách, và cô Út, nhà sinh vật học - kết quả từ một tuổi thơ giữa hoa đồng cỏ nội.”

Bài này tôi đọc cũng đã lâu, nhưng hôm nay nhớ lại là vì đọc một bài viết về PV Đỗ Hồng Cư, trong đó có kể một trường hợp khác tương tự:

“Tôi kể bạn nghe thêm một kỷ niệm khó quên ở Mỹ. Thỉnh thoảng, tôi hay đi chợ người Việt, cách xa nhà chừng 45 phút lái xe. Tôi thèm ăn rau muống. Tôi phát hiện ra một gia đình chuyên trồng đủ các loại rau Việt Nam, tôi tìm đến. Bà ấy tên là bà Bọc. Khi tôi đến, bà Bọc- đầu đội nón mê, chân tay cáu bẩn, đang ngồi ăn cơm nguội chan canh rau dền ở góc vườn. Chồng bà là người Mỹ, cao to đẹp trai, làm kế toán, nhưng cứ rảnh rỗi lại ra vườn giúp vợ chăm sóc các loại rau. Nhìn bà Bọc ăn cơm nguội chan canh rau dền, chồng bà bắc dàn cho rau bí leo, tôi cảm giác, đó như một tác phẩm văn học. Vậy là tôi lại quay về nhà, lấy camera đến quay.

Nhà bà Bọc có đủ các loại rau quen thuộc của Việt Nam, từ cây rau húng, cây ớt, rau muống, rau bí… Bà Bọc nhìn đúng là một bà nông dân thuần chất. Bà quê gốc tận Hưng Yên, sang Mỹ từ năm 1975. Tôi hỏi bà, tại sao sống ở Mỹ ngần ấy năm, bà không hề thay đổi? Bà Bọc trả lời, chả có lý do gì phải thay đổi. Bố mẹ bà là nông dân, và bà cứ việc sống như một nông dân thứ thiệt trên đất Mỹ.

Tôi đã ngồi cạnh bà Bọc ở vườn rau muống, được bà mời một bát cơm nguội chan canh rau dền, cảm giác vừa thương nhớ, vừa gần gũi. Sau khi hoàn thành phóng sự, tôi có hứa sẽ gửi tặng đĩa CD phóng sự này, nhưng bà bảo, bà chẳng cần đĩa, chỉ cần khi nào có người về Việt Nam, mua giúp bà mấy cái nón mê là được. (Tôi đã thực hiện được lời hứa này khi gửi tặng bà mấy cái nón mê... đó là những kỷ niệm không bao giờ quên của đời tôi).”

Ôi, sống chậm. Chẳng phải tự nhiên mà tôi có một ước mơ.

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Fighting Temptation

Đấy là tên một "Lunch-time movie" trên HBO thứ 6 tuần trước. Vẫn như nhiều phim Mỹ khác thường có lời thoại rất hay, phim này có hai câu thoại làm mình nhớ mãi. Ông chủ sa thải cậu nhân viên vì "Chúng tôi không thể để những kẻ nói dối đại diện cho mình", và anh chàng biện hộ: "Nhưng chúng ta làm trong ngành quảng cáo mà". -:)

Nếu quảng cáo đã được "mặc định" là nói dối thì cái gì sẽ xảy ra nếu những gì mình quảng cáo là sự thật?

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Kiêng khem - Márai Sándor

Không nên quay về những căn phòng cũ, dù ta đã từng hạnh phúc hay bất hạnh trong những căn phòng ấy. Không nên gặp lại những người xưa mà cách đây mười hay hai mươi năm, ở một thời điểm trưởng thành nào đó, chúng ta đã từ biệt họ. Hãy lịch sự trả lời thư bạn cũ, nhưng đừng hẹn gặp, nhất là bạn gái cũ thì càng không nên. Không nên tới đám ma. Không được để mình bị lôi cuốn vào những rắc rối của những cuộc đời xa lạ mà xét cho cùng mình chẳng hề có liên quan gì. Không nên nhìn lại những gì đã qua.

Nhưng tất cả điều đó không có nghĩa là sự không thuỷ chung, cũng không phải sự lãnh cảm với con người. Đó chỉ là sự kiêng khem, không là gì khác. Tâm hồn cũng không chịu nổi đồ ăn đã hư hỏng, thối rữa; hãy nuôi dưỡng tâm hồn bằng vitamin, những hương vị mới, tươi mát. Hãy yêu con người, nhưng hãy chú ý và thận trọng với những sự vụ đáng ngờ của họ. Hãy thương họ, nhưng phải nghĩ rằng nước mắt bạn là dành để nhỏ xuống cho số mệnh người thân yêu của bạn. Hãy thân thiện với thế giới, nhưng hãy biết rằng bạn không thể thay đổi những quy luật của nó - thế giới là vô vọng - và đừng hòa nhập vào đám tang của sự lo âu và than vãn. Hãy biết kiêng khem cho cả thể xác và tinh thần, không phải để kéo dài cuộc sống, cuộc sống không thể đo bằng thời gian. Hãy kiêng khem để có thể sống nhiều hơn và sống thực hơn. Hãy gìn giữ thứ gia vị của đời sống, và đừng ăn quá nhiều gia vị.

Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

Linh tinh

*
Ông Dương Thụ cứ ca ngợi mãi cữ "Cà phê mưa", khiến mình phát thèm mà chưa có lần nào được trải nghiệm. Hà Nội đã lại qua một mùa mưa, nên có lẽ phải đợi đến sang năm mới lại có cơ hội để thử xem cái cà phê dưới trời mưa tầm tã nó thế nào.

*
Đối với mình, cho đến giờ, trải nghiệm cà phê thú vị nhất là vào sáng sớm và chiều muộn. Cà phê sáng cho mình cái tĩnh cần thiết trước một ngày làm việc. Cà phê chiều muộn cho mình nỗi nhớ nhà, khi quán xá vắng tanh và phố phường bắt đầu lên đèn.

Nhưng dù là sáng trưa chiều hay tối, "come rain or come shine" (*), cà phê, theo mình tốt nhất là nên đi một mình. Nếu có hai người trở lên thì cũng phải là những tri kỷ, đủ để ngồi cà phê cùng nhau đó, mà không phải nói với nhau quá nhiều. Có thế, thì cà phê nó mới còn là cà phê. Ngược lại thì nó trở thành... cà pháo mất rồi.

*
Mới mua được "Bốn mùa, Trời và Đất" - tập tản văn của Márai Sándor, nhà văn lưu vong Hungari. Cuốn này là tập hợp rất nhiều tản văn ngắn, đọc rất thú vị. Mình có vẻ quan tâm nhiều đến các tác giả Hungari kể từ khi đọc các tác phẩm của Kónai Janós - chủ yếu do bác Quang A dịch và giới thiệu, và Những người Hungari đoạt giải Nobel. Phải đọc cuốn này thì mới thấy Hungari là một đất nước kỳ lạ: nó sản sinh ra những con người cực kỳ xuất sắc, rồi lại đẩy phần lớn những con người đó vào một cuộc sống lưu vong, thiếu quê hương.

*
Dạo này mình có vẻ hợp với phong cách Ireland, kiểu "in the mood of Ireland" vậy. Rất nhiều những khoảnh khắc phát hiện ra mình đang đọc James Joyce trong lúc nghe Van Morrison. Cũng phải nói thêm là gần đây nghe lại Van Morrison mới phát hiện ra Cleaning Windows đúng là "Lau cửa sổ" thật. Một nghề hẳn hoi. Lau cửa sổ mà thú vị như thế thì ai bảo lau cửa sổ là khổ? Nghe Cleaning Windows cũng không khỏi không liên tưởng đến A Day in the Life của The Beatles ở chỗ cứ lần lượt kể ra trình tự công việc diễn ra trong ngày.

*
Sáng nay 6/9, cả nhà đưa Tít đi khai giảng, do có lợi thế là Tít học ở "trường làng" ngay cạnh nhà. Tiếc là không mang máy ảnh đi chụp cho Tít vài kiểu. Buổi tối lướt FB thấy bác XB "khóc" trên wall, đưa con đi khai giảng mà không hiểu "trường hay là... chuồng, cô hay là... ma cô", cũng muốn khóc theo. Nhưng thế nào thì đó cũng là một ngày trọng đại của con trẻ, con nó vui là mình vui rồi. Những thứ khác, kể gì.

*
Bạn trên FB có tag mình một note rất dài về đền chùa miếu mạo quanh nơi mình sinh ra và lớn lên, làm mình chạnh lòng nhớ tới tuổi thơ xa-mà-gần, cho ngay một comment rất dài. Bạn cũng comment lại, đại ý: "chưa nhìn được về phía trước nên phải nhìn về đằng sau vậy". Kể cũng đúng. Ô, dưng mà bà xã mình dạo này đi học một lớp chính trị, về nhà lại bày đặt bắt đầu tập tành "nhìn về phía trước". Lớp học chính trị mà lại có tác động như thế thì kể cũng thánh thật.

Hay là mình cũng đăng ký học chính trị nhỉ?

*
(*) Come Rain or Come Shine