Recent Posts

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Ước mơ chốn thị thành

Tôi hay đọc các tạp chí. Trong một khu rừng các tạp chí hiện nay, có một cuốn mà tôi rất mong ước được cầm trên tay thì lại đã ngưng xuất bản và không biết bao giờ mới tái xuất giang hồ: Saigon City Life. Tất cả những gì mà tạp chí này còn lưu lại là khoảng vài chục bài online mà cho đến giờ cũng không được cập nhật nữa. Tôi đã đọc hết các bài này, và có một điều kì lạ là tất cả các bài viết này đều rất được, rất đáng để đọc. Tôi hiểu rằng đó là một tạp chí rất có “gu”, mà cái “gu” đó lại gần như trùng lắp với cái gu đọc của tôi. Vậy nên tôi kết luận rằng việc Saigon City Life ngưng xuất bản là một điều rất đáng tiêc, ít nhất là với cá nhân tôi. Tôi biết đến nó quá muộn để có thể sở hữu những bản in của nó.

Như thế nào là một City Life? Tôi chẳng phải là một nhà xã hội học để có thể trả lời. Tôi chỉ hình dung ra nó là một cuộc sống nhanh, gấp gáp, bừa bộn lo toan, hào nhoáng, hiện đại, và giàu có,... Đó là cái bề nổi hiện thực mà mọi người đều dễ nhận ra. Nhưng đọc Saigon City Life, tôi hiểu, trong lòng đời sống thành thị hiện đại đang có một dòng chảy ngầm, một trào lưu... sống chậm. Chậm theo đúng nghĩa đen.

Một trong những bài ấn tượng nhất đối với tôi về trào lưu này trên tạp chí là “Ngó vô từ ngoài”, kể chuyện về cuộc sống của một người di tản sang Cali sau 1975. Nhân vật trong bài đã chọn một lối sống mà tôi phát thèm:

“Hai chục năm trước, qua trung gian một người quen của cả hai, tôi nhận được vài tấm ảnh màu của bà bạn chụp hai đứa con gái nhỏ đang cưỡi ngựa trên một nền nâu đất có rừng cây sau lưng, tấm kia - một ngôi nhà tuyết phủ trắng khung gỗ chưa lợp mái. Đó là thông tin duy nhất tôi có được về bạn kể từ tháng tư 1975. Trong thời gian mất liên lạc sau đó, tôi đâu biết không lâu sau khi định cư ở Mỹ gia đình họ đã quyết định bỏ phố chợ về sinh sống vùng hẻo lánh không điện nước, đơn giản chỉ để thực hiện lý tưởng nuôi con không TV, đồng thời để tự cởi bỏ những ràng buộc của chủ nghĩa tiêu dùng, và nhiều thứ khác nữa. Lúc nhận mấy tấm ảnh, tôi không biết gì hơn ngoài những cái nhìn thấy trong ảnh. Hoá ra họ đã trụ lại được Coloma Valley hơn hai thập niên, nuôi con theo kiểu bà mẹ của thầy Mạnh Tử, xài đèn dầu, tắm nước giếng, nuôi gia súc, thư giãn cuối tuần giữa thiên nhiên phơi phới - hoàn toàn tránh xa mọi bon chen vật chất của xã hội Mỹ. Trong khi ở Việt Nam người ta đi kinh tế mới với bộ mặt nhăn nhó vì khổ cực và bộ dạng quắt queo vì thiếu ăn, ngay giũa lòng nước Mỹ, người Việt Nam nhỏ thó là bạn tôi đã làm một chuyện tréo cẳng ngỗng. Vậy đó mà ba đứa con, một đứa trở thành kiến trúc sư - chắc do ám ảnh và kinh nghiệm xây nhà ở tuổi thiếu niên, một đứa là nhà văn - nhờ không xen TV nên có nhiều thì giờ cho việc đọc sách, và cô Út, nhà sinh vật học - kết quả từ một tuổi thơ giữa hoa đồng cỏ nội.”

Bài này tôi đọc cũng đã lâu, nhưng hôm nay nhớ lại là vì đọc một bài viết về PV Đỗ Hồng Cư, trong đó có kể một trường hợp khác tương tự:

“Tôi kể bạn nghe thêm một kỷ niệm khó quên ở Mỹ. Thỉnh thoảng, tôi hay đi chợ người Việt, cách xa nhà chừng 45 phút lái xe. Tôi thèm ăn rau muống. Tôi phát hiện ra một gia đình chuyên trồng đủ các loại rau Việt Nam, tôi tìm đến. Bà ấy tên là bà Bọc. Khi tôi đến, bà Bọc- đầu đội nón mê, chân tay cáu bẩn, đang ngồi ăn cơm nguội chan canh rau dền ở góc vườn. Chồng bà là người Mỹ, cao to đẹp trai, làm kế toán, nhưng cứ rảnh rỗi lại ra vườn giúp vợ chăm sóc các loại rau. Nhìn bà Bọc ăn cơm nguội chan canh rau dền, chồng bà bắc dàn cho rau bí leo, tôi cảm giác, đó như một tác phẩm văn học. Vậy là tôi lại quay về nhà, lấy camera đến quay.

Nhà bà Bọc có đủ các loại rau quen thuộc của Việt Nam, từ cây rau húng, cây ớt, rau muống, rau bí… Bà Bọc nhìn đúng là một bà nông dân thuần chất. Bà quê gốc tận Hưng Yên, sang Mỹ từ năm 1975. Tôi hỏi bà, tại sao sống ở Mỹ ngần ấy năm, bà không hề thay đổi? Bà Bọc trả lời, chả có lý do gì phải thay đổi. Bố mẹ bà là nông dân, và bà cứ việc sống như một nông dân thứ thiệt trên đất Mỹ.

Tôi đã ngồi cạnh bà Bọc ở vườn rau muống, được bà mời một bát cơm nguội chan canh rau dền, cảm giác vừa thương nhớ, vừa gần gũi. Sau khi hoàn thành phóng sự, tôi có hứa sẽ gửi tặng đĩa CD phóng sự này, nhưng bà bảo, bà chẳng cần đĩa, chỉ cần khi nào có người về Việt Nam, mua giúp bà mấy cái nón mê là được. (Tôi đã thực hiện được lời hứa này khi gửi tặng bà mấy cái nón mê... đó là những kỷ niệm không bao giờ quên của đời tôi).”

Ôi, sống chậm. Chẳng phải tự nhiên mà tôi có một ước mơ.

0 nhận xét: