Tôi đọc “Thế giới là một cuốn sách mở” từ năm 2009, đọc đâu đó vài chục trang, rồi gác lên giá sách. Thế mà bẵng đi cho đến tận những ngày cuối cùng của năm 2012 này, tôi mới lại giở ra để đọc – một sự lãng quên mà tôi cũng không thể cắt nghĩa được. Khoảng cách giữa hai lần giở cùng một cuốn sách hoá ra cũng giống như giữa hai lần hạnh ngộ của con người, đôi khi vì vô tình mà khoảng cách ấy cứ kéo dài mãi.
Giờ thì tôi đang đọc lại nó, sau khi đã đọc nhiều cuốn sách khác của Nhã Nam, đã đọc các bản dịch khác của dịch giả Giáp Văn Chung, và đã đọc một vài nhà văn được phỏng vấn trong cuốn sách - Paul Auster, Orhan Pamuk và Umberto Eco, - mỗi người một ít. Có lẽ vì thế mà cuốn sách trở nên có ý nghĩa hơn so với lần đọc đầu tiên, vì một lẽ đơn giản là, khi nào cũng vậy, nếu ta đã thích các tác phẩm của nhà văn [và vì vậy trở nên yêu mến họ], ta sẽ luôn tò mò về quá trình họ tạo ra tác phẩm ấy. Đọc về một vài nhà văn, dù mỗi người có một phong cách khác nhau, ta đều tìm thấy ở họ một điểm chung: viết văn là một lao động khổ sai, cần sự nghiêm túc và kỷ luật, nhưng ý tưởng cho những tiểu thuyết làm ta say đắm thì lại thường khởi đầu hết sức tình cờ, đôi khi có phần giản đơn.
Tôi luôn thích đọc những bài phỏng vấn các nhà văn. Một phần vì khi đọc các tác phẩm của họ, giống như một gã học trò ngốc nghếch, rất thường khi tôi không thể nắm bắt được toàn bộ những gì mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm của họ. Nhặt nhạnh được điều gì đó thì có, chắc chắn có, nhưng thông điệp cốt yếu thì lại không. Vì vậy, đọc sách giống như là bài giảng chính ở trên lớp, các cuộc phỏng vấn giống như những buổi thảo luận riêng với thầy giáo, - những buổi thảo luận ngắn nhưng đầy thú vị, cung cấp và bổ sung những chi tiết mà bài giảng chính không có, thoát ra khỏi cái không khí “chính thống” của “lớp học”, vì vậy mà gần gũi và dễ hiểu hơn nhiều. Đọc các cuộc phỏng vấn này còn tạo ra cái cảm giác như là được trò chuyện với chính nhà văn, và nhận ra mỗi người như một nhà thông thái, và, nếu như ta là người đang đi kiếm tìm một điều gì đó từ cuộc sống, một thứ mà đôi khi thậm chí ta còn chưa biết là gì, hẳn là những bài phỏng vấn này đã cho ta một vài câu trả lời, hoặc chí ít, một lời khuyên, một gợi ý, hay một đường hướng dẫn tới câu trả lời ấy.
Cuốn sách này còn đi xa hơn một chút, là bên cạnh mỗi bài phỏng vấn một nhà văn còn có kèm thêm những ghi chép/bút ký/nhật ký của tác giả cuốn sách, người đã tổ chức và trực tiếp phỏng vấn các nhà văn: Lévai Balázs, - những đoạn ghi chép rất thú vị và nếu tách riêng cũng có thể làm thành một cuốn bút ký đầy hấp dẫn.
Đấy, một cuốn sách như thế mà tôi lại quên mất. Rất may là nó vẫn còn trên giá và vào một ngày giữa đông lạnh buốt, nó lại chính là thứ đã đem lại cho tôi một chút hơi ấm, và chắc chắn, sẽ là một cuốn cẩm nang cho sự đọc tiếp theo của tôi.
[Ghi chép trong lúc đang đọc dở “Thế giới là một cuốn sách mở”/Lévai Balázs, Giáp Văn Chung dịch, nhà Nhã Nam, 2009]
0 nhận xét:
Đăng nhận xét