Recent Posts

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Một tối thứ Hai


Tôi đã từng dệt ước mơ với nhiều kiểu giá sách khác nhau, nhưng những cái giá sách được mơ ước nhiều nhất vẫn là những giá sách do Frank Loyld Wright thiết kế: đơn giản, mộc mạc, và đặc biệt là mở - tất cả đều không có cánh cửa. Theo ông, đồ vật cần phải đẹp, và vì vậy tự thân nó có nhu cầu được trưng bày. Ông còn cực đoan đến mức: “Nếu một vật không thể trưng ra được, hãy ném nó đi”. Những cuốn sách, do đó, cũng cần phải được phô ra vẻ đẹp của chúng. Đấy là lý do chúng ta không cần cánh cửa cho các giá sách.

Tất nhiên tôi không đến mức cực đoan như FL Wright (vì phát biểu như vậy mà nhiều người còn gọi ông là FL Wrong), tôi cũng không cho rằng sách là để trưng bày. Nhưng với một người đọc amateur như tôi, những giá sách mở như một sự mời mọc, một gợi ý, và đôi khi, một yêu cầu từ một cuốn sách: hãy đọc tôi. Những cuốn nằm im sau cánh cửa kín như bưng không có được cái lợi thế ấy: một kẻ hay quên và lười nhác như tôi chẳng mấy khi nhớ nổi trong đó có gì. Một giá sách mở còn có lợi ích là nó gây ấn tượng một cách trực tiếp lên các bạn nhỏ trong nhà. Tuy vừa mới biết đọc được bập bõm vài chữ, nhưng đưa bạn Tí đi nhà sách, bạn ấy đã chỉ ra rất nhiều cuốn mà “nhà mình cũng có”. Một lần khác, hai bố con cùng xem một bộ phim kể về thời niên thiếu của John Lennon, bố tranh thủ lôi cuốn tiểu sử của ông do Philip Norman viết ra “khoe” với bạn Tí: “Chú John ở trong phim chính là người trong cuốn sách này đấy”, thì bạn ấy đã nói nói thế này “À, quyển này nhà mình có lâu rồi”.

Tất nhiên, lại tất nhiên, một giá sách mở cũng gây nhiều phiền toái. Thứ nhất là nó không tránh bụi cho các cuốn sách. Ở trường hợp của FL Wright, nhiều người thường mỉa mai rằng hẳn là ông không bao giờ phải đi phủi bụi cho những cuốn sách nên mới thiết kế những giá sách như vậy. Trong trường hợp của tôi, với hai chú nhóc quá hiếu động trong nhà, toàn bộ các ngăn dưới nơi mà các chú ấy có thể với tay lên được đều phải để trống trong một thời gian dài cho tới khi các chú ấy đủ lớn để có ý thức, nếu muốn các cuốn sách được vẹn toàn.

Nhưng cho dù thế thì cũng không sao cả, vì ta luôn phải đánh đổi, và vì, cũng lại như những gì Fabienne Brugère đã viết trong cuốn sách mỏng của ông: “Vẻ đẹp bao giờ cũng đáng được bỏ màn che, nó như sự mời mọc vào một chuyến du hành dài với những điều ngạc nhiên, những thích thú và khó chịu của chuyến đi.”

0 nhận xét: