Recent Posts

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Om Mani Padme Hum/Buedi Siebert

           

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Chào 2013

Bằng nhạc của Frédéric Chopin.




2012


Một tổng kết ngắn cho 2012, nhân ngày làm việc cuối cùng của năm Dương lịch.

Mất:
- Toàn bộ những gì tích luỹ được trong vòng 8 năm trở lại đây. Nếu tính đủ thì còn là một con số âm. Nói theo kiểu của Donald Trump thì hiện tại mình nghèo hơn cả một tay đánh giày. Những gì duy nhất còn giữ lại được là cái mà người ta vẫn gọi là “kinh nghiệm”. [thật mỉa mai thay cho kinh nghiệm]

Được:
- Có nhiều thời gian hơn cho gia đình: chơi với con nhiều hơn, giúp vợ được nhiều hơn, ở nhà nhiều hơn, và bắt đầu nghĩ đến bản thân mình nhiều hơn. “Từ nay mình biết yêu mình.”
- Đọc được nhiều hơn, nếu không nói là nhiều lần hơn. Chuyển từ đọc các tác phẩm kinh tế-kinh doanh sang các tác phẩm văn học. Cuộc sống vì vậy mà nhân bản hơn, nhận thức cũng rộng hơn, và biết là trong gần chục năm qua mình đã bỏ quên mất điều gì.
- Nghe nhạc trở lại.
- Gần như không xem TV, trừ các chương trình dạy/thi nấu ăn xem cùng cả nhà.
- Có nhiều bạn bè hơn.
- Hướng năng lượng [energy] vào việc sống hơn là tồn tại.

Kết luận: Được nhiều hơn Mất. 2012 không phải là năm tận thế.

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Đêm đầy ánh sáng


Rốt cuộc thì Giáng sinh có ý nghĩa gì đối với một kẻ luôn tự khai là không tôn giáo trong lý lịch? Tự thân nó không có ý nghĩa gì cả, nhưng trong ngày đó về nhà sớm, chen chúc trong cửa hàng mua đồ chơi cho lũ nhóc, chen chúc trên đường vừa lạnh vừa kẹt xe để tìm mua vài viên bánh macarons hòng làm quà cho bà xã ngạc nhiên nhưng chỗ nào cũng hết [hic], uống vài lon bia trong bữa tối, đọc Nhóc Nicolas cho hai bạn Tít Tí nghe trước khi đi ngủ và trong lúc đọc thì cả ba bố con cùng cười như nắc nẻ,... thì Giáng sinh thành ra có một ý nghĩa nào đó mà người ta không thể quên.

Khi đêm đã buông, trong tiếng chuông vọng lại từ phía nhà thờ làng Tám, tôi bước ra cầu thang và thấy một cái gì đó thật lạ: ánh trăng đang tràn ngập khoảng giếng trời nho nhỏ. Trăng mùa đông không vằng vặc nhưng cũng đủ soi tỏ một góc nhà, một khối ánh sáng nhẹ nhàng được đúc từ bốn bức tường của giếng trời, đẹp đến mức tưởng như có thể biến người đang ngắm nhìn nó thành nhà thơ được [nhưng rốt cuộc rồi ánh trăng cũng bất lực, -:)]. Một đêm trăng như thế hẳn cũng vẫn đẹp trong một ngày bình thường, nhưng trong một đêm Noel, nó lại trở nên có một ý nghĩa nào đó, như là một đêm Giáng sinh đẹp và an lành, chẳng hạn thế. Ở lúc đó thì tôi nhận ra rằng ý nghĩa chỉ là thứ mà ta ghán ghép cho sự vật. Mặt trăng lúc nào cũng ở đó, tự tại và vô can, vậy thì ta đi tìm ý nghĩa để làm gì? Hãy cứ uống bia, đọc sách, vui chơi với trẻ con, và ngắm trăng, nếu có thể được. Đời thế là vui.

Quên


Tôi đọc “Thế giới là một cuốn sách mở” từ năm 2009, đọc đâu đó vài chục trang, rồi gác lên giá sách. Thế mà bẵng đi cho đến tận những ngày cuối cùng của năm 2012 này, tôi mới lại giở ra để đọc – một sự lãng quên mà tôi cũng không thể cắt nghĩa được. Khoảng cách giữa hai lần giở cùng một cuốn sách hoá ra cũng giống như giữa hai lần hạnh ngộ của con người, đôi khi vì vô tình mà khoảng cách ấy cứ kéo dài mãi.

Giờ thì tôi đang đọc lại nó, sau khi đã đọc nhiều cuốn sách khác của Nhã Nam, đã đọc các bản dịch khác của dịch giả Giáp Văn Chung, và đã đọc một vài nhà văn được phỏng vấn trong cuốn sách - Paul Auster, Orhan Pamuk và Umberto Eco, - mỗi người một ít. Có lẽ vì thế mà cuốn sách trở nên có ý nghĩa hơn so với lần đọc đầu tiên, vì một lẽ đơn giản là, khi nào cũng vậy, nếu ta đã thích các tác phẩm của nhà văn [và vì vậy trở nên yêu mến họ], ta sẽ luôn tò mò về quá trình họ tạo ra tác phẩm ấy. Đọc về một vài nhà văn, dù mỗi người có một phong cách khác nhau, ta đều tìm thấy ở họ một điểm chung: viết văn là một lao động khổ sai, cần sự nghiêm túc và kỷ luật, nhưng ý tưởng cho những tiểu thuyết làm ta say đắm thì lại thường khởi đầu hết sức tình cờ, đôi khi có phần giản đơn.

Tôi luôn thích đọc những bài phỏng vấn các nhà văn. Một phần vì khi đọc các tác phẩm của họ, giống như một gã học trò ngốc nghếch, rất thường khi tôi không thể nắm bắt được toàn bộ những gì mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm của họ. Nhặt nhạnh được điều gì đó thì có, chắc chắn có, nhưng thông điệp cốt yếu thì lại không. Vì vậy, đọc sách giống như là bài giảng chính ở trên lớp, các cuộc phỏng vấn giống như những buổi thảo luận riêng với thầy giáo, - những buổi thảo luận ngắn nhưng đầy thú vị, cung cấp và bổ sung những chi tiết mà bài giảng chính không có, thoát ra khỏi cái không khí “chính thống” của “lớp học”, vì vậy mà gần gũi và dễ hiểu hơn nhiều. Đọc các cuộc phỏng vấn này còn tạo ra cái cảm giác như là được trò chuyện với chính nhà văn, và nhận ra mỗi người như một nhà thông thái, và, nếu như ta là người đang đi kiếm tìm một điều gì đó từ cuộc sống, một thứ mà đôi khi thậm chí ta còn chưa biết là gì, hẳn là những bài phỏng vấn này đã cho ta một vài câu trả lời, hoặc chí ít, một lời khuyên, một gợi ý, hay một đường hướng dẫn tới câu trả lời ấy.

Cuốn sách này còn đi xa hơn một chút, là bên cạnh mỗi bài phỏng vấn một nhà văn còn có kèm thêm những ghi chép/bút ký/nhật ký của tác giả cuốn sách, người đã tổ chức và trực tiếp phỏng vấn các nhà văn: Lévai Balázs, - những đoạn ghi chép rất thú vị và nếu tách riêng cũng có thể làm thành một cuốn bút ký đầy hấp dẫn.

Đấy, một cuốn sách như thế mà tôi lại quên mất. Rất may là nó vẫn còn trên giá và vào một ngày giữa đông lạnh buốt, nó lại chính là thứ đã đem lại cho tôi một chút hơi ấm, và chắc chắn, sẽ là một cuốn cẩm nang cho sự đọc tiếp theo của tôi.

[Ghi chép trong lúc đang đọc dở “Thế giới là một cuốn sách mở”/Lévai Balázs, Giáp Văn Chung dịch, nhà Nhã Nam, 2009]

Trò chuyện trong bữa tối (21/12/2012)


Trong bữa tối, hai bạn Tít&Tí đề xuất rất nhiều kế hoạch "ăn chơi", nhưng đều bị bố mẹ gạt đi, lý do là không còn tiền để thực hiện kế hoạch của các bạn ấy. Các bạn ấy hỏi tại sao, bố trả lời là vì bố không bán được hàng nên không còn tiền. Hai bạn tỏ vẻ mặt rất thông cảm, rồi phán:

Bạn Tít: À, tôi biết rồi. Bây giờ công nghệ phát triển như thế, ai còn dùng đồ điện tử như của ông nữa.

Bạn Tí: Đúng rồi. Bây giờ cứ có máy tính nối mạng, vào internet là có hết, ai còn dùng đến đồ điện tử như của ông nữa, nhỉ, ông Tít nhỉ?

Thôi, thế bố đi đốt cái bằng kinh tế đây. Hết kiến thức để truyền đạt cho các bạn ấy rồi.

Chú thích: Chuyện phiếm trong nhà thì các bạn ấy gọi bố là ông, xưng tôi. -:(

Come Rain or Come Shine

Hôm nay là sinh nhật nàng, cái sinh nhật lần thứ chín chúng tôi sống cùng nhau, dưới một mái nhà. Thời gian trôi đi, người ta thường hỏi, thành tựu của chúng tôi là gì? Tiền bạc ư? Không. Quyền lực ư? Cũng không nốt. Thành tựu của chúng tôi là đây: lũ quỷ nhỏ của chúng tôi, hoa trái của đời chúng tôi.

Thời gian trôi đi, chúng tôi đã cùng nhau đi qua bao ngày nắng đẹp, đã cùng nhau lặng ngắm mặt trời lên trên đỉnh Angkor Wat, cùng nhau rong ruổi trên những cung đường đẹp như mơ cả một vùng Tây Bắc, cùng ngắm chiều thu buông dần bên Hồ Tây, cùng ngồi trên bãi cỏ trường RMIT một đêm cuối xuân và nghe Bob Dylan hát Love Sick,... Nhưng những vẻ đẹp ấy chẳng là gì, chỉ là những hạt bụi li ti nếu đặt cạnh những bão giông, những khổ đau mà tôi đã gây ra. Nàng đã cùng tôi đi xuyên qua tất cả những thứ ấy, lặng lẽ, kiên cường. Trong những cơn trầm cảm kéo dài, những nỗi cô đơn cùng cực, tôi biết vẫn luôn có nàng ở đó, bên cạnh mình. Những lúc giông bão cuộc đời bủa vây, không một xu dính túi, tôi về nhà và nàng đứng đó, trong bếp, nhìn tôi và cười, tôi càng xác tín rằng nàng chính là nơi trú ẩn, là “shelter from the storm” của đời mình. Nàng ở đó, và rốt cuộc không còn gì là quan trọng nữa. Rốt cuộc, rốt cuộc thì trong ngày này, tôi muốn được cùng nàng nghe lại “Come rain or come shine” – bài hát mà tôi đã nghe nhiều năm trước trong những lúc tuyệt vọng âm thầm vì không có nàng ở bên.

Chủ Nhật & đỗ tương


Sáng dậy sớm đọc 1Q84 2, đến đoạn tả anh Tengo luộc đỗ tương thì buông sách; từ lúc đấy thì mùi đất xốp, mùi nắng hanh, mùi đỗ tương tươi ngai ngái, hai bàn tay ngứa ran vì cọ vào quả đỗ tương từ những buổi đi thu hoạch đỗ tương cho bà dì ở quê cứ thế tràn về, rồi sau đó là hình ảnh một ông nhóc con 10 tuổi còi dí đạp cái xe lọc cọc đằng sau có chở một bó cây đỗ tương lớn về nhà, đỗ tương cả cành tươi cho vào nồi, và luộc. Ôi chao là ngon.

Đến gần trưa thì hai bố con đi cắt tóc trong một con ngõ nhỏ. Ngồi ngắm ông thợ già cắt tóc cho bạn Tí, trong đầu cứ vang lên giai điệu của bản Penny Lane: “Penny Lane there is a barber showing photographs/Of every head he's had the pleasure to have known/And all the people that come and go/Stop and say hello”. Lúc hai bố con quay về, thế nào lại gặp ngay một bà bán rau trong ngõ, trên miếng vải bạt bày ra trước mặt bà còn sót lại vài mớ đỗ tương rất ngon, mập căng. Thế là lại sà vào làm một mớ. Và rồi trong một chiều Chủ Nhật, lại có người vừa ngồi ăn đỗ tương luộc vừa nghe vẳng bên tai giọng anh John Lennon:“Penny Lane is in my ears and in my eyes”. Nếu tôi mà hát câu này, chắc tôi sẽ đổi Penny Lane thành Soya-Bean.

Rốt cuộc thì văn học nghệ thuật có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống? Đối với tôi có lẽ chỉ đơn giản vậy thôi. 

Những ngày này


Những ngày này, tôi chỉ muốn được trở về với một cái giếng làng, đầy nước, trong vắt và tĩnh lặng; chỉ để được đứng bên nó, ngồi bên nó, để soi xuống nó hòng thấy được lòng mình, để tìm kiếm nơi đó sự an trú tĩnh tại, tìm kiếm cái sức mạnh của nước, nguồn sống của nước, sự vuốt ve và an ủi của nước mát lành. Một cái giếng như thế hẳn sẽ là nguồn sống cần thiết cho cái đầu đang khô héo, cằn cỗi nơi tôi.

Những ngày này, tôi chỉ muốn được cùng một người rong ruổi trên những cung đường Tây Bắc cho qua ngày, đoạn tháng. Một buổi sáng nào đó, cả hai sẽ dừng xe, ngồi xuống vệ đường đun nước pha cà phê, rồi vừa nhâm nhi cà phê vừa ngắm nhìn sương tan trong thung lũng dưới nắng mai.

Những ngày này, hằng đêm, tôi nghe đi nghe lại bản Corcovado, chỉ để được thấy những âm điệu của nó,- tiếng tenor sax của Stan Getz, tiếng piano của Antonio Carlos Jobim, tiếng guitar và giọng ca thủ thỉ của João Gilberto, - hoà nhịp thành một thứ dược âm có khả năng xoa dịu những vết thương đang hằn sâu nơi tôi như thế nào; chỉ để được nghe Astrud Gilberto gợi lên những hình ảnh, những không gian, thời gian, cái không khí mà tôi muốn được đắm chìm vào, như thế này:

Quiet nights of quiet stars
Quiet chords from my guitar
Floating on the silence that surrounds us
Quiet  thoughts on quiet dreams
Quiet walks by quiet streams
And the window that looks out to Corcovado
Oh how lovely.

Trưa phố cổ


Trưa phố cổ cuối năm, phố phường cũ kỹ xám xịt, ảm đạm hơn cả bức tranh chung của nền kinh tế.
Trời lạnh, lá bàng đỏ, hoa cúc vàng cũng không đủ sưởi ấm lòng người, may mà còn có bữa trưa với bà xã: bún chả rươi Hàng Bè, cà phê Năng Hàng Bạc.

Tôi ghét những ngày này.
Ngồi giữa phố cổ, tôi thấy mình như đang cũ kỹ đi, cũ hơn phố, cũ hơn phường; cũ như một ông già ngồi lục lọi đống đồ đồng nát, ngắm nghía thứ vừa nhặt được và nghĩ về những ngày tháng xa xăm.
Ngồi giữa phố cổ, tôi thấy mình đang trong một tiến trình tự bào mòn, mục nát và lên men, có lẽ đã sắp bốc mùi, hoặc đã bốc mùi rồi mà cái mũi bị viêm-mũi-dị-ứng của tôi không thể nhận ra. Rồi một ngày, khói và bụi sẽ phủ đầy lên vai áo, cứ đầy mãi lên biến tôi thành một đống phế thải mà người đời sẽ tránh xa.
Tôi, một con rắn đã lâu không lột xác, quằn quại, mốc meo, khô héo.

Tôi ghét những ngày này.
Những ngày lê la, hóng hớt trên FB, lảm nhảm những lời vô nghĩa, làm những việc không đầu không đuôi - những ngày tôi không phải là tôi.
Ngồi giữa phố cổ, tôi nhận ra mình cần một cái gì đó tươi mới, cần refresh, cần tự làm mới mình.
Cần nhấn phím F5./.

Đốt sách?


Khi nào thì bạn muốn đốt hết chỗ sách mình có và thôi viết lảm nhảm trên FB? Là khi đọc được những dòng này:

Chỉ những tác phẩm sẽ trôi qua xứng đáng xuất bản; những tác phẩm bất tử nên ở dạng bản thảo. Để sau cái chết của tác giả, bọn hầu gái dám nhặt nhạnh mang ra bếp dùng để đốt lò.

Cái gì một lần được viết ra một cách bất tử, cái đấy không phụ thuộc vào trí nhớ của con người. Nó tồn tại ở đâu đó, vĩnh hằng và kết thúc. Nó không muốn danh giá, tiếng tăm, không ước mơ dạy bảo, không mang giá trị bằng tiền, cũng chẳng bằng quyền lực, và sau cùng không cần làm ai thích.

Tiếng tăm, tiền, quyền lực, vinh quang, danh giá để làm gì cơ chứ?

Mọi tác phẩm đều xảy ra ở đâu đó, trong mỗi tác phẩm đều xảy ra một cái gì đấy. Gần như mọi cái đều xảy ra ở đây, trên trái đất này, là con người và giữa con người. Khi ta muốn thắng một ai, muốn mua vui, dạy bảo, chiến đấu, tranh luận, chinh phục và làm người khác kinh ngạc.

Nhũng tác phẩm bất tử không diễn ra ở đây. Ở cao hơn. Sâu hơn. Đó là cái xảy ra giữa con người và Thượng Đế. Cái đã xảy ra. Kể cả khi, chẳng ai biết đi nữa. Thượng đế nhớ trong tim tác phẩm ấy kể cả khi giấy đã bị đốt cháy, như thể đá hoa cương đã mủn ra thành bụi.

Đấy không phải nhiệm vụ của sách nữa, không cần đến người đọc. Không cần đến cả người viết lại câu chuyện.

Tất cả các tác phẩm bất tử gần như bị đốt cháy hết, số ít ỏi còn lại dành cho chúng ta, không ai biết chúng thất lạc ở đâu, là những cuốn nào, ai viết và viết cái gì. Không ai có linh cảm để biết một người cô đơn một mình ngồi lên con thuyền xuôi ra biển nghĩ gì, khi người ấy vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại.” (Trang 265-266).

Cứ như thể Hamvas Béla đang cố chứng minh những gì mình viết ra không phải là bất tử vậy, bởi vì đúng là làm sao có thể không kinh ngạc, và hơn nữa, làm sao có thể đốt đi những cuốn sách chứa đựng những dòng chữ như đã trích dẫn ở trên? Làm thế, đối với tôi cũng giống như tội phỉ báng thánh thần, tội quay lưng lại với tổ tiên vậy. -:)

Nhân thể, nếu Pi không cập bờ [quay trở lại], thì làm sao mình có cơ hội để cuối tháng này đi xem Life of Pi nhỉ?

Một danh sách trắng xoá

Bắt chiếc bác Lâm Vũ Thao, mình cũng lập một danh sách đọc [để lại nhiều ấn tượng] năm 2012. Mình thì không bôi vàng nên tạm gọi là danh sách trắng vậy. -:)
  1. Lời bộc bạch của một thị dân/Márai Sándor. Ngoài sức tưởng tượng, trên cả kỳ vọng, ngạc nhiên, và tất nhiên, rất thích. Rất hợp tạng.

  2. Bốn mùa, Trời và Đất/Márai Sándor. Đọc đi đọc lại, giống kiểu hết 3768 bước chân, đi dọc rồi lại đi ngang [Hà Nội] của bác Nguyễn Ngọc Tiến.

  3. Murakami Haruki. Viết thế vì đọc & đọc lại hầu hết những gì đã được xuất bản tại VN.

  4. Quê hương tôi & Tuyển tập/Võ Phiến. Tuyển tập là đọc lại, sau một năm. Không tìm được lời để diễn tả. -:) Tốt hơn hết là đừng phát biểu gì, đọc thôi.

  5. Tuỳ bút Solzhenitsyn. Rất mỏng nhưng rất thích: trong trẻo, nhẹ nhàng, tưởng như cuốn sách đang lơ lửng trong tiết thu được.

  6. Tuyển dịch/Nguyễn Khánh Long.

  7. Nhạc đời may rủi/Paul Auster. Đọc thấy thích hơn khi đọc Moon Palace.

  8. Cuộc đời của Pi/Yan Martel. Khởi đọc từ năm ngoái, năm nay mới kết thúc. -:)

  9. Dĩ vãng phía trước/Ngô Thảo.

  10. Tiết thanh minh/Elizabeth Kemf. Rất tình cờ [nhờ bác Thaothucsg mà biết đến] và rất bất ngờ. Từ lúc biết có nó trên đời đến lúc được cầm trên tay chỉ có vỏn vẹn vài tiếng. Và phát hiện ra là có cả một dòng chảy các tác phẩm về Việt Nam thời mới mở cửa cuả các nữ nhà văn/nhà báo/nhà nghiên cứu Mỹ: Lady Borton, Elizabeth Kemf, và Susan Sontag. Hình như Susan Sontag chưa được dịch và xuất bản ở VN. Và Nxb Phụ nữ cũng có nhiều sản phẩm rất thú vị.

  11. Những lời bộc bạch/Jean Jacques Rousseau. Tác phẩm đầu tiên của Rousseau mình đã đọc, dù chưa đọc hết. Émile hay là về giáo dục thì có trước nhưng chưa sờ đến.

  12. Gặp gỡ ở La Pán Tẩn/Ma Văn Kháng. Lần đầu tiên thấy thích đọc Ma Văn Kháng, cảm giác như cuốn sách có thể dựng thành một bộ phim đẹp. Hay tại mình yêu Tây Bắc quá mà có cảm giác ấy nhỉ?

  13. Thăm thẳm bóng người/Đỗ Chu. Đọc lại lần thứ ba, nhờ lời nhắc nhở của bạn Đút Chân Gầm Bàn. Rất bõ công đọc lại.

  14. Gối đầu lên cỏ/Natsume Soseki. Thấy thích hơn so với lúc đọc Nỗi lòng, có lẽ do bản dịch tốt hơn.

  15. Truyện ngắn nữ Canada/Nhiều tác giả. Đọc truyện ngắn mà thấy nỗi buồn cứ dài mãi ra.

  16. Em làm ơn im đi được không?/Raymond Carver. Ngắn gọn, khô & sắc lạnh. Những câu hỏi như cứa thẳng vào tim. Vừa đọc vừa tự hỏi, làm thế nào mà Carver có thể tả được những chi tiết rất nhỏ như thế, những chi tiết nhỏ rất khó định hình, rất khó nắm bắt nhưng làm nên cả câu chuyện? Không hiểu sao trong khi đọc thì cứ nhớ đến Tiếng người của Phan Việt, đọc đã lâu.

  17. Cảnh sắc và hương vị đất nước/Nguyễn Tuân. Chuyện như đùa nhưng đúng là lần đầu đọc Nguyễn Tuân ngoài những gì đã đọc trong SGK. Tất nhiên là mê như điếu đổ.

  18. Gỗ Mun/Ryszard Kapuscinski. Cuốn này cả hai vợ chồng cùng đọc, luân phiên. Đọc trang nào cũng thích, nhưng cuối cùng ấn tượng nhất lại chính là đoạn Kapuscinski miêu tả sự khác nhau trong quan niệm về thời gian giữa nguời châu Âu và người châu Phi và cái "trạng thái chờ đợi bất động" của họ. Một trạng thái rất hữu ích với riêng mình.

  19. Lịch sử truyền giáo ở VN/Lm. Nguyễn Hồng. Một cuốn sách giáo khoa rất dễ hiểu nếu muốn biết chút gì đó về chủ đề này. Tìm đọc sau một lần đi chụp Nhà thờ đổ ở Ba Vì.

  20. Tuyển tập truyện ngắn Úc. Đọc xong thì google tìm hiểu xem dịch giả Trịnh Lữ là ai. -:)

Một tối thứ Hai


Tôi đã từng dệt ước mơ với nhiều kiểu giá sách khác nhau, nhưng những cái giá sách được mơ ước nhiều nhất vẫn là những giá sách do Frank Loyld Wright thiết kế: đơn giản, mộc mạc, và đặc biệt là mở - tất cả đều không có cánh cửa. Theo ông, đồ vật cần phải đẹp, và vì vậy tự thân nó có nhu cầu được trưng bày. Ông còn cực đoan đến mức: “Nếu một vật không thể trưng ra được, hãy ném nó đi”. Những cuốn sách, do đó, cũng cần phải được phô ra vẻ đẹp của chúng. Đấy là lý do chúng ta không cần cánh cửa cho các giá sách.

Tất nhiên tôi không đến mức cực đoan như FL Wright (vì phát biểu như vậy mà nhiều người còn gọi ông là FL Wrong), tôi cũng không cho rằng sách là để trưng bày. Nhưng với một người đọc amateur như tôi, những giá sách mở như một sự mời mọc, một gợi ý, và đôi khi, một yêu cầu từ một cuốn sách: hãy đọc tôi. Những cuốn nằm im sau cánh cửa kín như bưng không có được cái lợi thế ấy: một kẻ hay quên và lười nhác như tôi chẳng mấy khi nhớ nổi trong đó có gì. Một giá sách mở còn có lợi ích là nó gây ấn tượng một cách trực tiếp lên các bạn nhỏ trong nhà. Tuy vừa mới biết đọc được bập bõm vài chữ, nhưng đưa bạn Tí đi nhà sách, bạn ấy đã chỉ ra rất nhiều cuốn mà “nhà mình cũng có”. Một lần khác, hai bố con cùng xem một bộ phim kể về thời niên thiếu của John Lennon, bố tranh thủ lôi cuốn tiểu sử của ông do Philip Norman viết ra “khoe” với bạn Tí: “Chú John ở trong phim chính là người trong cuốn sách này đấy”, thì bạn ấy đã nói nói thế này “À, quyển này nhà mình có lâu rồi”.

Tất nhiên, lại tất nhiên, một giá sách mở cũng gây nhiều phiền toái. Thứ nhất là nó không tránh bụi cho các cuốn sách. Ở trường hợp của FL Wright, nhiều người thường mỉa mai rằng hẳn là ông không bao giờ phải đi phủi bụi cho những cuốn sách nên mới thiết kế những giá sách như vậy. Trong trường hợp của tôi, với hai chú nhóc quá hiếu động trong nhà, toàn bộ các ngăn dưới nơi mà các chú ấy có thể với tay lên được đều phải để trống trong một thời gian dài cho tới khi các chú ấy đủ lớn để có ý thức, nếu muốn các cuốn sách được vẹn toàn.

Nhưng cho dù thế thì cũng không sao cả, vì ta luôn phải đánh đổi, và vì, cũng lại như những gì Fabienne Brugère đã viết trong cuốn sách mỏng của ông: “Vẻ đẹp bao giờ cũng đáng được bỏ màn che, nó như sự mời mọc vào một chuyến du hành dài với những điều ngạc nhiên, những thích thú và khó chịu của chuyến đi.”

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Một sáng ở Hội An

Một buổi sáng ở Hội An, với nắng sớm, âm nhạc và thực sự bình yên.



Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Một sáng thứ Hai


Sau một ngày lạnh và khô tuy không có nắng, sáng nay Hà Nội lại ngập trong mưa phùn. Khởi đầu ngày mới với cà phê nóng, một-bạn-nào-đó-không-rõ-tên hát “Don’t Think Twice, It’s Alright” phối theo kiểu đồng quê, và Hamvas Béla. Câu chuyện vô hình & Đảo quả là một cuốn sách đẹp, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tất nhiên sách hay thì không nhất thiết phải đẹp, tự thân cái hay đã là đẹp rồi, nhưng cầm trên tay một cuốn sách khổ 12x20cm rất vừa vặn, bìa màu xanh ngọc và được làm rất kỹ vẫn cho ta một cảm giác rất là... yomost.

Tất nhiên, lại tất nhiên, không phải vì sáng nay giở giời mà lại đi đề cập đến cái đẹp, mà là vì đêm qua trót dại mặc dù mắt đã díp vào nhưng vẫn với tay quờ vào một cuốn sách và thế là lại không ngủ được vì những dòng như thế này: “Một cuộc sống không tìm kiếm vẻ đẹp là một cuộc sống bớt đẹp đi. Bước vào thế giới nghệ thuật, nhờ vào cái đẹp, đó cũng là trở về với chính mình. Vẻ đẹp, trong nghĩa ấy, là một cuộc hạnh ngộ kép: cuộc hạnh ngộ với tác phẩm và cuộc hạnh ngộ với chính mình. Không tồn tại sự dễ dãi rẻ tiền trong những cuộc hạnh ngộ như thế, nhưng tồn tại một sự sâu kín mà bản thân nó cũng còn là một điều bí ẩn.” Đấy là những chữ được in trong một quyển sách rất mỏng “Thật là quá đẹp”/Fabienne Brugère thuộc bộ sách Thú vui tư duy của nhà Tri thức. Đây là một bộ sách với chủ đích dành cho trẻ em nhưng người lớn vẫn có thể dùng tốt, hoặc giả là mình vẫn chưa đủ lớn nên đọc vẫn thấy có ích. Nhân tiện, người ta hẳn phải rất tôn trọng trẻ em nên mới làm ra một bộ sách như vậy. -:)

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Tháng Mười Một



Tháng Mười Một, mùa Đông đã trở nên rõ rệt hơn. Tiết trời xầm xì, âm u, thảng hoặc mới có một đợt nắng chợt bừng lên rồi lại tắt. Mới năm giờ chiều mà phố phường đã bắt đầu lên đèn, đi làm về sớm mà cứ tưởng về muộn. Đi bộ trong con ngõ nhỏ, trong tiết trời se lạnh và những hạt mưa bụi đầu mùa nhẹ như tơ trời, thấy lòng cũng nhẹ và đời cũng nhẹ, khôn kham. Và những ô cửa sổ đèn vàng lại toát lên cái vẻ quyến rũ cố hữu, như hãnh diện khoe dáng của một tổ ấm đầy mong ước.

Tháng Mười Một, trời đã không còn trăng với sao, nhìn ra ngoài cửa sổ chỉ thấy một mảng trời mờ xám. Nằm trong nhà nghe cái giọng nằng nặng đặc trưng xứ Ireland của Van Morrison trong nền trống thậm thịch và tiếng bass guitar dậm dật: "Well, it's a marvelous night for a moon dance/ With the stars up above in your eyes/ A fantabulous night to make romance/ Neath the cover of October skies". Thế rồi từ cái "Night to make romance" đấy thế nào lại nhớ đến cụ Compay Segundo, với dáng vẻ lịch lãm, đôi mắt tinh anh và nghịch ngợm, với bao diêm nằm gọn trong lòng bàn tay phải cùng điếu cigar, thứ cigar mà như ông nói "đã hút từ hồi lên năm [tuổi]", ở tuổi chín mươi, tâm sự với Ry Cooder:"As long as blood runs in my body, I'm going to love women." "One night of romance ... Oh, that has no price. No price at all. And I haven't forgotten how. At my 90 years, I have five children. But right now I'm working on the sixth."-:)

Tháng Mười Một, mẹ hai bạn Tít-Tí lại đi công tác vắng, nhà lại chỉ có mấy bố con. Thế là hàng ngày, ngoài công việc và dăm ba cuốn sách, não bộ lại phải loay hoay với những câu hỏi thi thoảng mới phải hỏi một lần, một câu hỏi đơn giản nhưng luôn khó để tìm ra đáp án: tối nay ăn gì?. Buổi tối, trước khi được ngả lưng với một cuốn sách, thế nào cũng phải có tiết mục đọc truyện đêm khuya cho hai ông tướng, và một màn "reading comprehension" thú vị không kém sau đó. Chẳng hạn như hỏi bạn Tí, nếu Tí có một chú cá vàng sẵn sàng giúp đỡ như đã giúp ông lão đánh cá, Tí sẽ ước gì? Câu trả lời của oắt con sáu tuổi sặc mùi tiền bạc: "Tí ước nhà mình sẽ có thật nhiều tiền, xếp đầy từ tầng một lên tầng năm." -:( Hẳn là với một câu trả lời không mất nhiều thời gian suy nghĩ, bạn Tí đã biến bố thành một ông thầy dốt nát và bất lực. 

Tháng Mười Một, lại là một tháng của những mong ước và đợi chờ với các hoạt động âm nhạc. Liên hoan âm nhạc Châu Âu, Luala Concert Thu-Đông,... Và nhớ, nhớ một tối rất xa, một tối cuối thu sương giăng mờ góc phố Lý Thái Tổ-Lê Phụng Hiểu, có hai người dựng xe đạp bên lề đường đứng bên nhau để nghe buổi trình diễn của Liên hoan Nhạc Jazz Châu Âu đầu tiên tại Hà Nội, và ca khúc ấn tượng nhất, lưu giữ trong ký ức lâu nhất, cho đến tận bây giờ, là bản Misty.

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Tháng ngày đã qua

Mấy tháng không cập nhật blogspot, nhân dịp chả biết viết gì gom lại những notes đã post bên FB.

Tháng Mười (19/10/2012) 

Tháng Mười, mùa Thu đã chín hơn, tuy vẫn khó nắm bắt và còn khó hơn nữa để diễn tả thành lời.   

Sáng đưa vợ đi làm sớm, bỗng nảy ra cái ước muốn là hai vợ chồng cứ thế này mà chạy thẳng ra khỏi Hà Nội, đi qua những cây cầu, ra ngoại thành, đi qua Sơn Tây, qua cầu Trung Hà, rồi thẳng tiến qua Phú Thọ, Yên Bái. Ở Yên Bái, cả hai có thể sẽ rẽ qua Mù Căng Chải, hoặc đi thẳng lên Lào Cai. Đi đến khi nào túi hết tiền, hoặc cả hai đã thấy đủ để quay về, thì quay về, tùy thuộc vào việc nào xảy ra trước.   

Tôi biết, đợi chúng tôi ở đó sẽ là một ngã ba sông mờ mịt khói sương buổi sớm; những cánh đồng trơ gốc rạ; một cái cây cổ thụ chơ vơ ven đường; những doi cát nằm lặng yên cho dòng nước mơn man; một người đàn ông đi thuyền nan đánh cá, tiếng mái chèo gõ vào mạn thuyền cứ vang vọng mãi đuổi theo sau xe; một con chó nằm lặng im dưới bộ ván ngựa của một quán nước xiêu vẹo bên đường; và phía bên kia cánh đồng, một vài mái nhà sàn nằm lúp xúp sau những cây cọ.   

Tôi biết, chỉ cần nói ra cái ước muốn ấy, vợ tôi sẽ hưởng ứng tức thì. Tính cách chúng tôi có nhiều điểm tương đồng, mà tương đồng nhất có lẽ là liều lĩnh và ương ngạnh. Chúng tôi đã liều lĩnh yêu nhau và sau chừng đó năm, đều trở nên ương ngạnh không chịu từ bỏ lựa chọn của mình. Chúng tôi có đủ sự liều lĩnh và ương ngạnh để làm việc đó.   

Nhưng tôi cũng biết, thực hiện việc đó ngay lúc này là điều không thể. Chúng tôi giờ đã như cái cây cổ thụ, với bộ rễ lớn, khỏe và chằng chịt ăn sâu vào mảnh đất của những mối quan hệ chưa thể dứt bỏ, những công việc chưa thể hoàn thành, những con thơ chưa thể tự lập; bộ rễ to khỏe đến nỗi nếu có hẳn một trận bão lớn thần kỳ cũng chẳng thể làm bật gốc mà nhấc cái cây bay thẳng lên mặt trăng.   

Vì vậy mà cuối cùng, tôi chỉ còn biết cách đưa vợ thẳng đến chỗ làm, rồi sau một ly cà phê, một điếu thuốc, tôi ngồi gõ những dòng này để post lên FB, cứ như thể tôi đã vừa ra đi và trở về. Trong khoảnh khắc ấy, những ám ảnh từ một bìa đĩa cũ xưa của Pink Floyd lại hiện ra trong tôi: hình ảnh silhouette của một cặp đôi đang nhảy múa giữa cánh đồng, trong ánh hoàng hôn. Chỉ có điều là, những cánh tay và thân thể họ đã bị níu chặt xuống đất bởi những sợi dây./. 

Một tối Thứ Sáu (5/10/2012) 

Đã một tuần trôi qua kể từ khi tôi đọc xong “Lời bộc bạch của một thị dân”, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại, dai dẳng và mạnh mẽ, đến nỗi trong suốt mấy ngày qua, giở bất kỳ một cuốn sách nào ra tôi cũng chỉ đọc được vài trang rồi lại gấp sách lại, không thể đọc tiếp. Cảm giác này thật là kỳ lạ và chưa bao giờ xảy ra trong tôi. Cứ như thể tôi vừa ăn xong một bữa ăn hợp khẩu vị, no nê và không thể ăn thêm bất cứ thứ gì, cho dù đó có là sơn hào hải vị đi chăng nữa. Thực tế là tôi đã cất đi hết cuốn này đến cuốn khác, và đã chuyển sang đọc cả “Kỹ thuật pha chế cocktails” mà vẫn bỏ dở giữa chừng.   

Vậy là vào một buổi tối thứ Sáu, một tối bình yên hiếm hoi sau rất nhiều ngày không bình yên, tôi đã buông những cuốn sách, tắt điện thoại, tắt đèn, khui một chai Bombay Sapphire mới, cuốn một điếu thuốc lớn hơn thường lệ, và lặng im nghe lại Getz/Gilberto. Nghe họ hát “Quiet nights and quiet stars”, và ngắm nhìn những cuốn sách lặng im trên giá trong ánh sáng lờ mờ hắt lên từ màn hình máy tính.   

Chỉ tiếc là đêm nay trời Hà Nội không có sao.   

Sự bình yên thật là giản dị, nhưng để có được nó nhiều khi cũng phải trả một cái giá quá đắt. Ít nhất thì đấy cũng là kinh nghiệm của riêng tôi./. 

Tháng Chín (tiếp theo và hết-:) (3/10/2012) 

Tháng Chín bắt đầu bằng việc đọc Haruki Murakami và kết thúc bằng việc đọc Márai Sándor. Một người sống một cuộc sống đẹp và viết về những số phận cô đơn và buồn, người kia sống một cuộc đời buồn và cô đơn để viết về vẻ đẹp của “bốn mùa, trời và đất”. Dù thế nào đi nữa, cả hai quyện lại làm thành một tháng Chín đẹp và buồn cho chính tôi.   

Tháng Chín đẹp. Còn gì đẹp hơn một chiều thu được đi cùng cả nhà xuyên qua những cánh đồng đầy nắng, những đêm trăng nằm ngoài hiên lắng nghe hơi thở của đêm thanh vắng, lắng nghe lòng mình trở về với những hoài niệm ấu thơ, trở về với gia đình, những người họ hàng – những người đang sống và những người đã chết-; được ăn những món ăn mà chỉ về nhà mới có, nghe những câu chuyện mà mình đã thuộc làu làu vì đã được nghe kể đi kể lại hàng trăm lần từ thời còn bé tí; được nằm khểnh ngoài hiên, bắt chân chữ ngũ, - kiểu nằm mà tôi đã vô thức học theo, ông nội tôi, bố tôi và sau này cả con tôi cũng nằm y như thế; về thắp hương lên bàn thờ tổ tiên và lặng im đứng cạnh những nấm mồ, như lời khuyên của một ông thầy tử vi “anh nên quay về với gia đình, đi thăm những ngôi mộ.” Còn gì đẹp hơn những sáng nắng vàng như mật, gió mát lành, được ngồi dưới tán những cây nhãn cổ thụ, uống ly cà phê quen thuộc, hút thứ thuốc lá sợi quen thuộc, thứ thuốc lá đã ra đời trước khi tôi sinh ra đúng một trăm năm, thứ thuốc mà trong cuốn sách cũ xưa đang mở ra trước mặt cũng đề cập tới nhiều lần: “trong không khí lan toả mùi ngòn ngọt, ngột ngạt của thuốc lá Virginia, mùi trả ở ngay đây trên tàu này cũng đã thơm, có thể say vì nó...”.   

Nhưng tháng Chín cũng buồn. Có nỗi buồn nhẹ nhàng như khi nghe tin Andy William, người ca sĩ già lịch lãm được mình yêu mến và nể trọng với những Moon River, Speak Softly Love,... đã vĩnh viễn từ giã cõi đời. Có những nỗi buồn bắt gặp trong những trang sách, trang sách phản chiếu ánh mắt buồn bã của người viết khiến cho bất kỳ thành phố nào, kể cả Paris hoa lệ, cũng trở nên buồn chán. Và trên hết là nỗi buồn khi bắt gặp trong chính cuốn sách đó, những câu chữ như được viết ra để dành cho chính mình: “Từ lâu nay chúng ta cứ tưởng ta biết những khao khát của mình, biết bản chất những khuynh hướng, tình cảm của mình. Trong những khoảnh khắc như thế một tiếng nổ chói tai cảnh tỉnh ta – vì pianissimo của tĩnh lặng cũng chói tai như fortissimo-, rằng ta hoàn toàn sống ở nơi khác với nơi mà ta muốn sống, nghề nghiệp của ta khác với nghề nghiệp mà ta am tường, ta đi tìm ân huệ và kích động sự tức giận của những con người khác, ta sống trong sự xa cách thờ ơ và câm lặng với những con người mà ta thực sự khao khát, những con người mà ta liên quan tới với tất cả hệ lụy... Người nào điếc lác trước sự cảnh tỉnh này, người đó mãi mãi sống một cách vụng về, lóng ngóng bên lề cuộc đời.”   

Tháng Chín đẹp và buồn, như một đêm đã khuya, có một gã trai ngồi dưới ánh trăng bên cửa sổ, lặng im uống rượu gin pha tonic, và nghe Nina Simone hát: “This year’s new romance/doesn’t seem to have a chance/ even helped by Mr. Moon above...”. 

Quê nhà (23/9/2012) 

Lâu rồi cả nhà mới lại có dịp cùng nhau đi xuyên qua những cánh đồng. Nắng chiều dát vàng lên những đồng lúa chín, những cây cầu cong cong sơn trắng, một tháp chuông ở cuối chân trời. Ngay cả những ngôi mộ rải rác trong những ruộng lúa vốn lạnh lẽo, im lìm cũng sáng rực lên, lấp lánh dưới ánh nắng chiều thu. Rặng bạch đàn thẳng tắp, chạy dọc theo con mương trong vắt đang hờ hững chảy, mang theo đàn vịt lơ đễnh trôi theo dòng. Bóng cây đổ dài trên mặt ruộng lúa. Mẹ hai bạn Tít-Tí, như “tức cảnh sinh tình”, bật Fields of Gold. Giọng Eva Cassidy và tiếng ghi ta thùng ngọt như mật: “See the children run/ as the sun goes down/ among the fields of gold”.   

Chiều muộn, mặt trời to, đỏ ối, thấp dần và nấp sau một đám mây lớn, đen và sừng sững như một rặng núi lớn nơi chân trời. Tít liên tưởng thế nào đó nên hỏi: “Bố ơi, núi Thái Sơn ở đâu?”. Bạn Tí nhìn ra hướng khác thì reo ầm lên: “A, trăng lưỡi liềm, trăng lưỡi liềm”. Bạn ấy đang ở thời kỳ rất quan tâm đến các hành tinh trong vũ trụ và chu kỳ của chúng. Mảnh trăng đầu tháng mỏng như lá lúa, lơ lửng trên đầu ba bố con, lặng lẽ nhen nhóm thứ ánh sáng thanh khiết, nhẹ nhàng xua dần những ráng chiều đang đỏ ối, rực lên sau đám mây trước khi tắt hẳn.   

Buổi tối, cây cối trong vườn cụp rụp đi ngủ cả. Tiếng côn trùng rả rích, tiếng ếch nhái ộp oạp lan dần trên mặt cánh đồng đã mờ đi trong lớp sương thu mỏng tang, trắng mờ dưới ánh trăng, nghe như vẳng đâu tiếng nhạc dạo, rồi Hà Trần cất tiếng “Đường im vắng mùa thu trắng/Gió heo may về bên lá khô/Mù sương trắng cà phê đắng/Ấm đôi tay người xa tháng ngày...”. Các bạn Tít-Tí đã đi ngủ cả, chuyện trò cũng đã vãn, mảnh trăng đã xuống rất thấp, lấp ló sau mấy cây hoè. Tôi nằm khểnh ngoài hiên, và đọc Solzhenitsyn: “Giá như được sống trọn kiếp ở đây... Ở đây tâm hồn, tựa làn không khí đang run rẩy, dường như lai láng giữa trời và nước, những suy tư sâu lắng và thanh khiết dường như muốn tuôn trào.” 

Tháng Chín (16/9/2012) 

Tháng Chín mở đầu bằng ngày khai giảng năm học mới của hai bạn Tít –Tí. Sáng hôm đó cả nhà dậy sớm. Hai bạn mặc đồng phục, áo trắng, quần xanh, đứng trước cái giá sách để bố chụp một kiểu ảnh kỷ niệm. Nhìn hai bạn trong bộ đồng phục đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng trước ống kính, tôi như nhìn thấy chính mình trong đó, ở một năm đã rất xa, cũng áo cộc tay trắng, quần xanh, đứng nghiêm, hai tay thu lại trước bụng để giữ lấy một cái máy ảnh đồ chơi treo quàng qua cổ. Chỉ khác ở chỗ, làm nền cho bức ảnh của tôi là phong cảnh Biển Hồ Pleiku, nơi bố tôi công tác “chuyển ngành” sau khi hoà bình lập lại.   

Tháng Chín, mẹ hai bạn Tít Tí công tác vắng nhà vài ngày, nhà chỉ có ba bố con. Những đêm muộn, khi hai bạn đã ngủ say, trước khi cầm lấy cuốn sách và ngả lưng xuống cái ghế dài, hình ảnh choán hết chỗ trong đầu tôi là bố. Tôi nhớ bố tôi ở những đêm cũng đã rất xa, một mình chăm sóc hai anh em tôi, nhưng trong một hoàn cảnh khắc nghiệt hơn rất nhiều: đơn côi, không tiền, không nghề nghiệp, người bạn đời thân nhất đã ra đi và không thể mong ngóng trở về. Không biết trong những đêm dài thao thức ấy, ông đã nghĩ gì? Những lúc như thế tôi chỉ muốn được cùng hai bạn Tít Tí về nhà ở với ông ít ngày.   

Tháng Chín, tôi dành thời gian đọc Murakami. Tôi đọc lại Biên niên ký chim vặn dây cót, Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời, Cuộc săn cừu hoang, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới,... Tôi đọc hai tập truyện ngắn mới kiếm được là Sau cơn động đất và Đom Đóm. Và sau khi đọc xong Đom Đóm, tôi đã quyết định mua và đọc Rừng Nauy, cuốn tiểu thuyết mà tôi đã nấn ná “không mua-không đọc” trong một khoảng thời gian rất dài. Và chỉ một ngày sau khi đọc xong Rừng Nauy thì 1Q84 được phát hành, và thế là tôi đọc nốt Quyển 1 của tiểu thuyết này, để rồi lại mong ngóng hai quyển tiếp theo. Tôi tìm thấy ở truyện của Murakami tình yêu với âm nhạc, sách, rượu gin, những ám ảnh dục tình và đặc biệt là những tâm hồn bị tổn thương và cô đơn trong một thế giới ngày một đông đúc và hỗn loạn. Và khi nghĩ đến sự cô đơn, tôi lại nhớ về The Beatles với bản Eleanor Rigby, trên cái nền sầu thảm của dàn nhạc dây, Paul McCartney với đôi mắt buồn cố hữu của ông đã cất lời đặt một câu hỏi cũng buồn không kém: “All the lonely people, where do they all belong?”.   

Tháng Chín, Hà Nội đã đón đợt gió mùa đầu tiên. Trời đẹp và quyến rũ đến mức ai cũng phải tự nhủ: “Trời đẹp thế này mà không đi cà phê thì phí quá”. Tháng Chín, những giọt nắng xiên qua kẽ lá nhảy nhót trên những trang sách in rất đẹp trên giấy ngà. Thời tiết tháng Chín làm gợi nhớ đến Thạch Lam, đến hình ảnh của chính tôi một ngày cũng đã rất xa, ngồi khoanh chân trên một cái chiếu trải giữa nhà, hai bàn tay đặt trên nắp ấm giành nước chè để tìm chút hơi ấm.   

Tháng Chín đã đến và sắp đi qua, một tháng Chín “đẹp và buồn”, như chính tên gọi một câu chuyện của Kawabata vậy.  

Tháng Tám (14/8/2012) 

Tháng Tám trôi qua bằng những cơn mưa lớn và dài, những cơn mưa như sinh ra để gột sạch những bụi bặm, khổ đau, nóng lực và bực bội. Giữa những cơn mưa là khoảng không cho nắng vàng nhen nhóm, cho những cơn gió và sương thu len lỏi dần trên những ngõ phố. Lòng người cũng vì thế mà dịu đi đôi chút, cho dù, mùa bão mới chỉ vừa bắt đầu.   

Tháng Tám lặng lẽ trôi qua, bằng những giờ nghe lại những thứ lâu lắm mới nghe. Những Norah Jones trễ nải trong đêm khuya như cứ muốn mời gọi, rủ rê ai đó “come away with me in the night”; những ngón piano thổn thức, giày vò nhưng đầy hy vọng của Nina Simone “troubles in mind I’m blue”, và lẫn trong tiếng mưa rơi rả rích là giọng của bà “for the sun gonna shine in my back door someday.”   

Tháng Tám trôi qua bằng những tối ở nhà, sau một vài chai bia, nằm dài trên ghế, lần giở lại một vài trang Márai Sándor viết về tháng Tám, và đọc được những dòng này:  “Những tấn kịch lớn, quyết định vận mệnh của cuộc đời thường bắt đầu một cách âm thầm, đến nỗi khi đã ngập trong tấn kịch ấy đến cổ mà ta vẫn chưa hiểu. Bệnh ung thư, nỗi nhục nhã, sự thất bại hay thất vọng lớn không bắt đầu như trong văn chương: một hôm ta phát hiện ra cái mụn, hay một ai đó gọi điện thoại và nói vào máy với giọng thật khác lạ, mà ta không thật hiểu những gì họ nói, hay người phụ nữ mà ta yêu bỗng thờ ơ quay mặt đi. Nó bắt đầu như vậy. Không. Những lúc ấy nó đã diễn ra. Định mệnh thường lặng lẽ. Chỉ có tai hoạ là kêu gào ầm ĩ và rung chuông leng keng.”   

Thế rồi trong cái lơ mơ của men bia, đặt cuốn sách lên bụng và ta chợt thiếp đi một giấc ngắn. Tỉnh dậy thì trời vẫn đang mưa, ta ngồi dậy gõ vài chữ lên FB, trong lúc đó, Nina Simone và ban nhạc của bà đang chơi đoạn cao trào của bài Sinnerman: tiếng bass solo, tiếng vỗ tay hoà nhịp, rồi piano nổi lên, trống dồn đập, giọng Nina ngân dài, rồi tất cả bỗng ngưng bặt, piano buông một tiếng nữa, rồi lại là giọng Nina, rồi cả pinano và trống như nhập đồng để kết thúc một khúc ca dài, bi tráng và đầy khổ đau. 

Bình minh (15/7/2012) 

1. "Bình minh tháng Năm trong rừng, đẹp thần tiên hơn mọi trang sách đã đọc. Những người thấy bình minh bao giờ cũng là những người có sức hành động và hành động chính đáng, có những việc sắp làm, những dự kiến đang muốn thực hiện. Họ thức sớm, đợi chờ. Còn những kẻ nhàn nhã và bất lương thì bao giờ cũng dậy muộn và không bao giờ, có thể là suốt đời, không biết tới một bình minh thực sự. Có chăng, với họ, chỉ nhìn thấy cái ráng hồng hoàng hôn, nó gợi những tiếc nuối xa xăm không thể níu giữ và những nỗi hoài niệm cháy lòng khi chờ bóng đêm tới để làm những hành động không dám làm dưới ánh mặt trời." 

Ngô Thảo/ Dĩ vãng phía trước 

2. "Trong chốc lát, dàn hợp xướng tiếng chim đã lên đến đỉnh cao. Chúng tôi đứng lặng, lắng nghe những âm thanh sôi nổi, như bị thôi miên bởi những tiếng hót rộn ràng cùng với ánh bình minh đang lên. Một tia nắng vàng xuyên qua tầng lá dày đặc trên mái rừng và những tiếng ríu rít, líu lo cũng dịu dần xuống. Tôi băn khoăn không hiểu tại sao những người khác có thể ngủ được trong ngày hội của những âm thanh và màu sắc đang chờ đón họ mỗi khi họ đi vào rừng vào lúc sáng sớm tinh khôi."

Elizabeth Kemf/ Tiết Thanh minh. 

3. Thèm được đi Cúc Phương và ngủ trong rừng quá. 

Ngựa sắt/ Nhân một sáng Chủ nhật dậy sớm.-:) 

Những não bộ khô cằn cần được thiên thần rượu chắp cánh (10/7/2012) 

Cuối cùng thì, sau bao nhiêu áp lực đã trải qua, bao nhiêu cuộc nhậu đã từng, bị ép buộc có, tự nguyện có, say cũng có mà chưa say đã về cũng có; sau bao nhiêu lần dạo phố Đinh Lễ, và sau bao nhiêu cuốn sách đã đọc, bao nhiêu những ngày nắng, những ngày mưa, những buổi chiều uống bia trên phố Tạ Hiện, tôi đã gặp được Nó, cuốn sách ấy, trong một ngày có rất nhiều áp lực, có sáng nắng chiều mưa; bắt gặp nó trên vỉa hè Đinh Lễ, và đọc nó trên vỉa hè Tạ Hiện. Nó, với cái vốn hiểu biết ít ỏi của tôi, tôi chưa từng biết có Nó trên đời để mà tìm kiếm, để mà mơ ước tới. Chỉ là một gặp gỡ tình cờ mà tôi đã gặp, và cơ duyên đã biến nó thành một cuốn sách đặc biệt trong cái sự đọc của tôi: một cuốn sách được đọc gần như ngay sau khi mua, vì, thông thường, tôi thường đọc một cuốn sách mới mua sau khi đã đi một quãng đường dài về nhà, chơi bời và cáu gắt với con cái, tắm rửa, ăn cơm tối, có thể ngó qua cái TV, và sau khi đã lướt FB và web chán chê, và con cái đã ngủ hết, mọi lo toan đã được gửi lên những đám mây điện toán, tôi mới bật cái đèn đọc thân thuộc lên, và đọc. Đấy là chưa kể có những cuốn sách được mua về và để lên giá sách mà rất lâu sau mới được tôi giở ra một lần nữa, sau lần đầu giở ra lật lật vài trang đọc thử lúc ở hiệu sách, để đọc, trong một bối cảnh hoặc tâm trạng phù hợp cũng rất tình cờ nào đó. Những lúc đó, nói thế nào nhỉ, à, những lúc đó tôi như một ông vua, còn những cuốn sách giống như những tì thiếp bỗng nhiên được ông vua ngó tới sau bao ngày được "tiến cung", bao ngày mong ngóng đợi chờ. -:) Lần này thì khác hẳn. Nó được đọc chỉ vài phút sau khi mua: một đoạn di chuyển ngắn từ Đinh Lễ ra Tạ Hiện. Cuốn sách tiếp tục sống cái cuộc sống vỉa hè của nó. Và ở đó, vứt bỏ mọi áp lực đang bủa vây, mặc kệ cái nắng xiên gay gắt cuối chiều, cái nắng oi bức xuyên qua những đám mây báo hiệu một cơn mưa sắp tới, với tấm lưng thấm đẫm mồ hôi dựa vào một bức tường phố cổ, bên cạnh một chai bia lạnh, tôi đọc nó, một tiểu thuyết, một tự truyện hay như sau đó tôi nhận ra, một tiểu luận cực kỳ lôi cuốn về chứng nghiện rượu và cái thế giới của những người nghiện rượu, một thứ rất hay ho về một chủ đề rất hay ho mà tôi chưa từng gặp trước đó. Tôi đọc nó song hành với từng ngụm bia nhỏ, và cả hai dần dần kích thích trí não tôi, đẩy tôi tới một cơn hứng khởi nào đó, đến mức tôi gần như quên mất việc phải cuốn một điếu thuốc để hút như thường lệ, mỗi khi uống một chất kích thích nào đó. Có lẽ cuốn sách là một chất kích thích quá đủ để không cần có thêm một chất kích thích nào nữa, ngoài rượu bia, cái thứ là chủ đề chính của nó. Và vào lúc viết những dòng này, tôi nghĩ rằng sẽ thật là đáng tiếc, nếu như tôi đọc nó vào một lúc quá tỉnh táo, quá lý trí. Một chút, một chút rượu bia thôi đã đẩy trí não tôi tới một trạng thái bị kích thích, một niềm hứng khởi hân hoan để đón nhận những dòng chữ, những ý tưởng hân hoan không kém về một thứ đồ uống luôn làm con người ta hân hoan cũng không kém: rượu. Trong lúc đọc những chương đầu tiên của nó, tôi liên tưởng tới hai thứ: một là bộ phim Bay trên tổ chim cúc cu, một bộ phim gây ấn tượng với tôi không kém gì cuốn sách này, với cùng một bối cảnh trong một nhà thương điên, và hai là, những đêm muộn ngồi ở Bình Minh Jazz Club, sau vài ly Gin&Tonic quen thuộc, liêng biêng nghe ban nhạc chơi những bản nhạc theo "request" của riêng mình như Take Five hay Misty.

Tôi những muốn trích dẫn những câu, những chữ, những gì mà tác giả của nó, mới chỉ vài tiếng đồng hồ trước thôi, còn là một cái tên rất xa lạ với tôi, Jerzy Pilch, muốn chuyển tải; nhưng càng đọc tôi càng thấy việc đó là bất khả, vì việc khả dĩ nhất là trích dẫn lại toàn bộ cuốn sách. Vì vậy, trong cái liêng biêng sau chai bia thứ ba, tôi thấy tốt nhất là nên để các bạn tự đọc và tự trích dẫn, tự cảm nhận Nó trong "chiếc gương soi" là những cơn say của chính mình. Nó là cuốn "Dưới cánh những thiên thần rượu", Lê Bá Thự dịch và Phương Nam Book ấn hành, Quý II/2012.

Những ám ảnh Vịt (22/6/2012)

1. Tết Đoan Ngọ, ở quê tôi ngoài tục "giết sâu bọ" bằng hoa quả, ăn cái rượu, tắm nước phù sa, kiêng ngồi ở bậu cửa,... thì còn có tục ăn thịt vịt. Vịt đồng vào độ này đang được coi là béo nhất vì vừa qua mùa gặt. Mùng năm tháng Năm ở chợ quê, ngoài cái ồn ã hàng ngày, còn có cái náo nhiệt của lũ vịt, và cái náo nức của các bà nội trợ cho bữa thịt vịt sắp đến. Ngoài đường, vịt lủng lẳng ở ghi-đông xe đạp, hoặc ngó nghiêng cái cổ dài ra ngoài cái làn nhựa, hoặc ngúng nguẩy trên miệng thúng mà kêu càm cạp, quàng quạc khắp các nẻo đường. Trẻ con thì rất hể hả vì ngoài việc được chén thịt vịt thì thế nào cũng sẽ có một hai bộ lông vịt rải đều trong cái rổ cho mau khô để đổi kẹo kéo. Và trong câu chuyện giữa mọi người, có thêm những vịt nhà nào béo, nhà nào gầy, vịt nào to vịt nào bé, ăn một con hay ăn "dững" hai con, v.v... Nghĩ lại thì mới thấy cái sự so bì ở mình nó đã ăn vào máu, cái gì cũng nhòm ngó vào nhà nhau được.

2. Thịt vịt ở quê cũng chỉ làm vài món rất cơ bản: luộc, đầu cánh xáo măng, lòng mề xào giá đỗ và mướp hương, chứ không có món nướng hay om sấu như các vùng khác. Ngoài ra, có thêm tiết canh, và đây là món tôi thích nhất trong các món vịt. Trong các loại tiết canh thì tôi cũng thích nhất là tiết canh vịt. Nghe thì có vẻ không được vệ sinh và văn minh cho lắm (mà văn minh theo tiêu chuẩn nào nhỉ, nếu đem đặt tiết canh vào văn minh lúa nước thì nó quá hợp tiêu chuẩn ấy chứ,-:), nhưng cái thằng nông dân trong tôi, cho đến giờ, vẫn sẵn sàng đổi cái văn minh chết tiệt ấy chỉ để lấy một đĩa tiết canh vịt. Nói vậy thôi chứ cũng rất lâu rồi, không còn nhớ lần cuối cùng là khi nào nữa, tôi không ăn tiết canh vịt, vì không thấy có chỗ nào làm ngon. Với tôi, tiết canh vịt ngon nhất là do mẹ tôi làm. Tiết canh bà làm bao giờ cũng đông chặt, đỏ tươi, trang điểm bằng màu vàng của lạc rang giã nhỏ, màu trắng của sụn băm nhỏ, sau khi vắt chanh ăn kèm húng, mùi tàu và đặc biệt là săng cay hái ở vườn sau nhà. Khi ăn một miếng thì đủ cả vị ngọt, béo, bùi, chua, cay, ăn đến đâu thấy mát đến đó, cái cảm giác còn mãi trong tôi đến tận bây giờ. Sau này tôi nghe đồn nhà thơ Nguyễn Duy có biệt tài đánh tiết canh vịt, ngon đến "nhức răng", và miếng tiết canh có thể xâu vào lạt tre mà xách lên được. Tôi chưa có cái vinh hạnh được thưởng thức tài nghệ của ông, nhưng có lẽ cũng chỉ ngon như tiết canh mẹ làm là cùng.-:)

3. Có năm khó khăn, nhà tôi không có vịt để ăn vào ngày Đoan Ngọ. Có một lần, nhà chỉ còn ba bố con, bố tôi nấu một nồi cơm rồi đổ ra xào cơm nóng với mỡ hành. Và trong bữa cơm, chỉ có độc chảo cơm ấy đặt ở giữa mâm. Bao nhiêu mùa vịt đã qua đi, bao nhiêu Tết Đoan Ngọ đã trải, nhưng đấy vẫn là cái Tết Đoan Ngọ mà tôi nhớ nhất.

4. Ngày mới ra trường đi làm, tôi trọ ở một căn gác trong một ngõ nhỏ đầu phố Lò Đúc, nhìn sang bên kia là phố Trần Xuân Soạn. Trên phố này có một hàng cháo vịt rất ngon. Điểm đặc biệt là quán này luôn luôn đóng cửa vào bốn ngày đầu tháng, chỉ mở cửa từ mùng năm âm lịch. Tôi đã trải qua tương đối nhiều bữa khuya ở quán này, và đấy cũng là thời kỳ tôi ăn cháo vịt nhiều nhất và duy nhất. Sau này chuyển đi nơi khác, tôi cũng không còn ăn cháo vịt ở bất kỳ chỗ nào nữa. Quán đấy sau này hình như cũng không còn. Kể ra thì chẳng có gì, nhưng cái quán cháo vịt ấy luôn nằm trong danh sách "những quán hàng đã mờ mịt xa" trong cái đầu thích ăn uống của tôi.

5. Hồi mới xuất ngũ, bố tôi về quê và làm được cái nhà. Dù chỉ là một cái nhà tre, lợp lá gồi, ông cũng mua về một bức tranh Đông Hồ để treo lên. Tôi không hiểu tại sao giữa rất nhiều đề tài tranh Đông Hồ, ông lại chọn bức bé gái ôm con vịt để mang về treo trên tường nhà mình. Một sự lựa chọn ngẫu nhiên, do gợi ý của người bán tranh, hay ông có dụng ý gì thì tôi không biết, nhưng bức tranh ấy thì vẫn ám ảnh tôi mãi đến bây giờ. Đến mức, tôi vẫn luôn mong có một ngày được đưa hai bạn Tít & Tí về làng tranh Đông Hồ, giới thiệu cho các bạn ấy kỹ thuật làm tranh, rồi mua đúng bức tranh bé gái ôm con vịt ấy để mang về treo trong phòng của hai bạn.

P/S. Cảm hứng để viết những dòng này là từ nồi vịt om sấu rất ngon bà xã mới làm mấy hôm trước. Hà Nội đang vào mùa sấu, còn vịt thì bây giờ có quanh năm chứ cũng chẳng phải đợi đến Tết Đoan Ngọ./.

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Trước, trong và sau cơn bão


Sáng thứ Bảy, bão vẫn đang mấp mé ở miền Trung. Tôi mệt và dậy muộn. Trời âm u, oi bức, chẳng được tích sự gì ngoài việc gây ra những cơn đau nhói ở đầu. Ăn sáng (trưa) qua quýt rồi lại nằm. Giở tập bút ký Sông Đà của Nguyễn Tuân ra đọc. Vừa đọc vừa hắt xì, không hiểu vì cơn cảm cúm đang hành hạ, hay là vì những hạt bụi rớt ra từ những trang sách cũ xưa nữa. Có lẽ là cả hai. Được một lúc thì cơn buồn ngủ ập đến, tôi buông sách và lại làm một giấc ngắn.

Buổi chiều, để đỡ ươn người, cả nhà lại lôi nhau đi cà phê. Gió đã mang đầy hơi nước. Trong lúc uể oải và lười nhác uống cà phê đợi một cơn bão đang tới, ngắm nhìn lá cờ đang bay phần phật, những ngọn cây bắt đầu oằn mình, oải dần ra dưới sức gió ngày càng mạnh, tôi chợt nhớ đến những ngày bão gió thưở ấu thơ nơi quê nhà.

***

Dưới màn nước lay phay của cơn mưa rong bão, bóng một người đàn ông lui cui trên mái nhà in đậm trên nền trời dần trở nên xám xịt. Đấy là bố tôi. Ông chỉ mặc độc một cái quần đùi bộ đội đã cũ - ngày ấy và cho mãi đến bây giờ, hơn hai mươi năm đã trôi qua, ông vẫn chưa quen với những bộ quần áo dân sự. Tôi đứng dưới để nghe ông sai vặt, và vừa ném lên mái nhà một bó lạt tre để ông buộc lại những tấm lợp lá gồi. Rải rác trên mái là một vài viên gạch xỉ, giúp những tấm lá không bị giật lên khi có gió to. Trước đấy, bố tôi đã gia cố lại bộ khung của ngôi nhà bằng những cây tre luồng lớn và dài: ở mỗi đầu hồi, hai cây tre được buộc chéo thành hình chữ A ở nóc, chạy theo mép mái xuống tận mặt đất. Ở đấy, một cái cọc lớn ghìm nó xuống qua lỗ đục.

Trong lúc đợi ông buộc trên mái, tôi chạy sang hàng xóm xin về một bó rơm lớn, rồi cuộn lại thành từng búi nhỏ. Lát nữa, bố tôi sẽ bắc thang trèo lên nhồi những búi rơm vào những lỗ hổng còn sót lại ở đoạn tiếp giáp giữa vách và mái nhà.

Giúp việc cho ông xong, mẹ giao cho tôi đi mua thêm chai dầu dự trữ. Trên bếp, bà đang đun một xoong tép rang. Tôi đã thấy bà đong sẵn lạc và vừng, cối và chày giã đã được rửa, giờ đang được xếp nằm gần bếp cho nhanh khô. Nhiệm vụ của tôi sau khi mua dầu về sẽ là giã muối vừng; chẻ cho bố một bó đóm; rửa sạch bộ ấm chén và cái điếu bát; rửa mấy cái bóng đèn, loại bóng thổi bằng thứ thủy tinh rẻ tiền, sủi đầy bọt; đổ thêm xăng vào hai cái bật lửa Tàu sơn hai màu xanh đỏ. Rồi tôi chặt vài tàu lá chuối, rửa sạch, lau khô để lót lên một cái dần nhỏ: mẹ tôi sẽ đổ nồi bánh khoai lên đấy, dàn phẳng ra đợi cho nguội rồi cắt thành từng miếng. Để chuẩn bị cho cơn bão, tôi sẽ phải lục lại những tấm áo mưa, gấp lại cho gọn rồi để ra một chỗ dễ lấy nhất ở trong nhà.

Buổi tối, sau bữa cơm, bố sẽ cầm đèn pin đi kiểm tra một lượt quanh nhà. Sau khi tấm liếp lớn ở cửa chính đã được kéo lại, ghìm chặt bởi hai cái tay đòn bằng tre, cả nhà sẽ ngồi quây quần trên cái chiếu rải giữa nhà, đợi bão tới. Xô, chậu, xoong nồi xếp đầy dưới gầm giường, sẵn sàng hứng nước mưa nếu có dột từ trên mái. Cả nhà cứ ngồi chuyện trò như thế cho đến khuya, ngoài trời gió và mưa cứ mạnh dần lên; gió quật vào những tấm liếp ràn rạt, thổi vào những ống tre trên vì kèo vi vu như tiếng sáo diều đứt quãng từng hồi. Gió quần đảo quanh khóm tre, tiếng những cây tre cọ vào nhau kẽo kẹt lẫn trong tiếng gió. Chúng tôi cứ chong đèn như vậy và không ai ngủ cả. Chúng tôi sợ nếu chợp mắt đi, lúc tỉnh dậy có lẽ chúng tôi đang nằm giữa mưa và gió thét gào vì căn nhà tranh đã bay đi mất.

Rất nhiều đêm bão đã qua đi như thế. Và có một đêm bão lớn thực sự, tôi đã quá sợ mà chui vào gầm bàn ngồi để trốn. Tôi đã đem vào đó một cái đèn dầu nhỏ, và dưới ánh đèn leo lét trong cái tổ ấm con con ấy, trong tiếng gió thét gào ngoài kia và tiếng rì rầm trò chuyện của bố mẹ tôi, tôi đã đọc Không Gia Đình. Tôi còn nhớ đọc đến đoạn Remi và những người thợ bị mắc kẹt trong một hầm mỏ vì “đáy sông Devon bị thủng”, có người đã phải cắt cả ủng ra để nhai, tôi đã vô thức nhón lấy một miếng bánh khoai mà cho vào miệng. Có lẽ cái tinh thần lạc quan thái quá, cái mong ước có một tổ ấm an toàn qua những cơn bão của tôi đã được hình thành từ những ngày ấy. Để sau này, mỗi khi bão đến, dù là những cơn bão vật lý hay những cơn bão vô hình, tôi đều tìm đến Bob Dylan để nghe ông tâm tình: “Try imagining a place where it’s always safe and warm/”Come in,” she said, “I’ll give you shelter from the storm”.

***

Bão tan, tôi gọi điện về cho bố. Ông hồ hởi: “không vấn đề gì, ở nhà vẫn yên ổn”. Nhưng rồi lại kể: “cây ổi bị bật gốc”, ông vừa trồng lại, “không biết có sống được không”; và một bụi chuối đã bị quật gãy, cái bụi chuối mà vừa cách đây mấy hôm ông còn khoe với tôi “nó mới ra một buồng to lắm, chắc Tết này không phải mua chuối”. Và qua câu chuyện, tôi còn được biết ông đã thức cả đêm qua để “đứng ở cửa, soi đèn pin ra quanh nhà”. Giờ ông chẳng cần làm thế nữa, nhưng có lẽ cái thói quen thức cả đêm mỗi khi bão về đã ngấm sâu vào người, và trở thành một phần không thể thiếu nơi ông.

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Thơ thẩn ngày 17/4

1. Tôi vốn không thích thơ. Bằng chứng là cho đến giờ tôi thực không tài nào nhớ nổi bất kỳ đoạn thơ nào. Thời học phổ thông, trong các kỳ thi môn văn, nếu đề thi yêu cầu phân tích một đoạn thơ mà không trích dẫn toàn bộ đoạn thơ đó, tôi chỉ còn biết viết nhăng cuội cho hết vài trang giấy hòng kiếm điểm Năm. Thành thử, tôi rất ngưỡng mộ những người thuộc thơ, không những thế lại còn thuộc lâu, bao năm rồi mà vẫn nhớ. Tôi cũng được nghe kể, có những cụ bà, chỉ là người bán hàng xén hoặc một người nông dân đầu tắt mặt tối mà vẫn có thể thuộc lòng Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm. Đối với tôi những người đó thực sự là nghệ sĩ nhân dân.

2. Tuy vậy tôi cũng có đọc thơ. Nguyên là vì hồi nhỏ có rất ít sách, thành thử cứ vớ được bất kỳ cái gì có chữ là đọc, có khi chỉ là một mẩu báo nhóm lò cũng phải đọc cho hết rồi mới châm lửa đốt. Và thơ cũng không phải là một ngoại lệ, vì nó có chữ. -:) Tôi nhớ những tập thơ đầu tiên mà tôi được đọc, là tuyển tập “Tình bạn, tình yêu, thơ”, khổ nhỏ, của ông chú hơn tôi có mười tuổi thời đó đang bước vào tuổi thanh niên; và tập Thơ Nguyễn Bính, một nhà thơ mà bố tôi rất thích.

3. Có một khoảng trống khoảng 15 năm tôi không đọc các tác phẩm văn học, cho mãi đến gần đây tôi mới đọc lại, trong đó có thơ. Về nguồn cảm hứng cho tôi đọc lại thơ, có lẽ phải kể đến công của loạt bài trên Thanh Niên cách đây vài năm giới thiệu Bùi Giáng. Tôi bắt đầu đọc lại thơ từ đó, lần lượt từ Bàng Giúi tiên sinh cho đến Trần Vàng Sao, Phùng Quán, Nguyễn Duy, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Quang Dũng, Hữu Loan, Phùng Cung,... Không phải vì tôi trở nên lẩn thẩn mà đọc lại thơ, tôi coi thơ như một thứ thuốc thử, khi đọc được một bài thơ mà vẫn đồng cảm được với tác giả, vẫn thấy thú, tôi hiểu rằng tâm hồn tôi vẫn chưa bị thương trường làm cho vẩn đục, chưa bị cùn mòn đi. Tôi vẫn còn có thể sống một cuộc sống theo đúng nghĩa, một cuộc sống đẹp.

4. Tôi rất cảm ơn Nhã Nam đã lần lượt ra các tuyển tập thơ của các tác giả mà tôi yêu thích. Trong các nhà thơ miền Bắc, mong đợi của tôi là có thêm được tuyển thơ của Hữu Loan và Nguyễn Bính. Uớc sao Nhã Nam không biến mong mỏi của tôi thành nỗi mong đợi ngậm ngùi.

5. Đọc một vài người thơ, không hiểu sao tôi thấy mình hợp với Lưu Quang Vũ. Giản dị, hiện thực, không màu mè, nhiều cay đắng. Song hành cùng với ông hẳn không thể không nhắc đến Xuân Quỳnh. Tôi đã đọc hồi ký của Đông Mai, chị của Xuân Quỳnh, một cuốn hồi ký làm tôi rất xúc động, một phần vì chính cuộc đời của bà, phần khác, tôi nhận thấy ở Xuân Quỳnh, ngoại trừ năng lực thơ văn, hình bóng của chính mẹ tôi, người mà cho đến tháng Tám này đã bỏ tôi đi tròn 24 năm.

6. Nhắc đến mẹ, gần đây tôi cứ tự hỏi, không biết thời còn trẻ, bà có đọc thơ văn gì không. Tôi chắc là giờ này nếu còn sống trên cõi đời, bà hẳn cũng sẽ đang ngồi bên hiên nhà, thảnh thơi đọc vài bài thơ của Xuân Quỳnh. Có lẽ lần tới về quê, tôi sẽ đòi bố tôi cho tôi đọc lại toàn bộ thư từ mà bố và mẹ tôi đã trao đổi ngày hai người còn xa cách, vì chiến tranh.

7. Hôm nay trên FB, một người bạn tôi có làm một trắc nghiệm nhỏ, đại loại là “Giây phút bạn cảm nhận tình yêu đối với bé lớn lao nhất là khi nào?” trong đó có các đáp án như lặng ngắm nhìn bé vui chơi và cảm nhận bé đang lớn từng ngày, bé choàng tay qua cổ bạn và thì thầm con yêu bố, hay giây phú bạn được nghe bé khóc chào đời. Tôi có chọn một đáp án trong đó, nhưng tôi cũng muốn bạn ấy biết rằng, tôi muốn bổ sung một đáp án nữa, là giây phút được đọc những dòng thơ Lưu Quang Vũ “nói với con cuối năm”, những dòng thơ như thế này:

cha lên làng sơ tán thăm con
hoa muộn nở trắng vườn
năm sắp hết
chợ quê rộn rịp
vàng hương nếp mới lá rong xanh

hai cha con ngồi trên bờ đê cao
sông chiều ngút khói
gió rạp mình cỏ dại
sau lưng hà-nội sương mù
thành phố vừa trải qua
những trận bom huỷ diệt
lòng cha giờ dập nát
những xác người máu loang
biết nói gì với con
ôi mắt trẻ đen tròn ngơ ngác thế
cuộc chiến tranh đã mấy chục năm trời
con mới gần ba tuổi
tia nắng sớm mong manh chùm lá mới
đêm của đời gió bão đã dài lâu

con bi bô với bàn ghế cỏ cây
tập gọi tên các sự vật trên đời
tập tin lời người lớn
cha làm sao nói được
những khổ đau lầm lạc đợi trên đường
cái ác đen sì trong mỗi quả bom
mang mặt đẹp nói cười khôn khéo

con hát lời ngọng nghịu
“vịt dắt tay gà hai đứa đi chơi”
áp trán vào gò má thơ ngây
cha bỗng thấy chẳng có gì đáng sợ
cha dậy con mến thương tất cả
rồi tự con sẽ biết căm thù
cha dậy con tin yêu từ ngọn cỏ
rồi mai sau con sẽ biết nghi ngờ
con sẽ trả lời những câu hỏi đời cha
con cũng sẽ đặt nhiều câu hỏi mới
lòng cha dẫu héo khô cành mận dại
nhựa âm thầm buốt trắng những chùm hoa

con ơi con hãy tha thứ cho cha
cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được
đời cha nắng gắt
mẹ con cần suối mát của đồng vui
con khôn lớn trên đời
hãy yêu thương mẹ
và hãy hiểu cho cha

tết hoà bình đầu tiên
đất nước nghèo xơ xác
cha cũng chẳng đủ tiền
mua cho con áo đẹp
chiều bên sông gió rét
con lặng nhìn tít tắp bãi ngô xa
-       bên kia sông có gì hở cha?
-       bên kia sông có đường đất đỏ
     có ruộng mía trổ cờ trắng xoá
     những vườn đầy quả ngọt những đồng hoa
-       có bươm bướm không cha?
-       có, có rất nhiều bươm bướm
con thì thào trong hơi thở mạnh:
-       sông rộng thế làm sao sang được?
cha ôm con vào lòng, con bé bỏng của cha
-       bên kia sông nhiều bướm nhiều hoa
     rồi cha con ta sẽ tìm được con đò đi sang bên ấy./. (1972)

8. Hôm nay 17/4 là ngày sinh của Lưu Quang Vũ.