1. Một buổi sáng đã lâu, tôi có dịp lang thang ở Hạ Long. Trời mưa rong bão, sụt sùi như thể mưa ngâu. Lúc đi ngang qua một ngôi nhà đang sửa chữa, bắt gặp hai anh thợ xây đang ngồi nghỉ trước hiên nhà vì mưa. Giữa hai anh là hai lon Heineken. Chợt nghe một anh nói với anh kia: "Giờ này chắc ở nhà đang gặt". Tôi liếc qua, thấy anh vừa nói vừa đưa tay gãi má, cái miệng hơi méo đi.
Chỉ một câu thế thôi mà vời vợi cả một nỗi nhớ quê.
Hẳn là, nếu các anh không ra thành phố hành nghề, cũng giờ đó, các anh có lẽ đang nghỉ bên bờ ruộng sau ca gặt sớm, cũng mồ hôi nhễ nhại thế kia. Chỉ khác, giữa hai anh không phải là hai lon Heineken uống dở mà là một ấm chè tươi nhem nhuốc, và khác hơn tất cả, một anh sẽ không phải thốt ra câu nói kia.
2. Chủ Nhật trước đi ngang qua phố Liễu Giai. Lúc qua ngã tư Liễu Giai cắt Cống Vị, bỗng lại gặp mấy anh thợ xây vừa túa ra từ một công trường xây dựng gần đó. Cả nhóm lấm lem vữa và mồ hôi, nhưng những ánh mắt và nụ cười thì cực kì tươi tắn. Chỉ là vì, họ đang tranh nhau bẻ những cành dâu da chín mọng mà người quanh đó bỏ không ai thèm hái. Nhìn những người công nhân lớn tuổi giành nhau từng chùm dâu da chín, chí choé và hể hả, tự dưng thấy đời vui hơn nhiều lắm.
Nhưng cũng vì thế, mà lại bùng nên nỗi nhớ quê. Ở quê tôi, dâu da, nếu không phải là một "đặc sản", thì cũng là một đặc trưng hiếm có. Chẳng thế mà cái thị trấn ấy còn được gọi là "thị trấn dâu da". Mùa hè đến, dâu da hai bên đường nở hoa trắng xoá, đi đường mà ngỡ như đi trong rừng hoa trắng.
Giờ thì dâu da chỉ còn là trong kỷ niệm. Nếu những rặng dâu da đó mà còn, hẳn là giờ này thị trấn cũng đang trong mùa dâu da chín.
3. Hồi còn nhỏ, quê tôi nhà nào cũng trồng ít nhất một cây dâu da trước cửa. Có nhà có tới hai cây: một cây sân trước, một cây sân sau. Mùa dâu da chín, mọi người ăn không xuể, thường để cho thương lái đến thu mua.
Tôi còn nhớ một bà cụ, đã già lắm. Bà buôn chuyến Quỳnh Côi-Hải Phòng. Cứ đến mùa bà lại thu mua dâu da, giấm chín bằng lá xoan, rồi cắt ra bó thành từng chùm nhỏ 15, 20 quả một chùm. Rồi bà mang ra Hải Phòng bán. Hồi đó tôi còn bé nên chẳng biết bà buôn bán lời lãi thế nào, nhưng chắc là sống được, vì năm nào bà cũng rất vui vẻ thu mua. Không hiểu sao trong số rất nhiều người thu mua dâu da thời đó, tôi chỉ nhớ mỗi bà cụ này. Cụ già với những chùm dâu da bó gọn gàng, và những chuyến xe khách xộc xệch tuyến Quỳnh Côi-Hải Phòng.
4. Nếu những rặng dâu da ấy còn, và tôi thì nhỏ lại, hẳn là giờ này cũng đang có một cậu bé vắt vẻo trên cái chạc ba của cây dâu da, cứ lật qua một trang của cuốn sách đang đọc dở lại với tay ra vặt một quả dâu da chín trong chùm dâu da gần nhất bỏ vào miệng. Khi một buổi chiều đã qua và cuốn sách đã hết, thì cũng là lúc những chùm dâu da chỉ còn trơ lại toàn cuống, và dưới gốc cây thì cơ man là hạt dâu da.
Thời đó đã qua đi mãi mãi không bao giờ trở lại.
5. Mùa vu lan đến cũng là mùa ổi chín. Tự dưng nhớ một chiều hè muộn năm nào đã xa lắm, có một người mẹ trẻ đèo theo một cậu bé con trên một cái xe đạp màu xanh. Trên tay cậu bé là một cây ổi nhỏ, một cây ổi "chiết cành" chứ không phải gieo từ hạt. Vì thế, trên cái thân cây nhỏ bé đó đã có một quả ổi rất to. Cậu bé nâng niu cây ổi đó lắm. Từ đó, năm nào cây ổi cũng cho ra rất nhiều quả to và ngon.
Đã có rất nhiều mùa ổi đã đi qua. Ngay cả khi người mẹ đó đã không còn nữa, thì cây ổi mẹ trồng vẫn cho những trái ổi ngọt thơm mà ngày nay không tìm lại được.
Cũng như, không thể tìm lại được thời gian đã mất.
6. Tự dưng chỉ muốn chạy ù một phát về quê. Thật đúng là "giang hồ vặt", nhìn thấy quả ổi cũng nhớ nhà.
Bánh mì kẹp và Ocean Vương
1 ngày trước
1 nhận xét:
Bác viết hay lắm ạ. Chúc bác một ngày tốt lành!
Đăng nhận xét