Đang đọc Sơn Nam, trích ra vài đoạn thấy thích:
"Viết tự sự, hồi ký gần như là tự mình mua ván, đem về đóng lần hồi cái quan tài cho chính mình, về tinh thần. Như con chim lượm lặt từng cọng rơm, cọng rác từ nơi xa xôi đem về đan cái ổ, kín đáo, trên cành cây nào đó. Nhưng biết đâu nhờ viết tự sự, hồi ký mà con người lại sống dai hơn, như con rắn hoặc con trăn lột lớp da già, chờ lớp da non hiện ra, mềm mại. Nhưng da là cái lớp bên ngoài, trong khi xương cốt gan ruột cứ từ từ khô héo."
"Tủn mủn, ganh tị vu vơ, vận dụng trí tuệ vào những việc đâu đâu, chẳng khác nào người chặt lóng tre, chẻ ra từng lát nhỏ, cứ chẻ nhỏ mãi, hy vọng chế tạo ra cây tăm xỉa răng độc đáo nhất thế giới, rồi tự hào mình đã hiểu thấu cây tre hơn ai hết. Cuộc sống là nhiều rừng tre bao la lộng gió, với tiếng reo của những ngọn tre bị uốn cong nhưng không gãy."
"Nhà tôi, sách khá nhiều, thêm sách về dân tộc học, mỹ thuật, lịch sử, tôn giáo, vân vân. Chồng chất đầy nhà, nhịn ăn mà mua. Để thấy người xưa và người đương thời đã làm những gì, làm tới đâu. Lắm khi, đọc thấy không ích lợi gì hết, đâu phải quyển nào cũng gợi âm vang ngay trong chuyện mình đang viết hoặc sắp sửa viết. Nhưng cần thiết, để củng cố bản lĩnh, tỉnh táo hơn. Sự ích lợi rất gián tiếp. Đó là thứ phân hữu cơ cần thiết.
Tôi nhớ đến trường hợp những bức sơn mài. Trông đẹp, óng ánh, vì đã vẽ trên cái nền chuẩn bị châu đáo. Ván phơi nắng kỹ lưỡng rồi bọc hom vải, phủ sơn lần lượt, chờ đợi nhiều ngày với năm bảy lớp khác nhau để làm nền. Và sau rốt, lớp chót được lộng lẫy nhờ cái nền bên dưới, chẳng ai thấy."
Dạo chơi, ghi chép của Sơn Nam, Nxb Trẻ, 2003.
Bánh mì kẹp và Ocean Vương
1 ngày trước
0 nhận xét:
Đăng nhận xét