1. Tôi vốn không thích thơ. Bằng chứng là cho đến giờ tôi thực không tài nào nhớ nổi bất kỳ đoạn thơ nào. Thời học phổ thông, trong các kỳ thi môn văn, nếu đề thi yêu cầu phân tích một đoạn thơ mà không trích dẫn toàn bộ đoạn thơ đó, tôi chỉ còn biết viết nhăng cuội cho hết vài trang giấy hòng kiếm điểm Năm. Thành thử, tôi rất ngưỡng mộ những người thuộc thơ, không những thế lại còn thuộc lâu, bao năm rồi mà vẫn nhớ. Tôi cũng được nghe kể, có những cụ bà, chỉ là người bán hàng xén hoặc một người nông dân đầu tắt mặt tối mà vẫn có thể thuộc lòng Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm. Đối với tôi những người đó thực sự là nghệ sĩ nhân dân.
2. Tuy vậy tôi cũng có đọc thơ. Nguyên là vì hồi nhỏ có rất ít sách, thành thử cứ vớ được bất kỳ cái gì có chữ là đọc, có khi chỉ là một mẩu báo nhóm lò cũng phải đọc cho hết rồi mới châm lửa đốt. Và thơ cũng không phải là một ngoại lệ, vì nó có chữ. -:) Tôi nhớ những tập thơ đầu tiên mà tôi được đọc, là tuyển tập “Tình bạn, tình yêu, thơ”, khổ nhỏ, của ông chú hơn tôi có mười tuổi thời đó đang bước vào tuổi thanh niên; và tập Thơ Nguyễn Bính, một nhà thơ mà bố tôi rất thích.
3. Có một khoảng trống khoảng 15 năm tôi không đọc các tác phẩm văn học, cho mãi đến gần đây tôi mới đọc lại, trong đó có thơ. Về nguồn cảm hứng cho tôi đọc lại thơ, có lẽ phải kể đến công của loạt bài trên Thanh Niên cách đây vài năm giới thiệu Bùi Giáng. Tôi bắt đầu đọc lại thơ từ đó, lần lượt từ Bàng Giúi tiên sinh cho đến Trần Vàng Sao, Phùng Quán, Nguyễn Duy, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Quang Dũng, Hữu Loan, Phùng Cung,... Không phải vì tôi trở nên lẩn thẩn mà đọc lại thơ, tôi coi thơ như một thứ thuốc thử, khi đọc được một bài thơ mà vẫn đồng cảm được với tác giả, vẫn thấy thú, tôi hiểu rằng tâm hồn tôi vẫn chưa bị thương trường làm cho vẩn đục, chưa bị cùn mòn đi. Tôi vẫn còn có thể sống một cuộc sống theo đúng nghĩa, một cuộc sống đẹp.
4. Tôi rất cảm ơn Nhã Nam đã lần lượt ra các tuyển tập thơ của các tác giả mà tôi yêu thích. Trong các nhà thơ miền Bắc, mong đợi của tôi là có thêm được tuyển thơ của Hữu Loan và Nguyễn Bính. Uớc sao Nhã Nam không biến mong mỏi của tôi thành nỗi mong đợi ngậm ngùi.
5. Đọc một vài người thơ, không hiểu sao tôi thấy mình hợp với Lưu Quang Vũ. Giản dị, hiện thực, không màu mè, nhiều cay đắng. Song hành cùng với ông hẳn không thể không nhắc đến Xuân Quỳnh. Tôi đã đọc hồi ký của Đông Mai, chị của Xuân Quỳnh, một cuốn hồi ký làm tôi rất xúc động, một phần vì chính cuộc đời của bà, phần khác, tôi nhận thấy ở Xuân Quỳnh, ngoại trừ năng lực thơ văn, hình bóng của chính mẹ tôi, người mà cho đến tháng Tám này đã bỏ tôi đi tròn 24 năm.
6. Nhắc đến mẹ, gần đây tôi cứ tự hỏi, không biết thời còn trẻ, bà có đọc thơ văn gì không. Tôi chắc là giờ này nếu còn sống trên cõi đời, bà hẳn cũng sẽ đang ngồi bên hiên nhà, thảnh thơi đọc vài bài thơ của Xuân Quỳnh. Có lẽ lần tới về quê, tôi sẽ đòi bố tôi cho tôi đọc lại toàn bộ thư từ mà bố và mẹ tôi đã trao đổi ngày hai người còn xa cách, vì chiến tranh.
7. Hôm nay trên FB, một người bạn tôi có làm một trắc nghiệm nhỏ, đại loại là “Giây phút bạn cảm nhận tình yêu đối với bé lớn lao nhất là khi nào?” trong đó có các đáp án như lặng ngắm nhìn bé vui chơi và cảm nhận bé đang lớn từng ngày, bé choàng tay qua cổ bạn và thì thầm con yêu bố, hay giây phú bạn được nghe bé khóc chào đời. Tôi có chọn một đáp án trong đó, nhưng tôi cũng muốn bạn ấy biết rằng, tôi muốn bổ sung một đáp án nữa, là giây phút được đọc những dòng thơ Lưu Quang Vũ “nói với con cuối năm”, những dòng thơ như thế này:
cha lên làng sơ tán thăm con
hoa muộn nở trắng vườn
năm sắp hết
chợ quê rộn rịp
vàng hương nếp mới lá rong xanh
hai cha con ngồi trên bờ đê cao
sông chiều ngút khói
gió rạp mình cỏ dại
sau lưng hà-nội sương mù
thành phố vừa trải qua
những trận bom huỷ diệt
lòng cha giờ dập nát
những xác người máu loang
biết nói gì với con
ôi mắt trẻ đen tròn ngơ ngác thế
cuộc chiến tranh đã mấy chục năm trời
con mới gần ba tuổi
tia nắng sớm mong manh chùm lá mới
đêm của đời gió bão đã dài lâu
con bi bô với bàn ghế cỏ cây
tập gọi tên các sự vật trên đời
tập tin lời người lớn
cha làm sao nói được
những khổ đau lầm lạc đợi trên đường
cái ác đen sì trong mỗi quả bom
mang mặt đẹp nói cười khôn khéo
con hát lời ngọng nghịu
“vịt dắt tay gà hai đứa đi chơi”
áp trán vào gò má thơ ngây
cha bỗng thấy chẳng có gì đáng sợ
cha dậy con mến thương tất cả
rồi tự con sẽ biết căm thù
cha dậy con tin yêu từ ngọn cỏ
rồi mai sau con sẽ biết nghi ngờ
con sẽ trả lời những câu hỏi đời cha
con cũng sẽ đặt nhiều câu hỏi mới
lòng cha dẫu héo khô cành mận dại
nhựa âm thầm buốt trắng những chùm hoa
con ơi con hãy tha thứ cho cha
cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được
đời cha nắng gắt
mẹ con cần suối mát của đồng vui
con khôn lớn trên đời
hãy yêu thương mẹ
và hãy hiểu cho cha
tết hoà bình đầu tiên
đất nước nghèo xơ xác
cha cũng chẳng đủ tiền
mua cho con áo đẹp
chiều bên sông gió rét
con lặng nhìn tít tắp bãi ngô xa
- bên kia sông có gì hở cha?
- bên kia sông có đường đất đỏ
có ruộng mía trổ cờ trắng xoá
những vườn đầy quả ngọt những đồng hoa
- có bươm bướm không cha?
- có, có rất nhiều bươm bướm
con thì thào trong hơi thở mạnh:
- sông rộng thế làm sao sang được?
cha ôm con vào lòng, con bé bỏng của cha
- bên kia sông nhiều bướm nhiều hoa
rồi cha con ta sẽ tìm được con đò đi sang bên ấy./. (1972)
8. Hôm nay 17/4 là ngày sinh của Lưu Quang Vũ.
1 nhận xét:
Cam on vi da chia se mot bai tho that cam dong :)
Đăng nhận xét