Tôi đọc sách đơn giản vì nó đem lại nhiều niềm vui, hay ít nhất cũng vì nó khỏa lấp được những nỗi buồn. Đọc lâu rồi thành thói quen, đến mức tôi cũng chẳng bao giờ để ý hay tự hỏi, mình đọc sách để làm gì nhỉ?
Giờ ngồi nghĩ lại tôi thấy mình đọc sách chẳng phải để đi tìm những triết lý cao siêu, những lời răn dạy, cũng chẳng phải là một kiểu "khám phá thế giới". Xét cho cùng những điều tôi thu hoạch được từ những cuốn sách thường là nhỏ bé, vụn vặt. Chẳng hạn khi còn nhỏ, những thứ đọng lại trong tôi sau khi đọc Không gia đình là những con phố sương mù bẩn lép nhép của thành London, rằng thì ở nước Anh người ta không chặt cành cây, món sữa bò có vị thơm hoa cam ở một vùng nông thôn nước Pháp, hay là món khoai tây luộc ăn kèm với thịt bò nướng,... Hoặc như sau này khi đã lớn, đọc Murakami chẳng hạn, tôi thấy vui khi bắt gặp trong những trang sách của ông bản nhạc mà tôi yêu thích, và sau đó nữa, thích thú hơn khi nhặt được ngoài hàng băng đĩa một CD do chính Murakami làm Nhà sản xuất (*). Hoặc như khi đọc Hành trình ngày thơ ấu chẳng hạn, cái hình ảnh ấn tượng nhất là cái bóng đèn thủy tinh lấm tấm bọt, được rửa sạch bong trong nhà cậu bé Cọn. Nói chung là toàn những thứ linh tinh lang tang như vậy, chẳng đáng kể gì.
Thế nhưng nó vui, và tôi biết tất cả những điều nhỏ bé li ti đó đã vô tình góp phần làm nên con người tôi như hôm nay. Quá trình đó diễn ra một cách vô thức, và tôi cũng đọc một cách vô thức như vậy, không cố gắng, không lên gân. Tôi để việc đọc và cảm nhận diễn ra một cách tự nhiên, như ăn uống hít thở hàng ngày vậy. Và để mặc cho trí tưởng tượng của mình đi theo từng con chữ, lang thang, vô định, không chủ đích.
Vậy nên trí tưởng tượng bé mọn của tôi chẳng thể hiểu được, tại sao và làm thế nào, việc đọc tiểu thuyết lại có thể "gần với ái ân", như là bác Nhật Chiêu đã nhận định như vậy, trong bài điểm sách đăng trên SGTT hôm qua. Hay là bác Nhật Chiêu đã quá thấm và ngộ tinh thần Thiền của nước Nhật nhỉ?
Giờ thì ta đã có thể yên tâm "ăn chay", miễn là trong nhà có nhiều tiểu thuyết. He he.
Bánh mì kẹp và Ocean Vương
2 ngày trước
4 nhận xét:
Chính xác là thế bạn. Đọc để cho vui, chứ đâu cần đọc để làm gì. Nhưng không thể chối cãi mình được định hình từ những thứ mình đọc.
Mới đọc lại Hành trình ngày thơ ấu. Bây giờ nhớ nhất là trường học miền Bắc ngày ấy phòng vệ sinh có cửa làm bằng gỗ lim, nên bạn Bê mới nhốt thầy giáo trong đó được!
À, còn về ý của bác Nhật Chiêu, chắc bác ấy chỉ muốn nói rằng đọc tiểu thuyết có thể mang lại cực khoái:)
(Bác bỏ giùm cái xác nhận chữ lằng ngoằng khi comment nhé)
Đưa bác Nhật Chiêu vào là để câu khách đấy mà.
Cảm ơn bác, tôi bỏ cái xác nhận rồi. Nếu bác không nói thì tôi cũng không biết.
Nhật Chiêu là thầy chị đấy.
chị đồ thầy nói đọc tiểu thuyết "gần với ái ân" là vì thầy chả mấy khi ái ân và có thì cũng chẳng đâu vào đâu.
(heheh con trộm vía thầy)
Đăng nhận xét