Recent Posts

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Đàn ông ba mươi


Đàn ông ba mươi là người choàng tỉnh dậy vào lúc 7h20 sáng để nghe điện thoại, từ đầu bên kia vang lên giọng nói quen thuộc hồ hởi trong tiếng gió ầm ầm: “Em đang ở trên đỉnh rồi nhé. Lạnh dã man.” Nhân vật xưng em vừa là một người bạn tri kỷ vừa là một người tình, và là mẹ của hai người đàn ông khác, đang nằm ngủ say bên cạnh mình. Tiếc là vì nhiều lý do mà cả hai không được cùng nhau “trên đỉnh”.

Đàn ông ba mươi là người được đi uống cà phê sáng với hai người đàn ông khác, vừa hút thuốc vừa nhìn hai người đàn ông bé nhỏ kết bạn với những người bạn cùng lứa, cả đàn ông và đàn bà, nhí. Tuổi thơ thật là trong sáng, chúng có thể vui vẻ chơi với nhau chỉ sau một cái nhìn, một cái vỗ vai, những trò chơi không vướng màu vụ lợi.

Đàn ông ba mươi, buổi trưa uống bia ở nhà ông bà nhạc. Chuyện trò linh tinh với bà nhạc trong lúc cùng bà làm bếp, tiếp bia cho ông nhạc (ít thôi, vì ông đang bị gout), cho hai người đàn ông khác ăn, rồi đi ngủ trưa. Trước lúc ngủ thì liếc qua vài dòng tâm sự của anh Fréderíc Beigbeder.

Đàn ông ba mươi, đã chán những hội hè đình đám, vì thế mà tránh xa những ngày hội sách và văn hoá đọc, ở nhà đọc anh Beigbeder tán nhảm ở tuổi ba mươi như mình bây giờ, rồi tự hỏi “văn hoá đọc” là cái quỷ quái gì nhỉ?

Đàn ông ba mươi, buổi chiều tắm cho hai người đàn ông khác chưa đến tuổi lên mười, phải rồi, đích thị là hai người đàn ông chân chính, bởi vì trong lúc tắm cùng nhau đã tránh chạm tay vào thân thể không một mảnh vải chethân của nhau. Thế không là đàn ông thì là gì?

Đàn ông ba mươi, chập tối thu hoạch rau mầm trồng từ hạt rau muống. Nấu một bữa ăn thật là đơn giản: rau muống nấu cà chua, nước lạnh, hành khô và nước mắm Phú Quốc; trứng chưng cà chua cho hai người đàn ông nhỏ tuổi, và một món nhậu cho chính mình: rau mầm trộn thịt trâu khô Tây Bắc hấp lên rồi xé tơi, trộn cùng dầu dấm, dầu oliu, rau mùi, kinh giới và húng bạc hà. Thêm hai chai bia Hanoi ướp lạnh, vừa uống bia vừa nhìn hai người đàn ông còn lại vừa ăn vừa gật gù “thump up”, vừa chơi cờ tỷ phú với nhau, vừa quay ra nhìn nhau đắm đuối: “ngon thật”, “cờ tỷ phú thì càng chơi càng thấy thích”. Mỗi thằng đánh hết hai bát cơm.

Đàn ông ba mươi, rửa bát xong thì mò vào FB viết nhảm. Tí nữa người đàn ông sẽ đi nghe nhạc [có thể lại là Tom Waits hoặc Curtis Mayfield] rồi đi ngủ sớm, sáng mai dậy sớm để đi đón người đàn bà [cũng ba mươi] của mình trở về.

[Trích Nhật ký vợ [mẹ] vắng nhà, Day 3.]

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Tháng Giêng

Định viết vài chữ về tháng Giêng vừa qua, mà ngồi một lúc chẳng viết được chữ nào, kết quả là một trang giấy trắng.

He he...

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Như một bài thơ


Là bài này, trên SGTT:

Quê hương như một toạ độ

SGTT xuân 2013 - Mỗi độ xuân về, tết đến, tôi lại muốn nói rằng tôi nhớ quê hương. Song điều đó không hoàn toàn chính xác, bởi lẽ tôi nhớ quê hương chẳng phải chỉ mỗi độ xuân về. Tôi nhớ vào mùa mưa, mùa nắng, mùa hè, mùa đông... Và không chỉ nhớ, mà còn nhìn về tương lai và hình dung quê hương tôi 10, 20, 30 năm nữa... Quê hương tôi sẽ ra sao?

Quê-hương-như-gốc-rễ là một hình ảnh mà hầu như ai cũng có, song tôi nghĩ hình ảnh ấy "tĩnh" quá, ràng buộc quá, và hơi lãng mạn nữa. Khi tôi nghĩ về quê hương, tôi không chỉ với một sự lưu luyến nhưng mà còn là một hướng đi về phía trước, có thể gần quê hương mà cũng có thể xa hơn. Trong dòng chảy thời gian của quê hương, mỗi người có một quá khứ lớp lang song song với nó và những kỳ vọng chung với quê hương ấy. Và tôi nghĩ, đúng hơn, quê hương là một toạ độ. Toạ độ ở đây chẳng phải chỉ là không gian mà còn là thời gian, và chính trong chiều kích này mà quê hương là cái gốc cuộc đời của mỗi chúng ta, bởi nó là những ngày thơ ấu, của những người thân giờ đã mất, và của cả con cháu ta, đã sinh cũng như sẽ ra đời, dù sau này chúng ở nơi nào.

Như toạ độ, quê hương không trói buộc, không cho ta rời khỏi nó. Toạ độ là để biết ta đang ở đâu, hướng về đâu. Nó không cột chặt chúng ta trong bất cứ nghĩa nào. Nó không nên là như thế. Thậm chí, toạ độ càng có ý nghĩa khi ta đi xa gốc của nó, để vươn lên, để khám phá. Đặt quê hương là toạ độ không là biểu hiện một tâm trạng hoài cổ.

Tất nhiên, "quê hương" có nghĩa rộng hay hẹp là tuỳ người đối thoại, tuỳ ngữ cảnh. Chẳng hạn như khi tôi nói chuyện với một người ở Nha Trang, tôi sẽ nói là tôi là dân Bến Tre, còn nói với một người ở Ba Tri (Bến Tre) thì tôi sẽ nói tôi là dân Giồng Trôm (Bến Tre). Nhưng tôi nghĩ, khi đem lịch sử vào câu chuyện, và từ đó lôi theo vấn đề chính trị, ngoại giao, thì quê hương chỉ có thể là quốc gia.

*

Trong một thế giới mà khoảng cách văn hoá ngày càng thu hẹp, "toàn cầu hoá" trở thành thời thượng đến mức gần như sáo ngữ, thì, nghĩ cho cùng, ý thức về quê hương như một toạ độ lại càng quan trọng. Bởi vì toạ độ của mỗi người là một đặc tính cá biệt của người ấy, một phần "thương hiệu" của người ấy, giữ người ấy không bị nhoà đi trong cái tầm tầm của đám đông. Ý thức quê hương như một toạ độ không có nghĩa chống đối toàn cầu hoá, nhưng là bổ túc cho tiến trình ấy, như một chiếc tàu càng xa bờ thì càng cần bản đồ, địa bàn. Toạ độ quê hương là cái bản đồ, địa bàn ấy.

Đối với người tham gia hoạt động văn hoá, một toạ độ để xác định vị trí của mình đối với một cộng đồng, một lịch sử là cần thiết. Như mọi toạ độ, nó ngăn ngừa những sự lung tung, lang bang, hỗn độn trong suy nghĩ. Nó giúp định hướng đề tài nghiên cứu, sáng tác.


Đó là nhìn từ bên ngoài. Nhưng ý niệm toạ độ, một khi nó được ý thức rõ trong nhãn quan của người làm văn hoá, còn nhắc nhở người làm văn hoá chỗ đứng của họ trong dòng lịch sử một đất nước, để nhìn một số vấn đề qua lăng kính ấy.

Cần nhấn mạnh ở chỗ "một số" vấn đề vì phải nhìn nhận rằng có nhiều vấn đề mà toạ độ quốc gia là không cần thiết (và nhiều khi làm lệch lạc cách nhìn, thậm chí đưa đến những thái độ sô-vanh dân tộc có thể có hại). Nhưng một số vấn đề khác, về xã hội, về "toàn điện" con người, thì gốc gác quê hương là không thể thiếu. Cảm tính quê hương không chỉ là một vấn đề tình cảm mà còn là một phạm trù tư tưởng.

Văn hoá phải bắt đầu từ một nhân thân, và nhân thân ấy, dù muốn dù không, gồm ký ức về quê hương như một thành tố. Quên điều ấy là lãng phí một số vốn thừa kế. Điều này không có nghĩa là phải luôn luôn lưu luyến cảm tính với quê hương, nhưng nó làm cần thiết việc xác định một thái độ với quê hương ấy. Và vâng, "xác nhận" cũng có thể là một phủ nhận, hay nói nhẹ hơn là vươn ngoài nó, nhưng ngay chính trong sự phủ nhận cũng đòi hỏi những suy nghĩ và tự phản biện. Nói khác đi, một nhà văn hoá có thể tìm một toạ độ khác ngoài quê hương của mình, nhưng trong sự xác định toạ độ mới ấy, người ấy phải quy nó về toạ độ quê hương! Nó cách xa toạ độ quê hương bao nhiêu? Và tại sao lại là khoảng cách ấy? Sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng làm văn hoá không cần toạ độ quê hương.

*

Mỗi người phải tìm liên hệ giữa mình và quê hương từ chỗ đứng hiện tại của mình. Tôi nhìn từ chỗ đứng và quá khứ của tôi, qua lăng kính nghề nghiệp của tôi. Tôi ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề toàn cầu, bởi vì dù tôi là con người Việt Nam, nhưng trước hết tôi là con người. Tôi cũng có trách nhiệm với đồng loại tôi ở mọi châu lục. Ngày xưa, khi còn chiến tranh thì trách nhiệm của tôi đối với Việt Nam thật là nặng nề, vì lúc đó dân tộc Việt Nam đúng là dân tộc "đáng thương" nhất thế giới. Bây giờ thì khác. Tuy rằng Việt Nam vẫn còn nghèo, còn khổ, nhưng phải nhìn nhận rằng có hàng tỉ người trên thế giới này còn nghèo, còn khổ hơn dân Việt Nam. Đúng trong toạ độ quê hương không có nghĩa là chẳng quan tâm đến những vấn đề toàn cầu.

Song, phải nhìn nhận, "quê hương như một toạ độ" không phải là đương nhiên cho tất cả mọi người. Đối với người sống xa quê hương, ý thức về nó là một sự lựa chọn.

Càng sống xa quê hương lâu ngày thì liên hệ với quê hương càng đòi hỏi một nỗ lực, một cố gắng mạnh mẽ. Đối với người sống giữa lòng quê hương, nó tự nhiên hơn, nhưng cũng không nên xem đó là tất nhiên rồi không nghĩ đến nó.


Điểm thú vị của hình ảnh toạ độ là vô số người có thể cùng một toạ độ ("đồng hương"!) nhưng vẫn là khác nhau, giữ nhân cách riêng của mình. Đồng hương, khi đã đi xa, luôn đồng một toạ độ, nhưng nó vẫn tôn trọng cái cá biệt, cái tư riêng.

Lấy quê hương làm toạ độ là một tự nguyện, nhưng sự hiện hữu của quê hương không là tự nguyện, bởi lẽ, dù muốn tìm một nơi khác để làm toạ độ (và nhiều người có hoài bão ấy, vì lý do này hoặc lý do khác) cũng không thể được, bởi vì "nơi khác" ấy là khác với quê hương, và phải định nghĩa từ khoảng cách với toạ độ quê hương. Chọn lựa quê hương (nhất là quê hương mà tôi đã lớn lên) để làm toạ độ không phải là một chọn lựa của cảm tính. Oái oăm thay, nhiều người sống giữa quê hương nhưng lại tìm toạ độ một nơi khác, nhưng chính sự tìm tòi ấy lại buộc chặt họ vào chỗ đứng của họ. Toạ độ quê hương là một định mệnh. Cho rằng mình không bị ràng buộc bởi quê hương là một ảo tưởng.

Sống xa quê hương một khoảng cách rất lớn và từ rất lâu, quê hương đối với tôi là cần thiết như một toạ độ. Bởi vậy, dù tôi không mang theo quê hương, nhưng sống nơi nào, đi bất cứ đâu, tôi cũng luôn luôn nhìn về nơi ấy.

Trần Hữu Dũng

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Picasso nói

Tìm thấy ở đây: 
http://www.facebook.com/groups/386193781467788/permalink/393488244071675/


50 Câu Nói Của Picasso

1. Những sự tình cờ hé lộ con người
2. Hành động là nền tảng cho mọi thành công
3. Tất cả trẻ con đều là nghệ sĩ. Vấn đề là làm sao vẫn là nghệ sĩ khi lớn lên
4. Một ý tưởng là điểm khởi đầu. Khi bạn triển khai nó, nó được chuyển hóa bởi suy nghĩ.
5. Chúng ta vẽ khuôn mặt bên ngoài, hay bên trong, hay đằng sau?
6. Nghệ thuật là lời nói dối làm chúng ta nhận ra chân lý.
7. Nghệ thuật không phải là sự áp dụng các khuôn mẫu về cái đẹp, mà do bản năng và suy nghĩ có thể cảm nhận được vượt khỏi những khuôn mẫu. Khi yêu một người phụ nũ, ta không đi đo tỉ lệ chân tay của cô ấy.
8. Nghệ thuật là sự loại bỏ những gì không cần thiết.
9. Nghệ thuật gội rửa tâm hồn khỏi những bụi bặm của đời sống hàng ngày.
10. Nghệ sĩ tồi sao chép, nghệ sĩ thực đánh cắp.
11. Màu sắc, cũng như chi tiết, theo sự thay đổi của cảm xúc
12. Máy tính thực vô dụng, chúng chỉ biết cho câu trả lời.
13. Làm học sinh thật dở hơi, chả j hay ho. Chỉ những bậc thầy mới đáng kể, những người sáng tạo.
14. Mọi hành động sáng tạo đầu tiên là một hành động hủy diệt.
15. Mọi giá trị tích cực đều trả giá… thiên tài của Einstein dẫn đến Hiroshima
16. Mọi vật đều kì diệu. Thật kì diệu là khi ta tắm trong nước, không bị tan ra như một miếng đường.
17. Mọi thứ bạn tưởng tượng được đều là thật.
18. Cho tôi một cái bảo tàng, tôi sẽ làm đầy ắp nó.
19. Chúa là một nghệ sĩ. Ông ấy tạo ra hươu cao cổ, voi, mèo. Ông ấy không có phong cách cụ thể nào, Ông ấy liên tục thử nghiệm những mới mẻ.
20. Nếu nghĩ là có thể, thì bạn có thể. Nếu không thì bạn không. Đây là một quy luật không thể bàn cãi.
21. Tôi luôn làm cái mà tôi không thể. Để tôi có thể học cách làm nó.
22. Tôi bắt đầu với một ý tưởng để sau đó, trở thành thứ khác.
23. Tôi không tìm kiếm, tôi thấy.
24. Tôi không tin và sự ngẫu nhiên. Chỉ có những sự gặp gỡ trong lịch sử, không có sự tình cờ.
25. Tôi cảm thấy kinh hoàng khi người ta nói về “cái đẹp”. Đẹp là gì? Người ta nên nói về những vấn đề của nghệ thuật thì hơn.
26. Tôi vẽ như tôi nghĩ, không phải như tôi nhìn thấy.
27. Tôi thích sống như một người ngèo, với rất nhiều tiền.
28. Nếu chỉ có một chân lý duy nhất, làm sao có thể vẽ hàng trăm bức tranh trên cùng một đề tài được.
29. Cảm hứng là có thật, nhưng chỉ khi ta làm việc.
30. Sự thông cảm là nguy hiểm nhất.
31. Công việc của bạn trong cuộc đời là điều hấp dẫn nhất.
32. Tốn nhiều thời gian để trở nên trẻ trung.
33. Tôi mất bốn năm để vẽ được như Raphael, nhưng mất cả cuộc đời để vẽ như đứa trẻ.
34. Tình yêu là điều tươi mát nhất của cuộc đời.
35. Đừng bao giờ để sự phân biệt áp đặt cuộc sống của bạn. Sự phân biệt là phải làm những thứ không thích để được niềm vui trong thời gian nghỉ ngơi của mình. Hãy tìm cách để có niềm vui không phân biệt trong công việc cũng như trong thời gian nghỉ ngơi.
36. Một người phải hành động trong tranh như trong cuộc đời vậy, trực tiếp.
37. Trì hoãn đến ngày mai chỉ những việc mà bạn muốn khi chết vẫn còn dang dở.
38. Mọi người nhìn sự vật và hỏi tại sao. Tôi nhìn vào những điều có thể xảy ra và hỏi sao lại không.
2. 39. Hội họa là nghề nghiệp của một người mù. Anh ta không vẽ những j anh ta nhìn thấy, mà là điều hắn cảm nhận. Là điều hắn tự nói với bản thân về những điều hắn thấy.
40. Hội họa là một cách để viết nhận ký.
41. Điêu khắc là nghệ thuật của những người thông minh.
42. Điêu khắc là lời bình phẩm tốt nhất mà một người họa sĩ nói về hội họa.
43. Một số họa sĩ biến mặt trời thành một đốm vàng, họa sĩ khác biến một đốm vàng thành mặt trời.
44. Sự thành công mang theo mối nguy hiểm. Lặp lại, copy chính mình. Copy chính mình nguy hiểm hơn cả copy người khác. Nó dẫn đến sự khô cứng.
45. Nghệ sĩ là cái máy thu của cảm xúc từ khắp nơi: từ bầu trời, từ mặt đất, từ một mẩu giấy, từ một cái mạng nhện.
46. Kẻ thù của sáng tạo là quan niệm về cái “tốt”
47. Sự hài hòa ẩn giấu hấp dẫn hơn là cái rõ ràng.
48. Càng vững về kỹ thuật, bạn càng không lo lắng về nó. Càng vững về kỹ thuật, càng nên đơn giản về kỹ thuật.
49. Thế giới hôm nay không mang những ý nghĩa gì, sao tôi lại phải vẽ những bức tranh mang "ý nghĩa"?
50. Không có nghệ thuật trừu tượng. Bạn luôn phải khởi đầu với một thứ gì đó. Sau đó bạn có thể lược bỏ mọi dấu vết của hiện thực.


Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Mẹo vặt ngày nghỉ lễ

Vài mẹo nhỏ để có một bình hoa đẹp:

1. Trước khi bỏ đi một bình hoa đã sắp tàn, giữ lại vài cành còn tươm tất.
2. Vào bếp lấy một lọ đựng gia vị, rửa sạch, đổ nước vào.
3. Cắt từng cành hoa cao hơn miệng lọ khoảng 5cm, rửa sạch.
4. Cắm hoa vào lọ.
5. Lấy ống kính smc DA 50 1:2 của Pentax, gắn vào body K-7, và chụp.

Và đây là sản phẩm:


#1


#2

#3

Còn đây là vài mẹo nhỏ để giữ ấm trong những ngày đông lạnh giá:  

1. Vận động liên tục bằng cách sắp xếp lại giá sách của bạn. Bắt đầu bằng cách phân theo thể loại: Thơ, tiểu thuyết, văn hoá, kinh tế-kinh doanh, lịch sử, hồi ký,... Sau khi xếp xong thì lại bỏ ra, xếp lại theo bộ: theo nhà xuất bản, theo tác giả, theo một chủ đề mà bạn yêu thích. 

2. Lấy một cuốn trên giá, chẳng hạn như Đường sống/Lev Tolstoi hoặc Lãng du trong Văn hoá Việt Nam/Hữu Ngọc, cầm trên tay trái nâng lên hạ xuống mười lần, rồi chuyển sang tay phải, nâng lên hạ xuống mười lần, rồi lại chuyển sang tay trái, cứ thế lặp đi lặp lại đến khi nào ấm thì thôi. 

3. Chui vào trong chăn và đọc Vân Vy/Thuận. 

4. Uống siro: lấy một chai Sơn Tinh (mơ vàng hoặc táo mèo) để bên cạnh chỗ ngồi, cứ nửa tiếng lại làm một ngụm nhỏ, thật nhỏ thôi nhé. 

5. Vào bếp nấu bữa tối cùng bà xã. Điều này không chỉ giúp cho bạn ấm người lúc trong bếp mà còn có thể ấm cả đêm dài. 

6. Nếu đã thử tất cả các cách trên mà vẫn chưa thấy ấm, bạn nên tìm cách chuyển vào sống trong phía Nam, Sài Gòn chẳng hạn.

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Om Mani Padme Hum/Buedi Siebert

           

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Chào 2013

Bằng nhạc của Frédéric Chopin.




2012


Một tổng kết ngắn cho 2012, nhân ngày làm việc cuối cùng của năm Dương lịch.

Mất:
- Toàn bộ những gì tích luỹ được trong vòng 8 năm trở lại đây. Nếu tính đủ thì còn là một con số âm. Nói theo kiểu của Donald Trump thì hiện tại mình nghèo hơn cả một tay đánh giày. Những gì duy nhất còn giữ lại được là cái mà người ta vẫn gọi là “kinh nghiệm”. [thật mỉa mai thay cho kinh nghiệm]

Được:
- Có nhiều thời gian hơn cho gia đình: chơi với con nhiều hơn, giúp vợ được nhiều hơn, ở nhà nhiều hơn, và bắt đầu nghĩ đến bản thân mình nhiều hơn. “Từ nay mình biết yêu mình.”
- Đọc được nhiều hơn, nếu không nói là nhiều lần hơn. Chuyển từ đọc các tác phẩm kinh tế-kinh doanh sang các tác phẩm văn học. Cuộc sống vì vậy mà nhân bản hơn, nhận thức cũng rộng hơn, và biết là trong gần chục năm qua mình đã bỏ quên mất điều gì.
- Nghe nhạc trở lại.
- Gần như không xem TV, trừ các chương trình dạy/thi nấu ăn xem cùng cả nhà.
- Có nhiều bạn bè hơn.
- Hướng năng lượng [energy] vào việc sống hơn là tồn tại.

Kết luận: Được nhiều hơn Mất. 2012 không phải là năm tận thế.